Thứ Năm, 27 tháng 3, 2008

Thơ "Sáu Tám và Sáu" và Tôi

- Duyên hay Nợ?

Tôi không biết mình có “duyên nợ” gì với thơ Sáu Tám và Sáu mà lại “dính” vào nó một cách sâu đậm như thế?

Thật ra, theo như tôi biết, thể thơ lục bát ba câu này (có người gọi là “lục bát hài cú” hoặc “hài cú lục bát”) đã có từ lâu rồi. Các bậc thi sĩ tiền bối như Bùi Giáng, Ngô Văn Tao, Trịnh Công Sơn… đã sử dụng nó trong một số tác phẩm của họ. Xa hơn nữa, một số báo Mực Tím mà tôi tình cờ đọc được có trích dẫn một bài thơ (hay là một đoạn thơ?) lục bát ba câu của thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết năm 1913 cảm hứng từ một bức tranh như sau:

“Con cóc mà đậu cành lan
Cành ngô con phượng thế gian đã thường
Có ai thương cóc thì thương…”

Như vậy, rõ ràng là tôi đã bị cái thể thơ này nó “vận” vào người lúc nào mà chẳng hay!

- Từ đâu?

Từ thuở còn học tiểu học, ngoài thơ lục bát và ca dao tục ngữ, tôi rất mê câu đối và chơi chữ. Đến thời thanh niên, tôi tình cờ đọc được bản dịch bài thơ haiku sau đây của thi sĩ Bashò, người Nhật Bản, và tôi đâm ra mê bài thơ này dù chưa hiểu hết cái hay cái đẹp mà nó muốn diễn tả:

“Nhìn kỹ,
Ta thấy một đoá nazuna nở
Bên hàng dậu!”

Thế là lục bát, ca dao, tục ngữ, câu đối, chơi chữ và haiku cứ quyện lấy nhau trong tôi. Chúng giao duyên với nhau theo năm tháng và… sinh ra các bài thơ “Sáu Tám và Sáu”, một cách chính thức, vào năm 1999. Tôi đã hứa với các bằng hữu là tôi sẽ bỏ ra một thời gian dài để theo đuổi thể thơ này cho đến khi nó thành hình. Ban đầu, một vài người khó chịu khi đọc các bài thơ “Sáu Tám và Sáu” của tôi, vì chúng ‘cụt ngũn, làm mất hứng khi đang đọc ngon trớn’, một số khác thì tỏ ra thích thú và khuyến khích tôi tiếp tục. Và “mối tình Sáu Tám và Sáu” của tôi đã kéo dài cho tới hôm nay, càng lúc lại càng khó rứt ra hơn!

- Để làm gì?

Trước khi quyết định đeo đuổi thể thơ “Sáu Tám và Sáu”, tình cờ (vẫn lại tình cờ!) tôi được đọc một mẩu tin nho nhỏ viết về một cô sinh viên người Nhật đã làm sống lại phong trào thơ haiku tại Nhật Bản qua một loạt thi phẩm haiku của mình. Thế là tôi bị “chạm nọc”, vì tôi cũng đang ưu tư không biết mình có thể làm gì để “làm mới” thể thơ lục bát dân tộc vốn đã rất tuyệt diệu rồi. Làm sống lại (hay đúng hơn là cập nhật) ca dao tục ngữ và làm mới thơ lục bát là một nỗi trăn trở của tôi từ bấy lâu. Nay như được khơi nguồn, thế là tôi quyết định “xuống thuyền ra khơi” dù chưa biết mình sẽ chèo thuyền đi được tới đâu!

Tôi ước mong những bài thơ “Sáu Tám và Sáu” nho nhỏ của mình có thể mang lại cho người đọc một “tiếng thì thầm” nào đó, hoặc là khơi gợi, hoặc là mời gọi, hay là nhắc nhở… để cả người viết lẫn người đọc cùng đi vào cõi Giao Duyên: giao duyên giữa Trời và Đất, giữa mình với mình, giữa người với người, giữa tất cả những gì có thể làm cho cuộc sống này trở nên đẹp hơn, đáng yêu hơn, đáng bỏ công cùng nhau vun đắp dựng xây hơn.

Chỉ với 20 chữ, cộng thêm một vài dấu chấm câu trong một bài lục bát ba câu; cái nhiệm vụ chuyển tải của thơ “Sáu Tám và Sáu”, theo tôi, quả là khá gay go, nhất là sức nặng của bài thơ lại thường đè lên câu Sáu cuối bài. Vì thế, tôi rất mong mỏi nhận được sự chỉ giáo và sự đồng hành của Quý Vị Văn Nhân Nghệ Sĩ, với hy vọng thể thơ “Sáu Tám và Sáu” có thể đóng góp một chút gì tốt đẹp vào trong Vườn Thơ vốn đã rất phong phú của Dân Tộc và của Giáo Hội Việt Nam chúng ta.

