Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

xử lý


"Ông XYZ, Phó Hiệu trưởng Trường UVW (quận BT), phân tích rằng nếu nói thiếu kỹ năng sống thì hơi oan nhưng quả thực là đội ngũ giáo viên đang rất cần bổ sung kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống sư phạm."

Tạm thời bỏ qua một bên những nhóm chữ "kỹ năng sống" và "kỹ năng giao tiếp", chỉ tìm hiểu từ "xử lý" trong câu có ý nghĩa gì.

Nhớ ở miền Nam, trước 1975, hầu như không thấy dùng từ "xử lý". Sau 1975, từ này bỗng nhiên ồ ạt xuất hiện, làm kinh hoàng dân chúng, vì trong thời khoảng đó, hai chữ này thường mang ý nghĩa "xử phạt", "trừng trị".

Nhưng dần dà, nghe ra rả và đọc thấy khắp nơi hai chữ đó: 

  • Chẩn đoán và xử lý sự cố từ phía Phần bổ trợ hay phần Giao diện. 
  • Xử lý ảnh: Adobe Photoshop CS5 đang gây sự chú ý đặc biệt trong cộng đồng người sử dụng bởi nhờ một số tính năng mới, các bước chỉnh sửa ảnh phức tạp và mất nhiều thời gian... 
  • Xử lý nước giếng khoan gia đình.
  • Xử lý chất thải.
  • Tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
  • Xử lý thuốc cam nhiễm chì chưa hiệu quả.
  • Sẽ không xử lý mạnh nữ sinh đánh bạn tại công viên Tuổi trẻ.
  • Xe Nissan sẽ được tích hợp bộ vi xử lý của Intel.
  • Xử lý tivi có tiếng xèo xèo.
  • Xử lý đơn khiếu nại tố cáo.
  • V.v.


Trên một diễn đàn cựu học sinh trường Chu Văn An, nhiều bạn cũ, nay ở hải ngoại, than thở sao mà cái gì cũng bị xử lý thế này. Một bạn ở trong nước góp ý kiến là dùng riết rồi quen, có sao đâu.

Thực ra, từ "xử lý" đã bị áp đặt quá mức trong ngôn ngữ Việt Nam.

Từ này rõ ràng vay mượn của Hán ngữ. Theo Hán Ngữ Đại Từ Điển và Quốc Ngữ Từ Điển của Bộ Giáo Dục Taiwan, "xử lý" cũng mang nhiều ý nghĩa phức tạp không kém: bạn lí, quản lí, giải quyết, trị lí, xử phân, xử trí, định hình, xử phạt, trừng trị, đối phó, ứng phó, quyết đoán, v.v.

Bây giờ nhớ lại, hồi trước 1975, người dân miền Nam không dùng một từ quá bao quát như thế, mà tùy theo trường hợp, chọn lấy một từ có ý nghĩa rõ ràng thích đáng hơn.

Như vậy, trở lại câu văn trích dẫn ở đầu bài blog, thay vì viết:
"... và xử lý tình huống sư phạm",
ta có thể viết:
"... và đối phó với tình huống sư phạm".

Cũng vậy, trong những thí dụ dẫn trên, thay vì viết:
"Sẽ không xử lý mạnh nữ sinh đánh bạn tại công viên..."
 ta có thể viết:
"Sẽ không trừng phạt nặng nữ sinh đánh bạn tại công viên...".

Thay vì viết:
"Xử lý đơn khiếu nại tố cáo"
 ta có thể viết:
"Xét đơn khiếu nại tố cáo".

dtk

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Những sai sót khó tin trong “Vở luyện tập Tiếng Việt 1”


28/05/2012 13:43:31
 - Cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” dành cho học sinh lớp 1, có nhiều lỗi sơ đẳng đến mức khó tin.

Đáng chú ý, từ GIỖ được ghi thành DỖ.
Sai luôn trong câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày DỖ (giỗ) Tổ, mùng mười tháng Ba”. 


Chưa hết, từ “cây NÊU” được viết thành “cây LÊU”.

Ngoài ra, còn xuất hiện rất nhiều lỗi khác, đặc biệt là bỏ sai vị trí của dấu câu, viết hoa – viết thường.
Thông tin in trên cuốn vở này cho thấy, tác giả là Đặng Thị Lanh, chịu trách nhiệm xuất bản “Giám đốc Trương Công Báo”, “Tổng biên tập Hoàng Văn Cung”.

Vở này do Nhà Xuất bản Đà Nẵng xuất bản nhưng in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy. Số liệu lưu chiểu cho thấy, nhà xuất bản này đã in 2000 cuốn.

PV
Nguồn: http://kienthuc.net.vn/channel/2981/201205/Nhung-sai-sot-kho-tin-trong-Vo-luyen-tap-Tieng-Viet-1-1837197/

**
*


  • 31/5/2012 08:55


Tác giả vở luyện tập Tiếng Việt 1 sai chính tả lên tiếng

- Bà Nguyễn Thị Lanh khẳng định: “Bản thảo tôi viết bằng tay không mắc những lỗi đó. Có thể sai sót nằm ở quá trình in ấn. Tôi có lỗi là không yêu cầu được đọc lại bản chỉnh sửa cuối cùng”.
Một lỗi sai trong cuốn "Vở luyện tập Tiếng Việt 1" của Nhà xuất bản Đà Nẵng: "giỗ tổ" được viết thành "dỗ tổ".
Nhiều sai sót 
Vừa qua, cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” (NXB Đà Nẵng) sai nhiều lỗi chính tả khiến phụ huynh có con đang học lớp 1 hết sức lo lắng. 
Những lỗi ghép phụ âm đầu "d" và "gi" và "n" biến thành "l" cụ thể như trong câu thơ "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày dỗ tổ mùng mười tháng ba" (đúng phải là “giỗ”). Phần luyện viết sách ghi là "có dỗ” ( đúng phải là “giỗ”) hay "cây nêu" được ghi thành "cây lêu". 
Theo số liệu lưu chiểu, cuốn vở luyện tập Tiếng Việt 1 được in 2.000 cuốn, dày khoảng 30 trang do bà Đặng Thị Lanh là tác giả. Cuốn vở này được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép và in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy (Hà Nội). 
Trả lời báo chí, ông Trương Công Báo, Giám đốc NXB Đà Nẵng, thừa nhận có việc sai lỗi chính tả trong cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” và hiện nhà xuất bản đang kiểm tra lại việc xuất bản cuốn sách, bắt đầu từ xác minh lại biên tập viên. Ông Báo cũng cho biết: “Trước mắt sẽ cho thu hồi và hủy những cuốn đã xuất bản chưa phát hành”.
“Tôi không thể mắc lỗi đơn giản như vậy!” 
Là giáo viên dạy chính tả với gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục nên khi những sai sót ở cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” (NXB Đà Nẵng) được phát hiện khiến tác giả - bà Nguyễn Thị Lanh “thực sự rất buồn”. 
Chiều 30/5, trao đổi với PV tác giả (hiện đang ở Hà Nội) khẳng định: “Bản bông tôi viết bằng tay gửi NXB không có những lỗi như vậy. Tôi không thể mắc lỗi đơn giản như thế”. 
Thừa nhận rằng mình có sai sót khi tin tưởng không xem lại bản thảo cuối cùng của cuốn tập và sau khi sách in cũng chưa kịp xem lại, bà Lanh chia sẻ: “Từ sự việc, tôi cũng mong muốn việc giám sát quy trình in ấn của các nhà xuất bản phải được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt việc làm giữa tác giả với nhà xuất bản”. 
“Việc sai sót như vậy không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của tôi mà lớn hơn khiến phụ huynh và học sinh mất niềm tin vào sự chính xác của sách. Tôi đang chờ trả lời chính thức từ phía NXB Đà Nẵng” – lời của người giáo viên già. 

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Kho Rồng


Thứ hai 21/05/2012 12:00:00 (GMT +7)
Tác giả: Lê Thiết Cương
Nguồn: Tuổi Trẻ số Xuân
Thật là lạ trong thập nhị địa chi tương ứng vơi 12 con vật biểu tượng thì có mỗi rồng là không có ngoài đời thực. Thế nhưng rồng lại xuất hiện nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt suốt từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ 19.
Giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc và trước nữa là thời Đông Sơn thì không có hoặc tới nay vẫn chưa tìm thấy một hiện vật nào hình rồng. Na ná rồng như giun, cá sấu… thì có. Nhưng gần mười thế kỷ sau đó, cùng với sự lên ngôi của Lý‎ Công Uẩn, hình tượng rồng lại trở nên quen thuộc. Có phải là các thế hệ nghệ sĩ cha ông ta thích đề tài rồng, thích vẽ, nặn, khắc con vật này hơn 11 con khác trong 12 con giáp và những con khác hay không? Hay vì rồng là một con vật đặc biệt?

