Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Số phận 3 Đàn Xã Tắc nổi tiếng Việt Nam


Update time 06:30 28/04/2013 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) – Việt Nam từng tồn tại ba Đàn Xã Tắc. Theo thời gian và những biến động của lịch sử, các Đàn Xã Tắc gần như đã mất dấu hoàn toàn.
Thế nào là Đàn Xã Tắc?

Thuở xưa, bất cứ một triều đại nào, trước khi tạo dựng cơ đồ, việc đầu tiên là lậpĐàn Xã Tắc. Đinh Tiên Hoàng khi dựng lên nước Đại Việt, đã thực hiện cả hai việc gần như đồng thời "lập Xã Tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế". Vua Lý Thái Tông cũng lập Đàn Xã Tắc vào năm Mậu Tý (1048). 

Trong Từ điển Hán Việt, tác giả Đào Duy Anh phân tích: “Xã tắc” có nghĩa là “Thuở xưa dựng nước (...). Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan cũng cho rằng: “Từ xa xưa, không chỉ đối với người dân, mà ngay cả các vương triều, kinh đô Việt Nam và Trung Hoa, đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng thiêng liêng. Giữ gìn, bảo tồn đàn Xã Tắc cũng chính là giữ gìn Sơn hà Xã Tắc”. 

Các nhà sử học cho biết, Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc. Một là Đàn Xã Tắc nhà Đinh tại Hoa Lư. Sách Đại Việt sơ lược chép về việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và định đô có đoạn: “Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ, vương xưng Hoàng đế ở động Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế”.

Đàn Xã Tắc nhà Lý tại ngõ Xã Đàn 1, phường Nam Đồng,
Đống Đa, Hà Nội. 

Hai là Đàn Xã Tắc nhà Lý tại Thủ đô Hà Nội. Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Đàn Xã Tắc được coi là một trong những di tích quan trọng vào bậc nhất của Thăng Long xưa, được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048) tại ngõ Xã Đàn 1, phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội. 

Và, ba là Đàn Xã Tắc nhà Nguyễn tại Huế được dựng vào năm Gia Long thứ 5 (tức năm 1806) bên trong Kinh thành Huế (trước đây thuộc xã Hữu Niên, sau là phường Ngưng Tích), thuộc địa phận phường Thuận Hòa (TP Huế ngày nay).

Các Đàn Xã Tắc được dựng lên để tiến hành các nghi lễ cầu thần đất và lúa giúp quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, do đích thân nhà vua hoặc một vị đại thần thay mặt vua tiến hành thực hiện.

Số phận 3 Đàn Xã Tắc Việt Nam

Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội. Theo thời gian và những biến động của lịch sử, các Đàn Xã Tắc gần như đã mất dấu hoàn toàn.

Về mặt niên đại, Đàn Xã Tắc ở Hoa Lư được xem là cổ nhất vì được xây dựng năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì phần lớn các di tích cung điện thế kỷ X tại Hoa Lư vẫn chưa được phát hiện. 

Cũng chính vì lẽ đó, Đàn Xã Tắc ở Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) ngày nay được đánh giá là công trình kiến trúc cổ nhất của nước ta, không có công trình cổ nào trên cả nước có thể sánh được về ý nghĩa và độ dài lịch sử...

Công tác khảo cổ tại khu vực Đàn Xã Tắc năm 2006.

Di tích lịch sử Đàn Xã Tắc (Hà Nội) được phát hiện năm 2006 khi triển khai thực hiện đường vành đai 1 đi qua khu vực Kim Liên. Theo các chuyên gia khảo cổ, các nhà sử học thì Đàn Xã Tắc được xây dựng giữa thế kỷ XI. Do đó, đây là công trình có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử, tâm linh.

Ngoài ra, nơi đây còn phát hiện tầng văn hóa Phùng Nguyên, là di chỉ thời đại đồ đồng đầu tiên được phát hiện trong nội thành Hà Nội. Với những dày đặc tầng văn hóa của nhiều thời kỳ thuộc lịch sử Trung đại như vậy, ngày 7/12/2007, bộ VH-TT&DL đã xếp hạng khu di tích khảo cổ học đàn tế Xã Tắc là di tích lịch sử quốc gia.

Việc khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích được áp dụng theo quy định tại Điều 32 chương IV của Luật Di sản Văn hóa và Điều 16, chương III Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa. 

Cuối tháng 3/2013, ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội đã đưa ra phương án kiến trúc cầu vượt trục giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc và nhà dân. Mố cầu nằm ngoài di tích, còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này. Theo chủ đầu tư, cầu vượt dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thành vào năm 2015. 

Trước nguy cơ Đàn Xã Tắc bị xâm hại, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và  nhiều người dân có ý kiến phản đối. Ông Phan Đình Tân, phát ngôn bộ VH-TT&DL, cho biết quan điểm: “Bộ không cho phá Đàn Xã Tắc và không ai có quyền làm chuyện đó”. Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng phản đối việc xâm hại di tích và cho rằng, không vì mục tiêu phát triển đất nước mà bất chấp tất cả. Song, cũng có một số ý kiến nghi ngờ việc tồn tại Đàn Xã Tắc ở bùng binh ngã 5 Ô Chợ Dừa. 

 Đàn Xã Tắc Huế chụp năm 1914. Ảnh: Wikipedia

Trong các di tích Đàn Xã Tắc tại Việt Nam, Đàn Xã Tắc tại TP Huế còn tương đối nguyên vẹn hơn cả. Đàn Xã Tắc ở Huế được xây dưới thời vua Gia Long vào tháng 4 năm 1806 để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc). Ví trí Đàn Xã Tắc nằm tại phường Thuận Hòa, thành nội Huế. Khi đó, triều đình nhà Nguyễn đã huy động tất cả dinh trấn trong cả nước cống đất sạch để đắp đàn. Sau khi Đàn Xã Tắc được xây dựng xong, triều đình nhà Nguyễn rất chú trọng việc cúng tế ở đàn. Ý nghĩa của việc tế lễ đàn Xã Tắc cũng quan trọng không kém việc tế ở đàn Nam Giao và cùng được xếp ở bậc đại tự (trong ba bậc đại tự, trung tự và quần tự). 

