Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Tiếng Việt đang “dài” ra!

SGTT.VN - Trong một chương trình Chào buổi sáng (VTV1) mới đây, viên sĩ quan cảnh sát giao thông trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi đã xác định được những cơn mưa kéo dài trên một tiếng đồng hồ hoặc dưới một tiếng đồng hồ gây ngập lụt là 53 điểm”. Sao không nói: “Chúng tôi đã xác định được 53 điểm cứ mưa to là ngập” cho gọn?

Cũng chương trình này, hàng ngày vẫn ra rả “người tham gia giao thông”, “các phương tiện tham gia giao thông”. Sao không nói “người đi lại”, “xe cộ” cho ngắn? 

Hiện tượng nói dài đang ngày càng trở nên phổ biến trong sách báo và văn bản tiếng Việt hiện nay. Vì sao? 

Dai, dài, nhưng an toàn! 

Anh dân quân đánh vần chưa thạo chữ quốc ngữ trong truyện Đôi mắt của Nam Cao đã nói thuộc lòng một bài ba giai đoạn kháng chiến phòng ngự, cầm cự, tổng phản công… “dài đến năm trang giấy”. Những người này cứ nói ra “là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân, phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả tân dân chủ nữa…” (trích Đôi mắt, 1948). Cách nay 63 năm đã xuất hiện trên cửa miệng người dân bình thường những khái niệm cao xa mấy ai hiểu hết ý nghĩa này. Sáu, bảy thập kỷ là khoảng thời gian tạo ra hai thế hệ, đủ dài để hình thành thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo. Điều này dẫn tới hệ luỵ là xã hội hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của từ ngữ, câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Vả lại, nếu ai đó muốn bình luận sẽ tạo ra những lời nghịch nhĩ và trở thành “người có vấn đề”. Kết quả là người ta lo nói năng an toàn, cầm giấy phát biểu theo những giáo điều, dần dần hình thành thói quen kết luận mà không chú ý tới lý lẽ thuyết phục. Nhiều người nghèo đi về ngôn từ và tư duy, nhưng vẫn cần thể hiện mình. Vậy là sinh ra lối nói sang trọng với nhiều từ Hán – Việt nhưng lại không hiểu thấu đáo và những câu hùng hồn dài dòng rỗng nghĩa. 

Những lối nói dư thường gặp 

Qua phim truyền hình và một số chương trình truyền hình gần đây, có thể bắt gặp những lối nói dư sau: 

Dùng lặp hai từ Hán – Việt và thuần Việt đồng nghĩa: như “Nạn rải đinh tái xuất hiện trở lại” (Chào buổi sáng, 6.5.2011). Tái xuất hiện là xuất hiện trở lại. Nói nạn rải đinh “xuất hiện trở lại” là đủ. Và “Mời các bạn nghe những tin tức cập nhật đầu tiên trong ngày” (Chào buổi sáng, 13.1.2010). “Cập nhật” là trong ngày. Nói “tin tức đầu tiên trong ngày” là đủ. Nguyên nhân chính của loại dư quá phổ biến này là trong nhận thức của người Việt hiện nay, nghĩa của nhiều yếu tố Hán – Việt đã “mờ” đi nên nhiều người không thấy “dư” nữa. 

Lặp lại những diễn đạt đồng nghĩa: như “Mục đích cô đến đây để làm gì?” (phim Cuộc gọi lúc 0 giờ, tập 18, VTV3). Sao không biên tập thành “Cô đến đây làm gì?” cho gọn? Lại nữa: “Chắc có lẽ là vậy” (phim Cuộc gọi lúc 0 giờ, tập 19). “Chắc” và “có lẽ” là hai từ thể hiện hành vi phỏng đoán một khả năng không chắc chắn. Nói “Chắc vậy” hoặc “Có lẽ vậy” là đủ. 

Thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo dẫn tới hệ luỵ là hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. 
Đưa vào lời nói những yếu tố đương nhiên tồn tại: như “Anh xin lỗi! Anh đã tát vào má em” (phim Sự quyến rũ của người vợ, VTV3, 1.6.2011). Một khi mở bàn tay đánh vào má thì gọi là “tát”, đánh vào mông gọi là “phát”, đánh vào mồm miệng gọi là “vả”, đánh vào tai gọi là “bạt”. Vậy nói “Anh xin lỗi! Anh đã tát em” là đủ.

Nói dư thành sai: như “Ở Việt Nam chủ yếu có mấy loại gấu? Gợi ý: hai, ba hay bốn?” (Đấu trường 100, VTV3, 30.5.2011). Đáp án (lời MC): “Hai. Không có thêm loại gấu nào nữa đâu”. Từ “chủ yếu” khiến câu hỏi định lượng này mang tính xác suất. Đáp án “hai” khiến người nghe nghĩ rằng còn một loại gấu thứ ba (thứ yếu) nữa. Dù 99,9% gấu ở Việt Nam là hai loại gấu ngựa và gấu chó thì vẫn có 0,1% thuộc loại gấu thứ ba. Nói như MC “Không có thêm loại gấu nào nữa đâu” là không chuẩn. Còn như, nếu chỉ có hai loại gấu thì từ “chủ yếu” làm câu hỏi trên sai. 

Ví dụ khác: “Sáng tác này của Trần Hoàn vào năm nào: a) 1948, b) 1958, hay c) 1968?” Đội A: 1958. Lời MC: “Đáp án này hoàn toàn sai”; Đội B: 1948. Lời MC: “Vâng, hoàn toàn chính xác!” (Trò chơi âm nhạc, VTV3, 29.7.2011). Nếu 1948 là hoàn toàn chính xác, 1958 là hoàn toàn sai thì năm nào là chính xác không hoàn toàn, năm nào là sai không hoàn toàn? MC nói dư từ “hoàn toàn”. 

Dùng chập những cụm từ đồng nghĩa: như “Một nữ tử tù trốn thoát, điều này chưa từng xảy ra bao giờ từ trước đến nay” (phim Nữ tử tù, VTV3, 17.5.2009). “Chưa từng” là chưa bao giờ và cũng là từ trước đến nay chưa xảy ra. Vì vậy, câu trên dư chập ba. Có ba cách nói ngắn hơn: “điều này chưa xảy ra bao giờ”; “điều này chưa từng xảy ra” và “điều này từ trước đến nay chưa xảy ra”. 

Thói quen nói năng đúng giáo điều mà không cần hiểu thấu đáo dẫn tới hệ luỵ là hình thành thói quen chấp nhận, tư duy thụ động, không muốn lật lại nghĩa lý của câu chữ, khái niệm và lập luận khi tiếp nhận văn bản. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới lối nói dư thừa. 

GS.TS Nguyễn Đức Dân
Nguồn: http://sgtt.vn/Khoa-giao/152085/Tieng-Viet-dang-%E2%80%9Cdai%E2%80%9D-ra.html

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du


TRIẾT HỌC VIỆT NAM
Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du
Hán Chương Vũ Đình Trác
Luận án Triết học Việt Nam
Copyright 1993, by Peter Vũ Đình Trác
Tác giả giữ bản quyền


CHƯƠNG III
TRIẾT LÝ TAM TÀI

Tam Tài là một vấn đề rộng lớn trong triết lý Dịch Kinh.Các sách Nho học Trung Hoa và Nhật Bản thỉnh thoảng có nhắc đến hai chữ Tam tài, nhưng trình bày Tam Tài như một hệ thống triết học, chưa có ai khởi thảo. Bộ sách Tam Tài đồ hội 三才圖會 vĩ đại của Trung Hoa, do các văn gia thời Minh biên tập, gồm sáu cuốn lớn, cũng chỉ nói dài rộng về Thiên văn, Địa văn và Nhân văn, theo hình thức ngoại diện với tính cách bác học mà thôi[1]. Văn học Nhật Bản có một tập duy nhất nhan đề Tam Tài tạp biện三才雜辨 của lmuro Tenmoku (đề số V46/63, không niên hiệu) trong thư viện phụ thuộc đại học Tokyo, dài 20 trang cỡ giấy 25cm/19cm. Tập đó bàn đến hai đề mục "Tạo hoá luận" và "Tứ chất luận", để áp dụng vào y lý. Các nhà Nho Việt Nam rất chuộng lý thuyết Tam Tài, nhưng tiền nhân ta chỉ áp dụng đạo sống Tam Tài, mà ít ai bàn về triết lý Tam Tài như một hệ thống tư tưởng.

Ở đây chúng tôi không có tham vọng gì ngoài việc xếp đặt các đề mục rải rác trong lý thuyết Kinh Dịch, qua các học giả thời Tống Nho, phù hợp với đạo sống của các nho gia Việt Nam, để bố cục thành một hệ luận triết lý, mà chúng tôi mệnh danh là Triết lý Tam Tài[2]. Vì thế dòng triết lý này mang nhiều màu sắc Việt Nho hơn là Hán Nho.

Dòng triết lý này bắt nguồn từ lý thuyết của "Hệ từ truyện" trong Chu Dịch quyển 3. Thánh nhân viết :
”Biến hoá giả, tiến thoái chi tượng dã. Cương nhu giả trú dạ chi tượng dã. Lục hào chi động tam cực chi đạo dã" (Biến hoá tức là hình ảnh của cuộc tiến lui. Cương nhu là hình ảnh của ngày đêm. Sáu hào tác động, chính là đường lối của tam cực vậy)[3].

Trình Di chú thích câu trên như sau :
”Nhu biến mà đi về cương, thoái đến cùng lại tiến. Một khi biến mà thành cương, tức là ngày thuộc dương. Một khi hoá mà thành nhu, tức là đêm thuộc âm. Có sáu hào : hai hào đầu chỉ Địa, hào ba hào bốn chỉ Nhân, hào năm hào sáu trên là Thiên. Động tức là có biến hoá, mà cực là tới cùng. Vậy Tam Cực là cùng lý của Thiên Địa Nhân. Đó là Tam Tài, mà mỗi Tài đều là Thái Cực. Như vậy, cương nhu cọ xát nhau mà thành biến hoá. Cùng cực của biến hoá lại trở về cương nhu, lưu hành ở giữa mỗi quẻ 6 hào".
(Nhu biến nhi xu ư cương giả, thoái cực nhi tiến dã. Cương hoá nhi xu ư nhu giả, tiến cực nhi thoái dã. Ký biến nhi cương, tắc trú nhi dương hĩ. Ký hoá nhi nhu, tắc dạ nhi âm hĩ. Lục hào, sơ nhị vi địa, tam tứ vi nhân, ngũ lục thượng vi thiên. Động tức biến hoá dã, cực chí dã. Tam cực thiên địa nhân chi chí lý. Tam Tài các nhất thái cực dã. Thử minh cương nhu tương thôi dĩ sinh biến hoá, nhi biến hoá chi cực phục vi cương nhu lưu hành ư nhất quái lục hào chi gian)[4].

Như vậy Tam Tài tức là Tam Cực, nghĩa là ba căn cơ cùng lý của vạn vật. Thực ra, đó là ba căn cơ tác động muôn vật trong vũ trụ. Có thể nói : đây là một hợp thể đồng nhất, mà Nhân đứng giữa như trọng tâm, để nối kết hai bờ Thiên Địa.

Để giải thích điều đó, "Hệ từ hạ" chương 10 viết :
“Biến hoá mà thành các quẻ đầy đủ trọn vẹn. Trong đó có đạo Trời, có đạo Người và có đạo Đất. Đó là Tam Tài, gấp đôi lên thành 6 hào. 6 hào không hơn không kém, đó là đạo Tam Tài”(Dịch chi vi thư dã, quảng đại tất bị, hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên. Kiêm tam tài nhi lưỡng chi cố lục, lục giả phi tha đã, tam tài chi đạo dã)[5].

Tam tài không phải là những yếu tố rời rạc, hoặc chỉ là những biểu tượng thiên nhiên vô hồn, nhưng đây chính là ba yếu tố có tính cách hoạt động và luôn luôn ràng buộc lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, do đó mới thành đạo Trời đạo Người và đạo Đất.

TIẾT 1 : TAM TÀI HỮU BIỆT

Theo quan niệm thông thường, Thiên Địa Nhân chỉ là ba yếu tố khách quan tách biệt nhau. Trời là quãng không khí bao la ở chung quanh con người; đất là một khối đặc dưới chân con người : "đội trời đạp đất ở đời".

1- Thiên  - Theo văn học Trung quốc, chữ Thiên có 5 nghĩa : 1 là quãng không bao la đối lập với Địa; 2 là Thiên có tính cách ngôi vị, như Hoàng Thiên, Thượng Đế, Thiên Đế; 3 là Thiên có ý chí, tức như Thiên mệnh; 4 là cõi thiên nhiên vận hành trước mắt; 5 là Thiên làm nguyên lý cho vạn vật, cũng gọi là nguyên lý vũ trụ. Đại khái đây là năm nghĩa của chữ Thiên do Phùng Hữu Lan đề cập[6].

Nhưng thiết tưởng đây chỉ là theo kiểu nói của người này hay của người khác, tùy mỗi trường hợp cần đề cập tới, như Kinh Thi, Kinh Thư, Tả Truyện, Quốc ngữ, Luận Ngữ, Mạnh  Tử, vì nói tới tác động tâm linh, thì xưng Thiên là một Thượng Đế ngôi vị, có ý chí. Còn Trung Dung nói thiên theo quan niệm lương tri, thì gọi Thiên là Thiên Mệnh. Trang Tử và Tuân Tử vì nhấn mạnh tính tự nhiên, thì kêu Thiên như Luật thiên nhiên.

