Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Những cảnh báo về giáo dục Việt Nam


30/11/2012 06:03
Trong 3 ngày hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội, từ 27/11, những câu chuyện bức xúc muôn thuở của giáo dục lại một lần nữa đặt ra róng riết.
Lạc hậu, thụ động
Tiến sĩ (TS) Đinh Hồng Hải (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đưa cảnh báo, nếu phương pháp dạy và học môn Lịch sử không thay đổi, cải tiến thì khó cải thiện được thực tế: ngày càng ít học sinh thích học các môn khoa học xã hội.
TS Lâm Quang Đông, Trưởng Khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội): "Tất cả các môn phải rèn cho học sinh phương pháp tự học..."
Theo TS Hải, vấn đề khó khăn nhất đối với việc dạy môn Sử là chương trình cũ, thông tin lạc hậu... dẫn đến duy trì mãi lối giảng bài "thầy đọc trò chép”.
Ông cho rằng "nền giáo dục cũng như môn Lịch sử đang bị mất phương hướng giữa sự phát triển của khoa học công nghệ vô cùng nhanh chóng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu".
Vị tiến sĩ cảnh báo nếu không hội nhập với nền khoa học giáo dục thế giới và sử dụng phương pháp, kiến thức, công nghệ mới thì tiếp tục dẫn tới hệ quả chất lượng giáo dục thấp so với khu vực và thế giới; thậm chí nguy cơ đóng cửa hàng loạt các trường ĐH có thể xảy ra trong tương lai.
Ở một môn học “thời thượng” khác là tiếng Anh, hệ quả của lối học nhồi nhét – thụ động cũng được dẫn ra.
TS Lâm Quang Đông, Trưởng Khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho hay khi lên lớp, ông đã “giở hết thủ thuật” áp dụng lối dạy để học sinh tự học và chủ động, nhưng càng gợi mở thì sinh viên càng… im phăng phắc...
"Điều này cho thấy không chỉ môn Sử, mà tất cả các môn phải rèn cho học sinh phương pháp tự học. Đây là lỗi hệ thống" - TS Đông nói. 
Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm nhận xét, từ năm 1986 đến nay giáo dục Việt Nam càng cải tiến thì giáo dục càng...lùi. Nguyên nhân là do bị kinh tế thị trường chi phối và không tôn trọng cái mình mang lại kiến thức, mang lại khoa học nhưng không được tận dụng - mà cứ lầm lũi theo cách giáo dục của những nước thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhưng không có chắt lọc...
"Cho nên, cùng với việc thay đổi phương pháp giáo dục nhồi nhét học trò, áp đặt - cần phải có thay đổi chính sách cho giáo viên và làm rõ trách nhiệm giáo dục" - ông Lâm chia sẻ.
Không khuyến khích tư duy độc lập
Chuyên gia Mai Thị Quỳnh Lan (Trường ĐH Queensland, Australia) đem đến góc nhìn của các nhà tuyển dụng khi tìm hiểu những kỹ năng thực sự cần thiết đối với sinh viên tốt nghiệp để làm việc trong môi trường đa văn hóa của các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) ở Việt Nam.
Để có dữ liệu được bà Lan cho biết, đã tiến hành phỏng vấn 17 nhân viên trẻ, 6 giám đốc người nước ngoài, 2 cán bộ quản lý người Việt Nam ở NGO. Kết quả, có ba phẩm chất chung ít được các trường ĐH quan tâm: khả năng tư duy phê phá, khả năng vận dụng trong bối cảnh cụ thể và khả năng điều chỉnh và chuyển hóa kiến thức để đáp ứng được các thách thức của những bối cảnh mới.
"Trái lại, các trường ĐH mới chú trọng truyền đạt kiến thức lý thuyết, hạn chế ứng dụng thực tế. Không khuyến khích tư duy độc lập và thiếu môi trường giao tiếp xã hội" - lời bà Lan.
  khuyến nghị các trường ĐH cần khuyến khích sinh viên tham gia vào quá trình tạo kiến thức thay vì chỉ tập trung vào ghi nhớ kiến thức sẵn có..
TS Phạm Thị Thu Nga – Trưởng Khoa Văn hóa -Du lịch (Trường ĐH Sài Gòn) nhìn nhận: Bên cạnh kiến thức, trình độ về chuyên môn thì yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp để có thể vận dụng thao tác làm việc ngay đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động cũng không kém phần quan trọng.
"Thêm nữa, trang bị các kỹ năng mềm, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học không chỉ đáp ứng mà còn hội nhập trong môi trường đa văn hóa và đa ngôn ngữ”.
Khoa học giáo dục Việt Nam đứng đâu?
Tham luận của TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) và GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Australia) đem đến "bức tranh" về khoa học giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế thu hút sự quan tâm đặc biệt tại hội thảo.
Bà Ly dẫn liệu phân tích qua các ấn phẩm khoa học trong thời gian 15 năm qua (từ 1996-2010) cho thấy, Việt Nam chỉ có 39 bài báo nghiên cứu về giáo dục được công bố trên những tập san quốc tế có bình duyệt. Con số này thua xa nước láng giềng Thái Lan với 177 bài, và càng bỏ khoảng cách xa với Malaysia (399 bài). Thậm chí đứng sau Bangladesh (68 bài)...
"Số ấn phẩm Việt Nam được đăng tải trên các ấn phẩm quốc tế đồng nghĩa với hạng đứng thứ 14/21 trong các nước Đông Á: Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pakistan, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam, Sri Lanka, Brunei, Macao, Nepal, Kazakhstan, Campuchea và Mông Cổ" - lời bà Ly.
Theo bảng thống kê đưa ra, Việt Nam đứng trên các nước Sri Lanka, Brunei, Macao, Nepal, Kazakhstan, Campuchea và Mông Cổ. Chất lượng nghiên cứu về khoa học giáo dục của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong vùng.
TS Ly đưa dẫn chứng chuyên môn cho thấy xét về “chỉ số H” (một chỉ số trong nghiên cứu khoa học), tỷ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo của Việt Nam đều đứng hạng 13/14 - chỉ hơn Campuchia.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, theo bà Ly là do hạn chế về kinh phí nghiên cứu, tiếng Anh và văn hóa công bố quốc tế là những yếu tố chính. Đối với lĩnh vực giáo dục, hạn chế trong phương pháp nghiên cứu và năng lực tiếp cận nguồn thông tin của giới nghiên cứu là những rào cản quan trọng...
“Sự yếu kém của khoa học giáo dục Việt Nam thể hiện qua công bố quốc tế đã cho thấy sự bất cập của giáo dục trong việc đổi mới để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của toàn cầu hóa” – TS Ly kết luận.
  • Nguyễn Hiền
  • Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/98989/nhung-canh-bao-ve-giao-duc-viet-nam.html

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Phát hiện dấu vết con người ở gần hang Con Moong


28/11/2012 | 19:22:00


Vết tích khai quật khảo cổ học tại hang Con Moong, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa. (Nguồn: thanhhoa.gov.vn)

Qua thăm dò và khai quật tại hang Diêm, các nhà khoa học đã phát hiện được di cốt người tiền sử. Hang Diêm nằm cách hang Con Moong khoảng 1,5km, đây là hang động có quan hệ chặt chẽ với hang Cong Moong và thuộc hệ thống di tích hang động tiền sử Thành Yên và cùng nằm trên xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là kết quả mới nhất trong đợt thăm dò khảo cổ tại hang Con Moong từ ngày 8-28/11 do Viện Khảo cổ học phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Nga thực hiện.

Cùng với việc phát hiện hang Diêm, trong đợt khai quật này các nhà khoa học đã tiến hành khai quật khảo cổ tại hang Con Moong và hang Ma Chiêng, thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành.

Qua khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã thu được nhiều hiện vật như: công cụ bằng đá cuội ghè đẽo, rìu đá mài toàn thân, mảnh tước bằng đá sa thạch và xương, răng động vật.

Những kết quả sau khi khai quật khảo cổ sẽ là tư liệu quý giá để giúp cho tỉnh Thanh Hóa sớm hoàn thiện hồ sơ khoa học trình chính phủ công nhận hang Con Moong là di tích cấp quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận di chỉ này là di sản văn hóa thế giới.

Hang Con Moong được phát hiện vào năm 1974 và năm 1976 được khai quật lần đầu tiên. Đây là một hang đá nằm tại địa phận xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Theo nhận định của các nhà khoa học, hang Con Moong cùng với động Người Xưa, hang Đắng, mái đá Mộc Long và hang Lai tại thành một quần thể di tích cho thấy một cộng đồng dân cư cư trú trong một thung lũng rộng lớn, có sự thay đổi về dân số, vị trí cư trú và phương thức sản xuất và cộng đồng này góp phần tạo nên văn hóa Đa Bút.

Qua các lần khai quật trước các nhà khoa học đã phát hiện một số ngôi mộ có di cốt người. Từ năm 2006, Chính phủ đã đồng ý lập hồ sơ đề cử hang Con Moong là di sản văn hóa thế giới./.


Nguyễn Mai Hương (TTXVN)

Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Phat-hien-dau-vet-con-nguoi-o-gan-hang-Con-Moong/201211/171053.vnplus

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Định Hướng Văn Học


Chương 1: Chung Quanh Việc Định Hướng

1.Cần phải định hướng
 
Tất cả chúng ta đều là một thế hệ đã trốc gốc. Hơn thế nữa trốc gốc nói đây không chỉ là trốc gốc đối với nước non, nhưng thật ra còn xa hơn nhiều đó là trốc hết mọi gốc: gốc xã hội, gốc tiên tổ, gốc dòng tộc, gốc thiên địa. Không riêng gì một ai mà tất cả mọi người khai sáng ra nền văn minh hiện đại đều là trốc gốc. “Bởi vì một trong những nét đặc trưng của con người văn minh khi nói cách tổng quát thì chính là sự tan rã giữa lòng nó: bệnh cân não thần kinh chỉ là một trường hợp đặc biệt của người văn minh đang bất hòa với chính mình ngay trong việc nó phải giàn hòa với thiên nhiên với văn hóa ở chính nơi lòng nó”. (Jung, Psychologie de l'Insconcient p.47)

Mấy li trên có thể coi như nhân chứng, như một tiếng thét vang dậy để nhắc nhở con người phải tìm ra hướng đi, hướng học, hướng sống. Bởi vì: “không có một ngọn gió nào giúp ta được, nếu ta không có một bến nào để đến. (Montaigne)” “Nhân tâm như thuyền, Đạo tâm như lái. Ngồi thuyền mà không lái, thì chẳng biết đi ngả nào. Nhưng cầm vững lái thì hay lại là ở mình” (nhược chấp định đà tắc khứ vãng tại ngã, Chu Hy). Tìm ra cho việc học một hướng đi đó là vấn đề tối yếu. 

Thiếu hướng đi đó có học già đời cũng vẫn là học quẩn, cũng vẫn vong thân, cũng vẫn quay cuồng trước các luồng gió lốc và nếu không mắc tâm não bệnh (névrosé) thì ít nhất cũng bị tản mát nhân tâm rồi suốt một đời, hay cả đến bao thế hệ cũng không kiến tạo nên được cái chi có giá trị, có tinh thần bền bỉ. Vì thiếu hướng nên không thể lâu, thiếu lâu làm sao đi xa, không đi xa thì làm chi có sáng soi nồng cháy. Xét đến cá nhân cũng thế: không thiết học, vì cái học có chi đâu mà thiết nên thời gian lãng phí hết vào những chuyện nhảm, tin tức.Vì vậy tìm ra một hướng đi cũng là tìm ra được nguồn mạch vui sống hăng say an tĩnh và bình thản. Có an tĩnh mới có lự, tức là lo liệu chu đáo về những công việc mình làm, mới hòng đắc tức là thành công. Đại học nói: “Tri chỉ nhi hậu hữu định. Định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an. An nhi hậu năng lự. Lự nhi hậu năng đắc” 知止而后有定。定而后能静。静而后能安。安而后能慮 。慮而后能得。(Đại học 1, chữ Hán)

Nói thật ra có lẽ không ai chối sự thiết yếu cần phải định hướng cũng như cần phải có hòa hợp thống nhất. Tuy nhiên muốn là một chuyện mà làm được, biết làm cách nào là chuyện khác.

Trong giảng khóa này chúng ta sẽ cố đóng góp vào việc đó bằng đưa ra một ít phân biệt, vì có phân biệt mới dọi được ti sáng vào cái cảnh “hỗn mang chi sơ, vị phân thiên địa” đang bao trùm nền học vấn cũng như văn hóa hiện nay.

Cần phải có nhiều nhận xét phân biệt rành rẽ về những vấn đề đang đặt ra cho thời đại, mới trông đẩy sát tới bờ hoạt động cách hữu hiệu. Nếu chỉ dừng lại ở những câu chung khái quát, thì không sao đạt được giải pháp hữu hiệu. Người ta đã nói cả từ trăm năm rồi về sự cần phải tổng hợp Đông Tây, điều đó càng ngày thấy càng bách thiết mà sao vẫn chưa làm được, ấy vì còn chưa đi vào tận nền móng.

