Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn

13/07/2012 16:45
(VTC News) - Mới đây, bên ấm trà đậm hương Việt, các nhà nghiên cứu cổ sử Việt Nam, trầm ngâm kể về một người, mà họ tôn vinh là triết gia bị quên lãng của nước Việt. Người ấy dành cả cuộc đời nghiên cứu cổ sử Việt, viết tới 46 đầu sách, chỉ để khẳng định rằng, nền minh triết Việt đã có từ mấy ngàn năm trước, trước cả người Trung Hoa. Chuyện này thật lạ!

Người Việt là một phần của cái nôi nhân loại

Người ấy là giáo sư Lương Kim Định, người trọn đời chỉ làm một việc, ấy là giải mã những thông điệp của người xưa, để tuyên bố với thế giới rằng, người Việt không phải là một dân tộc nhỏ bé, nước Việt cũng là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại.

Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn
Cố GS. Lương Kim Định. 

Cố GS. Lương Kim Định sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Từng giảng dạy ở Việt Nam. Sau này, ông du học sáng Pháp, rồi Mỹ. Mấy chục năm sống ở nước ngoài, nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu cổ sử Việt. Ông đã chứng minh cho thế giới này hiểu rằng, nền triết lý Việt đã có từ rất lâu đời, thậm chí có trước cả Trung Hoa.

Bằng những nghiên cứu của mình, ông khẳng định tổ tiên người Việt chính là người Viêm Việt. Dân tộc này vốn ngự trị ở giữa vùng châu thổ sông Dương Tử và đã làm nên văn hóa Việt Nho, một nền văn hóa tinh thần, lấy nhu thuận là cốt lõi, đại biểu cho văn minh nông nghiệp.

Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn
Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cũng từng chứng minh Kinh Dịch là của người Việt qua bãi đá cổ Sapa. 

Sau này, bộ tộc du mục, ấy là người Hoa, đã tràn từ phương Bắc xuống. Họ mang tinh thần võ biền, đàn áp, đẩy người Viêm Việt xuống phía Nam. Người Viêm Việt di tản đến khắp vùng Đông Nam Á rồi phân hóa thành nhiều chủng tộc khác nhau.

Luận thuyết này được ông đưa ra từ rất lâu rồi, nhưng chẳng ai thèm đếm xỉa. 45 năm sau khi ra đời luận thuyết của ông, khi khoa học hiện đại phát triển, ngành khảo cổ nghiên cứu qua nhiễm sắc thể (ADN), đã chứng minh rằng, dân cư Đông Nam Á xuất phát từ một chúng tộc khác người Trung Nguyên. 

Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn

Theo bản đồ di dân qua nhiễm sắc thể, được các nhà khoa học thế giới công nhận, thì con người hiện đại Homo Sapien, đã xuất phá từ châu Phi đi khắp thế giới. Một nhánh người đi qua Tây Tạng, một nhánh qua Bắc Mông Cổ, gặp nhau ở châu thổ Hoàng Hà, lập ra nền văn minh Trung Nguyên, khởi thủy nền văn hóa Trung Hoa bây giờ.

Một nhánh di chuyển theo ngả Ấn Độ, dừng lại ở châu thổ sông Hồng, và lập ra nền văn hóa Hòa Bình (20.000 – 5.000 năm TCN). Từ đây, họ di cư lên phương Bắc, đến tận sông Dương Tử, ra tận biển, định cư ở các đảo Đài Loan, Nam Dương, Mã Lai.

Lương Kim Định nhìn thấy Việt triết sống động trong đời sống hàng ngày của dân tộc. Nó là những nếp sống, những tư tưởng nằm trong tiềm thức được thấm nhuần qua tiếng nói, ca dao, lời ru, phong tục. Việt triết được thể hiện và phát huy qua những bước chân âm thầm của các bà mẹ Việt, những người bố Việt trên những nẻo đường mòn của dân tộc trong bao thế hệ. 

Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn
Trống đồng là báu vật của người Việt. 

Theo nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, từ những phát hiện này, cùng hàng ngàn chứng cứ mà ông nêu trong các cuốn sách của mình, ông khẳng định rằng, người Việt đã xây dựng một nền văn hóa nông nghiệp Việt nhân bản và minh triết, mà ông gọi là Việt Nho.

Người Hoa đã học rồi thể chế thành kinh điển, đồng thời cũng làm sa đọa Việt Nho theo tư tưởng của văn minh du mục Mông Cổ.

Từ chứng lý rất mong manh, GS Lương Kim Định cho rằng, chính người Việt là chủ nhân của kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc... Không những thế, tiếng Trung Hoa và cả chữ vuông Hán ngữ cũng là của người Việt!

Đề xuất của GS. Lương Kim Định quả đã gây chấn động, như sấm giữa trời quang khiến những đầu óc yếu đuối hoảng hốt và chống trả ông quyết liệt.

Triết Việt trên trống đồng

GS. Lương Kim Định gần như cả cuộc đời nghiên cứu chiếc trống đồng của người Việt. Tinh hoa văn hóa của người Việt đều dồn tụ vào những hình ảnh trên mặt trống. Ông nhìn thấy cả lịch sử Việt, văn hóa Việt, triết lý Việt trên chiếc trống đó.

Theo GS. Định, những hình người có cánh trên mặt trống đồng đại diện cho Mẹ Tiên, còn hình ảnh vòng ngoài vận hành ở tang trống chính là Rồng Cha. Mẹ Tiên và Rồng cha hợp nhau biểu thị đất trời hòa hợp, là thứ minh triết uyên bác xa xưa.

Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn
Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn
Mặt trống đồng biểu trưng của nguyên lý thống nhất từ vũ trụ. 

Nét dọc tang trống là Trời, nét ngang là mặt trống là Đất. Hai thứ ấy làm nên thực thể gọi là nhạc khí vũ trụ.

Vũ trụ thể hiện kích thước bao la của trời với đất. Cuộc hòa âm này chiếu giải lên toàn thân trống, tả lại một xã hội hạnh phúc tưng bừng đang ca múa gồm cả trời (mặt trời), đất (thuyền rồng, các con vật) và cả người.

GS. Lương Kim Định đã giành cả cuốn sách chỉ để mô tả triết lý Việt trên chiếc trống đồng. Đã có vô vàn phát hiện thú vị của ông. Thậm chí, những con số cũng đều theo quy ước bí ẩn của văn hóa cổ. 

Mặt trời ở giữa mặt trống thay cho trời làm trung tâm lan tỏa sức sống. Mặt trời tỏa ra 14 tia sáng. Rồi đến các vòng ngoài đều chia ra 2 bên chẵn lẻ.

Bên chẵn thì trên nóc nhà có 2 con chim, 6 người, đàn chim 4 cặp. Bên lẻ thì trên nóc nhà có 1 con chim, đoàn người 7, đàn chim 3 cặp. Vòng ngoài cùng chia làm 4 chỉ 4 chiếc hoa quỳ 9 cánh: 4x9=36, cũng có thể chỉ 4 phương. Nhưng mặt trời ở giữa, còn gợi ra suy nghĩ là bông hoa. 

Người cả đời tìm triết lý trên trống đồng Đông Sơn
Mặt trống đồng chính là bộ sử hạnh phúc loài người. 

Hoa quỳ lại có 9 cánh. Số 9 là tiên thiên của huyền sử, dân Lạc Việt lấy số 9 làm quan trọng, nhân với 2 thành 18. 18 chim to, 18 chim nhỏ. Số 18 là huyền số như: 18 ngàn năm Bàn Cổ, 18 đời Hùng Vương, 18 thước cao của ngựa Thánh Gióng...

Từ những hình ảnh trên trống đồng, đã hiện ra đời thực. Trên các đình làng Việt Nam thể hiện rõ nhất triết lý đó. Ðình là cái nhà có ba tầng kiểu nhà sàn: Nóc có chim đậu chỉ trời, người ở sàn giữa, bên dưới là đất. Trong đình cũng có 3 tầng như vậy, tức gồm cả tế tự cho trời, hành chính chia ruộng đất, còn người thì vui sống đình đám chơi xuân. 

Điều đặc biệt, là cả trên trống đồng và đình làng Việt, đều thể hiện vạn vật giao hòa, trời và người là một, chẳng có gì tục với thiêng mà phải riêng rẽ. Cuộc sống đời thường luôn tưng bừng đình đám, chấp nhận mọi sinh thú ở đời. 

Từ hình ảnh trên trống đồng, có thể thấy cuộc sống sinh động của người Việt xưa. Người Việt có hàng trăm điệu hò, điệu múa, nào là múa sinh tiền, múa sắc búa, múa chai, múa trống, múa đèn, múa dậm, múa bông lau...

Rồi các trò đua thuyền, kéo chữ, đánh cờ người, rối nước, rối cạn… Đó là những cuộc vui bất tận tỏa ra khắp cả nước. Chỉ có một thứ văn hóa, ấy là văn hóa toàn dân, không hề có chiến tranh tôn giáo hay ý thức hệ. Hơn 50 sắc dân thiểu số với những tín ngưỡng rất khác nhau, mà vẫn sống bên nhau suốt bao nhiêu ngàn năm hạnh phúc. 

Đó chính là nét đặc sắc của nền văn minh Lạc Việt, nền văn minh được khắc họa cụ thể trên mặt trống đồng. Mặt trống đồng chính là bộ sử hạnh phúc loài người. Đó có lẽ cũng là khát vọng mà người Việt hướng đến. Triết lý Việt chính là sự thăng hoa tột cùng của hạnh phúc loài người.

Tưởng niệm 15 năm ngày mất của GS Lương Kim ĐịnhSáng 14/7/2012, tại Văn miếu Quốc Tử Giám, nhân 15 năm ngày mất của triết gia Kim Định, Trung tâm Minh triết phối hợp với Trung tâm Lý Học Đông Phương lần đầu tiên tổ chức buổi tọa đàm tưởng niệm về ông.

Triết gia Kim Định (tên đầy đủ Lương Kim Định, sinh ngày 15/6/1915, mất ngày 25/3/1997) là một gương mặt văn hóa lớn của đất nước, đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ hơn 40 đầu sách về những lĩnh vực triết học, văn hóa, đặc biệt là cổ sử Việt Nam… Ông có công lớn trong việc xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam và là người đề xướng thuyết Việt triết (Việt Nho) với những trụ cột triết lý: an vi, nhân bản, thái hòa, bình sản. Nhiều học giả trong nước tiếp nhận hướng nghiên cứu và phương pháp luận của ông đã có những công trình học thuật có giá trị. Môn đệ của ông ở nước ngoài trong làng An Việt đang tiếp tục công cuộc nghiên cứu của ông và theo đuổi một lối sống minh triết đáng quý.

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của 30 nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, những người yêu sử Việt trong đó đáng chú ý sẽ có các tham luận của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, TS Trần Ngọc Linh, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Các nhà nghiên cứu đánh giá đúng công sức của triết gia Kim Định trong công cuộc truy tìm cổ văn hóa sử và minh triết của Việt tộc. Ông đã có những dự đoán tài tình, ngày càng được khoa học liên ngành khảo cổ, cổ thư, nhân chủng xác minh luận điểm của ông là có cơ sở.

Những bài viết liên quan đến nền văn minh Việt cổ


Dương An Phát
Nguồn: http://vtc.vn/394-340680/phong-su-kham-pha/nguoi-ca-doi-tim-triet-ly-tren-trong-dong-dong-son.htm

***


TƯỞNG NIỆM CỤ KIM ĐỊNH - IN MEMORIAM DOMINICI LUONG KIM DINH

(15/06/1915 - 25/03/1997)

Giáo Sư John B. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Trở lại Ðài Loan sau cuộc Hội Nghị Quốc Tế tại Trường Kỳ, Nhật Bản, vừa ra khỏi phi Trường Ðào Viên, linh mục Trương Văn Phúc ra đón và cho tôi biết là cụ Kim Ðịnh vừa mới qua đời. Thực ra tôi không ngạc nhiên, bởi vì sau hai lá thư mà cụ gửi cho tôi vào tháng 6, rồi tháng 8 năm 1996, yêu cầu tôi sang gặp cụ để "bàn về những chuyện quan trọng nhất trong đời tôi", tôi trực giác ra là ngày của cụ đã gần kề. Thế nên tôi không buồn nhưng chỉ hơi tiếc là đã không gặp cụ được trong những ngày cuối đời của cụ. Vô tình rờ vào túi xách tay, tập Cửa Khổng của cụ mà anh Vương Kỳ Sơn mới gửi để tôi sửa lại cho tái bản, vẫn nằm đó. Trên những chuyến bay gần đây, tôi vẫn thường vừa đọc vừa sửa lại một số quan điểm cũng như những trích dẫn Hán ngữ trong tập, hy vọng là sẽ gửi tới cụ trong những tháng tới, gọi là một món quà tặng người bạn già khả kính, một tôn sư, một triết gia cũng như một chí sỹ mà tôi khâm phục. Cửa Khổng là tập sách đầu tiên của cụ mà tôi đã từng nghiền ngẫm khi còn theo lớp triết học tại Ðà lạt vào cuối thập niên 1960. Người đã ra đi, như bông hoa rực rỡ, nhưng theo cái Ðạo của Sinh Lão Bệnh Tử, tàn úa và rơi về lòng đất. Tôi nhớ lại một đoạn trong lá thư của thánh Phi-Ðức (1 Petrus 1,24) viết về thân phận con người: "Car toute chair est comme l'herbe, toute la gloire de l'homme est comme la fleur de l'herbe. L'herbe seche et la fleur tombe!). Cụ đã trở về với cái Ðạo Uyên Nguyên của cụ. Requiescat in Tao, Domino suo! Mà Ðạo của cụ là Logos, là chính Ngôi Lời Nhập Thể (Et Verbum incarnatum est!).
Tôi quen cụ Kim Ðịnh vào năm 1982. Vào tháng 8 năm ấy, tôi cho xuất bản một bài tiểu luận về Việt Thần (Một Suy Tư Thần Học, Dân Chúa, 8.1982), đưa ra một số quan điểm đóng góp vào công cuộc xây dựng một nền thần học Việt. Ðây chỉ là một bài dò dẫm, gần như hoàn toàn bị hàng giáo sỹ Việt lơ là. Thế nên, vào tháng 12.1982 khi đọc bài "Ðể Tiến Tới Một Nền Thần Học Việt Nam" (Dân Chúa, 12.1982 và 01.1983) của cụ Kim Ðịnh, tôi vô cùng thích thú và cảm động. Trong bài này, tiên sinh đã trực tiếp khẳng định quan điểm của tôi mà cụ cho là rất "tiến bộ". Ðối với một người háu học, vô danh như tôi, được một bậc tôn sư như cụ trả lời, thật quả là một vinh hạnh bất ngờ. Nhờ sự khuyến khích này, tôi quyết định dấn thêm một bước, thành lập nhóm nghiên cứu về Việt Triết. Chính vì thế, tôi mời cụ sang Trung Hoa Dân Quốc tham dự một Hội Nghị Quốc Tế về Triết Trung Hoa tại Ðại Học Ðông Hải (tháng 8.1984) trong đó cụ phát biểu một luận văn về "The Role and the Conditions of Ju in Our Present Age" (Sau được anh Tài Văn Huy và tôi dịch sang Hoa ngữ và phát biểu trong tạp chí Universitas, 11.1985). Từ đây một già một trẻ bắt đầu một công cuộc hợp tác lâu dài cho tới ngày cụ bị tê liệt.
Trong gần 10 năm trời cộng tác, mỗi người tuy hoàn toàn độc lập và phát triển con đường riêng của mình, chúng tôi vẫn luôn luôn quan tâm và hỗ trợ nhau. Tôi mời cụ thăm Ðài Loan lần thứ hai (với Tiến Sỹ Vũ Kim Chính và Tiến Sỹ Vũ Ðình Trác) nói về Nho Giáo tại Việt Nam tại Thư Viện Quốc Gia Trung Hoa (1987). Sau đó tôi cũng mời cụ tham dự Hội Nghị Triết Học Thế Giới (Brighton, 1988), và Hội Nghị Về Á Phi Học tại Toronto, (1990). Ngược lại cụ xin tôi giữ chức cố vấn cho Hội An Việt mà cụ thành lập vào khoảng 1984. Lần cuối cùng gặp nhau, cụ mong tôi giúp cụ tổ chức "Hàn Lâm Viện Việt Nam" mà cụ đương thành lập tại California. Tôi cảm thấy một cái gì bất an, mặc dù rất kính phục nhiệt tâm của cụ. Tôi cảm tưởng cụ đương bị "lợi dụng", một điều mà tôi thẳng thắn nhắc với cụ khi tôi từ khước chức vụ "Viện Trưởng" mà cụ đề nghị. Tuy thế, sợ cụ buồn, tôi chỉ hứa là nếu cụ cần, tôi có thể giúp cụ mỗi năm vào dịp hè.
Trong gần một thập niên nay (1983-1992), người ta có thể nói cụ Kim Ðịnh là làm việc như một siêu nhân. Gần chục tác phẩm liên tiếp ra đời. Hội An Việt được thành lập, khêu lên tinh thần ái quốc, yêu chuộng sự khôn ngoan cũng như suy tầm về nguồn dân tộc, giúp những bạn trẻ và trí thức cảm thấy hãnh diện về dân tộc Việt mình nơi nơi quê họ đất người. Từ các tiểu bang bên Mỹ, cho tới các nước tại Âu Châu, từ Gia Nã Ðại cho tới Âu Châu, nơi đâu cũng có phong trào Hùng Việt hấp dẫn cả ngàn người. Thật là một hiện tượng chưa từng thấy. Trong những năm nay, cụ thường gửi tặng tôi những tác phẩm mới cũng như những tin tức về phong trào Hùng Việt và Hội An Việt của cụ. Tôi cũng nhận thấy, có nhiều tác phẩm đã thấm nhuần ảnh hưởng của cụ (những bài của linh mục Trần Cao Tường, các anh Vương kỳ Sơn, vân vân!). Có thể nói mà không sợ lịch sử chê bai, cụ Kim Ðịnh có lẽ là một người trí thức Việt duy nhất có thể gây lên một ảnh hưởng như vậy. Như tôi từng khẳng định công lao của cụ tại Viện Triết Học của Trung Tâm Khoa Học Xã Hội, Hà Nội (18.01.1997), Kim Ðịnh vượt xa Trần Ðức Thảo trong lãnh vực suy tư và trong tinh thần ái quốc, cũng như sự nhiệt tâm của kẻ sỹ.
Sau lần gặp cuối cùng năm 1991, không đầy mấy tháng, tôi nhận được tin là cụ bị trúng phong, bán thân bất toại. Tôi có viết thư cũng như gọi điện thoại tới nhà Dòng Ðồng Công tại Carthage nơi cụ cư trú, song không có hồi âm. Từ đó hoàn toàn bặt tin cho tới năm 1994, khi tôi nhận được vài hàng chữ (viết bằng điện toán) hối tôi về việc san đình tập Chữ Thời của cụ. Tôi rất mừng nhận ra cụ đã khôi phục một phần nào. Song chắc là cụ không vui vì bài "Việt Triết Khả Khử Khả Tùng?" (1993), trong đó tôi tuy khẳng định triết học của cụ, song cũng phê bình tính chất thiếu nghiêm túc và quá lãng mạn trong nền triết học An Vi của cụ. Bẳng đi một đỗi, tôi nhận được lá thư cụ viết (06.1996), tương đối khá dài, về những gì cụ đã làm và muốn hoàn tất. Cụ xin tôi sang Mỹ gặp cụ gấp để bàn về việc hoàn tất hai tập Việt Triết và Việt Thần mà cụ muốn tôi viết chung với cụ, cũng như san đình lại tập Chữ Thời, một tập mà cụ cho là rất quan trọng, (song cụ tự nhận là quá đơn giản vì viết cho sinh viên lớp dự bị Ðại Học Sài Gòn). Tôi trả lời cụ, và cố gắng xếp đặt công việc để có thể sang thăm cụ vào tháng 8.1996. Dự định là thế, song vì bận dạy tại Ðại Học Vienna, Áo, rồi sau đó cho Ðại Học Hè tại Thụy Sỹ, cũng như một loạt bài diễn thuyết tại Hy Lạp và Ba Lan, nên tôi xin hẹn lại cụ vào tháng 10 hay 11.1996. Tôi nhận được lá thư thứ hai, và sau đó là thư của cha Lượng (Dòng Ðồng Công) xin tôi cho biết ngày giờ tôi đến để ra đón cũng như lo liệu chỗ cư ngụ. Một lần nữa tôi lại phải khất, vì tôi phải qua Ấn Ðộ, sau đó trở lại Ðức. Công việc dạy tại Ðại Học Frankfurt đòi tôi phải ở lại Ðức cho tới cuối tháng 11. Mà đầu tháng 12 tôi phải về dạy tại Ðại Học Bắc Kinh, và sau đó, vào tháng giêng 1997, tôi phải làm một loạt bài thuyết trình tại Bangkok, Hà Nội, Sài Gòn và Kuala-Lumpur, Mã Lai. Thế nên tôi lại khất quanh cho tới ngày hôm nay khi nhận được tin buồn là cụ đã trở về với Ðạo Uyên Nguyên, với Thượng Ðế của cụ.
Viết về Kim Ðịnh đòi hỏi một công trình, một điều mà chúng tôi sẽ làm trong một tập riêng về kim Ðịnh trong tương lai (dự định viết bằng anh ngữ, do Giáo sư Phan Ðình Cho và tôi chủ biên). Thế nên bài này chỉ viết ra để tưởng niệm người quá cố, nói lên mối tình đối với một bậc tôn sư, nhắc lại tình yêu nước, yêu dân tộc cũng như lý tưởng của cụ. Với cụ, chúng tôi đã thành lập Ủy Ban Nghiên Cứu Việt Triết (thành viên: Kim Ðịnh, Vũ Ðình Trác, Vũ kim Chính và Trần Văn Ðoàn, từ năm 1996, thêm Nguyễn Ðăng Trúc). Lần này, trong cuộc Hội Nghị tại Trường Kỳ (Nagasaki), Ủy Ban chúng tôi đã tích cực tham dự, chỉ thiếu cụ và Tiến Sỹ Vũ Ðình Trác. Ước mong rằng, vong linh và tinh thần cụ sẽ tiếp tục hiện diện trong Ủy Ban, để giúp anh em, nhất là những người hậu sinh, tiếp tục sứ mệnh của người Việt.
Trần Văn Đoàn
Nguồn: http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=1417

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Phát hiện hóa thạch cua núi nguyên vẹn ở Hà Tĩnh


  • 22/7/2012 09:06


Một nhóm công nhân khai thác khoáng sản ở xã Kỳ Thượng, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tình cờ phát hiện xác một con cua núi hóa thạch. Các bộ phận của con “cua núi” này vẫn còn nguyên vẹn.

Anh Hoàng Thế Anh (trú tại TP. Hà Tĩnh) - người đang sở hữu cua hóa thạch nói trên cho biết, cua hóa thạch được phát hiện vào khoảng tháng 5/2010 tại xã Kỳ Thượng. Khu vực xuất hiện cua hoá thạch là vùng chứa nhiều khoáng sản Thạch Anh.

Hoá thạch cua còn giữ được các bộ phận của cua mai, yếm, càng, mắt… 
Con cua hóa thạch nguyên vẹn vừa được phát hiện tại Hà Tĩnh

Sau khi tiếp nhận thân cua nói trên anh Anh đã mang về nhà, nỗ lực tìm các nhà chuyên môn tại địa phương xác định chủng loại và niên đại của nó.
  
Tuy nhiên, theo anh Anh, việc xác định niên đại của con của hóa thạch chưa có kết quả do tại địa phương thiếu máy móc chuyên môn.

Anh Thế Anh cho biết, sẵn sàng bàn giao con cua nói trên cho bất kỳ tổ chức chuyên môn nào nhằm xác định chủng loại, niên đại phục vụ nghiên cứu khoa học.

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Vải sợi thời văn hoá Đông Sơn


Thứ ba 13/07/2010 12:00:00 (GMT +7)
Tác giả: Nguyễn Việt
Nguồn: Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á.
Nhờ những tiến bộ của khai quật khảo cổ học, tư liệu vải sợi của thời kỳ này thu được khá nhiều với tư cách là trang phục hay vải liệm quấn quanh xác chết. Trước đây, khi đào được những quan tài thân cây khoét rỗng nổi tiếng ở Việt Khê (Hải Phòng) và Châu Can (Hà Tây cũ), các nhà khảo cổ học đã nhận thấy những vết vải còn lại trong quan tài.

Nhưng phải đến năm 2000, bằng một kỹ thuật tách lọc đặc biệt, nhóm các nhà nghiên cứu của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á mới có thể thu thập, bảo tồn những tấm vải cổ trên 2.300 năm tuổi vô cùng quý giá đó từ quan tài M1 của cuộc khai quật khu mộ Châu Can năm 2000. 

Những cuộc khai quật tiếp theo tại những khu mộ Đông Sơn như Động Xá, tỉnh Hưng Yên (2002, 2004) và Yên Bắc, tỉnh Hà Nam (2004) đã đưa khỏi lòng đất hàng ngàn những mảnh vải như vậy. Hiện tại bộ sưu tập vải hiếm hoi của văn hóa Đông Sơn đang được lưu giữ, bảo tồn tại Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Việt Nam.


Lớp vải phủ trên sườn trái của một nam thanh niên 18 - 20 tuổi được chôn trong mộ Châu Can - M1/2000.

Kết quả nghiên cứu đã cho phép xác nhận nguồn gốc vật liệu của các tấm vải Đông Sơn đó. Sợi dệt vải Đông Sơn đa số được làm từ vỏ cây gai và cây lanh. 
Ngoài ra còn có những bằng chứng gián tiếp xác nhận việc sử dụng sợi tơ tằm muộn nhất là từ 2.300 năm trước. Đó là dấu in những túi lụa (52x35/cm2) bọc tiền đồng, gương đồng và vệt để lại của những sợi lụa được dùng làm sợi màu trang trí trên các tấm vải gai đương thời. 
Ngoài ra, tại địa điểm Yên Bắc, trong một quan tài thân cây khoét rỗng chứa hài cốt một em bé, chúng tôi đã phát hiện một loại vải làm từ một thứ sợi vỏ cây rất mảnh, ít xe xoắn khác hẳn với sợi gai và sợi lanh từng có. Hiện tại vẫn chưa xác định được chúng làm từ sợi của loại cây nào.
Trên 90% số lượng tiêu bản vải thời Đông Sơn được ghi nhận dệt trơn. Đó là loại hình dệt hiện còn phổ biến ở hầu khắp các dân tộc miền núi Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện đã phát hiện 2 trong số 60 mộ Đông Sơn ở Động Xá có loại vải gai mang đặc trưng dệt đúp. 
Vải của cư dân Đông Sơn đã được dệt theo cách lồng các đoạn sợi đã nhuộm màu chàm hay tơ tằm theo chiều các sợi dọc để tạo nên những tấm vải có hoa văn gồm các băng sọc dọc có độ rộng khác nhau. Kiểu vải như vậy thường thấy trên trang phục người trang trí trên các đồ đồng miền núi gắn với vùng văn hóa thượng nguồn sông Hồng
Đa phần số lượng tiêu bản vải Đông Sơn hiện có thuộc về những tấm vải liệm quấn quanh xác chết. Nhiều trường hợp chứng tỏ những tấm vải này có trang trí chủ yếu bằng những đường sọc dọc bằng tơ tằm hay bằng sợi lanh nhuộm màu.
Một số ít là vải trang phục mang những dấu hiệu gia công như khâu viền, đơm thêu, thắt lưng... khiến cho việc phục dựng trang phục đương thời chủ yếu vẫn phải dựa vào những hình tượng người được thể hiện trên đồ đồng khai quật được.
Trong thời Đông Sơn, ở phía bắc Việt Nam chúng tôi chưa từng phát hiện việc sử dụng sợi bông. Tuy nhiên, những mảnh vải thuộc bình tuyến văn hóa Đông Sơn vừa mới phát hiện ở Gò Quê (Quảng Ngãi) cho thấy có thể việc sử dụng sợi bông đã xuất hiện ở miền Nam Việt Nam từ trước Công nguyên. Có lẽ tương tự tình hình phát hiện sợi bông và gai trong một số địa điểm khảo cổ học thời đại sắt ở Thái Lan.
Nghề dệt vải có từ thời nào?
Những bằng chứng khảo cổ tìm được đã cho thấy, nghề dệt vải có từ thời đại đá mới, cách ngày nay khoảng 6.000 năm. 
Nghề dệt vải nguyên thủy thực chất là sự phát triển của các kỹ năng đan lát bằng mây tre được thay thế bởi những sợi vỏ cây nhỏ mảnh hơn. Và như vậy quá trình phát sinh kỹ năng dệt vải gắn liền với sự ra đời và phát triển của hai yếu tố kỹ thuật: tạo sợi vỏ cây và tạo ra những dụng cụ "đan lát" cho loại hình sợi nhỏ mảnh này - que dẫn, bàn dệt và máy dệt.

Chúng tôi đã chú ý đi tìm những bằng chứng như vậy trong khảo cổ học và phát hiện những bằng chứng sớm nhất của việc xe xoắn sợi vỏ cây ở Việt Nam xuất hiện vào khoảng thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Dấu vết của những sợi làm từ vỏ cây được xe xoắn đầu tiên đã phát hiện trên bề mặt một số mảnh gốm cổ thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Đa Bút - một nền văn hóa khảo cổ học thời đại đồ đá mới phân bố chủ yếu ở các thung lũng và đồng bằng hai bên sườn dãy Tam Điệp, nay thuộc địa phận Ninh Bình và Thanh Hóa, khi mà mực nước biển đang dâng cao tới mức 4 - 6m so với hiện nay.

Trước đó, các sợi buộc quanh những bàn đập gỗ dùng trong quá trình tạo dáng đồ gốm là những sợi vỏ cây không được xe xoắn. Việc sử dụng sợi xe xoắn với những dụng cụ chuyên biệt đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử kỹ thuật loài người.

Những vệt in sợi vỏ cây được xe xoắn trên đồ gốm Đa Bút cách ngày nay 5 - 6 ngàn năm.
Bởi vì, xét trên phương diện tiến trình kỹ thuật học, thì kỹ năng xe xoắn sợi không chỉ đơn thuần có ý nghĩa trong việc tạo ra những dây buộc, đan bền chắc hơn mà còn mở đường cho hàng loạt kỹ thuật nguyên thủy khác có sử dụng lực xoắn, lực đàn hồi, quy luật xoay tròn trên một điểm (ví dụ bàn xoay trong nghề gốm, tiện gỗ, đá...).
Kỹ năng xe xoắn sợi vỏ cây thời văn hóa Đa Bút gắn liền với một dụng cụ thường được gọi là dọi xe chỉ. Tại địa điểm Gò Trũng (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) thuộc nền văn hóa này các nhà khảo cổ đã phát hiện một hiện vật đá mỏng dẹt được mài tròn, đường kính gần 10cm, ở giữa có khoan lỗ.
Hiện vật này có thể được coi là có chức năng tương tự như quả dọi xe chỉ bằng đất nung sau này. Người xưa cắm một chiếc que vào lỗ chính giữa hiện vật. Sợi vỏ cây được buộc vào thân que đó để treo lơ lửng.
Tác động lực một chiều của con người vào rìa cạnh phiến đá tròn sẽ khiến nó quay tít quanh trục que cắm và nhờ thế làm sợi dây tước từ vỏ cây xoắn dần lại, trở nên săn chắc, đanh gọn hơn. Đây chính là tiền đề kỹ thuật cho phép phát triển kỹ thuật đan lát tre nứa trước đây thành việc dệt ra các tấm lưới, tấm vải với sự thay thế các nan tre mây bằng các sợi vỏ cây được xe xoắn đó.
Hàng trăm quả "chì lưới" bằng đá cũng đã được phát hiện ở địa điểm Gò Trũng nói trên. Phát hiện này giúp khẳng định sự tồn tại của lưới đánh cá ở Việt Nam ít nhất cũng từ 6.000 năm trước. Như vậy, sự xuất hiện của kỹ thuật xe xoắn sợi vỏ cây và bằng chứng gián tiếp của lưới đánh cá là tiền đề kỹ thuật cho sự ra đời của nghề dệt vải thời đại đá mới Việt Nam cách ngày nay 6.000 năm.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Mèo



Con mèo, con mẻo, con meo,
Nó giỏi leo trèo, cũng giỏi nằm yên.
Nằm, mà con mắt láo liên!
*

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Phát hiện hàng loạt hố nghi chôn người tập thể

16/7/2012 08:24

Trong quá trình thi công san ủi mặt bằng tại Dự án tái định cư Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh), lực lượng thi công đã phát hiện hàng loạt những hố đất đen cùng với nhiều cổ vật. Rất nhiều nghi vấn cho thấy có thể đó là hố chôn người tập thể từ hàng trăm năm.
Theo thông tin mà VietNamNet nhận được, trong khoảng 10 ngày qua, khi thi công giải phóng mặt bằng tại Khu tái định cư Hói Trùng (thuộc xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang), lực lượng thi công thuộc Cty Việt Nam 1 đã phát hiện hàng loạt hố đất đen cùng với nhiều bát, bình cổ.

Một công nhân thi công tại đây thông tin, có khoảng 8 điểm được phát hiện có dấu hiệu là nơi chôn cất tập thể. Khi phát hiện ra dấu hiệu đất đen thì ngay lập tức người lái máy xúc đã dừng lại để kiểm tra. 

Khu vực mà lực lượng thi công phát hiện ra các “hố chôn” tập thể thuộc Khu tái định cư Hói Trùng (Dự án thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang). Đã có 8 điểm có đất đen và hiện vật tuỳ táng được phát hiện.

Lượng đất đen ở mỗi điểm khá lớn, cùng với đó là các hiện vật tuỳ táng cổ như bát, bình nằm bên cạnh. Không phát hiện các dấu hiệu của quan tài.

Tại một số điểm đất đen, lực lượng thi công còn phát hiện hình dạng xương người, tuy nhiên khi chạm vào thì vỡ vụn.

“Một số hố thì chỉ có đất đen, còn lại thì có sự xuất hiện của hai chiếc bát úp vào nhau. Chúng tôi nhận thấy, cứ có hai bát úp vào nhau thì có một hài cốt đã hoá đất đen”, một công nhân nói.

Ngày 14/7, nhóm PV chúng tôi đã có mặt tại hiện trường sự việc. Toàn bộ số “hài cốt” hoá đất đen đã được lực lượng thi công và cơ quan chức năng tiến hành bốc ra khỏi núi và đưa vào tiểu và được chôn tạm ở bên lán trại thi công.

Một cán bộ Cty Việt Nam 1 cho hay, hiện đã có trên 30 hài cốt được cho vào tiểu và chôn tạm bên đường. Hiện đang còn 4 tiểu chưa chôn, đang nằm phơi nắng.

Tại hiện trường khu vực phát hiện các hố chôn, hiện đang còn một ụ đất lớn có nhiều đất đen. Lực lượng thi công không dám xúc đi, chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên.

Theo ông Phan Thanh Tùng (một người cao tuổi ở đây) thì rất có thể những hố chôn đó có liên quan đến nghĩa quân Phan Đình Phùng từng có thời gian làm căn cứ ở núi rừng Vũ Quang, bởi khu vực phát hiện từ bao đời nay không có dân cư ở.

Trao đổi với PV, ông Phạm Hữu Bình, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết, sau khi biết sự việc trên huyện đã chỉ đạo hỗ trợ kinh phí để cất bốc đưa đi chôn tạm cạnh khu vực thi công, sau này sẽ đưa vào nghĩa trang khu tái định cư đã được quy hoạch. 



“Hiện chúng tôi cũng đang nghi vấn bởi chỉ là đất đen. Có một số hình hài cốt thì khi đưa lên đã vỡ vụn nên việc đưa đi giám định AND để biết có phải hài cốt người hay không là rất khó. 

Chúng tôi sẽ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, mời cơ quan chuyên môn văn hoá, khảo cổ lên kiểm tra. Việc có liên quan đến nghĩa quân Phan Đình Phùng hay không thì chưa thể biết được”, ông Bình nói.

Còn ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc bảo tàng Hà Tĩnh thì cho biết, cơ quan này hiện chưa nhận được thông tin về sự việc trên. Sau khi có chỉ đạo, bộ phận chuyên môn sẽ lên kiểm tra.

Một số hình ảnh do PV VietNamNet ghi lại:


Hơn 30 chiếc tiểu đã được bốc cất và chôn tạm bên cạnh lán trại thi công.

Số tiểu và cột thiên đài được mua về tiếp để chuẩn bị cất bốc số mới phát hiện.

Có 4 chiếc tiểu chứa “hài cốt” chưa được chôn cất, đang phải phơi nắng.



Hai trong số nhiều chiếc bát cổ còn nguyên vẹn, hiện vật phát hiện chôn theo trong các điểm phát hiện.

Một chiếc bát được dùng làm bát hương tại điểm chôn cất tạm.

Chiếc bình cổ, một hiện vật tuỳ táng được phát hiện.
Ụ đất chứa nhiều đất đen mà lực lượng thi công bỏ lại để chờ ý kiến chỉ đạo xử lý.

Duy Tuấn – Phi Long
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/80700/phat-hien-hang-loat-ho-nghi-chon-nguoi-tap-the.html

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Vua Lê Thánh Tông và giấc mộng lạ


12/07/2012 07:36:22
 - Vua Lê Thánh Tông không chỉ là một vị minh quân trong lịch sử Việt Nam mà còn là người có tài văn học và đứng đầu Tao đàn nhị thập bát tú. Ông cũng chính là người đầu tiên trong lịch sử nước ta đã đề cập và nghiên cứu vấn đề chữ Việt cổ.

Giấc mộng của nhà vua

Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) là một vị minh quân trong lịch sử Việt Nam. Không chỉ thế, ông còn là người có tài văn học và đứng đầu Tao đàn nhị thập bát tú (28 vì sao văn học thời bấy giờ). Nhà vua để lại nhiều tác phẩm thơ văn cho đời, trong đó có tập "Thánh Tông di thảo" gồm 20 truyện ký, trong đó có một câu chuyện lạ, nhà vua ghi lại giấc mơ của mình (truyện Mộng ký). Nội dung câu chuyện như sau:

Một lần, vua Lê Thánh Tông đi chơi, gặp mưa, nghỉ đêm bên bờ hồ Trúc Bạch, mộng thấy hai người con gái thời Lý Cao Tông ( khoảng năm 1176 - 1210) hiện lên, dâng thư bày tỏ nỗi oan ức gồm hai bài thơ bằng chữ Hán và một tờ tâu bằng chữ bản địa có 71 chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế. Vua không đọc được. Trải ba năm, cả triều đình không ai đọc đươc tờ tâu đó. Thế rồi, Lê Thánh Tông lại nằm mộng thấy có người hiện lên giảng giải cho vua rõ thêm về hai bài thơ chữ Hán. Vua hỏi âm, nghĩa của 71 chữ kèm theo thì người đó nói: "Chữ ấy là lối chữ cổ sơ của nước Nam. Nay Mường Mán ở núi rừng có người còn đọc được, nhà vua vời họ đến thì tự khắc sẽ biết".
Những ký tự ngoằn ngoèo trên trống đồng Đền Hùng.
Những ký tự ngoằn ngoèo trên trống đồng Đền Hùng.

Những phân tích về hai giấc mộng

Như vậy là có đến hai giấc mộng của vua Lê Thánh Tông, thời gian xảy ra cách nhau đến ba năm. Chúng ta hãy phân tích hai giấc mộng đó. Giấc mộng thứ nhất: Nhà vua đi chơi và ngủ đêm ngoài Hoàng thành, vì vậy nằm mơ thấy hai người con gái thời Lý Cao Tông (một triều đại trước đấy gần 300 năm).

Trước hết, tác giả đẩy giấc mộng ra phía ngoài Hoàng thành, để câu chuyện gần với đời sống dân gian, chứ không phải trong cung cấm. Chúng ta đặt vấn đề nghi vấn: Đã là giấc mộng (không thật) thì làm sao có tờ tâu gồm 71 chữ ngoằn ngoèo (vật có thật) trưng ra cho cả triều đình xem? Không lẽ Lê Thánh Tông sau khi thức dậy, cố nhớ ra để viết lại? Điều đó là không thể thực hiện được đối với một loại văn tự mà ta không hiểu nghĩa.

Vậy có thể nói rằng giấc mộng này là do nhà vua hư cấu. Nhà vua bịa ra giấc mộng? Điều đó tưởng như khó tin nhưng lại là sự thực: Giấc mộng nói lên điều day dứt, trăn trở của vua Lê Thánh Tông rằng phải chăng ở nước ta từng tồn tại chữ viết bản địa "ngoằn ngoèo như hình giun dế", khác hẳn chữ Hán, trước khi có chữ Hán xâm nhập vào?

Không phải ngẫu nhiên Lê Thánh Tông đặt vấn đề như vậy. Chúng ta còn gặp nhiều đoạn trong thư tịch nước ngoài ghi về sự tồn tại của chữ Việt cổ. Đó là lối chữ khoa đẩu, ngoằn ngoèo như con nòng nọc. Sách Thông giám cương mục do Chu Hy đời Tống soạn, chép: "Năm Mậu Thân đời Đường Nghiêu thứ 5 (2353 TCN) có Nam di Việt Thường thị đến chầu hiến con rùa lớn". Cũng sự kiện này, sách Thông chí do Trịnh Tiều đời Tống soạn, chép rõ hơn: "Đời Đào Đường, Nam di có Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được nghìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa (quy lịch)". Vậy thì thư tịch của ta không ghi chép gì đến chữ Việt cổ, nhưng chính thư tịch nước ngoài lại mách bảo chúng ta rằng đã từng tồn tại chữ viết cổ của nước ta, loại chữ đó "ngoằn ngoèo như con nòng nọc" khác xa với loại chữ Hán "hình vuông" của Trung Hoa sau này.           

Phan Duy Kha

**
*

Lý giải giấc mơ thứ hai của Vua Lê Thánh Tông


12/07/2012 23:42:35
 - Giấc mơ thứ hai của vua Lê Thánh Tông muốn nói rằng, lối chữ khoa đẩu là lối chữ cổ của nước ta mà một số người Mường Mán ở miền núi còn đọc được.
TIN LIÊN QUAN
Nghi vấn có căn cứ

Đây lại là điều nghi vấn thứ hai của Lê Thánh Tông về sự tồn tại chữ viết cổ sơ của dân tộc hiện còn ở một số tộc người miền núi. Tại sao lại không ở đồng bằng mà ở miền núi? Vì miền núi là nơi vùng sâu vùng xa, ít bị ảnh hưởng của văn hóa Hán, còn giữ được nhiều tính bản địa hơn đồng bằng.

Điều nghi vấn của Lê Thánh Tông không phải không có căn cứ. Vào đầu thế kỷ XX, Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh có viết cuốn "Thanh Hóa quan phong", trong đó ông ghi lại những câu ca dân gian trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, ông còn ghi lại được khoảng 500 thổ âm, viết bằng chữ viết của người miền núi (kiểu chữ Thái). Nội dung ghi chép là bài thơ "Mời trầu", bên dưới có chua nghĩa chữ Hán. Vương Duy Trinh cho rằng đó là chữ cổ của nước ta và nhận định: "Tỉnh Thanh Hóa là một châu quan, có chữ là lối chữ Thập châu đó. Người ta thường nói rằng, nước ta không có chữ. Tôi (tức Vương Duy Trinh) nghĩ rằng không phải. Thập châu vẫn là đất nước ta, trên châu còn có chữ mà dưới chợ lại không có? Lối chữ châu là lối chữ của nước ta đó".

Vào khoảng những năm 1970, các nhà khảo cổ phát hiện được một chiếc trống đồng ở Lũng Cú, trên mặt trống cũng có những đường cong lạ mà các nhà nghiên cứu đặt vấn đề nghi vấn là chữ viết. Rồi những ký tự ngoằn nghèo trên trống đồng Đền Hùng, trên qua đồng Đông Sơn...
Chữ Việt cổ công bố trong Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh, phía dưới mỗi chữ đều có chua nghĩa chữ Hán.
Chữ Việt cổ công bố trong Thanh Hóa quan phong của
Vương Duy Trinh, phía dưới mỗi chữ đều có chua nghĩa chữ Hán.

Những công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ

Gần đây, một số tác giả cũng đã công bố một số công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ. Chúng ta có thể kể:

1. Phát hiện một hệ thống chữ viết có niên đại Đông Sơn của GS Hà Văn Tấn (Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1981).

2. Nghiên cứu chữ viết cổ trên bia ký Đông Dương (Thái Văn Chải, Nxb Khoa học xã hội, 2009).

3. Đặc biệt, GS Lê Trọng Khánh có công bố một công trình nghiên cứu về chữ Việt cổ, nhan đề: "Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu" (NXB Từ điển Bách khoa và Trung tâm văn hóa Tràng An ấn hành, 2010), trong đó ông đưa ra nhiều bằng chứng về dấu tích tồn tại chữ Việt cổ. Tất cả các công trình nghiên cứu đều khẳng định một điều rằng, vào thời Hùng Vương, nước ta đã từng có chữ viết, đó là loại chữ khoa đẩu (như con nòng nọc). Suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc, để thực hiện ý đồ đồng hóa dân tộc ta, các quan lại cai trị Trung Hoa đã tìm mọi cách xóa bỏ dấu tích văn tự đó và truyền bá một lối chữ hình vuông của người Hán. Lâu dần, chữ "khoa đẩu" mai một, may ra chỉ còn di sót lại trên miền núi cao, rừng xa.

4. Trong quá trình tìm hiểu chữ viết thời Hùng Vương, nhà giáo Đỗ Văn Xuyền đã tìm được một hệ thống đền miếu thờ những thầy giáo, học trò có công với dân, với nước thời Hùng Vương. Ông tìm hiểu, thống kê được từ thời Hùng Vương đến An Dương Vương (tức trước khi nhà Hán sang cai trị nước ta) đã có tới 19 nhà giáo, 35 trường học và 58 học trò trên cả nước (tìm hiểu qua hệ thống Ngọc phả, thần tích của các đền miếu, tính đến Đèo Ngang là biên cương phía nam của đất nước Văn Lang). Điều đó chứng tỏ rằng vào thời Hùng Vương đã có sự truyền dạy kiến thức. Mà đã có sự dạy và học thì tất nhiên phải có chữ.

Vào thế kỷ XV, Lê Thánh Tông là một ông vua rất chú trọng sưu tầm văn hóa dân tộc và di sản văn hóa của cha ông. Có thể thời ấy đã từng phát hiện ra những văn bản có văn tự cổ và những văn bản ấy đã đến tay nhà vua. Ông và triều đình không thể lý giải được nên đã "hư cấu" thành câu chuyện về giấc mộng, nhằm gửi gắm những nghi vấn của mình cho hậu thế. Vậy thì chính vua Lê Thánh Tông, Nhà văn hóa Lê Thánh Tông là người đầu tiên trong lịch sử nước ta đã đề cập và nghiên cứu vấn đề chữ Việt cổ.

Phan Duy Kha

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Thành nhà Hồ: Phía sau câu chuyện di sản thế giới


9/7/2012 06:30

Có một nghịch lý khi Đàn Nam Giao thuộc di tích Thành nhà Hồ được gấp rút đầu tư 3 tỷ đồng để “xây mới” nhằm phục vụ buổi lễ đón nhận bằng di sản văn hóa thế giới – UNESCO.

TIN BÀI KHÁC


Ngày 16/6, tại khu di tích Thành nhà Hồ - Thanh Hóa đã diễn ra lễ trao bằng UNESCO nhằm chính thức ghi tên Thành nhà Hồ vào danh sách các di sản văn hóa của nhân loại. Tuy nhiên, từ cách thức tổ chức lễ đón nhận cho đến việc phục dựng đàn Nam Giao để phục vụ lễ đón nhận bằng di sản này có rất nhiều điều chưa phù hợp với từ "di sản".
Từ tráo rồng, thay cổng đón bằng UNESCO
Nét đặc sắc trong di tích Thành nhà Hồ nằm ở những bức tường thành và đặc biệt là chiếc cổng thành 3 vòm cửa được xây bằng những phiến đá nặng 10- 20 tấn được ghép vừa khít một cách tự nhiên mà không hề có chất kết dính.
Chính vì kiến trúc mái vòm cong nên việc thiết kế kiến trúc của cổng thành đã đòi hỏi một kĩ thuật cao để đảm bảo các tảng đá lớn như vậy luôn vững bền với thời gian và chống lại được mọi lực tác động từ bên ngoài.
Cổng Thành nhà Hồ với kiến trúc đặc trưng đã tồn tại 600 năm với thời gian.
Tuy nhiên đáng tiếc, tại buổi lễ nhận bằng Di sản thế giới UNESCO, để phục vụ cho mục đích biến 3 cổng vòm thành 3 màn hình, một chiếc cổng vòm giả đã được dựng lên để che đi chính chiếc cổng vòm thật có giá trị 600 năm tuổi. Và điều đáng nói khi chiếc cổng vòm giả được dựng lên không hề giống với chiếc cổng thành thật mà nó đã che mất.
Cổng Thành nhà Hồ tại buổi lễ đón bằng di sản thế giới nhìn từ phía sau sân khấu nhưng cũng là mặt chính nhìn từ ngoài vào nơi nhiều du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng. Trong ảnh là lều bạt của đoàn diễn viên và sân khấu cùng nhân viên an ninh được dựng lên trên những nền đá cổ gây rất mất thẩm mỹ với du khách khi mới bước chân đến tham quan Thành nhà Hồ.
Nếu để ý sẽ thấy chiếc cổng vòm thật với kĩ thuật xây dựng ghép đã tạo hình vòm không chất kết dính nên phần chân không hề thẳng đứng vuông góc với mặt đất mà có độ nghiên nhất định cũng là vừa để tạo tính thẩm mỹ. Còn chiếc cổng vòm giả trên sân khấu để khán giả trong và ngoài nước nhìn vào để nghĩ đó là chiếc cổng thành thật có giá trị 600 năm lại có phần chân thẳng đứng. Chưa kể chiếc cổng ở giữa lại có chiều cao đến tận nóc thành!
Chiếc cổng giả trên sân khấu tại buổi lễ trao bằng Di sản thế giới còn để lộ ra phần chân cổng thành thật. Chiếc cổng giữa có chiều cao vượt cả nóc thành.
Nếu là phiên bản mang tính sân khấu dựng ở chỗ khác thì có thể thông cảm, nhưng dựng ngay tại chính địa danh và đặc biệt trong buổi lễ tôn vinh những giá trị của Thành Hồ sẽ ra sao nếu những đồ giả mà lại sai đó được khán giả hiểu rằng là đồ thật, rằng ông cha thiết kế những cổng thành là đúng như đồ giả?
Đôi rồng đá giả trên sân khấu tại buổi lễ trao bằng Di sản thế giới có hình dáng khác và không giống với đôi rồng đá cổ thật cách đó chỉ vài trăm mét.
Đôi rồng đá cổ (đã bị mất đầu) được đặt cách sân khấu chỉ vài trăm mét, gần giữa khu trung tâm  ngay trong Thành Hồ bị quên lãng và không hề có đèn chiếu sáng trong đêm nghi lễ tôn vinh những giá trị của Thành nhà Hồ.
Chưa dừng lại ở cổng Thành, đôi rồng giả cũng được sử dụng làm đạo cụ trên sân khấu. Tuy nhiên nhiều khán giả đã phát hiện đôi rồng giả đó không giống thậm chí là khác hoàn toàn với đôi rồng đã cổ được đặt ngay trong Thành Hồ cách đó vài trăm mét tại trung tâm thành.
... đến đánh tráo khái niệm bảo tồn
 “Di sản thể giới” là danh hiệu của UNESCO trao cho các di tích của các quốc gia trên thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu theo các tiêu chi nhất định nhằm tôn vinh các di sản văn hóa của nhân loại và kêu gọi, khuyến khích những nỗ lực bảo tồn chúng.
Tuy nhiên việc Đàn Nam Giao thuộc khu di tích Thành nhà Hồ được UBND tỉnh Thanh Hóa tu bổ nhằm mục đích dựng lại quang cảnh Đàn Nam Giao xưa nhưng lại không dựa trên những chứng cứ lịch sử có cơ sở khoa học khiến không ít người cho rằng đó việc làm không phải là bảo tồn.
Bức ảnh chụp Đàn Nam Giao đang trong quá trình xây dựng để chào đón sự kiện nhận bằng UNESCO. Trong ảnh cho thấy phần tường đàn đã được xây thêm, nền gạch được nâng cao và làm thêm cả phần trung tâm của đàn tế gọi là viên đàn. Nhiều người cho rằng viên đàn có hình dạng trụ như bánh gato là do người thiết kế tự ý bịa đặt thêm khi trong lịch sử chưa ai chứng minh được điều này.
Khu di tích Đàn Nam Giao khi chưa được phục dựng.
KTS Lê Thành Vinh – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích đã có cuộc trao đổi bày tỏ nhiều ý kiến quan ngại về cách của nhiều địa phương hiện nay khi đối xử với các di tích văn hóa tuy có ý tốt nhưng do chưa thực sự hiểu đúng về bảo tồn khiến các di sản đang bị xâm hại.
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng đàn Nam Giao tại Thành nhà Hồ như hiện nay là việc phục dựng hoặc chỉ là "tu bổ cấp thiết" ông Vinh cho rằng đó là cách “đánh tráo khái niệm” khi đề cập tới một công việc trong lĩnh vực bảo tồn.
Trong lý thuyết bảo tồn có một nguyên tắc quan trọng là “Phục hồi chấm dứt ở điểm xuất hiện giả thiết”. Tức là khi không có bằng chứng khoa học về lịch sử thì các hoạt động dựa trên bất kì giả thiết nào đặt ra mang tính ý nghĩ chủ quan của một cá nhân nào đó đều vi phạm những nguyên tắc của bảo tồn.
Còn “tu bổ cấp thiết” là hoạt động sửa chữa nhỏ nhằm gia cố, gia cường các bộ phận di tích để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ trước khi tiến hành công tác tu bổ toàn diện” (quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích LS-VH, danh lam thắng cảnh số 05/2003/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Việc xây mới bậc lên, bó vỉa nền, “viên đàn” bằng đá tại Đàn Nam Giao không có cơ sở khoa học thuyết phục và hoàn toàn không phải là tu bổ cấp thiết!
Công việc phục dựng hay bảo tồn di sản cần phải có bằng chứng và cơ sở mang tính khoa học lịch sử.
KTS Lê Thành Vinh cũng bày tỏ thêm ý kiến cá nhân rằng: Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới là một điều đáng mừng và đáng trân trọng nhưng khi có thêm các tấm bằng thì những giá trị lịch sử, văn hóa bao đời nay của Thành nhà Hồ vẫn không thay đổi. Những danh hiệu có vai trò tôn vinh và quảng bá, nhưng giá trị đích thực của di sản có được lưu truyền và phát huy hay không lại phụ thuộc vào cách chúng ta ứng xử với chúng.
Chính vì vậy đối với những di sản mang tầm cơ quốc gia và bây giờ là thế giới chúng ta cần phải hết sức thận trọng khi can thiệp đến. Vì nếu làm không đúng tức là chúng ta đã làm suy giảm giá trị của di tích, làm sai lệch lịch sử và đặc biệt nếu không biết bảo tồn di sản một cách đúng đắn thì các danh hiệu được trao cũng có thể bị tước đi.
Có nhiều cách để không phải làm giả lịch sử
Không chỉ riêng với Thành nhà Hồ, theo KTS Lê Thành Vinh đã rất nhiều di tích tại Việt Nam đã được phục dựng khá tùy tiện không có cơ sở khoa học và bất chấp các ý kiến góp từ các nhà khoa học.
Ví dụ cũng tại Thanh Hóa ông cho biết đó là khu di tích Lam Kinh. Đã một cuộc trao đổi lấy ý kiến của các nhà khoa học và ngay khi đó đã có nhiều nhà khoa học phản đối việc “phỏng dựng” khu chính điện theo phương án của một đơn vị tư vấn đưa ra.
Tại cuộc trao đổi đó, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án thiết kế để lựa chọn. Bản thân việc đưa ra các phương án khác nhau đã chứng tỏ không dựa trên một cơ sở khoa học nào. Các tác giả trình bày rằng thiết kế được làm theo cách “nội suy” (?). Tôi nghĩ rằng, đối với Chính điện ở khu di tích Lam Kinh, từ dấu vết lịch sử còn lại chỉ có nền móng và các chân tảng (cũng đã bị xáo trộn), không có đủ cơ sở và không thể phục dựng phần trên của kiến trúc này.
Với cách làm đúng quy định như thế thì họ sẽ dám làm bất kỳ điều gì với di tích – KTS Lê Thành Vinh
Đối với ý kiến cho rằng nếu không có bằng chứng khoa học chả lẽ cứ để các di tích như Đàn Nam Giao chỉ là bãi gạch đổ nát như vậy, Ông Vinh trả lời với tư cách của một người làm bảo tồn:
"Có rất nhiều cách làm để truyền tải đến người xem những giá trị đích thực của các di tích. Cùng với việc gia cố, bảo tồn các dấu tích nguyên gốc, sẽ tổ chức trưng bày bổ sung và có những hình thức cung cấp thông tin về di tích một cách đầy đủ nhất có thể đến người xem. Tôi cho rằng, khi được nắm được đầy đủ thông tin về di tích và tiếp cận với các dấu tích lịch sử nguyên gốc, xác thực thì người xem vẫn có được những cảm xúc lịch sử tốt nhất đối với di tích.
Khi có đầy đủ cơ sở khoa học chúng ta có thể phục dựng từng phần hoặc toàn bộ di tích để người xem có thể chiêm ngưỡng một cách trực quan hơn. Mặc dù vậy cách làm này cũng cần hạn chế vì dù rằng hình ảnh của di tích có thể giống với trước đây nhưng chúng vẫn là những thành phần xây mới. Còn việc cố phục dựng nhưng lại không có cơ sở khoa học không chỉ là việc làm tốn kém, không mang lại hiệu quả mà còn phản tác dụng vì có thể làm sai lệch lịch sử"
Một ngôi đền cổ nằm trong khu di sản Ayutthaya (Thái Lan) được bảo tồn nguyên trạng cho dù nhiều pho tượng và các tháp cổ đã bị xâm hại bởi thời gian nhưng vẫn đóng hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Nhận danh hiệu UNESCO công nhận là di sản thế giới, tuy nhiên với những thực trạng đang xảy ra tại Thành nhà Hồ ở trên đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại tới vấn đề tư duy và quan điểm bảo tồn di sản. Phải chăng đang có một cuộc chạy đua vì mục đích nào đó còn giá trị văn hóa lịch sử cốt lõi của di sản đang bị bỏ quên?
Người trong cuộc nói gì?
Được biết đơn vị cố vấn cho dự án xây dựng Đàn Nam Giao là Viện Khảo cổ học. Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ học) :
“Đây không phải phục dựng mà là bảo tồn. Những hàng đá xây thêm nhằm mục đích diễn giải cho người xem hiểu về cấu trúc bức tường này có thể cao như thế, đồng thời bảo vệ phần nguyên gốc bên dưới. Việc này không làm biến dạng di tích đàn tế cổ. Còn viên đá cổ nào chúng tôi đánh số viên đó, đắp giấy Nhật lên rồi mới xây thêm vào. 5-10 năm nữa bỏ lớp xây thêm đi thì phần di tích bên dưới vẫn được duy trì nguyên dạng”.
Tuy nhiên TS Vũ Thế Long – người tham gia khai quật đàn tế Nam Giao cũng thuộc Viện khảo cổ học lại cho rằng: “Việc phục dựng một di tích phải có cơ sở khoa học của nó, không thể bịa tạc lịch sử. Theo tôi, với đàn tế Nam Giao nên giữ ở dạng nguyên bản là tốt nhất. Chỉ nên phục dựng khi có bản vẽ chi tiết. Chứ hiện nay, phần trung tâm của đàn tế họ xây lên trông như cái bánh gatô, tôi hoàn toàn không ủng hộ”.

Một di sản khác ở Pháp là Khu đô thị Trung cổ ở Provins (tỉnh Seine-et-Marne) được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2001 song đang có nguy cơ bị xóa tên kể từ khi chính quyền ở đây có ý định xây dựng lại một phần của khu vực “mang nhãn UNESCO” này. Tháng 11.2010, Ủy ban Di sản thế giới đã cảnh báo, Pháp phải xem xét lại vụ việc, tránh xây dựng ảnh hưởng đến giá trị của di sản.

Kì tiếp: “Hội chứng” Di sản ở Việt Nam và bài học rút danh hiệu

Nguyễn Hoàng