Theo qui định của triều Nguyễn, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, vua “ngự giá” làm lễ tế Đàn Xã Tắc, những năm còn lại các ban đại thần thay nhau thực hiện công việc này. Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình tổ chức cúng tế đàn Xã Tắc mỗi năm hai lần vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Cả 13 đời vua Nguyễn nói chung đều thân hành đến làm chủ lễ ở Đàn Xã Tắc. Đàn Xã Tắc cùng với Đàn Nam Giao nắm giữ một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn - là cầu nối giữa vua, quan với thánh thần, giữa dân chúng với vua của mình.

Việc trùng tu di tích đàn Xã Tắc đã cơ bản hoàn thành và công tác tổ chức lễ tế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành theo một lộ trình kéo dài nhiều năm theo định hướng khôi phục lại một cách toàn diện cả đàn tế và lễ tế quy mô như ngày xưa. Trung tâm cũng đang xây dựng hồ sơ khoa học về lễ tế Xã Tắc, tiến tới các thủ tục xin công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể Đại diện của nhân loại.

Tiểu Phong (tổng hợp)

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Thi vào lớp 1 như thi đại học!

24/04/2013 09:15 (GMT + 7)
TT - Nhiều phụ huynh ở Hà Nội cho con thi vào lớp 1 ở 3-5 trường, thi hết trường này đến trường khác với tỉ lệ chọi lên tới 1/3-1/4. Cùng với sự gia tăng trẻ tuổi “heo vàng”, thi tuyển vào lớp 1 ở nhiều trường ngoài công lập của Hà Nội đã nóng hơn bao giờ hết.

Hàng dài phụ huynh sốt ruột đợi con kín cổng trường ngay sau ngày thi 
đầu tiên vào lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội - Ảnh: TIỂU MÃ
6-7 triệu đồng/đợt ôn thi
Sau khi Bộ GD-ĐT quy định “cấm tổ chức thi đọc, viết” đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, một số trường tiểu học ngoài công lập ở Hà Nội đã tìm kiếm phương thức thi tuyển khác để “né” quy định, như kiểm tra năng lực nhận thức, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng khiếu tiếng Anh và kiểm tra sức khỏe...
Không nên kiểm tra chỉ số IQ
Việc kiểm tra chỉ số IQ đối với trẻ sắp bước vào lớp 1 là không nên, kể cả trường công và trường tư. Nó thể hiện quan điểm giáo dục lệch lạc, đi ngược lại với quyền được học tập của tất cả các cháu trong nền giáo dục hiện nay. Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội nên xem xét lại toàn bộ vấn đề này, không nên để sai lầm tiếp diễn. Chứ nếu tổ chức thi đầu vào như một số trường tiểu học ở Hà Nội là gây áp lực cho các cháu rất nhiều.
Hãy để các cháu được hưởng tuổi thơ vui tươi, nhẹ nhàng đúng nghĩa của nó. Cứ thử tưởng tượng xem: sự mặc cảm, áp lực tâm lý đối với những trẻ thi rớt sẽ như thế nào khi kỳ thi đầu đời thất bại?
TS Mai Ngọc Luông (nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM)
H.HG. ghi
Và cùng với việc bắt trẻ tập đọc, tập viết, từ tháng 3, tháng 4 các bậc cha mẹ đã tìm thầy, tìm lớp để “luyện thi” cho con theo nội dung tương tự đề thi của các trường những năm trước. Giai đoạn “ôn thi nước rút”, nhiều bé vừa phải học ở các lớp “ôn thi” bên ngoài, vừa học riêng ở nhà cô, tối đến lại cùng bố mẹ đánh vật với đống bài “trắc nghiệm trí tuệ”. Theo tiết lộ của một phụ huynh, tiền ôn thi “nhẹ nhàng cũng tốn 6-7 triệu đồng”.
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm được nhiều phụ huynh gửi gắm là nơi tổ chức “câu lạc bộ tuổi thơ” bài bản, nơi con em mình được “tập dượt” trước kỳ thi. Bà Quỳnh Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đã cho cô con gái sinh năm 2007 tham gia câu lạc bộ từ tháng 3. Đều đặn thứ bảy hằng tuần, bé được đưa đến trường, được cô hướng dẫn làm các bài tập kiểm tra logic, luyện tiếng Anh, hướng dẫn kể chuyện theo tranh, đúng như mô hình các bài thi nhiều năm của nhà trường.
Cẩn thận hơn, bà Quỳnh Anh còn cho con theo học riêng một cô giáo “luyện” thêm các bài tập toán logic, chuẩn bị cho cuộc thi cuối tháng 5. “Gia nhập câu lạc bộ của nhà trường, chi phí phải đóng cho cháu là 4 triệu đồng/12 buổi. Nếu kể cả tiền xe đưa đón thì chi phí luyện thi này hơn 6 triệu đồng” - bà Quỳnh Anh chia sẻ.
Với mỗi lớp học tổ chức dưới dạng câu lạc bộ khoảng 30 em, số lớp học này năm nay của Trường Đoàn Thị Điểm đã lên đến khoảng 30 lớp với tổng số bé tham gia lên đến gần 1.000.