Có một điều lạ là ai cũng mong mỏi tổng hợp, nhưng hễ nói đến thì như có một sự e ngại, đề phòng hoặc đả kích. Đâu là lý do của thái độ kỳ lạ đó? Khi xem kỹ lại thì do sự thiếu nhận thức sâu xa về ý niệm thống nhất, thứ đến là tiêu chuẩn học hành rất lờ mờ. Vì thế chúng ta sẽ phân tích kỹ hai ý niệm then chốt về thống nhất mà ta cần phải phân biệt với đồng nhất 

2.Thống nhất với đồng nhất

Đồng nhất là thái độ do nguyên lý nhị nguyên: lấy một bỏ một, chấp nhận tất cả hoặc không chấp nhận gì, ou tout ou rien, không có giải pháp thứ ba- “tertium non datur” ta quen gọi là “diệt tam”== “tiers exclu” vì người theo óc nhị nguyên thường có thái độ độc chuyên, độc hữu (exclusif) bắt mọi người nghe theo y như nhau kiểu “Thượng đồng” của Mặc Địch, của Phát xít. Phát xít Đức nói “mục đích nền giáo dục quốc xã là làm cho 80 triệu người Đức trở thành 80 triệu tác động phản đáp theo lối nhìn đời và xử sự của Adolf Hitler”. Đó là một lối đồng nhất hóa con người.

Con người sống với nhau cần phải có đồng nhất nếu không thì đời sống công cộng tan vỡ liền. Đường phải tránh một chiều tay trái hay tay phải: ai cũng phải tuân theo. Đến 9 giờ tối ai cũng phải vặn radio nhỏ lại, nếu không sẽ làm mất giấc ngủ người bên và tỏ ra thiếu giáo dục. Việc công dân ai cũng phải chu toàn v.v... những ích lợi này thiết thực quá không ai chối cải được nổi và đó chỉ là kỷ luật.

Nhưng khi biến nó thành độc hữu để choán chỗ tinh thần: như suy tư, tín ngưỡng tự do thì đó là vượt biên giới cần thiết của kỷ luật để biến nó ra đồng nhất rất tai hại cho con người. Con người là giống lưỡng thê: một chiều sống trong xã hội còn chiều sâu tinh thần, tình cảm cần được tự do. Vì thế mà người ta không thể chịu nổi đường lối đồng nhất (massification), và ngày nay mỗi khi nói đến thống nhất thì phản động tự nhiên là e ngại đề phóng. Chính vì thiếu nhận thức về thống nhất hoặc vì thống nhất phần nhiều chỉ có tiếng còn trong thực chất là đồng nhất, nên hễ nói đến thống nhất thì tất nhiên là chống đối là phản động. Nhưng trong triết lý hễ đã phản động thì đến 99% là đi sang cực đoan ngược hẳn lại tức đa phương (pluralisme) với tâm trạng mèo bỏng sợ tro lạnh và do đó dễ đề cao một sự tự do tuyệt đối bất chấp đời sống thực tại trên bình diện xã hội. Muốn đưa tự do của tinh thần áp dụng cả vào đời sống cụ thể. Thế là rơi sang cực đoan khác tuy chống đối lại cực đoan đồng nhất, nhưng cả hai vì là chống đối nhau, nên cùng ở trên một bình diện nhị nguyên là chọn một bỏ một.

Lấy thí dụ về hòa nhạc mà nói thì đồng nhất bắt mọi người phải cử một bài theo nhịp của một nhạc trưởng. Từ sự hợp lý đó sẽ đi đến chỗ bắt mọi người phải dùng một nhạc khí như nhau, thế là quá đáng, liền khởi lên một phản ứng trái hẳn lại đòi cho mỗi người được tự do sử dụng thứ nhạc khí ám hợp cho tài năng, sở thích của mình. Đây là một sự hết sức hợp lý, nhưng từ chỗ hợp lý đó lần sang đến yêu sách đòi mỗi người cử một bài riêng, theo một tiết điệu tự do. Và thế là trở thành mớ âm thanh hỗn loạn. Đấy là một hình ảnh cho dễ hiểu, trong thực tế chẳng ai đòi như vậy. Tuy nhiên trong triết lý lại xảy ra như thế. Nói chung thì khối cộng sản đi theo lối đồng nhất, khối tự do theo lối đa phương. Còn hòa âm của thống nhất chưa tìm ra được, hay có rất nhiều nhưng toàn là thống nhất có cái tên, còn trong thực chất thì là đồng nhất, thí dụ “thống nhất” của Hegel hay của Karl Marx.

Một nền thống nhất chân thực phải hội được những điểm sau đây: 

+ Thừa nhận cho mọi khuynh hướng được tồn hữu, bao lâu hướng đó không có tính cách độc hữu. Vì nếu khuynh hướng độc hữu thắng thế, thì sẽ thi hành đồng nhất đối với mọi khuynh hướng khác.

+ Quy định cho mỗi khuynh hướng một ngôi vị (sách Xuân Thu gọi là định phận) nghĩa là một sự quan trọng tương đối, nghĩa là đối với toàn thể cuộc sống.

+ Tất cả phải tuân theo một nhịp điệu tức là những ước lệ cần thiết vừa đủ cho đời sống công cộng có thể tồn tại. Chỗ này thì Cộng sản đi quá. Thế giới tự do thường bất cập

Điều đó được minh chứng rõ rệt hơn nữa trong khoa học cơ khí. Bất cứ ai đã xem qua lịch sử khoa học cũng nhận thấy rằng: mỗi một bước tiến bộ, mỗi một phát minh sáng chế đều là hậu quả của rất nhiều tri thức tinh thuần không mang lại lợi ích gì hết. Người tìm ra là tìm ra rồi phát minh đó bị xếp vào tủ, nằm trơ trọi có khi cả hàng trăm năm không dùng vào được việc gì. Nhưng nếu thiếu những cái tri thức thuần tri thức thì khoa học đã không tiến được bước nào, nều đòi sự biết nào cũng phải đưa tới một phát minh ơn ích thì khoa học đã chết từ lâu rồi. Đó là những lý do rất xác đáng nên nó đã làm hạ giá chữ học hành xuống đến độ bị coi như là cái gì cản trở đường tiến hóa của những dân còn bám lấy cái hành trong cái học. Đây là một quan niệm tuy không minh nhiên hóa, hay chính vì không bộc lộ rõ ra nên đã gây một ảnh hưởng rõ rệt vào đường học vấn của chúng ta. Bởi thế cần phải được mổ xẻ kỹ lưỡng. Trước hết chúng ta chấp nhận rằng cần có cái biết thuần tri thức, nhưng ta nên phân biệt ba loại hành: là cưỡng hành, lợi hành và an hành.

Cưỡng hành là làm vì bị cưỡng ép thuộc pháp hình: không làm thì bị hình phạt.

Lợi hành làm vì lợi thuộc đợt thành công, ăn làm.

An hành là làm vì nghĩa vì thấy đáng làm thì làm.

Và khi ta nói học hành là ta nhằm vào cái hành ở đợt ba này, ít ra khi nói về triết lý nhân sinh, và lúc đó không những cái hành đó cũng cao như sự bỡ ngỡ vô vị lợi (étonnement désintéressé) của triết lý Platon, mà còn có phần cao hơn là khác. Bởi vì sự bỡ ngỡ thăm hỏi của Platon xét về phương diện vô vị lợi thì đã vượt qua khỏi đợt lợi hành rồi, nhưng chưa đi tới độ tiền diện kinh nghiệm tức hiện tiền trực thị với vật, một thứ kinh nghiệm tinh dòng đến nỗi không còn lạ lẫm tra hỏi nữa, nhưng đã tới đợt an nhiên không ngỡ ngàng vì đã liễu hiểu, đã đi guốc vào lòng sự vật, mà Nho giáo kêu là “cách vật” rồi. Thế nghĩa là đã vượt qua đợt ngỡ ngàng tra hỏi. Người ta chỉ tra hỏi khi chưa đủ quen thuộc, chưa thấu suốt, và do đó còn kém hơn “an hành”. Bởi an hành bao hàm sự thấu triệt không còn chi đủ làm bỡ ngỡ nên chỉ còn hành một cách an nhiên không bận tâm tra hỏi nữa.

Thứ đến cần phân biệt hai bình diện một là hiện tượng của khoa học thực nghiệm hai là bình diện triết lý. Đó là hai bình diện khác hẳn nhau: ở bình diện hiện tượng thì bất cứ tri thức nào cũng có giá trị tự nội, vì nó là cái biết cụ thể kiểm soát được và dầu chưa thấy có lợi ích gì, nhưng ít nhất nó cũng là một tri thức. Ngược lại trong triết lý nếu không có hành đi theo thì không lấy chi làm cứ điểm đặng phân giải hơn thua. Cho nên người ta chỉ coi là tri thức thật, tri thức có nền tảng, có giá trị những tư tưởng giàu khả năng nâng cao tâm hồn, cởi mở lý trí, khơi dậy mọi năng lực trong con người và vì thế ta gọi là chân lý nóng. Ngược với chân lý nguội, thường xoay quanh sự vật và thường chỉ là sự thích thú của nhà chuyên môn, hoặc làm thỏa mãn óc tò mò nhưng không đủ gây sôi động trong tâm hồn. Những chân lý nguội vì thế khi ra ngoài phạm vi chuyên môn của nó thì mất giá trị vì không có tiêu chuẩn kiểm chứng, nên thường chỉ là những ý nghĩ bâng quơ thiếu nền móng như những vấn đề giả tạo.

Theo ý nghĩ trên tiền nhân ta quen nói học hành, nghĩa là chỉ có cái học thiết cận vào thân tâm, cái học giúp cho con người biết tu thân, biết sống, biết tổ chức đời sống xã hội, biết lối cai trị tốt hơn hết; sao cho con người ngày thêm trung thực với bản tính của mình thì đó mới là triết lý có giá trị và mới đáng học.

Tóm lại cái học chỉ có giá trị khi là chân thực. Muốn đo lường mức độ chân thực thì trong phạm vi hiện tượng có thể kiểm soát bằng những hiệu quả hay là sự minh hiển khách quan, hoặc máy móc tinh tế, còn trong triết lý thì phải có hành đi theo để bảo đảm cho tính cách trung thực của nó.

Hơn thế nữa phải là “An hành” mới là triết lý, còn như cưỡng hành đã có công an cảnh sát, lợi hành đã có tiền tài danh vọng, nghĩa là hai thứ hành này đã quá nhiều rồi, và nhân loại đang muốn đi xa hơn hai đợt đó trong vận hội mới?

Quả thế, giai đoạn cưỡng hành kể như thuộc thời mông muội: làm vì sợ trời đánh, thánh vật kể như đã qua và đang chuyển sang giai đoạn lợi hành đi kèm theo thời quyền pháp lợi lộc. Làm theo lệnh của quyền bính của pháp luật thì có lợi, được hưởng quyền này nọ ân trạch kia khác như Mặc Địch hứa hẹn đe loi, và cái gì không có lợi nhãn tiền thì không cho làm như nhạc, thơ, lễ, văn học.

Đó cũng là tâm trạng mà con người đại chúng quen sống cho tới hiện nay. Họ căn cứ trên những nền luân lý cấm đoán với cho phép: (permis et défendu) ai phạm thì phải hình phạt này vạ nọ, ai theo thì đuợc ơn ích kia khác. Tuy nhiên nhân loại đang trở mình để cho mỗi ngày thêm đông đảo người hơn biết tiến đến giai đoạn an hành. Jung viết trong quyển L'homme à la découverte de son âme (p.37): “La grande révolution du siècle== tout au de là prend place ici-bas”, cuộc đảo lộn lớn lao của thế kỷ này là các giá trị đặt ở “xa xôi” được đưa vào gầm trời này, và ta có thể nói thêm sẽ đặt vào lòng con người và gọi là “an hành”.

An hành là cách hành động độc lập vô vị lợi, khác với cưỡng hành ngoại khởi. Với cưỡng hành chủ thể bị sai sử do một chủ thể bên ngoài cho tới độ làm lấn át hết quyền định đoạt của người làm. Còn ở lợi hành thì tác giả hướng ra ngoại vật chứ không hướng nội, nên không phải là tác động nằm vùng. Cả hai trường hợp đều bao hàm sự mất quyền (cưỡng-hành) hoặc sự nghèo nàn bất túc, nghĩa là không đủ tự lực tự cường và vì thế dễ sinh ra sự nghiêng ngả hoặc về phía năng hoặc về phía sở. Nếu nghiêng sang bên Năng cũng gọi là chủ thể thì đẻ ra những thuyết có tính cách duy chủ thể == subjectivisme như thí dụ duy tâm. Nếu nghiêng sang phía sở cũng gọi là “đối tượng” thì đốc ra duy đối tượng== objectivisme thí dụ duy vật. Đó là những bệnh trạng của nhị nguyên, bao giờ cũng chọn một bỏ một, không đi tới tổng hợp, mà chỉ biết có giản lược, tức cũng là đồng nhất vật.

