Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Đà Lạt: Xây "Vạn Lý Trường Thành" trong khu du lịch?




"Vạn Lý Trường Thành Đà Lạt"?


Một người bạn của tôi khi đến Khu du lịch Đồi Mộng Mơ (Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã vội vàng gọi điện thông báo cho tôi một tin thật sửng sốt: Trong khu du lịch Đồi Mộng Mơ người ta xây hẳn một đoạn Vạn Lý Trường Thành dài mấy trăm mét làm "điểm nhấn"(?). Có cả một đội quân tượng về lính của Tần Thủy Hoàng ở đó nữa.

Nghe xong, tôi thấy bàng hoàng, bán tín bán nghi và quyết trực tiếp đến "hiện trường" để xác minh sự thật.
Đến khu du lịch Đồi Mộng Mơ nổi tiếng của Đà Lạt, tôi thật sự bất ngờ với khung cảnh và những gì người ta xây dựng nơi đây. Điều đầu tiền đập vào mắt khiến tôi bắt đầu tin lời anh bạn thông báo: Tấm bảng ngay cổng vào liệt kê các hạng mục tham quan trong khu du lịch, trong đó  dòng thứ ba từ trên xuống ghi rõ ràng: Vạn Lý Trường Thành.

Đi sâu vào phía sau khu du lịch, tham quan qua một vài hạng mục đại loại như cây Vĩnh hằng, nhà cổ, bàn xoay, vườn thú lạ... thì đến một lối đi được xây dựng chắc chắn bằng bậc tam cấp, hai bên được xây thành cao theo đúng "bản sao" Vạn Lý Trường Thành.

Tường thành này là công trình xây dựng đồ sộ nhất. Nhìn sơ cũng có thể thấy ý đồ của những nhà quản lý khu du lịch là muốn xây dựng "tường thành" này làm "điểm nhấn" cho toàn bộ khu du lịch.

"Vạn Lý Trường Thành Đà Lạt" được xây dựng khá dài, khoảng 300m, uốn lượn, vắt vẻo từ ngọn đồi bên này, sang đến ngọn đồi bên kia của toàn khu. Ở hai đầu "trường thành" cũng được xây dựng cổng thành hẳn hoi, có hình vuông, mỗi bề khoảng 3m, cao hơn tường thành. Bên trên cổng thành còn có hai tượng lính kiểu cổ xưa của Trung Quốc đứng canh thành với giáo mác trong tay.

Đi từ phía thành bên trái khu du lịch xuống dưới hẻm núi, nơi có lối dẫn tới làng văn hóa dân tộc, nơi trưng bày các lọai công cụ, đồ gốm, rượu cần, nhạc cụ của người dân tộc ở vùng cao nguyên xung quanh đỉnh Langbiang, thì tấm bảng ghi "làng văn hóa dân tộc" lại được gắn trên cổng của "Vạn Lý Trường Thành".

Bất ngờ hơn, bởi nơi một cái cổng cạnh đó nữa, người ta khắc dòng chữ nổi tiếng khắp thế giới: "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán". Đây đích thị là ý muốn "dựng" Vạn Lý Trường Thành giữa cao nguyên Đà Lạt chứ không phải là nhầm lẫn nữa.
Hay đó chính là 1 công trình văn hóa du lịch, một sáng kiến mang tâm lý "vong bản" đáng xấu hổ?

Cách cái cổng có dòng chữ "Bất đáo..." ấy vài bước chân, giữa một đám cỏ bên cạnh Trường Thành là một nhóm quân tượng được dựng nên, với hình hài, áo mão, vũ khí trong tay. Đặc biệt là "cái thần" trên khuôn mặt của những quân tượng này như đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để "giữ" thành vậy.

Dẫn đầu đội quân ấy có hẳn một tay tướng chỉ huy đàng hoàng. Tất cả có bề ngoài như đội quân của Tần Thủy Hoàng từng được dựng trong phim ảnh Trung Quốc. Điều đáng nói là tất cả "Trường Thành, "toán lính" này nằm sát bên 1 nhà trưng bày và 1 sân khẩu biểu diễn cồng chiêng. Nơi mà khu du lịch vẫn thường tổ chức cho du khách khi có yêu cầu.