Tựu trung chữ Thiên có 3 nghĩa :
1 là chỉ cõi Trời tức cõi không trung, đối lập với đất.
2 là chỉ định luật thiên nhiên.
3 là chỉ Đấng Tạo Hoá có ngôi vị và ý chí.

- Theo nghĩa thứ nhất, danh từ Trung Hoa thường gọi là Thiên Địa, Thanh Thiên, Thiên phú địa tái, Thiên khí, Thiên thời hoặc Thiên hạ, Thiên không, Thiên cao địa ti v.v.

- Theo nghĩa thứ ba, sách Luận ngữ viết :
”Trời phú bẩm nết tốt nơi ta"
(Thiên sinh đức ư dư)[7].

Mạnh Tử cũng viết :
”Thành công là nhờ ở Trời"
(Nhược phù thành công tắc thiên dã)[8].

Rõ ràng hơn nữa, Kinh Thư viết :
” Hoàng Thiên Thượng Đế mới thay quyền đổi ngôi được"
(Hoàng Thiên Thượng Đế cải khuyết nguyên tử)[9].

Trong thiên "Ly lâu thượng", Mạnh Tử cũng nói rõ ràng về ngôi vị và ý chí của Thiên :
"Thượng Đế đã ban mệnh, thì chư hầu phải quy phục nhà Chu, chư hầu mà theo nhà Chu, thì hợp với mệnh trời" (Thượng Đế ký mệnh, hầu vu Chu phục. Hầu phục vu Chu, thiên mệnh mỹ thường)[10].

- Nghĩa thứ 2, ta thấy thực hiện trong Kinh Dịch. Quẻ Hoặc viết :
"Thiên địa giao động mà vạn vật phát sinh... Sự dấy động của thiên địa vạn vật có thể thấy được" (Thiên địa cảm nhi vạn vật hoá sinh...Thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ )[11].
Trong sách Tuân Tử, chương "Thiên luận" cũng theo nghĩa này.

Theo những ý nghĩa trên, ta nhận thấy trong tâm tưởng nhà Nho, thì chữ Thiên tuy có nhiều nghĩa, nhưng tựu trung vẫn bao hàm một nội dung siêu việt, thuộc về Hình nhi thượng. Nói chữ Trời theo nghĩa thanh không, thì vẫn hiểu là nơi Thượng Đế ngự trị. Nói Trời như định luật thiên nhiên, thì cũng chỉ là nguyên tắc của Tạo Hoá. Nói Trời như chủ tể càn khôn, thì chỉ là quy nguyên về Tuyệt đối, tức là Đấng Tối Cao.Trong ý nghĩa đó, chữ Thiên bao hàm tất cả vạn vật.

Thiên "Nguyệt lệnh" trong Lễ Ký chính là một tài liệu xác đáng minh chứng cho tính cách "tâm linh đại ngã" của chữ Thiên. Trong thiên này có 3 lần nhắc đến những chữ Hoàng Thiên Thượng Đế, thì đều mặc cho Hữu Thể đó vai trò Hồn sống của vũ trụ.

Lần 1 : "Hoàng Thiên Thượng Đế là Thần linh của bốn bề núi cao sông rộng" (dĩ cung Hoàng Thiên Thượng Đế danhsơn đại xuyên tứ phương chi thần).
Lần 2 : "Hoàng Thiên Thượng Đế là hưởng tế của xã tắc" (dĩ cung Hoàng Thiên Thượng Đế xã tắc chi hưởng).
Lần 3 : 'hoàng Thiên Thượng Đế là đích phụng tự của xã tắc triều miếu và núi rừng sông cả" (dĩ cung Hoàng Thiên Thượng Đế xã tắc tẩm miếu sơn lâm danh xuyên chi tự)[12].

Tất cả ý nghĩa của thiên Nguyệt lệnh chỉ là nói lên nhịp điệu thái hoà của vũ trụ với con người, mà căn cơ của nhịp điệu ấy vẫn là năng lực tác động có tính cách siêu việt. Theo đúng nhịp điệu ấy mà hành động, thì sẽ xuôi xắn theo đúng thời cơ của Trời, phù hợp với hoàn cảnh thiên nhiên của Đất, nhất là thích hợp với nhân tâm. Đây cũng là lý thuyết Thiên thời, địa lợi, nhân hoà của Mạnh Tử. Nhưng điểm quan trọng là : làm trọn ba điều đó, cốt để trọn đạo Trời. Đạo Trời bắt nguồn từ tâm linh con người, qua vũ trụ đi tới Thiên Mệnh, tức là ý chí của Siêu Việt Thể.

Bởi vậy chữ Thiên hay Thiên Đạo trong Nho học có những đặc tính : siêu việt, vạn năng và trường cửu.

- Siêu việt - Tính cách siêu việt ở đây mặc cho Thiên hay Thiên đạo một sắc thái đầy vẻ tinh thần và siêu linh, mà nhà Nho thường gọi là Hình nhi thượng.

Kinh Dịch viết :
"Hình nhi thượng tức là đạo, mà hình nhi hạ tức là khí cụ” (thị cố hình nhi thượng giả vị chi đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí)[13].

Nói về Trời nhiều lần Khổng Tử chỉ bảo : Ta không muốn nói tới. Có một lần, trả lời Tử Cống, Ngài nói :
"Về Trời ta biết nói sao đây ? - Chỉ biết tứ thời vận hành ở đó, muôn vật phát sinh ở đó, nhưng biết nói làm sao về Trời ?” (Thiên hà ngôn tai ? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, Thiên hà ngôn tai ?)[14].

Ta chỉ biết Trời qua những tác động của Trời nơi muôn vật Trời là màu nhiệm, và Thiên Mệnh là cao siêu. Biết được Mệnh và hiểu được Trời là hiệu quả của tồn tâm dưỡng tính. Nói khác đi, hội thông với Thiên mệnh và Thiên lý là tác động của tâm linh.

Sách Trung Dung viết :
"Thiên mệnh chi vị tính"[15].

Mạnh tử cũng nói :
"Tận kỳ tâm giả tri kỳ tính dã. Tri kỳ tính tắc tri thiên hĩ = thấu được tâm mình, thì hiểu được tính. Hiểu được tính mình, tất hiểu được trời"[16].

- Vạn năng - Trong Kinh Dịch Trời được tượng trưng bằng quẻ Càn :
"Càn thiên dã"[17]. Mà Càn quái là biểu hiệu của những năng lực tiềm tàng của Trời. Các kiểu nói trong Kinh Dịch như "Càn hành dã" = Trời hành động[18], "Càn kiện dã" = Trời mạnh mẽ[19], "Càn đạo nại cách" = đạo Trời biến cách[20], "Càn đạo biến hoá" - đạo Trời biến hoá[21] đều chỉ nghĩa : đạo Trời được thể hiện ở người quân tử là sức mạnh của Trời : theo đường lối vạn năng của Trời, người quân tử phải tự cường mãi mãi = "Thiên hành kiện quân tử dĩ tự cường bất tức"[22].

Chính vì tính cách vạn năng của Trời thể hiện khắp muôn nơi muôn vật, cách hiển nhiên hoặc cách tiềm ẩn, cho nên con người, theo nghĩa dự phóng, đã mặc cho các hiện tượng tự nhiên, như mưa gió, sấm sét, biển sông, thôn dã những hình ảnh mang nặng tính chất thần linh. Nhưng theo tinh nghĩa của lý thuyết tâm linh, nhà Nho xác nhận : đó là những dấu vết, những hành động hoặc kỳ công của Trời, vì thế mà tôn trọng tất cả, không bao giờ khiếp sợ, vì đã giao hoà với muôn vật và Thiên Mệnh rồi. Bởi thế, nguồn mạch của các truyện thần thoại, nhất là trong Lão giáo đều có lý nguyên thủy của nó, chứ không hẳn là dị đoan như Tây phương phê phán.

- Trường cửu - Sự trường cửu của Trời biểu lộ ở hai chữ "bất tức" trên kia. Nhưng căn bản của tính cách trường tồn ấy vốn dựa trên quẻ Hằng :
"Hằng tức là trường cửu... trường cửu ở đạo. Đạo Trời Đất cũng trường cửu... Đặc biệt hơn : sức thường hằng ấy lại lan rộng khắp vũ trụ. Mặt trời mặt trăng nhờ Trời mà chiếu sáng lâu dài. Tứ thời biến hoá nhờ Trời mà kéo dài mãi. Thánh nhân cũng thường hằng nơi đạo, nhờ đó mà thiên hạ thành hình. Cứ xem sự thường hằng đó, mà có thể biết được những tác động của thiên địa vạn vật" (Hằng cửu dã, thiên địa chi đạo hằng... Nhật nguyệt đắc thiên nhi cửu chiếu. Tứ thời biến hoá nhi năng cửu thành. Thánh nhân cửu ư kỳ đạo, nhi thiên hạ hoá thành. Quan kỳ sở hằng nhi thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ )[23].

Tất cả con đường về Thiên của Thánh nhân cũng chỉ là đi tìm đạo Hằng. Đạo Hằng sẽ được thể hiện nơi Thánh nhân cũng là Thành nhân.

Sách Trung Dung nêu lên đạo hằng của Thánh nhân, viết :
"Người tới chỗ cực đỉnh thành tâm thì không ngừng chỉ. Không ngừng chỉ tất sẽ bền lâu. Bền lâu sẽ chiếu sáng ra bên ngoài. Một khi đã chiếu sáng, thì ảnh hưởng sẽ xa dài. Đã ảnh hưởng xa dài, tất nhiên sẽ dầy rộng. Dầy rộng đi tới cao sáng. Nhờ dầy rộng mà bao quát được muôn vật. Vì cao sáng, nên chuyển đổi được muôn vật. Vì trường cửu, nên có thể thành tựu với muôn vật. Dầy rộng có thể hợp với Đất, cao minh có thể hợp với Trời, mà bền vững vô tận" (Cố chí thành vô tức, bất tức tắc cửu, cửu tắc trưng, trưng tắc du viễn. Du viễn tắc bác hậu, bác hậu tắc cao minh. Bác hậu sở dĩ tái vật dã, cao minh sở dĩ phúc vật dã. Du cửu sở dĩ thành vật dã. Bác hậu phối địa, cao minh phối thiên, du cửu vô cương)[24].

2 – Địa  -Trong Kinh Truyện của Nho học, chữ Địa luôn luôn đi theo chữ Thiên, như một bộ trùng âm, vì tính cách tương liên của cả hai nguyên tố, như  đi với trụkhông gian đi với thời gianâm đi với dương. Mặc dầu thế, Địa vẫn có một ý nghĩa riêng biệt phong phú.

Nghĩa 1 : Theo quan niệm phổ thông, Địa là một khối vật chất ở dưới chân con người, đối lập với Thiên là quãng không ở trên và chung quanh con người. Đó là ý nghĩa trong các kiểu nói : "địa chi sở tái = đất để chở đợ"[25], "địa tái vạn vật = đất chở muôn vật[26]. Các danh từ địa hoàng (đất vàng), địa chấn (động đất), địa khí (khí đất), địa hình địa vật (hình thể mặt đất), địa phương (các nơi trên mặt đất) v.v. đều theo quan niệm trên.

Nghĩa 2 : Địa có tính cách vũ trụ luận. Đó là một cõi mênh mông thuộc thiên nhiên và luôn luôn hoà đồng với Trời, để phát sinh những hiện tượng trong vũ trụ và nắm giữ luật sinh hoá của vũ trụ. Cụ thể hơn, Địa phát sinh khối vật chất ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ[27]. Cao hơn nữa, Địa bao gồm cả phần Hình và Khí[28]. Do vậy, cùng với Trời, Đất tham phần dưỡng sinh và phát triển vạn vật [29].

Nghĩa 3 : Địa có tính cách tâm linh, mang một ý nghĩa không hẳn là linh thiêng, nhưng có thể tiếp xúc với linh thiêng và làm căn cơ cho linh thiêng. Nói khác đi, Địa tuy thuộc giới vật chất, nhưng không cô lập khỏi tâm linh[30]. Hơn nữa, Địa coi như phải có Thiên để trở thành một hoà đồng cần thiết và tốt đẹp hơn. Địa ở đây mang đầy tính cách vươn lên. Đối với vạn vật và con người, thì có “ địa lợi”[31], “ địa lý”[32] và địa số[33]. Đối với Thiên, thì có “ địa đạo”[34] hay “địa tái thần khí”[35].

Xét theo các chiều hướng trên, người ta thấy Địa lý và Địa đạo là quan trọng, vì đây mới là tính cách nội tại của Địa.

Địa lý 地里 Theo nghĩa triết học, đây là lý phát xuất, biến thiên và sinh hoá của vạn vật.

Sách Lễ Ký, thiên “ Lễ khí” viết:
“Địa lý phải được thích nghi” ( địa lý hữu nghi dã)[36], nghĩa là phù hợp theo đúng bản thể sự vật”.
Vạn vật thường phát sinh theo đúng chiều hướng địa lợi, đồng thời thổ địa cũng phù hợp với sản vật”. Ngoài ra tất cả còn phải hợp nhân tâm thuận quỷ thần. Như thế vạn vật mới gọi là thuận hợp theo lý sinh tồn.

Chính con người sống trên mặt đất cũng cần phải thích nghi theo địa lý và thiên lý. Bởi vậy, ta thấy trong Kinh Truyện Địa luôn luôn theo sát với Thiên, như một bộ trùng âm tất yếu, chỉ rằng Địa không thể biệt lập với Thiên được.

Quẻ Khôn viết :
"Đạo Đất thuận theo đạo Trời, mà hợp với thời thế" (Khôn đạo kỳ thuận hồ thừa Thiên nhi thời hành)[37].

- Địa Đạo 地道 Địa đạo đây hiểu là lý phát xuất và hành động của Địa. Địa đạo tức Khôn đạo[38]. Theo lý phát xuất, Địa thuộc âm, mà đạo âm thì không xướng xuất, chỉ hoạ theo đạo Dương. Nói cách khác, Địa đạo thì hoà theo Thiên đạo. Do đó, đạo đất cũng quang minh[39] và tuy thấp kém, nhưng lại dẫn đầu[40]. Trong khi Thiên đạo có vẻ khuy khuyết, mà vẫn tràn đầy, thì Địa đạo tuy biến đổi mà vẫn tăng thêm; nghĩa là Địa đạo luôn luôn đắp đổi với Thiên đạo, để cùng hoạt động, biến hoá và tăng triển cho sung mãn.

Đây cũng là ý nghĩa của quẻ Khiêm :
“Đạo Trời bớt nơi đầy đẫy mà bù đắp nơi khiêm hạ, đạo Đất làm vơi chỗ đầy đẫy và dẫn chảy đến nơi khiêm hạ" (Thiên  đạo khuy doanh nhi ích khiêm, địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm)[41].

Như vậy, có thể nhìn thấy bốn đặc điểm của Địa :
1 là tượng trưng cho âm tính : Khôn âm vật dã[42].
2 là có tính cách nhu thuận : Khôn đạo kỳ thuận hồ[43].
3 là tượng trưng cho vật chất hữu hình : địa tái vật dã[44].
4 là có tính cách phối thiên : thiên địa chi sở hợp dã[45].

Bốn đặc tính này đã mặc cho Địa một ý nghĩa rất bao la. Đặc tính thứ nhất và thứ ba thuộc về Thể, nghĩa là nói lên tính cách nội tại và yếu tính của địa. Đặc tính thứ hai và thứ bốn thuộc về Dụng tức là như một nguyên nhân thực tế và đồng nhất với Thiên. Nói khác đi, Địa chỉ có lý do phát xuất và tồn tại với Thiên. Nói theo tinh nghĩa của "Đại ngã tâm linh", thì vật chất và hình thức bên ngoài chỉ có lý do thực tại và tồn tại[46] nhờ thể tính hay tâm linh bên trong. Đối với vật có linh tính, thì thể chất luôn luôn đi đôi với tinh thần; cả hai yếu tố làm thành bản tính. Nếu thiếu một trong hai, tất nhiên không còn lý do tồn tại.

Nói gọn lại, trên đây là tinh nghĩa riêng biệt của chữ Địa, còn chữ Địa trong đại nghĩa Thiên Địa sẽ bàn tới ở tiết 2.

3 – Nhân  - Nhân là yếu tố thứ ba và là yếu tố quan trọng của Tam Tài, cũng gọi là Tam Cực. Nhân là điểm liên hợp giữa Thiên và Địa.

Theo nguyên ngữ, chữ Nhân là tượng hình một con người "đầu đội trời chân đạp đất". Con người do vậy là điểm nối liền Trời với Đất. Theo kinh điển Tiên Nho, Nhân mặc một nghĩa tâm linh có tính cách siêu việt.

Khởi điểm cuộc truy tầm về con người, sách Lễ Ký, thiên "Lễ vận" viết :
"Con người là tâm của thiên địa" (nhân giả thiên địa chi tâm dã)[47].
Đi vào chi tiết, cũng thiên "Lễ vận" đưa ra một câu định nghĩa đầy đủ nhất về con người như sau :
"Con người là sức mạnh của Trời Đất,
là giao điểm của âm dương,
là điểm quy hội của quỷ thần,
và là tú khí của ngũ hành".
(Nhân giả kỳ thiên địa cho đức,
âm dương chi giao,
quỷ thần chi hội,
ngũ hành chi tú khí)[48].

- Thiên địa chi đức - Con người là sức mạnh của trời đất.
Chữ Đức 德 ở đây có hai nghĩa : một là chỉ sức mạnh tinh thần, phát lộ ra bằng những hành vi chính trực (chính trực đích hành vi); hai là chỉ tính Trời phú bẩm, như trong chữ đức tính. Theo nghĩa đó, con người là sức mạnh của Trời Đất, đồng thời cũng tham dự tính thiêng của Trời, theo ý nghĩa câu "Trời sinh đức nơi ta" (Thiên sinh đức ư dư)[49].

Sách Nguyên Nho cũng viết :
”Trời có đức mà thể hiện đức ấy nơi con người"
(Thiên hữu kỳ đức nhi thể chi tự nhân)[50].
Con người cũng nhờ sức mạnh của Trời mà hành động và làm vua trên mặt đất, theo đúng quan niệm Nhân Hoàng. Theo tinh nghĩa của Nho gia, thì con người "thiên địa chi đức" chính là con người "nội thánh và ngoại vương". Nội Thánh tức là con người trí tri hay minh đức, dữ thiên. Ngoại Vương tức là con người cách vật và tận vật.

Phùng Hữu Lan giải thích :
”Nội Thánh ngoại Vương nghĩa là bên trong sống đời hiền thánh, tức trọn đạo tu tâm dưỡng tính; bên ngoài thì sống đời hiền vương, tức trọn đạo với tha nhân và xã hội"[51].

Hùng Thập Lục còn nói rõ hơn :
"Đạo nội Thánh thường chủ trương "thiên địa vạn vật nhất thể" và coi đó như tông chỉ; đồng thời cũng thể hiện tông chỉ ấy bằng công phu thành kỷ và thành vật. Còn đạo ngoại Vương thì chủ trương "thiên hạ vi công" như tông chỉ, và thể hiện kỳ công của Trời qua hoạt động của con người" (Nội thánh tắc dĩ thiên địa vạn vật nhất thể vi tông, dĩ thành kỷ thành vật vi dụng; ngoại vương tắc dĩ thiên hạ vi công vi tông, dĩ nhân đại thiên công vi dụng)[52].

Nhưng đây chưa có ý trình bày đạo nội Thánh ngoại Vương, mà chỉ có ý nói rằng : đời nội thánh ngoại vương tiêu biểu cho sức mạnh của Trời Đất qua con người mà thôi.

- Âm dương chi giao - Thực ra thiên địa quỷ thần và ngũ hành cũng chỉ là do Thái Cực và lưỡng nghi âm dương. Chữ đức ở trên chỉ là cái lý nội tại, tức thực lý. Còn chữ giao ở đây lại chỉ sự biến hợp. Nói rõ thêm : con người chỉ là sự kết hợp mật thiết của lưỡng nghi âm dương: Danh từ âm dương đây nói lên âm tính dương tính, để phát xuất thành nam tính nữ tính. Có thể lập một hệ luận về con người như sau :

Khởi thủy có Thái Cực, Thái Cực thành lưỡng nghi âm dương. Âm dương trong thể tính là Càn Khôn 乾坤 trong thực tế là Thiên Địa 天地. Thiên địa là cặp đối tính, phát sinh những cặp đối chọi nhau : cao thấp, sang hèn, động tĩnh, cương nhu, cho đến cả cát hung và hữu hình trừu tượng. Nhờ tác động tương thôi của cương tính nhu tính thể hiện nơi Bát Quái, giao động nhau mà thành sấm sét gió mưa; mặt trời mặt trăng xoay vần phát sinh một lạnh một nóng. Theo đường lối ấy mà nguyên tắc Cương (tức Càn chỉ Trời) sinh thành ra Nam tính, nguyên tắc Nhu (tức Khôn chỉ Đất) sinh ra Nữ tính.

Đó là lý thuyết của Kinh Dịch :
"Thiên tôn địa ti, càn khôn định hĩ; ti cao dĩ trần, quý tiện vị hĩ. Động tĩnh hữu thường, cương nhu đoạn hĩ. Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân, cát hung sinh hĩ. Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hoá kiến hĩ. Thị cố cương nhu tương ma, bát quái tương đãng. Cổ chi dĩ lôi đình, nhuận chi dĩ phong vũ. Nhật nguyệt vận hành, nhất hàn nhất thử. Can đạo thành nam, khôn đạo thành nữ"[53].

Con người là giao điểm của âm dương, cho nên trong tận bản tính đã có lưỡng tính tương đối, nghĩa là con người không thể độc hành một chiều, mà phải song hành đắp đổi theo nhịp uyển chuyển của âm dương : vừa nhu vừa cương, lại vừa tĩnh vừa động, lúc ẩn lúc hiện. Đó là tính cách nửa hữu hình nửa vô hình hay nửa vật chất nửa tinh thần của con người, đúng như lý thuyết “dữ thiên địa tương tự"[54] hay "dữ thiên địa  tịnh"[55].

- Quỷ thần chi hội - Ở điểm này con người mang tính chất hình nhi thượng, tức là tham hội vào thế giới linh thiêng. Cần nhắc lại : hai chữ quỷ thần đây có nghĩa là hồn người chết hay tinh khí[56]. Nói một cách văn học hơn, quỷ thần là tinh khí của âm dương. Hồn linh của cõi dương là Thần, vong linh của cõi âm là Quỷ. Con người hội thông được với quỷ thần, làm thành sức mạnh hay đức tính của Trời : "quỷ thần chi vi đức"[57]; đồng thời con người cũng cùng với quỷ thần tham dự lưỡng tính âm dương : "quỷ thần âm dương dã”[58]. Nhưng lý do chủ chốt nhất là vì con người hội thông với quỷ thần bằng tâm linh, bằng siêu thức.

Chu Liêm Khê giải thích vạn vật biến hoá, có viết :
"Hai nguyên khí âm dương giao cảm nhau mà sinh hoá vạn vật. Vạn vật sinh sôi này nở và biến hoá vô cùng tận. Nhưng chỉ có con người nhờ tú khí của âm dương, mà trở thành linh thiêng". (Nhị khí giao cảm hoá sinh vạn vật, vạn vật sinh sinh nhi biến hoá vô cùng yên. Duy nhân dã, đắc kỳ tú nhi tối linh)[59].

Như thế con người còn hơn quỷ thần ở chỗ : vừa hội thông được với siêu giới, vừa tiếp xúc được với vật giới. Hơn nữa, nếu thiếu con người, thì quỷ thần cũng không hiển hiện ra được. Nói thế có nghĩa là : quỷ thần chỉ phát hiện nhờ tâm linh con người. Đây là lý thuyết của sách Tả truyện.
Sách ấy giải thích rằng :
"Quỷ thần không có con người, không phát hiện ra được; có phát hiện ra là nhờ thịnh đức mà thôi; như vậy, nếu thiếu thịnh đức, con người không biết đến quỷ thần, mà quỷ thần cũng không thụ hưởng được gì bởi con người" (quỷ thần phi nhân thực thân, duy đức thị y, như thị tắc phi đức, dân bất tri, thần bất hưởng hĩ)[60].

Đấng quân vương cũng là quân tử, thay Trời trị dân : vừa làm chủ chúng nhân, vừa làm chủ cả quỷ thần nữa[61]. Cũng trong chiều hướng đó, thánh nhân là người thịnh đức, không phải lụy phục quỷ thần, trái lại còn khiến cho quỷ phục thần kinh nữa.

- Ngũ hành chi tú khí - Ngũ Hành tức Thủy Hoả Mộc Kim Thổ đó là năm nguyên tố cấu thành vạn vật, giống như "vật chất nguyên thủy" (materia prima). Con người cũng chung phần vật chất nguyên thủy ấy, nhưng lại được kết tinh bằng những tinh túy của Ngũ Hành, gọi là tú khí. Ngũ Hành có thanh có trọc. Duy có con người  đã được chắt lọc bằng thanh khí, để trở thành cao quý thiêng liêng giữa muôn vật, như lời giải thích của họ Chu trên kia. Lý thuyết này phù hợp với chủ trương của Kinh Thư :

"Duy nhân vạn vật chi linh, bổn thông minh tác nguyên hậu” (duy có con người là linh thiêng giữa muôn vật; vốn tính thông minh thâm hậu)[62].

Con người cũng vì thế cùng thông đồng bản tính với sự vật. Chỉ có con người đủ điều kiện : nửa vật chất nửa tinh thần, để làm điểm nối kết giữa vạn vật và thiên địa, tức là công việc "dữ thiên địa tịnh".

