Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Đến và Đi


Tôi từ đâu đến nơi đây,
Rồi tôi lại bỏ chốn này ra đi.
Đến đâu? Đâu đến? Làm gì?

***

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Ai Tốt Hơn Ai?

(Lc 18,9-14)

Gié lúa nặng bông thì trĩu xuống. Ghé lúa lép hạt thì ngẩng lên. Con người cũng có những biểu hiện tương tự như thế. Những người thật sự có tài đức, có năng lực thường ít khi nói về những thành tích của mình. Họ cũng không bao giờ so sánh mình với những người khác, nhất là với những người kém tài năng hơn mình để nâng mình lên. Những người không có thực lực thì ngược lại. Họ ưa khoe khoang về những gì mình có và những gì mình làm được. Tệ hơn, họ có thể khoe khoang ngay cả những cái mà họ không có nữa. Họ cũng thích so sánh mình với người này người nọ. Và khi so sánh, họ luôn luôn tự xếp mình vào vị trí cao nhất. Trong đời sống xã hội có không ít những con người như thế. Và đáng buồn thay, trong đời sống tôn giáo cũng không thiếu hạng người này.

***

Vào thời Chúa Giê-su, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu thường bị Chúa Giê-su quở trách nặng lời về tính tự cao tự đại của họ. Trong dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và người thu thuế”, Người dùng ngay hình ảnh một người Pha-ri-sêu hợm hĩnh khoe khoang công trạng của mình trước mặt Thiên Chúa. Ông đáng trách không phải vì những việc tốt ông đã làm, như tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần và đóng thuế thập phân cho đền thờ, nhưng ông đáng trách vì đã xem những công việc đạo đức này như những chiếc vé mang lại sự công chính cho ông. Qua lời cầu nguyện của ông, người ta thấy rõ ông làm những việc này cốt là để tự biến mình trở nên người công chính chứ không phải để thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ quê hương dân tộc. Ông giữ mình khỏi vướng vào các thói hư tật xấu cốt là để cho người khác thấy ông là người đạo đức tốt lành chứ không như những phường hư đốn đồi bại khác.

Mỗi khi ra đường, chắc hẳn ông đã kiêu hãnh ngẩng cao đầu, với khuôn mặt nghiêm trang đường bệ, với dáng đi chững chạc uy nghi, các hộp kinh thật lớn thắt trên người, các tua áo thật dài thả tung bay. Ông thấy mình thật xứng đáng để cho thiên hạ kính nể. Biết bao kẻ sống bê tha trụy lạc, còn tôi đây vẫn giữ mình trung trinh với Lề Luật. Nếu là ông là người Việt Nam, có thể ông đã cao hứng tự thưởng cho mình hai câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ông thấy mình sao mà đáng thán phục đến thế!

Bước vào đền thờ, ông đứng riêng ra, chọn cho mình một chỗ xứng đáng. Và ông bắt đầu khoe với Thiên Chúa những công trạng của mình. Những công trạng này ông đã kể cho hàng xóm láng giềng nghe không biết bao nhiêu lần rồi. Vả lại, nếu ông không kể thì người ta cũng phải biết đến chúng, bởi mỗi khi ăn chay ông đều ra vẻ thiểu não ảm đạm, còn khi đóng thuế đền thờ thì ông cũng chọn lúc có đông người chứng kiến. Nhưng đối với ông, được người ta thán phục thôi thì chưa đủ. Ông cần được Thiên Chúa chứng giám nữa cơ. Ông là người tốt lành, Chúa phải biết cho ông điều đó!

Đang hăng say khoe mình, ông chợt nghĩ đến người thu thuế đang cúi đầu đứng xó ró ở góc đền thờ. Tiện thể, ông thưa với Chúa: Đấy, Chúa thấy cái tên thu thuế tội lỗi kia không. Con đâu như hắn ta. Con tốt hơn hắn nhiều lắm. Hắn tham lam tiền bạc, gian lận thuế má, chèn ép lận lường. Ôi thôi thì đủ thứ. Con cám ơn Chúa vì con đâu giống như hắn.

