Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Tiền nhét tay Phật hay sự chênh vênh đức tin


Thứ 2, 25/2/2013, 10:41 GMT+7
“Dân chúng quan tâm vào tính “hiệu nghiệm” của thần thánh. Họ phân khúc niềm tin cũng giống như phân khúc thị trường”, TS Nguyễn Đức Lộc.
 

Tìm chốn linh thiêng để cầu may đang là câu chuyện nóng của những ngày đầu xuân. Gọi là nóng bởi bên cạnh những ứng xử có văn hóa và nhận thức đầy đủ về đức tin, vẫn còn đó những hành vi phản văn hóa gây tổn thương và giận dữ cho cộng đồng. Nhân dịp này, VietNamNet có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Lộc, giảng viên khoa Nhân học thuộc ĐH KHXH&NV TP.HCM, để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề. 

TS. Nguyễn Đức Lộc, giảng viên khoa Nhân học thuộc ĐH KHXH&NV TP.HCM 

Đồng tiền như một vật linh hữu hiệu 

Thưa ông, chúng ta có thể nói gì về những hiện tượng xuất hiện gần đây tại các chùa như dán tiền vào tượng Phật, đặt tiền lẻ vào tay Phật, mang thịt lợn đến Phật đường khấn vái?

Nếu xem các hành vi tôn giáo là một sự hồi quang của đời sống xã hội thì có lẽ chúng ta cũng nên “đọc” ra những ý nghĩa của đời sống xã hội chúng ta ngày nay như thế nào? Phải chăng những hiện tượng này đang phản ánh tâm lý bất an lan tỏa trong nhiều mặt của đời sống xã hội vốn đầy ắp sự rủi ro. Dường như có một tỉ lệ thuận giữa những vấn đề rủi ro của xã hội với số người chạy đến cầu khẩn các đấng thần thánh, chư Phật. Đặc biệt, cái cách thể hiện của những hành vi tôn giáo của dân chúng cũng phản ánh tương ứng với cách hành xử trong đời sống thường nhật trong thời đại xã hội thị trường này.

Dân chúng quan tâm vào tính “hiệu nghiệm” của thần thánh. Họ phân khúc niềm tin cũng giống như phân khúc thị trường. Muốn tiến thân theo con đường công danh thì chạy đến đền Trần để xin ấn, làm ăn buôn bán thì đi “vay” Bà Chúa kho, sức khỏe thì chạy đến các vị khác…

Niềm tin của dân chúng bị phân mảnh, nơi nào người ta tin có sự hiệu nghiệm ở lĩnh vực nào người ta cần thì họ chạy đến cầu xin. Họ chạy vạy khắp nơi trong sự chênh vênh của đức tin. Sự quy chiếu các hành vi thường ngày của xã hội thị trường vào các hành vi lễ nghi đã khiến cho sự thành tâm đối với thần thánh cũng bị giảm đi đang kể. Họ dán tiền vào tượng Phật, đặt tiền lẻ vào tay Phật, mang thịt lợn đến Phật đường khấn vái mà không màng đến tính linh thiêng của thần thánh. Bởi thường ngày họ giải quyết các vấn đề cá nhân đều bằng tiền. Có lẽ họ tin rằng đồng tiền chính là vật linh hữu hiệu trong giải quyết các vấn đề xã hội và kể cả với thần linh. 

Chuyện lên chùa cầu may dường như cũng cho thấy, trong cá nhân thực hiện hành vi, có sự điều hòa vụ lợi cho cả đôi đường, giữa nhu cầu thế tục và nhu cầu đức tin. Ông suy nghĩ thế nào về chuyện này?

Thật ra đời sống tâm linh người Việt rất phong phú và việc khẩn cẩu vừa thể hiện nhu cầu thế tục và nhu cầu đức tin là chuyện phổ biến trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt. Như một nhà dân tộc học người Pháp, L. Cadière cách đây gần một thế kỷ đã nhận xét: “Nơi người Việt, ở các giai tầng xã hội, tâm thức tôn giáo thể hiện một cách mãnh liệt và chế ngự toàn thể cuộc sống con người. 

Tâm thức ấy, trong mỗi hành vi thường nhật, trọng đại hay nhỏ bé, kết thành một mạng lưới chằng chịt qua các biểu hiện thực hành, khi thì hoành tráng lễ nghi ở đền đài miếu vũ công khai, khi thì âm thầm nhẹ nhàng giây lát bên gốc cây, hòn đá…  

Khi thì lại tìm đến thầy bói mù lòa, tìm đến cô đồng…., hoặc tìm đến thầy bùa thầy pháp, bói quả chân gà… Họ dâng hương hoa thơm ngát lên chư Phật rực rỡ tòa cao, tọa thiền nhập định Đại Từ Bi, Tam Tịnh, Tam Bảo, nhưng họ cũng bái lạy trước những hình tượng mặt mày nhăn nhó, thờ hổ thờ rắn...  Ma thuật với những  thực hành kỳ quái hoang dã ấy lại hòa trộn vào những hành vi tôn giáo cao cả nhất…” 

Có thể thấy, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng người Việt trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm khác nhau nhưng đời sống tâm linh của người Việt vẫn giữ nguyên được được những nét đơn sơ. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, dường như có sự hồi sinh của tôn giáo, tín ngưỡng. Đây cũng là sự phản hồi lại những chính sách của nhà nước làm thay đổi lớn lao nền kinh tế khi chuyển sang kinh tế thị trường. 

Luận điểm cho rằng khi xã hội phát triển, tôn giáo sẽ mất đi tính sống còn của nó dường như không còn đứng vững. Thực chất, tôn giáo ở Việt Nam đang hồi sinh và phát triển với nhiều chiều hướng mới thay đổi từ quan điểm nhà nước, người dân, và tín đồ. Tôn giáo có thể đáp ứng một số nhu cầu tâm linh và tâm sinh lý của người dân khi phải đối đầu với sự bấp bênh của kinh tế thị trường.

Cơ chế loại bỏ hành vi lệch chuẩn

Mang vật chất đến “hối lộ” thần linh, như cách gọi của nhiều người, dường như là câu chuyện có từ thuở sơ sinh của loài người. Dưới góc độ nghiên cứu nhân học, ông nhận thấy các tín ngưỡng, tôn giáo đã loại bỏ hành vi này bằng cách nào để bảo vệ niềm tin đối với chính nó?

Bàn về vấn đề này chúng ta nên nhìn vào chiều kích lịch sử của các tôn giáo thế giới đã tiến hành loại bỏ các hành vi bị xem là ma thuật, mê tín để hiện đại hóa tôn giáo của mình như thế nào?  Tôi nhận thấy các tôn giáo đó thường thông qua những cuộc cải cách về mặt tư tưởng. 

Chẳng hạn như Ki Tô giáo, vào thời đại Khai sáng thế kỷ XVIII, những nhà tư tưởng châu Âu đã hiện đại hóa các lĩnh vực tinh thần, trong đó có cả tôn giáo bởi tư duy lý tính, với những kiến thức có hệ thống được hệ thống hóa trí thức về thế giới tự nhiên và lĩnh vực tinh thần. “Tôn giáo” lúc này được xác định như là một hệ thống giáo lý bao gồm những ý tưởng duy lý mà những người theo đạo tin vào. Các hành vi lễ nghi nằm ngoài hệ thống tư duy lý tính đều bị xem lệch chuẩn, mê tín di đoan. 

Ngày nay, tư duy lý tính của phương Tây về tôn giáo trở thành một bộ phận của thế giới hiện đại mà những dân tộc không phải là phương Tây cũng đã ứng dụng theo khuôn mẫu này. Hơn một thế kỷ qua, quan điểm của phương Tây về tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến các hình thức mà quản lý của nhà nước và giới chức các tôn giáo thế giới. Nhiều nơi chỉ công nhận tôn giáo khi nào nó có một hệ thống giáo lý. Chính vì vậy điều này cũng có những mặt trái nhất định chẳng hạn như người ta coi một số thực hành tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc là mê tín dị đoan.    

Theo ông, cách nào để một xã hội dân sự có thể giúp đỡ được các cá nhân, khi thực hành nghi lễ, đều có được niềm tin và sự nhận thức đầy đủ về tôn giáo hay tín ngưỡng mà họ theo đuổi?

Thật ra chính mỗi tôn giáo đã là một dạng thức của một xã hội dân sự rồi. Việc dìu dắt các tín đồ thực hành các lễ nghi và niềm tin trong mỗi tôn giáo đều có những nguyên tắc, chuẩn mực nhất định, đa phần là hướng thiện và văn minh. Tôi cho rằng hãy để chính các tôn giáo làm công việc định hướng, dẫn dắt niềm tin của dân chúng. Tôi chỉ lo ngại rằng trong phần đông dân chúng có những hành vi lệch chuẩn, xúc phạm làm tổn thương đến các cộng đồng tôn giáo không biết mình thuộc về tôn giáo nào? Họ không có nơi để học hỏi các quy tắc, chuẩn mực hành vi tôn giáo.

Minh Chánh thực hiện 
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/110223/tien-nhet-tay-phat-hay-su-chenh-venh-duc-tin.html

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Báo động văn hóa lễ hội


Thứ 7, 23/2/2013, 10:1 GMT+7
Thật là không hiểu họ làm vậy thì có trời Phật nào chứng dám? Và không hiểu ông Bộ trưởng có cảm thấy bức xúc? 
Chưa bao giờ văn hóa lễ hội ở nước lại đang báo động như hiện nay. Mới cách đây 1-2 ngày, Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã thân chinh đi thị sát và tự tay gỡ bỏ tiền trên người các ông Phật, các ông La hán tại chùa Bái Đính mà khách hành hương đã nhét vào.
Theo tôi, đã đến lúc ngành chủ quản và các cơ quan chính quyền cần phải mổ xẻ xem cái “văn hóa chụp giật” này nó bắt nguồn từ đâu. Phải chăng nói chính là hệ lụy, là hình ảnh thu nhỏ của căn bệnh chạy chọt đang ngự trị trong xã hội?
Ảnh chụp tại chùa Bái Đính (ngày mùng 3 Tết Quý Tị) của độc giả Phan Hoài Hiệp gửi cho báo

Thôi thì đủ thức: Từ chạy chức, chạy quyền, chạy suất thi công chức, chạy trường cho con học, chạy bằng, chạy tuổi về hưu…Phải chăng, nó là hệ lụy của xã hội đang chạy theo hình thức, chạy theo vật chất, chạy theo bằng cấp để cầu lợi đang tấn công mạnh vào nền tảng xã hội của một đất nước có hàng ngàn năm văn hiến?
Người nước ngoài sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy cảnh nhét tiền vào đầu rùa tại Văn miếu Quốc tử giảm để cầu may? Đụng đâu cũng thấy tiến sĩ, nhất là các cơ quan trung ương. Tiến sĩ từ trường đại học là có thể bắt buộc nhưng giờ đây ngoài xã hội cũng đang loạn tiến sĩ. Trong khi đó, chất lượng giáo dục, chất lượng công chức lại không hoàn toàn tương xứng.
Sau khi lý giải, phân tích cặn kẽ rồi cần đề ra các biện pháp quản lý Nhà nước bằng cách bổ sung các qui định về sử dụng tiền công đức như thế nào và xử phạt ra sao để răn đe hoặc đủ sức giáo dục hành vi giống như hành vi xả rác ngoài đường vậy.
Đành rằng không ai đi chùa chỉ để ngắm cảnh nhưng cũng không vì thế mà làm mất đi tính tôn nghiêm nơi đình chùa, có cầu an thì cũng phải có văn hóa, có đóng góp tiền công đức cũng phải đúng chỗ. Đồng thời, ngành Giáo dục cũng nên có nội dung trong các bài giảng về văn hóa cho học sinh, tránh nhồi nhét cho con trẻ những kiến thức hàn lâm chung chung, nặng về hô khẩu hiệu.
Có như thế mới kịp thời ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội trong văn hóa lễ hội.
Mời độc giả tham gia góp ý kiến, viết bài, hình ảnh về những vấn đề trong việc đi lễ chùa, hội đầu năm của người Việt. Những ý kiến, bài viết, hình ảnh hay sẽ được đăng tải trên trang Văn hóa, mục Diễn đàn. Email xin gửi về banvanhoa@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn đóng góp của độc giả.

Văn Phong
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/110074/bao-dong-van-hoa-le-hoi.html

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Hương vị hạt tiêu 13.000 năm

Cập nhật lúc 06:16 14/02/2013 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) - Phát hiện về hạt tiêu trong cuộc khai quật khảo cổ học ở hang Con Moong (Thanh Hóa) thuộc nền văn hóa Hòa Bình đã hé mở khả năng đưa niên đại sử dụng gia vị của loài người lên tới 13 ngàn năm trước.


Phát hiện hạt tiêu con người sử dụng sớm nhất

Trước khi tìm hiểu về lịch sử gia vị chúng ta cần phải phân biệt được rằng việc đưa những hương vị khác nhau trong thiên nhiên vào món ăn, khác với việc sử dụng trực tiếp một số loại hình thức ăn chứa các hương vị đó với tư cách chúng được coi như một nguồn thức ăn độc lập. Ví dụ như trường hợp quả trám (Canarium) chẳng hạn. 

Trong thời nguyên thủy, quả trám được con người thu hái và ăn trực tiếp như một nguồn thức ăn chính. Nhưng từ thời Cổ Trung Đại (Ancient and Mideval Ages), ở một số thành thị, nhờ vị bùi, cay, chát độc đáo, trám được dùng làm gia vị để tăng vị thơm, đậm và làm giảm vị tanh, béo của thịt, cá. Thậm chí được ngâm tẩm chế thành ô mai dùng ăn chơi trong tầng lớp quý tộc.

Quả tiêu Zanthoxilum - một gia vị quý hiếm của người Katu, thường được giã nhỏ trộn với muối (muối tiêu) để chấm thịt gà luộc (ảnh tác giả cung cấp).


Hạt tiêu được giới thiệu trong bài viết này thuộc loài Zanthoxilum và cũng nằm trong phạm vi "gia vị" tương tự như quả trám thời xưa. Tuy nhiên, nhờ có vị thơm lạ mà ngoài việc sử dụng như "gia vị" trong chế biến thức ăn, hạt tiêu Zanthoxilum còn được sử dụng như một hương phẩm tạo mùi dễ chịu và có khả năng xua đuổi côn trùng. Gọi là "hạt tiêu" nhưng đúng ra thì đây là những quả cây (fruit) có kích thước nhỏ chứ không phải là hạt (seed). Vì chúng có hình dáng và kích thước tròn nhỏ, lớp vỏ quả bên ngoài lại khá cứng nên dễ bị gọi nhầm thành hạt.

Những quả tiêu Zanthoxilum đã được chính tác giả bài viết này phát hiện trong tầng B5 của cuộc khai quật khảo cổ học hang tiền sử thuộc văn hóa Hòa Bình mang tên Con Moong diễn ra vào đầu năm 1987. Hang này nằm trong phạm vi rừng quốc gia Cúc Phương thuộc huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). 

Trong số tàn tích thức ăn người xưa bỏ lại, thì bên cạnh hàng vạn vỏ ốc, xương răng động vật, càng và vỏ cua núi, cuộc khai quật đã đưa khỏi lòng đất hàng ngàn tiêu bản hạt quả các loại. Trong đó, nhiều quả tiêu Zanthoxilum cháy được phát hiện tập trung ở tầng B5, nơi đã được xác định tuổi carbon phóng xạ (C14) lên tới 13 ngàn năm cách ngày nay. Đây có thể được coi như phát hiện hạt tiêu Zanthoxilum do con người sử dụng sớm nhất trên thế giới. 

Những quả tiêu Zanthoxilium ở hang Con Moong phát hiện trong tình trạng hóa than (charred), chúng nằm tập trung trên một diện tích hẹp và được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đường kính mỗi quả hiện đo được trong khoảng trên dưới 3mm (dự đoán khi còn tươi có thể 4mm). Một số quả vỡ ra cho thấy bên trong có hai hoặc ba buồng hạt cứng.

Nhận diện loài hạt tiêu cổ 

Về mặt thực vật học, tên khoa học đầy đủ của loài hạt tiêu cổ này là Zanthoxilum piperitum, thuộc loại cây thân gỗ, họ cam chanh (Rutaceae). Cây cao từ 4 - 6m. Thảng hoặc có cây cao trên 10m. Trên thế giới Zanthoxilum nổi tiếng với cái tên "Xuyên tiêu" - "hạt tiêu Tứ Xuyên" (Sichuan pepper). Một trong những vùng phân bố cổ nhất của loài hạt tiêu Zanthoxilum là vùng rừng núi kéo dài từ cao nguyên Vân Quý (Trung Quốc) qua hệ núi Hoàng Liên Sơn (Việt Nam) dọc theo dãy Trường Sơn tiếp đến vùng núi Malaysia, Indonesia. Đây chính là vùng địa lý gốc của Đông Nam Á cổ đại.

Khai quật hang Con Moong.

Trong vùng này, khá nhiều dân tộc bản địa đã có thói quen lâu đời sử dụng Xuyên tiêu Zanthoxilum làm gia vị. Tên gọi loại hạt tiêu Zanthoxilum ở trong vùng Đông Nam Á lục địa khá thống nhất với những tên bản địa như Sẻn, Sâng, Thâng, Khến, Khén... Điều này đã giúp giải thích tại sao chúng đã được con người của nền văn hóa Hòa Bình khai thác đưa về hang đá sử dụng từ sớm như vậy.

Hạt tiêu Zanthoxilum có kích cỡ tương tự hạt tiêu người Việt hiện dùng mà chúng ta vẫn quen gọi là hồ tiêu, tiêu sọ, tiêu Phú Quốc (Piper nigrum L.). Nhưng hạt tiêu Phú Quốc thuộc loại dây leo trong khi đó Xuyên tiêu Zanthoxilum thuộc họ cam chanh thân gỗ. Mùi của Xuyên tiêu Zanthoxilum thơm hắc hương vị chanh khác với Hồ tiêu, nhưng vị cay thì không bằng Hồ tiêu. Nhờ có vị thơm hắc mùi chanh nên từ rất sớm Zanthoxilum đã được dùng như một vật liệu tạo mùi thơm cho không gian nội thất của các gia đình quý tộc. 

Từ đời Tần - Hán, Xuyên tiêu đã được thu gom, sấy khô rồi nghiền nhỏ, trộn với vôi hồ để trát làm áo tường nơi vua và hoàng hậu ở. Những phòng ốc như vậy luôn thoảng mùi thơm chanh man mát, tạo cảm giác sạch sẽ, cao sang. Từ đó xuất hiện chữ "Tiêu Phòng" (phòng có hương Xuyên tiêu) là nơi ở dành riêng cho nơi vua và hoàng hậu ở.

Xuyên tiêu Zanthoxilum ngày nay được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, trở thành một gia vị thường thấy ở bất kỳ tủ bếp của mọi gia đình từ Âu sang Á, từ Úc sang Mỹ. Ấn Độ và Đông Nam Á hiện là những vùng khai thác, sử dụng và xuất khẩu Zanthoxilum lớn nhất trên thế giới. Nhiều công trình nghiên cứu về Xuyên tiêu đã khẳng định nguồn gốc Á châu của loại gia vị độc đáo này. Hiện nay, Xuyên tiêu Zanthoxilum được sử dụng rộng rãi và là một gia vị quý hiếm của người Katu ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. 

Trong đợt nghiên cứu điền dã của chúng tôi ở miền tây Quảng Nam, Trưởng thôn Vel Éo (xã Ba, huyện Đông Giang) cùng các già làng người Katu đã rất ân cần mời chúng tôi món ăn truyền thống: Thịt gà luộc chấm muối tiêu. Mùi Xuyên tiêu hăng ngát hương chanh và hơi cay cay khiến món thịt gà đồi luộc càng trở nên quyến rũ và dễ nhớ hơn bao giờ hết. Người Katu gọi cây tiêu Zanthoxilum là cây Sâng. Đây là một loại cây rừng có gai như gai chanh, nay do bị khai thác nhiều đã trở nên rất hiếm thấy. Vì vậy, quả tiêu Sâng càng trở nên quý hiếm và rất đắt.

Phát hiện Xuyên tiêu Zanthoxilum qua khai quật khảo cổ học tại hang Con Moong với niên đại lên đến 13 ngàn năm cách ngày nay đặt ra cả hai khả năng sử dụng Xuyên tiêu của cư dân văn hóa Hòa Bình. Có thể Xuyên tiêu đã được sử dụng như gia vị trong các món ăn tanh (ốc, cua đá, ba ba...) hay các món thịt nướng (hươu nai, lợn rừng, cày chồn...) mà tàn tích vỏ cua ốc, xương cốt động vật tìm được rất nhiều xung quanh. Cũng có thể Xuyên tiêu được cư dân văn hóa Hòa Bình xưa (hoabinhian) sử dụng như vật liệu tạo khói thơm nhằm xua đuổi ruồi muỗi, côn trùng trong điều kiện sống trong hang

Cho dù Xuyên tiêu được cư dân văn hóa Hòa Bình sử dụng cho mục đích gì chăng nữa thì sự hiện diện của chúng đã hé mở sự tinh tế đáng ngạc nhiên của người tiền sử trong việc khai thác thiên nhiên để làm cao đẹp hơn cuộc sống hằng ngày của mình. Đó chính là môt đặc tính cơ bản của VĂN HÓA loài người (human culturation). 

Nguồn: http://kienthuc.net.vn/kham-pha/201302/Huong-vi-hat-tieu-13-000-nam-895232/

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Nền tảng văn hóa đang rạn vỡ


Chủ nhật, 10/2/2013, 1:0 GMT+7
Trò chuyện đầu năm với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Nền tảng văn hóa đang rạn vỡ

 - “Tôi không biết rằng một đất nước mà trẻ con có thể truy cập được tất cả mọi thứ trên internet, chứng kiến mọi câu chuyện... thì tương lai đất nước ấy sẽ như thế nào.” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
TIN BÀI KHÁC
Nhìn lại một năm cũ đã qua dưới đôi mắt quan sát của một người làm văn hóa, chăm lo cho văn hóa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trò chuyện với báo VietNamNet bằng những âu lo và trăn trở. Con người và văn hóa đang đứng trước những thử thách lớn lao khi sự suy thoái tràn ngập, trộn lẫn vào mọi mặt trong đời sống. 

Giải trí hay nghệ thuật? Có văn hóa hay phi văn hóa?

Thưa ông, dường như trong năm qua, mức độ scandal trong làng giải trí đã "vượt ngưỡng". Ngoài chuyện hình thức ăn mặc bên ngoài, còn có những vụ việc lớn hơn (như hôn môi nhà sư), khiến báo chí nước ngoài phải nhắc đến. Nhiều người phải tự hỏi, họ có còn quan tâm đến đạo đức nữa hay không?
- Showbiz là nơi mà công việc dễ bộc lộ sự phi văn hóa nhất, nếu nghệ sĩ không có một nền tảng văn hóa cơ bản bên trong. Nhưng nếu gạt đi giới showbiz, nếu ta đi sâu vào các ngõ ngách đời sống văn hóa, sẽ thấy  hiện nay, giới công chức, người buôn bán hay cả giới tri thức cũng gặp những điều như vậy. Trong ứng xử, bày tỏ quan điểm, họ tranh luận kém văn hóa; trong đời sống họ xả rác ra môi trường; trong gia đình, họ không tôn trọng người trên kẻ dưới... Câu chuyện không còn thuộc về riêng giới showbiz nữa, mà là cảnh báo cho toàn xã hội.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong buổi trò chuyện đầu năm

Những người làm nghệ thuật đang nhìn showbiz Việt như thế nào?
- Showbiz là một phần đời sống mà bất cứ xã hội nào cũng có. Nếu nó tốt, nó tác động xã hội rất nhanh. Nhưng nếu dở, tác động cũng nhanh vô cùng.
Đôi khi người làm nghệ thuật nghiêm túc vẫn nhìn các sao showbiz như một điều lạc ra khỏi đời sống chung của cộng đồng. Từ cách ăn mặc, lối sống đến chuyện ái tình. Họ cho rằng đây là giới sống phi kỉ luật nhất, ngạo mạn nhất, không ý thức về mình và ít hiểu biết về bản thân nhất. Chính họ là người đang làm một cái gì đó như là những hoạt động của văn hóa - nhưng đôi khi lại trở thành những nhân tố phi văn hóa nhất.
Càng ngày truyền thông càng phát triển, người ta tiếp xúc với showbiz nhiều hơn (sân khấu trực tiếp, truyền hình, báo chí, blog, video, mạng xã hội...). Từ đó showbiz lộ ra ngày càng nhiều những điều phản cảm, khiến xã hội cảm thấy lo sợ rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến con cái, đến thế hệ trẻ.
Ngày càng có nhiều người tự xưng là nghệ sĩ với những cống hiến nghệ thuật rất bé mọn, thậm chí phi văn hóa, phi nghệ thuật. Mọi chức danh đều bị tung hô bừa bãi, từ người đẹp, nghệ sĩ đến tài năng.... Tôi cứ nghĩ người đẹp là phải đẹp cả nhan sắc lẫn tâm hồn cơ. Tại sao không gọi họ đơn giản là ca sĩ, diễn viên, người mẫu... cho đúng với chức năng nghề nghiệp của họ?
- Giới showbiz là một trong vài nhóm lạm dụng danh xưng nhiều nhất. Sau đó đến truyền thông tung hô. Và thứ 3 là những fan hâm mộ quá mức. Showbiz được đón nhận bởi những người hâm mộ còn quá non trẻ và ấu trĩ, chưa trải nghiệm sống và chưa hiểu biết về các tầng văn hóa, nên cứ nghĩ ngôi sao của mình ở rất cao.
Trong Showbiz, hầu hết là những người còn rất trẻ. Tuổi đời chưa nhiều, va vấp chưa nhiều, kinh nghiệm sống chưa có, trước những sự tung hô như thế - ngay cả bản thân tôi cũng sẽ cảm thấy lúng túng - cũng nghĩ mình là một điều gì đó khiến xã hội phải theo dõi từng bước chân, phải quan tâm từng kiểu tóc, trang phục, người tình hay phòng ngủ.
Tri thức còn ít, cộng với sự tung hô vô lối từ người khác rất nguy hiểm cho họ. Đứng trước xã hội, họ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân.
Làm sao để xã hội phân biệt được khái niệm nghệ sĩ (artist) và người làm giải trí (entertainer)? Ở VN, ai cũng xưng là nghệ sĩ hết, chẳng ai nói mình là người làm giải trí.
- Chúng ta phải định danh lại việc đó. Chính bạn là người đầu tiên đi, và những người khác nữa. Một hệ thống dây chuyền các nhà báo phải làm điều này. Không ít người đã lên tiếng phê phán, nhưng chúng ta phải định danh lại họ. Đâu là một người làm giải trí, đâu là một nghệ sĩ? Đâu là một sự kiện giải trí và đâu là một sự kiện văn hóa?
Ai cũng muốn trở thành nghệ sĩ, kể cả một người mẫu mới vào nghề. Thế nên báo chí cứ tung hô thì họ sẽ nhận.
Nghệ sĩ là một từ rất tốt đẹp. Ở đó có sự sáng tạo và cống hiến, mang lại vẻ đẹp cho con người. Nhưng bởi vì chúng ta đã không định danh rõ, nên những người tham gia vào các chương trình giải trí đã không nhận ra vị trí của mình, danh tính của mình. Chứ ở nước ngoài, dù báo chí có gọi thế nào thì họ vẫn phải cải chính. Họ phải xưng danh đúng họ. Và việc đó không có gì phải hổ thẹn. Một người nông dân phải xưng danh là một người nông dân. Như thế mới định rõ tính cao quý, tôn trọng nghề nghiệp của mình. Ở xã hội ta, rất nhiều chuyện phải định danh lại. Ngay cả trong giới văn học của tôi cũng vậy, không chỉ trong giới showbiz.
Quan sát đời sống văn hóa nghệ thuật gần đây, ông thấy chất lượng của chúng đi lên hay đi xuống?
- Đứng về mặt số lượng, phong trào, nó đang đi lên, đang lan tỏa rộng. Nhưng đó là một nguy cơ. Khi  mở rộng bình diện hoạt động văn hóa, mà lại không văn hóa thì tác dụng sẽ ngược lại. Tôi có thể nói, chất lượng đang giảm đi. Những thứ mang tính quảng bá, PR, hoạt động văn hóa như một mục đích kinh doanh mỗi ngày một nhiều lên. Đây là một sự thật. Từ lễ hội truyền thống đến các phong trào đã bắt đầu mất đi bản chất thật của nó - những yếu tố quan trọng tạo nên một sự kiện văn hóa hay nhân vật văn hóa.
Chúng ta còn phải nói nhiều về việc này. Kể cả nói thẳng, có những sự kiện lớn, bỏ ra số tiền lớn, đạt Guiness về số lượng người tham gia, nhưng tác động tích cực vào vẻ đẹp của đời sống văn hóa thì không có.
Nguyễn Quang Thiều bên cuốn sách mới của ông.
Bức tường “hàn lâm” đã ngăn công chúng và tri thức
Với người dân hiện nay, văn hóa tác động thế nào với họ? Họ có được biết nhiều về các hình thức văn hóa - trước đây rất quen thuộc nhưng bây giờ ta lại gọi là hàn lâm - như các tác phẩm văn học kinh điển hay một chương trình âm nhạc cổ điển?
- Tôi là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Những năm tháng của tuổi thơ, tôi được đón nhận những tác phẩm văn học kinh điển (do người Hà Nội sơ tán mang về) mà bây giờ người ta liệt vào hai chữ "hàn lâm". Ở quê tôi, những đơn vị bộ đội học tiếng Anh đóng quân ở đó, có trường ĐH Ngoại giao, ĐH Sư phạm. Họ đã mang về những sản phẩm mà bây giờ ta gọi là văn hóa hàn lâm - nghĩa là thứ chỉ để cho một số những người nào đó trong xã hội - một tầng lớp elite thưởng thức.
Nhưng ngày xưa, những cậu bé nông thôn như tôi đã đọc những thứ đó. Chúng tôi đọc Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hòa bình... Mặc dù có thể không hiểu bao nhiêu, nhưng nó đã dội vào trong trái tim mình những điều gì đó, rất mơ hồ. Nó từng bước gây dựng.
Tại sao lúc đó chúng tôi có thể rung động? Mà nếu bây giờ mang Ruồi trâu cho một người ở nông thôn đọc, họ sẽ bảo "Không, đây là một thứ hàn lâm". Nhưng ngày xưa nó phổ cập ở nông thôn.
Không phải cái đó hàn lâm, mà chúng ta đã đánh mất những vẻ đẹp mang tính uyên bác. Chúng ta thu nạp về phim truyền hình Hàn Quốc khóc sướt mướt; phim truyền hình VN tình ba tình tư. Chúng ta đang hủy hoại sự cảm thụ đẹp đẽ với văn hóa. Chúng ta đang đi lùi lại.
Đó là chỉ số cực kì quan trọng cho thấy dân trí đang đi đến đâu. Chúng ta có nhiều rạp phim, nhiều máy tính hơn, nhưng máy tính chỉ để làm những chuyện thật buồn bã. Xem phim không lành mạnh, viết những thứ này nọ chứ không đi tìm tri thức.
Dù nhân loại có tiến đến đâu, mà đời sống của sách tàn lụi thì có nghĩa là chúng ta có nguy cơ tàn lụi. Không phải tôi là nhà văn mà nói vậy, những dấu hiệu bất bình thường trong đời sống văn hóa của con người nói lên điều đó.
Như vậy, việc đặt ra hình thức hàn lâm cho văn hóa, vô tình đã xây một bức tường ngăn cách với đại chúng?
- Có 2 điều. Thứ nhất, tự số đông dân chúng ngăn chặn bản thân mình, cho rằng nó là thứ thuộc về người khác, thuộc về các ông giáo sư tiến sĩ ở đâu đó. Thứ hai, những nhà quản lý văn hóa cũng không bao giờ sử dụng những thứ đó để truyền bá rộng khắp trong nhà trường, trong cộng đồng, trong đời sống văn hóa chung. Đó là một sai lầm rất lớn.
Lâu nay chính mình không để ý. Nhưng tôi cho rằng câu hỏi của chị đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng. Các nhà quản lý cũng như tất cả mọi người phải biết điều này. Chúng ta đã tạo ra một hàng rào cách trở, đẩy lùi một bộ phận lớn dân chúng, xã hội về phía sau. Mà nhẽ ra họ phải được đẩy lên phía trước.
Chúng ta đã co cụm lại  với những người mang danh giáo sư, tiến sĩ, tri thức, tầng lớp cao trong xã hội. Chúng ta đã để lại những người khác hưởng thụ một thứ mà tôi cho không biết có phải văn hóa hay không? Hay đó là thứ giải trí vô bổ, mất thời gian, tốn tiền và đẻ ra những cảm xúc tệ hại. 

Ngôn ngữ thực dụng xâm lấn con trẻ, gia đình

Từ đó, ông thấy nền tảng văn hóa của người Việt có sự thay đổi nào không trong những năm gần đây? Cách cư xử giữa người với người ra sao?
- Hãy thử trở lại chính ngôi nhà của chúng ta. Ở khắp nơi trên thế giới, ngôi nhà là nơi nảy nở những điều tốt đẹp và cũng là thành trì cuối cùng trong tâm hồn mỗi con người. Ở đó, sự gắn kết con người mạnh mẽ nhất. Khi thành trì đó vỡ, xã hội sẽ vỡ thành từng mảng.
Ở VN hiện nay, văn hóa trong mỗi gia đình đã bắt đầu bị phá vỡ rất ghê gớm.
Có mấy điều đang mất đi. Thứ nhất là quan hệ tứ đại đồng đường, ba hay bốn thế hệ trong một ngôi nhà không còn nữa. Mâm cơm gia đình bị chia sẻ. Trong một bữa tối quần tụ, đó không chỉ là việc cùng ăn thực phẩm, mà là một cuộc hội ngộ trong ngày, cùng chia sẻ một ngày mệt nhọc.
Bây giờ ông bà ăn một nơi, bố mẹ ăn một kiểu, con cái ăn một kiểu khác. Sự phân tán gia đình đã được nhìn thấy.
Thứ hai, ngôn ngữ được sử dụng trong gia đình đã thay đổi. Nếu đặt máy ghi âm trong một gia đình, sẽ thấy người ta không phải đang thì thầm những câu chuyện về tình yêu, về điều tốt đẹp, về hướng thiện cho con cái - mà họ đang nói một thứ ngôn ngữ thực dụng. Đứa trẻ nghe cha mẹ đang bàn cách làm sao cho có lợi, có lời nhất, bán nhà này mua nhà kia, bao nhiêu tiền cho vụ này, với cô này bao nhiêu tiền, với thầy kia bao nhiêu tiền.... Đứa trẻ bị sinh ra trong một đời sống ngôn ngữ thực dụng đầy tính toán. Không có gì cho nó mở rộng tâm hồn, làm sâu tâm hồn.
Tội phạm ở tuổi vị thành niên hiện nay, có cả việc giết cha giết mẹ, giết ông, giết bà, giết em giết vợ, thậm chí giết cả con. Thành trì cuối cùng, nơi cưu mang che chở, dạy dỗ và dẫn đường... đang bị phá vỡ. Chúng ta nghe thấy đấy, nhưng lại mỉm cười và bước đi.
Vị trí của người làm cha làm mẹ rất quan trọng. Trên họ có ông bà, dưới họ có trẻ nhỏ, nhưng dường như họ không ý thức được trách nhiệm của mình. Trên mạng thấy nhan nhản những chuyện ngoại tình công sở, những vụ nhậu trưa, làm việc không nghiêm túc... Họ sẽ phải nhìn lại mình như thế nào, để giữ gìn chính gia đình của mình? Họ có ý thức rằng ngoài trụ cột về tài chính, họ sẽ còn phải là trụ cột về văn hóa?
- Tôi vẫn nói với bạn bè rằng, thành công hay thất bại lớn nhất của chúng ta là con cái. Chúng ta sinh ra một thế hệ mới thì phải tạo dựng cho chúng cả về trí tuệ và tâm hồn. Có một triết lý "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Khi cha mẹ không gương mẫu, sống tùy tiện, bất hiếu và vô cảm, thì những đứa con sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Không phải chỉ có những ông bố bà mẹ tồi mới khiến con cái bị ảnh hưởng. Có những người rất tốt, nhưng không biết cảm nhận được con để dẫn đường cho nó thì những đứa con cũng mất mát, lạc lối trong xã hội. Tôi đã viết trên VietNamNet, chúng ta hiện nay đang chăm sóc quá kĩ lưỡng thân xác của những đứa trẻ mà không nuôi dưỡng tâm hồn chúng nó. Đứa trẻ được ăn những thức ăn cao cấp, bổ dưỡng nhất; nhưng về tinh thần thì lại cho chúng những thứ tệ hại và nghèo nàn nhất. Chắc chắn là như vậy.
Bây giờ mỗi phụ huynh hãy viết một bản kiểm điểm, xem trong năm qua, họ đã nói gì với con họ. Họ đã cho con họ "ăn" những gì, thực phẩm cho tâm hồn là gì? Họ sẽ thấy họ đã cho con cái của mình những thứ thật tệ hại.
Đã đến lúc, nhận thức về những điều này phải chia đều cho tất cả mọi người.
Trẻ em Việt Nam đang được tiếp xúc với mọi thứ văn hóa, truyền hình, phim ảnh, internet y như người lớn, thưa ông.
- Tôi đã từng nói chuyện với một giáo sư Mỹ. Trong gia đình ông, việc cho con xem chương trình truyền hình nào là rất quan trọng, đồng thời chúng được khơi gợi sự độc lập và tự chủ - chứ không phải "thả nổi" như ta. Chúng ta đã quên mất những đứa trẻ đang ở bên cạnh chúng ta. Tôi không biết rằng một đất nước mà trẻ con có thể truy cập được tất cả mọi thứ trên internet, nghe mọi thứ chuyện, chứng kiến mọi thứ chuyện ..... đất nước ấy sẽ như thế nào.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thấu đáo!
Hồ Hương Giang
Ảnh: An Sa
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/108602/nen-tang-van-hoa-dang-ran-vo.html

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Trò chơi dân gian hút khách đầu Xuân

Thứ sáu, 15/2/2013, 14:41 GMT+7

Sáng mùng 6 Tết, trời mưa nhưng nhiều trẻ nhỏ và cha mẹ vẫn háo hức đến Bảo tàng Dân tộc học để chơi các trò dân gian. Nhiều du khách nước ngoài cũng đến để tìm hiểu nét văn hóa Việt.


Ngày 6-8 Tết, tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian. Trong ảnh, các nghệ nhân Hải Phòng đang trình diễn cách làm pháo đất.


Các du khách Anh lần đầu được chứng kiến cách làm trò chơi độc đáo này.


Pháo đất đã làm xong, các nghệ nhân bắt đầu thả xuống đất để tạo tiếng nổ.


Bé Vũ Anh Tuấn (9 tuổi, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) thích thú khi được một tình nguyện viên hướng dẫn cách nặn và trang trí tò he.


Các em nhỏ còn có thể thử in các bức tranh Đông Hồ theo hướng dẫn của các nghệ nhân đến từ tỉnh Bắc Ninh. Chị Phạm Ánh Hồng (mẹ bé Nguyễn Thảo Diệp) cho rằng, hiện nay có quá nhiều trò chơi trên mạng khiến nhiều trẻ quên mất hoặc không biết đến các trò chơi dân gian. Vì lẽ đó, nhiều năm nay cứ dịp Xuân đến chị lại đưa con gái đến đây để học và chơi các trò truyền thống.


Gần trưa nhưng bé Đinh Phạm Mai Phương (lớp 4) vẫn cặm cụi tô nốt bức tranh con giáp. Bé gái cho biết, lý do chọn con mèo vì đây là con vật thân thiện, được nuôi trong nhà và dễ gần với người.


Khu vực nhảy chữ thập của người Khơ Mú, hay nhảy lò cò cũng được trẻ nhỏ thích thú.


Ban đầu, nhiều trẻ lạ lẫm chưa biết trò này nhưng sau khi được hướng dẫn, chỉ 10 phút sau các em có thể chơi thành thạo.


Một cán bộ Bảo tàng Dân tộc học cho biết, bên cạnh những trò chơi quen thuộc của người Việt như pháo đất, đánh đu, kéo co, nhảy bảo bố... du khách còn được trải nghiệm nhiều trò chơi của các dân tộc khác như nhảy bước (Thái), đánh quay (Dao, Nùng), đánh cầu lông gà (Pà Thẻn, Hmông)


Không chỉ người nước ngoài, trẻ nhỏ, nhiều thanh niên cũng thích thú với các điệu múa sạp (Thái), thổi sáo mũi (Xá Phó), đi cà kheo. Riêng tối ngày 7 Tết, du khách được thưởng thức màn trình diễn đốt pháo bông của nhóm thợ thủ công Hải Phòng. Đốt pháo bông đầu năm gắn với mong nước một năm mới người khang, vật thịnh.

Thái Thịnh
Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/du-lich/2013/02/tro-choi-dan-gian-hut-khach-dau-xuan/

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

MỪNG XUÂN QUÝ TỴ



TRƯỚC THỀM NĂM MỚI
GIAO DUYÊN KÍNH CHÚC
QUÝ THÂN HỮU VÀ GIA ĐÌNH
MỘT NĂM QUÝ TỴ
AN KHANG, HẠNH PHÚC, THỊNH VƯỢNG
*

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

"Sành điệu" ở phố ông đồ

Thứ 4, 6/2/2013, 7:0 GMT+7

Không còn nhiều những ông đồ già với khăn đóng, áo the thủa xưa nữa, con phố Văn Miếu (Hà Nội) với hàng trăm "quán chữ" mỗi độ tết đến xuân về lại tề tựu đông đủ những ông đồ, "bà đồ" ngày một trẻ hóa và "sành điệu" hơn.

Sử dụng điện thoại cảm ứng, máy ảnh kỹ thuật số, quần bò rách gối, trang phục thời thượng xứ Hàn... là diện mạo mới của không ít thầy đồ góp mặt tại con phố được mệnh danh là phố ông đồ của đất Hà Thành từ nhiều năm nay.

Tiền nhân có câu "Thầy già, con hát trẻ" tỏ ý rằng phàm là thấy già với nhiều năm dạy dỗ, ắt có nhiều kinh nghiệm hơn trẻ,  kinh nghiệm này ứng cả với nghề thầy thuốc và thầy đồ. Những hình ảnh về ông đồ từ xưa còn lưu lại đến ngày nay đều là những người đàn ông đã cao tuổi hay trong bài thơ nức tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên cũng đều gắn liền với "ông đồ già" với khăn đóng, áo the và hơn cả là cái nghèo luôn đồng hành cùng họ. 

Vẫn là những câu sớ, con chữ tỏ ước mong một năm mới tốt đẹp với gia đình, người thân của người "xin" chữ nhưng được viết ra không chỉ bàn tay của những ông đồ già.

Cũng như mọi năm, những ngày cận tết Quý Ngọ con phố Văn Miếu lại tề tựu
hàng trăm "thầy đồ" bán chữ.
Một số ông đồ vẫn trung thành với khăn đóng, áo the của thầy đồ xưa.
Một số khác "sang" hơn trong những chiếc áo lụa bóng bẩy và không còn viết lên
 loại giấy đơn giản xưa.
Rất nhiều "thầy đồ" trẻ tham dự vào "phiên chợ chữ" mỗi năm mở một lần này.

Rất thời thượng trong trang phục phảng phất cách ăn mặc của thanh niên xứ Hàn
nhưng lại là chủ nhân của "quán chữ" ở "chợ chữ" Văn Miếu.
Một "thầy đồ" trẻ đang múa bút ở phố "ông đồ".
Có ai ngờ một thanh niên trong trang phục rất hiện đại lại mê chữ nghĩa làm vậy.
"Thầy đồ" nữ xinh xắn tranh thủ lướt mạng trên chiếc smartphone trong khi chưa có khách.
Nhiều 'quán chữ" của các "thầy đồ" trẻ in sẵn các bản dịch nghĩa những câu chữ thường được mua nhất để đỡ mất công giải thích.
Trong khi một số ông đồ già vẫn phải chau mày  giải nghĩa mỗi khi có khách xin chữ.
Quán chữ này trang trí cầu kỳ và có treo cả những bằng chứng nhận giải thưởng
 thư pháp để khẳng định đẳng cấp.
Quán chữ của thầy đồ ở độ tuổi khá trẻ đến từ Văn Lâm, Hưng Yên.  
Không chỉ viết thư pháp trên giấp mà "thầy đồ" này còn sáng kiến viết thư pháp
 trên vỏ trứng đà điểu.
Sau mỗi bức thư pháp viết cho khách ông đồ già này lại cẩn thận lưu lại bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số.

Lê Anh Dũng
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/108582/-sanh-dieu--o-pho-ong-do.html