Các Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Nhuỵ Xuân


Nhuỵ xuân vừa ngọt vừa lành,
Ướp thêm chút nắng trên cành sớm mai.
Hương xuân toả ngát lòng ai.
*

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Nguồn Gốc Việt Nam Của "Mão/Mẹo/Mèo"


Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp ‘Mão/Mẹo/mèo’ (phần 4)


Các bài viết trước (phần 1, 2, 3) cho tóm tắt các liên hệ của tên 12 con giáp đến tên gọi các con vật trong tiếng Việt - sự tương đồng này rất dễ nhận ra từ Mão/Mẹo/mèo, Ngọ/ngựa cho đến những tiếng Việt Cổ hơn như Dần-kễnh, Thân-khôn/khọn … mà ta phải dựa trên cách thành lập chữ Hán để tìm ra. Từ bài này (phần 4 trở đi) sẽ đi vào chi tiết từng tên mỗi chi một, hi vọng sẽ cởi bỏ các lớp bụi thời gian và không gian sau bao ngàn năm để chứng tỏ rằng 12 tên con giáp rất gần với tiếng Việt chúng ta, nếu không là chủ nhân các tên con giáp. Người viết sẽ tránh dùng thuật ngữ để người đọc dễ cảm nhận các bài viết này hơn, thanh điệu của một chữ được ghi bằng số và đứng sau chữ đó, khác với cách ghi thanh điệu tiếng Việt hay phiên âm (pinyin) giọng Bắc Kinh.
1. Giới thiệu tổng quát
Mười hai con giáp cho thấy khuynh hướng xa lìa dần thiên nhiên của con người : từ 12 con thú tiêu biểu khi xưa cho đến chỉ vài con vật nuôi trong nhà (pets) hiện tại như mèo và chó mà thôi. Có những con đã ‘mất dạng’ ngay từ lúc 12 con giáp ra đời như rồng, và có những con đang từ từ ít đi như trâu, cọp … Mão hay Mẹo là từ Hán Việt (HV) chỉ chi thứ 4 trong 12 chi (thập nhị chi) - giọng Bắc Kinh (BK) bây giờ là mǎo theo pinyin (phiên âm phổ thông) viết bằng bộ tiết (bộ thủ thứ 26). Mão dùng để chỉ thời gian, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng hay tháng hai, và chỉ phương đông trong không gian. Theo thiên văn cổ Trung Hoa (TH) và ngay đến bây giờ, biểu tượng của Mão là con thỏ so với con mèo của văn hoá Việt Nam. Một cách giải thích sự khác biệt này là sự cố tình đổi chữ và âm của người TH thời tiền Hán như đã nói trong phần 2 đã được đăng (phần nguồn gốc oan trái của tên 12 con giáp, lưu trữ vào tháng 6, 8 năm 2006 trên khoahoc.net). Ngoài ra, mèo rất gần với đời sống dân ta qua những thành ngữ hay ca dao tục ngữ như ‘ăn như mèo ngửi’, ‘mèo già hoá cáo’, ‘khỉ vẫn là khỉ, mèo vẫn hoàn mèo’, ‘mèo cào không sẻ vách vôi’, ‘mèo mù vớ được cá rán’, ‘mèo vật đống rơm’, ‘mèo hay ỉa bếp’, ‘mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn’, ‘mèo nhỏ bắt chuột con’, ‘mèo nhỏ bắt chuột to’ hay ‘mèo con bắt chuột cống’ - ‘mèo vật đống rơm’, ‘mèo nào cắn mỉu nào’…và …‘con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…’
‘Con mèo con mẻo con meo
Muốn ăn thịt chuột phải leo xà nhà’
Hay ‘Mèo khen mèo dài đuôi
Chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo’
Hay ‘Mèo lành ai nỡ cắt tai
Gái kia chồng rẫy khoe tài chi em’
Và ‘Mèo hoang lại gặp chó hoang
Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai’
‘Mèo lành ở mả bao giờ
Của yêu ai có bày ra ở ngoài’
Và ‘Mèo tha miếng thịt xôn xao
Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi’
Các câu này được người viết nhắc đi nhắc lại nhiều lần
trong các bài viết vì trong đó có hình ảnh 3 con vật cũng
là biểu tượng cho 3 chi thuộc 12 con giáp, ngoài ra các câu
này rất sâu sắc cho thấy tim đen con người (trích từ cuốn
‘Tục Ngữ Phong Dao’ tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc
và ‘Từ điển thành ngữ ca dao’ Viện Ngôn Ngữ Học 1994)
Mèo được nuôi ở khắp nơi trong nước, và cũng có nhiều loại mèo hoang. Ở nông thôn, người ta thường chôn mèo chết dưới gốc cây khế chua, cho rằng như vậy sẽ làm cho khế ngọt. Từ mèo được dùng một lần trong truyện Kiều
‘Ra tuồng mèo mả gà đồng’ (câu 1731)
Cách dùng ‘mèo’ để chỉ người tình, cũng như ‘mèo mỡ’, ‘mèo thấy mỡ’… không thấy dùng trong ngôn ngữ TH, cho thấy sự rất gần gũi của loài mèo với con người Việt Nam. So với cách dùng mèo trong văn hoá TH, ta thấy trong vốn từ bây giờ có chữ miêu HV, māo/máo BK - giọng Quảng Đông là miu4, mau4, mau1, giọng Hẹ là miu2, miu5 … viết bằng bộ trỉ (loài bó sát không có chân, bộ thủ thứ 153) hợp với chữ miêu (mầm mống) hài thanh (HT) hay bộ khuyển hợp với chữ miêu HT. Tương phản với văn hoá Việt, miêu ít thấy dùng trong các thành ngữ hay ca dao tục ngữ TH - chỉ vài ba câu như
‘Miêu thử đồng miên’
(mèo chuột ngủ chung, ý nói sự a dua làm chuyện xấu)
‘Miêu khốc lão thử giả từ bi’
(mèo khóc khi chuột chết, ý nói sự đạo đức giả)
Các thành ngữ ca dao dính líu đến mèo thường mang tính cách tiêu cực trong cả hai nền văn hoá VN hay TH, như một điển tích đời Đường cho thấy
‘Lý Miêu tên là Lý Nghĩa Phú, tính nham hiểm mà
ngoài mặt vẫn giữ vẽ hiền lành nên người đương thời
gọi là Lý Miêu’ (Tầm Nguyên Tự Điển, Bửu Kế)
Nếu hình ảnh con mèo rất hiếm thấy trong văn hoá TH thì ngược lại, chúng ta thường gặp hình ảnh con thỏ hơn - một loài vật hình dạng giống như mèo như hai tai rất lớn, khối lượng (mass) cũng gần nhau … – chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi phân tách chữ viết/khắc cổ của chữ mèo và thỏ vì chữ viết (Hán Cổ, như Giáp Cốt Văn, Chung Đỉnh Văn) thường tượng hình. Lông thỏ thường dài hơn lông mèo và dùng làm bút để viết chữ Hán. Loài thỏ chịu được nhiệt độ cao nhất khoảng 32oC so với loài mèo chịu được tối đa 52oC, phản ánh loài vật sống ở miền lạnh cùng với dân du mục1 ở phương Bắc so với loài vật sống ở phương Nam ấm hơn với khuynh hướng sống về nông nghiệp.