Muốn tổng hợp cần vươn tới bậc an hành, cũng gọi là “cung hành” như câu nói “cung hành quân tử” 躬行君子L.N.VII 32 tức là người tự trọng mình, tự mình, tự tìm ra nơi mình đủ túc lý để làm việc, không cần quy chiếu đến cái chi khác.

Khổng Tử nói: “về văn chương học thuật thì hoặc giả ta cũng bằng người, nhưng đạt tới độ “cung hành quân tử” thì ta chưa có được”. Bởi vì cung hành là đợt rất cao, rất trong trinh không gì sai khiến được chủ thể, cũng như chủ thể không hướng ra ngoài. “Quân tử tố kỳ vị nhi hành, bất nguyện hồ kỳ ngoại” T.D.14. Người quân tử chiếu theo địa vị mình mà làm chứ không cầu ở ngoài. Ở ngoài là thiên hay địa, nhưng ở lại với mình, đi vào thâm cung sẽ gặp địa vị con người gọi là “tố kỳ vị” hiểu theo nghĩa siêu hình là nơi gặp gỡ đất trời, cho nên cung hành cũng gọi được là “hành động lưu ngũ” khi hiểu chữ ngũ theo ngũ hành nghĩa là nơi đất trời giao hội: trời ba đất hai, “tham thiên lưỡng địa”. Hai cộng với ba là năm, nên mới nói lưu ngũ là lưu lại nơi “thiên địa chi giao” tức là nhân vậy. Nói kiểu khác đó là hoạt động của văn hóa uyên nguyên khi hiểu chữ văn là thập tự nhai đặt dưới bộ đầu.

Khi nói đến Văn Vương thì không nên nghĩ đến cá nhân Văn Vương nhà Chu cho bằng là một mẫu người lý tưởng đã đạt tới chỗ đất trời giao hội, đạt tới đợt an hành. Trung Dung viết: “Văn Vương chi sở dĩ vi văn dã, thuận diệc bất dĩ” T.D.26, 文王之所以文也。纯亦不已. Điều làm cho Văn Vương đạt nổi chữ văn là thuần khiết và do đó không ngơi nghỉ.

Nói “thuần hay tinh dòng” là hiểu đã đạt độ “cung hành” không còn bị ngoại vật sai sử như vì lợi, vì sợ hãi nhưng là an hành như một “Nhơn Hoàng” an nhiên tự tại ung dung. Chính vì thế không chú trọng đến đối tượng sang hèn to nhỏ, và văn hóa Viễn Đông không chia ra việc hèn hạ và việc cao trọng như trong xã hội cổ La Hy: việc hèn để cho nô lệ, việc sang trọng để cho người thong dong. Viễn Đông không chủ trương thế bao giờ.

Do đó cũng không đặt vấn đề có hay không có vạn vật, vũ trụ có thật hay chỉ là mộng suông, có cái này hay không có sự kia là những vấn đề đã gây chia rẽ trầm trọng cho đến tận ngày nay và triết học Âu Châu đều cố găn thoát ra. Triết lý Nho giáo đã tránh được điểm này: không trùng trình ở chỗ tranh luận có hay không có, nhưng đã đi thẳng vào hành động, và vì thế là một nền triết rất giàu chất tổng hợp. Nhất thứ khi hành động đó lại là an hành thuần khiết cho nên “bất dĩ” không ngơi nghỉ, không ngơi nghỉ vì không lệ thuộc vào ngoại vật. Vì khi lệ thuộc ngoại vật thì sẽ rất chóng sẹp. Thế kỷ 19 nhân loại tràn ngập hy vọng lạc quan trong bầu không khí tưng bừng tiếp đón những xe hơi, tàu điện, tàu bay. Cho rằng những phát minh này sẽ đem lại hạnh phúc toàn vẹn cho loài người.

Nhưng từ sau hai thế chiến, người ta lâm vào cảnh bơ vơ lạc lõng, coi đời như cái chi phi lý, vô nghĩa. Và văn chương tràn ngập những thao thức buồn chán, băn khoăn. Tại sao lạc quan chóng biến ra bi quan. Thưa chỉ vì lối lạc quan kia dựa trên những ngoại vật, cũng y như những loại ý hệ vì còn dựa trên đối tượng, nên phạm vi ảnh hưởng rất eo hẹp (chạm tới 1% ý thức) và cũng không sống lâu hơn được nửa thế kỷ. Đó chẳng qua vì chưa đạt tới an hành.

Nếu thật là an hành thì sẽ không ngơi nghỉ nên lâu, lâu nên sáng, sáng nên đi xa. Đi xa nên rộng dầy. Rộng dầy nên cao sáng. Cao sáng thấu trời. Rộng đầy khắp đất. T.D.26

Đó là cực tả cái hiệu nghiệm của tác động lưu ngũ của an hành tức là tác động có sức tổng hợp vô biên. Rộng như đất cao như trời cũng bao quát hết. Đấy phải là tiêu chuẩn lý tưởng của chúng ta. Chúng ta khỏi cần thay đổi tiêu chuẩn học hành mà chỉ cần đào sâu, và sẽ thấy trong hai chữ đó một giải pháp kiên cố. Giải pháp này còn được bàn dài rộng nơi khác. Cho nên chữ hành không phải chỉ có nghĩa là làm, bảo làm là làm như trong luân lý thông thường, hoặc khoa công dân, hay phép xã giao. Nhưng nó bao hàm một nền móng siêu hình, một đạo thuật hành vi là nền tảng của triết lý Nho giáo, cũng là triết lý của Tác, của Tài, của “Ngũ hành” khi hiểu ngũ là cái gì siêu hình vượt ra ngoài những ích dụng nhỏ bé để lan tỏa khắp trời cùng đất.

Biết được giá trị của tiêu chuẩn ẩn trong hai chữ học hành như thế rồi, bây giờ chúng ta dùng nó làm thước để đi đo mấy nền văn hóa có liên hệ đến ta, để lựa chọn những yếu tố có khả năng làm giàu cho cái di sản tinh thần cố hữu đó đặng trùng tu nền thống nhất văn học.

Lm. Kim Định
(Trích trong tác phẩm "Định hướng văn học")
Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=chapter&id=71&ib=202&ict=2793

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Thử xem qua một số từ vựng Quảng Trị


Mô hình được dùng để giải mã truyền thuyết Hùng Vương [2] đã dựa vào một quan sát rất thông thường và thực tiễn: “Hai cây đứng cạnh bên nhau trong một khu vườn có thể do những chất bổ dưỡng giống nhau, nhưng phân lượng tức số phần trăm của từng chất một do rễ cây thu hút từ lòng đất hoàn toàn và luôn luôn khác nhau”. Giống như tiếng nói của hai hoặc nhiều dân tộc láng giềng, theo sắp xếp địa lý, có một số từ vựng và cấu trúc giống nhau, và một phần lớn hơn lại khác nhau. Nhưng rất có thể không có vấn đề vay mượn, nhất là trong một quá khứ xa xưa. Chỉ có đóng góp khác nhau của mỗi thành phần sắc tộc đóng góp, tại mỗi quốc gia láng giềng với nhau. Mô hình này được gọi mô hình theo kiểu ‘Cây-và-Đất’, để phân biệt với thứ mô-hình tạm gọi ‘Cây-và-Cành’ thường xuyên được xử dụng từ trước đến nay, nhất là trong nghiên cứu ngữ học.

 Hệ luận chính của lý thuyết dựa trên mô hình ‘Cây-và-Đất’ cho rằng tiếng Việt là một hỗn hợp lâu dài của các thứ tiếng thuộc nhiều tộc người khác nhau, với hạ tầng cơ bản là Môn-Khmer phối hợp với Thái-cổ (thành phần chủ lực của tiếng Mường) cộng với khối Đa-Đảo. Chồng chất và đan xen với lớp hạ tầng cơ bản đó là các thứ tiếng xuất phát từ khối Bách Việt xưa ở miền Hoa Nam, từ Vân Nam (Điền Việt) trải qua Quảng Tây, Quảng Đông (Tây và Đông Việt) cho đến tận Chiết Giang (Ngô-Việt), Phúc Kiến - Triều Châu (Mân Việt), và Hải Nam, v.v. Và hỗ trợ bằng hai nhóm từ miền cực Bắc nước Tàu, thời Xuân Thu thường gọi khối Đông Di tập trung ở khu vực tỉnh Sơn Đông ngày nay. Đó là hai nhóm khi xưa ưa sống gần gũi nhau: Hẹ (Hakka, tức Hạc Việt) và Miêu-Dao (Miao-Yao hay Hmong-Mien).
  
Hệ luận quan trọng khác chính là thứ tiếng mà người Việt thường gọi ‘tiếng Hán Việt’, không phải do tiền nhân vay mượn từ những quan quân đô hộ, mà do chính những người Việt cổ thuộc khối Bách Việt xa xưa (kể luôn cả Hạc Việt và những nhóm tương cận), đem sang xứ An-Nam hoà trộn với các thứ tiếng Việt bản địa. Gần như tất cả những âm Hán Việt quen thuộc, kể cả vô số các âm ‘thuần Nôm’, như ‘chúng ta’, ‘tớ’ {xem [4]}, đều có thể truy về các âm thuộc khối Bách Việt xa xưa, mà hậu duệ của họ hãy còn xử dụng ở bên Tàu cho đến ngày nay.

  
Bài viết này, do đó, sẽ dùng một số từ được xem đặc thù Quảng Trị, gần đây xuất hiện trong một bài báo của Trần Hữu Thuần [18], theo thông tin từ những email của Trần Vĩnh Tường và Nguyễn Quốc Lập, đăng trên báo mạng Talawas, để tiếp tục đưa ra các dẫn chứng hỗ trợ cho lí thuyết về nguồn gốc tiếng Việt ở trên.

  
Xin được trình bày ‘tầm nguyên’ của từng từ một theo thứ tự bài viết của Trần Hữu Thuần [18].

Áo lá: ‘áo’ là một từ mang gốc Mon-Khmer [?aav], trong đó [?] {hay [’]} thường gọi ‘tắc âm màng họng’, phát lên giữa [uh] và [oh] khi đọc nhanh [uh-oh]. Tiếng Đa Đảo ở Tahiti gọi ‘áo’ là [?ahu’o’omo] và Samoa: [?ofutino], mang âm đầu rất giống ‘áo’. ‘Lá’ là một từ mang gốc Thái [laa] mang nghĩa ‘nhỏ’. Ngày trước, thứ áo lót ‘mai-dô’ cũng được gọi nôm na: ‘áo thun lá’.
 
Bạo: ‘Bão’ biến chuyển qua lại với ‘Bạo’, cho thấy sự ma-xát giữa các phần-ngữ khác nhau trên vùng đất Việt. Tiếng Việt ở hạ tầng cơ bản, theo lý thuyết ‘Cây-và-Đất’ [1] [2], chính là tiếng Môn-Khmer pha lẫn với tiếng Thái-cổ và Đa Đảo. Một s các ngôn-ngữ liên-quan đến tiếng Môn, như tiếng Chàm ‘chính thức’, tiếng Myanmar, mang 4 thanh điệu (thinh). Tiếng Mon-Khmer cũng như Munda, đặc biệt nhất là Khmer, không có thinh (nhưng có nhấn mạnh như tiếng Anh), hiện còn phản ánh qua tiếng Hải Nam, tiếng Mã Lai, các tiếng Đa Đảo, v.v. Trong khi các thứ tiếng Thái, Tày-Nùng, Mường, Nam bộ, chỉ mang 5 thinh. Biến chuyển qua lại giữa thinh-ngã (Bão) và thinh-nặng (Bạo), cả hai đều thuộc thinh-trầm, cũng là tiêu biểu của tiếng Mường, bởi tiếng Mường (Hoà Bình) không có thinh-dấu-nặng: mũ khà => mụ già (V). ngẽn ngùi => nghẹn ngùi (ngào)(V). pũi => bụi (V).

B’lăng = cùng gốc với tiếng Mã Lai (phần đóng góp: hệ Môn-Khmer): ‘Bulan’. Tiếng Giarai: ‘Blăng’. Tiếng Mường ngày nay: ‘Tlăng’. Từ điển Alexandre de Rhodes [3] ghi hai âm ‘Trăng’ và ‘Trời’, tuần tự, là [Blăng] và [Blời], trong khi ‘Tròn’ (round) lại giống Mường: [Tlòn]. Khác với các lý giải có sẵn từ trước đến nay, chúng tôi không cho rằng tiếng Việt biến chuyển từ ‘Blăng’ qua ‘Tlăng’ rồi đến ‘Trăng’, mà thật ra đó là ba kiểu phát âm có sẵn thuộc ít nhất ba phương ngữ khác nhau trong lòng tiếng Việt cổ. Phát triển quốc-ngữ chính là tác động thống nhất chọn lọc ra ‘Trăng’, khởi sự khoảng đầu thế kỷ 19.
 