Hình rồng mây lửa khắc gỗ, điêu khắc đình thế kỷ 17
Trọng trách của rồng
Điều đặc biệt trước tiên như đã nói, rồng là con vật của tưởng tượng. Quan trọng hơn, rồng là con vật cùng một lúc mang (bị mang) hai biểu tượng rất “nghiêm trọng”: biểu tượng quyền lực, từ Lý‎ đến Nguyễn đời nào cũng vậy. Không thấy một ông vua nào khi lên ngôi nghĩ hẳn ra một con vật hoàn toàn khác làm biểu tượng, cũng không thấy ông vua nào chọn một con vật có sẵn khác như trâu hay hươu nai làm biểu tượng. Biểu tượng thứ hai mà rồng phải mang vác là biểu tượng của tín ngưỡng vì rồng nằm trong bộ tứ long, ly, quy, phượng. Sự chọn lựa này chắc cũng ngẫu nhiên thôi bởi vì chẳng ai giải thích được thấu đáo và hợp lý  lý do của sự chọn lựa bốn con vật này tại sao lại linh hơn những con vật khác.
Ấy là còn chưa kể rồng còn phải mang biểu tượng của một trong 12 con giáp (tương đương dân chủ và bình đẳng với lợn gà dê bò…), biểu tượng này của rồng khá “dễ thở”, là tháng thổ đầu tiên trong năm đóng vai trò chuyển êm từ xuân sang hè.
Rồng một lúc phải đóng nhiều vai cho nên rồng xuất hiện nhiều, có thể nói là nhiều nhất so với các con vật khác cũng là dễ hiểu. Ngai vàng, quần áo, mũ mãng, dao kiếm của vua phải có hình rồng, cánh cửa chùa (chùa Phổ Minh), bệ đá chùa (chùa Bối Khê) cũng rồng, cho đến trán bia ở đình đền miếu (ví dụ bia Văn Miếu) cũng vẫn rồng.


Rồng chầu mặt nguyệt, sơn son thiếp vàng thế kỷ 1
Nhưng trong đời sống làm gì có con rồng. Cái ga khởi hành trong hiện thực không có sẵn. Các nghệ sĩ cha ông chúng ta đã “làm thay công việc của Chúa”. Đó là sáng tạo ra hiện thực. Trên cơ sở những con vật như giun, rắn, cá sấu, giao long, chim muông, thú, cua cá, họ nhào nặn, cộng trừ nhân chia them bớt… tạo ra một con vật và gọi nó là con rồng rồi áp đặt cho nó vài ba đức tính nọ kia. Đó là công cuộc sáng tạo thứ nhất. Khó khăn, quan trọng nhưng chưa đủ. Cuộc sáng tạo lần hai hay hơn, tức là đưa cái hiện thực không có thực đó, cái hiện thực mình vừa tạo ra đó thành tác phẩm.
Có một kho rồng
1000 năm trải qua các thời kỳ (từ Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Lê Mạt, Nguyễn) hình tượng Rồng đã có nhiều thay đổi từ tạo hình, bố cục, chất liệu. Dễ nhận thấy những nét chính như sau: rồng Lý mượt mà, tinh tế, uốn lượn mềm mại. Rồng Trần nhìn bề mặt giống Lý nhưng tinh thần thì khác, thô và khỏe hơn. Rồng Mạc bỏ hẳn lối uốn khúc hình sin của Lý Trần, tuy ít uốn lượn nhưng vẫn mềm mại gây cảm giác mộc mạc, giản dị. Rồng Lê Trung Hưng và Lê Mạt có hai đột phá là phần thân ở đoạn giữa có thêm một nhịp võng xuống tạo thành hình yên ngựa và thứ hai là hình mây lửa ở đuôi, bờm hoặc kết hợp rồng và những đám mây lửa hòa cùng nhau. Rồng Nguyễn là vẻ đẹp của cầu kỳ, kỹ lưỡng, trau chuốt.

Cách thức thể hiện rồng qua các thời kỳ từ đục đẽo, chạm khắc cho đến đúc, gò, đắp nổi và chủ yếu ở dạng phù điêu. Rồng có mặt trên tất cả các chất liệu: đá, đất nung, gỗ, gốm, đồng, sơn mài. Rồng có ở nhiều dạng bố cục: chữ nhật, tròn, lá đề, bán nguyệt.
Phương pháp tạo hình rồng kết hợp với những đề tài khác làm hình tượng rồng càng trở nên phong phú.
Ví dụ: cá hóa rồng (tháp Đăng Minh đời Trần, đình Lỗ Hạnh đời Mạc).
Rồng hóa mây (lan can đá ở cổng vào Văn Miếu).
Tiên nữ cưỡi rồng (đình Lỗ Hạnh thời Mạc và ở chùa Keo thời Lê Trung Hưng)
Rồng ôm chữ phúc (chùa Bối Khê, thời Lê Trung Hưng)
Rồng ngậm chữ thọ (đền Phú Đa, thời Lê Mạt)
Rồng chầu chữ Phật (chùa Kim Liên, Tây Hồ thời Lê Sơ)
Trong giai đoạn hiện đại, rồng rất hiếm khi xuất hiện vì chức năng thể hiện thần quyền và pháp quyền của nó không còn nữa, chỉ là một đề tài như muôn đề tài khác. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự vắng bóng rồng trong hội họa và điêu khắc hiện đại.
Trong nghệ thuật trang trí và kiến truc hiện đại cũng vậy, rất ít đất cho rồng. Đình chùa miếu mạo đều có tu sửa cũng chỉ là bồi, đắp, tô, trát lại. Nếu xây mới thì cũng chép lại theo mẫu rồng cũ, không sáng tạo thêm được gì. Giả sử nếu muốn sáng tạo thì rất khó có thể vượt được cha ông – những người đã khai thác rất kĩ hình tượng rồng từ chất liệu, đề tài, bố cục, cách tạo hình để góp vào mĩ thuật truyền thống Việt Nam cả một… kho rồng qu‎ý báu.
Trong nghệ thuật có hai phần nội dung và hình thức. Đề tài thuộc nội dung là phạm trù ít thay đổi hơn so với hình thức. Những đề tài nào mất đi tức là nhu cầu cuộc sống không cần đến  nữa, đó là quy luật. Rồng là đề tài như vậy. Nhưng xem rồng, nghiên cứu học hỏi, thưởng thức rồng thì không thể có gì thay được vì đó đã là một tác phẩm tiêu biểu trong kho tàng nghệ thuật của dân tộc.

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam


NHỜ TIẾN BỘ CỦA DI TRUYỀN HỌC (DNA),
PHẢI CHĂNG ÐÃ ÐẾN LÚC CHÚNG TA CÓ THỂ KHẲNG ÐỊNH ÐƯỢC

(Tập san Tư Tưởng số 7)

Phần dẫn nhập :

Gần đây cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc. Một trong những thành tích về vấn đề này cần được lưu ý là quyển Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam của Nguyễn Khắc Ngữ do Nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa Việt Nam xuất bản tại Montréal (Canada) năm 1985. Nói là đáng lưu ý bởi quyển sách nhỏ này (172 trang) trình bầy những dữ kiện và áp dụng một lối lý luận rất khoa học. Theo Nguyễn Khắc Ngữ thì : "đại để có thể chia các giả thuyết (nguồn gốc dân tộc Việt Nam) thành bốn loại tiêu biểu:

- giả thuyết con Rồng cháu Tiên
- giả thuyết Bách Việt
- các giả thuyết của các tác giả miền Nam
- các giả thuyết của các tác giả miền Bắc".

