Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Tính Minh Triết Trong Trò Chơi Lò Cò Xủn



Thứ hai 19/03/2012 12:00:00 (GMT +7)
undefinedGIẢI MÃ TRÒ CHƠI DÂN GIAN: TÍNH MINH TRIẾT TRONG TRÒ CHƠI LÒ CÒ XỦN


Tác giả: Bùi Anh Tuấn
Nguồn: Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông Phương
LỜI GIỚI THIỆU

Kính thưa quí vị quan tâm.


Có thể nói đây là một bài viết với những ý tương xuất sắc của tác giả Thiên Đồng Bùi Anh Tuấn - một thành viên nghiên cứu của Trung Tâm nghiên cứu Lý học Đông phương. Qua bài viết này, chúng ta thấy một sự liên hệ chặt chẽ giữa một trò chơi của trẻ em Việt Nam với những nguyên lý căn bản của thuyết Âm Dương Ngũ hành và mối liên hệ với những gía trị văn hóa phi vật thể truyền thống khác còn lưu truyền trong văn hóa dân gian Việt; như: Bánh chưng bánh dầy, ô ăn quan...vv....
Từ những sản phẩm của trí tuệ thể hiện qua những hình thức trò chơi dân gian tưởng chừng như đơn giản ấy, chúng ta lại nhận thức được mối liên kết hữu cơ rất chặt chẽ của những di sản văn hiến phi vật thể Việt với một lý thuyết đồ sộ và bí ẩn, làm tốn biết bao giấy mực của các nhà nghiên cứu quốc tế từ hàng thiên niên kỷ. Điều này càng thấy rõ một chân lý khách quan minh chứng cho Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, một thời huyền vĩ ở bờ nam sông Dương tử và là chủ nhân đích thực của nền Lý học Đông phương.

Thiên Sứ - Nguyễn Vũ Tuấn Anh.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu Lý Học Đông phương



I. SƠ LƯỢC VỀ TRÒ CHƠI


1. Trò lò cò xủn ở Nam Bộ Việt Nam.


Dưới đây là đồ hình trong trò chơi Lò cò xủn phổ biến ở Nam bộ Việt Nam. Độc giả xem hình dưới đây:


Posted Image


Khi chơi, trẻ em thường vẽ đồ hình trên dưới đất bằng que vạch, hoặc phấn trắng trên nền gạch.


Đồ hình gồm 10 ô từ 1 đến 10, gọi là 10 mức. Một ô với hình bán nguyệt trên cùng gọi là ô Trời hay mức Trời. Ba đường thẳng có chia đuôi gọi là đuôi chuột, nhằm phân ranh giới trái phải của vị trí khởi hành và kết thúc.


Điều kiện chơi:


* Vẽ hình trên mặt đất như hình trên
* Ô 1, 2, 3, 4 và 7, 8, 9, 10 buộc phải lò cò (Di chuyển bằng một chân, chân kia co lên).
* Ô 5 và 6 thì được phép bẹp 2 chân.
* Đối tượng chơi: không phân biệt nam nữ, ấu lão, có thể lực có thể tham gia.
* Hình thức: thi đấu tay đôi hay nhóm đối kháng.
* Vật dụng: gọi là “chàm” thường là một viên đá, gổ hay những vật tương tự có bề mặt tròn dẹt, phải dùng chân đứng để di chuyển trong lúc chơi.

Cách chơi



Người chơi đến lượt mình vào vị trí khởi hành, thảy chàm bắt đầu từ ô số 1 và nhảy vào ô số 1 với một chân co một chân duỗi, dùng một chân di chuyển viên chàm từ ô số 1 lần lượt sang ô số 2, cứ thế thuận tự cho đến hết 10 ô. Đi đến ô nào bị phạm lỗi theo quy định thì phải ngừng chơi đến lượt người khác. Khi đến lượt mình thì bắt đầu từ ô đã đi được trong lần trước. 


Khi đi hết các ô từ 1 đến 10 thì người chơi thảy chàm sao cho vào ô Trời rồi di chuyển bằng cách nhảy chàng hảng hai chân từ ô 1-10, 2-9, 3-8, 4-7, 5-6, rồi quay ngược lại dừng lại ở ô 5-6, vẫn ở vị trí chàng hảng, nhưng ngồi xổm xuống thấp, lòn tay qua dưới 2 chân mò tìm chàm cho được mới thôi. Xong, người chơi di chuyển bằng cách như lúc đầu về vị trí khởi hành.


Ở vị trí khởi hành, người chơi lại tiếp tục đi những thử thách tiếp theo, gọi là mụt ghẻ ở tay, ở chân, ở đầu và gánh nước bằng cách để viên chàm ở mu bàn tay, mu bàn chân, vai, đầu rồi di chuyển qua từng ô từ 1 đến 10, mà không lò cò sao cho chàm không rơi. Hết một vòng khi trở về vị trí khởi hành, người chơi tung viên chàm lên không rồi đưa tay bắt lấy, nếu rớt chàm thì dừng chơi, chờ lượt đi lại.


Hết những thử thách, người chơi được quyền “cất nhà”, bằng cách đứng dạng hai chân ở vị trí khởi hành và vị trí dừng, quay lưng lại với vị trí đồ hình rồi tung chàm ngược ra sau. Chàm được phép rơi vào một trong 10 ô, không cán mức, không văng ra ngoài đồ hình thì coi như thành công. Chàm ở ô nào thì ô đó gọi là “nhà” và người chơi đi đến đó thì có quyền đứng 2 chân, không được co chân. Nếu lỡ co chân là “cháy nhà”, ô đó trở lại ô bình thường như ban đầu. Những người chơi khác, hoặc không cùng phe, không được quyền đứng hai chân ở nhà người khác, hoặc phe khác.


Cất nhà xong, người chơi trở lại mức khởi điểm là mức 1 và tiếp tục một chu trình mới.