Ôi ông Pha-ri-sêu hợm hĩnh tội nghiệp! Ông đâu biết rằng Thiên Chúa chẳng cần đếm xỉa gì tới những lời khoe khoang tự cao tự đại của ông. Người cần tấm lòng chứ không cần hy lễ. Người cần con tim yêu thương chứ không cần trí óc tự phụ. Tâm hồn khiêm cung tự hối của cái tên thu thuế mà ông coi chẳng ra gì kia lại làm đẹp lòng Người nhiều hơn là ông nghĩ đấy!

***

Tôi tìm thấy mình trong hình ảnh người nào trong dụ ngôn trên đây? Người Pha-ri-sêu hay là người thu thuế. Nếu đã lỡ là người Pha-ri-sêu, tôi đừng ngã lòng, nhưng hãy thành thật hoán cải và trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa. Người có thể biến sự dữ trong tôi nên sự lành. Nếu tôi thành tâm thiện chí, Thiên Chúa sẽ đập tan tính kiêu hãnh của tôi và thay vào đó một tâm tình mới. Người sẽ dạy tôi biết sống sao cho đẹp lòng Người. Còn nếu tôi đã là người thu thuế, thì tôi cũng hãy cương quyết làm lại cuộc đời. Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ mọi tội lỗi của tôi. Người đã đón nhận tấm lòng tan nát khiêm cung của tôi. Tôi hãy tin tưởng làm lại từ đầu. Với ân sủng của Thiên Chúa, không có sự gì là không thể thực hiện được. Chỉ cần tôi vững tin và phó thác vào Người, rồi Người sẽ dẫn dắt tôi bước đi trên đường nay nẻo chính. Mùa Chay là mùa thuận lợi để canh tân đời sống. Tôi hãy cộng tác với ơn Chúa để đổi mới tâm hồn mình nên công chính như Chúa vẫn mong chờ.

Lạy Chúa Giê-su, con đọc được một câu chuyện trẻ con kể rằng: Có một con diều giấy kia, nhờ trời quang mây tạnh và gió thổi thuận chiều, bay được lên cao trên bầu trời xanh. Nó kiêu hãnh nhìn xuống những con diều thật đang bay lượn phía dưới và tự nhủ: Ôi, lũ chim tầm thường tội nghiệp, chúng mầy chẳng biết thế nào là trời cao lồng lộng, chỉ biết bay lè tè quanh quẩn ở dưới thấp kia! Nó tự hào bốc cao lên nữa. Nào ngờ, gió giật đứt giây, con diều cao ngạo kia bị rơi trở lại mặt đất, rách nát tan tành. Chúa ôi, xin gìn giữ con đừng trở thành con diều giấy cao ngạo ấy. Xin cho con biết sống khiêm nhường tự hạ trước tôn nhan Thiên Chúa và trước mặt anh chị em. Amen ./.

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009

Bướm


Con sâu thành bướm thì xinh,
Con thành con Chúa thì tình nở hoa.
Cõi Trời ở cõi người ta.

Câu Trả Lời Của Ngôi Mộ Trống (Ga 20,1-9)

“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8)

Hai hôm sau ngày Chúa Giê-su chịu chết và được táng xác trong huyệt đá, trời vừa hửng sáng, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đi ra thăm mộ Chúa Giê-su và thấy tảng đá đậy cửa mộ đã bị lăn đi, còn mộ thì trống không.

Bà chạy về báo tin cho ông Si-mon Phê-rô và người được mệnh danh là “môn đệ Chúa Giê-su thương mến”. Cả ba cùng hối hả chạy ra mộ.

Họ đã cùng chứng kiến cảnh ngôi mộ trống không, khăn liệm xếp lại gọn gàng. Nhưng trong thâm tâm, mỗi người lại có những suy nghĩ khác nhau:

Bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na cứ đinh ninh rằng xác Chúa Giê-su đã bị đánh cắp (Ga 20,13-15).

Ông Phê-rô thì rất đỗi ngạc nhiên vì sự việc đã xảy ra (Lc 24,12).

Còn “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” thì tin chắc rằng Chúa Giê-su đã sống lại như lời Ngài đã tiên báo (Ga 20,9).

Cùng một sự kiện, nhưng lại có nhiều thái độ đức tin khác nhau.

Điều này vẫn thường xảy ra trong đời sống của mỗi Ki-tô hữu.

***

Sống đức tin là biết nhìn tất cả mọi việc theo quan điểm của Thiên Chúa và trong ý hướng của Thiên Chúa.

