Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2008

Sống Vâng Phục

VÂNG PHỤC LÀ HIẾN DÂNG NGAY TỪ Ý NGHĨ NHỎ NHẶT NHẤT CỦA MÌNH


Những người đi tu có ba lời nguyện thề với Chúa. Một trong ba lời đó là lời khấn vâng phục.

Tôi không đi tu, vậy tôi có phải sống vâng phục không? Xin thưa rằng có chứ! Bởi vì tất cả mọi Ki-tô hữu khi nguyện kinh Lạy Cha đều đọc rằng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện (...) ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Nguyện cho ý Chúa được thể hiện trong trời đất, mà trước tiên là thể hiện ngay chính trong cuộc đời mình, tức là nguyện sống vâng phục thánh ý Chúa rồi chứ còn gì nữa? Thế nhưng, tôi không có luật dòng, không có nội quy, không có bề trên… thì làm sao mà sống vâng phục?

Thường thì tôi sống vâng phục bằng cách tuân theo lời chỉ bảo hướng dẫn của các vị có thẩm quyền trong đạo, mà cụ thể là các linh mục quản xứ, hoặc theo các chỉ thị của Hội thánh, hoặc theo những gợi ý mà Chúa gởi đến cho tôi qua ý kiến của một trung gian nhân loại nào đó…

Tuy nhiên, trong cuộc đời, không phải bất cứ lúc nào tôi cũng nhận được những “mặc khải” như thế để biết mà vâng theo ý Chúa. Đa số những giây phút của cuộc đời tôi diễn ra trong bình thường và thầm lặng. Bình thường và thầm lặng giữa chỉ một mình tôi với tôi (dĩ nhiên là Thiên Chúa đang hiện diện với tôi trong tất cả mọi giây phút, nhưng sự hiện diện ấy chỉ được hiểu một cách mặc nhiên thôi, chỉ khi có những biến cố rõ ràng nào đó thì tôi mới nhận ra sự hiện diện ấy một cách minh nhiên).

Chỉ có mình tôi với tôi. Vậy thì tôi phải sống vâng phục như thế nào? Tôi có cần vâng phục không? và vâng phục ai? Chẳng lẽ tôi lại đi vâng phục chính tôi?

Để giải đáp cho các câu tự vấn trên, câu trả lời thực tế nhất có lẽ là : “Những lúc chỉ còn mình tôi với tôi mà thôi thì sống vâng phục chính là hiến dâng ngay từ ý nghĩ nhỏ nhặt nhất của mình.”

Thông thường thì những lúc người ta không hành động, không nói năng theo sở thích thì họ quay sang suy nghĩ theo sở thích của mình. Suy nghĩ theo sở thích có lẽ là quyền hạn và cũng là niềm vui cuối cùng mà một con người có thể có được một cách hoàn toàn tự do, không bị lệ thuộc vào bất cứ một điều kiện hay một ràng buộc nào về mặt khách quan. Suy nghĩ theo sở thích cũng là phương thế sáng tạo độc lập mà con người dùng để tự thể hiện chính mình như Pascal đã nói : “Je pense, donc je suis – Tôi suy tư, vậy thì tôi hiện hữu.”

Mỗi một khi tôi suy nghĩ theo sở thích của mình là tôi đã tự thể hiện chính tôi theo sở thích của tôi. Vượt ra ngoài việc Thiên Chúa sáng tạo nên tôi, khi suy nghĩ theo sở thích, tôi “sáng tạo” nên mình theo khuôn mẫu do mình đặt ra. Và một khi làm cho mình trở thành “thiên chúa” của chính mình như thế, hỏi rằng tôi còn vâng phục Thiên Chúa nữa không?

Vâng phục Thiên Chúa là đặt mình hoàn toàn dưới sự sáng tạo của Ngài: Thiên Chúa muốn sao thì tôi cũng muốn như vậy. Và để có thể muốn theo ý Thiên Chúa thì trước tiên tôi phải tập để không còn muốn theo ý mình nữa. Và muốn tập như thế thì trước tiên tôi phải tập hiến dâng ngay từ ý nghĩ nhỏ nhặt nhất của mình. Kể từ nay, ngay từ trong ý nghĩ nhỏ nhặt nhất, tôi sẽ không suy nghĩ theo sở thích của mỉnh nữa. Để tập sẵn sàng và quảng đại hiến dâng, thì điều gì làm cho tôi thích thú trong khi suy nghĩ, tôi sẽ suy nghĩ ngược lại với điều ấy. Chắc chắn là trong khi suy nghĩ ngược lại như thế, ít ra là tôi đã không theo ý riêng của mình.

Để có thể thưa: “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành ý Chúa”, tôi phải tập nói với chính mình: “Này tôi ơi, từ nay ta sẽ không suy nghĩ theo sở thích của mình nữa !”

● Lạy Chúa, xin giúp con can đảm hiến dâng từ ý nghĩ nhỏ nhặt nhất của con. Amen ./.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2008

Chiếc Bình Sành

SÂU VÀ BƯỚM

Con sâu thành bướm thì xinh.
Con thành con Chúa thì tình nở hoa.
Cõi Trời ở cõi người ta./.