Cũng do ảnh hưởng của Ngũ Hành mà con người có nhiều đức tính phú bẩm tự nhiên : thủy tính thường là tinh vi, dễ thấm nhập; hoả tính bao hàm sức mạnh bốc sáng; mộc tính xuất hiện xinh tươi bên ngoài; kim tính thì kiên cố vững bền, thổ tính thì đầy lượng chất bao dung" (Ngũ hành chi thể : thủy tối vi vi nhất, hoả tiệm trứ vi nhị, mộc hình thực vi tam, kim thể cố vi tứ, thổ chất đại vi ngũ)[63]. Như thế con người do ảnh hưởng của Ngũ Hành nhiều ít, mà thấm nhuần những đức tính sâu đặm hay nhẹ ít. Cũng nhờ tinh túy của Ngũ Hành mà con người là một hợp chất linh động và điều hoà nhất trong vạn vật.

Câu định nghĩa rộng rãi và bao quát trên đây đã cho con người một ý nghĩa cao cả và thâm thúy. Chính vì vậy các vấn đề về con người cũng lớn lao. Ta có thể hội ý vào hai quan niệm chính : Nhân Tâm và Nhân Đạo.

a - Nhân Tâm 人心 - Con người "dữ thiên địa tịnh" một đàng nhờ đồng nhất thể với thiên địa vạn vật, một đàng nhờ vào tâm linh cảm ứng. Quan niệm cổ điển của Nho gia thường cho con người là tiểu vũ trụ và thiên địa vạn vật là đại vũ trụ. Vì thế trên kia mới nói : con người là tiểu thiên địa. Nhân tâm là một sức hoạt động phổ cập khắp trời đất. Chính đó là như hồn sống của muôn vật và hội thông với đại hồn thiên địa.

Trình Y Xuyên minh chứng rằng :
“Tâm của một người chính là tâm của trời đất"
(Nhất nhân chi tâm tức thiên địa chi tâm)[64].

 Thế nên khi đã biết được tâm mình, thì biết được tâm người và cũng biết được cả tâm thiên địa.
Điều quan trọng ở đây, mà ta muốn nói thêm : Tâm đây lại là tính, mà tính lại là , cho nên những chữ nhân tâm, nhân tínhvà tâm lý lại có nghĩa thông nhau.

Vương Dương Minh giải thích lý thuyết trên, có viết :
”Thể của tâm là tính, mà tính là lý, bởi thế, hễ có tâm đối với cha mẹ, thì có lý để hiếu thảo, không có tâm hiếu thảo, thì hẳn cũng không có lý hiếu thảo" (Tâm chi thể tính dã, tính tức lý dã. Cố hữu hiếu thân chi tâm, tức hữu hiếu chi lý. Vô hiếu thân chi tâm, tức vô hiếu chi lý dã)[65].

Sau này La Chỉnh Am giải rõ câu nói của họ Vương, có viết:
"Tâm chính là thần minh của con người, còn tính là sinh lý của con người. Thực tại của lý tức là tâm, mà sở hữu của tâm tức là tính. Không thể lẫn lộn mà vẫn hợp nhất" (Phù tâm giả nhân chi thần minh, tính giả nhân chi sinh lý. Lý chi sở tại vị chi tâm, tâm chi sở hữu vị chi tính, bất khả hỗn nhi vi nhất dã)[66].

Bởi vậy họ Vương kết luận rằng :
"Ngoài tâm không còn gì cả" (vô tâm ngoại chi vật)[67].
Nhân tâm như thế chính là hồn sống của vạn vật và là lý nhất quán hay lý thái hoà của vũ trụ : vạn vật giai bị ư ngã[68].

b - Nhân Đạo 人道 - Nhân đạo là con đường dẫn vào nhân tâm, và từ nhân tâm đi tới thiên địa vạn vật. Con người là tâm điểm giao hoà, từ đó phát toả ra hai đường đồng giao : cách vật và hoà Thiên. Như thế nhân đạo là con đường chính đại :”Nhân đạo chính vi đại"[69], vì nó bao quát cả thiên địa, theo đúng nhịp thái hoà. Nhân đạo mở đường đi vào Địa đạo và Thiên đạo. Thiếu Nhân đạo tất nhiên không có đường dẫn tiến vào Địa đạo và Thiên đạo. Nhân đạo chỉ trọn nghĩa, khi  nào thực hiện được nhịp thái hoà, nghĩa là con người giao hoà được thiên địa vạn vật, mới thực là đắc đạo.

Sách Trung dung viết :
"Thái hoà chính là chỗ đạt đạo thiên hạ" (Hoà dã giả thiên hạ chi đạt đạo dã)[70].
Tại sao lại đạt đạo ở thái hoà ?

Sách Lễ Ký trả lời :
"Vì nếu hoà thì đạt tới bách vật, đồng thời có hoà mới hoá dục được bách vật" (Hoà cố bách vật bất thất... Hoà cố bách vật giai hoá)[71].

Chính vì thế, nhân đạo ở trong Nho học được coi là điểm quan trọng bậc nhất, vì nó đề cao vai trò con người trong vũ trụ. Tất cả các vấn đề nhân tâm, nhân vị, nhân văn, tâm lý đều quy tụ trong Nhân đạo. Trọn nhân đạo tức là hoàn thành được tất cả

TIẾT 2 : TAM TÀI HIỆP NHẤT

Những dòng trên đây chỉ là những ý niệm đặc thù của mỗi nguyên tố trong Tam Tài theo lý niệm. Nhưng triết lý Tam Tài hệ tại chỗ nối kết và tương liên của ba nguyên tố ấy, mà ta gọi là Tam Tài hiệp nhất. Tam Tài hiệp nhất nghĩa là ba yếu tố đó không thể tách biệt nhau, mà luôn luôn theo nhau, hoà hợp nhau; có khi làm thành nhị hợp thể (binary) Thiên Địa hoặc Thiên Nhân, có lúc lại tổ thành tam hợp thể (trinity) Thiên Địa Nhân.

1. Thiên Địa vi nhất - Trên kia đã nói : Địa luôn luôn đi với Thiên như một trùng âm Thiên Địa. Trong thể tính, mỗi nguyên tố đều có những nét riêng biệt, nhưng trong dụng thực, hai nguyên tố phải có nhau như một điều kiện tất yếu (conditio sine qua non) : có Thiên tất có Địa, mà có Địa tất có Thiên. Cặp trùng âm Thiên Địa là một cặp tương liên, giống như cặp trùng âm : âm dương, càn khôn, vũ trụ, nam nữ v.v. Có nam tất có nữ, mà có nữ phải có nam. Con người không thể cô độc nhất tính, vì nam tính nữ tính cũng chỉ là hiện thân của dương tính âm tính. Âm dương là một cặp có vẻ đối phản nhau : một tĩnh một động, một nhu một cương, nhưng vốn hoà hợp nhau, để phát sinh muôn vật. Âm dương không bao giờ tách biệt, mà luôn luôn tương thôi tương ma, để tương hợp. Âm dương cũng chỉ là nguyên lý tiêu biểu của Kiền Khôn hay Thiên Địa. Thiên Địa trong nguyên lai cũng chỉ là Vũ và Trụ hay không gian và thời gian.

Thiên Địa vốn tương hợp mật thiết, đến nỗi trở nên như một : Thiên Địa vi nhất. Thiên Địa vi nhất là do luật tuần hoàn đắp đổi và luật biến hoá.

- Luật tuần hoàn đắp đổi - Trừ Hữu Thể tuyệt đối ra, tất cả muôn vật trong vũ trụ đều tương đối, theo luật tuần hoàn đắp đổi mà uyển chuyển từ tĩnh tới động, từ tối tới sáng, từ mềm tới cứng, từ yếu tới mạnh, từ khổ đau tới hạnh phúc, từ vật chất tới tinh thần và ngược lại như một vòng luân hồi vô tận. Thiên đi với Địa và Địa đi theo Thiên cũng chỉ là một sự đắp đổi giữa tinh thần và vật chất : một cao một dầy, để một đàng che một đàng chở cho muôn vật, một đàng hạ giáng, một đàng thượng đằng, giao hoà nhau, hầu giữ thế quân bình cho vũ trụ vạn vật; đồng thời bổ túc lẫn cho nhau, gây thành cuộc hoà đồng tuyệt diệu.

Những kiểu nói "Thiên địa giao thái"[72], "Thiên địa hoà đồng"[73], 'thiên địa tương ngộ"[74],”Thiên địa tương đãng"[75]đều nói lên sự giao thái để làm thành Thiên Địa chi đạo : một cao một dầy, bổ túc lẫn nhau và thích nghi với nhau; hoà đồng để làm điểm tựa cho muôn vật sinh thành; tương ngộ để cho muôn vật được giao hoà và phô diễn muôn vẻ gấm hoa; tương đãngđể cho vũ trụ phát sinh cuộc giao hội trường cửu.

Đối với con người, Thiên Địa như đôi cán cân giữ nhân sinh cho khỏi nghiêng lệch : hoặc quá sùng hạ Địa đạo hay vật chất, hoặc quá sùng thượng Thiên đạo hay tinh thần. Con người đứng giữa đôi bờ cách biệt, có nghĩa vụ nối kết đôi bên Đất Trời và gây lấy một nhịp sống hoà điệu giữa Trời Đất. Trong nhịp sống thăng trầm, con người cũng theo Trời Đất mà vô tư trước những đau khổ và hạnh phúc, trước những thất bại và thành công, vì tất cả những thứ đó - tận bản tính - không xấu không tốt và không hơn không kém, mà chỉ là hai khía cạnh phải có của một thực tại trong kiếp sống; nó đắp đổi để tăng phần ý nghĩa cho nhau.

Nho gia, Đạo gia, Phật gia cũng như các nhà tông giáo có lý do để diệt khổ hay cứu khổ, vì chính đau khổ cũng chỉ là một thực tại tương đối, nghĩa là nó tương đối tùy theo mỗi tâm tưởng, mỗi thái độ. Ở đây đứng trước đôi bờ Thiên Địa, tượng trưng cho đôi bờ đối nghịch của cuộc đời, chúng tôi chỉ cốt ý nhấn mạnh rằng : con người chấp nhận hai khía cạnh đối kháng này như những định luật thiên nhiên. Chấp nhận tất cả, để biến đổi tất cả, thuận hoà tất cả theo Thiên Địa đại đạo.

Hệ từ thượng vốn nêu lên chủ trương đó :
"Trời sinh thần vật, thánh nhân cũng theo đó. Trời Đất biến hoá, thánh nhân cũng theo đó; Trời biểu lộ điều cát hung, thánh nhân cũng vậy. Hà đồ Lạc thư diễn xuất, thánh nhân cũng theo đó" (Thiên sinh thần vật, thánh nhân tắc chi. Thiên Địa biến hoá, thánh nhân hiệu chi. Thiên thùy tượng kiến cát hung, thánh nhân tượng chi; Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tắc chi)[76]. Theo đó Thiên Địa luôn luôn phải có nhau, mà con người là điểm nối kết đôi bên. Luật tuần hoàn của Trời Đất cũng chỉ là nguyên tắc động tĩnh thể hiện nơi con người.

- Luật biến hoá toàn diện - Con đường tiến triển của vũ trụ vạn vật sẽ không thể thực hiện, nếu thiếu sự đắp đổi giữa hai nguyên lý Thiên Địa. Nói khác đi : nhờ sự nối kết tương đồng tương ngộ tương hợp của Thiên Địa mà vạn vật biến hoá, cho nên Thiên Địa được coi như là nguyên tắc biến hoá tự nhiên : thiên địa biến hoá[77]. Theo luật biến hoá này, chính Thiên Địa là cha mẹ của vạn vật. Thiên Địa giao cảm với nhau mà phát sinh vạn vật[78], vì nơi căn cơ Trời Đất đã sẵn có sức mạnh sinh sản : Thiên Địa chi đại đức viết sinh[79]. Nhờ đức của Trời Đất mà sinh hoá hoá sinh, vạn vật lại nhờ sức mạnh ấy mà này nở hưng tiến[80]. Mọi trật tự trong thiên nhiên cũng theo định luật của trời đất mà tiếp nối nhau[81]. Thiên Địa sinh rồi Thiên Địa lại dưỡng vạn vật nữa[82].

Ngược lại, nếu không có sự kết hợp của Thiên Địa, thì vũ trụ vạn vật, kể cả con người sẽ bị bế toả, tan rã hoặc phát sinh những hiện tượng vi phản.

Quẻ "Khôn" trong Kinh Dịch đã chứng minh điều đó :
"Trời đất biến đổi, cỏ cây mới phồn thịnh, trời đất bế tắc, thì hiền nhân cũng vắng" (Thiên địa biến hoá, thảo mộc phồn, Thiên địa bế, hiền nhân ẩn)[83].

Quẻ "Giải" cũng viết :
"Trời đất lỏng lẻo, phát sinh sấm sét mưa gió" (Thiên địa giải nhi lôi vũ tác)[84].

Như vậy diễn trình biến hoá của vũ trụ và con người đều ở trong vòng cấu kết của Thiên Địa, tức là cõi thiên nhiên. Làm gì ngoài trật tự thiên nhiên sẽ không có tiến hoá. Con người sinh trưởng và hoạt động là đi vào bánh xe tiến hoá của Trời Đất, một cuộc tiến hoá toàn diện, phù hợp đúng địa lý và thiên lý hay địa đạo và thiên đạo. Nếu phiến diện hay một chiều, thì cuộc tiến hoá sẽ thụt lùi, tan vỡ hay ít ra cũng lệch lạc mà thôi.