Sống đức tin là xác tín rằng Thiên Chúa đang thực hiện chương trình của Ngài xuyên qua mọi biến cố trong cuộc đời.

Nhưng làm thế nào để biết được ý Chúa?

Cách thế duy nhất và hữu hiệu nhất là sống bằng chính Lời của Ngài.

Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta biết rõ ý Chúa, sẽ giúp chúng ta củng cố, phát triển và kiện toàn đức tin.

***

Chúa Ki-tô đã sống lại, chỉ còn ngôi mộ trống không.

Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì lúc chúng ta gặp thấy ngôi mộ trống này.

Đó là những lúc chúng ta kiếm tìm một dấu chứng để củng cố lòng tin đang bị lung lay của mình.

Nhưng thay vì một chứng cớ rõ ràng, Chúa Ki-tô lại chỉ đưa ra cho chúng ta một biến cố tạo nghi vấn.

Thay vì trả lời, Ngài lại bắt chúng ta tự đặt ra câu hỏi cho chính mình:

“Như thế nghĩa là gì?”

Quả thật lắm lúc chúng ta đã bối rối phân vân trước câu hỏi bỏ ngỏ ấy.

“Chúa muốn nói gì?”

Thật khó mà xác tín được!

***

Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta trả lời câu hỏi ấy:

Cũng như cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su đã được tiên báo trong Kinh Thánh, sứ mạng của mỗi người chúng ta cũng đã được Thiên Chúa tỏ lộ bằng cách này hay cách khác trong chính cuộc đời chúng ta.

Thiên Chúa cũng đã mở sẵn cho chúng ta một tương lai bằng cách chuẩn bị cho chúng ta những bước đường trong quá khứ.

Xuyên qua những hỗn độn trong cuộc sống, Thiên Chúa đã tỏ ý của Ngài cho chúng ta bằng những biến cố bỏ ngỏ, những “ngôi mộ trống” mà Ngài đặt trước mắt chúng ta.

Muốn biết được những “ngôi mộ trống” ấy muốn nói gì, chúng ta phải duyệt xét lại quãng đời đã qua của mình, để nắm bắt những dữ kiện chính và xếp đặt chúng lại dưới ánh sáng của Tin Mừng.

Với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ nhận ra được thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình.


Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã sống cuộc sống trần gian, đã chịu chết và đã sống lại để mở ra cho nhân loại đường về cõi trường sinh.

Con tin chắc một điều là Chúa cũng muốn con sống, chết và sống lại như thế.

Nhưng để được sống lại như Chúa, con phải theo con đường nào để hiến tế bản thân con?

Đâu là đỉnh núi Sọ của con?

Xin Chúa dạy con biết nhìn để thấy được điều Chúa muốn con thi hành.

Và xin Chúa trợ giúp để con đủ nghị lực hoàn thành điều Chúa muốn.

Những lúc Chúa cho con xem thấy “ngôi mộ trống”, thì xin Chúa cũng cho con luôn nhớ rằng Chúa đã phục sinh. A-men ./.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Bữa Tiệc Tình Yêu