Thỏ hay thố HV viết bằng bộ nhân cho thấy sự quan trọng của chữ này trong ngôn ngữ TH, giọng BK bây giờ là tù so với giọng QĐ tou3, Hẹ là tu5, Ngô là thu5 … Xem lại các truyền thuyết trong văn hoá dân gian ta thấy bóng đen2 trên mặt trăng ‘giống hình’ chú cuội ngồi gốc cây đa… khác hẳn với truyền thuyết TH về con thỏ trên mặt trăng nên mặt trăng3 còn được gọi là ngọc thố, thỏ bạc, thỏ ngọc, bóng thỏ (bóng trăng), thỏ phách, bạch thố (con thỏ trắng giã thuốc, ý chỉ mặt trăng) … hay thành ngữ ‘thỏ giỡn trăng’, ‘thỏ thoát’ (thoát đi như thỏ) … cũng như một số thành ngữ cổ điển HV như
‘Thỏ tử cẩu phanh’
(hễ thỏ chết thì đến lượt chó bị làm thịt, hết dùng được thì ăn đi)
‘Thổ tử hồ bi’
(thỏ chết thì ngay cả cáo/chồn cũng buồn thương)
‘Thỏ dinh tam quật’
(thỏ khôn có ba hang, có nhiều cách tính và lối thoát)
Cũng như ‘Giảo thố tam quật’
(thỏ khôn có ba hang, khôn có nhiều lối thoát)
‘Thỏ khởi phù cử’
(nhanh như thỏ và vịt trời khi khởi động)
‘Thỏ khởi ban cưu lạc’
(nhanh như thỏ chạy hay chim ban cưu đáp)
‘Thỏ ti yến mạch’
(chỉ có hư danh thôi, ‘có tiếng mà không có miếng’)
‘Thỏ tử bất ngật oa biên thảo’
(thỏ không ăn cỏ ở gần ổ, ý nói kẻ gian không lương lẹo với hàng xóm)
‘Thổ tử vi ba trường bất liễu’
(đuôi thỏ không dài ra được, ý nói một sự kiện rõ ràng ‘như ban ngày’)
‘Thủ chu đãi thố’
(khư khư chờ thỏ đến, như ‘há miệng chờ sung rụng’ việc khó đến)
Thật ra, thỏ đã hiện diện ngay trong Kinh Thi4 qua tựa một thiên là Thố Thủ (đầu thỏ),
‘Hữu thố tư thủ, bào chi táo chi’
(có đầu thỏ để quay để nướng, ý nói vật nhỏ cũng có công dụng …)
Các thí dụ trên cho thấy hai nền văn hoá VN và TH phát triển rất khác nhau qua hình ảnh mèo và thỏ. Ngay trong tiếng nói hàng ngày, tiếng Việt chỉ dùng nhóm từ sứt môi (hare lip, cleft lip) so với tiếng TH là tùchún (giọng BK hay thố thần HV, môi thỏ ý nói sứt môi giống loài thỏ)5 và chúnliè (thần liệt, môi sứt) … Tuy rất xa lạ với tộc Việt, ảnh hưởng về sau của thỏ còn thấy trong truyện Kiều, chữ thỏ được dùng hai lần so với mèo chỉ được một lần mà thôi
‘Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương’ (câu 1370)
‘Lần lần thỏ bạc ác vàng’ (câu 1269)
2. Các liên hệ hay lẫn lộn giữa mèo và thỏ
2.1 Như đã viết ở bài 2 phần ‘Nguồn gốc oan trái của tên 12 con giáp’, mãn (Việt Cổ) là mèo chỉ hiện diện trong tiếng Việt mà các dạng biến âm khác có thể là miễn, mãn, wan mà tàn tích rất hiếm trong tiếng TH như miễn (thỏ con), man (mèo hoang). Biến âm từ oan (hay môi hoá thành man) ra mãn hay miễn có thể giải thích được, nhưng từ chữ miễn trở thành thố như trong cách viết cổ thời Xuân Thu thì khó giải thích hơn – có thể các giọng địa phương bị ‘thanh lọc’ bởi nhóm nắm quyền hành thời đó, hay vì cố tình thay đổi. Trường hợp này vẫn thấy trong tiếng Việt qua cách gọi chợ Đông Ba (trước là Đông Hoa) hay cầu Bông (trước là cầu Hoa) vì kỵ huý bà Hồ Thị Hoa - mẹ vua Thiệu Trị - giọng địa phương trong trường hợp này là Thừa Thiên. Tương quan Mão-Thố còn có thể liên hệ đến cách dùng tương đương của mạo-thù (oán), mão-thủ (đều nghĩa là đầu), mạo-thụ/thọ (sống già)… Điều này còn thấy trong một cách đọc (thủ/thỏ HV)6 rất khác với âm miáo (mão, miêu HV) của thành phần HT của chữ miêu (mèo).
2.2 Ngoài ra, một chữ hiếm thấy là nâu/nậu6, viết bằng bộ thanh hợp với chữ thố, giọng BK bây giờ là nóu, nau4 QĐ, neu2 Hẹ cũng như một giọng đọc Hẹ nữa là wan5 – theo người viết chính là một dạng của âm mãn phương Nam (mèo). Chữ này có nghĩa là một tên cũ của thỏ. Xem cách viết/khắc cổ của chữ thố và miễn, ta thấy rất giống nhau (hai lỗ tai rất rõ nét) trừ một dấu phẩy ở bên phải chỉ đuôi con thỏ.
Các chữ hiếm khác như lưu, liễu HV (líu, lĭu BK) viết bằng bộ thử (chuột) hợp với chữ mão HT hay lưu HT đều có nghĩa là một loài thú có kích thước như con thỏ - điều này cho thấy cách phân loại xưa kia rất mơ hồ và rất dễ lẫn lộn. Thành ra mèo và thỏ rất dễ thay đổi cho nhau mà ít ai có thể nhận ra được !
2.3 Ta hãy xem vài tiếng vẫn còn dùng trong vốn từ TH hiện nay : thố tôn HV (tùsūn BK hay sá-lị tôn shēlìsūn BK) là một loại mèo hoang hay mèo rừng dù rằng dùng chữ thố/thỏ. Loài mèo này có lông dày làm áo lạnh rất tốt (theo Từ Nguyên). Dã miêu HV hay yĕmāo BK có nghĩa là thỏ rừng hay mèo rừng!
2.4 Ngay cả nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đều diễn giải chi thứ tư Mão bằng con thỏ, so với tự điển Việt-Bồ-La (1651) của giám mục Alexandre de Rhodes – ghi nhận giờ Mẹo (mèo) bằng con mèo trước ‘Vân Đài Loại Ngữ’ hơn cả trăm năm ! Điều này cho thấy tình trạng hỗn loạn của văn chương ‘bác học’ lệ thuộc vào tiếng TH hay HV (nâng cấp mèo thành ra thỏ), tương phản với văn chương bình dân vẫn khư khư giữ nguyên dạng cũ (mèo). Nhờ các sự sai biệt này mà ta có cơ hội để truy nguyên các chữ.