“Thua keo này, bày luôn keo khác”
Bà Thùy (thường trú ở khu Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) nói: “Tôi đã nộp hồ sơ cho con thi ba trường để không đậu được trường này thì có thể đậu trường kia”. Theo bà kể lại, vì quá hồi hộp nên bài thi vào Trường tiểu học Nguyễn Siêu (vào ngày 19-4) con gái bà đã làm không tốt bài thi trắc nghiệm IQ, mặc dù phần hỏi đáp tiếng Anh làm rất tốt.
“Tôi chỉ nghe cháu kể lại nhưng thấy đề thi khó quá, mặc dù đã luyện cùng cháu mấy tháng nay nhưng với tâm lý căng thẳng thì không phải cháu nào cũng có thể làm được. Đã có cháu vì sợ hãi mà khóc không chịu rời bố mẹ khi vào trường thi” - bà Thùy cho biết.
Sau buổi thi vào Trường Nguyễn Siêu, bà Thùy tiếp tục cho con học tại câu lạc bộ của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và nhờ một cô giáo của trường này dạy kèm để chuẩn bị dự thi tiếp vào tháng 5.
Trong khi đó ông Tuyến, bà Hạnh - một cặp vợ chồng khác cũng có con vừa dự thi vào Trường Nguyễn Siêu - lại tỏ ra cay cú vì “bình thường con rất thông minh, bố mẹ đã cho con làm thử cả trăm bài trắc nghiệm nhưng khi thi lại làm hỏng”. Thất vọng vì thất bại này, bà Hạnh cho biết sẽ cho con thi tiếp “vì không muốn cháu bị ám ảnh bởi thất bại” (!).
Cô Lý Thị Sơn, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, một trường cũng tổ chức kiểm tra đầu vào lớp 1, kể: “Có những người quyết định cho con thi tới năm trường. Năm trước có cháu vừa thi xong trường này đã phải chạy sang trường khác thi tiếp do bị trùng lịch thi”. Còn cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, nhận xét: “Chính phụ huynh làm cho áp lực đối với các cháu căng thẳng hơn. Trường Đoàn Thị Điểm nhiều năm tổ chức kiểm tra đầu vào, nhưng không phải 100% trẻ thi đỗ đều nhập học ở trường này. Có cháu đỗ nhiều trường nên nhập học trường khác, cá biệt có những cháu được bố mẹ cho đi thi chỉ vì muốn “kiểm tra trí thông minh của con”.
“Chọi” căng hơn đại học!
Theo cô Nguyễn Thị Hiền, năm học trước Trường Đoàn Thị Điểm có tới 1.500 bé dự tuyển lớp 1, trong khi trường chỉ nhận trên 500 học sinh (khoảng 20 lớp). Năm nay dự đoán số lượng trẻ đăng ký sẽ đông hơn do tăng dân số cơ học, trong khi trường dự kiến chỉ tuyển 18 lớp. “Nếu áp lực quá mới nới thêm hai lớp” - cô Hiền cho biết. Như vậy tỉ lệ “chọi” vào trường này có thể tới 1/3- 1/4.
Tương tự, Trường tiểu học Lê Quý Đôn năm 2012 có 1.000 học sinh dự tuyển với chỉ tiêu 400. Theo cô Lý Thị Sơn, năm nay trường dự kiến tuyển 12-13 lớp (30 học sinh/lớp) trong khi số lượng đăng ký dự đoán đông hơn năm trước. Trường tiểu học Lý Thái Tổ nằm trong khu vực “trắng trường công” của Hà Nội (khu Trung Hòa, Nhân Chính) nên nhiều năm nay áp lực tuyển sinh lớp 1 cũng rất nặng nề.
Cô Mai Quỳnh Nga, cán bộ nhà trường, cho biết: “Chúng tôi chỉ giới hạn tuyển sinh đối với ba đối tượng là học sinh trong khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, học sinh có hộ khẩu thường trú tại P.Trung Hòa và học sinh được chuyển tiếp từ hai trường mầm non nằm trong hệ thống Trường Lý Thái Tổ. Tuy nhiên số lượng đăng ký đã vượt xa chỉ tiêu. Nhà trường cũng giới hạn số hồ sơ phát ra là 500 bộ, nhưng số thật chỉ là 170 cháu (5 lớp). “Dù không muốn từ chối một học sinh nào nhưng chúng tôi buộc phải tuyển chọn” - cô Nga cho biết.
Chính vì áp lực đầu vào quá lớn khiến một số trường tổ chức thi tuyển phải đau đầu để tính toán những đề thi “có tính sàng lọc”. Thay vì kiểm tra năng lực các cháu 20-30 phút/lượt như các trường khác, Trường tiểu học Nguyễn Siêu tổ chức chương trình kiểm tra toàn diện năng lực trong cả một ngày. Bé 6 tuổi sẽ được ở lại trường cả ngày, thực hiện các bài kiểm tra logic, tiếng Anh xen kẽ với các trò chơi vận động, thực hiện các bài tập nhảy, hát.
“Năm nay trường phát ra 1.000 bộ hồ sơ. Với phần kiểm tra “quét” toàn bộ kỹ năng của trẻ, trường phải tổ chức đến ba ngày, mỗi ngày kiểm tra 300 cháu. Cuộc đua giành một suất vào một trong 11 lớp 1, mỗi lớp chỉ có 24 học sinh như thông báo của nhà trường không dễ dàng” - ông Nguyễn Hùng, một phụ huynh có con thi vào trường này, chia sẻ.