B’lời = Cũng như ‘Blăng’, ký âm theo Nôm của chữ ‘Trời’ thường bao gồm âm [B] qua chữ ‘Ba’, cho thấy âm ‘nôm-na’ của người khu vực Kẻ Chợ (Kinh) [5] dành cho chữ ‘Trời’ chính là [Blời]. Một trong những lối viết ‘ráp vần’ Nôm của ‘Trời’ là chồng chữ ‘Ba’ trên chữ ‘Lợi’ [6] => Blợi => Blời.

 
Bọ = Cha, hay Tía, đều có những từ phát âm tương tự trong các phương ngữ tiếng Hoa, hoặc tiếng Thái: [Po], [Cha] và [Tía]. [Bọ] cũng liên hệ đến [Bố] và [Bu]. Riêng [Bu] cũng chuyển qua lại để chỉ người ‘Mẹ’, hoặc người Vợ. Đặc biệt âm [P] (trong [Po] hay ‘Bọ’) trong nhiều thứ tiếng ở Hoa Nam và Đông Nam Á, thật ra là một thứ âm nằm giữa âm [P] và [B] theo mẫu tự La-tinh. Ký âm quốc-ngữ đã chọn ‘B’ cho một số từ, thí dụ: Po (M) => Bọ (V); Pà đỡ té (M) => Bà đỡ đẻ (V), Pẻnh mỳ (M) => Bánh mì (V). Và âm ‘P’ không được theo sau ngay một nguyên âm (‘pên Tàu’ => ‘pên’ Tàu => bên Tàu), mà phải kèm theo âm hơi thở ‘h’: Phấy (M) => Phẩy (dấu [,]); Phế thái => phế thải (V). Tức các tôn sư quốc ngữ đã đặt ra quy lệ, không dùng âm ‘P’ với một nguyên âm theo sau: Pung => Pung => Bụng.
 
Ca = Gà, một thứ từ có nhiều phát âm rất giống với từ tương đương ở các phương ngữ HoaNam, nhất là Hakka và Hải Nam [Gai]. Thái cũng phát âm tương tự: [Gai] hay [Gaa]. Quảng Đông phát âm như [Cáy], rất giống tiếng Mường: [Ca].

 
Cẳng = Chân. Thêm một từ nữa: ‘Giò’. ‘Chân’ mang cùng gốc với [jəəng] hay [dzâng], [ajưng] hoặc [chơn] của các phương ngữ thuộc Mon-Khmer, Munda [8] hay Mường. [Cẳng] bà con với [Ka] tiếng Hakka (Hẹ), [Ka-tui] Phúc Kiến, [taKay] tiếng Chăm, hoặc [Kaki] tiếng Mã Lay, và giống nhất với [Kahng] tiếng Tây Tạng. Trong khi ‘Giò’ có thể cùng gốc gác với [zeoi] tiếng Quảng Đông, [giok] Hẹ (Hakka), hay [chiok] Phúc Kiến (Minnan) [9].

 
Cấu = Gạo: Gần như tất cả các từ liên hệ đến ‘lúa gạo’ đều mang gốc chủng Việt (chi Thái tức Âu), nếu viết tiếng Tàu, viết theo bộ Mễ (xem [2]). ‘Cấu’ (cũng có thể: ‘Cẩu’) có bà con gần với [Cảo] tiếng Mường, [Khẩu] tiếng Tày-Nùng, và [Khao] hay [Gaow] tiếng Thái. Để ý biến chuyển ‘song hành’ giữa tiếng Thái và Việt: ‘Cơm’ [Gaow] mang một lượt hai nghĩa: Cơm (gạo) {cảo chăm: gạo tẻ}, và Bữa ăn {Anh ăn cơm chưa?}.

 
Cẩy = Vợ. Chữ ‘Vợ’ có thể mang hai gốc khác nhau tùy theo địa phương. Phát âm theo phíaNam [Byợ] rất gần với các âm bắt đầu bằng [B] như [Bu] hay [Bọ]. Phát âm theo kiểu ‘V’ của phía Bắc thì gần sát với [vo] tiếng Hakka mang nghĩa ‘người hầu thiếp’, hay [vuk] (cũng Hakka), tương đương với [wu] quan-thoại mang nghĩa ‘nhà’ (ốc) hay ‘thất’ {thành gia thất, chánh thất (vợ cả)}. ‘Cẩy’ [11] trong khi đó có âm tương ứng trong tiếng Mường là [Cải] hay [Cảy], mang nghĩa ‘Mẹ’ hay ‘Vợ’: Cải con= vợ con, cảy quả= mẹ goá, cảy té= mẹ đẻ.

 
Cẩy = Cái // con Gái. Âm cuối [y] trong [Cẩy] mang ảnh hưởng khối Mon-Khmer. Tiếng Việt trong trường hợp này đã chọn [i], thành ra [Cái]. Trong tiếng Mường, [Cẩy] {cải / cảy} có thể mang nghĩa ‘cái / con’ (cải pẻnh, cái đốc => cái bánh, cái đò; cảy cả => con cá; cảy ca => con gà), và cũng đồng thời có thể dùng để chỉ: mẹ, vợ, con gái, chị, người đàn bà. Thí dụ: cảy ho = mẹ tôi; con cải = con gái; cải cá = chị cả; cái khà = gái già; cải khon = gái tân; cải roch = chị ruột).

 
Chạc giợ = dây chỉ / dây nhợ. Âm đầu [Ch] tiếng Mường thường khi tương đương với âm [gi] hay [d] {[y]} phát âm theo phía Bắc hay Hakka là {[dz]}. Thí dụ: chiểng (M) => giếng (V); chiềng (M) => giường (V). Trong khi đó, âm [y] của chủng Thái-cổ hay đa số các phương ngữ tiếng Tàu kể cả Quan-thoại, rất thường tương đương với âm Việt [Nh]. Thí dụ: [ya] => ‘Nha’ (răng –> nha sĩ) [10]. Ở thế kỷ 17, những khu vực Alexandre de Rhodes đi qua và tiếp cận trước khi soạn quyển từ điển tiếng An-nam đầu tiên [3] là những vùng không mang ảnh hưởng Hakka, tức dùng âm [D] như [Y] kiểu Nam bộ, qua dấu ấn [d] => [nh] {xem [3]}: dè dẹ=> nhè nhẹ, dán => nhắn, dả ra => nhả ra; dắc cha mẹ => nhắc cha mẹ; dịn => nhịn (dung thứ [3]). Khi quốc ngữ được xử dụng mãnh liệt vào giữa thế kỷ 19 ở Nam bộ, âm [D] đứng ra thay thế cho cả hai thứ [Y] quan-thoại và [Z] Hakka. Từ đó âm [Nh] xuất thân từ [D] trở lại biến chuyển với [Z] tức [Dz] hay [Gi]. Từ điển Mường [7] có ghi: Chac nhỡ  =>dây chỉ {chạc nhợ}=>giây nhợ=> chạc giợ. Để ý, trong tiếng Mường (Hoà Bình), không có dấu nặng [7]: Chac => chạc (V).

 
Chắc = nhau. Không chắc chắn như vậy. Bởi ‘chắc’ là một từ mang gốc Mon-Khmer và Mường mang nghĩa: thân mình, con người, thân thể, v.v. Trong lối dùng ‘đập chắc’, ta có thể thay thế nó bằng ‘đánh nhau’, nhưng [chắc] chắc không nhất thiết mang nghĩa gốc là ‘nhau’. ‘Đập chắc’ là một lối nói của một số phương ngữ Trung bộ, tương đương với ‘đánh nhau’ phía Bắc, hoặc ‘quýnh lộn’ phía Nam [12]. Tiếng Mường: chắc = người (V), chắc cá = người lớn, chắc khà = người già. Tiếng Mon-Khmer: [tsa?ak] hay [sa?ak] = thân mình.

 
Chi = gì / sao. Rất phổ quát tại nhiều nơi. Tiếng Mường: cải chi => cái gì.

 
Chiếng = giếng. Âm [ch] tiếng Mường, nhiều khi tương đương với [g] tiếng Việt. Khảng Chiêng => tháng Giêng. Chiềng bễnh => giường bệnh. Chiểng = giếng. Chú ý: hai âm bổng [ẻ] (dấu hỏi) và [é] (dấu sắc), ưa biến chuyển qua lại trong tiếng Mường, một thứ tiếng không có kí âm theo a-b-c cho mãi đến sau này.

 
Choọc = Thọc. Tiếng Việt trước khi quốc ngữ ra đời đại khái có những ‘pha ngữ’ lộn xộn như kiểu ‘Choọc <=> Thọc’. ‘Choọc’ là âm đứng giữa ‘chọc’ và ‘chọt’, tức nhấn mạnh việc không phân biệt âm cuối [c] hay [t], như kiểu Nam bộ. ‘Thọc’ và ‘chọc’ lúc đầu có thể chia sẻ một số ý nghĩa chung, nhưng dần dà tách ra hai cách dùng khác nhau. Điển hình: chọc = tease (trêu chọc / chọc ghẹo); thọc = poke (thọc gậy). Tiếng Mường cũng có ‘chọc’, nhưng không có dấu nặng: [choc]. Việc nhầm lẫn ‘chọc’ với ‘thọc’ có lẽ bắt nguồn từ hai cách phát âm khác nhau của cùng 1 từ Bách Việt:  [tsok] (~ choc) theo kiểu Hẹ / Quảng Đông, và [tshokk] (~ thoc) theo Ngô Việt (Chiết Giang) [9].

 
Chộ = thấy. Rất có khả năng mang cùng gốc với các từ Thái: [chohm], [jaawng]. Hay [sioki] tiếng Tonga, hoặc [ýô?k] tiếng Chăm. Đặc biệt ‘Chộ’ mang phát âm rất gần với Hạc Việt (tức Hẹ hay Hakka) [chuk] hay [chon], Mân Việt (Phúc Kiến) [chhu], Ngô Việt [tshO], và Hán-Hàn [chok] - viết theo Hán tự:  và穿.

 
Chồông = chồng (chất). Cũng có bà con với tiếng Tàu. Hakka đọc [zong] viết khác với quanthoại [chong]-2. Việc thiếu phân biệt âm cuối [an] và [ang] cũng được phản ánh qua khá nhiều phương ngữ Trung Hoa. Thí dụ: Lý An (đạo diễn) => Ang Lee. Lý QuanG Diệu => Lee Kwan Yew. Tinh (sao) => sing (Q. Đ) => chheN (Mân Việt – Phúc Kiến). Thí dụ thêm về thiếu phân biệt âm cuối [c] và [t] ở tiếng Mường: Roch (M) => ruột. Wớch (M) => vớt. Có vẻ việc du nhập phân biệt các âm cuối [t] và [c], [n] và [ng] trong tiếng Việt, khởi xuất từ phương ngữ Mân Việt của khối người hậu thuẫn, hay thuộc thị tộc, nhà Trần. 

 
Chờng = giường. ‘Chờng’ ó ‘chiềng’. ‘Ờ’ hay ‘Iề’ đều là những kí âm ‘gần đúng’ của quốc ngữ, đối với hằng trăm phát âm khác nhau tùy từng làng hay mường bản của thời ‘tiền-quốc-ngữ’. Chiềng bễnh => giường bệnh.

 
Chu = châu. Đây là một trong những phát hiện đặc biệt của loạt bài Hùng Vương [2]. Ngày trước chúng ta thường nhầm rằng ‘Chu => Châu’ do ở việc kị húy Chúa Nguyễn Phúc Chu. Sự thật không phải vậy. Nó nằm trong định luật về âm tương đương giữa các phương ngữ Bách Việt (xưa) ở Hoa Nam, [Iu] ó [Âu]: ‘Nếu một phương ngữ có phát âm [au] hay [ou] cho một từ, thế nào cũng có một phương ngữ khác phát âm cho cùng từ đó theo âm [iu]’. Thí dụ: tài tử Andy Lau (‘Lau’ đọc theo Hongkong) theo tiếng quan thoại sẽ là Andy Liu {Lau Tak Wa = Liu De Hua = Lưu Đức Hoa}. Âm [ưu] quốc ngữ chính là một thứ âm ‘du di’ nằm giữa [au] và [iu] {[Lưu] giữa [Lau] và [Liu]}. Người Hẹ thiên về [iu]: Đông Châu [dong zhou] họ sẽ đọc như [Dong Chiu]. Lâu ngày sẽ ra khuynh hướng dẹp bớt âm [i] ở giữa, thành ra [Dong Zhu] => Đông Chu. Muà Thu tiếng Tàu đọc [qiu]. Nhưng Quảng Đông đọc [tsau]. Hakka sẽ thu gọn [qiu] thành ra [qu] => Thu. Tuy nhiên hai họ [Zhou] (Châu) và [Zhu] (Chu)  là hai họ hoàn toàn khác nhau trong tiếng Tàu: Chu Nguyên Chương / Chu Dung Cơ – mang họ khác với - Châu Ân Lai / Châu Nhuận Phát / Châu Chỉ Nhược. Tiếng Việt không phân biệt khác nhau giữa hai họ, và thường lầm tưởng khác nhau giữa phát âm Bắc và Nam. Người Rapanui và Maori gọi gió hiu-hiu (breeze) là [hauhau]. ‘Hiu-hiu’ ó ‘hauhau’ cho thấy tổ tiên của họ, rất có khả năng, đã từng có mặt ở Việt Nam và Nam Trung Hoa.