2.5 Trong khi tra cứu thêm về dữ kiện khảo cổ để viết bài này, người viết có dịp đọc qua một bản tin từ Tân Hoa (Xinhua News Agency, ngày 22 tháng Tám, 2006) trên mạng7 về các xương thú tìm thấy sau khi bị chôn sống cách đây khoảng 1700 năm. Các xương thú vật tìm thấy gồm có mèo, chó, heo, dê, trâu và trừu… Đây là lần thứ hai xương các con mèo được tìm thấy trong những mộ cổ khai quật bên Trung Hoa. Những khám phá về khảo cổ ở TH và Việt Nam rất quan trọng để kiểm nghiệm lại nguồn gốc chính xác của 12 con giáp, hỗ trợ cho kết quả từ ngôn ngữ học - tại sao không có xương thỏ ? Mèo là loài động vật ăn thịt (carnivore) và săn đuổi chuột, mà lại không ăn hại thóc lúa nên rất thích hợp cho xã hội nông nghiệp – khác với loài thỏ. Năm 2004, xương mèo và người đã được tìm thấy ở Cyprus (xem thêm http://en.wikipedia ) và tuổi ngôi mộ cổ này ước lượng cách đây khoảng 9500 năm cho thấy thời kỳ thuần hoá mèo xẩy ra khá lâu.
Tóm lại, mèo và thỏ rất dễ bị lẫn lộn mà tàn tích còn thấy trong các cách dùng trên. Có tác giả cho rằng nước Việt xưa không có thỏ, nên đổi thỏ qua mèo - người viết không đồng ý vì không phù hợp với các dữ kiện ngôn ngữ trên và sự thay đổi chữ miễn/mãn thành chữ thố. Các điều này cho thấy nguyên thuỷ chi thứ tư có thể là Mão/Mẹo/mèo và bị đổi thành thỏ, cũng phù hợp với ảnh hưởng văn hoá Cổ Đại của phương Nam (lên phương Bắc TH) trước khi TH thống nhất, thời kỳ Tần Hán và sau đó văn học Đường Tống khởi sắc và chiều ảnh hưởng lại từ phương Bắc lan ra khắp nơi.
3. Phụ âm đầu m- của Mão/Mẹo/mèo
Chữ Mão thường được dùng làm thành phần HT để tạo ra các chữ Hán khác như sao Mão (bộ nhật hợp với chữ Mão), sông Mão (bộ thuỷ hợp với chữ Mão), như liễu (cây liễu, bộ mộc hợp với Mão), mậu (mua bán, bộ bối hợp với chữ Mão) - mậu HV còn là mù, loà - để ý các âm đầu m và l … Nhưng cũng có khi đọc khác hơn như chữ lưu (ở lại, bộ điền hợp với chữ Mão), kiếu/giáo (hầm hố, bộ huyệt hợp với chữ Mão, có thể đọc là liêu/lưu) … Các dạng trên cùng với các phương ngữ TH như BK, QĐ, Hẹ, Ngô (Thượng Hải) và Hán Việt… cung cấp cho ta một số dữ kiện để có thể phục hồi một dạng âm Thượng Cổ của Mão là *mru? Phù hợp với dạng phục hồi của William Baxter trong cuốn ‘A Handbook of Old Chinese Phonology’ (1992), để ý phụ âm l có thể hoán chuyển với r , nhưng theo Bernhard Karlgren thì hơi khác với dạng *mlôg trong cuốn ‘Grammata serica recensa’ (1957). Có những tác giả khác đề nghị dạng lm- thay vì ml- như Andrew Miller chẳng hạn (1951) dựa vào các cách viết và phát âm tiếng Hán Thượng Cổ …v.v… Dù dạng gì đi nữa, ta dễ nhận ra tàn tích của âm liu- và lau- như đã ghi lại trong phần 2.2 ở trên, cũng như âm miêu của HV. Nhìn rộng ra các tiếng phương Nam chỉ con mèo như mèu (Kơho), maau (Thái), maau (Lào), chmaa (Kampuchia), maau (QĐ), māo BK … so với tiếng mèo kêu là miu, meo (Việt), miāo BK, miu (Thái) … cho thấy một tương quan khá rõ nét giữa tiếng mèo kêu và tiếng chỉ con mèo8, và đương nhiên là tiếng gọi chi thứ tư Mão/Mẹo/mèo. Vậy mà tài liệu TH từ thời tác giả Vương Sung (27-97, trong ‘Thiên Sinh luận’ cuốn “Luận Hành’ thời Hán) cho đến tận ngày hôm nay vẫn cho rằng thỏ là con vật biểu thị cho chi Mão/Mẹo/mèo !
Phụ âm đầu m có thể là tàn tích của nhóm phụ âm ml- mà ta thấy trong tự điển Việt-Bồ-La như mlầm mlở là lầm lở, mlạt là lạt, mlẽ là lẽ…với âm đầu (tiền tố) m mất đi. Mlầm còn bị ngạc hoá (palatalisation) để cho ra nhầm, mlạt > nhạt, mlẽ > nhẽ, mlớn > lớn và nhớn … Alexandre de Rhodes cũng nhận ra điều này khi ông ghi mnhầm, mnhẽ là lầm, lẽ. Khuynh hướng ml- ngạc hoá cho ra nh- giải thích được sự hiện diện của chữ nheo : mi > *nhi > nheo , lông mi chính là lông nheo. Người viết nhớ lại trong thập niên 1960, khi ảnh hưởng người Mỹ bắt đầu gia tăng ở miền Nam, trong khẩu ngữ từng dùng âm Mẽo để chỉ Mỹ/Mĩ cho thấy biến âm i-eo còn có thể xẩy ra gần đây hơn
4. Nguyên âm a và e của Mão/Mẹo/mèo
Mẹo và mèo là âm cổ hơn của Mão, các nguyên âm chính ở trước (front vowels) như e
thường là dạng âm cổ hơn của các nguyên âm sau (back vowels) như a. Thí dụ :
Xa (Hán Việt) xe (Việt) Giao HV keo V
Hoá Huế Giao kèo
Trà chè Giáo kéo
Hoạ vẽ Giáp kép, kẹp
Ma mè (vừng) Tham ken, chen
Khoa khoe Giảm kém
Báo beo Giả kẻ
Xảo khéo Trản chén
Trạo chèo Trảm chém
…v.v…
Để ý một số nguyên âm e BK bây giờ đã từng có âm cổ a, hay nguyên âm a BK bây giờ có các dạng âm cổ hơn là o, ô và u – và cũng tuỳ các phụ âm đứng trước cùng thanh điệu chứ không thống nhất như chuỗi biến âm mèo-Mẹo-Mão9. Một điểm đáng chú ý là từ mẹo còn có nghĩa là phương thức (mưu mẹo) khi viết chữ Nôm thì mượn trực tiếp chữ Mão HV. Mưu HV viết bằng bộ ngôn hợp với chữ mỗ HT, giọng BK móu so với mau4 QĐ, meu2, meu3, miu2, miau3 Hẹ và âm mẹo cũng là âm cổ của mưu HV vẫn hiện diện trong tiếng Việt. Điều này phù hợp với khuynh hướng tương đồng của nguyên âm sau so với các nguyên âm trước (o/u ~ e) cũng như a ~ e đã nói phần trên. Ngoài ra yêu10 HV viết bằng bộ nhục hợp với chữ yêu HT, yāo BK là giọng bây giờ so với jiu1 QĐ, jau1, jeu1, rau1 Hẹ, io1 (Ngô), iau1 (Minnan/Đài Loan) mà eo là một dạng âm cổ hơn được duy trì trong tiếng Việt.
5. Thanh điệu và kết luận phần 4
Nguồn gốc thanh điệu tiếng Việt vẫn gây nhiều tranh luận9, tuy nhiên liên hệ mèo-Mẹo và Mão cho thấy những thanh điệu còn lại qua một thời gian giao lưu văn hoá rất lâu. Vài nhận xét sơ khởi là mả-mồ-mộ so với mô, mu, mồng, mộng và giọng BK bây giờ mù, mú (viết bằng bộ thổ hợp với chữ mô HT) mou6 QĐ, mu5, mu6 Hẹ, mo6 (Ngô) và bong7 (Minnan/Đài Loan - để ý dạng bong7 tương ứng với bùng, bồng, bung, bổng…). Các thanh huyền, nặng và ngang đều thuộc thanh (âm) vực trầm (trọc), nhưng thanh hỏi mả cho thấy sự khác biệt do thời gian trong tiếng Việt lâu hơn nên có nhiều biến dạng hơn. So sánh các thanh điệu sau đây