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Sự trăn trở của một kẻ lười biếng


***
27/04/2013 02:00 GMT+7
Hình như chàng trai lớp 12 chân thành hùng biện trong clip tự quay đòi hỏi cuộc sống hành xử Tự do và Dân chủ trong Giáo dục như vậy.

Lịch sử có nhiều hiện tượng lặp lại, song khó có thể tin rằng con người bao giờ cũng có ý thức đúng về những diễn biến giống nhau.
Chẳng hạn như chuyện bạn học sinh lớp 12 tự làm clip phát biểu về nền Giáo dục nước nhà năm 2013. Liệu bạn đó có ý thức mình đang là kẻ nổi loạn hay không? Liệu trong một mức độ nào đó, bạn có thấy là mình đang làm lại hành vi của nhiều học sinh trường Bưởi đầu thế kỷ trước như Đặng Xuân Khu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Khắc Viện ... nay nhắc lại thấy như một thời nào đó đã lùi xa ... quá xa khỏi ký ức người đương thời hôm nay vào năm 2013 này?
Còn xa hơn sâu hơn nữa vào Lịch sử, em học sinh lớp 12 đã tự gọi mình là "kẻ lười biếng". Song sự so sánh đó chắc chắn chỉ là tình cờ. Người học trò Việt Nam của năm 2013 ấy làm sao đủ trình độ, đủ ý thức, đủ can đảm và đủ cả liều lĩnh so sánh mình với "kẻ lười biếng quê vùng biển" là Hải Thượng Lãn ông!
Đơn giản thế này thôi: chàng trai lớp 12 trong clip tự quay chỉ mới có nổi một ý thức phản kháng đủ để anh lên tiếng gửi người lớn, gửi tất cả những người lớn có trách nhiệm trước sự nghiệp giáo dục của đất nước một lời dõng dạc này thôi: "Này, người lớn, các vị hãy nhìn vào chúng tôi đây, hãy nhìn kỹ những sản phẩm ra lò của các vị đây: thế hệ học trò chúng tôi đây, một lũ ngu và lười".
Câu nói ấy gợi cho tất cả chúng ta một liên tưởng: chỉ là "thế hệ chúng tôi" thôi ư? Còn thế hệ các vị, thế hệ đã đúc khuôn thành chúng tôi thì sao? Đã gọi là liên tưởng, thì liên tưởng này nhất thiết sẽ dắt dây sang một liên tưởng khác cho đến một liên tưởng gần như kiệt cùng: các vị đã tổ chức nền giáo dục ra sao, theo hình ảnh nào để chúng tôi đến nông nỗi này - để chúng tôi thành một lũ ngu và lười, liệu các vị có thoát khỏi trách nhiệm trước tình trạng ấy không?
Chàng trai trong clip ấy không nói thẳng hết ý nghĩ "nổi loạn" của thế hệ mình. Chàng trai ấy chỉ tập trung nêu câu hỏi: học biết bao nhiêu những "thứ đó" nhưng học để làm gì? Đây là câu hỏi khó trả lời ngay cả đối với khá nhiều người lớn. Bởi suy cho cùng thì mục đích học của họ cũng chỉ là để có một mảnh bằng "chính chủ" cộng thêm văn bằng hai văn bằng ba văn bằng bốn, cuối cùng cũng chỉ để nhăm nhe một chức quan to nhỏ, và chỉ đến thế thôi.
Và trong suốt quá trình học, thì việc tự tìm đến tri thức bị coi là phụ, mà cả cuộc đời học đường hầu như chỉ là chuyện thi cử, suốt đời thi cử, mươi hai năm đằng đẵng thi cử... để làm gì? Chàng trai trong clip đã nói toạc ra: nếu không có chuyện thi, liệu còn có ai chịu học bài?
Rõ ràng, trong câu hỏi ấy, người học trò "ngu và lười" bộc lộ nguyện vọng của mình rằng anh ta muốn học, học, và học, học khổ đến bao nhiêu cũng được, nhưng không chấp nhận cái khổ của thi cử, không bằng lòng coi thi cử như một kích thích cho việc học.
Lãn Ông, Lịch sử, Tự do, Dân chủ
"Kẻ lười biếng" đang gây xôn xao thế giới mạng
Nguyện vọng ấy nếu được thực thi sẽ bẻ gãy cái roi của những nhà giáo dục các cỡ. Roi từ gia đình, từ họ tộc, từ truyền thống trường, từ những khu phố văn hóa đầy ma túy và bạo lực, và từ những cuộc ganh đua "chăm phần chăm" - áp lực của thói quen tư duy trong một nền văn hóa của số lượng và của sự thô kệch, nơi các "nhà văn hóa" chỉ nhìn thấy sức mạnh giả định trong đám đông, nơi đó tất cả những Einstein những Gandhi và những Charles Chaplin chụm lại cũng chỉ có thể chiếm 1 phần trăm sau nhiều số không đứng sau dấu phẩy!
Dường như ta có nghe thấy em học sinh lớp 12 trong clip đó nói thế này: chúng con kính trọng các thày, nhưng xin thày hãy thoát ra khỏi cách diễn giải vẫn còn thiếu thẳng băng, đòi thế tục hóa nền Giáo dục khỏi mọi chủ thuyết.
Dường như em học sinh lớp 12 vô danh đó đang nói thay các thế hệ tương lai, rằng các thày hãy Tự do trong giảng dạy và trong hành động. Tự do là cái Quyền thiêng liêng nhất mà Tự Nhiên phú cho con người. Có ai cấm các thày tạo ra những bộ sách mới theo chương trình học mới làm hả hê thỏa thuê nguyện vọng chấn hưng đất nước của các thày?  Ngay cả ở bậc đại học là bậc phải dành lấy quyền tự chủ mà các thày cũng cứ bó tay cho sự Tự do trôi tuột đi mất, thế thì lũ trẻ con "ngu và lười" chúng em còn biết trông cậy vào đâu nữa?
Các thầy hãy hành động tự do như trí tuệ tự do của các thày thôi thúc. Còn về phía xã hội, những nhà lãnh đạo phải có sứ mệnh dân chủ hóa cuộc chạy đua tự do vì sự nghiệp chấn hưng văn hóa và giáo dục của dân tộc. (Dân chủ hóa nói ở đây nghĩa là đối xử không phân biệt với mọi khuynh hướng sáng tạo văn hóa và giáo dục khác nhau).
Nhưng giữa hai khuynh hướng Tự do và Dân chủ ấy, thì cần coi trọng khuynh hướng thứ nhất hơn. Dân chủ thì trước sau gì rồi cũng sẽ tới với cuộc sống xã hội. Nhưng Tự do là cái có sẵn trong từng con người sáng tạo. Sản phẩm của Tự do cách tân nền Giáo dục cho cả một Dân tộc sẽ xóa sổ những thứ tự do vờ vịt cốt nuốt trôi lợi nhuận một trường tư thục là cùng.
Trong Tự do có sự thi đua lành mạnh của những tài năng đích thực vì nước vì dân. Hình như chàng trai lớp 12 chân thành hùng biện trong clip tự quay đòi hỏi cuộc sống hành xử Tự do và Dân chủ trong Giáo dục như vậy.
Theo Phạm Toàn/ Tia Sáng


Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Phát hiện gạch cổ nghìn năm tại Thành nhà Hồ

Thứ năm, 25/4/2013, 08:48 GMT+7

Gạch hình chữ nhật, bề mặt được khắc chữ Hán nổi, nét chữ to đậm. Phát hiện này giúp các nhà nghiên cứu lý giải về nguồn gốc, xuất xứ của gạch dùng để xây thành nhà Hồ, di sản văn hóa thế giới.

Ngày 24/4, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, trong đợt khai quật khảo cổ học mới đây tại khuôn viên thành nhà Hồ (xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), các nhà khoa học đã phát hiện nhiều viên gạch cổ cả nghìn năm tuổi. Bề mặt gạch được khắc chữ Hán nổi ghi chú địa danh như: Giang Tây Quân, Giang Tây Chuyên...