Thực ra truy nguyên Thiên Địa, thì thấy rằng năng lực biến hoá và dưỡng sinh bảo tồn vạn vật chỉ là do tác động của âm dương. Ta có thể nhận xét qua mấy kiểu nói tương đương sau đây :
-Thiên địa giao thái =                         Âm dương chi giao[85]
   天地交睬                                       陰陽之交 
-Thiên địa tương đồng =                    Âm dương tương đắc[86]
   天地相同                                       陰陽相得
-Thiên địa tương ngộ =                      Âm dương tương ma[87]
            天地相遇                                       陰陽相摩
-Thiên tôn địa ti =                              Âm dương trường đoản[88]
   天尊地卑                                       陰陽長短
-Thiên địa cảm nhi vạn vật  hoá sinh =      Âm dương hoá nhi vạn vật đắc[89].
天地感而萬物化生                                         陰陽化而萬物得                              

Tính cách đắp đổi của Âm Dương cũng chặt chẽ như Thiên Địa, tới nỗi âm biệt dương biệt không thể hoá sinh được : "độc dương bất sinh, độc âm bất sinh"[90]. Nguyên tắc này cũng nhấn mạnh sự toàn diện và cộng thông của biến hoá. Nếu trên thế gian, cuộc tiến hoá chỉ có một chiều theo nhị nguyên, thì con người cũng như vạn vật sẽ chìm đọng trong cô liêu tĩnh mịch. Nói cụ thể hơn : ta không thể quan niệm được rằng : trong vũ trụ chỉ có thiên mà không có địa, hoặc trong thiên địa chỉ có dương tính duy nhất hay âm tính duy nhất, hoặc trong nhân sinh chỉ có đau khổ hay hạnh phúc duy biệt mà thôi. Nếu chỉ có nhị nguyên biệt lập như thế, mà không có nhất quán, thì trong vũ trụ cũng như trong nhân sinh sẽ không có tiến hoá, mà chỉ có cô đọng tính chỉ mà thôi.

Luật biến hoá do vậy cũng là luật tương đối, có tính cách song phương. Trong đó con người tiến hoá cũng phải tiến hoá toàn diện. Nếu duy hay chủ nghiêng lệch, tất cả sẽ rơi vào ngừng đọng. Phiến diện sẽ trở thành khập khiễng què quặt. Con người tiến hoá phải là con người "Thiên Địa chi nhân" hay là “âm dương chi giao", cho cân bằng với đôi bờ Thiên phú Địa tái hoặc Thiên cao Địa hậu hay Thiên tôn Địa ti.

2 - Thiên Nhân tương dữ - Quan niệm "Trời với Người" là một quan niệm then chốt trong tư tưởng Viễn Đông; nó tô điểm cho Nho học những nét nhân bản quan trọng và giá trị. Quan niệm đó bắt nguồn từ chính Kinh, được Khổng Tử thể duyệt và các môn đệ khai thác sâu rộng sau này, nhất là Mạnh Tử. "Thiên nhân tương dữ" hay "Thiên nhân hiệp nhất" đã hình thành môn huyền bí học của Viễn Đông, và cũng là căn bản cho những lý thuyết về Thiên Lý và Thiên Mệnh.

a - Huyền bí học - Manh mối của huyền bí học Viễn Đông chính Phùng Hữu Lan đã xác nhận, khi ông bàn về quan niệm "Thiên Nhân hiệp nhất" qua tiêu đề "Thiên chi sở dữ ngã giả" (Trời cùng với ta). Theo ông thì con người đồng thể với Trời cũng như vạn vật đồng thể với nhau, vì muôn vật trong vũ trụ biến hoá do tác động của Thái Cực tức Đạo, nhờ sự va động của lưỡng nghi âm dương, một cương một nhu : "Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hoá"[91].

Khổng Tử viết :
"Ai là người không xuất sinh do đó, có cái gì không do Đạo mà ra" (Thùy năng xuất bất do hộ, hà mạc do tư đạo dã)[92].

Giải thích câu trên, Hùng Thập Lục viết :
"Vạn vật vạn sự đều do Đạo mà ra".

Sau này các môn đệ Khổng Tử nhân đó mà lập ra thuyết "Thiên Nhân bất nhị nghĩa". Tác giả họ Hùng giải nghĩa thuyết ấy như sau :
"Trời không để con người một mình, mà người tức là Trời, cho nên gọi rằng : "Thiên Nhân bất nhị".

Dương Hùng nói rõ hơn :
"Con người không có Trời không có lý do tạo thành, mà Trời thiếu con người cũng không thành hình"[93].

Nhưng huyền bí học của thuyết "Thiên nhân tương dữ” được Mạnh Tử và Đổng Trọng Thư đề cập một cách rất sâu đặm.

MẠNH TỬ - Vốn ở trong dòng tư tưởng "Thiên nhân tương dữ", Mạnh Tử chủ trương hai điều quan trọng :
một là thuyết nội tại,
hai là thuyết cảm ứng.

- Thuyết Nội Tại - Con người là một vũ trụ thu hẹp lại, hay nói khác đi : con người là một tiểu vũ trụ.. Tiểu vũ trụ đây cùng một thể với đại vũ trụ, cho nên Thiên Địa vạn vật đều có ở nơi tâm ta. Cứ nhìn vào nội tâm, thì lĩnh hội được muôn vật:.

"Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành lạc mạc đại yên ; cường thứ nhi hành, cầu nhân mạc cận yên" (mọi vật đều ở trong ta, quay về nội tâm mà hết lòng thành thực, thì không gì hạnh phúc bằng. Rồi cố gắng mà hành động theo đó, thì muốn đạt nhân đạo, không có gì gần hơn)[94].

Con người linh thông giao hội với muôn vật, nhờ sự phản tỉnh mà thành tâm cảm ứng. Đàng khác vũ trụ bên ngoài cũng giống như vũ trụ tâm linh mà thôi. Bản tính con người cũng như bản tính của muôn vật và Tạo Hoá nữa. Theo phương pháp nội tỉnh hay trực nội, nhìn vào bản ngã có thể thấy được muôn vật và cả Trời nữa. Thấu hội được bản ngã, tức có thể biết được tạo vật và Tạo Hoá.

Mạnh Tử nói rõ hơn :
"Thấu hiểu được nội tâm mình, thì hiểu rõ bản tính mình ; hiểu rõ bản tính mình, tất có thể biết được tính Trời" (Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã; tri kỳ tính tắc tri thiên hĩ )[95].
Thế nghĩa là tiểu vũ trụ trực quan được đại vũ trụ, và tiểu ngã tâm linh giao hoà được với Đại Ngã tâm linh.

-Thuyết cảm ứng hay thần thông – Cảnh giới huyền bí ở đây là tình trạng tiểu ngã hoà hợp và cảm thông được với Đại Ngã tâm linh, tức là con người đi từ Tâm qua Vật tới Thiên. Chẳng những tới được Thiên, mà còn hiểu được Thiên Mệnh : thuận theo ý Trời, phụng sự Trời và hành động như Trời.

Mạnh Tử còn nói tiếp :
"Biết bảo tồn tâm mình và tu dưỡng tính mình, là có thể phụng sự Trời" (Tồn kỳ tâm dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã)[96].

Khi đã đạt Thiên đạo Thiên mệnh rồi, con người lúc ấy trở thành quân tử Thánh nhân, đi tới đâu, có thể nhờ sức mạnh của Trời mà cảm hoá được chúng nhân và muôn vật; lại có thể cảm ứng được với Trời, mà hành động quảng đại linh thông như Trời. Đó là ý nghĩa câu "Phù quân tử sở quá giả hoá, sở tồn giả thần, thượng hạ dữ thiên địa đồng lưu”[97].

Giải thích Mạnh Tử, Phùng Hữu Lan viết :
"Chủ nghĩa thần bí trên đây chỉ là một dòng triết học thừa nhận lý thuyết vạn vật nhất thể. Theo đó con người hợp nhất với toàn thể vũ trụ, mà phân biệt bản ngã nội tại và ngoại tại. Thường thường ta cho rằng : chủ nghĩa thần bí này có liên quan với duy tâm luận và vũ trụ luận. Vũ trụ tất thuộc về duy tâm luận, tức có thể nói : toàn thể vũ trụ có quan hệ với tâm linh con người. Tâm linh con người vốn đồng nhất thể với đại tâm linh của vũ trụ... Các học phái Trung Quốc đều coi cảnh giới thần bí là địa hạt tối cao, coi kinh nghiệm thần bí như một cuộc thành tựu cao nhất trong việc tu dưỡng của con người"[98].

Thực ra đây cũng không phải lý thuyết khởi đầu do Mạnh Tử, mà ông chỉ quảng diễn lại lý thuyết của Thầy qua sách Trung Dung. Tử Tư nhân lời dạy của Thầy nói về Thiên đạo và nhân đạo theo lý hiệp nhất, lập luận rằng :
"Nếu có thể thấu hội được bản tính mình, tất có thể thấu hội được tính người khác. Thấu hiểu được tính người ta, tất có thể lý giải được tính của sự vật. Nếu lý giải được tính của sự vật, tất có thể hợp với trời đất mà hoá dục. Có thể hợp với trời đất mà hoá dục, hẳn là có thể tham phần với trời đất" (Năng tận kỳ tính tắc năng tận nhân chủ tính. Năng tận nhân chi tính tắc năng tận vật chi tính. Năng tận vật chi tính tắc khá dĩ tán thiên địa chi hoá dục. Khả dĩ tán thiên địa chi hoá dục tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hĩ )[99].

Câu nói trên đây đủ chứng minh rằng : con người qua trực giác tận lòng mình, có thể trực tri lòng người, trực quan vạn vật và trực kiến Hữu Thể Tuyệt Đối. Chính ở điểm trực giác trực tri trực quan và trực kiến này, mà nhân tâm học của Tiên Nho khác biệt với tâm lý học của Tây phương.

ĐỔNG TRỌNG THƯ - Thuyết thần bí của Đổng Trọng thư được trình bày dưới chiêu đề "Thiên Nhân chi tế" (Trời hội thông với người). Theo ông, Trời với người cũng đồng loại một thể, nhờ căn cơ âm dương.

Ông viết :
"Trời cũng có nguyên khí vui giận, cũng có tấm lòng buồn vui hơn kém giống con người. Nếu xếp loại, thì Trời với người là một" (Thiên diệc hữu hỉ nộ chi khí, ai lạc chi tâm, dữ nhân tương phó, dĩ loại hợp chi, thiên nhân nhất dã)[100].

Trong thiên "Vi nhân giả thiên", ông nói rõ hơn :
"Trời là tổ phụ của người, mà người cũng đồng loại với Trời. Hình thể con người do thiên số mà thành. Khí huyết con người do thiên chí mà thành đạo nhân. Đức tính của người do thiên lý mà thành đạo nghĩa. Lòng yêu ghét của con người do sự ấm áp và trong lành của trời mà thành. Lòng vui giận của con người do nguyên khí nóng lạnh của Trời mà nên... Trời để tất cả những cái đó nơi con người. Cho nên tính tình của con người là do Trời cả" (Thiên diệc nhân chi tằng tổ phụ dã.Nhân chi hình thể hoá thiên số nhi thành. Nhân chi khí huyết hoá thiên chí nhi nhân. Nhân chi đức hành, hoá thiên lý nhi nghĩa. Nhân chi hiếu ố hoá thiên chi noãn thanh. Nhân chi hỉ nộ hoá thiên chi hàn thử... Thiên chi phó tại hồ nhân. Nhân chi tình tính hữu do thiên giả hĩ)[101].

Cuộc hiện hữu của con người như vậy là cùng với Trời và do Trời mà phát xuất. Trong cuộc hiện sinh, con người cũng theo đường lối Trời Đất mà sinh động theo đúng ý Trời, rồi sau cùng vươn lên cho tới Trời. Ý tưởng đó được phô diễn trong thiên "Nhân phó thiên số" :
"Không gì tinh tuý hơn khí, không gì đầy đặn như Đất, không gì linh thiêng hơn Trời. Tinh tuý của Trời Đất kết sinh nên muôn vật. Trong muôn vật không có gì cao quý hơn con người. Nhưng do đó con người lại nhận lĩnh ý Trời, vì vậy mà có siêu nhiên" (Mạc tinh ư khí, mạc phú ư địa, mạc thần ư thiên. Thiên địa chi tinh, sở dĩ sinh vật giả, mạc quý ư nhân. Nhân thụ mệnh thiên dã, cố siêu nhiên hữu dĩ ỷ)[102].

Khi một vương quốc muốn trọn đạo, thì dưới phải lấy thành tính mà giáo hoá nhân dân, trên phải theo thiên ý và thuận thiên mệnh. Sau đó phải biến hợp với Trời, rồi sẽ hành động với Trời[103].

Tiếp nối Đổng Trọng Thư, các nhà tân nho sau này như Trình Hạc, Trình Di, Thiệu Khang Tiết, Lục Tượng Sơn, nhất là Vương Dương Minh đã xây dựng thành môn học Tâm linh huyền bí của Trung Quốc.

b - Thiên lý và Thiên mệnh - Thiên lý là lẽ tự nhiên của Trời Đất, mà Thiên mệnh là ý Trời biểu lộ qua luật tự nhiên ấy. Mấu chốt tư tưởng ở đây là : Thiên lý và Thiên mệnh phải nhờ con người để phát hiện, vì "Thiên lý tồn nhân tâm" và Thiên mệnh là chính lương tri : "Thiên mệnh chi vị tính".