Mẹo HV Mão HV đợi đãi
hoạ vẽ lợi/lời lãi
ngựa mã dị dễ
cựu cũ dụ dỗ, rũ
mạo mũ từ chữ
sợ hãi tu sửa, chữa …v.v…
Thâm HV hay shēn, shèn BK, sam1 QĐ, chim1, cim1, cihm1 Hẹ, chhim1 (Minnan/Đài Loan), sơng1 (Ngô/Thượng Hải) có các dạng khác nhau như sâm, xâm (xâm xẩm), thẳm (thăm thẳm), đậm, thầm (tối tăm)11… cho thấy tương quan thanh điệu như mả-mồ-mộ-mô trên, cũng như một liên hệ có từ rất lâu - trước thời Đường Tống khi các biến âm sh-th, s-t xẩy ra một cách hệ thống hơn và khi hệ thống âm thanh Hán Việt bắt đầu hoàn chỉnh hơn. Liên hệ mèo-Mẹo-Mão và meo cũng phù hợp với những biến đổi thanh điệu như trên : các thanh huyền (mèo), nặng (Mẹo), ngang (meo) và ngã (Mão) đều thuộc thanh vực trầm.
Một hiện tượng nên được ghi nhận nơi đây là sự rút ngắn âm cuối12 (apocope). Tác giả Lê Hữu Mục trong cuốn ‘Truyện Kiều và tuổi trẻ’ (Toronto, Canada 1998) có nhận xét về ‘…luật n/i rất nổi tiếng và tôi học được từ thầy tôi..’ (trang 93), được trích ra như sau
chui chun ngườt viết bể biển
lụi lụn xin thêm vào chả chẳng
mai khôi mân khôi tí tiểu
bí bôn mèo-mãn mơ mộng
mì miến tử/tý-tím vua vương
tươi tiên mào-mồng đã/đá đánh
tỏi toản vô-vong tệ tiền
…v.v… vu-võng mạ mắng
Hiện tượng rút gọn âm cuối cũng xẩy ra trong tiếng TH hiện nay như wú-wáng BK (vô-võng HV), nán-ná BK (nam HV), màn-mù-mò BK (mành), xìng-sōu (tân HV, đỏ) … hay khi mượn từ tiếng TH vào tiếng Nhật như hōng (hồng) thành ko-, wăng thành mo- ..
Một số tác giả cho rằng khi rút gọn âm cuối thì tạo ra thanh điệu, điển hình và đầu tiên hết là nhận xét của học giả André Haudricourt trong các bài viết từ năm 1954, sau đó Edwin Pulleyblank bổ túc thêm về nguồn gốc thanh điệu qua các dữ kiện về tiếng Hán Cổ. Thí dụ như vào đầu công nguyên, tiếng Việt không có thanh điệu và quá trính các biến âm ghi lại trong bảng sau
Đầu công nguyên Thế kỷ VI Thế kỷ XII Ngày nay
(không thanh) (ba thanh) (sáu thanh)
sla, hla hla la la
la la là là
las, lah là lã lã
pax, pa? pá pá bá
bax, ba? pá pạ bạ
…v.v…
Tóm lại, liên hệ của Mão-Mẹo-mèo có thể giải thích qua các dạng âm cổ phục hồi như trên, từ âm tiết đến thanh điệu. Để giải thích sự thay đổi từ mèo qua thỏ/thố, ta cần có liên hệ của mãn-mèo qua hiện tượng rút gọn âm và vết tích từ các văn tự cổ : chữ thố và miễn (hay mãn HV wăn BK) viết cùng một chữ trên bia khắc thời Hán và nhà thờ Vũ Lương thời Đông Hán13. Thành ra ta có cơ sở để cho rằng Mão-Mẹo đã từng là mèo, nhưng có sự thay đổi chữ viết, có thể vì cách dùng địa phương (nên triều đại đương quyền muốn chỉnh đốn lại) hay là cố tình bôi xoá nguồn gốc ‘Nam man’ của chi thứ tư chăng ? Hay có thể là đổi loài vật cho hợp với gốc du mục của nhóm cầm quyền ? Nhớ rằng chỉ có tộc Việt14 mới dùng con mèo cho chi thứ tư mà thôi, các ngôn ngữ khác bị ảnh hưởng văn hoá TH đều dùng thỏ (xem bảng so sánh – bài viết phần 2).
6. Phụ chú và tài liệu tham khảo chính
(1) Bằng cách khôi phục lại môi trường sinh sống của 12 loài vật khi đi ngược dòng thời gian, ta có thể tìm ra được phần nào địa lý (vùng không gian) mà chủ nhân của 12 con giáp đã từng cư ngụ - do đó tăng mức chính xác về nguồn gốc tên 12 con giáp từ lăng kính thời gian và không gian. Đây là một trong những vấn đề còn mở ngõ. Một thí dụ gần đây hơn là loại thỏ sống trên núi bên Mỹ, gọi là pika, vì khí hậu thay đổi và nhiệt độ tăng dần làm cho chúng phải lên miền cao hơn để sống và có hiểm hoạ diệt chủng !
(2) Các bóng đen trên mặt trăng thật ra là các thung lũng do chất lỏng nóng (lava) từ các núi lửa xưa chảy xuống. Vì có nhiều chất sắc (iron) nên trở thành màu đen nếu quan sát bằng mắt trần hay viễn vọng kính (telescope) từ trái đất. Các bóng đen này gọi là maria (tiếng La Tinh nghĩa là biển) vì các nhà thiên văn xưa kia tưởng chúng là những hố lớn chứa nước … Chính các nhà khoa học từng lầm nữa huống chi những người bình thường dùng mắt trần. Các hình ảnh trên mặt trăng không rõ ràng như trên đã tạo ra không biết bao nhiêu huyền thoại tìm thấy qua bao nhiêu nền văn hoá con người.
(3) Hằng Nga hay Thường Nga, vợ Hậu Nghệ, lấy trộm thuốc trường sinh của Tây Vương Mẫu và bay lên cung trăng ở và sống mãi không chết (chuyện Thường Nga bôn nguyệt). Tương truyền Hằng Nga là cô gái rất đẹp.
(4) Kinh Thi là một trong Ngũ Kinh nổi tiếng của TH gồm có 305 bài thơ, có bài viết từ 1000 TCN (Trước Công Nguyên) – tương truyền Khổng Tử (551-479 TCN) có đóng góp trong việc soạn lại Kinh Thi.
(5) Hiện tượng (bệnh) sứt môi ít thấy trong các loài chó, và rất là hiếm thấy trong các loài mèo. Năm 2004, một loại gen đặc biêt đã được tìm thấy làm tăng gấp 3 lần khả năng bệnh này. Thổ dân Mỹ và người Á Châu bị nhiều nhất so với dân Mỹ gốc Phi.