Gạch “Giang Tây Quân”, "Giang Tây Chuyên" phát hiện tại thành nhà Hồ có hình chữ nhật, kích thước trung bình 37x17x5,5 cm, nhỏ hơn loại gạch bìa được sử dụng chủ yếu để xây dựng thành nhà Hồ. Chữ được khắc vào khuôn gỗ rồi in vào gạch khi đất còn ướt, nét to đậm, in nổi, viết theo lối chữ chân. Gạch thường có màu xám ghi, được làm từ loại đất sét mịn, tôi luyện kỹ, nung ở nhiệt độ cao nên rất đanh chắc, giữ được màu sắc và không bị thôi bột.

Viên gạch cổ
Viên gạch cổ "Giang Tây quân" phát hiện ở Thành nhà Hồ được cho là có niên đại trên nghìn năm tuổi
Các nhà nghiên cứu nhận định, đây là loại gạch có niên đại từ thời nhà Đường, Trung Quốc (618-907). Điều này được lý giải, thời đó hàng năm cứ vào mùa thu và đông, nhà Đường thường phái nhiều đội quân phòng thủ vùng Lĩnh Nam gọi là “quân phòng thu”, “quân phòng đông” sang. Các đoàn quân được tổ chức và mang phiên hiệu từng tỉnh ở Trung Quốc mà chủ yếu là quân vùng Giang Tây.

Tại đây, chính quyền đô hộ đã bắt quân sĩ phải ngày đêm đóng gạch, nung ngói để xây thành đắp luỹ. Khi làm gạch, sản phẩm của địa phương nào thì khắc tên địa phương ấy lên bề mặt. Gạch “Giang Tây Quân”, “Giang Tây Chuyên” chính là do quân lính của tỉnh Giang Tây sản xuất.

Cuối thời Đường, An Nam đô hộ phủ được đổi thành Tĩnh Hải quân. Từ “quân” ở đây có nghĩa là một đơn vị hành chính cũng giống như các “quân” (đơn vị hành chính) ở Trung Quốc. Tại Hoàng thành Thăng Long, qua các đợt khai quật cũng phát hiện rất nhiều viên gạch tương tự nằm ở lớp cuối dấu tích kiến trúc trong Hoàng thành, nó tồn tại song song với gạch Lý - Trần.

Các nhà khoa học cho rằng các triều đại sau này của Việt Nam đã sử dụng lại loại gạch này để xây dựng cung điện, thành quách. Cuốn Đại việt sử ký toàn thư chép, Hồ Quý Ly đã cho tháo dỡ một số cung điện tại kinh đô Thăng Long đưa về xây dựng thành An Tôn.

Trải qua cả nghìn năm lịch sử nhưng gạch xây Thành nhà Hồ vẫn giữ được màu sắc sáng đẹp, đanh chắc không bị thôi bột
Trải qua cả nghìn năm lịch sử nhưng gạch xây Thành nhà Hồ vẫn giữ được màu sắc sáng đẹp, đanh chắc không bị thôi bột
Ngoài hai loại gạch “Giang Tây Quân” và “Giang Tây Chuyên”, khai quật Nam Giao Tây Đô, các nhà khoa học còn phát hiện loại gạch mang tên “Đại Việt quốc”. Đây là lần đầu tiên tìm thấy loại gạch này tại thành nhà Hồ.

Việc nghiên cứu về niên đại của loại gạch này đang có nhiều giả thuyết, phần lớn học giả cho rằng gạch “Đại Việt Quốc” chính là mang quốc hiệu thời Lý. Tuy nhiên, theo các tài liệu nghiên cứu mới đây thì Đại Việt quốc là tên một quốc gia độc lập do Lưu Cung thành lập vào thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-979). Quốc hiệu Đại Việt của triều Lý phải mãi tới thời Lý Thánh Tông (1054) mới có. Kết quả khai quật tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) cũng phát hiện được rất nhiều loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch Đại Việt xây thành).

Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ nhận xét, việc phát hiện các loại gạch “Giang Tây Quân”, “Giang Tây Chuyên”, “Đại Việt Quốc” tại thành nhà Hồ chứng tỏ việc xây dựng thành đã thu hút nguồn tài lực và trí lực to lớn của nhân dân Đại Việt.
“Gạch thành nhà Hồ là tài liệu quan trọng giúp các nhà nghiên cứu có thêm cơ sở trong quá trình tìm hiểu về thời gian, kỹ thuật xây dựng và những đóng góp của nhân dân các vùng trong nước đối với việc xây dựng kinh thành Tây Đô”, ông Toán nhấn mạnh. Hiện toàn bộ số gạch cổ nói trên đã được Trung tâm chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học và đưa vào bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu trưng bày.

Lê Hoàng

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Bài văn về bệnh vô cảm



BÀI VĂN VỀ "BỆNH VÔ CẢM" GÂY XÚC ĐỘNG SÂU SẮC

Những câu văn của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà Nội, đã gây ấn tượng mạnh với người đọc không chỉ bởi đề tài em lựa chọn mà còn bởi cách hành văn rất tinh tế và sắc sảo. Bài văn được cô giáo cho 9,5 điểm với nhận xét : "Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.”
-----------------------------------------

ĐỀ BÀI :
TRÌNH BÀY SUY NGHĨ CỦA EM VỀ MỘT SỰ VIỆC HOẶC HIỆN TƯỢNG Ở ĐỊA PHƯƠNG HOẶC TRƯỜNG, LỚP (ĐẶT NHAN ĐỀ CHO BÀI VIẾT)

BỆNH VÔ CẢM

Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn, làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang "vò đầu bứt tóc" không biết làm sao có thể tạo ra một con chip "tình cảm" để khiến "những cỗ máy vô tình" biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân, mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm.

Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?

Trước hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thưởng ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ ; một người con gái dịu hiền, yêu kiều trong chiếc váy thanh thoát tản bộ trên những con đường hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ, mà hầu hết là những dòng người tấp nập, vội vã, chen lấn xô đẩy trên đường, xe buýt. Lúc ấy cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ đã bị chôn vùi dưới lớp cát. Phải chăng cũng vì như thế mà họ càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai?

Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành động ác độc, vô lương tâm, người ta cũng cảm thấy bình thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng với những nạn nhân bị hại. Một tháng trước, tôi đọc được một bài báo trên mạng có đưa tin về vụ một đứa bé Trung Quốc hai tuổi bị xe tải cán. Thương xót, đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn của mình. Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm đó, vẫn thoi thóp thở, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua đường vẫn thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện.