Phân chia như vậy e rằng vừa thiếu lại vừa dư. Quá thiếu vì nếu cứ ý kiến của một tác giả được kể như một "giả thuyết" thì bảng liệt kê trên còn thiếu nhiều giả thuyết chưa kể ra. Quá dư vì những giả thuyết mà Nguyễn Khắc Ngữ gọi là giả thuyết Bách Việt, giả thuyết của các tác giả miền Nam, miền Bắc ... thực ra chỉ là con đẻ của một trong hai thuyết :

- Thuyết thứ nhất dựa vào văn bản (những bộ sử hay truyện của người xưa viết ra để lại) chủ trương người Việt có nguồn gốc từ phương Bắc đi xuống. Các tác giả có công xây dựng nên thuyết này đầu tiên phải kể đến những học giả người Pháp như Edouard Chavannes, Léonard Aurousseau. Nhiều học giả nổi tiếng người Việt đã phụ họa thêm vào thuyết này như Ðào Duy Anh, Trần Trọng Kim ... Có điều lạ cần nhấn mạnh là những học giả người Pháp tuy có gốc thực dân, dựa vào những sách của các tác giả Trung Hoa cũng thực dân không kém như Tư Mã Thiên, Hoài Nam Tử ... đã giả thuyết rằng người từ phương Bắc đây, vốn thuộc đại tộc Bách Việt, vì sự bành trướng của nòi Hoa Hán dưới thời Tần nên phải di cư xuống Bắc Việt để cùng với dân bản xứ đã có sẵn ở đó từ trước (Madrolle CL. Les populations de LIndochine, Paris 1918) lập nên nước Văn Lang.

Những tác giả vốn là người Việt nói về nguồn gốc dân mình lại không bằng những ông Tây kể trên. Nhiều người còn nghi ngờ cái nguồn gốc Bách Việt của mình, cuối cùng (đã phải là cuối cùng chưa?) còn sản sinh ra một đứa con hoang cho rằng dân Việt Nam chỉ là một bộ phận của người Trung Hoa hết đợt nọ đến đợt kia sang thực dân ở đây, khi hoàn cảnh thuận lợi đã lập ra nước riêng có tên là Việt Nam (Nguyễn Phương, GS Ðại Học Văn Khoa - Việt Nam thời khai sinh - Viện Ðại Học Huế 1965).

Mới xem giả thuyết này có vẻ không sai vì quả đã có một cuộc di cư của người từ phía nam sông Dương Tử, vùng nay thuộc các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Quý Châu, Quảng Ðông, Quảng Tây đi xuống phía Nam từ khi nhà Tần thống nhất đại lục, lập ra một chính quyền trung ương dưới sự thống trị của nòi Hoa Hán (chỉ mấy trăm năm trước Công Nguyên). Tuy nhiên thuyết đó không giải thích được những điểm căn bản về sự xuất hiện của loài người đã sinh sống và đạt được một nền văn minh khá cao tại miền đất này cả chục ngàn năm, trước khi có người từ Phương bắc di cư tới. Thuyết này càng không thể hiểu được tại sao có sự xâm lấn ồ ạt của người phương Bắc đến một địa phương đã có người sinh sống trong một xã hội có tổ chức quy củ lại xẩy ra một cách êm thắm như vậy ? Ngay cả khi vua Thục chiếm Văn Lang của vua Hùng lập ra nhà nước Âu Lạc cũng tương đối êm thắm chưa kể vua Thục cũng được dân địa phương lập đền thờ như đã thờ vua Hùng. Lại nữa, khi nhà Hán đã xâm chiếm Giao Châu, chia thành quận huyện để cai trị cả mấy trăm năm, vậy mà khi Hai Bà Trưng nổi binh đánh Hán vào năm Canh Tý (năm 40 sau Công Nguyên), sử chép rằng : "Hô một tiếng mà các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Nam đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay" (Lê Văn Hưu - Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư - trg 146). Dân ở Cửu Chân, Nhật Nam là dân ở vùng Bắc và Bắc Trung Việt ngày nay, chắc chắn là tổ tiên người Việt nổi lên hưởng ứng Hai Bà Trưng, lãnh tụ của mình là chuyện dĩ nhiên rồi. Nhưng còn dân Nam Hải, Hợp Phố và 65 thành thuộc Lĩnh Nam tức dân các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, đảo Hải Nam, có thể một phần các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, cả Triết Giang nữa thuộc Trung Quốc ngày nay. Vậy họ là dân nào? Chả lẽ họ là dân Hán mà lại theo lãnh tụ người Việt nổi lên đánh đuổi quan quân nhà Hán giành độc lập cho người Việt sao ? Phải chăng người phương Bắc đó với người địa phương nay thuộc Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam chẳng qua cũng cùng một đại tộc ? Và sự di cư từ miền Bắc về miền Nam do sự dồn ép của Hoa tộc một phần, nhưng trước đó là do sự nước biển đã lui dần trả lại các đồng bằng sông Hồng, sông Mã màu mỡ, là phần khác, phần chính, khiến luồng người từ miền Bắc di về miền Nam cũng chỉ là sự qui cố hương của giống người trước kia đã từ miền Nam bành trướng lên miền Bắc ?

- Thuyết thứ hai dựa vào những xương sọ, đúng hơn, vào tỷ lệ tộc người căn cứ vào các sọ này đã tìm được ở phần đất nay là Bắc và Bắc Trung phần Việt Nam. Tổng số xương sọ được dùng làm đối tượng nghiên cứu còn giữ lại được cho đến nay là 70 cái, chia làm hai bảng : Bảng thứ nhất gồm 38 sọ được coi là thuộc thời đại Ðồ Ðá Mới, phần lớn do các học giả người Pháp tìm ra (29/38) và cho rằng họ thuộc các chủng tộc Malanesian, Indonesian, Australoid hay Nam Á. Bảng thứ hai gồm 32 sọ, phần lớn, ngược lại, do các học giả Việt Nam tìm thấy (22/27) trong những năm gần đây sau khi Cộng sản cho lập Viện Khảo Cổ (từ 1960). Những sọ này được coi là thuộc thời đại Ðồng-Sắt nghĩa là vào khoảng 1000 năm trước Công Nguyên đến vài ba trăm năm sau Công Nguyên, đa số thuộc chủng tộc Mongoloid. Hai bảng xương sọ này đã là nguyên nhân sinh ra những giả thuyết về nguồn gốc người Việt khác với những giả thuyết dựa vào văn bản kể trên. Tuy nhiên kết luận của các tác giả này cũng có những khác biệt đáng kể : có người cho nguồn gốc người Việt như vậy là quá trình Mongoloid hóa các sắc dân Hắc chủng (Trần Quốc Vượng & Hà Văn Tấn - Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam - Hà Nội 1963). Có người cho đành là đã có sự Mongoloid hóa hình thành nguồn gốc người Việt nhưng sự da vàng hóa này không nhất thiết được hiểu là Hán hóa mà là Mường hóa, Tày Thái hóa (Phạm Huy Thông, KCH 1&2 - 1983). Có người đi xa hơn cho nguồn gốc dân tộc Việt Nam là sự hòa đồng của các dân có nguồn gốc bản địa (Nguyễn Ðình Khoa - Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam - Hà Nội 1976). Riêng Nguyễn Khắc Ngữ, tuy không khác các tác giả trên bao nhiêu, nhưng ông hiểu Mongoloid là giống Mông Cổ (Mongol) ở phía Bắc nước Trung Hoa, nên kết luận của ông đương nhiên phải cho nguồn gốc người Việt trước hết là các giống Malanesian, Indonesian, Australoid từ các hải đảo Thái Bình Dương vào. Dần dần những sắc dân này bị Mongoloid hóa mà ông khẳng định là Hán hóa từ phương Bắc xuống, hình thành nên tổ tiên người Việt (trang 88, sđd).

Trước khi minh định cho thực rõ người Mongoloid từ đâu mà sinh ra ? (Ðiểm này sẽ được trình bày trong phần sau), ta cần xác định lại từ Mongoloid trong khảo cổ học không có nghĩa là người Mông Cổ của nước Mongol, cũng như Malanesian không có nghĩa là người Mã Lai, Indonesian không hẳn phải là người Nam Dương. Giản dị là khi có những tộc người này nhân loại chưa có quy chế quốc gia, tất nhiên cũng chưa có các nước Mongol, Indonesia, Malaysia ... Gia dĩ, khởi thủy nhân loại chỉ coi như gồm ba đại tộc : Mongoloid là đại tộc da vàng ở Á Châu gồm hai loại : Bắc Mongoloid ở từ Ngoại Mông về phía Bắc và Nam Mongoloid ở toàn cõi đại lục Á Châu; Europoid, đại chủng da trắng ở Âu Châu; và Négro - Australoid, đại chủng da đen ở Phi Châu và các đảo Nam Thái Bình Dương.