(8) phải cẩn thận khi so sánh những tiếng nói khi có thể chúng là tiếng tượng thanh (nhái lại tiếng động của đối tượng, sound symbolism) - rất có thể chúng không có liên hệ họ hàng (họ ngôn ngữ, language family) và các tính chất giống nhau là do sự nhái lại của cùng một âm thanh (cùng nguồn) mà thôi, hay sự trùng hợp có tính cách ngẫu nhiên (accidental). Đây là mục đích của các khảo cứu về nguồn gốc ngôn ngữ con người rất lí thú nhưng không nằm trong phạm trù các bài viết này. Để ý tiếng mèo kêu (thường lắp láy) là miaau (tiếng Afrikaans), mjau (Albani), miaou (Ả Rập), mijau (Croatia), miauw (Hà Lan), miaou (Pháp), miau (Đức), miau (Hungari), miyau (Do Thái), mya:u (tiếng Ấn Độ/Hindi), miao (Ý/Itali), meow (Thái), miyauv (Thổ Nhĩ Kỳ), miau (Ba Lan), mjau (Thuỵ Điển), myau (Nga) … so với nyaa (Nhật), ngeong (Inđônêsia), (n)ya-ong (Đại Hàn), ngoeo (Việt) …v.v… Nhưng khi xét các từ chỉ động vật như voi, chuồn chuồn, bướm, ong, mèo, cóc, vịt …cũng như tên 12 con giáp thì còn các vết tích trên trong vốn từ TH hiện nay, dù rằng rất hiếm và đã biến dạng nhiều từ âm thanh đến phạm trù nghĩa. Điều này cho thấy một kết quả của một ‘nước TH rời rạc’ đã từng tiếp xúc với các dân tộc phương Nam thời Thượng Cổ, trước khi TH thống nhất và ngôn ngữ phản ánh dân tộc cầm quyền phương Bắc mà hệ thống âm thanh rất khác so với phương Nam.
(9) xem thêm các tác giả William Baxter (sđd), Bernhard Karlgren (sđd) và Edwin G. Pulleyblank qua cuốn ‘Lexicon of reconstructed pronunciation in early Middle Chinese, late Middle Chinese and early Mandarin’ (1991), ‘Middle Chinese : a study in historical phonology’ (Vancouver, Canada 1984). Tác giả Nguyễn Tài Cẩn qua cuốn ‘Một số vấn đề về chữ Nôm’ (Hà Nội, 1985) và ‘Lịch sử ngữ âm tiếng Việt’ (Hà Nội, 1995) cũng phân tách các khuynh hướng biến âm trên như Lê Văn Quán qua cuốn ‘Nghiên cứu về chữ Nôm’ (Hà Nội, 1981)
(10) yêu HV có phạm trù nghĩa không rõ ràng : có thể là cái lưng, thận hay thường dùng hơn là cái eo. Các từ chỉ bộ phận con người như bàng (bả vai, cánh tay trên, bong bóng..), đỗ (bụng, dạ dày..), cổ (bắp vế, hông..) có nghĩa không chính xác vì quá rộng hay mơ hồ, và trải qua một thời gian rất lâu - tương ứng với hiện tượng đặt tên các loài thú như mèo-thỏ, rồng (không có định nghĩa rõ ràng), rắn (trăn, lươn ?) … Khuynh hướng phương Tây đi vào chi tiết các tên gọi như trong tiếng Anh, thỏ là rabbit, hare, pika, cottontail, bunny (hay bunny rabbit), coney (hay cony), buck (thỏ đực), doe (thỏ cái); Mèo tiếng Anh là cat, tom (mèo đực, hay tomcat), queen (mèo cái), một đàn mèo gọi là clowder …v.v… so sánh với hai chữ thỏ/thố và mèo trong vốn từ tiếng Việt. Các loài vật được phân loại theo họ, chi … theo hệ thống rõ ràng như sau (rất tóm tắt)
Phân loại Thỏ Mèo
Kingdom Animalia Animalia
Phylum Chordata Chordata
Class Mammalia Mammalia
Order Lagomorpha Carnivora
Family Leporidae Felidae
….. …. ….
Các chi được chia thành những chi động vật phụ (genus) như mèo (nhà) thuộc chi Felis, và nhánh phụ (species) là F. Silvestris …v.v… Những cách phân loại rõ ràng và dữ kiện về giải phẫu (anatomy), quá trình tiến hoá (evolution) làm cho ta dễ phân biệt hơn.
(11) thâm HV có thể liên hệ đến đêm, đen …là các tiếng thường gặp trong ngôn ngữ họ Nam Á (Austroasiatic) hay nhánh Môn-Khme. Tại sao như vậy ? Ta hãy nhìn từ đen của tiếng Mường là têm hay zơm (phụ âm t- và z- đầu, liên hệ đến t/đ- và sh-), bêtăm (tiếng Môn), tam/yong (Kơtu), đăm (Thái), đơm (Li), hitam (Mã Lai, Chăm) … so với từ đêm của tiếng Mường là lêm, têm và mlăm, pđăm (Chăm), rêm, mlăm (Thái), đăm (Nùng), đêm (Aslian), têm/tăm/đum, htêm, btêm (Môn) … cho thấy có thể các dạng trên đều cùng một gốc (phương Nam) mà ra. Trong vốn từ tiếng TH hiện nay có chữ đàm HV ít dùng với giọng BK bây giờ là tán, tam4 QĐ, tam2 Hẹ so với tham5 Ngô viết bằng bộ á nghĩa là sâu đậm. Đàm HV viết bằng bộ thuỷ hợp với chữ đàm HT nghĩa là cái đầm (sâu), đàm HV viết bằng bộ mã hợp với chữ đàm HT nghĩa là con ngựa đen... cho thấy tàn tích của *đam (đậm, đen) của phương Nam trong tiếng TH.
(12) hiện tượng rút ngắn âm cuối thường xẩy ra trong họ Ấn-Âu như trong tiếng Anh chữ morning trở thành morn, photograph trở thành photo, tên riêng Alexander trở thành Alex, Thomas thành Tom … Cinéma (tiếng Pháp) trở thành xi nê … Không những là một cách tạo ‘chữ’ mới, khuynh hướng rút gọn trên cũng là luật ngữ pháp căn bản cho một số ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha : thí dụ như uno (một) nhưng khi viết thành un mundo (một thế giới) thì âm cuối –o của uno mất đi…v.v…
(13) chữ thố/thỏ và miễn viết giống nhau thời Xuân Thu theo các tác giả Triệu Bá Bình và Thời Học Tường, chủ biên cuốn “Lâm Ngữ Thú Thoại” - bản dịch ra tiếng Việt – NXB Văn Hoá Thông Tin – Hà Nội (2005)…’ âm đọc của thố và miễn rất gần nhau, do đó người xưa đã dùng âm đọc của miễn để biểu thị chữ oan…’ (trang 489)
(14) theo từ điển ‘Việt-Mông’ tác giả Thào Seo Sình, Phan Xuân Thành và Phan Thanh – NXB Giáo Dục – Hà Nội (1999) : chi thứ tư Mão đọc là mir (mèo) hay luôr (thỏ). Dân tộc Hmông (hay Mông, Mèo, Miêu) có những đặc tính giống tộc Việt như truyền thống con rồng cháu tiên, rất thích âm nhạc (nhảy múa), dùng trống đồng trong âm nhạc cổ truyền, cũng thuộc về bộ lạc Si Vưu …v.v… Người viết chưa đọc được một văn bản hay dữ kiện khảo cổ nào liên hệ tên 12 con giáp đến văn hoá cổ đại của dân tộc Mông, cũng như dân tộc Lê (ở đảo Hải Nam, thuộc nhóm Bách Việt) vẫn còn tập tục xăm mình và gọi tên ngày theo tên 12 con giáp. Đây là những vấn đề cần phải khảo cứu thêm để soi sáng rõ nguồn gốc tên 12 con giáp thời Thượng Cổ.
Nguyễn Cung Thông