Khi bếp lửa bập bùng với tiềng cồng chiêng của núi rừng vang lên ở đây, thì những "tượng lính" nằm bên cạnh có thể "canh giữ" cho cuộc vui ấy?

Thật là lạ. 1 công trình văn hóa nằm trong 1 khu du lịch nổi tiếng, được xây dựng đã nhiều năm, được các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phê duyệt hẳn hoi, lại "ngoại lai" đến mức... đáng kinh ngạc như thế?

Hội chứng bắt chước hay tâm lý "vong bản"?

Ai cũng biết, 1 công trình văn hóa du lịch cho cộng đồng, điều trên hết nó phải mang tính giáo dục- giáo dục thẩm mỹ, giáo dục về cội nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc... cho bất cứ ai đến thăm, vui chơi, nhất là với thế hệ con cháu chúng ta.

Cái điều quá đỗi đơn giản ấy lại được những người "giàu trí tuệ" dựng lên đây một công trình "Trường Thành" hoàn toàn của Trung Quốc. Thử hỏi những ai là "tác giả" của công trình ngoại lai này, và muốn giáo dục điều gì cho mọi người?
Liệu có phải đây là "hội chứng" do xem qua nhiều phim ảnh Trung Quốc, nên người ta "a dua" một cách mù quáng không? Hội chứng a dua kiểu ấy chỉ có thể chấp nhận được nếu đó là trẻ con. Hay như các chị em phụ nữ ta thường  "hâm mộ" các tài tử điển trai trêm phim ảnh xứ Hàn.

Nhưng những nhà quản lý chính quyền, quản lý văn hóa du lịch ở Đà Lạt, chả lẽ cũng lại ngây thơ đến nỗi cũng "nhiễm bệnh" như thế?

Thật đau lòng và xấu hổ. Đứng xem đoạn "Vạn Lý Trường Thành Đà Lạt" 1 lúc, tôi đã chứng kiến hàng trăm người, từ già trẻ, lớn bé thi nhau đứng ở mọi góc độ của "trường thành" này để chụp hình lưu niệm.

Có người còn cho trẻ con khoác lên mình những bộ đồng phục, mũ mão của "Hoàng Châu Cách Cách" ngay tại quầy phục vụ của khu du lịch bên cạnh, để đứng lên "cổng thành" chụp hình lưu niệm nữa. Thật tội nghiệp cho khách du lịch.

Họ chỉ biết những đọan tường thành, cổng thành, quân tượng, những bộ đồng phục đỏ đỏ, vàng vàng ấy "đẹp" thì  chụp thôi. Họ đâu có tội gì? Tội là của những người đã "dựng" lên cái công trình "ngoại lai" này, trong khi thành, lũy của bao nhiều triều đại kiêu hùng của ông cha ta thì họ không xây nổi một mét.

Hay đó chính là 1 công trình văn hóa du lịch, một sáng kiến mang tâm lý "vong bản" đáng xấu hổ?

Trần Trung Sơn
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-07-29-da-lat-xay-van-ly-truong-thanh-trong-khu-du-lich-

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Vào xem kho cổ vật giá trị của đại gia xứ Thanh



Thứ sáu 22/07/2011 07:58
ANTĐ - Hàng nghìn cổ vật giá trị, có những cổ vật có một không hai cách đây khoảng 2500 đến 2000 năm giờ đây được để ngay ngắn trên nhung đỏ tủ kính trong gian phòng của một đại gia.

Kho tàng di sản văn hoá Thanh Hoá- một bộ phận trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc - hết sức phong phú và đa dạng, là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người con quê hương xứ Thanh. 

Với ý thức gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá quê hương đối với thế hệ hôm nay và mai sau, chúng tôi đã nhiều năm dày công nghiên cứu, tìm tòi, thu thập hàng ngàn hiện vật, gồm các sưu tập hiện vật bằng đá, đồng, gốm, gỗ, giấy.