Cuộc chơi ngừng khi các ô trở thành nhà của mình hoặc của đối thủ. Những ô đã trở thành nhà thì không phải thảy chàm vào ô đó. Ai hoặc phe nào nhiều nhà nhất được coi là thắng cuộc. 

Điều kiện ngừng chơi:



* Trong khi di chuyển chàm, nếu chàm phạm vạch thì phải ngừng chơi và đến lượt người khác. 
* Chân đạp ranh giới giữa các ô hay chàm dừng ở ranh giới giữa các ô hay văng ra khỏi đồ hình. Tuy nhiên chàm văng vào giữa hai đôi chuột thì không bị phạm điều kiên này.
* Lò cò vào ô 5 hay 6 thì người đi bị dừng chơi.
* Bẹp 2 chân vào mức 1,2,3,4,7,8,9,10.

Cuộc chơi ngừng khi cả hai bên đồng ý ngừng
Posted Image
Hình minh họa - Trẻ em chơi Lò cò xủn.



1. Trò lò cò xủn ở Bắc Bộ Việt Nam.

Posted Image

Sự khác nhau giữa hình trò chơi ở miền Bắc với miền Nam - ở trên - là chỗ nơi ô Trời có hình tam giác, vẽ lớn hay nhỏ tùy theo người chơi. Do vậy nội dung quy định và cách thức chơi đại để giống như ở miền Nam, nhưng có cái khác cách chơi ở miền Nam một chút.

Cụ thể, khi đi đến mức 5 thì người chơi xủn cho viên chàm vào “ô Trời” đồng thời cũng nhảy lò cò vào ô đấy. 
Có 2 trường hợp xẩy ra:
Nếu chàm ở ngoài phạm vi ô tam giác thì người chơi chỉ được xủn một lần sao cho sang ô 6 mà không di dịch chàm nhiều lần trong “ô Trời”.
Nếu chàm rơi vô đúng hình tam giác thì ngưới chơi phải xủn chàm ra khỏi khu vực tam giác rồi được phép xủn tiếp sang ô 6. Nhưng nếu chàm sau khi xủn ra mà vẫn còn vướng lại trong tam giác hay vướng ở biên của tam giác đó thì phạm quy, gọi là “Xê xích thủ”, buộc người chơi phải đi lại từ ô 01 đầu tiên.

Trò chơi chỉ đơn giản như vậy nhưng mang đầy tính chất thể thao, nghệ thuật và trí tuệ. Bởi khi người tham gia cuộc chơi cần phải có một thể lực ổn định, một tinh thần nhạy bén giúp cho sự vận động và quan sát để thực hiện cách chơi. Đồng thời cần phải có sự khéo léo trong những động tác, hành động di chuyển để thắng cuộc. Vì vậy có thể nói trò chơi dân gian Việt, ngoài việc mang ý nghĩa lợi ích về tinh thần và thể lực cho người chơi thì nó lại chính là một loại hình văn hóa mang đậm nét trí tuệ sâu sắc của dân tộc Việt. Tuy nhiên, nếu nó chỉ dừng lại ở tác dụng của một trò chơi thì nó không phản ánh được một tư duy cao cấp hơn của một dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ, văn hiến Việt 5000 năm. Bởi nội dung của trò trơi đó lại chuyển tải những mật mã, những thông điệp bí ẩn về một tri thức cao cấp của nền văn hiến ấy.

II. GIẢI MÃ NHỮNG BÍ ẨN TRONG TRÒ CHƠI



Từ những tác phẩm “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại”, “Định mệnh có thật hay không?”, “Hà đồ trong văn minh Lạc Việt”, “Tính minh triết trong tranh dân gian Việt nam”…của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, lấy cảm hứng từ những sự hiệu chỉnh về nguyên lý lý thuyết học thuật cổ Đông phương hay sự giải mã của Ông về những bí ẩn trên linh vật bánh Dầy – bánh Chưng, những câu ca dao hay những trò chơi dân gian “chơi ô ăn quan”…người viết tiếp nối nguồn cảm hứng ấy hay ít ra là sự học tập từ một người Thầy, thử khám phá thêm những bí ẩn đằng sau những trò chơi dân gian, cụ thể là trò “Lò cò xủn” nhằm làm phong phú hơn cho sự nhận thức về một hệ thống lý thuyết thuộc nền văn minh Lạc Việt.


1. Bánh Chưng, Bánh Dầy - Linh vật của nền văn hiến Việt.


Posted Image

Nếu câu chuyện bánh chưng bánh dầy lưu truyền trong tâm thức người dân Việt từ ngàn xưa như một mặc khải cho một hình tượng thiêng liêng của nền văn hiến Việt, dân tộc duy nhất trên thế giới dùng thực phẩm làm biểu tượng chuyển tải một giá trị minh triết đông phương, một tri thức về vũ trụ quan sâu sắc thì trò chơi dân gian, cụ thể là trò chơi lò cò xủn, là một phương thức khác âm thầm truyền lưu những tri thức ấy và như là một “dấu ấn” minh chứng cho chủ nhân của nền văn minh này.