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Mừng Sinh Nhật Nhà Thơ Trụ Vũ



Yên Thi - Thi sĩ tiền bối Trụ Vũ - Trình Chương - Trầm Tĩnh Nguyện - Kao Xuyên
trong buổi họp mặt mừng sinh nhật nhà thơ-nhà thư pháp Trụ Vũ
tối 22.01.2011

Tập thơ Hành Hương Việt mới in xong, được Tiền bối trao làm quà hạnh ngộ.







*

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Con Sâu





Con sâu nó bảo nó buồn,
Còn tôi, tôi bảo tôi luôn yêu đời.
Con sâu nó sống đơn côi,
Còn tôi, tôi sống với người chung quanh.
Con sâu cắn lá trên cành,
Tôi mang nước tưới cho nhành đâm hoa.
Con sâu thơ thẩn bò ra,
Còn tôi, tôi trở lại nhà của tôi.
*

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Trống Đồng Khơi Mạch Giếng Việt


TRỐNG ĐỒNG KHƠI MẠCH GIẾNG VIỆT (KHÚC SÁO ÂN TÌNH)

Những sáng tác lớn về văn thơ hay nghệ thuật và ngay cả về khoa học, thường phát khởi từ một thần hứng trong những lúc tâm hồn thảnh thơi nhất, chứ không phải do những gắng sức lao nhọc. Người Hy Lạp diễn tả thần hứng này như một Nữ Thần. Do hình ảnh này mà họa sĩ Henri Rousseau đã vẽ thành bức "Nữ Thần Hứng của Thi Sĩ Guillaume Apollinaire", đang để trong Bảo Tàng Viện Nghệ thuật ở Phoenix, Arizona: thi sĩ đang đi dạo trong vườn tìm hứng, được Thần Hứng bật sáng trên đầu phía trái.
Quả thật, mỗi người đều cảm thấy có những lúc tràn trề hứng khởi, mà có những lúc như bị điểm huyệt kiệt sức, không còn một chút sinh khí nào cả. Nhất là những ai làm những công việc phải sáng tạo nhiều trong một thời gian dài, dễ sinh nhàm chán và bị cháy "burnt-out" như cái xe hết xăng bị chết máy hay hết nhớt bị "lột dên" nằm lì ra trên đường.
THỜI ĐIỂM GIẾNG CẠN HẾT NƯỚC
Nguồn lực cũng giống như nguồn nước vẫn sẵn có đó từ bên trong sâu thẳm, nhưng nhiều người đã bị cạn hết nước! John Sanford, một nhà phân tích tâm lý theo hướng Karl Jung đã kể một câu chuyện thật về giếng nước nhiều kỷ niệm trong cuốn ”Nước Bên Trong” (The Kingdom Within, Paulist Press).
Một hôm ông về thăm quê cũ tại một nông trại vùng New Hampshire nước Mỹ. Nông trại đó cách đây mấy chục năm về trước lúc chưa có nước máy như bây giờ, thì chỉ dùng nước giếng mà thôi. Ở gần nhà ông bà nội có một cái giếng rất nhiều nước, đủ cung cấp cho mọi nhu cầu của một nông trại lớn. Kể cả những ngày mùa hè nắng cháy mà vẫn dư nước. Nhiều kỉ niệm đẹp đã ghi lại bên giếng nước, nên lần này về thăm quê cũ, John Sanford đã tìm ra thăm giếng. Nhưng lạ thay, khi mở nắp giếng lên thì ông thấy giếng cạn hoàn toàn không còn lấy một giọt nước. Đang thắc mắc về hiện tượng này, ông liền được bà nội nói cho biết lí do. Ngày xưa càng kín nước thì nước từ mạch càng chảy ra. Nhưng lâu ngày không còn ai kín nước nữa, thì nước còn lại trở thành nước tù; riết rồi bụi bặm lắng đọng xuống vít dần các mạch. Vậy là nước cứ bốc hơi hoài mà mạch thì bị vít rồi, nước không trào ra được nữa. Thế là giếng cạn!
TỪ TRUYỆN THIÊNG GIẾNG VIỆT
Tình trạng cạn nước trong tâm mỗi người hay cuộc khủng hoảng phá sản tinh thần Việt chắc cũng có lý do tương tự. Mạch giếng đã bị vít, và giếng bị bỏ hoang không còn ai nhận ra nữa. Truyện Việt Tỉnh, tức Giếng Việt trong Bộ Truyện Thiêng Việt tộc được mở bằng một câu cho biết Giếng Việt nằm ở đâu, rồi trong suốt truyện không thấy nói gì tới giếng hay nước cả, và cuối cùng kết bằng một câu xem ra ít liên quan đến câu truyện. Đây là truyện thiêng ngắn nhất, nhưng lại là then chốt, như một tờ bửu bối chứa mật mã chỉ đường tìm kho tàng tổ tiên chôn giấu đâu đây.
“Giếng Việt nằm ở trên núi Trâu Sơn... Nay giếng bỏ hoang thành bẩn thỉu, hang thì còn trên núi Trâu Sơn. Người đời gọi là Việt Tỉnh cương”.
Việt Tỉnh Cương là phương cách khai mạch Giếng Việt, tức là đường giải huyệt phục hồi nội lực cho mỗi người, có thể so sánh phần nào với qui trình tâm lý của Karl Jung đang được áp dụng rất hiệu quả thành khoa tâm lý trị liệu (therapy) ngày nay, gồm 4 chặng, hay 4 bước chính:
1. Khai trống màn chắn vít (the unveiling of the persona). “Persona” là ngôn ngữ của Karl Jung có nghĩa là mặt nạ, phàm ngã, con người giả chặn vít khiến không nối vào được nguồn lực. Thấy được tình trạng bị vít mạch và trói buộc giam nhốt con người thật của mình, nên bằng lòng buông xả những cái gọi là cái tôi giả này.
2. Đối diện với bóng tối (the confrontation with the shadow): để ánh sáng ý thức soi chiếu là tự nhiên bóng tối biến đi.
3. Nối kết những mâu thuẫn trái ngược (relating to the animus/anima), những màu sắc xung khắc hòa hợp làm thành cầu vồng cuộc đời.
4. Tìm lại con người toàn mãn (centering of the Self).
NỐI LẠI VÀO NGUỒN NỘI LỰC
Tại sao Đường Khai Mạch Giếng Việt (Việt Tỉnh Cương) ít người đi, mạch nối vào nguồn bị vít, nên bao người xem ra cạn nước, hết sinh lực? Nhà tâm lý nổi tiếng M. Scott Peck đã trình bày lý do trong cuốn sách bán chạy hàng đầu cả hai chục năm. Đó là “Con Đường Ít Người Đi” (The Road less Traveled), cũng nói lên cái bí mật mà truyện thiêng về Giếng Việt giấu kỹ trên hang núi.
Người trẻ bây giờ vẫn bị nhận xét là mất gốc quên nguồn. Rồi thi nhau hô hào Về Nguồn. Nhưng ít người biết đâu là nguồn cội và đi bằng con đường nào để mà tìm! Thì nay nhiều nhà huyền thoại học đang cho thấy cái gốc, cái rễ, nối vào được nguồn, qua những truyện thiêng của mỗi dân tộc.
“Mất bộ truyện thiêng là mất mạch nối vào nguồn quá khứ tổ tiên, và không còn căn bản gì cho việc hình thành tiền đồ dân tộc. Dân tộc đó quả thực coi như đã mất” (Wallace Cliff, Jung and Christianity, Crossroad, trang 60).
Huyền thoại không còn là những câu truyện hoang đường nhảm nhí kể cho con nít nghe cho vui, mà chính là những biểu tượng gốc rễ, đã trở thành những truyện linh thiêng nhất của một dân tộc, vì chứa đựng bên trong một bộ nét văn hóa gốc, một bộ niềm tin chung, như những dây thừng dẫn xuống giếng, và như những mạch giếng nối được vào nguồn vô biên bên dưới.
TIN VUI GỬI NGƯỜI BỊ "CÚP" ĐIỆN
Thực ra nước Giếng Việt hay núi Trâu Sơn cũng không nằm mãi đâu xa, mà đều là những biểu tượng diễn tả núi sông, đất nước trong lòng mỗi người. Chữ nước trong tiếng Việt thật tài tình, vì diễn tả được cả nước dưới sông, và cũng là đất nước, vì nước là nơi tổ rồng ở. Karl Jung, cha đẻ của nền tâm lý học hiện đại, đã nhận xét rằng tiến trình hồi phục sức khỏe và tăng triển cá nhân hay tập thể, thường do những hình ảnh uyên nguyên thành những niềm tin gốc rễ. Những hình ảnh này là những biểu tượng từ một nguồn tiềm thức cộng thông, vượt trên những nỗ lực cá nhân, nên dễ làm rung động lòng người, vì mỗi người cũng đang chạm đến độ rung đó trong tâm khảm của mình rồi. Ngay cả Albert Einstein đã khám phá ra định luật về thời gian liên hệ không gian do hình dung mình đang cỡi trên luồng sáng du hành bằng vận tốc ánh sáng.
Đúng là thời điểm, lúc mà khoa học cũng như khoa tâm lý đều chứng minh về Nữ Thần Hứng từ Nguồn Lực. Truyền thống đạo Chúa vẫn diễn tả là được Thánh Thần soi sáng, linh ứng; Chúa chính là nguồn nước hay nguồn lực ánh sáng này. Chữ hứng khởi "enthus" do nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là nối được vào Chúa. Sở dĩ mình sống trong tăm tối và giếng tinh thần mình cạn nước là vì những mạch điện đã bị "cúp", các huyệt đạo bị điểm và chặn vít bởi những dục vọng ham hố. Như vậy tội lỗi trước hết là chặn vít mạch nối vào nguồn lực, tức làm khổ đầy đọa và giam nhốt chính mình, làm mất đi hứng khởi và chất tươi mát cuộc sống. Vì thế mà khởi đầu loan Tin Vui, Chúa Giêsu đã kêu gọi phải giải huyệt, khai thông những màn chắn vít này, để lực ánh sáng có thể rạng lên.
Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng chói lọi; và kẻ ngồi trong vùng âm u chết chóc, đã được tia sáng rạng lên... Kể từ đó, Đức Giêsu bắt đầu tuyên giảng đề tài: "Hãy hối cải, vì Nước Trời đã ở gần bên". (Mt 4:16-17)
PHÚT ĐÁNH TRỐNG KHƠI LẠI MẠCH
Quả vậy, nước Trời là vườn địa đàng hạnh phúc, là nguồn thần hứng, đã nằm sẵn trong tầm tay, trong tận đáy lòng. Chỉ cần hối cải, khai trống màn chắn vít, là nguồn lực rạng lên, như lời Chúa nói: "Nước Chúa ở trong anh em" (Lc 17:21).
Người Việt vẫn khoe về văn hóa trống đồng, nhiều người tìm cách giải thích những hình khắc ghi trên mặt trống. Thực ra, trống tự nó đã là một biểu tượng uyên nguyên có trong hầu hết các tôn giáo và truyền thống. Đạo Chúa vẫn có nghi thức đánh trống đấm ngực ba hồi cho lòng trống ra để Thần Lực Chúa trào dâng. Vì thế mà truyền thống tu đức của đạo Chúa khởi đi từ cảm nghiệm cõi trống sa mạc, hòa nhập vào cái trống diệu vợi.
Vào thời điểm bước vào thiên kỷ mới này, con người ngồi nhìn lại một trăm năm tiến bộ nhiều về vật chất, nhưng chắc chắn trong tâm đang thấy hụt hẫng mất sức về nhiều phương diện. Mắt mình có thể đang chùng xuống, trĩu nặng ưu tư, mất đi tia long lanh vào đời. Thì đây chính là lúc mình cần để giờ tìm vào nội tâm, nối lại mạch hứng khởi, hơn là những hăm hở chộp giật bên ngoài.
Mình ngồi tĩnh lặng, nhận diện được những gì đang chặn vít nội lực trong thẳm sâu tâm hồn. Mình thở ra một hơi thật dài, xả buông mọi bụi bặm ham hố phù du đang làm cho mình trở thành dầy cộm xù xì và ứ đọng ngột ngạt.
Xin Thần Khí Chúa chuyển sinh khí vào lòng con, cho nguồn lực ánh sáng rạng lên từ bên trong. Thần Sinh Khí Chúa chính là Thần Hứng của con, như mỗi lần con nhận hơi thở chuyển sức sống. Và con nghe rõ được tiếng nói vào tai: Bình an cho con, hãy nhận lấy Thánh Thần, hơi thở sinh khí.
Lm. Trần Cao Tường