Bảo tàng cổ vật Hoàng Long ra đời minh chứng cho chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa - thông tin nói chung và bảo tàng nói riêng. Giờ đây hoạt động bảo tàng không dừng trong phạm vi nhà nước, mà còn có lực lượng nhân dân tham gia; góp phần hạn chế vấn nạn đang "chảy máu cổ vật" ở nước ta. Chủ nhân của kho tàng này là anh  Hoàng Văn Thông ở TP Thanh Hóa.
Thanh Hóa là địa phương có nhiều nền văn hóa, trong đó nền văn hóa Ðông Sơn, là nơi phát tích nhiều vương triều, có lúc là kinh đô đất nước. Chiếc rìu đá cách đây mấy nghìn năm, trống đồng, thạp đồng, kiếm đồng Ðông Sơn, chiếc đĩa thời Lý, thạp hoa nâu thời Trần, đều có ở Thanh Hóa và có trong bộ sưu tập của anh Hoàng Văn Thông. Theo thống kê, anh có hơn 5.600 di vật, cổ vật.
 
Hươu đồng có hoa văn trên cổ có từ thời văn hóa Đông Sơn cách đây từ 2500- 2000 năm
 
Gương đồng mặt nổi có hoa văn thú hạc, mặt sau được đánh bóng để làm gương soi
 
Đầu chim ưng bằng đồng
 
Bảo tàng có hàng chục chiếc trống đồng nhỏ, to từ thời văn hóa Đông Sơn
 
Chiếc thạp đồng
 
Các loại rìu đồng hình lưỡi mác, hình cánh buồm cách đây 2500-2000 năm
 
Lục bình bằng đồng từ thời văn hóa Đông Sơn
Kiếm lệnh là hiện vật chỉ dành riêng cho thủ lĩnh và những người có chức tước trong xã hội thời bấy giờ. Khi kiếm được giơ lên là mệnh lệnh phát động cho một cuộc giao chiến. Kiếm dài 44cm, mùi nhọn, trên đầu kiếm là cán gỗ và có lục lạc là những quả chuông kiếm được chế tác bằng đồng.
Bình đốt trầm đầu rồng bằng đồng có cách đây từ 2500-2000 năm
  
Dao găm bằng đồng từ thời văn hóa Đông Sơn
 
Trống đồng từ thời văn hóa Đông Sơn
Ánh Nguyệt

***
*

Bảo tàng cổ vật của ông Thông “gàn”