CHIẾC BÌNH SÀNH

Bình con thật quá mỏng manh,
Rạn, nứt, đổ, vỡ, tan tành… ai hay?
Nhờ Trời, còn được đến nay./.


ĐẤT TỐT

(Mt 13,23)

Đất nào màu mỡ phù sa,
Để cho lúa trổ sinh ra trăm ngàn.
Mùa màng đầy dẫy tràn lan./.


NGƯỜI ANH CHĂN CHIÊN MƠ MỘNG

Mến tặng Lm. Trăng Thập Tự

Chăn chiên nơi đỉnh đồi cao,
Anh đem Thập Tự treo vào ánh trăng.
Trọn đời dâng Đấng Vĩnh Hằng./.


CÂY VÀ HOA

Thân tặng Lm. Giuse Nguyễn Đức Trí

Cây ươm trên mảnh đất phèn
Đem về cắt tỉa nó bèn trổ hoa.
Trọn đời cảm tạ Tình Cha./.

Ai Là Chủ Đời Tôi?

Tự chủ là một bí quyết quan trọng để có thể sống một cuộc sống an định không chao đảo, bởi thế con người không ngừng nỗ lực để làm chủ đời mình : làm chủ tư tưởng, làm chủ lời nói, làm chủ hành động…

Con người cố gắng để làm chủ hiện tại và đồng thời cũng có những dự phóng để xây dựng và làm chủ đời mình trong tương lai. Tất cả những nỗ lực ấy đều rất đáng khuyến khích cổ vũ. Tuy nhiên, nếu tôi là một Ki-tô hữu thì tôi không được phép dừng lại ở đó : tôi không tự chủ đời mình để rồi tự “phong vương” cai trị lấy mình. Tôi tự chủ là để dâng hiến đời tôi làm thần dân Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài mới là Chủ Tể đời tôi, chỉ có Ngài mới thực sự có quyền định đoạt đời tôi.

Tự chủ là một đức tính tốt, nhưng nếu quá cực đoan trong nỗ lực làm chủ chính mình thì tôi sẽ dễ rơi vào các thái cực nguy hiểm : tự mãn, tự cao, tự quyết đoán… và từ đó lấy mình làm tiêu chuẩn cho chính mình cũng như cho người khác khi hành xử với họ.

Khi chọn mình làm tâm điểm, tôi mặc nhiên đánh bật Thiên Chúa khỏi vị trí phải có của Ngài trong cuộc đời tôi : tôi là chính, còn Thiên Chúa chỉ là thứ yếu ! Và một khi Thiên Chúa đã bị tôi cho “xuống cấp” thì tha nhân là gì để tôi phải yêu thương tôn trọng ? Đức ái huynh đệ của tôi vì thế cũng không còn tinh ròng nữa : tôi sẽ bắt mọi người qui phục tôi, và giả như tôi có qui phục người nào thì cũng chỉ vì một lợi thú nào đó của tôi !

Thiên Chúa mới là Chủ, còn tôi là con dân Ngài. Đó chính là chỗ đứng đích thực và xứng đáng nhất của tôi trên đời.

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết chọn Chúa làm Chủ Tể đời con. A-men ./.

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2008

Tuyết Mẫu Sơn

(Để nhớ những ngày Mẫu Sơn có tuyết, 23.02.2008)

Sàigòn áo ấm chăn bông,
Mẫu Sơn tuyết phủ một vùng lạnh tanh.
Mẹ nằm trằn trọc năm canh!

Trăng Lạnh

Rằm tháng giêng, Mậu Tý

Tháng giêng sao lạnh thế này?
Nguyên tiêu cứ ngỡ như ngày lập đông.
Sáng trăng mà buốt cả lòng!

Mậu Tý 2008

Con Chuột là con chuột vàng,
Hay con chuột trắng lỡ đàng qua đây?
Mong cho lúa gạo dư đầy ./.

Chia Tay

Con Heo từ giã ra đi
Chẳng biết nói gì, chỉ biết nhìn thôi.
Con Chuột cứ thấy bùi ngùi!

Tiễn Nhau

Đinh Hợi – Mậu Tý 2008

Con Chuột đưa tiễn Con Heo
Cho dẫu nhà nghèo, vẫn có nồi xôi.
Nay anh, rồi tới mai, tôi!

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

Một Giọt Mưa Sa

Tưởng nhớ Lê Nhật Linh

Gặp nhau đâu phải tình cờ.
Xa nhau, đã biết - vẫn ngờ chưa xa.
Linh ơi! Một giọt mưa sa.

Cõi Người Ta

(Nguyễn Du - Bùi Giáng)

"Trăm năm trong cõi người ta"
Con gà con chó chỉ là con thôi.
Bỗng dưng lại có con người!

Lại Lụt!

Lụt ở Huế - Ảnh: Gia đình Cựu Chủng Sinh Huế
(Để nhớ mùa lụt tháng 10.2007)

Mấy năm lại lụt một lần.
Nước trên, nước dưới, nước gần, nước xa…
Buồn, như nước ngập hồn ta!

Tâm Nguyện

Ước mong làm một nhịp cầu,
Yêu thương nối kết hai đầu cách ngăn.
Hiền hoà, nhẫn nhục, dịu dàng./.

Tỉnh Ngộ

Khơi khơi trăng nước mây trời,
Dửng dưng như thể giữa đời mình ta.
Đột nhiên mới thấy thiệt là!...

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2008

Lối Đi Ven Theo Bờ Vực Thẳm

Để đến với Thiên Chúa, con người chỉ có một lối đi duy nhất: đó là lối đi ven theo bờ vực thẳm của thân phận thụ tạo. Chúa Giê-su đã nói: “Hãy vào Nước Trời bằng cửa hẹp”. Quả thế, con đường dẫn đến quê trời là một con đường hẹp và dốc dác chênh vênh, tương tự như con đường lên đỉnh đồi Gôn-gô-tha với cây thập giá nặng nề trên vai. Hay nói một cách tượng hình như Nikos Kazantzakis trong cuốn tiểu thuyết về cuộc đời thánh Phan-xi-cô thành Át-xi-di : ta đang đứng trên một rẻo đất chỉ đủ để đặt bàn chân, ở giữa hai vực thẳm: một của Thiên Chúa và một của ma quỷ. Trong cái thế chênh vênh hiểm nghèo đó tôi được mời gọi để tiến lên. Tiến lên bằng cách nào? Kazantzakis trả lời : “Nhảy!”

Thánh Phan-xi-cô đã thúc roi vào con lừa của ngài, và sau vô vàn lần té qụy, ngài đã thực hiện thành công cú nhảy ngoạn mục : ngài đã nhảy vào Nước Trời !

Còn tôi, tôi là một con người cực kỳ yếu đuối. Tôi không đủ sức cũng chẳng đủ can đảm để làm một cú nhảy vọt kinh khủng như thế. Đức tin của tôi còn quá non nớt để có thể hoàn toàn phó thác vào Chúa như thánh Phan-xi-cô. Thực tình là tôi không dám nhảy ! Nhưng tôi vẫn phải tiến lên. Trên cái rẻo đất hẹp chỉ vừa đủ đặt bàn chân này, tôi vẫn phải tiến lên ! Thật là một cơn chóng mặt khủng khiếp. Tôi không dám nhìn xuống đáy sâu vực thẳm của Sa-tan, cũng không dám nhìn lên chốn vô cùng của Thiên Chúa. Tôi không đủ sức để làm như thế ! Tôi chỉ biết nhìn xuống chân mình, cẩn trọng nhích từng tí một trên cái rẻo đất chênh vênh ấy. Tim tôi thắt lại, mồ hôi vã ra, chân tôi run rẩy. Đi đứng làm sao trong tình trạng khốn khổ như thế ? Tôi hoảng sợ muốn rời bỏ cuộc phiêu lưu sinh tử này. Nhưng không thể được. Hai bên đều là vực thẳm. Rẻo đất thì quá hẹp để tôi có thể quay trở lại, và đào thoát còn đồng nghĩa với tự hủy diệt. Chỉ còn một cách duy nhất là tiến lên ! Ơn gọi làm Ki-tô hữu là như thế đó. Căng thẳng, tràn đầy nguy hiểm trong mọi giây phút. Nhưng có chấp nhận như thế thì mới đến được Đất Hứa. Giữa hai vực thẳm không còn một lối đi nào khác !

Chúa Giê-su đã nói: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Một Con Đường, một Sự Thật, một Sự Sống đòi tôi phải luôn bám chặt lấy. Rời khỏi Người là đi vào hủy diệt: “Cành nào không liên kết với Thầy sẽ bị khô héo”. Chúa Giê-su Ki-tô là Con Đường giữa hai vực thẳm. Ngài đã nhập thể, đã hiến mình chịu chết, và đã sống lại để mở ra cho nhân loại một con đường sống, một lối đi rất hẹp nhưng là lối đi duy nhất dẫn đến cứu thoát. Không có Chúa Giê-su Ki-tô, con người không cách gì vượt qua được hai vực thẳm này. “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Đức Ki-tô đã khẳng định dứt khoát như thế.

Lối đi ven theo bờ vực thẳm. Lối đi lên đỉnh Gôn-gô-tha. Lối đi duy nhất dẫn đến Nước Trời. Tôi đang đi trên lối ấy. Chênh vênh, căng thẳng. Nhưng đó là con đường dẫn đến Sự Sống. Không chấp nhận chênh vênh căng thẳng ấy thì chỉ còn cách đào thoát khỏi ơn gọi Ki-tô hữu của mình, và đào thoát có nghĩa là tự hủy diệt !

Lạy Chúa, xin cho con khiêm tốn, can đảm và trung thành tiến lên trong chênh vênh căng thẳng này. Amen ./.