Việc tìm thấy sọ loại Mongoloid thời Ðồ Ðồng có ít hơn thời Ðồ Ðá là do một lý do khác sẽ được làm sáng tỏ trong phần dưới đây chứ không phải vì lý do người Mongoloid đã từ phương Bắc di cư đến như trước kia đã hiểu. Hãy lấy một thí dụ : chỉ có một địa điểm Hang Nậm Tum thuộc tỉnh Sơn La vùng Tây Bắc, trong thời tiền sử người ta đã thấy có hai lớp người đến cư trú để lại nhiều công cụ, nhiều ngôi mộ, nhiều di tích khiến người ta biết được hai lớp người tại đây cách nhau khá xa : lớp đầu thuộc văn hóa Sơn Vi (Hòa Bình I, khoảng hơn 20.000 năm trước Công Nguyên), lớp sau thuộc hậu kỳ đá mới bắt đầu thời kỳ kim khí (khoảng từ 1000 năm trước Công Nguyên trở lại). Giữa hai lớp này có một khoảng cách chứng tỏ không có con người sinh sống tại đây đến mười mấy ngàn năm (Võ Quý, KCH 1&2 - 1990, trang 25).

Chỉ tiếc những xương cốt để lại toàn là những mảnh sọ, những răng nanh, xương cẳng tay, ngón tay không nguyên vẹn khiến người ta khó đoán biết chủ nhân hang động này trước kia thuộc chủng tộc nào?

Việc có hai lớp người cư ngụ tại Hang Nậm Tum thuộc hai thời kỳ khác nhau cách quãng nhiều ngàn năm tương ứng với thời kỳ biển tiến (giả thiết có sự di cư của đoàn người từ Nam lên Bắc), và biển lui (tương ứng với sự bành trướng của Hán tộc ở phương Bắc đưa đến việc di cư ngược lại của đoàn người từ Bắc xuống Nam) là giả thiết cần được suy nghĩ và nghiên cứu. Người viết sẽ trở lại vấn đề này ở phần dưới đây.

Hai giả thuyết kể trên, dù là thuyết dựa vào văn bản, hay thuyết dựa vào các xương sọ đào được mà người ta gọi là thuyết nhân chủng đều dựa vào một tiền đề căn bản. Ðó là : văn minh dân tộc Hoa Hán có trước tộc Việt; đất nước và con người Trung Hoa cũng đã có trước và từ khởi thủy đã không khác mấy với ngày nay (!).

Cái tiền đề này không biết tự bao giờ đã coi như là một chân lý bất biến mà hễ ai nói khác đi thì bị coi là dốt, là nói mò hay nói láo (!). Nay nếu cái "tiền đề" này được chứng minh là không đủ, không đúng, là sai sự thực, trái ngược cả sự thực thì tất cả những giả thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam kể trên, dù xây dựng trên thuyết dựa vào văn bản hay trên thuyết dựa vào sọ người cổ, đều là chuyện lâu đài xây trên bãi cát, đều trở thành sai vậy!

Việc chứng minh cái tiền đề này là không đúng, trái với sự thực chính là mục đích của người viết tham luận này.

Căn cứ vào kết quả của Hội nghị Berkeley 1978 nghiên cứu về nguồn gốc văn minh Trung Hoa, căn cứ vào những phát minh khoa học mới nhất về khảo cổ học, nhân chủng học, di truyền học (DNA), ngôn ngữ học, cả những sưu tầm về phong tục tập quán ở phần đất nay thuộc hai quốc gia khác nhau, người viết chứng minh được rằng : khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, huyết thống di truyền học, cả về phong tục tập quán, đều chứng tỏ Ðại Tộc Bách Việt đã có trước, cũng đã cư ngụ tại phần đất nay là đất nước Trung Hoa, ít nhất từ phía nam sông Hoàng, trước Hán tộc. Và văn minh Bách Việt, căn bản là văn minh định cư trồng lúa nước, cũng đã có trước văn minh Hoa Hán, thuộc văn minh săn bắn và trồng lúa tắc, lúa khô. Tộc Hoa Hán khởi thủy lập quốc từ đời Thương, khoảng 1600 năm trước Công Nguyên, chỉ là một tộc ít người chiếm một vị trí nhỏ tương ứng với các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và một phần Hoa Nam ngày nay, nhưng nhờ có tài thiện chiến, tâm lý thực dụng và văn minh vật chất, học được do tiếp xúc với văn minh Lưỡng Hà đã nhanh chóng bành trướng ra khắp đại lục và đã đồng hóa được đa số tộc Bách Việt, thâu hóa được văn minh của họ, hòa đồng với nhiều văn minh khác xây dựng nên một nước Trung Hoa vĩ đại và đa tạp như ngày nay.

Sự chứng minh này không phải để so bì hơn kém, càng không có ý chia rẽ chủng tộc mà chỉ muốn nói lên cái gốc tích thực sự, cái dòng dõi chân chính của dân tộc mình, đồng thời chuẩn bị tài liệu cho một hội nghị quốc tế về nguồn gốc văn minh Việt Nam có thể được triệu tập trong tương lai.

Ai trong chúng ta cũng biết, muốn tìm hiểu nguồn gốc dân tộc Việt Nam, không thể không nói tới nguồn gốc con người. Phần viết dưới đây chủ yếu căn cứ vào những khám phá mới nhất của di truyền học DNA để tìm hiểu về nguồn gốc người Hoa và loài người nói chung, rồi từ đó suy ra nguồn gốc người Việt chúng ta.

KHÁM PHÁ MỚI VỀ NGUỒN GỐC NGƯỜI Á ÐÔNG QUA DI TRUYỀN HỌC CỦA NHÀ BÁC HỌC J.Y. CHU

Chỉ mới chưa đầy hai năm tính đến nay, một khám phá mới của nhà bác học J.Y. Chu cùng 13 đồng nghiệp khác tại các trường đại học và viện nghiên cứu lớn nhất ở Trung Hoa đã công bố một nghiên cứu thành công về Di truyền học DNA mang tên Genetic Relationship of Population in China, đăng trong Tạp chí Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia của Hoa Kỳ (The Nation Academy of Sciences - USA - Vol.95, issue 20, 1763-1768, 29 tháng 7, 1998).

Báo cáo này khẳng định nguồn gốc của người Trung Hoa, và nói chung, người Ðông Á là do giống người ở Ðông Nam Á di lên. Những người này có gốc gác từ Phi Châu đã di đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á từ nhiều năm trước. Riêng ở phía Bắc Trung Hoa ngày nay, những người này vào khoảng cả chục ngàn năm sau lại lai giống với người cũng từ Phi Châu di qua theo đợt sau nhưng đi theo ngả Âu Châu và Trung Á mà người ta đồ chừng nhiều lắm là khoảng 15.000 năm trở lại đây, sau đợt tan băng hà cuối cùng. Sự phát minh này đã được những nhà sinh học và nhân chủng học hàng đầu của nhân loại phụ họa và bổ túc (Cavalli - Sforza L. Alberto Piazza, 1998, Li Yin 1999) khiến nguồn gốc nhân loại Ðông Phương, trong đó có Trung Hoa và Việt Nam có thể coi như đã được khẳng định.

Xin Quí vị độc giả đọc trong số này bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Ðức Hiệp tường trình báo cáo khoa học của GS. Chu. Ở đây, chúng tôi chỉ xin Quí vị cùng chúng tôi lược qua lý thuyết về sự thay đổi cấu trúc di truyền DNA; rồi kiểm chứng lại phát minh của ông Chu bằng khảo cổ học và cổ nhân chủng học đã từng được công bố; từ đó có thể chiếu rọi vào các thuyết nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam ngõ hầu có thể chấm dứt mọi tranh cãi về vấn đề tối quan trọng có thể dùng làm căn bản cho mọi hoạt động văn hóa của chúng ta sau này.

VÀI NÉT VỀ THUYẾT THAY ÐỔI CẤU TRÚC DI TRUYỀN DNA

Các nhà khoa học đều đồng ý đây là thuyết quan trọng nhất có thể thay đổi bộ mặt nhân loại kể từ đầu thiên niên kỷ thứ ba này. Người ta đã nói đến thuyết này từ lâu nhưng việc chứng minh được về phương diện khoa học của thuyết này mới được thực hiện trong những ngày rất gần đây.