Chủ nhật, 03 Tháng mười hai 2006, 15:05 GMT+7
Theo Luật Di sản văn hóa (đã ban hành và có hiệu lực gần năm năm), Nhà nước cho phép mở các bảo tàng tư nhân, nhưng đến nay ở nước ta chỉ vỏn vẹn có ba bảo tàng tư nhân, trong đó có bảo tàng cổ vật Hoàng Long của ông Thông “gàn”.
Ông Thông “gàn” kể: - Những ngày ấy, khi kinh tế gia đình còn hết sức khó khăn, mỗi lần mua được món cổ vật mang về tôi phải lén vợ, cất nhẹm vào một góc bếp kín đáo hoặc phải đào hố để giấu. Có hôm vợ tôi phát hiện một món cổ vật tôi mới mua trị giá hàng tạ gạo, cô ấy la toáng lên: “Ông đem hết gạo mà đi đổi cổ vật, để mẹ con tôi chết đói cho xong!”.
Cái tên Thông “gàn” là do người đời đặt cho ông Hoàng Văn Thông, 52 tuổi, ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, giám đốc Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long. Suốt hơn 20 năm qua, ông đã chắt bóp từng đồng để tạo dựng bảo tàng này.
Từ niềm đam mê...
Bao tang co vat cua ong Thong gan
Hai chiếc thạp đồng thời kỳ Đông Sơn
Làm nghề xây dựng, ông Thông thường nhặt được đồ đồng, đồ gốm vương vãi từ những hố móng công trình hay khi san ủi đường sá, từ đó ông chọn lựa cất giữ. Lúc rảnh rỗi, ngắm nhìn những hoa văn tinh xảo, chất men đẹp đến lạ lùng của cổ vật, ông Thông bắt đầu tìm mua tài liệu về đọc, nghiên cứu và dần dà đam mê lúc nào không hay. Từ đó, mỗi khi gặp được món mà mình yêu thích, đắt mấy ông cũng tìm cách mua. Ông còn chọn được hơn 200 cây cổ thụ, cây quí hiếm có tuổi cả thế kỷ về trồng và mua ngôi nhà sàn gần 200 năm tuổi để dựng tại khu “Rừng trong phố”, làm nơi trưng bày cổ vật. Ông Thông cho biết:
- Qua tìm hiểu tôi được biết Thanh Hóa là đất khởi phát nhiều nền văn hóa lâu đời, trong đó có văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Đây cũng là nơi phát tích nhiều vương triều, có lúc lại là kinh đô đất nước. Hiện nay trong bộ sưu tập của tôi có những chiếc rìu đá cách đây hơn 2.500 năm; thống đồng, thạp đồng, kiếm đồng thời Đông Sơn; đĩa thời Lý, thạp hoa nâu thời Trần, và ngay cả bát đồng thời Hán, đĩa gốm thời Minh... cũng có ở Thanh Hóa.
Có hai kỷ niệm liên quan đến sưu tầm cổ vật mà tôi không bao giờ quên. Năm 1992, khi đào móng xây dựng công trình ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (vùng đất chúa Trịnh xưa) công nhân gặp một cái am. Đặc biệt là máy xúc múc lên được một con rắn thân hình trong suốt như pha lê, nhìn thấy cả xương và mạch máu. Anh em thợ sợ quá hỏi tôi có tiếp tục làm nữa không.
Bao tang co vat cua ong Thong gan
Bộ trống đồng Đông Sơn tám cái
Tôi nghĩ: nếu không đào lên, trong am có cổ vật thì lâu ngày sẽ bị mục nát nên tôi xin ý kiến chính quyền địa phương, xong thắp hương khấn vái rồi đào tiếp. Đúng là bên trong cái am đó có những trống đồng, đồ đồng quí giá. Năm 1996, khi đi công tác ở huyện Thạch Thành, nghe đồng bào cho biết có ông già vừa đào được một chiếc bát cổ. Tôi vội đi xe ôm vào nhà ông cụ để hỏi mua.
Mới xem qua không có gì đặc biệt, nhưng khi soi bát ra ánh nắng những nét hoa văn chìm màu xanh lam tuyệt mỹ hiện lên. Tự dưng người tôi như bị cảm, toát mồ hôi, sởn gai ốc, ngồi một lúc mới bình tĩnh lại. Tôi gửi ông cụ 5 triệu đồng để mua chiếc bát ấy. Tuy bát chưa được giám định nhưng một số nhà chuyên môn đã nhận xét nó thuộc hàng báu vật.
Hiện nay, trong bảo tàng của ông Thông có hơn 6.000 cổ vật, trong đó có 830 cổ vật đã được giám định, công bố niên đại. Lâu đời nhất là chiếc rìu đá mũi nhẵn, có tuổi khoảng 4.000 năm. Được ông Thông quí nhất là bộ đồ đồng, đồ gốm Đông Sơn gồm: lưỡi cày, cuốc, rìu xéo gót tròn hình bàn chân, rìu xéo hình thuyền... được trang trí hoa văn sinh động; các loại vũ khí giáo, mác, mũi tên, kiếm, trong đó có một chiếc kiếm Đông Sơn (dài 69cm) cán có hình người đội mũ chóp nhọn, tai đeo vòng là loại cực hiếm hiện nay.