Có những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy! Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là những con người "không dại gì", và cũng chính "nhờ" những người "không dại gì" đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan.

Vô cảm còn là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác? Người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà thôi. Nếu không vô cảm, tại sao các cô giáo ở trường mầm non lại nhẫn tâm giật tóc, đánh đập, bịt miệng các cháu bé còn ngây thơ, nhỏ tuổi? Tại sao một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải ? Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi cho riêng mình. Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa… Tất cả những điều vô lương tâm ấy đều xuất phát từ căn bệnh vô cảm mà ra.

Chúng ta biết, bệnh vô cảm vô cùng nguy hiểm nhưng lại đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì nguyên nhân tại sao? Suy cho cùng, tình cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc, mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc.

Tình cảm như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, bi ai và nó cũng như một ngọn lửa bùng cháy mãnh liệt trong tâm hồn để nuôi dưỡng tiếp nguồn sống cho chúng ta. Vì vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm "không còn đất sống" là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét, thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh mình.

"Con người ta không phải là cái đồng hồ và trái tim ta cũng không phải là cái lò xo" - một giáo sư người Anh đã nói như thế. Tóm lại, ta nhận thấy rằng, căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biệt vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần "người", giành lại "trái tim" mà Thượng Đế, mà tạo hóa đã ban cho chúng ta! Hãy đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội! ./.

Bài văn quá tuyệt !
Một tâm hồn cũng rất tuyệt !

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Lỗi trí thức là sản phẩm của nền giáo dục đầy...lỗi


22/04/2013 02:00 GMT+7
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Giáo Dục (IRED) nhận định như vậy trước những án giết người dã man gần đây của một số kẻ được gắn mác trí thức. Vì sao những người đó lại độc ác như thế hay vô cảm đến thế? Là vì họ vô minh và vô hồn và điều này có nguồn gốc sâu xa từ giáo dục. 
CÁC TIN LIÊN QUAN
Một môn Đạo đức chưa đủ
- Thưa ông, bạo lực học đường đang rất phổ biến, chẳng hạn, chúng ta thấy rất nhiều video clip học sinh đánh nhau ở nhiều nơi lan tràn trên mạng; nhiều người trẻ đang ngồi trên giảng đường cũng phạm tội ác tày trời, ông có thể lý giải vấn đề này không?
Thực chất chuyện học sinh đánh nhau không có gì lạ khi từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều có. Nhưng điều lạ ở đây không chỉ là việc đánh nhau dã man mà là sự vô cảm của nhiều người. Khi sự việc xảy ra, có rất nhiều bạn bè vây quanh, không những không can ngăn mà còn cổ vũ nhiệt tình, rồi còn thích thú quay clip để đưa lên mạng nữa. Thậm chí nhiều người lớn nhìn thấy cũng thờ ơ, không quan tâm…
Giản Tư Trung, giáo dục, trí thức
Ông Giản Tư Trung: "Vì sao những người đó lại độc ác như thế hay vô cảm đến thế? Là vì họ vô minh và vô hồn và điều này có nguồn gốc sâu xa từ giáo dục"
Và nhiều vụ án gần đây khiến chúng ta phải rùng mình với những tội ác tày trời vì những lý do rất vớ vẩn của những kẻ sát thủ máu lạnh tuổi học trò. Vì sao những người đó lại độc ác như thế hay vô cảm đến thế? Theo tôi là vì họ vô minh và vô hồn và điều này có nguồn gốc sâu xa từ giáo dục.
Ai cũng nói thầy cô là kỹ sư tâm hồn, công việc của kỹ sư tâm hồn là tạo hồn và sửa hồn cho con trẻ. Không những thế họ còn là kỹ sư trí tuệ để giúp cho người học tự khai minh, khai sáng chính mình, thử hỏi nền GD hiện nay đã làm được chưa?
- Thưa ông, việc những kẻ ngồi trên giảng đường phạm tội có phải do vấn đề dạy kĩ năng sống và môn đạo đức chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức?
Để giải quyết vấn nạn tội ác học đường thì không chỉ dựa vào mấy tiết học của môn đạo đức hay mấy buổi giảng về kỹ năng sống được, đây là mục tiêu của tất cả các môn học và là sứ mệnh của cả nền giáo dục. Một môn Đạo đức duy nhất thì không thể dạy thành một con người được.
Vấn đề đặt ra là học gì, học như thế nào và bao lâu để có thể tạo ra những con người như thế. Từ đó thiết kế lại toàn bộ chương trình học gồm những lớp nào, cấp nào; mỗi lớp, mỗi cấp như thế cần học những môn gì, không nên học môn gì, và mỗi môn như vầy sẽ có mục tiêu, nội dung và cách thức ra sao…Nếu không làm rõ như vậy, mỗi lần xảy ra chuyện gì, đụng đến cái gì thì lại bảo là cần chú trọng dạy cái đó.
Môn đạo đức hay kỹ năng sống cũng chỉ là một trong vô số môn học để đạt được mục tiêu giáo dục mà thôi. Nhưng ngay cả môn đạo đức hay môn kỹ năng sống hiện nay cũng có rất nhiều vấn đề, cả về mục tiêu, nội dung lẫn phương pháp.
Nhiều nơi cứ hô hào dạy kĩ năng sống cho học sinh (cái này cũng tốt) nhưng chỉ là hoa lá cành, còn cái gốc là những giá trị nền tảng thì lại chưa chú trọng. Tôi e rằng nếu chỉ lo học những kỹ năng, kỹ xảo, những thủ thuật, mẹo vặt…mà không học cái căn cơ, nền tảng để tạo nên một con người thì mọi thứ sẽ vẫn như cũ thậm chí sẽ còn tệ hơn.
Nhiều SV là sản phẩm của nền GD đầy lỗi....
- Bản thân những người gây ra tội ác này lại đều là những SV có học thức. Theo ông những chủ nhân tương lai của đất nước cần làm gì để làm chủ bản thân, để không đi đến những lối sống tha hóa, mất nhân cách, cầm thú như vậy?
Ba cỗ máy quan trọng nhất giúp hình thành nên con người là gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu những cỗ máy này mà tốt thì sẽ tạo ra vô số sản phẩm tốt, và ngược lại, nếu những cỗ máy này có vấn đề sẽ tạo ra những sản phẩm đầy lỗi cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Nhiều SV hiện nay là sản phẩm của nền GD đầy lỗi. Vì vậy, vấn đề hiện nay là bản thân mỗi sinh viên cần nhìn nhận cho đúng về mình, rằng mình là một sản phẩm đầy lỗi hay là một sản phẩm ngon lành.
Tôi cho rằng, sinh viên là người lớn, nên cho dù thế nào thì những người có chút ý thức sẽ biết đi tìm chính mình và sẽ tìm ra chính mình, và hơn nữa còn biết làm thế nào để làm ra chính mình. Có 2 phương tiện quan trọng nhất để làm điều đó là “túi văn hóa” và “túi chuyên môn” hay nói cách khác đó là năng lực làm người và năng lực làm nghề.
- Vậy nếu có một cuộc cải cách GD toàn diện để tạo ra những con người có cái đầu khai minh và trái tim có hồn như ông nói thì theo ông cần phải làm gì và bắt đầu từ đâu?
Hiện nay cả nước đã thấy nền GD chưa tương xứng và đang chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Nếu chỉ xét việc cải cách giáo dục theo tôi có 2 vấn đề tiên quyết là cải cách về triết lý GD và cải cách về guồng máy GD.
Để cải cách về triết lý GD thì cần phải định nghĩa lại GD, đó là trả lời đầy đủ, rõ ràng và thuyết phục 3 câu hỏi Thế nào là con người? Chúng ta muốn tạo ra những con người như thế nào? Làm thế nào để tạo những con người như thế? Chúng ta không thể đổi mới GD nếu không làm rõ thứ giáo dục mới đó là gì, và cần hiểu rằng, giáo dục là một công cụ để tạo ra con người tự do, con người khai minh, chứ không phải là công cụ để tạo ra con người công cụ.
Để cải cách về “guồng máy giáo dục” thì phải định nghĩa lại vai trò của 5 chủ thể then chốt trong một hệ thống giáo dục gồm nhà nước - nhà trường - nhà giáo - gia đình và người học.
Hiện tại nhà nước đang không làm nhiều việc vốn dĩ thuộc vai trò của mình, mà lại đi làm thay rất nhiều việc thuộc vai trò của 4 “nhà” còn lại (có nên làm chuyện tuyển sinh không, lo chuyện thi cử không, làm chuyện biên soạn sách không…công việc của nhà nước là giám sát hay làm thay và ai sẽ là người lo cái chuyện 50 năm nữa nền giáo dục của ta sẽ ra sao...)
Nhà trường và nhà giáo cũng tương tự, bỏ qua rất nhiều sứ mệnh cơ bản của mình và làm thay công việc của học sinh và phụ huynh (dạy là để giúp cho học sinh học, là giúp người học tự khai minh, chứ không phải là cố nhét vào đầu học sinh những thứ chỉ để thi…), còn việc vốn dĩ là của mình là giáo trình hay thi cử thì lại không được tự chủ vì nhà nước đã làm thay.
Gia đình thay vì giúp con trở thành chính nó thì lại bắt con trở thành chính mình…Vì vậy mỗi chủ thể then chốt trong guồng máy giáo dục hãy quay về đúng vai trò vốn dĩ của mình và trả lại những vai trò không phải của mình cho các chủ thể khác.
Tất nhiên, để thực hiện được 2 chuyện tiên quyết nói trên thì không chỉ dựa vào ngành giáo dục mà còn phải xuất phát từ tâm nguyện và quyết sách quốc gia của giới lãnh đạo tối cao. Nhưng nếu không giải quyết những chuyện tiên quyết này mà cứ đi vào những chuyện cụ thể như, hôm nay bàn chuyện sách giáo khoa, ngày mai bàn chuyện thi tốt nghiệp, ngày kia bàn chuyện tuyển sinh, chuyện giáo viên… thì chỉ bàn mãi mà không giải quyết được căn cơ vấn đề nào cả, hoặc càng giải quyết càng rối, càng tệ…vì chúng ta đang đi theo “quy trình ngược”.
- Cảm ơn ông!