Xin hãy lấy ngày 22-2-2000, ngày mở đầu Hội nghị về Kỹ thuật Vi-Kính trong Sinh học (Optics Within Life Sciences) tổ chức ngay tại bãi biển Coogee, thành phố Sydney (Úc Ðại Lợi) làm khởi điểm thảo luận. Trong hội nghị này, nhà nữ bác học S. Kornilova, Trưởng đoàn nước Ukraine, trước kia thuộc Liên Bang Sô-viết, đã báo cáo về ảnh hưởng của phóng xạ nguyên tử đối với sinh vật tại Chernobyl nơi trước kia là địa điểm một lò nguyên tử của Nga đã bị dò làm phóng xạ thoát ra ngoài. Phóng xạ này khiến các nhiễm sắc thể vỡ ra nhiều mảnh vụn nhẹ cỡ 5.105 Dalta. Những mảnh vụn DNA này thường ở tình trạng thối rữa mang nhiều di tố 6-C gấp nhiều lần hơn bình thường, đồng thời các khoáng chất (sắt, đồng, măng gan, kẽm, chì ...) lại tăng lên rất nhiều. Cái đáng sợ nhất là tình trạng này đã tăng lên theo tuổi tác các sinh vật (trong đó có người) đồng thời di truyền cho thế hệ sau với mức tăng trưởng cao hơn gấp bội. Các sinh vật nói chung và con người nói riêng mai hậu tại vùng này sẽ biến thể như thế nào còn là điều người ta phải theo dõi thêm mới khẳng định được! Phải chăng rồi sẽ có những loại người khổng lồ như khủng long hay dị dạng như người hành tinh ? (Tất nhiên theo giả tưởng của khoa học).

Ðiều quan trọng hơn nữa là người ta đã chứng minh được bằng khoa học chứ không phải chỉ bằng lý luận và linh cảm như trước kia, rằng ngoài phóng xạ nguyên tử, cấu trúc di truyền cũng có thể thay đổi theo luật tự nhiên mà trước kia được hình dung qua cụm từ đột biến di truyền. Sự đột biến di truyền này khoa học ngày nay gọi là SPONTANEOUS POINT OF MUTATION, có thể xẩy ra vì nhiều nguyên do mà 4 nguyên do sau đây cần được lưu ý :

1.- Ðột biến di truyền do độc chất đưa đến ung thư (carcinogens) như chất formaldehyde gây ra.
2.- Ðột biến di truyền vì nhiễm khuẩn.
3.- Ðột biến di truyền do tia cực tím của mặt trời.
4.- Ðột biến di truyền do sơ xuất của bộ máy tuần hoàn trong quá trình phân sinh tự tạo thường xảy ra ở hai vùng có di tố purine và pyridine. (GS. Võ Thanh Liêm, Ðại Học Monash, Báo Việt Luận, số 1460 ngày 11-3-2000).

Xin nói ngay, những hiểu biết trên, nhân loại cũng chỉ mới khám phá ra trong những năm gần đây. Muốn hiểu rõ hơn, đúng ra cần phải phân biệt khái niệm về di truyền với kỹ thuật di truyền (genetic engineering hay gene technology).

Về khái niệm di truyền, từ năm 1665 Robert Hooke là người đầu tiên đã dùng từ tế bào (cells) để diển tả cấu trúc của đối tượng ông quan sát dưới kính hiển vi thô sơ của ông. Năm 1943 cụm từ DNA (DEOXYRIBO NUCLEIC ACID) đã được dùng lần đầu để chứng minh có sự di truyền trong loài vi khuẩn, nhưng đến năm 1951 Rosalind Frannklin mới cung cấp được dữ kiện về sự cấu trúc của DNA. Khởi điểm của kỹ thuật di truyền có thể kể từ năm 1953 khi James Weston và Francis Crick mới đặt thành định đề cấu trúc di truyền DNA trong 23 cặp vòng xoắn nhiễm thể chromosomes - cấu trúc của con người hiện đại. Phải bước vào thập niên 80, kỹ thuật di truyền mới bắt đầu phát triển với kỹ nghệ sản xuất insulin (1980), với giải thưởng Nobel Hòa Bình trao cho Barbara Mc Clintock về công trình khảo cứu tính di động của genes, (1983) tiếp theo là nhiều thành tựu của thay đổi cấu trúc di truyền từng bước đạt được do tiến bộ của kỹ thuật di truyền thay DNA bằng cách chuyển đổi genes. Nhưng việc làm chủ được kỹ thuật di truyền đủ để con người có thể đoạt quyền tạo hóa trong việc tạo ra muôn loài, tăng khả năng phát hiện được nguồn gốc loài người, thì, như trên đã nói, nhân loại mới đạt được trong những năm rất gần đây mà thôi.

Một câu hỏi cần làm cho rõ nghĩa là : vậy kỹ thuật di truyền (genetic engineering) là gì ? Xin đọc định nghĩa sau đây của một cơ quan giáo dục và di truyền Úc : "Những tế bào của mọi động vật cũng như thực vật đều chứa yếu tố DNA, ví như một bảng thiết kế cho cuộc sống được lưu truyền từ đời nọ qua đời kia. DNA tạo nên gene và chính các genes đã mang tín hiệu làm cho muôn loài từ thực vật, động vật đến con người có được cái sắc thái đặc biệt như mắt xanh, da nâu ... DNA có thể bị thay đổi bằng cách chuyển đổi các genes giữa muôn loài khác biệt nhau. Thí dụ : ta có thể cấy một gene từ loài cá sống ở biển Bắc Atlantic vào một cây dâu khiến cây dâu này có thể sống trong băng lạnh.

Thay đổi những genes đặc biệt với mục đích thay đổi một loại động vật hay thực vật nào đó theo phương cách đặc biệt thì được gọi là kỹ thuật di truyền vậy"

("The cells of all plants and animals contain DNA; its like a blueprint for life, which is passed from generation to generation DNA is made up of genes, and its the genes that carry the information which make plants, animals and humans have specific charcteristics such as green eyes or brown skin ... DNA can be changes by transferring genes between and within defferent living things - you might, for example, try putting a gene from a fish that lives in the vary cold seas of the North Atlanitc into a strawberry, so it can survive a frost.

Changing specific genes in order to change a plant or animal in a particular way is known as genetic engineering or genetic modification" - Choice Magazine, Feb. 1997, published by Australian Consumers Association)

Trong kỹ thuật di truyền niên đại đáng ghi nhớ là năm 1997 khi nhà bác học IAN WILMUT tại Viện Roslin Institute ở Tô Cách Lan đã chế ra "con cừu DOLLY" bằng phương pháp phân sinh tế bào (clone).

Rồi tháng 1 năm nay 2000, Ðại học Texas (USA) đã chế tạo thành công một cấu trúc DNA hoàn toàn nhân tạo.

Chính những khám phá kể trên đã phá vỡ được điểm bế tắc mà kể từ Darwin (The descent of Man - London 1874), ông tổ của thuyết TIẾN HÓA chỉ có thể lý luận được bằng lý thuyết chứ chưa chứng minh được bằng khoa học về câu hỏi : làm thế nào mà người vượn (Homo-Erectus) lại có thể biến thành người hiện đại (Homo-Sapiens) như chúng ta ngày nay ? Ðiểm này sẽ được trình bày trong những dòng sau khi ta bàn đến:

SƠ LƯỢC VỀ THUYẾT TIẾN HÓA VÀ NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI

Thuyết này chủ trương con người cũng như muôn loài trên trái đất đều từ một đơn bào phát sinh cách nay khoảng 1 tỷ rưỡi năm biến đổi sinh thành. Riêng ông tổ trực tiếp của loài người đều được các nhà nhân chủng cho là từ một giống người vượn đi thẳng bằng hai chân tên khoa học là Homo-Erectus biến hóa dần mà ra. Như ta đã biết (Ts TƯ TƯỞNG số 4 - Văn Hóa Ðông Sơn, trang 15) dấu vết người vượn hay còn gọi là Linh Trưởng cho đến nay tìm được, xưa nhất là ở Ðông Phi Châu. Người ta chia làm ba loại :

- cổ nhất thường được gọi là người Viễn Cổ (Proteo-anthropus) từ 1 triệu năm trở về trước (dấu chân người vượn homonid có thể cách đây đến 3 triệu rưỡi năm!).
- cổ thứ nhì thường được gọi là người Thái Cổ (Arche-anthropus) có từ 100.000 năm đến 1 triệu năm.
- cổ thứ ba được gọi là người Thượng Cổ (Paleo-anthropus) từ khoảng 40.000 năm đến hơn 100.000 năm trở về trước.
- sau hết là người Hiện Ðại (Neo-anthropus) là mẫu hình nhân loại ngày nay tên khoa học là Homo- Sapiens-Sapien xuất hiện cùng một loạt ở nhiều nơi mà khảo cổ tìm thấy xương cốt cách đây trên dưới 40.000 năm. Hai trung tâm tìm thấy người Hiện Ðại đầu tiên là Ðông Nam Á (Hang Nia) và Tây Á.