Vườn An Hạ, 26.03.2008
Trân trọng,
Trầm Tĩnh Nguyện

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2008

Xin Giữ Cho Nhau Ngọn Lửa Phục Sinh - GNĐT1

Cách đây 6 năm, xóm đạo của chúng tôi chưa có nhà thờ, chỉ có một mái nhà nguyện nhỏ mà vị linh mục đặc trách mục vụ gọi vui là cái “chòi thờ”. Trong cái “chòi thờ” nhỏ bé tứ bề lộng gió này cộng đoàn Kitô hữu chúng tôi - gồm các giáo dân “chúng con về từ bốn phương trời” - quy tụ nhau lại để tôn vinh Thiên Chúa và gặp gỡ nhau trong tình bác ái huynh đệ.

Vào đêm vọng Phục Sinh năm ấy, một ấn tượng thật đẹp đã in đậm trong tâm hồn tôi, mở cho tôi một cái nhìn rất gần và rất thật về mầu nhiệm Hội Thánh thông công:

Vì nhà nguyện rất nhỏ nên bà con giáo dân đứng tràn ra ngoài sân, người già người trẻ, người nam người nữ sát vai bên nhau trông có vẻ không “tôn ty trật tự” tí nào cả. Tuy nhiên mọi người tham gia dâng lễ rất sốt sắng, bởi lẽ càng khó khăn thì lòng đạo càng được hun đúc nhiều hơn. Linh mục chủ tế cử hành nghi thức làm phép lửa trước “cửa” nhà nguyện, gió thổi lồng lộng tứ phía, phải cẩn thận lắm mới giữ cho ngọn nến Phục Sinh cháy sáng. Ngọn lửa Phục Sinh được mọi người chuyển cho nhau, cũng không trật tự lắm, nhất là đối với những người đứng ngoài trời. Trẻ già lớn bé gì cũng chuyển ánh sáng Phục Sinh cho nhau. Vừa chụm đầu chụm nến vừa che tay cho gió khỏi bạt lửa tắt đi. Có cụ già đến xin lửa nơi một cháu bé. Có cậu thanh niên đến xin lửa nơi một cô thiếu nữ… Người này đến xin lửa nơi người kia. Người kia châm lửa cho người nọ. Ai cũng cố đốt cho được ngọn nến Phục Sinh của mình và cố giữ cho ngọn lửa Phục Sinh luôn cháy sáng. Phía trong lòng nhà nguyện thì giữ lửa còn tương đối dễ, còn ở ngoài trời thì thật là vất vả vì gió thổi tứ tung. Nến tắt! Người ta lại tìm đến với nhau để xin đốt lại. Rồi lại tắt, rồi lại tìm đến với nhau. Đứa bé con đứng cạnh tôi thật tốt bụng, cậu nhìn quanh để xem ai cần đốt lại nến và ân cần mang nến của cậu đến để châm lửa lại cho họ.

Lúc ấy, bỗng dưng tôi cảm nghiệm được một niềm vui tuyệt vời và mới mẻ. Cảnh tượng đang diễn ra trước mắt tôi đẹp quá, ý nghĩa quá. Đêm vọng Phục Sinh năm ấy tôi được sống một kinh nghiệm mà trước đó tôi chưa bao giờ được sống sâu xa như thế: cảm nghiệm của sự hiệp thông nâng đỡ nhau trong việc chuyển thông và gìn giữ đức tin.

Quả thật, những người hoàn toàn xa lạ với nhau, khác biệt nhau về mọi mặt vẫn có thể góp phần gìn giữ đức tin cho nhau. Những người “bé tẻo tẹo” vẫn có thể góp phần gìn giữ đức tin cho những người “tầm cỡ”... Nếu giữ được ngọn nến Phục Sinh của mình cháy sáng thì ai cũng có thể chuyển thông ánh sáng Phục Sinh mà mình đang gìn giữ sang cho người khác, bất kể mình là ai. Ngược lại, nếu chẳng may ngọn lửa Phục Sinh của mình bị tắt lịm, nếu mình chịu khó khiêm nhượng đến xin lửa Phục Sinh nơi những người khác, bất kể họ là ai, thì mình cũng sẽ thắp sáng lại được ngọn nến Phục Sinh của mình, bởi vì Ánh Sáng của Chúa Kitô Phục Sinh đã được chuyển thông cho mọi chi thể của Hội Thánh là Nhiệm Thể của Ngài.