 
Cộ = củ (khoai). Lại một hoán chuyển giữa các thinh (dấu). Từ điển Mường [7] ghi: cố = củ:Nhúc ca mà kho pỡi cố cỏng điênh ăn lắm / Thịt gà mà kho với củ gừng thì ngon lắm. Cổ = cố, cụ: Pà cổ tôi ta hảo ản môch tlăm thuối / Bà cố tôi gần được một trăm tuổi rồi.

 
Côi = trên. Tiếng Mường: cổi = trên. Cổi tlời = trên trời, cõi trời; cổi nủi = trên núi. Có thể cùng gốc với Phúc Kiến [kaoiN] nghĩa ‘cao / phía trên’.

 
Cơn = con + cái. Trước hết, ‘cơn’ => [con] chỉ là một lối kí âm thống nhất của quốc ngữ: [con]. Nhưng theo định luật thông thường của ‘mạo từ’ [12], ‘con’ thường dính với các từ mang tính ‘động-đậy’: con sông, con chó, con gà, con gái, con chim, … và ‘cái’ thường đi với những từ mang tính ‘bất động’: cái bàn, cái ghế, cái hồ, cái đồn, …. ‘Cái’ cũng thường dùng cho những gì trừu tượng: cái lời khuyên, cái tinh thần chậm tiến. Thế nhưng, có một số ngoại lệ có thể giải thích được, một số khác lại không. Thí dụ: mặt trời thường mang ‘giống bất động’: cái mặt trời hôm nay sao nóng thế, cái ông trời thật bất công (giống như: cái thằng cha đó dê thật); nhưng mặt trăng lại dùng với ‘con’ (động đậy): Đầu con trăng = đầu tháng {xem [14]}; Con trăng nay đã tròn (giống như: con mẹ đó lém lắm, con {cơn} nước ròng). Mặt trăng mang giống ‘động đậy’ {‘Con’} [14], có thể giải thích bằng: (a) trăng có dấu chuyển động, khi khuyết khi tròn; (b) trăng liên hệ đến chuyển động thủy triều lên xuống; (c) có thể những nhà thiên văn cổ thời đã biết mặt trăng vận chuyển quanh trái đất trong một tháng. Phân loại ‘cái’ cho ‘trời’ và ‘con’ cho ‘trăng’ hoàn toàn phù hợp với phân loại của tộc Mon-Khmer, chứ không như kiểu người dân tộc Anishinaabemowin (da đỏ) ở Canada [15]. Thế tại sao tiếng Việt lại dùng ‘con dao’ và ‘cái rựa’? Muốn tìm lí giải hợp lý cho câu hỏi này có lẽ ta phải dựa vào ‘luật trung bình’ của toán học. Theo đó những bộ phận cơ thể có phát ra chất lỏng, chất khí (hơi thở) {như lỗ mũi} [15] - hay theo bình quân tương đối có ‘động đậy’ (như bộ phận sinh dục đàn ông) – sẽ mang giống ‘động đậy’ (tạm gọi: giống ‘chổng’), những bộ phận khác sẽ theo giống ‘bất động’. Ngoài ra ‘con dao’ phần lớn cấu tạo do kim loại, lấy từ các quặng mỏ, một thứ ‘đá’ mang cùng giống ‘chổng’ như ‘trăng’ {theo hệ Mon-Khmer} => Con => Con dao. Trái lại, mặc dù ưa đứng chung với ‘Đực’ {đực rựa – xem [16]}, ‘rựa’ phải dùng ‘mạo từ bất động’ là ‘Cái’, bởi chứa phần lớn là gỗ, ở cái cán dài, ít ra trong kiểu dáng ban đầu xa xưa. ‘Gỗ’ (giống như ‘cây’) mang giống ‘cái’, bất động. Giống như ta nói ‘cái cuốc’ bởi cuốc cũng có cái cán bằng gỗ thật dài. Thật ra điểm cần nhấn mạnh ở đây không phải ở chuyện ‘cái / con’ nhưng ở chỗ trong tiếng Mường phân biệt mạo từ ‘cái’ và ‘con’ thường bị nhầm lẫn (lộn xộn) hơn tiếng Việt rất nhiều. Thí dụ: cảy = cái => cảy tlời (trời), cảy tlăng (trăng), cảy khảng (tháng), cảy khảng (trăng), cảy ca (gà),…. Con = con => con ca (gà), con ngươi (ngươi), con thay (ngón tay), con ma Chỡ (ma người Kinh), con ta (cây đa),… Theo thiển ý, điểm lộn xộn này trong tiếng Mường đã cho thấy phân loại giống trong mạo từ ‘con / cái’ không xuất phát từ tộc Thái cổ (tộc Âu-Việt ảnh hưởng chủ lực đến người Mường), mà chính ra khởi nguồn từ tộc Việt-cổ khác cũng thuộc bản địa: Môn-Khmer. Người (Kinh) Việt xử dụng ‘cái / con’ nhuần nhuyễn hơn, và theo sát tộc Việt bản địa: Mon-Khmer.

 
Cụ = Cậu. Tiếng Mường: Cũ = Cậu. Củ = (con) Gấu. Âm [u] => [âu] (V).

 
Cươi = Sân. Trước hết ‘sân’ là một từ mang gốc Mân Việt (Phúc Kiến): [tsing]. ‘Cươi’ là một thứ từ hiếm có trong những từ điển phương ngữ xa xưa, bởi thời đó, nhà cửa cố định còn không có (đối với đa số), thì nói gì đến sân. Chúng ta chỉ có thể tìm ra những từ có phát âm gần đúng – và loại bớt ảnh hưởng của kí âm quốc ngữ. [Cươi] có thể mang nghĩa ‘cái nền đất’ => ‘cơ’ (xem từ điển Huình Tịnh Của [14]). [Cươi] cũng mang âm gần với ‘Cơi’ mang nghĩa ‘đất cao’ [14]. Hoặc khoảng đất gần ‘Cửa’ hàng rào trước ‘nhà’. ‘Cươi’ do đó có thể mang liên hệ ‘ví phỏng’ với ‘Cửa’ (xem [1] [4]). Gần âm với [ngoue] tiếng Tonga (Đa đảo) mang nghĩa ‘vườn’, hay [kelekele] Tonga, và [qele] Fiji, nghĩa ‘đất’, ‘khoảng đất’. Gần với từ đầu [qab] (đọc [cá]) trong [qab tsib taug] tiếng Hmong chỉ ‘sân’. Cũng gần với [kArug] tiếng Sora (Munda) chỉ ‘sân sau’.

 
Du = Dâu (vợ con trai). Tiếng Mường, Du = Dâu. Du mỏi = dâu mới cưới. Cho thấy biến chuyển kiểu ‘Chu / Châu’, ‘Tlu / Tlâu (Trâu)’.

 
Dzầu = *[THầu] = dầu (oil). *[THầu] với [Th] mang âm giống IPA [ð] cho mạo từ ‘The’ {[ðə]} tiếng Anh. Đây có lẽ là vấn đề gút mắt nhất cho âm chữ [D]. Âm chữ [D] cũng như rất nhiều âm khác, như chữ [V], được quốc ngữ đưa ra để thay thế một số các âm gần giống thay đổi theo từng ‘phần-ngữ’ đóng góp tạo nên tiếng Việt và cũng để nhất thống chuyện có nhiều âm vận địa phương khác nhau. Âm quốc ngữ chữ [D], theo thiển ý đã được đề ra thay thế một loạt các thứ âm sau đây:

Âm [Y] theo kiểu quan-thoại và rất nhiều phương ngữ Hoa Nam: Yang Gui Fei => Dương Quý Phi (phát âm theo kiểu Nam). Trong trường hợp này, khi chuyển sang kí âm quốc ngữ, [Y] thỉnh thoảng cũng được viết theo âm [Nh]: [Ya] => Nha (răng). Dức đầu => Nhức đầu. Thời từ điển Alexandre de Rhodes [3] có vẻ quốc-ngữ chưa phân biệt âm [Y] với [Nh]: dè dẹ= nhè nhẹ; dịn = nhịn (dung thứ [3]); yà = nhà; dả ra= nhả ra; dắc cha mẹ= nhắc cha mẹ; dán= nhắn, dúc= túc, ...
 
Âm [Z] của một số ‘chi-phương-ngữ’ tiếng Hẹ (Hakka, xin tạm gọi nhóm Hạc Việt): Zang Kwui Fi => Dzương Quí Phi (rất giống phát âm Hạc Việt). Trong trường hợp này, [D] cũng đôi khi biến chuyển qua lại với [Gi]: dòng sông => giòng sông. Tiếng Mường: dói => giỏi. Cô dảo => cô giáo.
 
Âm [Đ] như còn dấu vết trong các thứ tiếng Mường, Tày Nùng, và thường hoán chuyển qua lại với [D]: Đĩa = dĩa (V). Đây = dây (M), giây. Dặng = đứng (T-N). Đảng mõl = dáng người (M). Đãy páo = dạy bảo (M). Từ điển Alexandre de Rhodes cũng cho thấy dấu vết trong tiếng Việt: kín dáo = kín đáo; dắp = đắp (chăn); dạp = đạp (voi đạp); voi đú = voi dữ - tức [Đ ó D].
 
Âm [T] như trong tiếng Mường: Ta non = da non (M). Con Tê = con dê (M). Tĩa = dĩa = đĩa (M). Tiếng Tày-Nùng: tạy = dạy (học). Rất thường, [T] biến chuyển qua lại với [Đ], bởi cả hai đều thuộc loại ‘tắc âm nứu’ theo kiểu: Teng Hsiao Ping => Deng Xiao Ping: Đặng Tiểu Bình. Mao Tse Tung => Mao Ze Dong: Mao Trạch Đông. Lối dùng [T] là theo phiên âm Wade-Giles, kiểu [Đ] theo pin-yin. Thí dụ khác: Hu Jin Tao => Hồ Cẩm Đào (chủ tịch) => {[T] => [Đ]}.
 
Thật ra loại bỏ ảnh hưởng kí âm a-b-c, âm đó nằm đâu đó ở giữa [T] và [D]-Tây {tức [Đ]}, theo kí âm cho tiếng Mường: nồi tất = nồi đất; Bừa tẩm bừa tả = vừa đấm vừa đá; tâm rồ = đâm khùng; tầl = đuổi; tèn tó = đèn đỏ. Âm [T] hay [D]-Tây cũng có thể kèm theo [j] như tiếng Miến Điện: [Tj] hay [Dj], cả hai đều có thể tiệm cận với âm quen thuộc [Dz]: con Tjê => con Dê. Miến Điện: [Tje] = tinh-tú (sao). Mường: [tyểnh ni]= đến đây. Myanmar: [Tja] => giá (cả) => Dả (Mường).
 
Một khi chữ ‘D’ được dùng để kí âm bao-thầu cho một loạt các âm liệt kê ở trên, [D] trong ‘Dầu’ (oil) có thể tiến sát với âm [đhờ] {tức [ðə]} như trong từ Anh ngữ: ‘the’ hay ‘then’, giống như âm [dh] trong tiếng Myanmar [17] [22]: [dhadì-nè] = carefully, cẩn thận. Dầu = *[THầu]= [ðầu]. Bởi âm [Dh]  {tức IPA [ð]} (trong ‘The’) là thứ ‘sát âm răng’ khá gần với ‘tắc âm nướu’, như [Đ] và [T].

 
Ghi chú thêm: Ngay trong đánh vần chữ Nôm, ta cũng thấy biến chuyển qua lại giữa các âm [T], [D] và [Đ]. Thí dụ: Da = Bì+Đa (D => Đ); Dãi = Tâm+Trãi {D => T} (dãi nắng dầm mưa) [21].

 
Đao = dao. Xin xem ‘Dầu’ phía trên, và để ý âm tiếng Quan Thoại: [dao] (đao), tương ứng với Hạc Việt (Hẹ / Hakka): [tau], [D] <=> [T].

 
Đàng = đường. Không hẳn là một thứ âm đặc thù Quảng Trị. Mường gọi [tàng] (tàng tất = đường đất). ‘Đàng’ hay ‘đường’ có cùng gốc với từ Quảng Đông [dung], mang nghĩa ‘ngõ đi’. ‘Đường sá’ đàng hoàng người Hoa gọi ‘đạo’ , người Thái và một lô các tiếng gốc Mon-Khmer (kể cả Chăm) và Đa đảo thường thiên về các âm vị mang âm [sá] (trong ‘đường sá’): [saawk] (Thái), [zalan], [kh(r)a] (Mon-Khmer) [8] [19], [salan] (Chăm, Đa đảo) [8] [20]. ‘Đàng’ và ‘đường’ biến chuyển qua lại với nhau, nằm trong một quy luật giữa các phương ngữ Hoa-Nam: [a] <=> [eu] hay [ươ] Việt. Thí dụ: [Yang] quanthoại => [Yeung] QuảngĐông => [Dương] Việt. [Liang] => [leung] => [lượng] / [lạng].