Một câu hỏi cần đặt ra là : có phải người Vượn Homo-Erectus từ hơn hai triệu năm trước đã tuần tự tiến hóa để trở thành người hiện đại như ngày nay không ?

Các nhà nhân chủng học hình như đã không có cùng một câu trả lời cho vấn đề này.

Người đồng ý với thuyết chủ trương từ người Vượn Phi Châu (Autralopithecus) đã chuyển thành người Hiện Ðại chỉ theo một tiến trình Sapiens hóa duy nhất là nhà sinh học nổi tiếng Weidenreich F. [On the Earliest representatives of modern mankind recovered on the soil of East Asia (Peking, Not.Hist. Bul. XIII, 1939) - A skill of Sinanthropus pekinensi (A comparative study on a primitive minid skill - Palacotologia Simica - No. 10, 1943) - The Kellor Skull : Anr. jown. of Physic Anthropology 3, 1, 1945]

Nhưng phần lớn những nhà nhân chủng khác đều cho rằng tiến trình này chỉ bắt đầu từ người Thượng Cổ (Paleo-Anthropus) mà bỏ đi hai loại Thái Cổ và Viễn Cổ, với lý do hai loại người Vượn quá xưa này có bộ óc quá nhỏ (dung tích não dưới 1000 cm3) không thể cùng một chủng loại với loài người được (não phải từ 1000 cm3 đến 2000 cm3) [Dobzhansky T. (Mankind Evolution - New Haven - London, Yale Uni. Press. 1962); Coon C.S. (The Origins of Races 1963)]. Nói một cách khác, ông tổ trực tiếp của người Hiện Ðại là người Thượng Cổ rõ hơn chỉ từ người Thượng Cổ (Paleo-anthropus) mà ra.

Ngay cả với loại người vượn Homo Erectus thượng cổ này (Paleo-Anthropus) không phải tất cả đều tiến hóa thành người Hiện Ðại. Có những loại như người Neanderthal rất phổ thông ở Âu Châu (đến nay tìm thấy được hàng trăm di tích có xương cốt loại người này) đã phát triển cách đây 150.000 năm rồi bỗng tự tiêu diệt cách đây khoảng 50.000 năm, như nhiều loài động vật khác thời đó. Giống người này có bộ óc khá phát triển (1550 cm3 so với người hiện đại bộ não trung bình là 1400 cm3). (Boule M & Vallois H. - Les hommes sossiles - Paris 1952) và như vậy người Neanderthal không phải là tổ tiên của người Châu Âu ngày nay. Di truyền học DNA xác nhận kết luận của khảo cổ học kể trên là đúng. (Krings M. & al Neanderthal DNA Sequences and the Origins of modern humans - Cell. Vol. 90. pp. 7719-7724, 1997).

Xem chừng chỉ có một loài linh trưởng qua được cái cầu thay đổi cấu trúc di truyền mà trước kia được gọi là đột biến di truyền và bước nhẩy biện chứng. Muốn hiểu tại sao thì trước hết ta phải trả lời được hai câu hỏi căn bản nữa là :

1 - cấu trúc di truyền của người vượn và người hiện đại khác nhau như thế nào ?
2 - Nếu loài người đã sinh ra từ một nguồn duy nhất mà nhân chủng học ngày nay thường gọi là từ một "bà Mẹ Phi Châu", thì tại sao con người lại kẻ da trắng tóc hoe như người Âu Châu ? Kẻ da vàng tóc đen như người Á Châu ? Kẻ da đen tóc xoắn như đa số người Phi Châu và Hải đảo Thái Bình Dương ?

Về câu hỏi thứ nhất :

Người ta biết được rằng con người hiện đại như chúng ta ngày nay có 23 cặp vòng xoắn nhiễm thể (chromosomes) trong khi người vượn có những 24 cặp, trong đó chỉ có 5 cặp là giống người hiện đại. Do đó, trước kia, bằng lý luận và bằng linh cảm các nhà nhân chủng học đã đoán biết được người vượn đã tiến hóa để trở thành người hiện đại phải vượt được cái cầu thay đổi cấu trúc di truyền. Nhưng thời đó khoa di truyền học chưa tiến bộ nên người ta chỉ có thể lý luận có tính cách triết học là sự thay đổi này phải có nhờ bước nhẩy biện chứng : Các học giả thời ấy giả thiết khi những biến chuyển nhỏ về lượng tích lũy đến một mức nào đó có thể gây những biến đổi về chất. Trả lời như vậy là chưa thỏa đáng, không thể làm vừa ý những người đắm mình trong tinh thần khoa học, thường được mệnh danh là khoa học chính xác trước đây.


Ngày nay nhờ tiến bộ của khoa di truyền như trên đã nói, người ta hiểu, ngoài thay đổi vì phóng xạ, có thể có thay đổi cấu trúc di truyền DNA theo luật tự nhiên vì những nguyên do khoa học, như trên đã trình bày.

Vậy thì, trong các loại người vượn, đã có một loại, ở Phi Châu, hội đủ được những yếu tố khoa học để thay đổi được cấu trúc di truyền của luật Spontaneous Point of Mutation này, chuyển được DNA (translocation) của loài Homo-Erectus thành DNA của loài Homo-Sapiens mà thành người hiện đại. Việc này xẩy ra chỉ mới khoảng 100.000 năm cách ngày nay (tối đa là 200.000 năm). Vậy di truyền học DNA đã chứng minh thuyết các nhà nhân chủng học chủ trương chỉ riêng người vượn Thượng Cổ (Paleo-Anthropus) đã chuyển hóa thành người Hiện Ðại là đúng.

Về câu hỏi thứ hai :

Con người Homo-Erectus từ Phi Châu dần dà đã phân bố đi các nơi theo nhiều đợt qua nhiều giai đoạn khác nhau : đợt qua Á Châu trở thành người da vàng tên khoa học là Mongoloid, đợt qua Âu Châu trở thành người da trắng Europoid và đợt xuống Nam Phi Châu và qua hải đảo trở thành người Negro-Australoid. Những người này có vóc dáng mầu da, ánh mắt, râu tóc ... khác nhau. Tại sao ?

Trước kia, câu trả lời của các nhà nhân chủng học là : vì ảnh hưởng của môi trường sinh sống (môi sinh). Ðiều này có thể hiểu theo hai nghĩa :

- nghĩa thứ nhất : môi sinh được coi là yếu tố ngoại tại,
- nghĩa thứ hai : môi sinh khi thâm nhập vào cơ thể con người dần dần đã biến thành yếu tố nội tại của con người đó.

Theo nghĩa thứ nhất : con người được dinh dưỡng tốt, có khí hậu tốt thì có thể cao lên, to ra; sống tại nới quá nóng hay quá nhiều ánh sáng mặt trời thì da có thể đen hơn; sống ở nơi môi sinh khác hẳn như người Mongoloid qua eo Bering sang Mỹ Châu, da đỏ hơn, to lớn hơn ... Nhưng sự thay đổi hình dáng vì môi sinh như vậy cũng chỉ có thể đến một chừng mực nào đó. Không thể cùng một nguồn gốc hay cùng một mẹ mà kẻ da trắng mũi lõ, người da vàng mũi tẹt, người lại da đen tóc xoăn quắn. Dùng môi sinh theo nghĩa này để giải thích hiện tượng con người cùng một gốc mà vì ảnh hưởng của môi sinh đã biến thành người da trắng (Europoid) ở Âu Châu, da vàng (Mongoloid) ở Á Châu hay da đen (Negro-Australoid) ở Hải Ðảo Thái Bình Dương và các vùng khác ở Phi Châu thì có vẻ không ổn vì không đúng với khoa học và thực tế.

Nhưng nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, vấn đề lại khác : môi trường đặc biệt có thể đưa vào cơ thể con người những yếu tố đặc biệt (như các vi khuẩn, tia cực tím do ánh sáng mặt trời, các chất độc, các khoáng sản đặc biệt ... ) khiến con người khi hội đủ yếu tố có thể có sự đột biến di truyền tự nhiên mà khoa học ngày nay gọi là spontaneous point of mutation. Trong trường hợp đó nhiễm sắc thể DNA trong gene sẽ làm con người thay đổi đi về hình dáng, màu da, râu tóc, sức khỏe, tật bệnh, cả về thông minh và có thể về tác phong thiên hướng của con người như nghiện rượu, đa sát ... nữa. Cái nhiễm sắc thể DNA này, một khi đã lập thành sẽ tồn tại vĩnh viễn trong con người và di truyền mãi mãi cho các thế hệ về sau.