Điều quan trọng ở đây là không có một Thiên lý và một Thiên mệnh tuyệt đối, nghĩa là Thiên lý không biệt lập với tâm lý và vật lý, cũng như Thiên mệnh không biệt lập với nhân tính và vật tính. Tuy nhiên ta vẫn hiểu rằng : Thiên lý và Thiên mệnh có tính cách tiên thiên như những nguyên tắc sơ khởi. Mà những nguyên tắc sơ khởi ấy không thể áp đụng vào đâu, nếu không có nhân tính nhân tâm điều hành.

Nói như vậy cũng không thể lý luận theo kiểu triết Tây rằng : quan niệm Thiên lý Thiên mệnh và Tâm học Đông phương là duy tâm. Duy tâm thực ra chỉ là một quan niệm hẹp hòi cho rằng : Nhân tâm là nguyên tắc cấu tạo của mọi hiện hữu. Còn nhân tâm hay Tâm học ở đây chỉ là như chiếc chìa khoá mở cánh cửa minh linh cho ta nhận thức mọi hiện hữu mà thôi; nghĩa là nhân tâm không phải là nguyên tắc, mà là phương tiện. Hay nói đúng ra, đó là một đài tiếp vận thu hội tất cả những hiện tượng của vũ trụ ngoại giới cũng như tâm linh, để rồi phát lộ tất cả ra nhân sinh.

Vậy khi nói : Thiên lý Thiên mệnh tức là nói toàn thể luật tự nhiên và ý chí siêu nhiên liên quan tới nhân tâm.Muốn hiểu Thiên lý và Thiên mệnh, phải hiểu qua nhân tính.

Tiên Nho cắt nghĩa Thiên mệnh cũng lý giải rằng :
”Thiên mệnh là chính lương tri con người = Thiên mệnh chi vị tính". Do vậy con người đích thực phải được tiêu biểu bằng hình ảnh Quân Tử hay Thánh Nhân, mà Tiên Nho quan niệm rằng :
"Quân Tử sống phù hợp với Thiên lý Thiên đạo" (Quân tử hợp chư thiên đạo)[104].
Quan trọng hơn, Quân tử phải biết được ý Trời "Quân tử viết tri thiên mệnh"[105], để thực hiện đúng ý Trời "Quân tử dĩ chí mệnh toại chí”[106]; trong cuộc đời luôn luôn Quân tử phá tan điều ác, khuếch trương điều thiện, để hoà thuận với ý Trời "Quân tử dĩ át ác dương thiện, thuận thiên hưu mệnh"[107].

Lý thuyết Thiên lý Thiên mệnh của Tiên Nho không bao giờ có nghĩa Định Mệnh. Định Mệnh có nghĩa : ý Trời đã tiên thiên quyết định sẵn mọi sự, để chụp mũ một cách khắt khe trên nhân tính. Kỳ thực Thiên mệnh ở đây chỉ có nghĩa : ý Trời được thể hiện cách nào và thể hiện ra sao, là tùy theo sự thu hội và phát lộ của nhân tính hay lương tri hay lương tâm con người. Bởi vậy con người nhận trách nhiệm trước Thiên mệnh, chứ không phải Thiên mệnh áp đảo con người cách vô lý hay tiên thiên. Lý thuyết này đi tới câu kết luận :
Con người làm chủ số mệnh của mình, chứ không phải Thiên Đế gài sẵn cho con người một vòng xích số mệnh.

Quan niệm Tiên Nho còn đi xa hơn nữa, khi chủ trương : Thiện tâm có thể cải mệnh hay cách mệnh. Quan niệm này vốn là lý thuyết của quẻ "Cách" trong Kinh Dịch. Theo quẻ ấy, thì công việc cải cách vốn là đường lối của Thiên Địa : "Thiên địa cách nhi tứ thời thành". Trong nhân sinh cũng luôn luôn có biến cách. Chính khi một vị quân vương lên ngôi cũng là do ý Trời . Khi vua đó không thuận ý Trời, thì có vua khác thay thế cũng là hợp mệnh, tuy có cách mệnh. Vua Thành Thang phế vua Kiệt không phải làphản mệnh, mà là cách mệnh. Vua Vũ đánh vua Trụ cũng không phải vi mệnh, mà là cải mệnh. Mệnh Trời vì thế không phải là tuyệt đối, mà là tương đối theo nhân tâm.

Điều kiện cải mệnh hay cách mệnh là chỉ cần thuận ý Trời và ứng hợp với nhân tính nhân tâm. Cuộc cách mệnh muốn được chính đáng, phải xây trên căn bản Trung thứ và chính tâm thiên chí mà thôi. Bởi vậy cải mệnh hay cách mệnh là việc của Thánh nhân Quân tử, tức là của người có thành tâm thiện chí và biểu lộ được Thiên đức[108].

3. Thiên Địa Nhân hoà đồng - Thiên Địa Nhân là tam hợp thể (Trinity) luôn luôn có nhau, để tạo thành nhịp thái hoà cho vũ trụ. Thiên mà thiếu Địa và Nhân, sẽ không phát huy ra được gì. Nói khác đi : thiếu Địa và Nhân, Thiên lý Thiên đạo và Thiên công không có phương tiện biểu lộ và không có chỗ phát xuất. Địa mà thiếu Thiên và Nhân cũng chỉ trở thành hoang vu, lạnh lẽo và cô đọng tàn tạ. Trong khi đó Nhân mà không có Thiên sẽ trở thành vô linh và lạc lõng, không có Địa sẽ thiếu môi trường sinh động và thân trương.

Chính trong căn bản tương quan đó, mà Thiên Địa Nhân trở thành tam hợp thể : hoà đồng với nhau trên con đường tiến hoá không ngừng. Tuy nhiên cả ba nguyên tố đều có những tác vụ đôi khi riêng biệt, đôi khi tương liên. Nhưng trong tam hợp thể này, Nhân vẫn nắm giữ phần tâm điểm. Nhờ vậy mà có TRIẾT LÝ NHÂN BẢN.

a - Tác vụ của Tam Tài - Trong sự hoà đồng mật thiết, Nho gia tiên hiền thường quan niệm rằng : cả ba nguyên tố hợp thành, để phát sinh muôn vật. Trong cuộc sinh hoá, mỗi nguyên tố lại có một tác vụ riêng :
                        Trời sinh,
                        Đất dưỡng,
                        Con người hoàn thành.

Đó là ý niệm của Đổng Trọng Thư, ông giải thích thêm :
"Trời sinh nhờ hiếu đễ, Đất dưỡng nhờ áo cơm, con người hoàn thành nhờ lễ nhạc" (Thiên địa nhân vạn vật chi bản dã, thiên sinh chi, địa dưỡng chi, nhân thành chi. Thiên sinh chi dĩ hiếu đễ, địa dưỡng chi dĩ y thực, nhân thành chi dĩ lễ nhạc)[109].

Ba điều đó phải trọn vẹn như chân tay, để hợp thành bản thể, không thể thiếu một. Không hiếu đễ, thì mất chỗ xuất sinh; không cơm áo thì mất chỗ nuôi nấng; không lễ nhạc thì mất chỗ thành tựu. Nhờ những tác vụ ấy mà thành Thiên đạo, Địa đạo và Nhân đạo. Chính các quẻ trong Bát Quái hoặc 64 hào là hình ảnh của Tam Tài hay Tam Đạo, gọi chung là Đạo Tam Tài, mà lý thuyết căn bản là tinh nghĩa của thiên "Hệ từ hạ", nguyên văn :
"Dịch chi vi thư dã, quảng đại tất bị. Hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên. Kiêm tam tài nhi lưỡng chi cố lục. Lục giã phi tha dã, tam tài chi đạo dã" (Dịch là sách rất sâu rộng hoàn bị; trong đó bao hàm đạo Trời, đạo Người và đạo Đất. Như thế gồm ba nguyên tố, nhân đôi thành sáu; sáu nguyên tố không còn gì khác, đó là đạo Tam Tài)[110].

Vậy đạo Trời đạo Người và đạo Đất được thể hiện như thế nào ?

“Thuyết Quái truyện" trả lời :
"Để thành đạo Trời thì có âm và dương, để thành đạo đất thì có nhu và cương; còn thành đạo Người, thì có nhân và nghĩa" (Thị dĩ lập thiên chi đạo viết âm dữ dương, lập địa chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa)[111.

Hai chữ âm dương nói lên ý nghĩa của biến hoá.

Trời được coi như nắm giữ nhịp biến hoá của vũ trụ và điều hoà tất cả các nguyên tắc đối nghịch nhau. Hai chữ nhu vàcương thể hiện lưỡng tính âm dương một cách thực tế trên vạn vật. Tuy cương nhu là cặp đối nghịch, nhưng cặp đối nghịch này luôn luôn va động thôi thúc nhau, để hoà nhau trong công cuộc hoá sinh. Còn nhân và nghĩa là thuộc giới hiện sinh nơi con người. Đạo người căn cứ ở Nhân          , và nhân được điều hành bởi nghĩa 義. Nhân là lòng thương người, mà nghĩa là sự đối đãi nhau cho hợp đạo.

Thiên đạo còn thể hiện ở chữ Thời: Thiên thời. Địa đạo thể hiện ở lợi thế : địa lợi. Nhân đạo thể hiện ở sự thuận hoà với mọi người : nhân hoà. Vì thế mới thành nguyên tắc Thiên thời địa lợi nhân hoà.

- Thiên thời nghĩa là trật tự của Trời, là đường lối của Trời : “Thời nãi thiên đạo”[112]. Mà đường lối của Trời là hành động mọi sự theo đúng trật tự đã quy định : nên làm thì làm, nên thôi thì thôi “thời hành tắc hành…thời chỉ tắc chỉ”[113]. Cứ theo đúng nhịp thời gian của Trời mà hành động, thì sẽ thành công :”thời thuận nhi vật thành”[114].

- Địa lợi là theo đúng hoàn cảnh nên chăng, mà thích nghi cho phát sinh lợi thế, theo ý nghĩa câu “lợi giả nghĩa chi hoà dã” ( lợi điểm chính là điều hoà và thích nghi được); thích nghi nghĩa là có lợi cho sự vật và nhân sinh :"lợi vật tức dĩ hoà nghĩa"[115.

- Nhân hoà là nhu thuận hoà đồng với mọi người và được mọi người chấp nhận. Trong đạo người, một khi đã hoà được mọi sự, thì chẳng những không mất mát gì, mà lại có thể biến hoá được mọi sự[116] trong một nhịp sống bình an phẳng lặng[117]. Sau cùng sẽ điều hoà được cuộc sống, mà hoàn thành nhân đạo[118].

b - Nhân bản - Nói nhân bản tức là đề cập tới địa vị con người trong Tam Tài, mà nói đến địa vị con người trong Tam Tài, tức là nhìn nhận con người là then chốt là căn cơ cho Tam tài. Chính ở điểm này triết học về con người hay triết lý nhân bản được thành hình. Triết lý nhân bản hệ tại : nhìn nhận trong tam hợp thể Thiên Địa Nhân, chính Nhân nắm vai trò trọng tâm, để điều hoà và tiến hoá hai đối cực Thiên Địa.

- Vai trò trọng tâm - Trong khi liệt kê Tam Tài, Kính văn thường đặt để theo thứ tự : Thiên Địa Nhân, tức nhân ở hàng chót. Sở dĩ thế, vì cặp Thiên Địa là khởi điểm của con người. Có thể lập luận rằng : theo nguyên nhân cấu thành (causa causalis), thì con người đến sau thiên địa, nhưng thiên địa thành hình cũng vì con người; và trong thiên địa chỉ có con người  mới hành động và biểu dương được sức mạnh biến hoá của Trời Đất. Nếu lập luận theo nguyên nhân mục đích (causa finalis) và nguyên nhân hành động (causa actualis) thì con người lại nắm địa vị quan trọng, -vì nếu thiếu con người, Thiên Địa sẽ không có cơ phát lộ ra được.

Tác giả Nguyên Nho viết :
”Con người mà thiếu Trời, thì mất nguyên nhân sinh tồn , ngược lại Trời mà không có con người thì cũng không thành hình. Trời vốn tiềm tàng sức mạnh, nhưng Trời thể hiện sức mạnh đó nơi con người, cũng như Trời vốn tiềm tàng nguyên lý, nhưng Trời cho phát huy nguyên lý cách sung mãn nơi con người" (Nhân bất thiên bất nhân, Thiên bất nhân bất thành...Thiên hữu kỳ đức nhi thể chi tự nhân, Thiên hữu kỳ lý nhi sung chi tự nhân)[119].

Đàng khác ta thấy không phải là truyện vô tình, mà khi nói về nghĩa lý và tác vụ của Tam Tài, thì Kinh Dịch vẫn theo thứ tự Thiên Địa Nhân, mà khi nói về đạo, thì Hệ từ hạ lại theo thứ tự Thiên Nhân Địa : "hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên"[120]. Thực ra Hệ từ hạ có chủ ý đề cao, hay nói cho đúng, nhấn mạnh vai trò trọng tâm của con người. Lý do là vì khai đạo và xuất đạo là do Thiên và Địa, nhưng muốn hành đạo và thành đạo phải có con người. Đây cũng là ý niệm của Đổng Trọng Thư.
Ông viết :
"Trời Đất và Người là gốc của vạn vật. Trời sinh ra, Đất nuôi dưỡng, người hành thành" (Thiên địa nhân vạn vật chi bản dã. Thiên sinh chi, Địa dưỡng chi, Nhân thành chi)[121].

Mạnh Tử, khi nói về chiến thuật theo thiên thời, địa lợi và nhân hoà, cũng đánh giá nhân hoà quan trọng hơn địa lợi và thiên thời : "Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hoà"[122].

Như thế có nghĩa là Trời Đất có hợp thời và thuận lợi, mà nhân tâm không điều hoà được, cũng bất lợi. Nói cách khác, đủ điều kiện thiên văn địa lý rồi, mà chưa có điều kiện nhân văn, thì làm gì cũng khó thành tựu.
Vai trò căn bản và quan trọng của con người trong vũ trụ là ở chỗ đó.

Một triết gia tiến hoá mới nhất của Tây Phương, Teilhard de Chardin, khi nói về vai trò con người trong vũ trụ, đã đưa quan niệm Thánh Kinh lại gần với Nho gia.
Ông viết :
”Vì tham phần với vũ trụ, mặc dầu đơn độc, con người không phải là một phụ thuộc, một ngoại trừ hay một cái gì bất thường kỳ quái trong vũ trụ; trái lại con người chính là biểu tượng của sự hoàn hảo, sự phát triển cùng độ và là sự hoàn thành của vũ trụ. Có thể nói : nhờ con người, mà trái đất có một bộ mặt mới, hơn nữa có một hồn sống"[123].

Nhưng tôi không đồng ý với Teilhard de Chardin khi ông viết :
"Có một cái đẹp hơn vũ trụ, đó là con người; con người là một tên bắn (một sức vươn lên) trực thăng của vũ trụ, mà không phải là trọng tâm của vũ trụ, như ta thường quan niệm một cách ngây thơ"[124].

Thực ra cả Thánh Kinh cả Nho học đều quan niệm : con người phải vươn lên tới siêu việt. Nhưng nếu chỉ vươn lên tới siêu việt và ngừng đọng ở đó, thì quả nhiên coi con người là trọng tâm vũ trụ có vẻ ngây thơ thực. Nhưng Nho gia quan niệm : siêu việt phải trở lại thể hiện nơi nhân tâm, tức là lương tri con người. Cho nên thiếu con người, thì siêu việt tính hay mệnh Trời cũng không biểu lộ ra được. Quan niệm Thánh Kinh cũng không khác thế. Thần tính đã nhập thể nhân tính nơi Đức Kytô, để cho con người trở thành trọng tâm hoạt động của Đấng Tạo Hoá.

Tuy nhiên chúng tôi xác nhận rằng : Teilhard de Chardin đứng trên cương vị của khoa học, thì khó mà thấy hay không thấy được vai trò trọng tâm của con người. Vai trò trọng tâm chỉ hiểu được trong lãnh vực tâm linh và thực tại linh động của con người, điều mà khoa học không đi tới được.

Trong giới tâm linh và luân lý, thiếu con người sẽ không có thiện ác.

Phạm Lãi giải thích rằng :
"Âm Dương (hay Thiên Địa) vốn không có thiện ác; thiện ác phát xuất do con người mà thôi"[125].

- Vai trò điều hoà thiên địa - Con người sở dĩ cao quý và quan trọng là vì tận bản tính đã được kết tinh bằng tú khí của Trời Đất, và ngoài hành động có liên quan mật thiết với vũ trụ vạn vật. Cũng vì được kết tinh bằng tú khí, cho nên phải phát huy ra được những tinh hoa do tú khí chung đúc. Những tinh hoa ấy là những tài năng và đức tính của Tâm đạo, phải được phát huy như những đoá hoa nhân văn, góp phần vào với Địa văn và Thiên văn.

Nhân văn là những vẻ sáng đẹp của con người thể hiện ra bên ngoài, như nhan sắc tài hoa, nhân tính, nhân tình, nhân đức, nhân cách, nhân tài, nhân lực, nhân trí, nhân công v.v. Nói chung là mọi vẻ đẹp của con người, thuộc tinh thần thể xác, xã hội hay luân lý, trong chiều hướng giúp con người thân trương, tiến bộ và siêu thăng... Đó là tất cả những gì làm thành văn minh của con người : "Văn minh dĩ chỉ nhân văn dã"[126]. Một khi những vẻ đẹp ấy được thể nghiệm vào nhân sinh, nó sẽ trở thành nhân đạo nhờ tâm tư con người, mà nhân đạo thì hệ tại nhân nghĩa. Nhân nghĩa lại chẳng là gì khác, mà chỉ là Thể và Dụng của con người. Như thế con người một đàng  chính là nhân ái[127], một đàng chính là nhân đạo, vì nhân đạo khởi thủy ở tâm : "thành kỷ nhân dã"[128]; rồi truyền lan sang người chung quanh bằng chính tình người linh động : "nhân giả ái nhân"[129]. Sau cùng sẽ đi tới vũ trụ vạn vật bằng điều Nghĩa, mà căn bản của Nghĩa vẫn là Nhân[130]Nghĩa là con đường ngay chính của con người[131], để đi tới thành Mệnh[132].

Như vậy, con người có trách nhiệm với cả vũ trụ vạn vật.

Địa văn và Thiên văn là những điểm tựa của Nhân văn. Nhân văn phải hoà hợp với Địa văn và Thiên văn, để đúc kết nên một "tập đại thành văn". Địa văn đây là những vẻ đẹp của trái đất, thuộc giới địa chất, khoáng chất, sinh vật và động vật. Con người được cùng Tạo Hoá tô điểm và điều hoà cũng như biến hoá mặt đất thành một cõi thiên nhiên mỹ diệu. Thiên văn là những vẻ đẹp của bầu trời với những hiện tượng thiên hình vạn ảnh, làm thành thời thiết, khí hậu và mọi nhịp điệu thiên nhiên bao bọc che chở con người, trong một vẻ hoà điệu mật thiết; vẻ hoà điệu ấy mật thiết tới nỗi con người trực tiếp ảnh hưởng tới được. Dĩ chí nếu con người sống đúng nhịp điệu thiên nhiên, thì vũ trụ vạn vật vận hành trúng tiết; mà nếu con người sống lệch lạc, thì vũ trụ thiên nhiên cũng tán loạn tháo thứ.

Quẻ  viết :
"Nhìn vào nhân văn mà thấy được tiến bộ của thiên hạ" (Quan hồ nhân văn dĩ hoá thành thiên hạ)[133].
Con người tận bản tính và nơi hành động đã mang trọng trách với vũ trụ vạn vật, tuy nhỏ bé mà ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng khắp bốn phương trời[134].

Thâm thúy hơn, quẻ Càn cũng viết :
"Đại nhân quân tử nhờ đức mà nên giống Trời Đất, nhờ thông minh mà hợp với nhật nguyệt, nhờ trật tự kỷ luật mà hợp với bốn mùa, qua điều lành dữ mà gần gũi với quỷ thần" (Đại nhân giả dữ thiên địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự, dữ quỷ thần hợp kỳ cát hung)[135].

Trong chiều hướng ấy, con người trở thành một cái gì phổ biến và cộng thông : với Thiên Địa trở thành nồng cốt thân mật, với vũ trụ vạn vật trở thành một sức giao hội linh thông, bao quát được cả trong ngoài và trên dưới trước sau "hợp nội ngoại chi đạo dã". Con người không còn là một vật lạc lõng giữa vũ trụ vô tình, mà trở thành một khối tình tụ hội thông của đại thể vũ trụ.

Ở đây triết lý nhân bản được thể hiện bằng cộng thông và thái hoà. Đồng thời đạo sống nhân bản cũng được thể hiện cách toàn diện bằng đời "nội thánh ngoại vương" của con người đích thực. Đời nội thánh thì lấy "Thiên địa vạn vật nhất thể" làm tông chỉ, lấy "thành kỷ thành vật" làm mục tiêu thực dụng. Còn đời ngoại vương thì lấy "Thiên hạ vi công" làm tông chỉ, lấy "nhân đại thiên công" làm dụng pháp, như đã nói trên kia.

Ta có thể kết luận : Triết lý Tam Tài là một dòng triết lý quy tụ tất cả mọi dòng tư tưởng triết học về đời sống con người và con người trong đời sống, con người trong vũ trụ. Đạo sống Tam Tài là một con đường giao hội của nhân sinh với nhịp biến hoá của toàn thể vũ trụ, tự nhiên cũng như siêu nhiên, bao trùm từ muôn nẻo không gian đến muôn chặng thời gian. Hơn nữa tất cả những dòng triết lý nào, những đạo sống nào không đặt căn cứ trên Tam Tài và không đưa con người tới đích điểm con người phải tới, đều là những dòng triết lý trống rỗng, có vỏ mà thiếu ruột, hoặc là những con đường dẫn tới vực thẳm hư vô mà thôi.


Chú thích:

[1] Minh đại Vương Kỳ toàn tập : Tam Tài đồ hội. Taiwan : Thành văn xuất bản xã ấn hành, 1970.
[2] Chúng tôi đã đề cập vắn tắt Triết lý Tam Tài qua tập luận án Triết lý chấp sinh Nguyễn Công Trứ. Orange, CA : 1988, trang 203.
[3] Kinh Dịch : "Hệ từ thượng truyện", chương 2 : 變化者進退之象也.剛柔者晝夜之象也.六爻之動三極之道也.
[4] Kinh Dịch : "Hệ từ thượng”, chương 2.
 [5] Kinh Dịch : "Hệ từ hạ thiên", chương 10 : 易之為書也廣大悉備有天道焉有人道焉有地道焉兼三才而兩之古六六者非它也三才之道也.
 [6] Phùng Hữu Lan : Trung Quốc triết học sử. Thượng Hải : Thanh Hoa ấn  bản, 1937, trang 315.
[7] Luận Ngữ : “Thuật Nhi" , chương 7 : 天生德於予.
Tả Truyện : "Tương Vương", chương 14 : 天生民而立之君.
Mạnh Tử : "Cáo Tử thượng : 天生?民.
 [8] Mạnh Tử : "Lương Huệ Vương hạ" : 若夫成功則天也.
[9] Kinh thư : quyển 5 : "Triệu cáo" : 黃天上帝改元子.
                                          "Khang cáo" : 皇天閈訓劂道.
                                ”Chu Thanh chấp" : 上帝是皇.
 [10] Mạnh Tử : "Ly lâu thượng" : 上帝既命侯于周服侯服于周天命靡常.
 [11] Kinh Dịch : "Hoặc quái" : 天地感而萬物化生...天地萬物之情可見矣.
 [12] Lễ Ký : "Nguyệt lệnh thiên", chương 6 : 以共皇天上帝社稷寢廟山林名川之祀.
[13] Kinh Dịch : "Hệ từ thượng", chương 12 : 是古形而上者謂之道形而下者謂之器.
 [14] Luận Ngữ :”Dương hoá" : 天何言哉四時行焉百物生焉天何言哉.
 [15] Trung Dung : chương 1 : 天命之謂性.
 [16] Mạnh Tử : "Tận tâm thượng" : 盡其心者知其性也知其性則知天矣.
 [17] Kinh Dịch : “ Càn quái" : 乾天也
 [18] Kinh Dịch : "Đồng nhân quái" : 乾行也
 [19] Kinh Dịch : "Thuyết quái truyện” : 乾健也
 [20] Kinh Dịch : "Càn văn" : 乾道乃革
 [21] Kinh Dịch : "Càn quái" : 乾道變化
 [22] Kinh Dịch : "Càn quái" : 天行健
[23] Kinh Dịch : “Hằng quái" : 日月得天而能久照.四時變化而能久成.聖人久於其道而天下化成.觀其所恆而天下萬物之情可見矣.
 [24] Trung Dung : chương 26 :
古至誠無息不息則久久則徵徵則悠遠悠遠則博厚博厚則高明博厚所以載物也.高明所以覆物也悠久所以成物也.博厚配地高明配天悠久無彊.
[25] Trung Dung : chương 31: 地之所載.
 [26] Lễ Ký : "Giao đặc sinh", chương 11: 地載萬物. ”Khổng Tử nhàn cư” : 地無思載.
 [27] Tả Truyện : "Chiêu công thượng”: 地有五行.
 [28] Chu Lễ: "Đông Quan" :  地有氣. Kinh Dịch : "Hệ Từ thượng" : 在地成形. Lễ Ký : "Nguyệt lệnh" :
地氣上騰.
 [29] Lễ Ký : "Tế thống", chương 25 : 天之所生地之所長.                "Tế nghĩa", chương 24 :
天之所生地之所養.
 [30] Lễ Ký : "Khổng Tử nhàn cư”: 地載神氣.
 [31] Mạnh Tử:  “Tôn công Sử”: 天時不如地利.
 [32] Lễ Ký: “ Lễ khí”,chương 10: 地里有宜也.
 [33] Kinh Dịch: “Hệ từ thượng”: 地數五地?三十.
[34] Kinh Dịch: “Khôn văn” :  地道也地道成. “ Khôn quái” : 地道光也.
 [35] Lễ Ký: “ Khổng Tử nhàn cư” : 地載神氣.
 [36] Lễ Ký : “Lễ khí”, chương 10: 地里有宜也.
 [37] Kinh Dịch : "Khôn quái" : 坤道其順乎承天而時行.
 [38] Tả Truyện : "Trang Công" , chương 22 : 坤土也. Kinh Dịch : "Thuyết quái truyện" : 坤地也.
 [39] Kinh Dịch : "Khôn văn" : 坤道光明.
 [40] Kinh Dịch : "Khiêm quái" : 地道卑而上行.
 [41] Kinh Dịch : "Khiêm quái" : 天道虧盈而益謙地道變盈而流謙.
 [42] Kinh Dịch : "Hệ từ hạ" : 坤陰物也. ”Hệ từ thượng" : 坤道成女.
 [43] Kinh Dịch : "Khôn văn" : 坤道其順乎. ”Thuyết quái truyện" : 坤順也.
 [44] Lễ Ký : "Giao đặc sinh", chương 11: 地載萬物.
 [45] Chu Lễ: "Địa quan tư đồ”: 天地之所合也.
 [46] Hai danh từ Thực tại và Tồn tại ở đây theo đúng nghĩa tiếng Việt. Thực tại tức existence hay reality, là một vật đang hiển hiện trước mắt. Tồn tại là permanence of existence, tức sự hiện hữu của thực tại trong thời gian. Hoa ngữ dịch chữ existence là tồn tại, Nhật ngữ dịch là thực tồn.
[47] Lễ Ký : "Lễ Vận" : 估人者天地之心也.
[48] Lễ Ký : "Lễ Vận" : 估人者其天地之德.
 [49] Luận Ngữ : “Thuật nhi" : 天生德於予.
 [50] Hùng Thập Lực : Nguyên Nho. Taiwan : Minh Luân xuất bản xã, 1971, trang 201 : 天有其德而体之自人.
[51] Fung Yu Lan : A Short History of Chinese Philosophy. Taiwan : 1966, p. 8 : "Sageliness within and Kingliness without, that is to say, in his inner sageliness, he accomplishes spiritual cultivation, in his kingliness without, he functions in society".
[52] Hùng Thập Lực : Nguyên Nho, sách dẫn trên, trang 115 :
內聖則以天地萬物一体為宗
以成己成物為用
外王則以天下為公為宗
以人代天工為用.
 [53] Kinh Dịch : "Hệ từ thượng", chương 1 :
天尊地卑乾坤定矣
卑高以陳貴賤位矣
動靜有常剛柔斷矣
方以類聚物以群分吉凶生矣
在天成象在地成形變化見矣...
 [54] Kinh Dịch : "Hệ từ thượng", chương 4 : 與天地相似.
 [55] Tả Truyện : "Chiêu Công" 25 : 與天地並.
 [56] Lễ Ký : "Tế pháp" : 人死鬼.
 [57] Trung Dung : chương 16 : 鬼神之為德.
 [58] Lễ Ký : "Giao đặc sinh" 鬼神陰陽也.
 [59] Thang Thiển và Hạnh Tôn : Cận tư lục. Tokyo : Triêu nhật tân văn xã, 1972, trang 5 : 二氣交感化生萬物萬物生生而變化無窮焉惟人也得其秀而最靈.
 [60] Tả Truyện : "Hy Công" 5 : 鬼神非人實親惟德是依...如是則非德民不知神不享矣.
 [61] Tả Truyện : "Trương công" 14 : Phù quân thần chi chủ dã nhi dân chi vọng dâ : 夫君神之主也而民之望也.
 [62] Kinh Kinh : "Thái thệ thượng" : 惟人萬物之灵本聰明作元后.
 [63] Kinh Thư : "Hồng Phạm" : Lời chú thích của Ngũ Hành : 五行之体水最微為一火漸著為二木形實為三金体固為四土質大為五.
[64] Nhị Trình di thư : quyển 2, trang 1 : 一人之心即天地之心.
 [65] Vương Dương Minh : Toàn Thư. Quyển 2, trang 5 : 心之体性也故有孝親之心即有好之理無孝親之心即無孝之理也.
 [66] La Chỉnh Am : Khốn tri ký. Chính nghi đường toàn thư bản, quyển 2, trang 6 : 夫心者人之神明性者人之生理理之所在謂之心心之所有謂之性不可混而為一也.
 [67] Vương Dương Minh : Toàn thư. Quyển 3, trang 7 : 天下無心外之物.
 [68] Mạnh Tử : "Tận tâm thượng" : 萬物皆備於我.
 [69] Lễ Ký . "Ai Công vấn” 27 : 人道正為大.
 [70] Trung Dung : chương 1 : 和也者天下之達道也.
 [71] Lễ Ký : “Nhạc ký”, chương 17 : 和故百物不失和故百物皆化.
 [72] Kinh Dịch : "Thái quái" : 天地交泰.
 [73] Lễ Ký : "Nguyệt lệnh" : 天地和同.
 [74] Kinh Dịch : "Hậu quái" : 天地相遇.
 [75] Lễ Ký : "Nhạc ký" : 天地相蕩.
 [76] Kinh Dịch : “Hệ từ thương”, chương 11 : 是估天生神物聖人則之,天地變化聖人效之,天垂象見吉凶聖人象之,河出圖洛出書聖人則之.
 [77] Kinh Dịch : "Khôn văn" và "Hệ từ thượng" : 天地變化.
 [78] Kinh Thư : "Thái thệ thượng" : 惟天地萬物父母.
 [79] Kinh Dịch : "Hệ từ hạ" : 天地之大德曰生.
 [80] Lễ Ký : "Giao đặc sinh" 11 : 天地合而后萬物興.
Kinh Dịch : "Quy Muội" : 天地不交而萬物不興.
 [81] Kinh Dịch : "Tiết quái" : 天地而四時成.
 [82] Kinh Dịch : "Di quái" : 天地養萬物.
 [83] Kinh Dịch : "Khôn quái" : 天地變化草木蕃天地閉賢人隱.
 [84] Kinh Dịch : "Giải quái" : 天地解而雷雨作.
 [85] Lễ Ký : "Lễ vận" : 陰陽之交.
 [86] Lễ Ký : "Nhạc ký" : 陰陽相得
 [87] Lễ Ký : "Nhạc ký" : 陰陽相得
 [88] Kinh Dịch : "Hệ từ thượng" : 天尊地卑
Lễ Ký : "Tế nghĩa" : 陰陽長短
 [89] Lễ Ký : “Giao đặc sinh" : 陰陽化而萬物得.
 [90] Xuân Thu Cốc Lương truyện : "Trang Công" 3 : 獨陽不生獨陰不生.
 [91] Kinh Dịch : "Hệ từ thượng" : 剛柔相推而生變化.
 [92] Luận Ngữ : "Ung dã" : 誰能出不由戶何莫由斯道也.
 [93] Hùng Thập Lực : Nguyên Nho. Taiwan : Minh Luân xuất bản xã, 1971, trang 200-201 : "Nhân bất thiên bất nhân, thiên bất nhân bất thành" : 人不天不因天不人不成.
 [94] Mạnh Tử : "Tận tâm thượng" :  萬物痎皆備於我反身而成樂莫大焉.強恕而行求人莫近焉.
 [95] Mạnh Tử : "Tận tâm thượng" : 盡其心者知其性也知其性則知天矣.
 [96] Mạnh Tử : "Tận tâm thượng" : 存其心養其性所以事天也.
 [97] Mạnh Tử : "Tận tâm thượng" : 夫君子所過者化所存者神上下與天地同流.
 [98] Phùng Hữu Lan : Trung quốc triết học sử. Thượng Hải : Hán văn, 1935, trang 164-165.
 [99] Trung Dung : chương 22 : 能盡其性則能盡人之性能盡人之性則能盡物之性能盡物之性則可以贊天地之化育可以贊天地之化育則可以與天地參矣.
 [100] Đổng Trọng Thư : Xuân Thu phiền lộ, "Âm dương nghĩa", quyển 12, trang 2 : 天亦有喜怒之氣哀樂之心與人相副以類合之天人一也.
 [101] Đồng Trọng Thư : Xuân Thu phiền lộ, "Vi nhân giả thiên", quyển 11, trang 1 : 天亦人之曾祖父也此人之所以乃上類天也,人之形体化天數而成人之氣血化天志而仁人之德行化天理而義人之好惡化天之暖清人之喜怒化天之寒暑天之副在乎人人之情性有由天者矣.
 [102] Đổng Trọng Thư : Xuân Thu phiền lộ, "Nhân phó thiên số", quyển 13, trang 2-4 : 莫精於氣莫富於地莫神於天天地之精所以生物者莫貴於人人受命天也故超然有以倚.
 [103] Tiền Hán thư : "Đổng Trọng Thư truyện", Đài Loan : Tân lục thư cục, quyển 56, trang 16 : 於承天意以順命也下?明教化民以成性也.
 [104] Lễ Ký : "Quan nghĩa" 45 : 是故君子合諸天道.
 [105] Tả Truyện : "Văn Công" 13 : 君子曰知天命.
 [106] Kinh Dịch : "Mộc quái” : 君子以致命隧志.
 [107] Kinh Dịch : "Đại Hữu quái" : 君子以遏惡揚善順天休命.
“Tụy quái” : 利有攸往順天命.
 [108] Kinh Dịch : "Cách quái" : Thiên địa cách nhi tứ thời thành... Thang Vũ cách mệnh thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân... Tượng viết cải mệnh chi cát tín chí dã... Quân tử báo biến kỳ văn úy dã : 天地革而四時成...湯武革命順乎天而應乎人...象曰改命之吉信志也...君子豹變其文蔚也.
 [109] Đổng Trọng Thư : Xuân Thu phiền lộ, "Lập nguyên thần", quyển 6, trang 12 : 天地人萬物之本也,天生之地養之人成之.天生之以孝悌地養之以衣食人成之以禮樂三者相為手足合以成体.
 [110] Kinh Dịch : "Hệ từ hạ", chương 10 : 易之為書也廣大悉備.有天道焉有人道焉有地道焉.兼三才之故六六者非它也三才之道也.
 [111] Kinh Dịch : "Thuyết quái truyện", chương 2 : 立天之道曰陰與陽立地之道曰柔與剛立人之道曰仁與義.
 [112] KinhThư : “Đại vũ mô” : 時乃天道.
 [113] KinhDịch :”Cấn quái” : 時行則行時止則止.
 [114] TảTruyện :”Thành Công” : 時順而物成.
 [115] Kinh Dịch : "Càn văn" : 利者義之和也.利物即以和義.
 [116] Lễ Ký : "Nhạc ký" 和故百物不失百物皆化.
 [117] Chu Lễ : "Đông quan" : 和則安.
 [118] Trung Dung : chương 1 : 和也者天下之達道也.
[119] Hùng Thập Lực : Nguyên Nho, sách dẫn trên, trang 200 :
人不天不因天不人不成... 天有其德而体之自身天有其理而充卮之自人.
 [120] Xem lại chú thích 39.
 [121] Xem lại chú thích 38.
 [122] Mạnh Tử : "Công Tôn Sửu hạ" : 天時不如地利,地利不如人和.
 [123] J. E. Jarque : Foi en l'homme : l'apologétique de Teilhard de Chardin. Paris : Desclée, 1969, p. 123 : "Puisqu’il fait partie de l'univers, malgré sa singularité, l'homme n'est pas un accident ou une exception ou
une anomalie plus ou moins monstrueuse du monde. Mai il signifie au contraire sa consommation dans l'expression, le paroxysme dans son développement, son achèvement; on peut dire que par lui la terre fait
'peau neuve'. Mieux enrore, elle trouve son âme".
[124] J. E. Jarque : Sách dẫn trên, trang 123 : "Ce qui est bien plus beau, l'homme (est la) flèche montante (...) de l'univers, et non pas (son) centre comme nous l'avions cru naivement".
[125] Phạm Lãi : Quốc ngữ. Quyển 21, "Việt ngữ hạ", trang 1-3 : 是陰陽之事非吉凶所出也吉凶由人.
 [126] Kinh Dịch : "Bí quái" : 文明以止人文也.
 [127] Trung Dung : chương 20 : 者人也.
Mạnh Tử : "Tận tâm hạ" : 仁也者人也.
 [128] Trung Dung : chương 25 : 成己仁者.
 [129] Mạnh Tử : "Tận tâm thượng" : 仁者無不愛也. "Tận tâm hạ" : 仁者愛人.
 [130] Lễ Ký : "Lễ vận" : 仁者義之本也.
 [131] Mạnh Tử : "Cáo Tử thượng" : 義人路也. "Ly Lâu thượng" : 義人之正路也.
 [132] Tả Truyện : "Thành Công”: 義以成命.
 [133] Kinh Dịch : "Bí quái" : 觀乎人文以化成天下.
 [134] Kinh Thư : "Quân thức" : 故一人有事于四方.
Tả Truyện : "Y Công" 26 : 四方民大和會.
[135] Kinh Dịch : "Càn quái" : 大人者與天地合其德與日月合其明與四時合其字與鬼神合其吉凶.

Lm. Vũ Đình Trác