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Kỳ bí "kho báu" của quân khăn vàng ở Việt Nam


Cập nhật lúc 06:30 09/04/2013 (GMT+7)

Kỳ bí "kho báu" của quân khăn vàng ở Việt Nam

(Kienthuc.net.vn) - Gần hai tháng nay, dân làng Khỏn Sình, Lạng Sơn thay nhau canh giữ miếu Thổ Công vì họ phát hiện có kẻ đã "bí mật đào trộm kho vàng" của làng.
Huyền thoại của Khỏn Sình

Miếu Thổ Công nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, đoạn qua làng Khỏn Sình, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn. Theo khẳng định của nhiều người dân địa phương thì ở miếu Thổ Công làng Khỏn Sình có "kho vàng" hoặc cổ vật quý. Vì thế mà từ hàng trăm năm nay dân làng Khỏn Sình canh giữ miếu rất nghiêm ngặt không cho ai xâm phạm.
Khi thấy chúng tôi đến miếu Thổ Công, nhiều người dân làng Khỏn Sình đã tập trung đến để phản ánh thông tin về ngôi miếu đã đi vào huyền thoại suốt mấy trăm năm nay.
Theo lời của các bậc cao niên trong làng thì miếu Thổ Công là của dòng họ Trần. Ngày xưa, mỗi dòng họ lớn trong làng đều lập miếu thờ thổ công để thờ cúng thần đất. Riêng ở làng Khỏn Sình có tới 4 cái miếu thổ công, trong đó, miếu của dòng họ Trần là linh thiêng nhất, to đẹp nhất.
Đến nay, người dân làng Khỏn Sình không ai nhớ miếu Thổ Công được xây dựng vào thời gian cụ thể nào. Những người già đã sống gần một thế kỷ nay ở làng Khỏn Sình bảo rằng, khi họ lớn lên đã thấy ngôi miếu. Hồi đó bên ngôi miếu đã có một cây si và một cây gạo cổ thụ 5 người ôm không xuể. Trải qua trăm năm, nhưng dường như cây si và cả cây gạo không lớn hơn trước là mấy.
Trước đây, miếu Thổ Công chỉ bé chưa bằng một gian nhà bếp, vào mỗi dịp lễ, tết hay ngày rằm người dòng họ Trần ra miếu Thổ Công nhang khói. Về sau, người dân thấy miếu linh thiêng nên dân làng ai nấy đều tôn sùng. Vào dịp lễ, tết người dân cả làng đến miếu Thổ Công cầu cúng, cầu mong bình an... và miếu này được tôn thành miếu thờ thần thổ địa của cả làng Khỏn Sình.
Cách đây mấy chục năm, miếu Thổ Công nằm chơ vơ bên bờ sông. Vào mùa mưa lũ, nước sông đánh sát vào tận gốc cây si, cây gạo. Thấy miếu Thổ Công xuống cấp, năm 1948 một ông quan địa phương tên là Vi Đô, tên cúng cơm là Phan Lạng xây dựng lại to hơn. Sau khi xây lại miếu, đất phù sa từ thượng nguồn trôi về và bồi tụ nơi miếu Thổ Công,  tạo thành một bãi bồi có chiều rộng khoảng 100m dài khoảng 1km, đủ để bao bọc miếu Thổ Công khỏi các trận lũ lớn. Vì có dải đất này nên mấy chục năm nay, chưa có trận lũ nào nào vào được đến miếu Thổ Công.
Người dân làng Khỏn Sình tin rằng, dưới miếu Thổ Công
 có kho vàng. 