Bước vào Tam Nhật Thánh, chúng ta được mời gọi đi theo Chúa Giê-su đến phòng Tiệc Ly. Đây là bữa ăn cuối cùng, là lần sau hết Thầy trò được ngồi quây quần bên nhau. Nhìn những khuôn mặt thân yêu mà mình sắp phải chia tay, lòng Chúa Giê-su trào dâng thương mến. Ngài yêu thương họ quá, bởi vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Trong suốt ba năm bôn ba rao giảng, Ngài luôn là một chỗ dựa vững chắc cho họ. Họ rất nhiệt thành, nhưng họ cũng còn rất non dạ yếu lòng. Ngài đã phải giảng giải cho họ đủ điều, thế nhưng xem ra họ chưa tiếp thu được bao nhiêu. Họ chưa đủ sức để tự mình quyết định trong những tình cảnh khó khăn. Hầu như Ngài luôn phải can thiệp để giúp họ giải quyết các trường hợp khó xử. Như những môn sinh chưa đủ bản lãnh để xuống núi hành đạo, họ cần phải được nâng đỡ rất nhiều. Thế nhưng, giờ của Chúa Giê-su đã đến. Cái thời khắc quyết định để Ngài hoàn thành sứ mạng cứu thế đã gần kề. Đã đến lúc Ngài phải chia tay họ để trở về với Chúa Cha, Đấng đã sai phái Ngài xuống thế gian. Ngài sắp ra đi, nhưng tình yêu của Ngài dành cho họ thì không muốn ra đi. Tình yêu mãnh liệt này muốn ở lại với họ luôn mãi. Làm thế nào để có thể vừa về với Chúa Cha, đồng thời vừa ở lại với các môn đệ thân yêu? Đối với con người thì đây là hai ước vọng không thể đáp ứng cùng một lúc. Nhưng, như đã từng xảy ra trong biến cố Truyền Tin, đối với Thiên Chúa thì không sự gì là không thể làm được. Chúa Giê-su đã nghĩ ra một sáng kiến tuyệt vời để ở lại với các môn đệ mà Ngài yêu quý: con người sống nhờ có ăn có uống, con người cùng vui vẻ quây quần với nhau chung quanh bàn ăn. Vậy thì Ngài sẽ ở lại với họ trong một bàn ăn tương tự như buổi Tiệc Ly hôm nay. Họ sẽ chung mâm với nhau, lương thực nuôi sống tình yêu của họ sẽ là Thịt Máu của Ngài. Ngài sẽ luôn luôn có mặt với họ và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng sức sống thần linh mà Ngài đã lưu truyền sang cho họ. Bàn tiệc Thánh Thể được thành hình, và Chúa Giê-su muốn bàn tiệc này sẽ được tái diễn mọi ngày cho đến khi Ngài trở lại trong ngày sau hết. Như thế, Ngài sẽ không bao giờ xa cách các môn sinh của mình, các môn sinh mà Nhóm Mười Hai sẽ gầy dựng trong tương lai.

Tin mừng theo thánh Gio-an không thuật lại việc Chúa Giê-su lập phép Thánh Thể, thay vào đó, tác giả lại cho chúng ta tham dự vào việc Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Cả hai đều là những sáng kiến tuyệt vời của tình yêu. Khi nhập thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự hạ làm một con người. Giờ đây, trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su còn tự hạ để trở nên lương thực nuôi sống con người. Cũng vậy, khi quy tụ các môn đệ từ giới bình dân, Chúa Giê-su đã tự chọn vai trò lãnh đạo đám người quê mùa dân dã. Giờ đây, khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su còn từ bỏ vị thế của một bậc Thầy, nhận lấy thân phận của một kẻ nô lệ rửa chân cho các học trò của mình.

Các môn đệ sửng sốt trước việc làm quá bất ngờ của Thầy. Cũng như những lần khác, ông Phê-rô nhanh nhẩu phát biểu ý kiến. Ông không thể chấp nhận việc nầy. Ông không thể để Thầy cúi xuống rửa chân cho mình. Ai lại đi làm một việc ngược đời như thế bao giờ? Trò còn chưa rửa chân cho Thầy, mà Thầy lại đi rửa chân cho trò ư?

Lạy Chúa Giê-su, Thầy phục dịch trò quả là một chuyện ngược đời. Nhưng Chúa đã muốn làm chuyện ngược đời này để nêu gương phục vụ vì yêu. Muốn yêu thương cho đến tận cùng, phải chấp nhận hạ mình như thế. Khi yêu, phải quên mình đi để phục vụ cho lợi ích của kẻ mình yêu. Không làm được như thế thì chỉ là mới yêu nửa vời, yêu có chừng mực. Mà Chúa lại muốn các môn đệ của Chúa phải yêu tha nhân đến cùng như Chúa đã yêu .

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trở nên tấm bánh ly rượu để làm no lòng người khác. Chúa đã trở thành kẻ nô lệ để phục dịch người khác. Tất cả đã được Chúa thực hiện chỉ vì tình yêu. Chúa muốn con kéo dài bí tích Thánh Thể ra trong đời con bằng cách trở thành tấm bánh ly rượu nuôi dưỡng tha nhân. Chúa cũng muốn con tiếp tục công việc rửa chân mà Chúa đã làm bằng cách quên mình để phục vụ kẻ khác.

Lạy Chúa, xin giúp con quảng đại làm mọi sự vì yêu như Chúa đã yêu. Amen ./.