 
Đặng = được. Xuất phát từ tiếng Tàu. ‘Đặng’ và ‘được’ là lối đọc tiếng Việt (Bách Việt) của hai từ Hoa khác nhau:  [deng] Quanthoại {đặng}, và  [tiet] Hẹ, [dak] QĐ {đạt}, và [tâ?] Ngô-Việt (tức Chiết-Giang/Thượng Hải).

 
Đụa = đũa. Biến chuyển dấu ngã sang nặng rất thường xảy ra giữa tiếng Mường và Việt, một phần tiếng Mường (Hoà Bình) không có dấu nặng. Phần khác, trước thời quốc-ngữ phát triển, các thinh thường biến chuyển theo làng xóm, và địa phương. Thí dụ thêm: Lộ = Lỗ (mũi). Thường thường, xin nhấn mạnh ‘thường thường’, thinh trầm theo trầm (ngã ~ biến qua lại với ‘nặng’ hay ‘huyền’), bổng theo bổng. Từ điển Alexandre de Rhodes như trích dẫn nhiều nơi ở trên cho thấy biến chuyển có vẻ lộn xộn hơn.

 
Eng = Anh. Tiếng Mường: Enh = anh. Tiếng Hàn (Korean) tương đương với ‘huynh’ chính là [hyEng], đọc nhanh có thể rất giống [Eng].

 
An = Ăn. Giống tiếng Thavung thuộc khối Mon-Khmer: [?an]. Tiếng Nam-Mân-Việt (Minnan – Phúc Kiến) phát âm cho từ ‘dùng’ (ăn) là [Eng].

 
Giôông = chồng. ‘Chồng’ mang phát âm giống tiếng Hạc-Việt [chong] tương đương với [trượng] trong ‘trượng phu’. Âm [Gi] trong [Giồông] tương đương ‘qua lại’ với [Ch] là một đặc điểm tiếng Mường {xem ‘Giường / chờng’ phía trên}.

 
Giôông = giông. Không ngoài việc cho biết lối phát âm phân biệt âm cuối [n] và [ng] chỉ là đặc điểm một phương ngữ chủ lực vùng kẻ Chợ của tiếng Việt. Rất có thể mang ảnh hưởng tiếng Mân Việt (nhà Trần). Tương tự: Hoọc = Học // Khôông = Không.

 
Hè = nhỉ. Không là một ngoại lệ đặc biệt. Từ đệm cuối câu thường thay đổi giữa các phương ngữ với nhau. Hè = hỉ = nhé = nhỉ = hả = chớ = chi = à = v.v. Tiếng Hoa có thể có trên 30 từ đệm khác nhau.

 
Lả = Lửa. Tiếng Mường (Hoà Bình) cho ‘lửa’ là ‘cúi’. ‘Ví phỏng trường’ [1] của ‘cúi’ (lửa) hoán chuyển sinh ra ‘cúi’ mang nghĩa ‘củi’ (cây dùng để đốt lửa) [30]. Một ‘chi phương ngữ’ Mường khác có thể phát âm ‘lửa’ như ‘lá’ hay ‘lả’, bởi các dấu ấn của âm tương đương [a] <=> [ưa] như sau: [Khã] (M) => ‘Sữa’ (milk) (V). Tha thỉa (M) => Rưa rứa. Rạ = Rựa {xem [18]}. Do đó, âm [A] (M) => [Ưa] (V) ==> Lả = lửa. {‘Lả’ => Lửa, mang ảnh hưởng tiếng Mường}.

 
Lịp = nón lá. Có ghi đầy đủ trong tự điển Huình Tịnh Của [14]: nón. Tiếng Hạc Việt (Hẹ) phát âm y hệt [lip] cho chữ , tượng hình chữ ‘Trúc / tre’ (chỉ lá tre) viết chồng lên âm ‘lập’. Phát âm theo kiểu Quảng Đông của ‘lịp’ là [lap].

 
Ló = lúa. Tiếng Mường: Lõ = lúa. Lõ cảo = lúa gạo; lõ đếp = lúa nếp. Giữa Mường và Kinh, âm dấu sắc ưa biến chuyển qua lại với dấu hỏi. Nhưng trường hợp này cho thấy phân loại ‘hỏi / ngã’ trong tiếng Việt có vẻ rất nhân tạo. Thí dụ khác: chũng thôi (M) = chúng tôi; so với: chủng enh (M) = các anh.

 
Lọi = gãy (chân). Cũng là kiểu nói nhiều nơi khác. Tiếng Mường: lé= gẫy; lé chân= gẫy chân. Đây là một thứ âm sinh ra theo kiểu ‘cận vị’ – ‘lẻ (lé)’ và ‘loi’ ưa đứng gần - bởi tiếng Mường cũng như Việt đều có: lé loi (M) = lẻ loi (đơn chiếc) (V). Như vậy sẽ không có gì vượt đến ngoại lệ, khi ‘lé loi’ mang nghĩa ‘cô đơn’, ‘đơn chiếc’, trong tiếng Mường cũng sẽ mang nghĩa ‘gẫy’ (tay / chân) {lé // lọi}. Bởi tiếng Mường Hoà Bình không có dấu nặng cho nên tiếng (Kinh) Việt có thể sẽ biến ‘loi’ thành ‘lọi’ để phân biệt với ‘lẻ loi’, mặc dù cả hai trong tiếng Mường đều là [lé loi]. Âm giống nhất trực tiếp là [Lov] trong tiếng Hmong, với [v] chỉ thinh vừa vừa rồi cất lên, giống kiểu thinh ‘hỏi’ hay ‘ngã’, mang nghĩa ‘bẻ / gẫy’. Một từ ‘Nôm’ khác khá gần ‘Lọi’ chính là ‘lìa’ có phát âm quan-thoại [lie] và Nam Mân-Việt là [liat]. ‘Lìa’ ưa ‘cận vị’ với ‘gãy’: ‘gãy lìa’.

 
Mệ = bà. Ảnh hưởng ‘Thái-Việt’ (Mường): Mễ = mẹ, bà. Mễ dã= bà nội, mẹ chồng. Mễ mỗng= mẹ vợ. Mễ khà= mẹ già, u già, bà, cụ.

 
Mẹng = miệng. Tiếng Mường => ‘Mẽnh’, cho thấy ‘Mẹng / miệng / mẽnh / mồm’ là những lối phát âm khác nhau theo từng vùng, trước thời quấc-ngữ. ‘Mồm’ => mõm, với Mõm thường dùng cho súc vật: ‘mõm chó’.

 
Mi = mày. Cũng được dùng tại nhiều nơi ở Việt Nam, và cũng có ghi trong từ điển xưa [14]. (Xem thêm chi tiết ở [4]).

 
Mo nang = tàu cau. Có ghi trong từ điển Huình Tịnh Của [14]: Mo = cái cốt tàu cau // Mo nang= cái bao trắng gói lấy buồng cau, buồng cau nở ra thì nó phải rụng. Từ dùng để chỉ ‘Cau’ ở tiếng ChRu là [Pơ-Nang], tiếng Mã-Lay là [pin-nang]. Để ý [Pơ-nang] có âm đầu /P/ rất giống /M/ trong ‘Mo-nang’ bởi cả hai (/P/ và /M/) đều là âm môi-môi.

 
Mô = đâu. Cũng có ghi trong từ điển Paulus Của [14].

 
Mụ = bà. Có ghi trong từ điển Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 [3]. Tiếng Chăm: [Mu?] nghĩa ‘bà cụ’; [mu?]-[bôy] = bà mụ.

 
Mui = môi. Hoán chuyển bình thường giữa âm [u] và [ô], trước và sau thời quốc ngữ: [tui] = [tôi]; [thúi] = [thối]; [gong] Hoa => [cung] Việt; [kung fu] => [công phu]; [tùng] = [tòng], v.v.

 
Mụi = mũi. Hoán chuyển bình thường giữa hai thinh trầm. Thông thường qua lại giữa Mường và Việt. Thỉ ngiễm (M)=> thí nghiệm (V). Pò mũng (M)=> bò mộng.

 
Nác = nước. [Nác] hay [đác] là những phát âm chỉ ‘nước’ rất phổ biến trong các thứ phương ngữ xưa ở vùng Đông Dương, kể cả tiếng Mường. Từ điển Alexandre de Rhodes [3] ghi ‘Nác’ = ‘nước’. ‘Nác’ mang cùng gốc với [Naahm] tiếng Thái-Lào, và cũng rất có thể ‘Nác’ là kết quả hợp âm: [naahm] T + [dak] M-K. ‘Nác’, ở dạng ‘Đác’ trong các phương ngữ của Môn-Khmer, cũng có liện hệ ‘ví phỏng’ (xem [1]) với ‘đạc’ mang nghĩa ‘chất lỏng đã đặc lại’ => ‘đặc’ [3]. 

 
Ngái = xa. Một từ rất phổ biến khắp Trung-Hoa và các vùng đất Mon-Khmer: [xngai], [jngai], [yngai], [xă-ngai], v.v. thuộc Mon-Khmer và Munda. Tiếng Thái là [za] gần với ‘xa’ hơn. Âm [ngái] rất gần với âm [gai] quanthoại và [kai] tiếng Mân Việt (PK) và Hạc Việt (Hẹ), , có mang một nghĩa: ‘Xa’. ‘Ngái’ cũng được ghi trong cả hai quyển từ điển của Alexandre De Rhodes [3] và Huình Tịnh Của [14].

 
Ni = này // Nớ = Kia. Các thứ tiếng đệm, thường có âm tương đương trong các phương ngữ Hoa. Tiếng Mường: ni = nì = nầy. Tiếng Việt: Nớ ~ Nọ.

 
Nôỗng = nương. Nổng = chỗ đất cao (Từ điển Lê Ngọc Trụ [23]).

 
Nương = vườn quanh nhà. Theo [23]: nương = ruộng cao ở núi. Dùng sát với ‘ruộng’, hay thay thế ‘ruộng’: ruộng nương, nương chè, nương dâu. ‘Nôỗng’ và ‘Nương’ rất gần âm với ‘nông’, và ý nghĩa, cách phát âm có thể hoán chuyển với nhau, trước thời quốc-ngữ. Cũng có khi đi đôi với ‘náu’ mang nghĩa: nương tựa, nhờ cậy. Trường hợp này, ‘nương’ gần âm tiếng Hạc (Hẹ): [niong] = nương tựa, và ‘náu’ gần âm tiếng Ngô-Việt: [Nyaz], hay Hạc: [liau].

 
O = cô. Có trong từ điển của Huình Tịnh Của [14]: Ông chú mụ o = ông chú bà cô. Ngoài ra ‘O’ => o bế = lấy lòng.

O mi; cụ mi; chú mi: Trong trường hợp này, ‘O’ được dùng như một từ đệm cho ‘đại từ’. Xem [4], ta thấy ‘O’ có thể dùng như một đại từ, mang nghĩa ‘tôi / tớ’ - xuất phát từ phương ngữ Quảng Đông. ‘O mi’ rất có khả năng dùng ‘o’ chêm vào ‘mi’ để thêm phần thân mật: ‘Mi của O’ - giống như kiểu ‘chú mầy’, ‘chú mi’.
 
Ót = gáy (sau cổ). Tiếng Chăm: [takôy] = cổ. Mon-Khmer: [ko] hay [ka] = cổ. Trong nhóm ngữ Mon-Khmer, cũng có rất nhiều thứ tiếng dùng từ mang âm và nghĩa lẫn lộn cho: đầu, óc, và cổ. Kata, Sedang: *[nqo], [ko], [nkoq]; Munda: [oq]; Bahnar, Pacoh: [kơl]; Mường (Khen): [kel]; Sengoi: [kelkeil]; Stieng: [ngun] [8], mang nghĩa: đầu, óc, sọ, cổ, và ‘gáy’ (Sengoi) lẫn lộn nhau. Tiếng Thái cho ‘cổ’ và ‘cổ họng’ là [khaaw], rất gần ‘cổ’. Tiếng Tàu cho ‘cổ’ hay ‘gáy’ là  phát âm [hong] theo Hạc và Quảng Đông, khá giống ‘họng’ tiếng Việt. Phát âm Ngô-Việt cho từ này là [hAz] khá gần với ‘ót’. Trong khi phát âm Hán-Nhật là [kou] => cổ. Tự vị Huình Tịnh Của [14] cũng có ghi: Ót= phía sau cổ, ở tại chớn tóc. Từ điển Alexandre de Rhodes [3] lại có ghi: Gấy, sau gấy: Tăóc gấy = Tóc gáy. Bối tăóc sau gấy => búi tóc (cho gọn) ở sau gáy.