Riêng trống đồng Đông Sơn, hiện ông Thông có tám chiếc đủ cỡ còn nguyên vẹn, với nhiều hoa văn trang trí tinh xảo. Bên cạnh đó, ông Thông còn có bộ đồ đồng đẹp mê hồn gồm: đỉnh ba chân, bình ba chân, gương (thuộc giai đoạn văn hóa Việt- Hán vào những năm trước thế kỷ 10) và bộ đồ gốm thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn (bát, đĩa, thạp, lọ...).
“Năm 2001 trong chuyến đi Nha Trang, thấy một chiếc bát hương rất đẹp, tôi đã bỏ ra 7 triệu đồng để mua. Về sau, qua giám định, hóa ra chiếc bát hương này là cổ vật có một không hai ở nước ta. Năm ngoái có một người ở Huế ra hỏi mua chiếc bát hương này với giá hai bên thỏa thuận, nhưng tôi nói dù được giá mấy tôi cũng không bán. Tất cả các di vật, cổ vật đã mua, tôi chưa bán lại cho ai bao giờ” - ông Thông “gàn” tâm sự.
... đến xây dựng bảo tàng
Bao tang co vat cua ong Thong gan
Khách tham quan đồ gốm, sứ
Trong nhiều năm qua, khu “Rừng trong phố” của ông Thông là nơi sinh hoạt văn hóa, trao đổi kinh nghiệm của gần 100 hội viên và người sưu tầm cổ vật thuộc Hội Cổ vật Thanh Hóa. Phòng trưng bày cổ vật rộng 200m2, với thiết kế trang trọng, phù hợp không gian của bảo tàng đã và đang thu hút rất đông du khách là nhà nghiên cứu, những người đam mê cổ vật, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
Được sự khuyến khích của bạn bè và những người đồng hội đồng thuyền, ông Thông bàn với gia đình và quyết định xin thành lập bảo tàng tư nhân. Với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa, chỉ trong thời gian ngắn UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long. Và ngày 19-11 vừa qua, Bảo tàng Hoàng Long đã chính thức ra mắt công chúng tại số 41 đường Đội Cung, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa).
Để duy trì hoạt động thường xuyên của bảo tàng, ông Thông đã ký hợp đồng tuyển bốn lao động (gồm ba bạn trẻ vừa tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, một cán bộ của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thanh Hóa) làm việc lâu dài để hướng dẫn, giới thiệu hiện vật với khách tham quan. Song Bảo tàng Hoàng Long sẽ còn phát triển hơn nữa theo lời ông giám đốc:
- Tôi đã lên kế hoạch và có bản thiết kế xây dựng cơ sở vật chất mới cho Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long trong thời gian tới, với tổng số vốn đầu tư là 6 tỉ đồng. Bảo tàng sẽ gồm bốn tầng: tầng 1 làm nơi ẩm thực, tầng 2 dành cho hội nghị, hội thảo, tầng 3 và tầng 4 dùng trưng bày cổ vật, còn tầng hầm để bảo quản hiện vật.
Hiện Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long luôn mở cửa đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan miễn phí.
Bao tang co vat cua ong Thong gan
Năm năm trước, chính ông Thông “gàn”, chủ sở hữu chiếc trống đồng lớn nhất VN, là người khởi xướng việc phiên bản trống đồng Ngọc Lũ. Ngày 8-11 vừa qua, chào mừng sự kiện VN gia nhập WTO, các nghệ nhân đúc đồng làng Trà Đông, xã Triệu Trung do anh Lê Văn Bảy, 41 tuổi, đảm trách khâu kỹ thuật, đã thực hiện thành công phiên bản trống đồng Ngọc Lũ có kích thước: cao 1,21m, đường kính mặt trống 1,51m, đường kính tang trống 1,55m, đường kính đáy 1,54m. Phiên bản này đang được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long.
TRIỆU LONG
(+) Hai bảo tàng còn lại là Bảo tàng mỹ thuật Đức Minh ở số 31C Lê Quý Đôn, quận 3, tại TP.HCM và Bảo tàng nông cụ của ông Trần Phú Sơn ở Vân Hồ, Hà Nội.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Sư tử đá Trung Quốc chễm chệ trong chùa Việt Nam?

Thực tế đã xuất hiện những “mẫu” sư tử do một số cơ sở điêu khắc đá sao chép từ mẫu sư tử đá mà người ta bắt gặp đâu đó trong phim ảnh Trung Quốc, được một số người tiến cúng vào các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dẫn đến những so sánh không tránh khỏi sự khập khiễng.
Mối họa "sư tử lạ"
Thời gian vừa qua dư luận tỏ ra quan tâm đến việc ở một số nơi người ta xếp đặt sư tử đá của Trung Quốc trong các công trình tôn giáo, văn hoá. Một số tác giả, nhà nghiên cứu đã lên án hiện tượng này và cho rằng đây là một "mối họa sư tử". Cũng có người đặt ra câu hỏi như: Sư tử đá đặt trước cửa chùa có hợp văn hoá Việt Nam hay không? Có phải sư tử đá là một biểu tượng thẩm mỹ chỉ phổ biến trong các công trình kiến trúc Trung Quốc? Không hiểu họ làm mới di tích hay phá hoại văn hoá?...
Những câu hỏi như trên đã thúc giục chúng tôi tìm hiểu về ý nghĩa văn hoá, tôn giáo của biểu tượng sư tử. Trong khuôn khổ bài viết, chỉ xin tìm hiểu mô-típ sư tử ở lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc Phật giáo để xem thực chất nó có "xa lạ" với văn hoá Phật giáo hay không.
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư: "Hình tượng sư tử vờn khối cầu hay khối ngọc là một mô-típ thường gặp trong nghệ thuật điêu khắc cổ, xuất hiện khá muộn vào cuối thế kỉ 14 trong một bức chạm trên nhang án chùa Xuân Lãng, tỉnh Phú Thọ (niên đại 1392). Hình ảnh sư tử giai đoạn này mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ. Vào thời sau, ở 2 di tích tháp Bình Sơn thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và đình Lỗ Hạnh tỉnh Bắc Ninh thế kỷ 16, hình ảnh sư tử được đồng nhất với lân, các chi tiết được chạm tinh tế hơn...".
Điều chúng tôi quan tâm ở đây là biểu tượng sư tử trong văn hoá Phật giáo, chứ không phải "mẫu" của những con sư tử cụ thể, mới được trang trí trong một số đình chùa, đền miếu hiện nay.
Qua một số dịp đi khảo sát thực tế và được tiếp cận với một số tư liệu Phật giáo, chúng tôi nhận thấy sư tử là một biểu tượng văn hoá, thẩm mỹ, điêu khắc phổ biến, quen thuộc của Phật giáo. Hình tượng sư tử được nói đến trong rất nhiều kinh điển Đại thừa Phật giáo như Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thắng Man (Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại PhươngTiện Kinh)...