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Viếng Thánh quan Don Bosco

*
***

Từ nước Ý, Thánh quan đã khởi hành ngày 25.04.2009
để đi thăm Thế Giới Salêdiêng, bắt đầu từ vùng Nam Mỹ,
rồi đến vùng Bắc Mỹ, Đông Á Châu Đại Dương (trong đó có Việt Nam),
tiếp đến vùng Nam Á, Châu Phi và Madagasca, Tây Âu, Bắc Âu,
cuối cùng là vùng Nước Ý và Trung Đông.
Chuyến hành hương của Thánh quan tại Việt Nam kéo dài từ 16.01 - 01.02.2011.

Chiều 18.01.2011,
rất đông giáo dân từ các giáo xứ đến nhà thờ Xuân Hiệp, Thủ Đức
để kính viếng Thánh quan Don Bosco





Tượng đài Thánh Don Bosco với các thanh thiếu niên

Sắc lệnh ban ơn toàn xá nhân dịp hành hương của Thánh quan

Xe chuyên dụng để chở Thánh quan hành hương


Giáo dân kính viếng Thánh quan đặt trong nhà thờ Xuân Hiệp

Ý lực sống của Thánh Don Bosco:
DA MIHI ANIMAS, CETERA TOLLE
(Xin cho con các linh hồn. Còn những sự khác, xin Chúa cứ lấy đi)

*
***

DON BOSCO đã đến Việt Nam: diễn tiến việc đón tiếp Thánh Quan Don Bosco

EmailInPDF.