 
Ôông = Ông. Cũng không đặc biệt phương ngữ Quảng Trị. Tiếng Việt thời quốc ngữ chưa hoàn chỉnh, vẫn có lộn xộn ở âm cuối [ôn] và [ông]. Thí dụ: ‘tôn giáo’ trước giữa thế kỷ 20, vẫn còn phát âm tại rất nhiều nơi: ‘tông giáo’ (xin xem quyển ‘Nho Giáo’ của Trần Trọng Kim – đã dùng ‘tông giáo’ từ đầu đến cuối). Rất có thể những nhà cải biến quốc ngữ đã đổi ‘tông’ thành ‘tôn’ bởi âm ‘tôn’ gần với ‘tin’ trong ‘tín ngưỡng’, và ‘cận vị’ với ‘tôn kính’, ‘tôn thờ’ hơn.

 
Phản ngựa = bộ ghế ngựa. Cũng không phải đặc thù Quảng Trị, và đều có ghi trong từ điển Huình Tịnh Của [14] và Lê Ngọc Trụ [23]. Thật ra ‘phản’ có thể là một trong nhiều cách phát âm thời tiền quốc ngữ cho chữ ‘ván’, ‘tấm ván’. Có thể là một âm nằm giữa [pán] và [bán] hay [byán]. Quốc ngữ đã kí âm lệch sang [V] => ‘ván’, có lẽ để tránh cảnh đồng âm dị nghĩa với một từ thường dùng hơn: ‘bán’, trong ‘mua bán’. Tiếng Mường: [bản] = [ván]. Cũng giống như ‘Vàm’ (Cỏ Đông) là kí âm quốc ngữ của [Piam]; (khu) ‘Lâm Viên’ quốc-ngữ-hoá từ ‘Lang Bian’, ‘Vốn’ là kí âm của ‘byốn’ hay ‘Bổn’ /‘Bản’: tư bản. ‘Vỡ’ xuất phát từ ‘bể’.

 
Rạ = rựa. Xin xem phía trên: Lả = lửa. Âm [a] (M) <=> âm [ưa] (V).

 
Răng = sao. Có thể bà con với [zam] QĐ, [zen] QT. Không có ghi trong hai từ điển xưa [3] [14]. Mang gốc Tày-Nùng [26].

 
Roọng = ruộng. Tiếng Mường: ‘Rõng’, cho thấy ảnh hưởng phát âm Mường trên cách phát âm [roọng]. Ngoài ra, phát âm [roọng] cho thấy âm vị tại những vùng quê, và mường bản không nhấn mạnh phân biệt âm cuối [n] và [ng] do quốc ngữ đề ra.

 
Rớ = lưới. Có trong từ điển Huình Tịnh Của [14]. ‘Rớ’ mang âm gần với [Rõ] tức ‘rọ’, thường dùng để bắt cọp, bắt thú vật, hơn là ‘lưới’ để lưới cá, lưới tôm. ‘Rớ’ rất khả năng cùng gốc với [ze] tiếng Quảng Đông, chỉ cái rọ để bắt các loại thú nhỏ như thỏ, chồn.

 
Rú = rừng. Rừng và Rú đều là hai từ mang gốc Quảng Đông, viết khác nhau: Rừng = [zeon] , và Rú = [zau] .

 
Rứa = thế. Có trong tự-vị của Huình Tịnh Của [14]. Có thể mang gốc Quảng Đông:  [ze], pha với phát âm Hẹ [za].

 
Su = sâu. Theo sát biến chuyển [Du] => [Dâu], [Cụ] => [Cậu] ở trên, cũng như biến chuyển giữa [Chu] và [Châu]. ‘Su’ => ‘Sâu’ tương ứng với [siu] Quảng Đông => [siau] Hakka, .

 
Tam = em. Theo sát từ Hakka (nhóm Siyan, Hailu):  [tiam], mang nghĩa ‘người thuộc đàn em’ [29].

 
Tê = kia. Rất có khả năng cùng gốc với từ Tày-Nùng [tỉ] mang nghĩa ‘đó, kia’. [Tỉ] Tày-Nùng, là âm tương đương với [bi]-3 quan thoại , mang cùng nghĩa. Để ý, âm thường gọi ‘Hán-Việt’ [tỷ] (= so sánh), tiếng Quan-thoại vẫn là [bi]-3, viết , cho thấy biến chuyển từ âm [B] Hoa {bi-3} sang [T] Việt {tỷ} mang ảnh hưởng tiếng Tày-Nùng [26], có bà con gần là tiếng người Choang ở Quảng Tây. Từ thường lầm là Nôm khi dùng để chỉ so-sánh là ‘Bì’ (bì với, phân bì) thật ra chỉ là âm tiếng Hoa [Bi]-3, mà người Choang & Tày-Nùng dùng [Tó] cho tương đương. [Tó] sinh ra âm ‘Hán-Việt’ bắt đầu bằng âm [T]: ‘tỷ’; và nguyên âm [ó] cho ra chữ ‘Nôm’: ‘So’. Để ý: ‘tê’ Việt tương đương với ‘tỉ’ Tày Nùng. Tiếng Việt lại có hai từ đó cặp bồ với nhau: ‘tỉ tê’ => kể lể, tâm sự, mang nghĩa ban đầu: ‘nói chuyện nọ kia’.

 
T’lâu, T’le, T’lời = trâu, tre, trời. Biến đổi [Tr]-Việt sang [Tl] là biến chuyển sang âm tương đương ở phần-ngữ Mường trong tiếng Việt cổ nói chung. Mường đọc: Tlu, Tle, và Tlời. Đặc biệt ký âm theo chữ Nôm cũng dùng âm [l] cho [r], bởi dựa theo cách viết Hán tự [21] [24]. Tuy nhiên, từ điển Alexandre de Rhodes [3] cho biết ‘trời’ tiếng Việt thế kỷ 17 đọc [Blời] chứ không phải [Tlời]. Truy tầm của chúng tôi cho biết âm quốc-ngữ, trên bước đường nhất thống các âm khác nhau - nhất là [Bl] và [Tl] – đã dựa vào âm vận mang âm [R] (thành ra [TR]) của hai nhóm ngôn-ngữ Mon-Khmer & Munda. Từ đó, quốc-ngữ dựa vào vần [TR] của người Việt bản địa tối cổ (Mon-Khmer và Munda) để viết thành: Trâu, Tre, và Trời [25]. Âm [TR] rất hữu hiệu trong việc ký âm luôn cho những từ tiếng ‘Hán’: Trung => [Zhong], Trân => [Zhen], Tri => [Zhi], Trú => [Zhu], v.v.

 
Thoọc = thọc. ‘Thọc’ đôi khi cũng tương đương với ‘Thọt’ (mặc dù ‘thọt’ ưa dùng với nghĩa khác: ‘thọt chân’), cho thấy thời chưa có quốc ngữ, phân biệt âm cuối [T] và [C] không được nhấn mạnh, tại phần lớn nước Việt. 

 
Trẽn = thẹn. Tiếng Mường: thẽn => thẹn. Theo sát biến chuyển tương đương kiểu: ‘ngẽn ngùi’ (M) => nghẹn ngùi. ‘Trẽn’ cũng có ghi trong tự vị của Lê Ngọc Trụ [23], mang nghĩa ‘ngượng ngịu’, và thường đứng chung với ‘trơ’: ‘trơ trẽn’. 

 
Trốc = đầu. ‘Trốc’ là một từ chia sẻ gốc với các thứ tiếng Thái [ga-lohk] và Mường [Tlốc]. ‘Nhâc tlốc’ = nhức đầu. ‘Tlốc củi’ = đầu con cúi = thủ lợn. ‘Tau tlốc’ = đau đầu. Tiếng Huế phát âm như ‘Trốt’, với âm cuối là [t], thay vì [c]. ‘Trốc’ có vẻ liên hệ ‘ví phỏng’ [1] với ‘trọc’ trong ‘đầu trọc’ mang nghĩa ‘đầu cạo hết tóc’, hay ‘không còn tóc’.

 
Trốc cúi = đầu gối. ‘Gối’ (chân) tiếng Mường gọi: ‘cổl lãi’. Trước khi có kí âm theo a-b-c của quốc ngữ, âm [cổl] có thể phát âm gần giống với [gối], và [gối] có thể dễ tiến đến [cúi], bởi cả hai âm đầu [c] và [g] đều thuộc loại tắc âm vòm mềm. Trong khi đó, ‘Đầu’ = ‘Trốc’. Do đó, ‘Trốc cúi’ => đầu gối.

 
Trớng = trứng. Tiếng Mường: ‘Tlởng’ = trứng. Hakka: [lon], [zen], [zan]. Quảng Đông: [leon], [jyun]. 

 
Trự = đồng tiền. Từ tiếng Hoa mang nghĩa ‘đồng tiền’ rất giống ‘Trự’ phát âm theo kiểu Quảng Đông: [zyu] . Theo tự vị của Huình Tịnh Của [14]: Trự= đồng tiền. ‘Không có một trự’ (trong túi) = nghèo lắm, túng lắm.

 
Hung = rất. Lối dùng ‘hung’ cho phó từ ‘rất’ thật ra mang xuất xứ từ bên Tàu, và được xử dụng tại nhiều nơi ở Việt Nam. Chữ [hung] ngoài nghĩa ‘dữ tợn’, ‘xấu’ còn mang nghĩa ‘rất’, ‘cực kì’ [9]. Phát âm Hạc Việt (Hẹ) và Quảng Đông y hệt: [hung]. Thí dụ tiếng Việt: ‘Hôm nay, anh có rảnh hung không?’.

Qua những lí giải tầm nguyên cho những từ Quảng Trị ở trên, chúng ta thấy:

Giống như phân tích về đại từ trong tiếng Việt (tôi, ta, mày, chú, bác, chúng tôi, các anh, v.v.) [4], không có một từ nào ở trên hoàn toàn thuần Việt, tức độc nhất chỉ có tiếng Việt mới có. Hầu hết đều có những từ mang âm tương tự thuộc các phương ngữ khác hoặc ngôn ngữ láng giềng.
 
Ảnh hưởng âm vận và từ vựng của tiếng Mường trên ‘tiếng Quảng Trị’ rất mạnh. Cho thấy đó là ảnh hưởng xuất phát từ vùng biên giới Lào-Việt, bởi người Lào cũng thường được sắp xếp có chủng chủ lực thuộc Thái-cổ. Trong khi đó, dải đất chạy dài từ nam Thanh Hoá, xuống khu vực Quảng Bình - Quảng Trị, từ lâu đã được xem như bản địa xưa của khối Mon-Khmer [27].

Đặc điểm nổi bật nhất giữa tiếng ‘Việt’ của người Mường, người Tày-Nùng, và các ‘phương ngữ’, đối với tiếng Việt ‘chuẩn’ ở khu vực ‘Kẻ Chợ’ (Kinh) là khác nhau giữa các thinh (dấu). Trong đó thường xuyên nhất thinh sắc miền Kinh ưa chuyển sang thinh hỏi miền ngoài. Khá phù hợp với nhận xét riêng của một thân hữu [28].
 
Rất nhiều từ, tác giả Trần Hữu Thuần cho là đặc thù Quảng Trị, thật ra cũng là thứ từ được xử dụng thường xuyên ở những vùng khác tại Việt Nam. Bằng chứng là một số lớn những từ này thường có ghi đầy đủ trong các tự điển xưa, như của Alexandre de Rhodes hay Huình Tịnh Của. Cũng giống như một số từ tìm thấy trong một số các tự điển về phương ngữ xuất bản gần đây tại Việt Nam – như bộ tự điển ngót 1000 trang về tiếng Huế của Bs Bùi Minh Đức.

Một vài thí dụ ‘sơ sơ’ ở phía trên cho thấy, tiếng Hán Việt trong cách phát âm của chúng cũng là một thứ tổng hợp các phương ngữ Việt cổ. Xin phép viện dẫn một vài suy luận dùng để hỗ trợ cho kết luận này:
 
Tiếng Hán-Việt chiếm đến khoảng 60% số từ vựng tiếng Việt, và bất cứ người Việt nào cũng đều xử dụng chúng hết sức nhuần nhuyễn. Những từ điển Mường hay Tày-Nùng cũng tràn đầy một số lớn những từ tương đương với loại từ thường gọi Hán-Việt. Thí dụ: Wa (M)=> Va (T-N)=> Hoa (V).

 Nếu muốn cả một dân tộc ‘vay mượn’ mớ từ Hán-Việt đó, bắt buộc trong ngót thiên niên kỷ đầu tiên sau Công Nguyên, xứ An-Nam phải có đầy đủ phương tiện truyền thông, nếu không có internet thì phải có cell-phone, hay Tivi. Hoặc ít lắm phải có nhật báo, hay máy truyền thanh, hay những lớp học bình dân 24/24 dạy tiếng Hán chữ Nho, khắp mọi xóm làng.
 