"Genes contain the information necessary for our bodies to grow, develop and formation. Genes are made of the chemical DNA (Deoxyribosenucleic acid) which is the basic material of heridity. Genes provide the information for the cells in the form of a chemically codes "message", knows as the genetic code". (Fact Sheet No14 - NSW Genetic Educ. prog.)
và :

" - all yours DNA is in nearly every cell in your body.
- it influences things that make up personal identify ; height, build, shin colour, intelligence and possibly propensity for some behaviours such as alcholism.
- your genetic make up stays with you all your life it cannot be changed" (Information paper No 5 - Sept 1996 - Privacy Commissioner Human Rights Australia)

Chính vì sự bất lực của khoa học trước kia không giải thích nổi các hiện tượng như cách giải thích của di truyền học DNA vừa kể trên nên thuyết tiến hóa từ một trung tâm duy nhất không đủ sức thuyết phục, nên nhiều tác giả, kể cả người viết những dòng này trước kia, đã phải tạm quay ra thuyết nhiều trung tâm, dựa vào thuyết Tiến hóa Ðộc lập Ða địa phương (Multiregional Evolution) để giải thích về sự xuất hiện của người hiện đại. Xin đừng vội dùng thuyết lai giống để giải thích hiện tượng này vì khởi thủy đã có giống da trắng, da vàng, da đen khác nhau đâu mà lai.

Tóm lại : tuy trước kia đã có rất nhiều lý thuyết có sức thuyết phục cao, nhưng trước khi có sự khám phá về thay đổi cấu trúc di truyền DNA mà, như trên đã nói, mới chỉ phát minh ít năm gần đây, mọi cuộc bàn cãi về nguồn gốc con người nói chung, về nguồn gốc một chủng tộc nào đó như chủng tộc Hoa, chủng tộc Việt nói riêng, chỉ có giá trị thuần lý thuyết.

Trong những bài viết trước đây, chúng tôi đã chứng minh bằng những chứng tích do khảo cổ học cung cấp, là con người đã từ phương Nam (Văn Hóa Hòa Bình) di lên phương Bắc và là căn cốt thành lập nên nước Trung Hoa, kể cả các nước Nhật Bản, Triều Tiên. Tuy nhiên, lúc đó chưa có được các bằng chứng về di truyền học nên người viết còn bi lấn cấn về bảng xương sọ có tính Hắc chủng mà các học giả Pháp gọi là người Malanesian, Indonesian, Nam Á, Australoid, và được tất cả các tác giả người Việt gần đây tuân theo như một chứng tích đầy quyền uy của khoa học. Tất cả những lấn cấn này, nay nhờ di truyền học đã được sáng tỏ. Và chúng ta thấy đã đến lúc cần phải duyệt xét lại tất cả các thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam từ trước đến nay cho phù hợp với tiến triển của khoa học ngày nay.

ÐÓNG GÓP CỦA GS. CHU & ÐỒNG NGHIỆP VÀO NGUỒN GỐC NGƯỜI ÐÔNG Á QUA THUYẾT DI TRUYỀN

Như trên đã nói, xin Quý vị độc giả đọc chi tiết về báo cáo khoa học của GS. Chu và các đồng nghiệp trong số này. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh vào ba điểm căn cốt như sau :

Ðiểm thứ nhất :

Công trình khảo cứu của GS.Chu phủ nhận người Trung Hoa đã tự sinh ra và phát triển độc lập trên đất Trung Hoa như nhiều nhà khảo cổ trước đây đã chủ trương đồng thời khẳng định gốc gác của người Trung Hoa từ Ðông Nam Á di lên.

[Trích Báo cáo GS. Chu :
"Nervetheless, genetic evidence does not support an independence origin of Homo-Sapiens in China. The phylogeny also suggested that it is more likely that ancestor of the populations currently residing in East China entered from Southeast Asia"].

Ðiểm thứ hai :

Người từ Ðông Nam Á di lên đó cũng không hẳn tự phát sinh ở Ðông Nam Á mà họ đã đến từ Phi Châu qua ngả Nam Á.

[Trích Báo cáo GS. Chu :
"In both phylogenies with different loci and populations from East Asia always derived from a single lineage, indicating the single origin of those populations ... It is now propably safe to conclude that modern humans originating in Africa constitute the majority of the current gene pool in East Asia"].

Ðiểm thứ ba :

Và, sau khi phối kiểm với kết quả của khảo cổ học như việc đo đạc xương cốt sọ mặt ... GS. Chu kết luận riêng người phương Bắc Trung Hoa sau khi đã từ Ðông Nam Á di lên sau lại lai giống với người từ Trung Á và Âu Châu di cư đến. (Có lẽ đây là tổ tiên của người Hoa Hán lập nên nhà Thương - Người viết ghi thêm).

[Trích Báo cáo GS. Chu :
"The northern populations were under strong genetic influences from ALTAIC populaitons from the North. But it is unclear how Altaic populations migrated to Northeast Asia. It is possible that ancestral Altaic pop. arrived there from middle Asia, or alternatively they may have originated from East Asia".

và :
"Therefore, it is likely that ancestors of Altaic speaking people originated from an East Asia population that was originally derived from South Asia, although the current Altaic-speaking populations undeniably admixed with later arrivers from mid-Asia and Europe"].

Như thế là đủ rõ.

Trong những bài viết trước, chúng tôi đã chứng minh người thuộc Văn hóa Hòa Bình Từ Ðông Nam Á mà điểm chính có thể từ Bắc Việt Nam đã di cư lên góp phần thành lập nước Trung Hoa. (TƯ TƯỞNG số 2 - Nguồn gốc dân tộc Việt Nam; số 3 - Biển tiến và Sự thuần hóa cây lúa nước; số 4 - Văn hóa Ðông Sơn). Nay thì di truyền học đã chứng minh không phải người Ðông Nam Á chỉ góp phần mà thực ra đã đóng vai trò chính, đã là tuyệt đại bộ phận của nhân chủng lập nên nước Trung Hoa. Ngay cả những người ở phía Bắc Trung Hoa cũng chỉ là người lai giữa giống từ Ðông Nam Á di lên với giống từ phương Tây (ngưới Âu?) di lại. Và việc đó cũng chỉ diễn ra nhiều lắm từ 15.000 năm trở lại đây mà thôi.

Sự khám phá của Gs. Chu và các đồng nghiệp đã được các học giả khắp nơi hưởng ứng. Nhiều học giả đã bổ khuyết thuyết của Ông Chu bằng những tham luận giá trị. Xin kể ra đây ba khuynh hướng đáng lưu ý nhất :

Khuynh hướng 1 : Trước hết, phải kể đến nhà di truyền học rất nổi danh vì đã đóng góp cho nhân loại nhiều công trình nghiên cứu giá trị là GS. Cavalli-Sforza. Ông đã chứng minh từ năm 1997 trước khi có sự công bố công trình nghiên cứu của GS. Chu là người từ Châu Phi đã đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á, rồi từ Ðông Nam Á họ đã chia hai ngả : một ra các hải đảo thuộc Châu Ðại Dương để trở thành những người mà sau này các nhà nhân chủng học gọi bằng nhiều tên như Malanesian, Indonesian, Australoid; và một ngược phía bắc lên Ðông Á rồi vượt eo Bering sang Mỹ Châu. (Cavalli-Sforza - genes, people & languages - Proc. Natl. Acad. Sci. - USA, Vol. 194 pp. 7719-7724, 1997). Câu hỏi cần được đặt ra là : Tại sao cũng từ Ðông Nam Á ra đi mà người ra hải dảo thì da sậm, tóc xoăn; trong khi người ngược phía Bắc lại thuộc da vàng, tóc đen? Cần phải có sự nghiên cứu về di truyền học và có thêm tài liệu khảo cổ để trả lời câu hỏi này cho xác đáng. Trong hoàn cảnh tài liệu hiện có, chỉ có thể giả thiết, người từ Phi Châu đến Ðông Nam Á rồi tiện đường (lúc này nước biển thấp nên có nhiều cầu nổi nối liền Ðông Nam Á đến hải đảo) ra hải đảo Thái Bình Dương trước. Trong khi trụ lại Ðông Nam Á, họ đã hội đủ các yếu tố khoa học để có được một sự thay đổi cấu trúc di truyền lần hai, biến từ giống da đen sang giống da vàng trước khi họ tiến lên phía Bắc. (Xin đọc lại đoạn trên về sự thay đổi di truyền DNA là nguyên nhân thay đổi vóc dáng, mầu da, mầu mắt, mầu tóc ...). Vậy phải chăng người Hắc chủng từ Phi Châu đến Ðông Nam Á rồi nhờ hội đủ yếu tố khoa học, đủ cơ duyên, đã biến đổi thành người da vàng mà sau này nhân chủng học gọi bằng tên Mongoloid. Từ đó họ đã tỏa lên phía bắc vượt sang Châu Mỹ tạo thành người Da Ðỏ. Một nhánh khác của Hắc chủng khi đến Âu Châu đợt sau đã nhờ thay đổi cấu trúc di truyền DNA mà thành Bạch chủng, sau này gọi là Europoid. Ðại chủng Vàng Mongoloid ở Á Châu, và Ðen Negro-Australoid ở Phi Châu và các hải đảo Thái Bình Dương, và Trắng (Europoid) ở Âu Châu nay lan sang nhiều nơi khác như Bắc Mỹ, Úc Châu ... là ba đại chủng chính của nhân loại ngày nay.