Cha Tô-ma Vũ Kim Long chủ sự nghi thức đón tiếp tại khu vực Kho cảng Tân Sơn Nhất


Sau những ngày tháng chờ đợi, Thánh quan Don Bosco đã được chuyển đến Việt Nam từ Phi luật Tân trên một chiếc phi cơ nhỏ hai cánh quạt. Chuyến bay chỉ gồm hai nhân viên phi hành, và 2 nhân viên phụ trách việc di chuyển Thánh quan. Chuyến bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 12:15 sớm hơn dự tính.

Ngay khi được báo cho biết việc Thánh quan đến sớm hơn lịch trình và việc nhà Dòng được phép đưa chiếc chuyên xa và 3 người vào tận sân bay để đón Thánh quan, nên vào lúc 11:00 trưa ngày Chúa nhật 16.01.2011, cha Giám Tỉnh Giuse Trần Hòa Hưng và cha Phê-rô Phạm Văn Chính đã lên đường đi đến sân bay Tân Sơn Nhất trên chiếc chuyên xa chở Thánh quan.

Sau khi đã hoàn tất các thủ tục an ninh, chúng tôi được đưa vào khu vực trong của sân bay bằng xe riêng của sân bay, còn xe chở Thánh quan thì đậu ở bên ngoài. Khi đến nơi, chúng tôi đã thấy chiếc phi cơ chở Thánh quan đã hạ cánh rồi, và Thánh quan đã được chuyển xuống khỏi phi cơ. Thánh quan được đặt nằm trong lồng kính và trên một chiếc xe đẩy dùng vào việc di chuyển. Các nhân viên phi hành và 2 nhân viên đi theo Thánh quan đang chờ đợi chúng tôi tới để đón nhận Thánh quan.

Sau một hồi trao đổi về thủ tục hải quan cũng như một số vấn đề liên quan, chúng tôi đã được phép đưa xe Thánh quan vào trong sân bay. Nhờ sự can thiệp và giúp đỡ nhiệt tình của các ban ngành chức năng liên quan, chúng tôi đã có thể sớm đưa Thánh quan ra khỏi khu vực đậu máy bay để đi tới Kho cảng Tân sơn Nhất cũng nằm sát gần đó. Đến nơi, chúng tôi thấy các đại diện của Gia đình Sa-lê-diêng đã đứng đợi từ trước theo đúng chương trình. Mọi người ai cũng náo nức được nhìn thấy Thánh quan Don Bosco như thể chờ đợi một người cha đến thăm các con cái mình.

Khi cửa xe vừa được mở ra, mọi người đã vỗ tay và hát mừng. Thánh quan đã được nhân viên phụ trách cho di chuyển xuống đất để mọi người có thể nhìn rõ ràng. Tiếp đến, cha Phó Giám Tỉnh Tô-ma Vũ Kim Long, Trưởng Ban Tổ chức việc đón rước và cung nghinh Thánh quan, đã tiến đến chủ sự một nghi thức vắn gọn trước Thánh quan cùng với các đại diện Gia đình Sa-lê-diêng. Cuộc đón tiếp tại đây tuy đơn sơ nhưng thật sống động như thể Don Bosco đang đến và ở giữa các con cái của mình. Sau nghi thức vắn gọn, Thánh quan được để lại tại đây, còn chuyên xa chở Thánh quan cùng với cha Giám Tỉnh, cha Phê-rô và nhân viên phụ trách việc di chuyển Thánh quan, phải vòng trở lại khu vực sân bay để hoàn tất những thủ tục về an ninh khi vào sân bay. Trong lúc này, các thành phần trong Gia đình Sa-lê-diêng đã tổ chức cầu nguyện, và chụp hình lưu niệm cùng với Thánh quan theo từng nhóm riêng.

Sau khi hoàn tất thủ tục ra khỏi sân bay, chuyên xa chở Thánh quan lại vòng trở lại đường bên ngoài để vào lại khu vực Kho cảng sân bay và rước Thánh quan về Trụ sở Tỉnh Dòng tại Xuân Hiệp – Thủ đức. Cùng đi theo đoàn rước, chúng tôi thấy khoảng hơn 10 xe lớn nhỏ. Đi đầu đoàn rước là xe của Trụ sở Tỉnh dòng, tiếp đến là các xe khác và chuyên xa chở Thánh quan. Đoàn xe di chuyển chầm chậm theo lộ trình đã được hoạch định từ trước. Từ sân bay, chúng tôi lựa chọn đi theo đường Nguyễn Oanh, tới Ngã Tư ga và đi vào xa lộ Đại hàn để đi về hướng Thủ Đức. Cuộc rước Thánh quan diễn ra tốt đẹp và Thánh quan đã tới Xuân Hiệp khoảng lúc 16:15 chiều.

Khi đoàn xe đến nơi, các thành phần trong Gia đình Sa-lê-diêng, các em tu sinh, thỉnh sinh, tập sinh, và đông đảo bà con giáo dân đã chờ sẵn từ khu vực ngoài đường để chào đón. Đúng là bầu khi của một ngày lễ hội. Các bà con lương dân hiếu kỳ cũng tuốn ra đường để xem sự kiện đang diễn ra này. Mọi người hiện diện đã cùng vỗ tay và hát mừng Thánh quan trong tiếng kèn, tiếng trống và tiếng chuông của nhà thờ. Bên ngoài đường phố cũng như trong khu vực Trụ sở Tỉnh dòng, các anh em giữ an ninh trật tự cũng hoạt động rất nhiệt tình để vừa giữ được sự trật tự tôn nghiêm của buổi chào đón, vừa giữ được sự trật tự của các xe di chuyển bên ngoài.











Rất nhanh sau những phút sôi nổi của việc chào đón, bầu khí trang nghiêm đã trở lại với nghi thức cử hành trước Thánh quan. Chuyên xa chở Thánh quan đã di chuyển tới khu vực phòng Trực cổng và Thánh quan được đưa xuống khỏi xe. Ngay tại đây, cha Giám tỉnh đã chủ sự một nghi thức cầu nguyện ngắn khởi sự cho việc rước Thánh Quan vào khu vực hành lang của cộng đoàn thần học Rinaldi. Đại diện các thành phần Sa-lê-diêng cũng được mời đi vào đoàn rước cùng với cha Giám tỉnh, và các anh em Sa-lê-diêng.

Thánh quan và đoàn rước đã tiến vào khu vực bên trong, nơi đã được trang hoàng và chuẩn bị sẵn để cử hành nghi thức tiếp đón long trọng tại đây. Trên nền thảm đỏ hình chữ nhật, Thánh quan đã được đặt ở chính giữa, phía trước là bình hương, hoa, nến. Các đại diện gia đình Sa-lê-diêng được mời ngồi chung quanh Thánh quan để tham dự nghi thức. Nghi thức kéo dài khoảng nửa tiếng, sau đó là phần kính viếng cá nhân. Mỗi người lần lượt xếp hàng chờ tới lượt mình để đến bên thánh quan và cầu nguyện với Don Bosco. Cha Giám Tỉnh cùng với các cố vấn, rồi đến các đại diện của gia đình sa-lê-diêng, và sau cùng là bà con giáo dân. Bầu khí buổi tiếp đón diễn ra thật trang nghiêm sốt sắng và cảm động.

Sau phần kính viếng, Thánh quan được di chuyển vào khu vực lễ đài tại sân thể thao nơi sẽ diễn ra việc cử hành thánh lễ long trọng vào lúc 18:00 chiều.

Văn Chính, SDB tường thuật



Xem thêm hình ảnh Thánh quan:

Xem You Tube: