Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Về bản dịch thơ Hồ Xuân Hương của Giáo sư - nhà thơ J. Balaban



21-04-2011
GS MAI QUỐC LIÊN
Năm 2002, tôi nhận được thư của GS J. Balaban. Bức thư lời lẽ nhã nhặn, tình cảm nồng hậu của một GS người Mỹ mà tôi chưa hề được gặp, được làm quen; chứng tỏ một mối quan tâm đến văn hóa Việt Nam và những dự định tốt đẹp vun bồi cho nền văn hóa ấy bằng nhiều cách. Toàn văn bức thư dịch ra tiếng Việt như sau:
“Thưa Giáo sư Liên,

Đính kèm theo đây là bản dịch tập thơ Hồ Xuân Hương của tôi có nhan đề là Hương mùa xuân: Thơ Hồ Xuân Hương (NXB Copper Canyon, 2000). Vào tháng chạp năm 2000, tôi cũng đã gửi đến GS một bản sao của tập thơ này, nhưng tôi không dám chắc rằng, GS đã nhận được. Dầu vậy, ông Trần Văn Dĩnh bảo tôi nên gửi cho GS một bản khác. Tôi cũng đang gửi một bản sao quyển trọn bộ tiểu sử Hồ Chí Minh của tác giả William Duiker bằng thư riêng cho GS.
Trong thư gửi GS lần trước, tôi đã đề cập đến Quỹ Bảo tồn di sản chữ Nôm Việt Nam, do nhà ngôn ngữ học Ngô Thanh Nhàn, Kỹ sư máy tính Đỗ Bá Phước, và tôi khởi xướng sau khi vẫn tiếp tục hoàn chỉnh tập thơ Hương mùa xuân. Hiện chúng tôi cũng đang tiến hành in ấn một quyển từ điển đầu tiên về chữ Nôm - Quốc ngữ. Cả anh Nhàn và anh Phước sẽ có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng độ ngày 10 tháng 4, và tôi đã đề nghị họ nên đến gặp GS nếu thấy thuận tiện. Họ sẽ gặp TS Ngô Trung Việt, cộng sự tại Việt Nam của Quỹ chúng tôi, Tiến sĩ sẽ liên lạc với GS để sắp xếp cuộc hẹn.
Còn một vấn đề khác nữa, Virginia Jing-yi Shih là một trong những người chúng tôi đã tài trợ để nghiên cứu chữ Nôm ở Việt Nam, thông thạo cả Việt ngữ lẫn tiếng Trung, và cũng là người biết khá rõ về chữ Nôm. Cô Virginia là quản thủ thư viện nghiên cứu về Đông Nam Á của Đại học California - Berkeley. Cô ấy cũng đang quan tâm đến việc nghiên cứu và chuyển ngữ bộ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. GS có nghĩ rằng, GS có thể giúp cô ấy về chữ Nôm trong công trình nghiên cứu đặc biệt này không? Trước đây, cô ấy cũng đã từng chuyển ngữ tập thơ của Nguyễn Trãi sang tiếng Trung Quốc. Nay, cô ấy muốn tiếp tục công trình nghiên cứu đó vào mùa hè này; và Quỹ của chúng tôi sẵn lòng bảo trợ các chi phí cho việc nghiên cứu của cô ấy. Nếu GS quan tâm đến việc này, xin vui lòng cho tôi biết qua địa chỉ điện thư: tbalaban@earthlink.net.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có một website mới mà có thể GS sẽ quan tâm: www.nomfoundation.org. Qua thư này, xin kính chúc GS gặp nhiều tốt lành trong năm mới và hy vọng GS sẽ có một cuộc gặp thú vị với các giám đốc đồng nghiệp của tôi.
Trân trọng.

Chủ tịch, John Balaban
Đồng kính gửi: Trần Văn Dĩnh, Ngô Thanh Nhàn,
James Đỗ Bá Phước, Ngô Trung Việt”.


Bức thư GS. John Balaban gửi cho GS. Mai Quốc Liên.

Sau này, tôi đã gặp TS Ngô Trung Việt và TS Ngô Thành Nhàn, lúc đó là Phó chủ tịch Quỹ bảo tồn di sản chữ Nôm của GS J. Balaban. TS Nhàn đã hướng dẫn tôi đi thăm các Đại học Yale, Southern Connecticut, thăm New York nhân có cuộc Hội thảo châu Á ở Boston 2007, một chuyến viếng thăm để lại những ấn tượng tuyệt vời. TS Nhàn cũng vui lòng tham gia vào Hội Đồng Khoa Học của Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học và vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chúng tôi. Còn về Virginia Jing-yi Shih ở Đại học Berkeley (Mỹ) thì tôi cũng đã vui lòng giúp chị ấy qua những câu hỏi mà chị ấy đặt ra trong việc làm luận án về Nguyễn Trãi. Chị đã gửi tặng tôi bản luận án sau khi đã bảo vệ thành công, và chúng tôi cũng đã gặp nhau ở Hội thảo Boston.
Rất tiếc là cho đến nay, tôi vẫn chưa được gặp GS J. Balaban. Nghe ông có qua Hà Nội nhưng không vào Thành phố Hồ Chí Minh, và vì bận rộn công việc, nên sau bức thư đó, tôi cũng có lỗi là đã không giữ liên lạc trực tiếp thường xuyên.
Đọc bản dịch Hồ Xuân Hương của GS, tôi có trao đổi vài ý kiến khi gặp TS Ngô Thanh Nhàn. Tôi rất vui mừng là tập thơ dịch đã có tiếng vang lớn ở Hoa Kỳ: bán được 20.000 cuốn và khi Tổng thống Mỹ Clinton đến Việt Nam, trong diễn văn của ông, ông đã nhắc đến bản dịch này: “Các bài thơ 200 năm tuổi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được xuất bản ở Mỹ bằng tiếng Anh, tiếng Việt và cả nguyên bản chữ Nôm, đây là lần đầu tiên mà một bản thảo cổ của Việt Nam được đưa lên in ấn” (diễn văn của Tổng thống Clinton tại cuộc chiêu đãi của Chủ tịch nước Việt Nam tối 17/11/2000). Chúng tôi xin chân thành chúc mừng thành công đó của GS J. Balaban.
Sau đây, để cho những lần in lại sau này ở Mỹ (và từ Mỹ nó sẽ đi đến khắp thế giới, trước hết là đến với những người bạn của Việt Nam và những nhà nghiên cứu Việt Nam), bản dịch sẽ được hoàn thiện hơn, tôi xin góp một số ý kiến.
Trước hết, trong Dẫn nhập (Introduction). GS có nói rõ: “Tháng Hai năm 1999, tôi có đến Hà Nội để tham khảo với các học giả nhằm tìm và xác minh bản gốc bằng tiếng Nôm của những bài thơ trong tập sách này…
…Quyển sách này, tuyển tập khá tầm cỡ đầu tiên của thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh, hầu như chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót về xuất xứ cũng như sai lạc thuần túy do việc làm của tôi, một người ngoại quốc, dù là thi sĩ, đang bơi trong dòng nước ngập lút đầu mặc dù được khích lệ bởi sự cổ vũ của người Việt Nam đứng ở trên bờ xa tít” (Spring essence, tr.14)

Bìa cuốn sách Hương mùa xuân: Thơ Hồ Xuân Hương (Spring essence -
The Poetry of Ho Xuan Huong).

Như vậy là GS - Nhà thơ J. Balaban đã làm việc rất cẩn trọng, như một nhà văn bản học chuyên nghiệp khi tiếp cận văn bản thơ Hồ Xuân Hương, đã thế ông còn sang cả Việt Nam để tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu.
Nhưng mặc dù như vậy, không thể hiểu được vì sao trong văn bản Nôm in kèm theo và trong bản dịch, lại có những sai lầm sơ đẳng về phiên âm, và do đó đã làm lệch nghĩa câu thơ một cách hết sức đáng tiếc.
Trong bài Vịnh nữ vô âm (tr.38) có câu:
Điển nương dâu 娘妯 mà trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết là “trên Bộc trong dâu”:“Ra tuồng trên Bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu mà chi”, xuất tự thành ngữ “tang gian Bộc thượng”. Sách Hậu Hán thư Địa lý chí nói rằng, đất nước Vệ có chỗ kín trong tang gian (bãi trồng dâu) ở Bộc thượng (trên sông Bộc) là nơi trai gái tụ hội, do đó sau người ta dùng mấy chữ “Tang gian Bộc thượng” để chỉ thói dâm ô. Nguyễn Du dịch là trên Bộc trong dâu, bốn từ ấy đã thành thành ngữ” (Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, H., Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2000, tr.577).
Thế nhưng trong bản phiên âm này thì lại ghi là nàng dâu: “Trăm năm còn khỏi tiếngnàng dâu; và dịch là: “Since her whole life she’ll never have to hear “daughter – in – law”(Bởi suốt đời này sẽ không bao giờ phải nghe tiếng “nàng dâu” – “daughter – in – law” trong tiếng Anh nghĩa là nàng dâu”.
Như vậy, vì phiên âm nhầm nương dâu thành nàng dâu mà câu thơ mất nghĩa.
- Bài Phận đàn bà (tr.72), có câu:
Tất tả những là thu với vén
Vội vàng nào những bống cùng bông
.
Tất tả 必左 chứ không phải là tất cả 必奇 như trong bản Nôm và bản phiên âm.
Tất tả ở câu trên đối xứng với vội vàng ở câu dưới.
Nhưng hai câu dịch ra tiếng Anh thì không theo cái sai của phiên âm:
Yet, everything must be put in order
Rushing around all helter - skelter.

(Lại còn mọi việc phải thu vén
Dồn dập xoay quanh bấn loạn cả lên).
- Bài Khóc ông Tổng Cóc: Nòng nọc nên phiên là đứt đuôi, 坦 đứt (loại chữ giả tá) x. Từ điển chữ Nôm, Nguyễn Quang Hồng chủ biên, tr.383, H., 2006), chứ phiên đất đuôi thì không có nghĩa gì. (bản tiếng Anh dịch đúng làthe tadpole’s los his tail. Con nòng nọc đã mất đuôi).
- Bài Bánh trôi nên phiên: Bảy nổi ba chìm với nước non chứ không phiênmấy - 買 - có thể phiên là mấy (nghĩa là vài, bao nhiêu; còn phiên là với (mới):“Một ao niễng niễng với đòng đong” (Nguyễn Trãi) x. Từ điển chữ Nôm, Sđd, tr.679).
- Bài Chơi hoa (tr.62) phiên: Đã trót chơi hoa phải trèo. Nên phiên đúng là cố.
Bài Vịnh chùa Quán Sứ, phiên:
Sáng banh không kẻ khua tang mít
Trưa trật không
ai móc kẻ rêu.
nên đổi:
Sáng banh không kẻ khua tang mít
Trưa trật nào
ai móc kẻ rêu.
Theo phép đối, không không thể đối lại là không.
- Bài Người bồ nhìn (tr.98):
Xét xoi trước mặt đôi vầng ngọc
Phải phiên là xét soi .
Trong một bản dịch, một vài sai sót về nghĩa đen như những vết sướt da rất dễ chữa, không làm hại bản dịch rất tài hoa. Tuy vậy, cần phải nhắc để khi tái bản có thể chỉnh lại cho toàn bích. Tôi nhắc lại là GS J. Balaban đã làm việc hết sức cẩn trọng, cẩn trọng đến mức tối đa, nhưng những người giúp đỡ ông có lẽ đã không có dịp soát lại bản phiên âm chăng?
*
Tuy đã rà soát các văn bản cổ nhất chép thơ Hồ Xuân Hương rất kỹ càng (trong đó có bảnL'œuvre de la poétesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương của Maurice Durand), việc chọn tuyển dịch thơ ở đây cũng không thể nói là đã mười phần tốt đẹp.
Có những bài thơ mà xét về mặt phong cách, mặt từ ngữ (dùng nhiều từ Hán Việt đài các, trang trọng, mờ nhòe khác với cách dùng từ Nôm thuần Việt, dân dã, cụ thể thường thấy của thơ Hồ Xuân Hương). Đó là hai “mỹ học” khác nhau, thậm chí đối lập nhau.

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Tranh Bùi Xuân Phái.

Những bài như Cảnh thu: “Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa/ Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ/ Xanh om cổ thụ tròn xoe tán/ Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ…”; bài Đài khán xuân: “Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng/ Một vũng tang thương nước lộn trời”; bài Tức cảnh: “Còi mục thét lừng miền khoáng dã/ Lưới ngư giang gió bãi bình sa”, lâu nay nhiều học giả xếp vào thơ Bà Huyện Thanh Quan.
Bài Vịnh khách đáo gia, 4 câu đầu rất tầm thường, non nớt: “Nhện sa cá nhảy mấy hôm qua/ Uẩy uẩy hôm nay bác đến nhà/ Điếu thuốc quyến đàm mừng bác vậy/ Miếng trầu đỏ tuổi gọi chi là”, lại lọt vào các câu thơ lấy của Nguyễn Khuyến: “Ao sâu nước cả khôn tìm (chài) cá/ Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà”. Ngoài ra, còn khá nhiều bài non kém khác hoặc bị gán lầm cho Hồ Xuân Hương như: Vịnh dạy con trẻ, Vịnh lão nhàn cư, Vịnh đấu kỳ, Vịnh miêu (được gán cho Hồ Xuân Hương), Vịnh bồ nhìn (chính ra là của Lê Thánh Tông). Còn những bài ai cũng cho là của Hồ Xuân Hương như Thiếu nữ ngủ ngày, Cái quạt (II) (Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa), Trống thủng, Đá ông chồng… lại không được chọn dịch.
***
“Tôi đã gõ mãi vào những bản dịch này đến hơn 10 năm, thường bỏ dở nửa chừng, nhưng luôn quay trở lại. Sự kiên trì của tôi được giữ vững bởi sự ngưỡng mộ và kính sợ (tài năng Hồ Xuân Hương) mà tôi hy vọng độc giả cũng thể nghiệm như tôi: đối với cuộc đời thông minh mà cô đơn của Hồ Xuân Hương, đối với tài thơ tuyệt diệu, tính ngoan cường, tài châm biếm, lòng can đảm, sự hóm hỉnh khinh mạn và lòng trắc ẩn, lòng từ bi như một bồ tát của bà. Bà là một nhà thơ của thế giới, người có khả năng làm cho ta phải xúc động như đã từng làm xúc động người Việt Nam hai trăm năm nay” (Dẫn nhập, tr.14).
Nhiệt tình đó, tâm huyết đó, sự uyên bác đó cộng với sự thăng hoa của một tâm hồn thơ, đã làm cho GS J. Balaban có một bản dịch sáng tạo, chuyển tải tinh tế tứ thơ, từ ngữ… của nguyên tác (dĩ nhiên không bao giờ có ai, có bản dịch nào, dù là Nga, Pháp... lại có thể chuyển được cái nghĩa ngầm, nghĩa “một mà hai”, tục mà thanh, những cách nói lái (đá đeo, lộn lèo…, những tử vận…, và ta cũng không thể đòi hỏi điều đó. Trớ trêu thay, đó lại là cái độc đáo vô song, cái bản sắc tuyệt diệu của thơ Hồ Xuân Hương, cái tài “thi quỷ” của thiên tài Hồ Xuân Hương..). Chỉ ra một vài sơ sót nhỏ, chúng tôi mong rằng lần tái bản GS J. Balaban sẽ không khó khăn gì mấy để chỉnh lý bản dịch.
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng phồn tạp, đa nghĩa, cả về mặt văn bản và mặt ý nghĩa của văn bản, mặt thế giới quan và thi pháp… Suy cho cùng, đúng như GS-TS N.I.Nikulin (Nga) đã viết: “Rõ ràng là cùng với thơ ca của bà, một hệ thống thẩm mỹ mới mẻ đã đi vào văn học Việt Nam” (Lịch sử văn học Việt Nam, tr. 628, bản dịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn Học, 2007) và “thơ Hồ Xuân Hương như một cú đột phá của nền văn hóa dân gian Việt Nam còn chưa được thừa nhận vào lĩnh vực văn học nghệ thuật đỉnh cao” (Văn học Việt Nam từ thời Trung cổ đến hiện đại – thế kỷ X-XIX, Nxb Khoa Học Moskva, 1977, tr.242).
Cái gốc, cái bản chất của Hồ Xuân Hương là văn hóa dân gian, và nó chịu sự chế ước của các tầng quan niệm, thi pháp, hình thức của mỹ học dân gian. J. Balaban đã nghiên cứu rất kỹ Hồ Xuân Hương, nhưng có rất nhiều, rất nhiều vấn đề về Hồ Xuân Hương mà giới nghiên cứu Việt Nam cũng còn đang tranh luận. Vì vậy, bản dịch Hồ Xuân Hương ra tiếng Anh được hoan nghênh ở Mỹ là một sự kiện văn hóa đáng khích lệ.
Nói lại cho rõ
Trong bài Về bản dịch thơ Hồ Xuân Hương của GS-Nhà thơ J. Balaban trênHồn Việt số 45 (tháng 4/2011) có câu: tôi đề nghị phiên âm câu cuối là… khỏi tiếng nương dâu và đã có dẫn giải. Cần nói thêm là: hầu hết các bản Nôm thơ Hồ Xuân Hương (xin xem: GS Kiều Thu Hoạch: Hồ Xuân Hương, trong: Các nữ tác gia Hán - Nôm Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, 2010, tr. 460-461) đều chép nương dâu 娘 橷 (bản khắc 1922, bản Hồ Xuân Hương thi sao, bản Tạp thảo tập, bản Xuân Hương thi vịnh…). Bản khắc năm 1914 ghi:làm dâu 爫 妯, tức làm nàng dâu, cô dâu(KTH chú, tr. 462, sđd). Nhưng bản GS J. Balaban viết: 娘妯 thì nên phiênnương dâu và hiểu theo điển đã dẫn (câu thơ mới “già nghĩa” và hóm hỉnh, trào tiếu).
Mai Quốc Liên

(*)
John Balaban, Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương. Copper Canyon Press. Washington

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Việt kiều Mỹ Virginia Shih và dự án bảo tồn chữ Nôm


***
*

Lễ trao tặng kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa – Thể thao – Du lịch” cho bà Virginia Jing-yi Shih


Sáng 18/5/2009, tại Thư viện quốc gia Việt Nam đã diễn ra lễ trao tặng kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa – Thể thao – Du lịch” cho bà Virginia Jing-yi Shih, Giám đốc Thư viện Đông Nam Á, trường đại học Berkeley, California Hoa Kỳ.
yih_shih.jpg
Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện đang lưu giữ gần 5000 bản sách Hán Nôm trong đó có rất nhiều bản có giá trị. Toàn bộ kho sách Hán Nôm được Thư viện lưu giữ và bảo tồn cũng như phục vụ độc giả dưới dạng tài liệu quí hiếm. Từ năm 2007 đến nay, kho sách Hán Nôm đã được số hóa và sẽ được đưa lên mạng Internet để phục vụ độc giả trên toàn thế giới. Với dự án này bà Virginia Jing – Yi Shih đã là người đã đề xuất và trực tiếp tham gia xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai việc số hóa kho sách hán Nôm của Thư viện. Bằng những nỗ lực cá nhân, bà đã trở thành cầu nối giữa Hội bảo tồn Di sản chữ Nôm và các nhà tài trợ Hoa Kỳ với các thư viện ViệtNam trong việc bảo tổn thư tịch cổ của dân tộc.
Tới dự lễ trao kỉ niệm chương có:
- Ts Lê Thanh Tình – Phó vụ trưởng vụ Thư viện
- Ông Mark Barnett – Giám đốc công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà
- Ts Ngô Trung Việt – Phó chủ tịch hội bảo vệ chữ Nôm Hoa Kỳ
- TS Nguyễn Huy Chương Phó chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam – Giám đốc trung tâm thông tin thư viện Đại học quốc gia Hà Nội
- Chu Tuyết Lan – Giám đốc thư viện Viện Hán Nôm
- Ts Cao Minh Chơng – Viện Đông Nam Á
- Bà Kim Thoa – Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội
- Ông Phạm Thế Khang – Giám đốc TVQGVN cùng các ông bà Phó giám đốc, trưởng phó các phòng ban trong thư viện
Tại lễ trao tặng, bà Virginia Jing – yi Shih cũng đã bày tỏ cảm xúc vô cùng xúc động, bà đã có lời phát biểu cảm ơn về sự giúp đỡ của những người thầy đã dạy bà chữ Nôm, từ những người bạn Việt Nam đã nhiệt tình giúp đỡ bà.
-------------------------
Tin: Thu Trang - Ảnh: Hùng Mạnh



Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Nghe Lý Mười Thương - chữ Nôm





NGHE LÝ MƯỜI THƯƠNG

Tình tang cô gái Thần Kinh
Lời ca dìu dịu bóng hình quê hương.
Mười thương, mười mấy cũng thương!
*

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Người ta bảo cú tôi hôi,
Tôi biết phận rồi, tôi đứng đàng xa!
Cú hôi. Nhưng cú thật thà.
*

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Phát hiện hai ngôi mộ nghìn tuổi ở Hà Nội


Thứ ba, 19/4/2011, 06:47 GMT+7

Hai ngôi mộ có niên đại từ thời Lục Triều (thế kỷ 4 đến 6) cùng một giếng cổ vừa được phát lộ ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội) khi thi công đặt ống cống và làm đường.
> Mộ cổ trong trường tiểu học

Chiều 18/4, tại khu vực đang thi công đường giao thông nội bộ và đặt ống cống của khu đô thị Ciputra (nằm sát đường dẫn của xe môtô lên cầu Thăng Long), 3 cán bộ của Viện Khảo cổ học đang tất bật khai quật, vẽ họa đồ chiếc giếng cổ và 2 ngôi mộ cổ vừa phát hiện. Liên tục đi lại giữa hai địa điểm khai quật mộ và giếng, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường thỉnh thoảng lại đưa máy ảnh chụp những chi tiết vừa phát lộ.
Cách đó không xa, máy xúc của đơn vị thi công vẫn đào hào, đặt những đoạn ống cống lớn xuống lòng đất.
* Ảnh: Cận cảnh khu vực phát lộ mộ cổ, giếng cổ
Theo tiến sĩ Cường, tối 1/4, máy xúc của đơn vị thi công đã xúc trúng vào cửa một ngôi mộ cổ có kết cấu bằng gạch nung. Sau khi báo cáo chủ đầu tư và Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội, chiều 2/4, khu vực phát lộ mộ cổ được tạm ngừng thi công để khai quật khẩn cấp.
Cuộc khai quật được Hội Khảo cổ học và các cán bộ thuộc Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học Lịch sử, Viện Khảo cổ học tiến hành. Cùng với sự giúp sức của máy xúc, ngay sau đó, thêm một ngôi mộ nhỏ nằm gần như song song được phát hiện. Mái của hai ngôi mộ nằm sâu chừng 2 mét dưới mặt đất. Theo đo đạc, mộ lớn có chiều dài 4,7 mét, rộng và cao khoảng 2 mét. Mộ bé dài 3,9 mét, rộng 1,2 mét; cao gần một mét. Chân ngôi mộ lớn nằm sâu hơn mộ bé chừng một mét.
Ảnh:
Hai ngôi mộ một lớn một nhỏ nằm song song với nhau. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cho biết, cả 2 ngôi mộ được xếp bằng các viên gạch nung chồng lên nhau theo kiểu cuốn vòm với những viên gạch múi bưởi ở phía trên. Điểm khác biệt của hai ngôi mộ cổ này là hàng gạch khóa vòm mộ chạy suốt dọc nóc mộ. Gạch ở mặt trong của vách và trần mộ được trang trí hoa văn. Mộ lớn là hoa văn "đồng tiền", "trám lồng", còn mộ nhỏ là hoa văn "xương cá".
Chỉ vào một viên gạch có ký tự cổ trong ngôi mộ lớn, vị tiến sĩ cho biết, trong mộ này phát hiện được khoảng 40 viên gạch rìa cạnh có chữ Hán song chưa rõ là chữ gì. Sau hơn 10 ngày khai quật, Viện khảo cổ thu được 28 hiện vật ở mộ lớn và 5 hiện vật ở mộ nhỏ. Các hiện vật chủ yếu là đồ gốm; 9 chiếc đinh sắt đã bị gỉ (được cho là đinh đóng quan tài); một số hạt thóc, gạo cháy... Cả 2 ngôi mộ đều không hề có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt người do có thể đã bị tiêu hết.
"Dựa vào cấu trúc mộ, các hiện vật chôn theo, hai ngôi mộ thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6, mộ lớn có sớm hơn ngôi mộ bé một chút. Hai ngôi mộ được xây theo phong cách Hán, niên đại vào thời Bắc thuộc, nhưng chủ nhân của chúng không loại trừ có thể là người Việt"", ông Cường nói.
Vị tiến sĩ cho biết, quý nhất trong lần khai quật này là bình đầu gà bằng gốm rất đẹp còn rõ cả mào, mắt và đuôi gà. Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc vì có thể ngay sau khi xuất lộ, một số hiện vật khác cùng bài vị trong ngôi mộ đã bị mất vì thế không xác định được danh tính người được chôn trong mộ.
Ảnh: Nguyễn Hưng.
Cán bộ Viện khảo cổ khai quật tại giếng cổ chiều 18/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Cách 2 ngôi mộ cổ không xa, chiều 14/4, đơn vị thi công đường giao thông nội bộ khu đô thị Ciputra tiếp tục phát hiện một chiếc giếng cổ giống như các giếng được phát hiện trong Hoàng thành Thăng Long. Máy xúc đã làm bạt hơn một mét phía trên song thân giếng phía dưới vẫn còn khá nguyên vẹn.
Đến chiều 18/4, đào sâu thêm hơn 2 mét, cán bộ Viện khảo cổ vẫn chưa khám phá hết thân giếng. Theo tiến sĩ Cường, nhiều khả năng giếng có cùng niên đại với hai ngôi mộ. "Tôi cho rằng, bên dưới khu vực mộ và giếng cổ còn những quần thể di tích, rất có thể là cả một ngôi làng ven sông Hồng", ông Cường nói.
Theo ông, ở nước ngoài, khi gặp được những công trình quý báu này, người ta thường giữ nguyên hiện trường, bảo tồn tại chỗ, quây hàng rào để người dân có thể chiêm ngưỡng. Đối với chiếc giếng, hiện Bảo tàng Hà Nội đã có kế hoạch di dời về khuôn viên Bảo tàng.
"Song, nhiều khả năng sau khi kết thúc thời gian khai quật với 2 ngôi mộ (vào 20/4), đơn vị thi công sẽ tiếp tục san phẳng và đặt ống cống", tiến sĩ Nguyễn Lân Cường nói.
Nguyễn Hưng

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Lễ Vấn Danh Cô Gái Việt

Người thái cổ coi việc đặt tên là một điều tối quan trọng, đến nỗi tên của một người được coi là quyết định vận mạng của người đó, thí dụ nếu vận số người này là vua, mà bị đặt nhầm cho tên tiều phu thì sẽ cả đời đi kiếm củi, vì thế việc đặt tên trở nên rất quan trọng. Sự quan trọng hóa này có thể giải nghĩa cái mãnh lực ma thuật mà người thái cổ gán cho danh hiệu, hoặc vì người xưa rất thành tín bắt mỗi tiếng nói, mỗi danh từ phải có nội dung trung thực. Vì thế đã có cả một môn phái triết học kêu là danh gia. Người ta tin rằng ai biết gọi tên con vật là “chinh phục” được nó. Thuyết chính danh định phận có thể bắt nguồn từ niềm tin này. Vì thế mà việc đặt tên cho một người trở thành nghi lễ trang trọng, được kể là một trong năm gia lễ.
Từ lâu lắm mãi tự đời khuyết sử chúng ta đã nhìn ra dấu vết trong Hồng phạm hoặc thiên Nguyệt lệnh trong kinh Lễ theo đó thì một người Viêm Việt có đến 5 tên và trải qua 3 lễ đặt tên. Năm tên đó là
Tính
Nhũ danh 乳名
Danh
Tự (hiệu)
Thụy
Hai tên trước không có nghi lễ vì Tính là tên họ như đã được mang sẵn trong khi sanh ra ở họ nào thì mang tên họ ấy. Tên họ thường gắn liền với tên đất (Civ.292).
Thứ đến là Nhũ danh là tên cha mẹ đặt tạm cho lúc mới sanh. Lúc ấy chưa cho là có hồn trên, mới chỉ có phách là hồn dưới vì hãy còn đỏ hoe, nên là phần huyết đi với mẹ, còn thiếu liên hệ với cha là khí biểu lộ bằng lông tóc (Civ. 382).
Sau ba tháng thì đến lễ đặt tên. Muốn đặt tên cho đúng tính mệnh thì phải tìm xem ngày sinh đẻ hợp với cung nào trong ngũ âm ngũ vật, rồi tự đó liên lạc với ngũ vị, ngũ sắc trên căn bản ngũ hành (P.C. 407. Maspéro 101, 109) mà đặt tên, vì tên với hồn là một (Civ.217), nên cần làm sao cho tên diễn tả được hồn, và vì thế tên thường liên quan tới một vật linh tức con vật biểu thị tính đức nào đó. Bởi vậy chữ vật vừa có nghĩa là con vật mà cũng có nghĩa là người theo nghĩa cao trọng, do đó hiện nay chỉ những ai đã “thành công danh” mới được gọi là “nhân vật” (Danses 158). Gọi thế là mới xét về “nhân tước” mà chưa xét về mặt “thiên tước”, vì thiên tước đòi phải “thành danh” theo nghĩa hiện thực được đức tính của vật linh ghi trong bảng Nguyệt lệnh. Xem vào bảng Nguyệt lệnh (kinh Lễ, Couvreur I, p.410) ta sẽ thấy cả một hệ thống tương ứng về màu, sắc, thanh, âm, khiến cho sự đặt tên tuy phải theo mùa mà cũng vẫn có thể biến chế hoặc theo thần hình như tuỳ giai đoạn mà sự chú trọng để vào thần, trùng, vị, sắc, thanh. Trong đó thanh rất quan trọng tức là đặt tên theo âm thanh đứa trẻ phát ra khi mới sinh. Để nhận rõ âm thanh trẻ hợp với cung luật nào, hợp cho tháng nào (Ứng chung, Hoàng chương, Thái thốc…) thường phải mời nhạc sĩ dùng ống quyển thổi lên để định xem tiếng trẻ hợp với cung nào… Cũng có khi người trong họ đoán định lấy như trường hợp ghi trong Tả truyện (Couvreur I p.584) kể lại lúc Tử Lương sinh là con Tử viết Tiêu. Tử Văn nghe tiếng Tử Tiêu khóc thì bảo “nên giết đi vì dáng như gấu, tiếng giống sói không giết sau nó sẽ tiêu diệt họ Ngao nhà ta”. Xem thế đủ biết người xưa tin vào âm thanh, dạng thức… có thể dẫn đến giết người, chứ không phải là điều thường coi khinh đi được. Chữ vật vừa có nghĩa là bản tính thâm sâu vừa có nghĩa là bản tính được biểu thị (essence emblématique) do sự liên hệ với con vật nào trong vòng địa chỉ “tí, sửu, dần, mão”. Vì thế con vật đó sẽ được vẽ lên lá cờ của người chết gọi là minh tinh (nghi lễ Couvreur 443. Danses 159) và lá cờ đó cũng gọi là vật được cắm lên bài vị tạm trong những nghi thức đầu tiên của lễ an táng. Vì Danh đi với hồn, nên khi qua đời phải hú hồn bằng danh. Danh vì thế còn chỉ tính mệnh và sự sống (Tả truyện Couvreur I. 317) nên phải giữ kín và trong thường nhật chỉ dùng nhũ danh, hoặc tự mà không dùng danh.
Lễ đặt tên thứ hai (Tự) gọi là “quan lễ” hay lễ gia quan cử hành vào tuổi 20 để chấm dứt tuổi vị thành nhơn, đặng ghi dấu bước vào đời tự lập. Tên tự thường là một đức tính mà người được đặt tên tự ý chọn lựa, nên nó là một bản tóm tắt chương trình của người đến 20 tuổi chú ý đến đức nào. Vì thế tự cũng là hiệu để làm khẩu hiệu cho người được gọi, bởi vậy người ta hay gọi tên này. Cuối cùng là tên Thuỵ, nôm na gọi là tên cúng cơm, là tên họ hàng đặt sau khi chết để biểu dương công đức hay sự nghiệp của người chết. Nếu tên tự là chí nguyện là dự phóng, thì tên Thuỵ là kiểm soát xem dự phóng hiện thực đến đâu.
Đó là đại để về 5 tên và ba lễ đặt tên đã có tự xa xưa và mỗi thời đổi thay chút ít. Nhưng tựu trung có hai điểm nên ghi chú: trước hết là việc đặt tên cho một người rất quan trọng và chia ra nhiều giai đoạn gọi là lễ. Hai là tên có liên hệ tới vật linh, vật tổ, nên có thể xem đó mà luận đoán tính tình.
Đấy là nói về một cá nhân, huống chi trong việc đặt tên cho nước còn cẩn thận hơn nên cũng phải có một hay nhiều lễ đặt tên. Đã nói đến lễ là nói đến cái gì thiêng liêng cao cả, chứ không đưa xuống hạ tầng cơ sở được như chúng ta sẽ bàn đến ở sau khi giải nghĩa Giao chỉ là giao long hay hai ngón chân xoè ra! Nói khác danh hiệu một nước có liên hệ mật thiết với cơ cấu tâm linh của dân ấy là một cái gì sâu xa ẩn khuất, muốn hiểu cũng cần phải làm một lễ “Vấn Danh” tức xét cẩn thận những danh hiệu của nước, mới được gọi là hợp “đồng văn” tức hợp với tinh thần của nền văn minh Đông Á, chứ không thể coi thường mỗi khi muốn nghiên cứu nghiêm chỉnh về nền triết lý Viễn Đông. Người nghiên cứu sử hay bác cổ mà xao nhãng điều đó là còn bỏ mất một phần quan trọng, đến như triết lý thì bỏ là bỏ mất cái tinh hoa nhất vậy.
NGUỒN GỐC VÀ QUỐC HIỆU NƯỚC VIỆT NAM


Theo truyền thuyết thì Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông nhân đi tuần thú qua miền Ngũ Lĩnh lấy công chúa Vụ Tiên mà sinh ra Lộc Tục. Đế Minh phong cho người con trưởng là Lộc Nghi làm vua ở phương Bắc, còn Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương lấy Long nữ con gái Động Đình Quân sanh ra Sùng Lãm về sau nối ngôi cha xưng là Lạc Long Quân. Đế Lai là con Đế Nghi sang ở phương Bắc, nhân nhớ tới họ hàng nên cùng Âu Cơ xuống Nam, về sau lấy Lạc Long Quân đẻ ra cái bọc một trăm trứng, nở ra một trăm con trai, rồi phong người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương truyền 18 đời trị vì được 2621 năm. Đến năm 258 bị nhà Thục dứt. Nhà Thục đặt tên nước là Âu Lạc (257-208). Đời Tần (214) chiếm lấy Âu Lạc và chia ra 3 quận. Đời Hán Triệu Đà (208-111) khôi phục lại và đặt quốc hiệu là Nam Việt.

Nhà Hán dứt họ Triệu đặt đô hộ trên Nam Việt lấy tên là Giao Chỉ 111-618,
Nhà Đường 618-907 gọi là An Nam đô hộ phủ
Nhà Đinh 968-980 gọi nước là Đại Cồ Việt
Nhà Lý đổi ra Đại Việt
Nhà Tống công nhận là An Nam quốc,
Đời Gia Long đặt là Việt Nam
Vua Minh Mạng đổi là Đại Nam
Đến thời độc lập gọi là Việt Nam.
Như thế từ ngày lập quốc tới nay nước ta có tất cả 11 danh hiệu, trong số đó có 5 danh hiệu ban đầu quan trọng hơn cả, bởi vì nó thuộc thời huyền sử nên biểu lộ sử mệnh của nước cũng như quyết định về hồn nước nhiều nhất, vì thế chúng ta chỉ cần tìm hiểu năm danh hiệu đó là:
Xích Quỷ đời Kinh Dương Vương
Văn Lang đời Hùng Vương, cả hai thuộc họ Hồng Bàng
Âu Lạc đời Thục An Dương Vương
Nam Việt đời Triệu Đà
Giao Chỉ Bắc thuộc lần thứ nhất.
Bây giờ chúng ta đi vào từng danh hiệu và trước hết hãy xét tới danh hiệu thời Hồng Bàng鴻龐. Hồng là con chim lớn, còn Bàng là nhà lớn. Hai chữ này gợi lại cho ta nguồn gốc Viêm tộc ban đầu thờ vật tổ Tiên mà biểu hiệu là chim (1), là trời, với lịch, liên hệ đến thời gian. Hồng được ngờ là một giống hạc rất lớn trong miền sông Dương Tử. Chim được sách Sơn Hải Kinh kêu là 帝江“Đế Giang” hầu chắc là chim Hồng, vì Hồng kép bởi hai chữ Giang và Điểu nên là Đế Giang, Đế Hồng (Danses 543, 544, 515). Các bà lớn Viêm Việt thuộc huyền sử được gọi là tiên nữ vì tiên biết bay cũng như nói người phương Nam được gọi là có cánh (Danses 339). Thí dụ: Tam Miêu là người có cánh chim, chắc là vì đó. Núi Tam Nguy nơi Tam Miêu bị đày cũng gọi là Vũ Sơn 羽山 nghĩa là núi lông chim nơi có loại chim chỉ có một đầu mà ba mình (Danses 243, 248) có màu xanh da trời, hình con tra trả. Cũng có sách gọi là Cưu (Danses 242). Và do đó khi múa bài Si Vưu thì phải mang lông chim (Danses 26). Nên nhớ Si Vưu vừa là tên riêng vừa là tên chung chỉ là cờ, và cũng chính là bài vũ của Tam Miêu. Sau này Điểu đi với Văn (2), ngược lại võ gắn liền với thú. Thú cũng như võ đi với Hoa tộc, vì thế Hiên Viên lấy hiệu là Hữu Hùng. Hùng là một loại gấu trắng, có lẽ vì đó các bà quan mặc áo thêu chim trĩ, còn áo các ông thêu rồng (H. Maspéro 210) vì rồng là một loài thú nhưng đã thăng hoá tức đã đồng hóa với chim nên cũng biết bay? Dầu sao thì mối liên hệ điểu thú đã có từ lâu đời, hầu chắc thuộc giai đoạn Tam Hoàng khi chưa có thú của Hoa tộc, nhưng đã có rồng của Viêm tộc, nghĩa là Tiên Rồng có trước lúc Hoa tộc tràn vào. Ngay thời Thiếu Hạo đã thấy có lệ dùng chim làm trang sức cho quan văn và thú cho quan võ (Cordier 72). Về chữ Bàng ta có thể nghĩ là lúc ấy còn nặng óc gia tộc nên nhấn mạnh đến nhà lớn, có thể là đại gia đình, đại gia tộc giai đoạn thị tộc mẫu hệ. Chữ Bàng có thể gợi ý đến chữ thất là chữ có thể ngờ rằng Viêm Việt dùng để chỉ cái nhà. Vì Viêm Việt đi vào nông nghiệp sớm nên làm nhà đàng hoàng nơi đàn bà to quyền, nên dưới chữ miêu thì đến chữ thất và chữ khư chỉ đồ dệt vải của Chức Nữ đặt trên chữ Thổ, vì thế con gái chưa chồng kêu là “thất nữ”, con giai kêu nữ là thất, nữ kêu nam là gia. Chữ Gia viết với bộ thỉ là con heo, người Tàu mấy tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Hà Nam, Mãn Châu biết nuôi heo rất sớn (Civ. 76) và nhà thường khoét vào đất đỏ trong đó đồng cư cả người lẫn heo. Bài “Chiết dương liễu ca” là một bài thơ biểu lộ được phong tình đất Bắc có câu:
“Ngã thị Lỗ gia nhi
我是虜家兒
Bất giải hán nhi ca”
不解漢兒歌
“Ta người trai đất Bắc
Sao hiểu được Hán ca.”
(1) Hình như ban đầu có một giai đoạn Viêm tộc nhờ vật tổ chim rồi tự đó tiến lên vật tổ Tiên và Rồng. Điều chắc là về sau chim cũng như núi, và đàn bà vẫn đi đôi với tiên. Vì thế mà chim chiếm một vai trò quan trọg trong văn hóa Viêm Việt.
(2) Múa Văn thì cầm lông chim trĩ và ống sáo. Múa Vũ thì cầm cái thuẫn và cây búa. Kinh Thi bài giản hề 380 Bản dịch Tạ Quang Phát tr.189.
Ta nhận thấy chữ gia chỉ người trai phương Bắc không hiểu được Hán ca. Vì sông Hán thuộc phương Nam. Lâu ngày thì chữ Gia bớt dần hơi heo để đi lên bậc khá tôn quý, đến nỗi đi kèm những chức bậc cao như thương gia, chính trị gia. Tất nhiên không thể lên cao bằng chữ thất, vì thất lên tới Thái thất, mà Thái thất là then chốt văn hóa vẫn nằm trong quyền chi phối của Viêm tộc coi trọng nhà như nước, nên đã gắn nhà vào nước để ra “nhà nước”, hoặc sau biểu tượng nước là Đế điểu kêu là Hồng, thì đến biểu tượng nhà là Bàng. Ngày nay ta nói nhà nước là nói lên ý tưởng của tiền nhân lúc ấy là Hồng Bàng thị vậy. Kêu là Hồng Bàng hay Thái thất cũng là một: cả hai danh từ đều chỉ nền văn hóa nối Nhà với Nước.
Trên đây là những suy luận tuy có căn cứ trên một số dữ kiện nhưng không nên hiểu cách cố định mà cần uyển chuyển rất nhiều, thí dụ tuy điểu đi với Viêm tộc, còn thú đi với Hoa tộc là câu nói không nên đặt biên giới kín mít vì có thể vật tổ thú đi với giai đoạn săn hái, còn điểu với giai đoạn nông nghiệp. Thí dụ Thần Nông có đầu bò thì đầu bò có thể là ý nghĩa nông nghiệp. Nên nhờ Thần Nông cũng có họ Khương có lẽ vì bộ dương nên nói Thần Nông có đầu bò, mà cũng có thể là dấu về thời còn săn hái? Rồi sau đến con cháu thì mới đi hẳn sang nông nghiệp với vật tổ là Tiên (Danses 259). Đó là vấn đề phiền toái, chỉ cần nhắc đến để có một ý niệm về hai loại điểu và thú, nhưng vì tính chất biến dịch tự thú sang điểu rất thường. Ông Cổn bị đày lên núi và hóa ra vũ tức loài có cánh chim nghĩa là đồng hóa theo Tam Miêu. Tam Miêu là loài có cánh nhưng không bay được (Danses 258). Rõ ràng vật tổ Tiên hay điểu.
Ngoài biến dịch còn có phép giao thoa giữa thú và điểu tức giữa hai nền văn hóa kiểu “âm trung hữu dương căn” nên trở thành tế nhị. Thí dụ lẽ ra Phục Hy phải cầm quy để củ cho Nữ Oa vì quy là tròn đi với trời, với đực, đàn ông, còn củ là vuông đi với đất, cái, đàn bà. Thế mà đây Nữ Oa lại bồng quy mới chết người ta. Vô số học giả lầm vì thế. Vậy cần nhớ luôn là chúng ta đang ở trong bầu khí kinh Dịch có tính cách giao thoa thẩm thấu với các bờ cõi nhập nhằng trồi sụt liên miên.
XÍCH QUỶ 赤鬼 (1)
Tên nước đầu tiên của ta là Xích Quỷ, hai chữ này gợi ngay ra một tên quỷ đỏ, ít ra đỏ ở cái đít, nên hầu hết sách vở không dám bàn đến. Có người cho rằng đấy cũng là một vụ chài kiểu Si Vưu, và như vậy thì Xích trước kia là chữ Tử, còn Quỷ là chữ gì đó. Nhưng ta có thể giữ y nguyên danh hiệu miễn phải đặt vào đồng văn lúc đó.
(1) Một số người cho là danh hiệu này do Tàu gán cho ta để tỏ ý khinh bỉ. Nhưng thiết tưởng chữ quỷ có ý là chủ, và lúc đó chưa có nước Tàu, nên ta có thể giữ nguyên. Tuy nhiên đây cũng chỉ là tiểu tiết. Nếu tìm ra tài liệu đích đáng là do Tàu thì ta bỏ chẳng có sao. Vì chỉ là chuyện lịch sử.
Theo quyển Văn Hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm thì chữ quỷ có nghĩa là lớn lao và hay đi với chủ (quỷ chủ 鬼主) để chỉ người có quyền thế lớn ở vùng Nam (Văn hiến 214). Miền Tứ Xuyên hay nói “đô quỷ chủ 都鬼主” để chỉ vị nguyên soái, cũng có khi nói “thiên quỷ chủ 千鬼主” có lẽ để chí người cầm đầu một ngàn nhà (Văn hiến 278). Theo Kinh Dịch thì Bắc chỉ nước Nam chỉ lửa (quẻ li) hai hành này phải giao nhau mới làm nên “linh phối”. Theo ý đó Tư Mã Thiên (III.369) dùng câu ngạn ngữ “thuỷ dữ hỏa hợp vi tuý” nhân khi nói tới hai ngôi sao thuỷ tinh và hỏa tinh. Nơi khác (368) ông có nhắc đến một bức chạm Nữ Oa và Phục Hy trong đó bên cạnh Phục Hy có con chim đỏ (Chu tước?) còn bên cạnh Nữ Oa thì có huyền vũ (guerrier sombre xem thêm Danses 489) vì thế trong nền văn hóa cổ đại Việt Hoa thì Huyền là màu chỉ sự sống đi với nước, còn xích chỉ lửa (đỏ) hay quẻ li chỉ văn minh tinh thần. Khi nói đến phần linh thiêng con người thì dùng hai chữ nhơn quỷ 人鬼 đối với thiên thần và địa chi 天神, 地祇 vì thế vua quay về hướng Nam. Cũng như trong mỗi nhà thì gia trưởng quay về hướng Nam (P.C 3697). Tất cả đều nói lên sự hướng vọng về văn minh. Khi gọi các nước văn minh là “chư hạ” thì cũng là ý đó, vì Hạ là mùa Hạ đi với phươngNam. Ý tưởng này phát xuất từ ngũ hành, Hà Đồ và Lạc Thư nên chắc phải có đã lâu đời lắm. Người ta còn tìm được dấu tích ở hai đời Ân và Chu có ba nước ở phương Bắc được xem là có văn hiến thì nước “Quỷ Phương” là một, hai nước kia là Côn Di và Huân Dục (Văn học sử Trung Quốc của Dịch Quận Tả 42).
Như vậy khi đặt tên cho nước là Xích Quỷ thì tiên tổ ta có thể nhằm một trong ba hay tất cả ba ý tưởng sau đây. Một là nói lên ý tưởng về văn minh, trong đó chữ quỷ có nghĩa là quy hướng = “quỷ quy dã”. Liệt Tử đã dùng chữ này trong khi nói về lúc sau chết, thì thần và hình đều trở về chỗ chân thực sơ nguyên của mình. “Tinh thần li hình, các quy kỳ chân”, nên Xích Quỷ có nghĩa là đi về phía văn minh chỉ thị bằng mặt trời phương Nam (NhậtNam). Ý thứ hai có thể xưng mình là chủ lớn ở phương Nam. Điều này thì có thiệt khi nói về Viêm Việt, vẫn từ đầu đã làm chủ cả phương Nam lẫn phương Bắc. Rất có thể lúc ấy Hoa tộc đã tràn vào làm ung thối 6 tỉnh Hoàng Hà, nên Viêm Việt dùng danh hiệu Xích Quỷ để nói lên ý chí quyết giữ chủ quyền phương Nam. Ý thứ ba có thể là tiền nhân nói lên ý chí duy trì di sản thiêng liêng của Viêm tộc được ghi trong chữ Xích. Theo một truyền thuyết xa xưa còn ghi lại do Châu Diễn thì nước Tàu xưa kêu là “Xích Huyện Thần Châu 赤縣神州 ” mà ông Needham dịch là “The Spiritual Continent of the Red Region” (Need II.233). Có lẽ đây là tên đặt cho Trung Hoa cổ đại đời Tam Hoàng để ghi nhớ việc khai sáng ra nền văn minh (lửa). Đến sau Hoa tộc tràn vào đổi tên mới, thì Viêm Việt cố duy trì lại bằng danh hiệu Xích Quỷ. Theo Trịnh Khang Thành thì Xích Đế có nghĩa ngang với văn tổ là trời, tức là lấy một phương Nam sáng láng nhất (Xích) để chỉ cái toàn thể là văn tổ. Đó là ba lý do phỏng định có lẽ không đúng về chi tiết nhưng nói lên được ý chí người xưa muốn làm chủ phương Nam cũng như duy trì di sản tinh thần của tiên tổ là hướng tới ánh sáng văn minh, tuy danh từ nghe lạ cho người nay nhưng cùng một ý như hai chữ Nam Việt sẽ nói tới. Trong đó Việt là siêu Việt là vươn tới, tương đương với quỷ. Còn Nam là phương của quẻ li, của lửa đỏ (Xích).

VĂN LÀNG 文廊
Văn làng là nước những người có văn hiến hay là nước những người có tục xâm mình? Một số học giả hiện đại như Maspéro bảo chữ Văn Lang phải dịch là nước những kẻ xâm mình (royaume des tatoués et non royaume des lettrés), và lẽ tất nhiên được nhiều học giả khác theo. Nhưng chúng ta cho đó chỉ là óc duy sử, tức là một thứ khoa học cận thị xem thấy vỏ mà mất ruột. Trước hết là duy sử vì sử có nhắc đến tục vẽ mình. An Nam chí lược (quyển 1) “người châu Giao… vẽ mình bắt chước tục nước Ngô Việt”. Sách Cương Mục quyển 1 khi nói về Hùng Vương có chép rằng “thời ấy cư dân xuống nước hay bị giao long làm hại, vua bèn dạy người lấy mực họa thuỷ quái lên mình, từ đây mới khỏi bị hại, tục văn thân xâm mình bắt đầu từ đấy”.
(1) Trong quyển Việt Hùng sử quan ông Trần Văn Hợi có đề nghị viết làng thay cho lang. Vì trong sách Thuỷ Kinh Chú coi nước Văn Lang rợ mọi như sài lang. Tuy lý không được vững, vì đó chỉ là lối giải nghĩa của địch thủ. Nhưng chữ làng nói lên tính chất quan trọng của làng Việt Nam. Nên chúng ta có thể nhận để đặt nổi yếu tố ước trị của làng, nhưng không cần bỏ chữ Văn Lang.
Còn thể kể thêm cả sách Toàn Thư ngoại kỷ quyển 1, cả Hoài Nam tử chương 1… nhưng dù có nhiều sử chứng tới đâu cũng chưa thể kết luận rằng Văn Lang là nước những người vẽ mình, vì nếu thế phải dùng cả hai chữ “văn thân” mới được. Đàng khác có thể hỏi: ừ thì vẽ rồng trên mình để giống với rồng, nhưng giống để làm gì? Đế nó khỏi ăn mình hay để mình khỏi ăn nó? Bởi chưng nói rằng xâm mình để giống với giao long là một chuyện, còn giống với giao long để làm gì là chuyện khác. Thưa lại câu thứ hai này sẽ biểu lộ cả một nền triết lý: tức duy vật sử quan hay duy linh sử quan… Nếu duy vật thì bảo để nó khỏi ăn mình. Ta nhận xét đời nào người xưa ngu đến độ nghĩ rằng có thể đánh lừa con vật bằng mấy nét chấm để nó nhận là đồng tông. Như vậy lẽ này quá yếu, nhất là khi ta nhận thấy những nơi có tục xâm mình thì thường lại dành riêng cho những hàng quý tộc, nghĩa là những người không phải xuống mò cá. Việt sử lược (quyển 3) mục Lý Anh Tôn năm 1157 chép về việc vua “xuống chiếu ban luật… cấm gia nô của các vương hầu không được thích hình rồng ở bụng…” tức là giữ độc quyền xâm mình cho quý phái mà thôi. Không riêng ở nước ta mà đâu cũng thế việc vẽ mình đều dành riêng cho quý tộc cả. Trong quyển “Văn hiến thông khảo” của Mã Đoan Lâm (tr.401) có nói đến con gái quý tộc bên đảo Hải Nam trước khi kết bạn cũng có tục xăm mặt gọi là “thêu mặt” (tú diện, 繡面) cô nào càng sang thì sâm càng nhiều nét, còn dân gian thì không được phép xăm. Vậy thì xăm hình rồng vào mình không phải để khỏi nạn rồng ăn mà chỉ là một cách “đeo lon” để phân cấp, chắc tục lệ này phát xuất từ lúc chưa mặc quần áo, nên lon không có chỗ khâu mới phải xâm thẳng vào mình để biết mà chào đại uý hay thiếu tướng… Trong quyển “Văn hiến thông khảo” Mã Đoan Lâm có nhắc đến việc Hán Vũ Đế “lâu lâu xăm mình rồng cho một ông Hoàng của chư hầu thì người ấy lấy làm ơn trọng đại như được nhập họ hàng thiên tử” (Văn hiến 144).
Như vậy đã rõ con rồng ở đây đã trở thành thứ Long u linh vật tổ, chứ không phải là Giao Long ăn thịt người chi cả. Ngược lại chính là người ta ăn giao long, ăn giao long không phải là lấy no lấy béo, nhưng để chịu lấy linh lực của vật tổ. Đó là nghi lễ ăn vật tổ đã biến dạng dần để trở thành vẽ hình vật tổ lên mình hoặc mặc áo bằng lông vật tổ (nguyên nghĩa của chữ phục ) “Sơn Hải Kinh” là một loại sách thần thoại nhằm dạy cách tận dụng những linh lực của các con vật có viết rằng muốn làm chủ được những đức tính của con vật nào thì chỉ cần ăn thịt nó, hoặc mặc áo làm bằng da nó. Ăn thịt con tinh tinh (đười ươi) thì có sức đi mau lạ lùng. Ai mang trong thắt lưng một miếng da hay mấy cái lông con ngựa đầu trắng có vằn như con hùm mà đuôi lại đỏ thì đẻ rất nhiều con trai. Ai mang lông chim cú mặt như mặt người mà lại chỉ có một chân thì không phải sợ sấm sét, ai mặc áo bằng da một thứ cá bay thì khỏi lo sét đánh hay khí giới nào xâm phạm “phục chi bất uý lôi, khả dĩ ngự binh…” (Danses 261). Con cóc là cậu ông trời hễ đã mở miệng xin là trời nể phải cho mưa: nên ai đeo bùa làm bằng da cóc thì tránh được tên bắn của địch (Danses 530). Theo sự tin tưởng như trên ta sẽ không lạ gì khi người ta tìm cách ăn thịt giao long. Vì long là vật thiêng nên xưa các vua giữ độc quyền cho mình. Nước ta từ thời kiến quốc quân sĩ đều thích đầy long văn ở bụng lưng và hai vắp vế gọi là “thể long”. Đó cũng là hợp với tục dùng chữ long để chỉ những ông vua mạnh nhất. Tên Lạc Long Quân hẳn là ở vào trường hợp này (Văn Hiến 141).
Giải nghĩa như thế chúng ta mới hiểu đúng hiện tượng vẽ mình và khi người xưa Triệu Ung hay Cao Dụ cho là cốt để tránh giao long thì nên hiểu là các ngài đã mất ý thức về ý nghĩa vật linh rồi vậy. Cho nên cần đề cao ý nghĩa tiêu biểu trang sức như chính giáo sư Hòa đã viết đến hai lần (tr.149-151) mà tại sao lại còn giữ ý nghĩa trứ hình?
Đàng khác tục xăm mình có thể không liên hệ chi tới tên “Văn Lang” bởi chưng đó là một tục chung cho nhiều miền, từ hai miền Dương tử giang xuống đến Mã Lai, Océanie… đều có tục này, tại sao không gọi tất cả là Văn Lang mà lại có nước của họ Hồng Bàng mới đặt tên là Văn Lang? Nói cho đúng ra cũng có vài người Tàu dùng tiếng “văn thân” để gọi (xem Văn hiến tr.302) nhưng đó không là tên nước mà là nói phớt qua đến trong ba chữ “Văn diện bộc” và xếp vào cùng một loại với những miền có tục kỳ dị như “Xích Khẩu” (xoa môi cho đỏ); triết phủ (bẻ gãy xương sống khi con mới sinh…). Nhưng gọi thế chỉ vì những nhà mạo hiểm nghe hay xem thấy thế rồi về ghi lại trong dăm ba chữ, để chỉ một miền bé nhỏ xa lạ chưa ai biết đích xác ra sao. Và như thế là rất khác trường hợp nước ta thuộc Bách Việt đã lâu đời chiếm cứ suốt 12 tỉnh miền Nam Trung Hoa, nghĩa là rộng hơn miền Hoàng Hà gấp đôi. Cũng không thể bảo rằng lúc ấy chữ Văn mới chỉ có nghĩa là xăm mình, mà chưa đạt nghĩa văn vật, bởi vì lúc đó người ta đã dùng chữ văn để đặt tên thuỵ cho những người có công lớn trong văn học, như năm 154 tr.d.l nhà Hán phong cho quan thái thú Tứ Xuyên chức Văn và người trong miền quen xưng tụng là “văn ông” vì có công lập ra trường học đầu tiên để đào tạo và tuyển lựa nhân tài, đến năm 124 nhà Hán theo đó lập ra trường đào tạo và tuyển lựa “bác sĩ quan” (theo sách Tiền Hán Thư chương 89 p.2bff và Needham I p.106). Lên cao hơn nữa là dành cho Văn Vương nhà Chu. Trên cùng tột thì phải hiểu là Văn tổ. Các sách thường không dám giải nghĩa chỉ Văn tổ, chỉ đề là khuyết nghi, riêng có Mã Dung thì giải nghĩa là trời; giải như thế kể là đúng nhưng không đưa ra lý chứng nên không được mọi người theo. Chính ra văn tổ là trời, hay nói cho thật chính xác thì phải nói cả trời cả đất theo câu “duy thiên địa vạn vật chi phụ mẫu” (kinh Thư Thái thệ thượng) và ý nghĩa này đã được dùng vào việc xếp đặt sông nước. Thí dụ về nước thì đời ông Vũ đã nói đến ngũ nhạc là năm núi thánh của nước Tàu xếp đặt trong 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trung là Thái Sơn 泰山về phía Đông, nên cũng gọi là Đông Nhạc 東岳thuộc tỉnh Sơn Đông. Hoa Sơn 華山 thuộc tỉnh Thiểm Tây. Nam nhạc là núi về phía Nam gọi là Hành Sơn thuộc tỉnh Hồ Nam. Bắc Nhạc là Hằng Sơn 恆山thuộc tỉnh Sơn Tây. Còn Trung Nhạc là núi ở Trung ương tên là Tung Sơn 嵩山thuộc tỉnh Hà Nam. Năm ngọn núi trên nói tắt là Thái, Hoa, Hành, Hằng, Tung. (xem Kinh Thư, Thuấn điển câu 8, bản dịch Thẩm Quỳnh tr.48). Tung Sơn cũng gọi là Sùng sơn 崇山hay sùng cao hoặc Thái Thất 太室(Legg III.131). Thái thất cũng là văn tổ. Văn tổ cũng là nghệ tổ. Chữ nghệ viết được cả kiểu đơn và kép (,) nhưng viết bộ đơn vẫn hay hơn vì nói rõ lên được hai nét đất và trời giao hợp, do đó nảy sinh chữ văn cũng cùng ý nghĩa. Chữ văn được Legge (III.36) dịch khá sát là the accomplished ancestor, nghĩa là tổ trọn vẹn hoàn hảo. Vậy mà trọn vẹn hoàn hảo cùng cực phải là “trời đất giao hội” và đó là nghĩa thâm thuý nhất hợp cho minh triết là đợt thứ ba sau bái vật và ý hệ, vì thế lẽ ra mỗi khi ta nói đến “văn hiến chi bang hay văn hóa”… thì phải hiểu tới đó, hiểu tới bầu khí mà tôi gọi là tâm linh sử quan. Bầu khí đó đã chớm nở trên bốn ngàn năm nay và được ghi lại trong kinh điển và nổi bật trong chương Hồng phạm. Bởi thế nói rằng khi tổ ta đặt tên nước là Văn Lang thì những phần tử ý thức nhất trong các ngài đã đạt bầu khí tâm linh đó là câu nói có bằng chứng rất chính xác. Vì thế phải hiểu chữ Văn Lang không những theo nghĩa là nước những người có học (lettrés) mà còn phải hiểu theo nghĩa cao cả nhất của chữ Văn trong Văn tổ mới trúng đại đồng văn (le grand contexte). Và lúc ấy chữ Văn bao hàm hết mọi ý nghĩa từ thấp đến cao mà thấp nhất là nét rằn ri của gỗ hay đá hoặc ngọc gọi là Văn, như văn thân, sau cùng tới văn tổ như sau:
- Văn thân là nét vẽ hay nét râu ri trong gỗ đá.
- Văn học theo nghĩa thông thường hiện nay
- Văn công: như lễ nhạc
- Văn đức: khi đã khởi đầu hiện thực vào bản thân, đã cảm nghiệm.
- Văn tổ: đã thể nghiệm, thể đạo tức đạt đạo. Và khi xưng là Văn hiến chi bang thì phải bao hàm tất cả 5 ý nghĩa trên. Đã biết đặt tên nước là Xích Quỷ thì có khó chi mà không đạt độ đặt tên nước là Văn Lang tức là nước lấy văn hóa làm nền tảng, một đợt mà Âu Châu từ đời Phục Hưng đã khởi công đi vào mà đến nay vẫn chưa lọt.
ÂU LẠC甌貉


Theo sự nghiên cứu tỉ mỉ của giáo sư Trần Kinh Hòa (đăng trong tạp chí Đại học Huế trong 2 số 15, 16 năm 1960) thì Tây Âu là quốc danh, còn Tây Âu Lạc chỉ dân Lạc ở nước Tây Âu.

Vậy vị trí nước Âu Lạc ở đâu? Hai ông Maspéro và Aurousseau thì cho là TonkinAnnam. Trái lại ông Camille Sainson dịch giả An Nam Chí lược của Lê Tắc thì cho là thuộc địa phận tỉnh Giang Tây. Lại có người cho là Chiết Giang. Giáo sư người Nhật Nobuhiro bác đi và cho là phải ở trên Bắc nữa, nhưng không nói ở đâu. Giáo sư Trần Kinh Hòa dẫn lời Quách Phác trong Sơn Hải Kinh cho rằng “Mân Việt tức Tây Âu nay thuộc huyện Kiến An” (Hòa184). Ngần ấy ý kiến nên theo ý nào? Các học giả đều bác bỏ nhau để nhận một. Theo tôi thì tất cả các học giả đã bỏ sót một yếu tố quan trọng là sự kiện người Việt Nam liên miên phải di cư từ Bắc xuống Nam trứơc sức xâm lăng của Bắc phương. Đây là một sự kiện lớn lao nhất kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Vậy mà lại không được các học giả chú ý cân xứng. Sở dĩ như vậy vì nó đã xảy ra lâu đời trước vào thời khuyết sử, nên không ghi lại nhiều sử kiện. Tuy nhiên nó vẫn còn tái diễn phần nào trong thời có sử, vì thế chúng ta có thể coi là các ý kiến trên kia đều chấp nhận được cả miễn là biết đặt vào giai đoạn khác nhau. Ý kiến đặt Âu Lạc ở Trung Bắc Việt đúng vào lúc cuối cùng tức chung quanh đời Tần Hán dăm ba thế kỷ. Ý kiến cho là ở Chiết Giang hay Giang Tây cũng đúng nhưng phải đặt lùi về trước ít ngàn năm. Và sau cùng đến ý kiến của sách Sơn Hải Kinh cho là ở miền Kiến An cũng lại đúng miễn phải ngược lên nữa để tìm ra gốc tích cái tên Lạc có lẽ không phải Kiến An ở tỉnh Phúc Kiến bên dưới Chiết Giang, mà có lẻ là tên xưa đã thất lạc để chỉ một miền có liên hệ đến sông Lạc mà tiên tổ xưa đã ở. Vì sông Lạc cũng dài lắm theo Địa Hán chí là 1970 dặm (Legge III.140) nên rất có thể một số cha ông ta đã có mặt ở một miền nào đó trên bờ sông Lạc và vì thế ta phải lên đến bờ sông này mới tìm ra nơi cư trú đầu tiên và lúc ấy ta có đủ lý do để suy đoán ra rằng mỗi khi tiên tổ Việt tộc phải di cư thì quảy luôn cả tên cũ đi để đặt cho những miền đất mới định cư, y như các trại Bùi Chu Phát Diệm di cư cả tên vào Nam vậy. Khắp nước ta thiếu gì những tên trùng hợp với tên cũ bên Tàu như Hà Nội, Hà Nam, Sơn Tây, Kiến An, Gia Định là do tâm lý đó cho nên danh hiệu có một mà địa vực lại nhiều nơi. Bởi đó với triết lý việc định vị trí khu vực Lạc Việt, Âu Lạc không quan trọng cho bằng quy định nội dung của chính cái tên. Thế mà xét về nội dung thì hai chữ Âu Lạc đều đầy ý nghĩa. Sách “Toàn Thư ngoại kỷ” quyển I chép rằng: vua Lạc Long Quân cưới con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ sinh ra trăm con, ấy là thuỷ tổ giống Bách Việt. Giáo sư Hòa (tr.142) cho hai âm Âu 女區)trong Âu Cơ và Âu trong Âu Lạc, cũng như Lạc trong Lạc Long Quân và Lạc trong Âu Lạc, hoàn toàn giống nhau và đối ứng nhau. Hơn thế nữa theo sách “Sử ký tập giải Hán thư văn nghĩa” rằng “Lạc tức là Việt, 貉越也” (Hòa 183). Sách “Thuỷ kinh chú” (quyển 37) dẫn Giao châu ngoại vực ký rằng “ngày xưa lúc Giao Chỉ chưa có huyện thì trên đất có Lạc điền, theo nước triều lên xuống dân khẩn cày ruộng ấy làm ăn, nhân đó gọi là Lạc dân. Lạc hầu làm chủ toàn bộ các quận huyện. Mỗi quận huyện thì phần nhiều đặt Lạc tướng (Hòa 190). Đọc đến đây ta nhận thêm ra một mối liên hệ của tiên tổ ta với nước, nên sau này hay nói đến nước như “sơn tinh thuỷ tinh” và “thần kim quy” được gọi là “Thanh Giang sứ giả” và dùng con vật sống dưới nước Giao long làm vật biểu cũng như khi phải bay lên trời còn cố dùng loại chim nước, như chim Hồng hộc trong Hồng Bàng cũng như chữ Hồng phạm 洪範viết với bộ thuỷ (xem đồ bản vẽ hình 3 loại qua một thứ giao của giáo sư Hòa tr.153 chỉ rõ điểm này). Sở dĩ có mối liên hệ chặt chẽ vì nước đem lại ánh sáng văn minh là Lạc Thư, làm sao không dan díu với nước. Vì thế mà trong thế giới duy có Việt Nam dùng một chữ nước để chỉ cả nước sông và nước quốc, cho nên chữ Lạc ban đầu viết với bộ thuỷ như sông Y sông Lạctrong kinh Thư (thiên Vũ Cống câu 14). Về sau nhà Hán thuộc hỏa kị thuỷ mới đổ ra bộ nhai rồi sau đổi ra bộ chuy mà viết là Lạc và có lẽ vì đó mà sau này chữ Lạc viết khác nhau: Sử ký viết bộ mã, Lĩnh nam trích quái bộ trãi , An Nam chí lược bộ chuy . Vì thế ý kiến giáo sư Hòa cho tiếng Lạc là có ý dịch chữ Alauk cũa tiếng Chàm cũng có nghĩa là ruộng thì tôi cho là rất yếu vì nó không hợp cho đồng văn tức là thói tục thông thường của Việt Nam đã từ đầu toàn dùng chữ Nho để đặt tên sông, núi, miền và nhất là người. Cho nên nếu người xưa khi dùng chữ Lạc có nghĩ tới chữ Alauk thì cũng là một sự ngẫu nhiên không mấy quan trọng, điều được các ngài chú trọng hơn cả khi đặt tên nước là Âu Lạc là cốt để kỷ niệm chốn chôn nhau cắt rốn của Lạc Long Quân một ông vua nếu không cai trị Lạc Ấp, Lạc Dương, Lạc Nam… thì cũng có liên hệ nào đó đối với con sông Lạc là sông gắn liền với Lạc Thư tức một nền minh triết có nền tảng mẹ như đã nói trên về Âu Cơ.
NAM VIỆT 南越 (1)
Bây giờ chúng ta bàn đến danh hiệu Nam Việt có từ đời Triệu Đà. Hai chữ này có thể chỉ những người có lý tưởng siêu việt nhất ở phương Nam, muốn đại diện cho đoàn người Bách Việt đông đảo ở khắp nơi trên nước Tàu. Chữ Nam cũng còn cần đựơc hiểu theo cung ngũ hành, chỉ phương Nam đối với phương Bắc, nên là miền sáng láng, chỉ văn minh. Như vậy tuy danh hiệu khác, nhưng vẫn nói lên một điểm y như chữ Xích Quỷ là chủ phương nam thuộc hỏa màu đỏ, thì Nam Việt cũng là cái gì siêu Việt nhất ở vùng Nam, con cháu của những người có liên hệ tới lửa: Viêm Đế, Đế Minh, Trùng Lê… Thực ra nếu xét kỹ thì Việt Nam chỉ là miền đất ở phía Nam Việt Giang, nhưng phải xét lên cao hơn nữa lúc tổ tiên đặt tên sông là Việt, thì tiền nhân không thể không gói thêm vào đó ý nghĩa siêu lên kiểu chữ Nam đi với chữ Hạ (chư hạ) cũng như những tên Kinh Dương Vương, Hoa Hạ, vì Dương với mùa Hạ và miền Nam là một, tất cả đều chỉ lửa đỏ, sáng. Bởi thế nói được rằng chữ Việt Nam cũng chỉ là một cách canh tân lại ý chí làm tròn sứ mệnh là bảo toàn và phát huy nền văn hóa nông nghiệp gắn liền với lửa (Viêm Đế, Thái Hạo, Đế Minh…)
(1) Chữ Việt xưa viết với bộ Mễ, nay quen viết với bộ Tẩu. Có ý kiến cho là do ngườiTàu viết đổi đi để ngụ ý chửi Việt Nam như con chó chạy. Đó là một ý kiến không có bằng chứng nào khác ngoài việc tán tự, tức là loại lý chứng rất bấp bênh. Tôi không tin là các cụ xưa lại khờ đến nối chấp nhận sự thóa mạ đó.
GIAO CHỈ 交止


Bây giờ bàn đến tiếng Giao Chỉ, có phải giao là miền của Giao long (cá sấu) còn chỉ là miền đất những người có hai ngón chân cái xoè ngang, hay chỉ là miền ở chân núi. Con Giao có nghĩa như Nam giao trong đầu kinh Thư? Chúng ta có thể thưa rằng giải nghĩa chữ “Giao chỉ” theo nghĩa ngón chân giao nhau là lối giải quá duy vật nên không đúng. Trước hết khoa giải phẫu chứng minh là không có giống người hai ngón chân đâm ngang (tên khoa học là Hallux varux). Tuy nhiên ở những vùng chưa văn minh quen đi chân không cũng có một số ngón chân cái hơi giẽ ra nhưng đó là tật chung ở khắp nơi trên thế giới kể cả Âu Châu. Vậy không thể căn cứ theo đó, nhất là nó không hợp đồng văn của nền văn hóa tâm linh Việt Nho rất coi trọng việc đặt tên, không thể lấy cái tật ở một số người mà đặt tên cho cả một nước. Vì thế thuyết này không còn thể đứng vững như giáo sư Hòa đã bác đi sau những nghiên cứu tỉ mỉ về hết mọi phương diện, nên tôi xin miễn nói tới và chỉ xin trưng lại lẽ chính của giáo sư là các sách cổ nhất khi nói đến tên Giao Chỉ như sách Phong Tục Thông, sách Thượng Thư, sách Sơn Hải Kinh, Bác Vật Chí, Hậu Hán Thư… đều không có nói đến ngón chân xoè ra, chỉ mãi 6, 7 trăm năm sau mới có những học giả nhân vì chữ Giao chỉ mới cho tên là do đó… Sở dĩ tôi trưng lại lẽ này của Giáo sư Hòa vì cho đây là lẽ mạnh nhất, mạnh đến nỗi có dư sức chống luôn cả ý kiến của chính giáo sư muốn cắt nghĩa Giao Chỉ là miền có những “cá sấu” gọi là Giao long, và vì thế giáo sư phải thêm vào chữ Giao bộ trùng và chữ chỉ bộ túc để viết là 跤趾thay vì 交止. Tôi cho sự thêm thắt này là do quan niệm duy vật hay là vẽ rắn thêm chân nảy sinh về sau không ăn nhằm chi tới quan niệm tâm linh sử quan bên ta, nơi mà ý niệm đó được biểu dương cách cực kỳ long trọng bằng lễ Nam Giao, một lễ đầu não nhất, nên cũng biểu lộ óc tâm linh hơn bất cứ lễ nào, và vì thế mọi người suy tư phải lấy nó làm sợi dây ghi đường trong việc quy định nội dung hai chữ Nam Giao và Giao Chỉ, nếu không thì có đưa ra bao suy luận dựa trên thổ tục học, lịch sử học, ngôn ngữ học… cũng không giúp cho khỏi lạc lối vào vòng nguỵ biện để chạy theo những cái chân của rắn thêm vào sau. Vì thế chúng ta cần phải trở lại nguồn đi về thực xa, và ở đấy chúng ta nhận ra rằng những bản khắc xưa nhất lại chỉ viết có交止 không có chân hay sâu chi cả. Nguyễn Nguyên nói trong sách xưa đều chép Giao Chỉ 交止cũng có chỗ chép交趾… Riêng tôi cho rằng bộ phụ này báo hiệu một sự sa đọa to lớn được ghi dấu bằng cả một chữ như thổ, châu, bộ, di… vì từ đời Hán về sau người ta bỏ chữ chỉ và thay vào bằng những chữ khác như Giao Châu, Giao Thổ, Giao Bộ, Giao Binh, Giao Di… (Hòa 216). Còn gì tỏ lộ sự đi sâu vào sa đọa rõ bằng đầu hết là chữ có nghĩa triết lý là ở như chữ cư trong kinh Thi trưng lại ở Đại học “chỉ ư chí thiện” hoặc cái cùng cực cái chí thiện như câu “khâm quyết chỉ” kinh Thự. Thái giáp thượng, câu 7 = hãy kính cẩn định lấy cái cứu cánh cùng tột. Sau đó thì trụt xuống nghĩa địa dư như giao châu, giao thổ; sau cùng trụt xuống một bậc nữa đến nghĩa chính trị và hành chánh để trở nên giao bộ, giao binh, giao di. Đợt sa đọa thứ ba này thì rõ rệt thuộc chính trị, có óc xâm lăng, nhiều khi điểm chút kỳ thị như biểu lộ trong chữ di (Giao Di) và tự đấy học giả chỉ căn cứ vào những chữ viết sau này mà suy luận thêm ra: tự đến rồi sau vẽ rắn thêm chân, viết với bộ túc là và lúc ấy phải thêm bộ trùng vào chữ giao cho ra để chỉ miền của Giao Long. Ta có thể nói hầu hết trên thế giới đâu cũng có cá sấu nhưng chỉ có ở Việt Nam mới có thuyết lấy tên cá sâu làm địa danh chỉ vì nó có tên là giao. Sự việc xảy ra y hệt với chữ chỉ để trỏ ngón chân tréo ngang vậy. Tại sao giáo sư Hòa đã bác được thuyết ngón chân giao nhau mà lại rơi vào thuyết giao long? Vì sự thực cả hai thuyết đều thuộc “duy vật sử quan”. Là vì đã không chú ý đến toàn thể là bầu khí tâm linh sử quan.

Vậy để theo được tâm linh chúng ta phải ngược dòng về tận ngọn nguồn, và lúc ấy sẽ gặp những ý nghĩa cao hơn như sau.
Theo sách “Thuyết văn” thì chữ chỉ là nền dưới vì tượng cây cỏ mọc có nền, cho nên lấy làm chân. Chính ý nghĩa này đem đến cho chữ chỉ bộ túc và ý nghĩa lớn nhất của túc là miền chân núi, và đó là ý nghĩa được nhiều học giả quy cho Giao Chỉ như Tư Mã Thiên (S.M.T I.38). Ta có thể chấp nhận ý này nhưng cần được bổ sung như sau. Khi người Tàu xem xuống mạn Nam thì bên tay mặt phía Tây Bắc là rặng núi Côn Lôn, rồi đổ xuống Nam là dãy Tần Lĩnh, có thể được coi như Côn Lôn hay Hy Mã Lạp Sơn nối dài, mà vì thế có thuyết gọi là Nam Lĩnh. Nhưng chính ra Nam Lĩnh nằm về phía Đông khởi đầu ở những tỉnh An Huy, Chiết Giang và Giang Tây và mang tên là Tiên Hà Sơn Mạch… Khi đến quãng hai tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến thì gọi là Vũ Di Sơn, và ở vào khoảng Hồ Nam Quảng Đông và Quảng Tây thì gọi là Ngũ Lĩnh Sơn Mạch, vào đến tỉnh Quý Châu thì gọi là Miêu Lĩnh… Nhưng tên gọi chung tất cả dãy núi là Nam Lĩnh để có thể coi như đối với Tây Lĩnh khởi đầu từ núi Côn Lôn với Tần Lĩnh rồi bắt đầu xoải đầu xuống theo triền sông Cửu Long phía Nam và Dương Tử Giang phía Đông, để dừng lại gặp dãy Lĩnh Nam ở vùng Quảng Tây và Bắc Việt… Rặng núi phía Tây này có Ngũ Khê, mà ta chỉ nên hiểu cách co giãn vì có khi cũng kêu là Tam Hạp (Văn Hiến .18) để đối với Ngũ Lĩnh phía Đông. Sự đối đáp nay được thấy trong Sơn Hải Kinh với 12 ngọn núi chia ra Bắc 3, Nam 3, Đông 4, Tây 4, và nó cũng chỉ là sự quảng diễn theo khung ngũ hành “ngũ nhạc” đã nói ở trên. Những lối đặt tên tiên thiên kiểu này nhiều khi phải gọt thực tế cho ăn với nhau, chứ không hẳn cần có 5 khê, 5 lĩnh, nhưng có thể hơn hay kém, cũng y như Cửu Long thì Cửu không cần là 9 vậy. Đó là đại để ý thứ hai của chỉ là chân, nhưng ý này chỉ hiểu đúng được khi biết quy chiếu vào ý thứ nhất là nền tảng. Và đấy mới là then chốt. Vậy ý then chốt này sẽ được ghi lại trong cuốn sách có lâu đời nhất đến nỗi gọi là Thượng Thư hiểu là Thượng Cổ, đó là kinh Thư ngay phần mở đầu gọi là Nam giao đối với Bắc phương gọi là Sóc phương, đó là một sự đối đáp tiên thiên và cao trọng nhất trong nền văn hóa Việt Nho không nên tách ra khỏi cơ cấu đó để đi tìm ý nghĩa bên ngoài. Giáo sư Hòa đã đặt được phương trình Giao Chỉ là Nam Giao mà không chú ý đủ lại đi tìm nghĩa giao ở cá sấu. Ta cần tìm nghĩa giao ngay nơi nó. Nếu đem ánh sáng Kinh Dịch dọi vào mà nhìn thì ta sẽ thấy ý đó nổi bật lên. Ai cũng biết ngày sóc là mồng một, nên sóc cũng có nghĩa là khởi đầu, là phương Bắc, còn giao là giao hợp, giao hòa… là trọn vẹn thì ở phương nam. Sự xếp đặt này được nói rõ lên trong câu “số vãng giả thuận, tri lai giả nghịch” (thuyết quái “số đã đi qua thì theo chiều thuận, còn để biết việc tương lai thì theo chiều nghịch”. Chiều nghịch cũng như chữ Văn đi theo tay trái, nơi có trái tim, để chỉ tâm linh và cũng chỉ đàn bà vì giàu tình cảm và có tài trực thị là thấy thẳng, một đức tính cần cho được biết tương lai mà kinh Dịch cũng gọi là tượng “tại thiên thành tượng” và chỉ thị tượng bằng các số sinh 1, 2, 3, 4. Ngược lại là chiều thuận cũng như chữ Vạn đi theo kim đồng hồ tức theo tay mặt và chỉ đất “tại địa thành hình” và quy cho đàn ông chạy vòng ngoài, được kinh Dịch chỉ thị bằng các số thành (tức đã thành hình) là 5, 6, 7, 8. Bây giờ ta sắp đặt hai rẫy số trên theo câu kinh Dịch là “số vãng giả thuận, tri lai giả nghịch” thì ta sẽ thấy 2 số là 1-5 khởi đầu ở phương Bắc, còn 2 số 4, 8 giao nhau ở phương Nam như hình số 1 sau
Sự giao nhau này được tượng ý bằng chữ nghệ hình 2 và từ chữ nghệ vươn lên chữ Văn hình số 3. Từ chữ Văn lên chữ Giao hình số 4. Tất cả được minh họa bằng hình Phục Hy Nữ Oa hình 5. Ta lại biết rằng tiên thiên bát quái Phục Hy xếp theo thứ tự Kiền 1, Đoài 2, Li 3, Chấn 4, Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8, và theo thứ tự ta xếp lại như hình trên thì cũng sẽ có hai quẻ khởi đầu kiền tốn ở phương Bắc hai quẻ chấn khôn giao hội ở phương Nam… Còn nếu xếp theo hậu thiên bát quái thì hai quẻ giao nhau lại là Cấn Khảm = sơn thuỷ là hai biểu tượng quen đi đôi. Và rất có thể vì đó mà có tên giao chỉ, vì quẻ cấn có nghĩa là chỉ “Cấn chỉ dã 艮止也” (Thuyết quái VII).
Bây giờ đến đàn ông và đàn bà xếp vào vòng đó. Xếp cho ông bên nào? Nếu bảo “nam tả nữ hữu” là theo Hán Nho chứ Việt Nho thì sẽ nói “nữ chiêu nam mục” vì chiêu cao hơn mục hay đúng hơn tế vi hơn nam vì “tại thiên mới thành có tượng” còn nam vì “tại địa thành hình” và như vậy thì phải xếp Nữ Oa bên chiêu với cái quy tròn. Phục Hy bên mục với cái củ vuông và ta sẽ có hình hai ông bà đầu quay hướng Bắc còn “đuôi” hai vị giao hội ở phương Nam. Sau ba chứng liệu trên bây giờ chúng ta sẽ nhận ra thế nào là Giao Chỉ. Giao Chỉ là sự giao hội của hai cực cũng gọi là “thiên địa chi đức, âm dương chi tú khí, quỷ thần chi hội” quỷ thần ẩn ẩn hiện hiện: không thể gọi tên. Có thể vì đó mà kinh Thư chỉ nói đơn sơ là Nam Giao mà không nói “viết Giao Chỉ”, vì đây cũng là chỗ cùng cực của yêu thương, của “tình thâm nhi văn minh” theo nghĩa cao cả của văn là trời đất giao hội sinh ra nền văn minh tâm linh cũng gọi là Đạo, vì “Đạo là chỗ chí cực của vật” (đạo = vật chí cực) nên cũng bất khả ngôn, vì “hễ đã ngôn thì không còn là Đạo Thường”, nên không thể gọi tên và vì thế chỉ còn có tế lễ Nam Giao mới biểu lộ được phần nào ý nghĩa cao siêu ấy. Vậy khi tiền nhân ta đặt tên cho nước là Giao Chỉ thì không có lý do gì lại không nghĩ tới lễ Nam Giao được thực thi trọng thể mỗi năm mỗi lần: cũng như được ghi lại ngay đầu kinh Thư. Cho nên đặt danh hiệu Giao Chỉ cho nước là nói đến sứ mạng cao cả của những người sống trong nước ấy vậy.
Chúng ta biết rằng giữa danh hiệu với vật tổ có mối liên hệ tâm linh nghĩa là đã thiết lập theo một cơ cấu lý tưởng, nương theo ý tưởng đó mà xét các tên nước ta trong dĩ vãng chúng ta nhận thấy hai điểm đáng ghi chú: trước hết là các tên nước Việt Nam gắn liền với điểu và thú. Vì ý tưởng là muốn có hai đức tính. Điểu sau là hai đức tính đó được đặt ngang nhau trong thế hòa hợp: điểu thú đi đôi, cũng như núi sông gặp gỡ (ngũ lĩnh giao thoa với ngũ khê, để cho “văn chất bân bân”: chất gia đi với văn gia làm nên Văn Lang (Socio 27). Rõ rệt là hai nét đặc trưng của Kinh Dịch là Âm Dương lưỡng nghi và hòa hợp Giao Chỉ làm nên Đạo: “nhất điểu nhất thú… nhất âm nhất dương chi vị đạo”, cả hai được đúc kết lại khăng khít ít ra trong dự tính khi tiền nhân đặt danh hiệu cho nước. Hai đức tính là Nam Bắc, là Bố Cái, là Hiếu Trung, là làng nước… Hễ chú trọng đến một vế đơn thuần là chưa hiểu được nền văn hóa dân tộc luôn luôn lưỡng diện, lưỡng tính. Đấy là đạo lý đã được ghi vào những danh hiệu đầu tiên là Xích Quỷ, một danh hiệu đánh dấu sự chuyển hướng từ Hà Vu tới Hà Lạc. Rồi nội dung đó được trao sang danh hiệu Văn Lang, một danh hiệu nói lên đúng nhất sứ mạng của Việt Nam là một nền “văn hiến chi bang” , cho nên không lạ chi đó là một danh hiệu quan trọng nhất được giữ lâu nhất tức hơn 26 thế kỷ.
Các danh hiệu về sau cũng chỉ là lắp lại kiểu khác cái ý hướng của hai danh hiệu trên kia, không quan trọng lắm nên cũng chỉ giữ được một quãng ngắn: Âu Lạc độ 10 năm. Nam Việt được non trăm năm. Tất cả đều thua Văn Lang, vì chữ Văn nói lên rõ nhất sự đúc kết này. Bởi vậy danh hiệu Văn Lang đáng chú trọng hơn cả để chỉ một nước đã vượt qua được 2 đợt vu hiến và ý kiến mà đạt đợt văn hiến để lập nên một nền “văn hiến chi bang” với sứ mạng duy trì mãi mãi cái hồn của Viêm tộc, của Tam Miêu, của Bách Việt, của Lạc Việt, của Đông Việt. Đứng về phương diện Viêm tộc thì không cứ gì người Việt nhưng là cả Thái Lan, Ai Lao, Đại Hàn… cũng là một gốc Viêm tộc, cùng một nền văn minh nông nghiệp; tuy nhiên xét về danh hiệu thì danh hiệu nước Việt Nam là có tính cách thừa kế một di sản thiêng liêng của cả một dân tộc lớn đã sinh sống ở Viễn Đông trước đây trên 5, 6 ngàn năm, rồi sau rút về vùng Nam Dương tử giang trở xuống, và cuối cùng thu mình lại trong mảnh đất Việt Nam hiện nay. Cho nên nếu lấy về danh hiệu thì dân Việt Nam có liên hệ với Viêm tộc như họ máu hàng dọc có nhiệm vụ phải duy trì cái sứ mạng thiêng liêng đó: một nền văn hóa nông nghiệp duy nhất còn sót lại trước sự tràn lấn của các ý hệ phát xuất từ nền móng công thương. Liệu Việt Nam có còn đủ sức thi hành nổi sứ điệp gói ghém trong các danh hiệu của nước nhà chăng?

Kim Định