Khuynh hướng 2 : Ðến năm 1999, một học giả khác người Trung Hoa, GS. Li Yin, đứng đầu một nhóm khoa học gia về di truyền học (Ðại học Stanford) đã nghiên cứu cùng một vấn đề trên. Báo cáo của ông củng cố thuyết của ông Cavalli-Sforza mà còn chi tiết thêm thuyết con người có gốc duy nhất từ Phi Châu đã di cư đi các nơi khác qua ba đợt như sau :

Ðợt 1 : Từ Phi Châu đến Nam Á rồi xuống Châu Ðại Dương.
Ðợt 2 : Từ Phi Châu đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á; rồi từ Ðông Nam Á chia hai ngả, một đến các hải đảo Thái Bình Dương, một ngược lên phía bắc đến Ðông Á và Bắc Mỹ.
Ðợt 3 : Từ Phi Châu đến Tây và Trung Á rồi từ đó chia hai : một nhóm đi lên Âu Châu rồi qua Bắc Mỹ; một nhóm đi qua Nam Á và vào Bán đảo Ấn Ðộ. Kết quả về di truyền của GS. LiYin về sự di cư của người Phi Châu thực ra cũng không khác nhiều với thuyết di cư do các nhà nhân chủng học mà tiêu biểu là Charles Higham đã vẽ ra bản đồ từ năm 1996 (Li Yin & N. - Distribution of halotypes from a chrosmosomes 21 Region-distinguishes multiple prehistoric human migrations - Proc. of Natl. Acad. Sci. - USA, Vol. 96 pp. 3796-3800, 1999).

Khuynh hướng 3 : Một tác giả nổi tiếng khác ủng hộ và làm sáng tỏ thêm kết quả nghiên cứu của GS. Chu là GS. Alberto Piazza ở Ðại học Torino, Ý Ðại Lợi, ông nhắc lại ba mô hình được các học giả trước đây đưa ra về nguồn gốc người Trung Hoa là :

Mô hình 1 : Chủ trương nguồn gốc người Trung Hoa ở Hoa Nam là từ Hoa Bắc di xuống rồi hợp chủng với những người Australoid đã có sẵn ở đó.
Mô hình 2 : Chủ trương ngược lại cho người Hoa Nam đã di cư lên Bắc và người phía Bắc Trung Hoa chỉ là hậu duệ của người Phương Nam di cư lên.
Mô hình 3 : Chủ trương hai giống người ở Hoa Bắc và Hoa Nam tiến hóa và phát triển độc lập với nhau qua ba trung tâm chính Yang-Shao, Ching Lien Khang và Ta-Pen-Keng.

Ông kết luận : mô hình thứ hai (Bắc là hậu duệ của Nam Trung Hoa), người phương Bắc có sau và do từ người phương Nam di cư lên sinh ra, phù hợp với các dự kiện về di truyền học theo khảo cứu của GS. Chu và đồng nghiệp hơn. Những sự nghiên cứu khác dù về di truyền (Cavalli-Sforza), hay về khảo cổ như nghiên cứu về răng (Turnen C. G.); về sọ ( Hanihara T.) của người cổ ở Trung Hoa cũng hậu thuẫn cho mô hình hai này. (Alberto-Piazza - Human Evolution : Towards a genetic history of China - Proc. of Natl. Acad. Sci. - USA, Vol 395, No 6707, 1998).

Trước khi kết luận bài viết này, chúng tôi có ý định lược duyệt các thuyết đã có về Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam và trình bày những ưu khuyết điểm của chúng trước khi đưa ra kết luận chung cuộc cho vấn đề. Nhưng viết đến đây tôi thấy việc làm này cũng không cần thiết nữa. Chung qui thì những thuyết về nguồn gốc dân tộc ta từ trước đến nay, dù do người ngoại quốc viết, dù do người Việt Nam viết cũng chỉ qui về hai mô hình như đã trình bày ở phần mở bài : mô hình 1 căn cứ vào văn bản chủ trương người Việt là hậu duệ của những người từ phương Bắc di cư xuống; mô hình 2 căn cứ vào bảng tỷ lệ xương sọ thời Ðồ Ðá Mới do người Pháp thành lập trước kia và mới được bổ túc vào thập niên 60, chủ trương người Việt là hậu duệ những người thuộc Hắc Chủng từ Hải đảo Thái Bình Dương di vào sau phối hợp với những người Mongoloid từ phương Bắc di cư xuống mà thành. Tất cả những khảo cứu về di truyền học DNA , như vừa trình bày ở trên, đều khẳng định cả hai mô hình trên là sai, là ngược lại với sự thực. Người viết, bằng vào những kết quả mới nhất của khảo cổ học về thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, về sự thuần hóa lúa nước ... cũng đã chứng minh những thuyết ấy là sai sự thực (Tập San TƯ TƯỞNG số 1, 2, 3 và 4). Những chứng minh này hổ trợ cho các kết luận về di truyền học như vừa kể. Chúng tôi sẽ trình bày các sưu khảo khác về đồ gốm, về ngôn ngữ, văn tự, về các phong tục tập quán, nói chung về văn hóa, tất cả đều chứng minh tộc Bách Việt đã có trước và di cư lên phía Bắc để lập ra nhiều nước khác nhau trước khi thống nhất dưới bạo lực của nhà Tần thành nước Trung Hoa như ngày nay. Văn hóa Việt cũng đã có trước rồi sau này tiến hóa thành văn hóa Hoa ăn khớp nhịp nhàng với kết luận của các khảo cứu về di truyền học vừa được công bố trong vài năm gần đây.

Thuyết của GS. Nguyễn Khắc Ngữ cũng như các GS. Ðại Học Hà Nội về người Hắc chủng ở hải đảo vào lai giống với người Mongoloid là tổ tiên của người Việt ngày nay và thuyết của các học giả Pháp và các học giả người Việt lớp cũ từ Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư đến Ðào Duy Anh, Trần Trọng Kim ... nói về nguồn gốc người Việt là hậu duệ của người từ phương Bắc xuống phải được đảo ngược lại mới đúng với sự thực.

Người viết xin kết luận bài này với lòng mong ước những nhà di truyền học Việt Nam, trước hết xin bổ khuyết cho phần viết của chúng tôi liên quan đến di truyền học DNA trong những dòng viết ở trên để những tài liệu này được hoàn chỉnh hơn. Thứ nữa, nếu có thể được, xin sớm thực hiện một cuộc khảo cứu về di truyền học DNA cho người Việt Nam, như trường hợp GS. Chu và đồng nghiệp của ông vừa thực hiện đối với người Trung Hoa ngỏ hầu có thể khẳng định và làm rõ rệt thêm rằng người Hòa Bình, đã di cư từ Châu Phi đến, nhưng đã trụ ở Ðông Nam Á và nhờ đó đã có một sự chuyển hóa di truyền lần thứ hai tại đây nhờ những thay đổi về DNA trong nhiễm sắc thể khiến từ người da đen gốc Châu Phi dã chuyển hóa thành da vàng Châu Á trước khi di cư lên phía Bắc. Nhờ vậy Ðông Nam Á (trong đó có Việt Nam) trở thành cái nôi người da vàng cổ nhất của nhân loại tại phần đất không những ở Ðông Nam Á mà ở cả toàn cõi Châu Á vậy.

CUNG ÐÌNH THANH
(Viết tại Sydney, Nam Bán Cầu,
nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
10 tháng Ba năm Canh Thìn
14/4/2000)