Đức Phật được ví như Sư tử chúa và tiếng rống của Sư tử (sư tử hống) được lấy làm ví dụ cho tiếng thuyết pháp của Đức Phật, có uy lực nhiếp phục muôn loài.
Sư tử không chỉ được ví cho sự xuất thân vương giả của Đức Phật mà sau này còn trở thành biểu tượng của triều đại vua A-Dục, một vị vua Phật đã cử những phái đoàn đi khắp nơi trên thế giới để truyền bá tư tưởng đạo Phật. Ông đã cho chạm trổ rất nhiều những cột trụ sư tử ở khắp đất nước với những sắc dụ ảnh hưởng sâu sắc lời dạy của Đức Phật. Về sau, biểu tượng cột đá sư tử đã được Chính phủ Ấn Độ sử dụng làm Quốc huy.
Theo thời gian, biểu tượng sư tử đã trở thành một mô-típ phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo cả Nam lẫn Bắc, và được mỗi nền văn hoá, tiếp biến và sử dụng ở những mức độ đậm nhạt khác nhau.
"Văn hóa sư tử" trong các chùa Việt
Ở nước ta, những con vật như: Cá sấu, lân, nghê, sư tử dần thâm nhập vào nhau và trở thành một mô-típ khá đặc trưng ở khắp các ngôi chùa miền Bắc. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh: "Các nhà chép sử ở thời Lý - Trần xưa kia gọi giống cá sấu Chiêm Thành đem tiến cống là sư tử, tức sấu (hình con sấu trên nắp lư hương)..." (1).
Cụ thể, trong chùa thường có hai vị Thiện - Ác Hộ pháp cao lớn, mặc giáp trụ, cầm bảo khí, ngồi trên lưng sấu, một loại sư tử trong huyền thoại, trông rất uy dũng, dự tợn. Ngài Văn Thù Bồ tát (tượng trưng cho trí tuệ Phật giáo) thường được tạc ngồi trên lưng sư tử xanh và Ngài Phổ Hiền Bồ tát (tượng trưng cho hạnh nguyện Phật giáo) ngồi trên lưng voi trắng. Ngoài ra sư tử còn được đúc trên rất nhiều lư hương, chạm trổ trên các bệ thờ, chân tòa sen Đức Phật ngồi, lan can...
Đến đây, chúng ta có thể xác định "văn hoá sư tử" trái lại không hề xa lạ mà còn phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo trải từ thời Lý - Trần - Lê - Mạc và Lê trung hưng, dù về sau thời Nho giáo thịnh hành, biểu tượng rồng, rùa... có vẻ lấn lướt hơn.
Hiện chùa Phật Tích - Bắc Ninh còn giữ được 5 cặp tượng thú điêu khắc đá thời Lý khá lớn như: Sư tử, voi, trâu, ngựa, tê giác. Cặp sư tử cao khoảng 1,2m, nằm sát bụng trên bệ hoa sen, có chức năng canh đường vào tháp, kiểm soát tư cách người vào chùa... Chùa Thông (Du Anh), Thanh Hóa cách thành nhà Hồ 3,5 km về phía Nam, thế kỷ 13, cũng còn lưu giữ một tượng sư tử bằng đá khá lớn, gần giống với tượng sư tử đá chùa Phật Tích, phong cách điêu khắc vào giai đoạn cuối thời Lý đầu thời Trần (2).
Sư tử không chỉ được thể hiện trong nghệ thuật cổ của người Việt mà còn trở thành một linh vật phổ biến trong điêu khắc đá cổ Chăm Pa (Chiêm Thành).
"Hình tượng sư tử trong điêu khác đá Champa là biểu tượng của chính giáo chống lại tà giáo và bảo vệ người tu hành chính đạo. Về ý nghĩa xã hội, sư tử hay còn gọi là Simha được coi là biểu tượng cho dòng dõi quý tộc, quản vương và tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vương quyền của các vua Chăm Pa.
Vì vậy, ngai vàng của vua còn có tên là Simhasana (ngai vàng sư tử), ngai ngồi của thần Visnu, hay của Phật cũng gọi là Simhasana" (3). Hầu hết sư tử được trang trí đều là sư tử đực, ở tư thế đứng 2 chân, gần giống với sư tử được chạm trên các cột đá của vua A Dục. Biểu tượng sư tử phổ biến trong điêu khắc đá Chăm Pa, tập trung nhiều ở Trà Kiệu, Quảng Nam.
Đang có sự ngộ nhận văn hóa?
Lịch sử cho thấy, dù có giao thoa văn hoá, hay vay mượn thì người Việt vẫn luôn chế tác ra những biểu tượng mang hồn cốt, tình cảm của dân tộc mình. Chúng ta cần dũng cảm loại bỏ những con "sư tử lạ" với phong cách thẩm mỹ của người Việt ra khỏi các công trình kiến trúc tôn giáo. Một đôi sử tử đá mang phong cách nghệ thuật của người Việt đứng uy nghiêm canh giữ trước cổng chùa, tháp, tại sao lại không thể?
Như vậy có thể thấy, biểu tượng sư tử đứng (ngồi) canh tháp, canh cổng vào chùa trở nên phổ biến trong các công trình kiến trúc tôn giáo của Việt, Chiêm, Khmer. Nhưng vì sao các biểu tượng đó được trang trí như một mô-típ gần như bắt buộc trong các chùa tháp của Chiêm Thành và Khmer, trong khi những gì tìm hiểu được ở Việt Nam chỉ có thể cho chúng ta lắp ghép một số dữ kiện xa hơn vào các triều Lý - Trần (4)?
Chúng tôi cho rằng nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thời Lý - Trần có sự ảnh hưởng và giao thoa với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chiêm Thành, đặc biệt nền văn hoá của 2 dân tộc đều chịu ảnh hưởng mạnh bởi triết lý, tư tưởng đạo Phật và đạo Bà-la-môn. Cho đến khi Nho giáo thịnh hành vào thời Lê, Nguyễn thì những yếu tố văn hoá Phật giáo bị phai nhạt dần và có thể mất đi những lề lối kiến trúc, điêu khắc quen thuộc sau khi trải qua các giai đoạn trùng tu khác nhau.
Có thể nói, biểu tượng sư tử đá được đặt trước các cổng, bậc tam cấp chùa, tháp (có chức năng canh giữ...) hay được điêu khắc ở nhiều vị trí khác nhau, ở những nội dung thẩm mỹ, tôn giáo khác nhau trong một quần thể kiến trúc là một nét văn hoá đặc thù cần được tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn. Cũng cần tìm hiểu xem biểu tượng sư tử từ trong kiến trúc tôn giáo đã ảnh hưởng đến kiến trúc lăng mộ về sau này như thế nào.
Điều đáng nói, sự "ngộ nhận văn hoá" không đến từ ý nghĩa của biểu tượng mà đến từ hình thức cụ thể của biểu tượng. Thực tế đã xuất hiện những "mẫu" sư tử do một số cơ sở điêu khắc đá "sao chép" từ mẫu sư tử đá mà người ta bắt gặp đâu đó trong phim ảnh Trung Quốc, được một số người tiến cúng vào các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dẫn đến những so sánh không tránh khỏi sự khập khiễng.
Biểu tượng văn hoá này không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà tiếc thay, còn phổ biến ở các dân tộc như Việt, Chiêm, Khmer.
Lịch sử cho thấy, dù có giao thoa văn hoá, hay vay mượn thì người Việt vẫn luôn chế tác ra những biểu tượng mang hồn cốt, tình cảm của dân tộc mình. Chúng ta cần dũng cảm loại bỏ những con "sư tử lạ" với phong cách thẩm mỹ của người Việt ra khỏi các công trình kiến trúc tôn giáo. Một đôi sử tử đá mang phong cách nghệ thuật của người Việt đứng uy nghiêm canh giữ trước cổng chùa, tháp, tại sao lại không thể?
Điều chúng ta nặng lòng trăn trở chính là cuộc sống đang thiếu dần đi những người có tâm huyết nêu bật được hồn cốt nghệ thuật của tổ tiên mình. Phải chăng nghệ thuật sao chép đang lên ngôi, hay thực trạng vay mượn vô ý kể trên cho thấy ngay cả văn hoá cũng đang phải quay cuồng sống gấp?
Chú thích:
1. Lịch sử cổ đại Việt Nam, Ðào Duy Anh, Nxb Văn Hóa - Thông Tin, 2005, tr. 31-32.
2. "Tượng sư tử", website của Bộ Văn hoá Thể thao và du lịch (Nguồn:http://www.cinet.gov.vn/vanhoa/mythuat/hoihoadieukhac/tuongco/chuong2/2.8/2.8.1.htm).
3.Theo website Bảo tàng lịch sử Việt Nam, (Nguồn: http://www.nmvnh.org.vn/portal/vi/Trung-bay/AAbt/?AAbout_catid=184&AboutId=657).
4. Có thể tìm hiểu thêm: Lan can bậc trang trí hình con sấu, mang phong cách nghệ thuật thời Lý chùa Phúc Lâm (Hà Nội). Đôi sấu thời Trần ở tam quan chùa Phổ Minh (Nam Định). Chùa Sùng Phúc (Gia Lâm, Hà Nội) được khởi dựng vào thời Lý, hiện còn 2 sư tử đá đội bệ Tam Thế (mỗi sư tử cao 1m, ngang 1,4m), 1 con sấu đá (dài 2m) ở thành bậc lan can.
Tượng 2 con sư tử đá ở chùa Bà Tấm (Hà Nội). Tượng sư tử đội tòa sen chùa Hương Lãng (Hưng Yên), chùa Ngô Xá (Nam Định), chùa Kim Hoàng và chùa Thầy (Hà Tây). Sấu đá chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh)...