Được thúc đẩy bởi cảm nghiệm trên đây và nghĩ tới những anh chị em Kitô hữu chẳng may không còn giữa được ngọn lửa Phục Sinh cháy sáng trong đời mình, đặc biệt là những anh chị em trong khu vực tôi đang sống, tôi đã mạo muội thay mặt họ viết lên bài thơ ngắn sau đây :

HÃY ĐỐT LÊN GIÙM TÔI
NGỌN NẾN PHỤC SINH CỦA BẠN

Viết thay cho những tâm hồn mệt mỏi

Hãy đốt lên giùm tôi ngọn nến Phục Sinh của bạn.
Bạn ơi, tôi nài xin bạn đấy!
Hãy đốt lên giùm tôi ngọn nến Phục Sinh của bạn,
và hãy giữ ngọn nến ấy luôn tỏa sáng cho tôi,
vì tôi không còn thắp lên ngọn nến của mình được nữa.
Tôi tê cóng, lạnh giá và chán nản quá rồi!
Trước kia, tôi cũng đã một đôi lần cố nhen lên tia lửa,
nhưng nến chưa kịp cháy thì ngọn lửa của tôi đã tắt rồi!
Tôi đã cố làm lại,
nhưng kết cuộc vẫn thế.
Và tôi đã thôi không thử nữa,
tôi hết kiên nhẫn và can đảm,
tôi mệt mỏi lắm rồi!
Bạn ơi, hãy đốt lên giùm tôi ngọn nến Phục Sinh của bạn,
để tôi có thể nhìn thấy ánh sáng và cảm thấy ấm lòng.
Thật đấy.
Ngọn lửa của bạn sẽ làm tôi ấm lòng và giúp tôi đủ sức
tiếp tục bước đi trong tối tăm lạnh lẻo mà không phải
bỏ cuộc giữa đường.
Tôi sẽ tiếp tục đi,
và biết đâu
một ngày kia
tôi sẽ đốt lên được ngọn nến Phục Sinh của mình!
Bạn ơi, hãy đốt lên giùm tôi ngọn nến Phục Sinh của bạn, bạn nhé!

Phục Sinh 2006

Mùa Chay và Tuần Thánh

HÃY XÉ LÒNG, ĐỪNG XÉ ÁO
(Ge 2,13)

Áo kia xé rách làm chi,
Mà lòng chai đá cứ y ngày nào!
Xé lòng là xé làm sao?


CHÍNH LÚC CHẾT ĐI
LÀ KHI VUI SỐNG MUÔN ĐỜI
(Thánh Phan-sinh Nghèo)

Sinh ra, rồi lại chết đi:
Chết đi là lúc sinh thì muôn năm.
Cõi sinh chốn tử vĩnh hằng./.


LỄ LÁ

Hôm nay nườm nượp lá hoa.
Ngày mai cuồng nộ hét la rợn người.
Tình ôi, ơi hỡi, tình ôi!


TIỆC LY

Thân này muốn xẻ làm đôi
Nửa đi, nửa ở, bồi hồi xốn xang!
Vì yêu, cho hết chẳng màng./.


RỬA CHÂN

Cho Thầy cúi xuống chân con,
Cho Trời hạ xuống chạm hòn đất đen.
Thương rồi, đâu kể sang hèn./.


VƯỜN DẦU

Đêm đen, đen đến quặn lòng.
Yêu thương rút ruột chẳng mong đáp đền.
Một mình sáng giữa đêm đen./.


TẨY ÁO
(Kh 8,14; 22,14)

Người ta tẩy với xà-bông
Chúng tôi tẩy áo ở trong Máu Người.
Áo dơ thành áo trắng tươi./.

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2008

Trở Trời

Trở trời, tôi cũng trở theo.
Cái mưa cái nắng tôi đeo vào mình.
Trở trời, tôi có trở tình?

Cám Ơn Mặt Đất

(Sau khi coi phim “10°5” về động đất)

Cám ơn mặt đất nằm yên.
Cám ơn không ngả, không nghiêng mỗi ngày.
Cám ơn mặt đất nằm ngay./.

Ước Mong

“Thương nhau cau sáu bổ ba,
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.”
Ước gì cau bổ làm đôi!

.binhan

.org .net .com
. nào nối kết cho tròn nhân gian?
. nào mang lại bình an?

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2008

Gánh Đời

Gánh mình đã muốn hụt hơi.
Gánh đời càng thấy rã rời tâm can.
Có ai gánh cả trần gian?

Thuận Thiên Giả Tồn...

Thuận theo thì tự nhiên thành,
Loay hoay cũng chỉ tan tành suy vi.
Khổ công vất vả làm chi?

Thị Tại Môn Tiền...

"Thị tại môn tiền náo"
Nguyễn Công Trứ

Sá chi cái chợ trước nhà,
Chợ trong ta mới rầy rà khó yên.
Chợ này là chợ đảo điên!

Rụng Răng

Rụng mất thêm một cái răng
Thế là bớt cắn lăng nhăng tầm phào.
Trước kia cứ cắn ào ào!