Đi ngược lại thời gian, chúng ta thấy phân biệt những thứ từ gọi Hán-Việt với từ thuần Nôm hoàn toàn vắng bóng trong những công trình viết bằng chữ quốc-ngữ đầu tiên, như từ điển Alexandre de Rhodes, những bài viết hoặc sách báo của Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của, Taberd, Philiphê Bỉnh, Ben-tô Thiện, v.v. Nói một cách khác, những tác giả quấc-ngữ đầu tiên chắc hẳn phải biết độc giả không có phân biệt thứ nào là tiếng Hán Việt và thứ nào là nôm-na ‘lô-can’. Sự phân biệt đó đối với đại đa số quần chúng, dễ rơi vào một cái hố mâu thuẫn. Đó là, một mặt chúng ta thường cho rằng tiếng Hán Việt nói ra nghe uyên bác hơn, và là chữ nghĩa của chốn khoa bảng, quan trường, nhưng một mặt khác chúng ta lại cho rằng nó đến thẳng với những người ít học, đúng hơn không biết chữ, sau nhiều thế kỷ chung sống với những người có tiếng Hán là tiếng mẹ đẻ. Hai chuyện đó rất khó đi đôi với nhau.

Những học-giả đã ‘lăng-xê’ phân biệt giữa Hán-Việt và Nôm trong lòng từ-vựng tiếng Việt, có vẻ thiếu thốn một vài thứ kiểm chứng khoa học. Quan trọng nhất là một thứ định lý khá bất biến như sau: “Khi A vay mượn B một món gì, thì A rất khó xử dụng món đó thông thạo như B”. Ở trên, chúng ta thấy khi người Việt-Mường không phải là tác giả của lối gọi ‘Con / Cái’, họ sẽ xử dụng nó không có được bài bản, và thuần nhất, như người Việt (Kinh), và sẽ khá lộn xộn. Nhưng người Kinh lại xử dụng nó rất thành thạo, bởi họ thừa kế được di-sản của người Việt-Mon-Khmer. Tương tự, bởi tiếng Hán-Việt chính là thứ tiếng (tổng hợp) của người Việt di dân, họ đem toàn bộ, nhất là biến ý, và nhiều nghĩa của từng từ. Thí dụ: ‘hung’ mang nghĩa: hung dữ, hung ác, hung thần, hung tin (tin không lành), và ‘rất’ hay ‘cực kì’ ở tiếng “Tàu” (?). Chuyển sang tiếng Việt, [hung] đem sang toàn bộ ý nghĩa và cách dùng. Nhưng bởi ‘hung’ mang nghĩa ‘rất’ / ‘cực kì’ ưa dùng trong câu nói toàn từ “Nôm” (?) hay ít đi kèm với từ Việt-di-dân, nên xưa nay, ta ưa nhầm ‘hung’ trong nghĩa ‘rất’ là một từ Nôm. Chúng ta cũng lầm tưởng, như vậy, ‘rất’ mới là thuần Nôm. Thật ra, ‘rất’ cũng không phải Nôm! ‘Rất’ là âm quốc ngữ của [zat]  phát âm theo Quảng Đông [9], mang nghĩa ‘very’, ‘extremely’, tức ‘rất’ là Nôm theo kiểu ‘Đông Việt’. Thí dụ khác về việc ‘phản ánh’ toàn bộ, trong chuyện ‘phần-ngữ’: Từ ‘xài’ là một từ cùng gốc với từ Thái [chai], mang hai nghĩa y như tiếng Việt, ‘xài tiền’ (spend money), và ‘xử dụng món đồ’ (use) / ‘Anh có xài điện thoại di động hiệu Nokia bao giờ chưa?’. Nếu đó là vay mượn, rất khó xác định ai vay ai cho mượn, và khi vay thường thường người ta chỉ vay một phần nào của cách dùng mà thôi, chứ ít khi vay hết toàn bộ, và lại xử dụng nhuần nhuyễn như vậy. Thí dụ: Karaoke = Kara (trống) + oke (dàn nhạc); Karate = Kara (trống / không) + Te (tay). Trên thế giới ngày nay ưa vay luôn hai thứ từ này từ tiếng Nhật. Nhưng không tiếng nước nào, như tiếng Việt chẳng hạn, lại vay luôn chữ ‘kara’ để hàm ý ‘Không’.
 
Sai lầm trong việc nhận diện các từ Hán-Việt và Nôm cũng bắt nguồn từ kiểu học-thuật ngày trước, rất ít khi kiểm chứng với một ngôn ngữ nào khác với tiếng Tàu xử dụng ở Bắc Kinh. Cũng rất hiếm khi đối chiếu với các phương ngữ của Bách Việt xa xưa. Phần lớn là do ở thiếu thốn phương tiện. Thí dụ, tra từ thường lầm tưởng ‘Nôm’ là ‘Đúng’ ở bất cứ quyển từ điển tiếng Hoa nào ta sẽ thấy ít nhất 3 từ Hán quen thuộc là [dui]  (đối), [zheng]  (chính), và [zhen]  (chân). Chúng ta sẽ không ngờ 2 chuyện: (a) ‘Đối’ chính là phát âm Quảng Đông [deoi], ‘chính’ giống như Hakka [zhin], và Mân-Việt [cheng] (chánh), còn ‘chân’ y hệt quan-thoại [zhen]. Và (b) ‘Đúng’ cũng không phải là một từ Việt ‘thuần Nôm’, mà lại là một phát âm y hệt [dung] của Hạc Việt và Đông Việt, cho động từ [dung]  tiếng Tàu (?) mang nghĩa ‘sửa cho đúng’.

 Sydney, ngày 4 tháng Bảy 2007
 
NN

 GHI CHÚ

[1] V.U. Nguyen (2007) Loan Words and Metaphorical Field. (submitted for publication).

 
[2] Nguyen Nguyen (2007) Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương. [In search of the origin of the Vietnamese]. (in publication).
 
[3] Alexandre de Rhodes (1651) Dictionarium Annamiticum – Lusitanum – Latinum. Translated by: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính. Pub. By Vien Khoa Hoc Xa Hoi – HCM 1991.

 
[4] V.U. Nguyen (2007) Vietnamese Personal Pronouns. (submitted for publication).

 
[5] Từ điển tiếng Mường (Hoà Bình) [7] cho biết người Mường gọi người Kinh là người ‘Chợ’ (Kẻ Chợ = Thăng Long): (a) Măng khể rằng nả cỏ vỡ Chỡ = Nghe kể rằng nó có vợ người Kinh. (b) Dich tha thiểng Chỡ = Dịch ra tiếng Việt.

 
[6] Hội Bảo Tồn Di Sản Nôm (2002) http://nomfoundation.org/

 
[7] Nguyễn Văn Khang (editor), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) Từ Điển Mường-Việt {Mường-Vietnamese Dictionary}. Published by Văn Hoá Dân Tộc – Hà Nội.

 
[8] L. V. Hayes (2001) Austric Glossary - http://home.att.net/~lvhayes/Langling/Glossary/Glospag1/glosf019.htm

 
[9] Chinese Character Dictionary - CCDICT v5.1.1 Chineselanguage.org (1995-2006): http://www.chineselanguage.org/cgi-bin/dict.php

 
[10] Vấn đề các âm chữ cái quốc-ngữ là một chuyện hết sức phức tạp hóc buá. Ngay ở âm [y] cũng vậy. Đa số các âm [y] bên Tàu và Mon-Khmer đều giống kiểu tiếng Anh: Yul Brynner, Yell, v.v. Nhưng một hai nhóm Hakka lại thích kiểu [Z] hơn: Zang Kui Fi (Yang Gui Fei) => Dương (Dzương) Quý Phi. Phúc Kiến lại lột [yờ] biến thành [I] => tiếng Việt [y]: yêu => [iêu]; âu yếm => [âu iếm].

 
[11] Để ý sự phân biệt dấu hỏi và sắc (đôi khi ngã) rất lộn xộn khi so sánh tiếng Việt miền Kinh (Kẻ Chợ) với tiếng Việt tại các mường bản hay khu vực thôn quê. Thí dụ: ỏng (M) => uống (V);dan tổi (M) => gian dối; dam cẩm (M) => giam cầm; dáng đãy (M) => giảng dạy (V).

 
[12] Lối nói khác nhau tùy theo phương ngữ. Thí dụ, từ kép tiếng Việt ‘nở phồng’ – tương ứng tiếng Thái [noh] và [pheerng] {Phúc kiến: [pheng]}. Nhưng ‘Hoa đào nở’ tiếng Việt, lại tương đương với: ‘Va (hay [byooc]) tào phồng’ {Hoa đào phồng} trong tiếng Tày-Nùng. Để ý: Va (T-N) => Wa (Mường) => Hoa. Byooc => Pông (M) => Bông (V), trong đó [By] chính là âm ‘V’ phát âm kiểu Nam bộ. Thí dụ khác: Trong tiếng Việt ‘kể’ và ‘nói’ có cách dùng khác nhau. Nhưng trong tiếng Mường, ‘kể’ được dùng như ‘nói’: khể lải = nói lái; khể bẫy = nói bậy; khể nhó = nói nhỏ. ‘Nỏi’ tiếng Mường cũng mang nghĩa như ‘nói’ (Việt) nhưng ưa thiên về ... ‘kể’: nỏi đẳng = nói tích. Nỏi lãi = nói lại. Và ‘kể’ Việt, Mường phát âm là ‘kế’: kế cuông = kể chuyện.

 
[13] Nguyễn Phục Hưng (2007) Trao đổi tư liệu trên Forum M-C.

 
[14] Huình Tịnh Paulus Của (1895) Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Re-published by Nhà Xuất Bản Trẻ, 1998.

 
[15] Trang mạng về tiếng Anishinaabemowin:

 
http://imp.lss.wisc.edu/~jrvalent/ais301/Grammar/InflMorphology/nouns001.htm

 
[16] Truyện cổ tích về ‘đực rựa’: http://www.quangduc.com/TruyenNgan/020thamthitham.html

 
[17] Charles Hamblin (1988) Languages of Asia & the Pacific. Angus & Robertson.

 
[18] Trần Hữu Thuần (2007) Tiếng Quảng Trị. Xem talawas.org ngày 13/6/07:

 
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10168&rb=06

 
[19] Tiếng Mường mang âm tương đương [kh] đối với Việt [s]: khong => sông (Mekong => sông Mẹ, sông lớn), khư nữ = sư nữ, khổng lãi = sống lại.

 
[20] Gerard Moussay, Nại Thành Bô, Thiên Sanh Cảnh, Lưu Ngọc Hiến, Đàng Năng Phương, Lưu Quang Sanh, Lâm Gia Tịnh, Trương Văn Tốn (1971). Tự Điển Chàm-Việt-Pháp (Champa-Vietnamese-French Dictionary). Trung tâm Văn-hóa Chàm - Phan-Rang.

 
[21] James Campbell (2007) Chữ Nôm Characters: http://www.glossika.com/en/dict/viet/nom-d.php 

 
[22] Tiếng Myanmar (Miến/Diến - Điện) thường được xem bà con hậu duệ tiếng Môn. Thế nhưng cho đến vài năm gần đây người Môn tại Miến Điện vẫn thường bị ‘kì thị’. Truy cứu của chúng tôi cho biết cấu trúc văn phạm tiếng Myanmar lại mang ảnh hưởng khác với tiếng Môn. Đó là tiếng Munda ở Ấn Độ.

 
[23] Lê Ngọc Trụ (1959) Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị. Thanh Tân.

 
[24] Thí dụ: Trai (male / boy) viết bằng cách ghép chữ [Nam]  với [Lai] . Âm [L] trong [Lại] dùng cho [R]: TRAI =男來.

 
[25] Thí dụ: Trâu <= [trăk] Theng (Munda) & [krâu] Wa (Munda). Trời <= [trôk] Mnong (Mon-Khmer) & [trôôc] Xtieng (M-Kh). {trích từ: Hồ Lê (1992) Từ Nam Á trong tiếng Việt. TRONG: Viện Khoa Học Xã Hội (Th.P. HCM) - Tiếng Việt và các ngôn ngữ Dân tộc phía Nam. Nxb Khoa Học Xã Hội - Hà Nội}

 
[26] Hoàng Văn Ma - Lục Văn Pảo – Hoàng Chí (1974) Từ Điển Tày – Nùng - Việt (Tay-Nung-Viet Dictionary). Published by Viện Ngôn Ngữ Học (The Linguistics Institute)

 
[27] Võ Mai Phương (Chu Thái Sơn chủ biên) (2005) Người Dao. Nxb Trẻ

 
[28] Phạm Quang Tuấn [2007] Hai tuần ở Việt Nam (không có xuất bản).

 
[29] Trong những áng văn Nôm của Ức Trai Tiên Sinh (Nguyễn Trãi), người ta thấy Ức Trai vẫn thường dùng ‘anh tam’ thay cho ‘anh em’: "Núi láng giềng, chim bầu bạn, Mây khách khứa, nguyệt anh tam" {xem: http://www.vietmedia.com/literature/vanthisi/?ID=5 - Hoặc: trong Quốc Âm Thi Tập: "Tuy rằng bốn biển cũng là anh tam".

 
[30] Trong truyện “Cánh Đồng Bất Tận’, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã dùng động từ: ‘nhóm củi’ ngay ở trang đầu. ‘Củi’ ở đây hoàn toàn mang nghĩa ‘lửa’ theo kiểu tiếng Mường (Hoà Bình), ví-phỏng qua lại với ‘củi’ mang nghĩa ‘cây/cành dùng để nhóm lửa hay đốt’.


Nguyên Nguyên
Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=3157