Từ bao đời nay, trong những ngày xuân mới, Tết đến, người dân Việt, con cháu Rồng Tiên với cả lòng thành kính dân lên tổ tiên Lạc Hồng đôi bánh Chưng – bánh Dầy, biểu hiện cho tâm thức người Việt. Một chi tiết tinh tế cũng như là một nghi thức chuẩn xác rằng khi đặt đôi linh tượng bánh Chưng – bánh Dầy lên bàn thờ tổ tiên Lạc Hồng thì luôn luôn chiếc bánh Dầy được đặt chồng lên trên chiếc bánh Chưng. Cũng theo cách giải thích của người xưa cho hậu nhân rằng Trời ở bên trên, đất ở bên dưới, bánh Dầy để trên bánh Chưng là ý đó. Một chiếc bánh bằng nếp giã trắng tinh hình tròn với vòng cung vồng lên hình bán nguyệt biểu thị cho Trời trên, một bánh Chưng hình khối vuông gói bởi lá xanh biểu thị cho Đất dưới;Lạ lùng thay được tái hiện lại một cách thông minh tuyệt vời bằng đồ hình của trò Lò cò xủn, truyền lại cho hậu thế bằng một loại hình trò chơi dân dã, chứa đựng tài tình nội dung một nguyên lý của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Một ô hình cung bán nguyệt bên trên một ô lớn hình vuông chứa 10 ô nhỏ là một cách tái hiện rất giản đơn, nhưng tinh tế và rất cũng vô cùng bí ẩn hình tượng của bánh Dầy để trên bánh Chưng. Hay nói chính xác hơn là một đôi phạm trù Âm Dương. Trong trí nhớ của những trẻ nhỏ chơi trò Lò cò xủn, trong đó có cả người viết, ô hình cung bán nguyệt, theo quy định của trò chơi, được gọi là “ô Trời” hay “mức Trời” và 3 đường tua rua gọi là “đuôi chuột”, chính sự quy định này như là một mật ngữ, như là một chìa khóa để cho người viết khám phá ẩn ý đằng sau trò chơi.

2. Ẩn Ngữ “Dương trước Âm sau”:



Vòng cung bên trên, theo một sự hiển nhiên, được đám trẻ nít của bao đời gọi là “ô Trời”, 3 tua rua cuối gọi là “đuôi chuột”. Hai chi tiết nhỏ nhưng qúy báu. Ô vòng cung được gọi là Trời đối lập với cái khác nó là hình vuông hay hình chữ nhật, tùy theo cách vẽ của người chơi, lẽ dĩ nhiên sẽ gọi là Đất theo sự giải mã. Chi tiết còn lại là 3 tua rua “đuôi chuột”.


Chi Tý tức là chuột, con giáp đứng đầu trong 12 con giáp, gọi là Địa Chi thì ngay trong trò chời Lò cò xủn được nhắc đến, được dùng làm ranh giới cho mốc khởi đầu và kết thúc lượt chơi. Nhưng chi tiết này chỉ nêu một phần của chuột. Đó là “đuôi chuột”, tức cái phía sau của chuột. Như vậy cái đối lập với Trời, là ô vuông, được gắn kết một chi tiết phụ là “đuôi”, nghĩa là muốn nói cái có “sau”, là Đất, đối đãi với cái có trước là Trời. Cặp phạm trù Trời – Đất được mã hóa bằng đồ hình của trò chơi, cũng chính là một cách vẽ giản lược của hình ảnh bánh Dầy trên bánh Chưng, rõ ràng đây là hình tượng ám chỉ ý “Dương trước Âm sau”.


Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ đầy, khi đằng sau nó còn mang một nội dung sâu sắc hơn…


3. Ẩn ý “ Dương tịnh Âm động” và “ Mẹ tròn Con vuông”


Posted Image


Khi vạch xong 10 ô, trẻ nhỏ hay người chơi không quên đánh số thứ tự vào từ 1 đến 10. Đây lại là một bí ẩn…lộ rõ từ hàng ngàn năm trước, nhưng chưa bao giờ được giải nghĩa cũng từ bao lâu...Thuận tự của các số được đánh số từ dưới đi lên, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, hết một vòng theo đúng chiều thuận, chiều kim đồng hồ…. cho thấy rằng 10 con số trùng hợp với 10 Thiên Can. Khi người viết mạo muội cho áp theo thứ tự của 10 Can theo thứ tự 10 số thì chiều tương sinh của ngũ hành hiển thị chiều vận động của của Thiên Hà trong vũ trụ được diễn giải cô động trên nguyên lý căn để là Hà Đồ. Từ sự giải mã của phần trên, cho rằng đồ hình trò chơi Lò cò xủn là đồ hình giản lược của hình tượng bánh Dầy trên bánh Chưng, linh tượng của văn hiến Việt, biểu thị cho sự lý giải về thể bản nguyên vũ trụ - tức bánh Dầy- và một trạng thái đối đãi có sau nó – tức bánh Chưng- thì ngay trong trò chơi, tính trạng của hai thể đối đãi này được diễn tả trực thị qua quy định và hoạt động của trò chơi.


Trước tiên, xin khảo qua một đoạn trong tác phẩm “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại’, trang 40, của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh:

Bản nguyên của vũ trụ có tính thuần khiết, tràn đầy, viên mãn. Do thuần khiết nên không thể coi bản thể nguyên gồm những cái cực nhỏ và cũng không thể là một cái cực lớn; trong đó không có cái “Có” để nói đến cái “Không”. Tượng của Thái cực do tính viên mãn nên là hình tròn. Tính của Thái Cực chí tịnh. Bởi tính chí tịnh nên động. Có tịnh, có động đối đãi nên sinh ra Âm Dương. Cái “Có” Động (Âm) ra đời đối đãi với cái “Không” bản nguyên. Tính của Âm tụ, đục, giới hạn nên tượng của Âm hình vuông. Bởi vậy, ông cha ta đã truyền lại câu tục ngữ: “Mẹ tròn con vuông” nhằm hướng dẫn về việc lý giải về bản nguyên của vũ trụ. “Mẹ tròn” cái có trước và là Thái Cực – Trở thành Dương, khi sinh Âm – “Con vuông”, cái có sau. Với ý nghĩa của câu tục ngữ này và cách giải thích như trên thì Dương cũng là Thái Cực (Mẹ tròn) vì có đối đãi nên có sự phân biệt Âm Dương. Hoàn toàn khác hẳn ý niệm Thái Cực sinh Lưỡng Nghi theo cách hiểu của các nhà Lý học cổ kim, khi họ cho rằng: Âm Dương tuy cũng có nguồn gốc của Thái Cực nhưng không phải là Thái Cực.


Quy định của trò chơi, người chơi chỉ “đi”, tức mọi hoạt động di chuyển và diễn biến của trò chơi, chỉ diễn ra trong phạm vi hình vuông, 10 ô số, và chiều di chuyển của người chơi là chiều thuận của chiều kim đồng hồ cũng chính là chiều tương sinh của âm dương ngũ hành. Một cách trực kiến, ô hình vuông được diễn tả ý nghĩa “động” qua những hoạt động của người chơi, theo chiều biểu kiến của người “đi” nước lò cò, là chiều biểu kiến sự vận động tương tác thuận của ngũ hành được thể hiện trên Hà Đồ. Nói một cách khác, phần ô vuông trên đồ hình của trò chơi là diễn tả bằng một hình thức khác đồ hình của Hà Đồ, tức diễn tả trạng thái sau khởi nguyên của vũ trụ là Âm Động đối đãi có sau so với Dương tịnh có trước. Ý nghĩa Dương tịnh, tức Thái Cực chí tịnh là bản nguyên của vũ trụ khi chưa có cái đối đãi, được giản đơn bằng một ô bán nguyệt cung tròn viên mãn, gọi là “mức Trời”, mà nơi đó người chơi không được phép “đi”, tức ô Trời được để trống không, yên tịnh, nhằm diễn tả nghĩa Tịnh của cái Dương, cái Thái Cực.

Ẩn ý “Dương tịnh Âm động”, Mẹ tròn con vuông” được mã hóa một cách khéo léo, bí ẩn và giản đơn thông qua mô hình giản lược, một trò chơi của trẻ nhỏ lột tả hết nội dung của một nguyên lý lý thuyết học thuật cổ Đông phương và dường như trong trò chơi còn diễn giải những ẩn ý về sự nhận thức vũ trụ.

4. Ẩn Ý Về Sự Nhận Thức Vũ Trụ: “Tính Thấy Trong Minh Triết Cổ Đông Phương”.

Trong cách thức chơi, có một quy định về một “nước đi” như sau: “Khi đi hết các mức từ 1 đến 10 thì người chơi thảy chàm sao cho vào ô Trời rồi di chuyển bằng cách nhảy chàng hảng hai chân từ ô 1-10, 2-9, 3-8, 4-7, 5-6, rồi quay ngược lại dừng lại ở ô 5-6, vẫn ở vị trí chàng hảng nhưng ngồi xổm xuống thấp, lòn tay qua dưới 2 chân mò tìm chàm cho được mới thôi. Xong, người chơi di chuyển bằng cách như lúc đầu về vị trí khởi hành.”. Hoạt động của trò chơi chủ yếu diễn ra trên ô vuông lớn chứa 10 ô theo quy định, riêng ô Trời không được đi vào đó, nhưng khi đi hết 10 ô thường thì được phép thảy chàm vào “ô Trời”, muốn lấy chàm thì phải nhảy cóc bằng 2 chân trong 2 ô, rồi dùng sự phán đoán mà nhặt chàm.

Từ những sự giải mã trên, “ô Trời” là mật thư cho hình tượng bánh Dầy, là ý niệm về cái Dương, là Thái Cực, đó là trạng thái về bản nguyên của vũ trụ. Có thể tổ tiên Lạc Hồng với nền văn hiến Lạc Việt gần 5000 năm, kể từ năm Nhâm Tuất 2879 trc CN, muốn chuyển tải một ẩn ngữ rằng “Sự nhận thức về một thực tại khởi nguyên của vũ trụ không thể thông qua sự logich lý trí, suy luận của cái đầu mà phải nhận thức thực tại ấy bằng một tư duy trù tượng cao cấp ngay từ bản nguyên và gốc rể của nó”

Chi tiết trong trò chơi cho thấy rõ, người chơi không nhìn trực tiếp để nhặt chàm. Nếu quay lưng lại, không nhìn ra sau,thì phải lòn tay qua hai chân mà không lòn tay ra sau lưng, do vậy phài cần đến sự phán đoán của tư duy trừu tượng - đây chính là sự nhận thức sự khởi nguyên của vũ trụ tại giây /0/tuyệt đối. Cũng tương tự như sự khởi sinh của một con người thoát ra từ bụng mẹ thì hành động lòn tay qua hai chân dưới và ngang bộ phận sinh dục, bộ phận khởi sinh những “tiểu vũ trụ” là con người, thì đó lại là một ẩn ngữ cho biết rằng có một lý thuyết toàn diện giải thích thực tại từ sự khởi nguyên của vũ trụ và muốn nhận thức thực tại ấy thì không gì khác hơn rằng phải dùng tư duy trù tượng nhận thức lại từ căn để thực tại ấy, đó gọi là tính “Thấy” hay gọi là Tính “Biết” được diễn từ hằng ngàn năm trong Lý học Đông phương. Hành động người chơi phải nhảy cóc hai chân trên hai ô, hai hành Âm Dương có thể là một ẩn ngữ cho biết rằng muốn tiến tới một nhận thức tuyệt đối là bản nguyên vũ trụ, tính “Thấy” hay tính “Biết” phải vượt qua tâm lý nhị nguyên, phải đạt được trạng thái của sự cân bằng âm dương thì mới có thể tiệm cận đến trạng thái tuyệt đối ấy.
Posted Image
Hình minh họa - Lòn tay ra sau lưng tìm chàm

5. Tịnh - Động là tương đối sau khởi nguyên Vũ Trụ

Posted Image

Ở cách chơi phổ biến vùng Nam Bộ Việt Nam, trò chơi diễn tả rõ bản chất của Dương tịnh và Âm Đông qua những biển hiện cụ thể của trò chơi. Nhưng trờ chơi lò cò xủn ở vùng Bắc bộ Việt Nam thì có chút khác biệt về hình thức thể hiện đồ hình, chính sự khác biệt này lại diễn tả một ý khác của Lý học đông phương: “Tịnh động là tương đối sau sự khởi nguyên của vũ trụ”. 

So với cách chơi và đồ hình trò chơi vùng Nam bộ thì cách chơi vùng Bắc bộ người chơi được phép lò cò vào “Ô Trời”, nhưng không được phép dịch chuyển chàm nhiều lần trong ô này, khác với ô 1 đến 10 được phép dịch chuyển nhiều lần có thể. Như vậy nhìn chung, cả đồ hình, mọi chổ đều thể hiện tính chất “động”, tuy vậy tiền nhân đã ý nhị sắp sẵn sự quy định sự di chuyển ở “ô Trời” bị hạn chế hơn 10 ô còn lại, chi tiết này thật tinh tế. Người viết cho rằng đó là sự diễn tả ý nghĩa “Tịnh động tương đối”. 

Xin khảo qua một đoạn trong “Thời Hùng Vương và bí ẩn Lục thập hoa giáp”, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, trang 33:

“Người xưa cho rằng khởi thủy của vũ trụ là Thái Cực. Thái Cực vốn chí tịnh, thuần khiết không phải là một cái cực lớn và cũng không phải là cái cực nhỏ; trong đó không có sự phân biệt. tức là không có cái có để nói đến cái Không. Tượng của thái cực hình tròn thể hiện tính tràn đầy viên mãn…”


Có thể hiểu, mặt trời tỏa sáng và tịnh so với Trái đất, nhưng ngay trong bản thân mặt trời, các hiện tượng sôi sục, cháy bỏng, bão mặt trời vẫn diễn ra quyết liệt ngay trong nội tại. Sự nhìn nhận cái “Động Tịnh” phải được xem xét trong cái toàn thể và trong mối tương quan đối đãi thì mới thấy được tính chân lý của vấn đề. Hay nói cách khác là sự phân biệt Động Tịnh mang tính đối đãi so sánh và tùy từng hệ quy chiếu.

6. Tri thức nhân loại tiến tới sự nhận thức Bản nguyên Vũ Trụ

Trong đồ hình trò chơi vùng Bắc bộ, phần ô Trời được vẽ thêm hình tam giác và khi người chơi không dịch chuyển được chàm ra khỏi tam giác này bằng một lần đẩy duy nhất thì bị phạm quy, gọi là “xê xích thủ”. Yếu tố bí ẩn lại được tăng thêm khi xuất hiện chi tiết này.

Các cụ ngày xưa đều biết, khi vẽ hình tượng tam giác là một hình tượng mang ý nghĩa thô tục xấu xa. 

Một hình tam giác được vẽ ở vách một ngôi nhà để “chửi” hay có ý nghĩa mĩa mai một ai đó như ngày nay người ta vẫn vẽ trên tường những câu thô tục vẫn thường thấy. Bởi hình tượng tam giác trong hiện tượng văn hóa dân gian của người Việt thể hiện cho sinh thực khí nữ, hay nói đúng hơn là bộ phận khởi sinh cho những “tiểu vũ trụ” con người. Hình vòng cung bán nguyệt “ô Trời” như một cái bụng bầu của người phụ nữ, điểm xuyết thêm một tam giác và như vậy hình ảnh phồn thực khi phụ nữ lâm bồn, chuyển dạ được cách điệu tinh tế thông qua khả năng trừu tượng của người quan sát. Một chi tiết thật bất ngờ và bí ẩn, ngay cả khi người viết nhận ra hình tượng này, thán phục trước sự tinh tế của tiền nhân Lạc Việt. Từ sự quán xét hình tượng trên, có thể đây hiểu rằng đây là một hình tượng cô động diễn tả nội dung của của Nguyên lý học thuật cổ đông phương về sự khởi nguyên của vũ trụ, cái bản nguyên duy nhất và trước nhất mà mật ngữ dân gian Việt thường gọi “Mẹ tròn”, nay sự điểm xuyết của hình tượng tam giác nâng lên hay khẳng định “tính mẹ” của khái niệm, nghĩa là vũ trụ được khởi sinh từ một thể bản nguyên viên mãn, như một đứa con sinh ra từ bụng người mẹ.

Cũng giống như hành động lòn tay qua hai chân của người chơi trong cách chơi thứ nhất, ý nghĩa của hình cung tròn và tam giác muốn chuyển tải một ẩn ngữ diễn đạt về sự nhận thức một thực tại vũ trụ phải thông qua một tư duy trừu tượng mới có thể nhận thức được thực tại đó cho mọi sự khởi nguyên.

Mặt khác, hình tượng tam giác được nhìn thấy ở nhiều dân tộc trên thế giới như các Kim tự tháp Ai Cập, Hy Lạp, Kim tự tháp InCa, Maya, như chóp tam giác có hình con mắt trên tờ dollar…là biểu tượng sự thông minh, sự huyền bí hay những tri thức chưa được biết đến. Bằng một óc tưởng tượng giản đơn: một hình ảnh của kim tự tháp nào đó hiện ra dưới vòm trời bao la được giản lược qua đồ hình của trò lò cò. Sự trùng lặp đôi khi có hay không có nguyên do, nhưng nếu chỉ gói gọn trong trò chơi dân gian Việt, trong phạm vi giải mã của trò chơi thì tam giác và cung tròn cũng đủ tạo nên một hình tượng “con mắt huyền bí” chứa đựng những ẩn ngữ cho một lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành, lý thuyết học thuật cổ đông phương, lý thuyết thống nhất vũ trụ. Do vậy một mật mã cuối cùng của trò chơi được giải nghĩa rằng: 

“Phải nhận thức bản nguyên của vũ trụ là cái toàn thể, cái duy nhất một, cái mang tính Mẹ với sự viên mãn, chí tịnh khởi sinh vạn hữu và “cái đó” được khái niệm gọi rằng tính Thấy hay tính Biết được diễn giải trong nguyên lý học thuật cổ đông phương từ bao đời nay.”

Posted Image
Hình vẽ của Trung Hoa minh họa trẻ em nhảy lò cò.

III. LỜI KẾT

Sự giải mã không nhằm làm bằng chứng chứng minh mà nhằm khám phá những bí ẩn đằng sau những dấu ấn văn hóa vật thể hay phi vật thể còn phổ biến hay âm thầm tồn tại trong xã hội người Việt hằng ngàn năm. Những thăng trầm của lịch sử tương tự như sự thăng trầm tồn tại của một học thuyết cổ Đông phương đã làm cho lý thuyết ấy bị thất truyền thì những giá trị được che giấu hay ít ra là trùng lấp ẩn sau những văn hóa vật thể hay phi vật thể như ca dao, hò vè, tục ngữ, dân ca, hình tượng, biểu tượng hay những trò chơi dân gian…sẽ làm định hướng cho việc làm hoàn chỉnh hay nhận thức đúng đắn một lý thuyết cổ đông phương mà nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh từng khẳng định đó là một “Lý thuyết thống nhất vũ trụ”, một lý thuyết mà các nhà khoa học hiện đại từng mơ ước:


“Tạo ra một lý thuyết thống nhất các định luật vũ trụ! Một siêu công thức bao trùm mọi định luật của thiên nhiên, hoàn toàn có thể giải thích được mọi sự kiện bao quanh con người, từ những hạt vật chất cực nhỏ đến những thiên hà khổng lồ”.
( trích “Định mệnh có thật hay không”, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, trang 56)


Hay như SW Hawking, nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới, đã từng viết:

“ Nếu một lý thuyết hoàn chỉnh được phát minh thì chỉ còn là vấn đề thời gian để cho lý thuyết đó được thấu triệt và mọi người chúng ta sẽ đủ khả năng có một kiến thức nhất định về những định luật trị vì vũ trụ và điều hành cuộc sống của chúng ta.”
( trích “Định mệnh có thật hay không”, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, trang 59
)


Nhưng thật thú vị, những quy luật vũ trụ thuộc một lý thuyết cho sự nhận thức về thực tại vũ trụ lại được diễn tả cô động và sinh động chỉ trên một trò chơi trẻ nhỏ của người Việt. Chỉ có thể có ở một sự thông minh linh hoạt của những chủ nhân của nền học thuật cổ Đông phương thuộc nền văn minh Lạc Việt mới có thể mã hóa một cách xúc tích những ẩn ý của lý thuyết cao cấp ấy. Đó chính là câu trả lời cho sự băn khoăn của nhà khoa học hàng đầu SW Hawking, khi ông đặt vấn đề:

vấn đề thời gian để cho lý thuyết đó được thấu triệt và mọi người chúng ta sẽ đủ khả năng có một kiến thức nhất định về những định luật trị vì vũ trụ và điều hành cuộc sống của chúng ta.


Lý thuyết ấy được tập cho trẻ em Lạc Việt ngay từ khi còn thơ ấu qua trò chơi Lò cò xủn, ô ăn quan , bánh chưng, bánh dầy......

Tp HCM, 16/12/2010
Thiên Đồng
Bùi Anh Tuấn
=====================================
Tài liệu Tham khảo:
- Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, NXB Tổng Hợp TpHCM 2007
- Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, NXB Tổng Hợp TpHCM 2003
- Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam.
- Phong thủy Lạc Việt, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, lưu hành nội bộ

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Người Lạc Việt Là Chủ Nhân Của Giáp Cốt, Kim Văn

Những năm qua, trong hành trình tìm lại cội nguồn văn hóa Việt, chúng tôi đã biết đồ gốm Lapita từ vùng biển đảo Quảng Ninh lan truyền đến các hải đảo Nam Thái bình Dương. Dụng cụ đá mới, cây kê, cây lúa nước, đồ đồng Phùng Nguyên, Đông Sơn cũng  từ Hòa Bình lan tỏa khắp Á Đông. Từ khảo cứu của mình, từ năm 2006, chúng tôi khẳng đĩnh rằng, tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa. Tuy nhiên có một điều khiến chúng tôi băn khoăn là chưa tìm được chữ Việt cổ. Khoa học thừa nhận, chữ viết là biểu hiện cao nhất của sự phát triển văn hóa. Vì vậy, việc chưa tìm được chữ viết của tổ tiên là khiếm khuyết lớn, dẫn tới mối hoài nghi những thành quả khác của văn hóa Việt.

Từ cổ thư Trung Hoa và truyền thuyết, chúng ta nghe nói tới chữ thắt nút, chữ khoa đẩu, chữ hỏa tự của người xưa. Nhưng ngay cả những công trình đi sâu nghiên cứu vể chúng cũng chỉ đưa ra những ý tưởng mờ nhạt. Mấy năm trước, khảo cứu của nhà giáo Nguyễn Văn Xuyền mở ra le lói chút hy vọng. Nhưng ý tưởng cho rằng chữ Việt cổ gần với chữ của tộc Thái chưa tỏ ra thuyết phục. Công trình tâm huyết một đời của giáo sư Lê Trọng Khánh (1) là một tổng kết những nghiên cứu về chữ Việt cổ, cố gắng giải mã những ký tự trên rìu đồng, những ký hiệu trên bãi đá Sapa nhưng cũng chưa đưa ra kết luận thỏa đáng.

Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi gặp tản mác những tài liệu khảo cổ học phát hiện chữ cổ trên đất Trung Quốc: văn bản trên bình gốm 12000 năm tuổi ở di chỉ Bán Pha 2 tỉnh Sơn Tây; những ký tự khắc trên yếm rùa ở di chỉ Giả Hồ tỉnh Hà Nam 9000 năm tuổi (2). Một số chữ cổ phát hiện rải rác ờ vùng Sơn Đông. Chữ Thủy của bộ lạc Thủy, di duệ của tộc Việt với 250000 người hiện đang sống tại Quý Châu (3). Và đặc biệt là sưu tập Giáp cốt và Kim văn phát hiện ở kinh đô cũ của nhà Thương tại phía nam tỉnh Hà Nam Trung Quốc…
 Những chữ cổ trên có những đặc điểm sau:

  1. Ký tự ở Bán Pha và Giả Hồ đều có niên đại trước cuộc xâm lăng của Hiên Viên (2600 năm TCN) tức là trước khi người Hoa Hạ ra đời. Điều này chứng tỏ đó là sản phẩm của người Việt cổ, tộc người đã sống trên Hoa Lục từ 40000 năm trước.
  2. Cả ký tự Bán Pha 2, ký tự Giả Hồ và chữ của bộ lạc Thủy đều có sự gần gũi với Giáp cốt và Kim văn. Dựa trên quy luật đọc chữ Giáp cốt, các nhà chuyên môn người Mỹ (2) đã đọc được bản văn trên bình cổ Bán Pha 2.

Những đặc điểm trên cho thấy:
Chữ xưa nhất và đơn giản nhất cũng gần gũi hay “gợi nhớ” tới chữ muộn hơn, có tự dạng phức tạp hơn là Giáp cốt văn. Điều này cho thấy, chữ tượng hình trên đất Trung Hoa có sự phát triển liên tục, từ ít nhất 10000 năm tới 1500 năm TCN.

Từ những chứng cứ trên, chúng tôi đưa ra giả định là chữ trên giáp cốt và đồ đồng nhà Thương cũng do người Việt sáng tạo.

Cũng lúc này, chúng tôi phát hiện, nhà Thương, triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là người Việt, dựa trên chứng cứ sau:

  1. Thành Thang, ông vua sáng lập nhà Thương có “nước da đen bóng” (4). Đó là nước da của chủng Lạc Việt Indonesian, hậu duệ của đại chủng Australoid di cư từ châu Phi tới Việt Nam 70000 năm trước.
  2. Trên chiếc đỉnh của nhà Thương khắc những vật biểu của phương Nam: cá sấu, chim, hoẵng.
  3. Ông vua cuối cùng của nhà Thương có tên theo phát âm Hán Việt là Trụ nhưng theo âm Việt cổ là Đụ. Đó là tên mà người Việt đặt cho một kẻ hoang dân, tàn ngược.

Từ phát hiện như vậy về nhà Thương giúp chúng tôi vững tin hơn rằng Giáp cốt và Kim văn là sản phẩm của tộc Việt. Tuy nhiên, chứng cứ như vậy chưa đủ vững để bác bỏ niềm tin vững chắc của giới khoa học cho rằng đó là chữ của người Trung Hoa.

Nhưng ngay trước thềm năm 2012, tại Quảng Tây Trung Quốc đã phát hiện được chữ của người Lạc Việt. Theo tin của Lí Nhĩ Chân đăng trên website news.xinhuanet.com January 03, 2012 (5):

Hôm trước, Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt - tỉnh Quảng Tây truyền phát tin tức là người Lạc Việt ở Trung Quốc đã sáng tạo chữ viết vào bốn nghìn năm trước, phá bỏ quan niệm tổ tiên của dân tộc Tráng là người Lạc Việt không có chữ viết. Phát hiện chữ viết của người Lạc Việt lần này sẽ viết lại lịch sử chữ viết ở Trung Quốc, chứng minh văn hóa Lạc Việt là một trong những nguồn gốc trọng yếu của văn hóa Trung Hoa. 


Trước thời điểm này, giới sử học Trung Quốc đều cho rằng tổ tiên của dân tộc Tráng không có chữ viết. Hội trưởng Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt là Tạ Thọ Cầu giới thiệu: chuyên gia của Hội nghiên cứu đã thu tập một số lượng lớn chứng cứ chứng thực người Lạc Việt cổ sáng tạo chữ viết biểu ý vào bốn nghìn năm trước. Chữ viết Lạc Việt này có mầm mống vào thời đầu của thời đại đồ đá mới, hình thành vào thời kí đỉnh cao của 'văn hóa xẻng đá lớn' (4000-6000 năm trước), và chắc chắn có nguồn gốc sâu xa với chữ giáp cốt cổ cùng 'chữ Thủy' của dân tộc Thủy. 

Tháng 10 năm nay, tại di chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang - thị trấn Mã Đầu - huyện Bình Quả - thành phố Bách Sắc, chuyên gia của Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt - tỉnh Quảng Tây phát hiện mấy chục khối mảnh vỡ xẻng đá lớn và tấm đá có khắc đầy chữ viết cổ. Ngày 19 tháng 12, chuyên gia lại đi đến hiện trường tiến hành khảo sát. Nghiên cứu phát hiện, khối đá có chữ viết lớn nhất là dài 103 cm, rộng 55 cm, trên bề mặt khắc đầy mấy trăm tự phù, phần lớn là chữ cúng tế và lời chiêm bốc. Theo thống kê sơ qua, trên những phiến đá này có hơn 1000 tự phù. 
Các chuyên gia dựa vào sự phân bố xẻng đá lớn hoàn chỉnh ở bên cạnh phiến đá có khắc chữ mà suy đoán, thời kì xuất hiện của phiến đá có khắc chữ giống nhau với thời kì xẻng đá lớn. Nó cho thấy trước mắt chữ của người Lạc Việt cổ ở di chỉ cúng tế xẻng đá lớn Cảm Tang là một trong những văn tự hình thành thời xưa được phát hiện ở Trung Quốc.


Posted Image


                                     Một phiến đá khắc chữ Lạc Việt 



Theo tin, vào tháng 11 năm ngoái, chuyên gia của Hội nghiên cứu phát hiện đàn cúng tế loại lớn của người Lạc Việt cổ ở trên núi Đại Minh - tỉnh Quảng Tây, trên đàn cúng tế còn phát hiện được phù hiệu và bàn vẽ. Quán trưởng Bác vật quán Quảng Tây, Chủ nhiệm Ủy viên Hội giám định văn vật Quảng Tây là Tưởng Đình Du cho rằng phù hiệu và bàn vẽ này là phù hiệu khắc vẽ cúng tế của người Lạc Việt cổ thời đại đồ đá mới. 

Sau đó, chuyên gia của Hội nghiên cứu cũng phát hiện một số lượng lớn phù hiệu chữ viết cổ khắc trên mảnh xương, đồ ngọc, đồ đá tại vùng đất có phân bố di chỉ cúng tế của người Lạc Việt là huyện Vũ Minh, huyện Long An của thành phố Nam Ninh, huyện Điền Đông - thành phố Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây, những phù hiệu (câu bùa) này rõ ràng là một câu đơn hoặc đơn biệt, được chuyên gia cho là chữ viết của thời kì đầu.” (hết trích)


Posted Image

                                   Một phiến đá khắc chữ Lạc Việt 



Trước hết xin được nói lại: thuật ngữ văn hóa xẻng đá lớn có lẽ được dùng không chính xác. Thực ra đó là loạirìu có vai thuộc văn hóa Hòa Bình. Việc xuất hiện số lượng lớn loại rìu này chứng tỏ đây là khu vực nông nghiệp lúa nước rất phát triển.

Phân tích tự dạng trên rìu Cảm Tang, ta thấy chữ Cảm Tang phức tạp hơn chữ Bán Pha 2 và Giả Hồ nhưng lại đơn giản hơn Giáp cốt và Kim văn. Điều này cho phép giả định, hệ thống chữ Lạc Việt có thể từ tự dạng Bán Pha 2 và Giả Hồ tiến tới Cảm Tang. Một câu hỏi được đặt ra: từ đâu dẫn tới ký tự Bán Pha 2?  Cần nhiều hơn phát hiện khảo cổ học để thấy tiến trình của chữ Việt cổ. Nhưng dựa vào những dữ liệu hiện có, ta có thể đoán rằng, chữ Việt cổ được bắt đầu bằng những ký tự hiếm hoi trên bãi đá Sapa.

 Có thể là, từ Sapa, một nhóm Việt đi theo hường tây bắc mang chữ lên vùng Sơn Tây, Thiểm Tây và lưu lại chữ viết trên bình gốm Bán Pha 2.
Những nhóm Việt khác mang ký tự Sapa lên Quảng Tây, Quảng Đông rối vượt Dương Tử lên vùng Sơn Đông, thành lập trung tâm lớn của người Việt. Do ở giai đoạn sớm nên chữ ở Bán Pha 2 và Giả Hồ còn đơn giản. Ở thời kỳ muộn hơn nên chữ Cảm Tang đã phức tạp hơn.

Từ đó, chúng tôi cho rằng, chữ trên giáp cốt và đồ đồng Ân Khư là sự phát triển sau cùng của chữ tượng hình Lạc Việt. Từ thời nhà Chu, trên cơ sở Giáp cốt và Kim văn, cộng đồng người Việt và người Hoa chung tay xây dựng chữ tượng hình Trung Hoa.

Có thể giải thích việc Giáp cốt và Kim văn tập trung nhiều ở Ân Khư như sau:
Nhà Thương là một dòng Việt sống ở Nam Hoàng Hà nên cũng sở hữu chữ viết tượng hình này. Khi xâm lăng đất của người Lạc Việt ở vùng Sơn Đông ngày nay, đã cướp những giáp cốt văn và kim văn của người Việt ở đây mang về kinh đô của mình, làm phong phú sưu tập chữ Lạc Việt.

Posted Image

                                                Bản đồ phân bố xẻng đá lớn 

                                                         [www.luoyue.net]


Phát hiện chữ Lạc Việt ở Cảm Tang có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là chứng cứ rõ ràng nhất kết nối với những phát hiện chữ cổ đã có, cho thấy người Lạc Việt sáng tạo chữ viết tượng hình từ Sapa tới Ân Khư.

Từ đây, chúng tôi đưa ra suy đoán rằng: cho tới những thế kỷ cuối cùng trước Thiên chúa, tầng lớp ưu tú người Việt ở Đông Á, từ châu thổ Hoàng Hà tới sông Hồng đã sử dụng chữ vuông tượng hình, với mức độ hoàn chỉnh khác nhau. Vua quan và tầng lớp ưu tú ở Việt Nam đã dùng chữ tượng hình trong cúng tế, bói toán và thảo ra Luật của nước Việt. Khi xuống phương Nam, Triệu Đà nói tiếng Việt và viết chữ Việt. Khi dẹp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện đã gặp ở đây Luật Việt viết bằng chữ vuông tượng hình. Bằng việc bắt hơn 300 gia đình quý tộc người Việt an trí ở Nam Dương Tử, y đã triệt hạ tầng lớp tinh hoa, xóa bỏ chữ viết của người Việt. Những thế hệ người Việt sau đó phải học chữ vuông lại từ đầu. Và chữ vuông lúc này được gọi là chữ Hán.

Như vậy là, sau khi chứng minh  “Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa” nay đã có đủ chứng cứ xác nhận “Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ Trung Hoa.”
                                                                   
                                                                    Ngày 17. 1. 2012


1. Lê Trọng Khánh. Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình Khoa đẩu (NXB Từ điển bách khoa, 2010)
2. Hà Văn Thùy . Bản thông điệp 12000 năm của tổ tiên người Việt. http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=5023
4. Los Angeles Times, September. 29. 1998: “Thành Thang, ông vua đầu tiên của Trung Quốc được ghi nhận có nước da đen bóng. Lão tử triết gia nổi tiếng của Trung Quốc cũng có da đen.” (The Shang, for example,China’s first dynasts are described as having "black and oily skin". The famous Chinese sage Lao-Tze was "black in complexim".
5. Bản tin được dịch và công bố trên mạng Việt học và được trang lyhocdongphuong đưa lại:  (http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/23954-chu-viet-co-o-nam-duong-tu/) : 

Hà Văn Thùy