Miếu Thổ Công có đồng đen
Anh Trần Đức Nguyên người dân làng Khỏn Sình khoe rằng: Cách đây mấy chục năm, bố anh tên là Trần Văn Bắc đã hai lần nhặt được tượng đồng đen, một lần bố anh nhặt được ở đoạn trước cửa miếu Thổ Công tiếp giáp với sông Kỳ Cùng. Tượng đồng đen chỉ cao hơn chai bia, nặng trên 3kg. 
Sau khi nhặt được tượng đồng đen, bố anh Nguyên đã dùng dao đẽo vào xem đó là gỗ hay là đồng. Sau khi đẽo tượng bố anh bảo đó là tượng đồng đen. Khi nghe tin ấy, gia đình anh hoảng hốt vì sợ cả gia đình sẽ gặp phải điều rủi vì người dân làng Khỏn Sình rất sợ nhặt được đồng đen, nếu nhặt được đồng đen thì đó là điều rủi cho cả gia đình, nó có thể ám cả nhà ốm đau, bệnh tật mà chết... Chính vì thế nên sau khi biết bức tượng nhặt được là đồng đen, bố anh đã đem ra bờ sông Kỳ Cùng vứt.
Một thời gian ngắn sau, ông Bắc đi ra sông Kỳ Cùng bắt cá tiếp tục mò được một tượng đồng đen khác, nhưng ông đã vứt luôn và không đem về nhà.
Khi chúng tôi đang trò chuyện cùng anh Nguyên thì ông Lục Quốc Khanh, người dân làng Khỏn Sình bước vào tiếp chuyện: "Ngày còn trẻ bố nó (ông Bắc bố của anh Nguyên - PV) với mấy thằng bạn ra sông Kỳ Cùng tắm, khi vớt được tượng đồng đen còn chơi trò "mò tượng", tức là ném tượng đồng đen xuống sông, sau đó cả lũ thi nhau mò, ai mò được trước thì người ấy thắng. Tôi cũng là người được chứng kiến chuyện đó. Về sau trò nghịch dại này của lũ trẻ bị các cụ trong làng cấm đoán vì sợ bọn trẻ sẽ rước họa cho cả gia đình, dòng họ...".
Theo lời của nhiều người dân địa phương kể lại, cách đây khoảng 20 năm (1990), đã có vài người lạ mặt đến miếu Thổ Công đào bới. Địa điểm đào nằm ngay dưới gốc cây si và cây gạo để tìm cổ vật. Không rõ những người lạ mặt đó có đào được thứ gì hay không, nhưng chỉ sau hai đêm đào bới, nhóm người lạ mặt lững thững bỏ đi. Kể từ đó đến nay, xung quanh miếu Thổ Công đã diễn ra một số đợt đào bới lẻ tẻ do dân làng tự tổ chức để tìm kiếm đồ cổ nhưng không được. Tuy vậy, người dân vẫn hàng ngày canh giữ miếu để “kho báu” không lọt vào tay của những cánh thợ chuyên đào bới, săn lùng đồ cổ.
Một cửa địa đạo khai quật cổ vật
ngay trước cửa miếu Thổ Công. 

"Kho vàng" của quân khăn vàng?
Ngôi miếu Thổ Công nằm sâu trong ngõ 5 Đường Phai Vệ, TP Lạng Sơn. Miếu nằm trên một gò đất cao, bằng phẳng cách sông Kỳ Cùng khoảng 100m và ngay sát khu dân cư.
Khi chúng tôi đến miếu Thổ Công để tìm hiểu thông tin. Những người dân làng Khỏn Sình không ngần ngại kể về một kho báu của quân khăn vàng thời Thái Bình Thiên Quốc chạy loạn xuống phương Nam.
Sỡ dĩ người dân biết được thông tin này là do trong làng có một gia đình giữ được cuốn gia phả của dòng họ. Trong cuốn gia phả đó có nói đến các địa điểm ở các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn và Quảng Ninh chôn giấu vàng. Tuy nhiên, khối lượng vàng, bạc được chôn giấu nhiều hay ít thì cuốn gia phả không nói đến. Hiện nay không ai biết cuốn gia phả quí giá này do ai sở hữu, có điều, trước đây đã có nhiều người nhìn thấy cuốn gia phả, vì thế càng khiến cho người dân củng cố niềm tin rằng quanh miếu Thổ Công có "kho vàng" và ra sức bảo vệ.
Ông Lục Quốc Khanh cho biết: "Mấy chục năm nay, xung quanh miếu Thổ Công thường xuất hiện những nhóm dò tìm cổ vật. Có cánh thì đem theo chiếc máy dò hiện đại đến dò từng thước đất, đoàn này đi rồi đoàn khác lại đến khiến dân làng Khỏn Sình giận giữ".
Mặc dù cho rằng thần thổ công của làng Khỏn Sình rất linh thiêng nên sẽ ngăn cản kẻ xấu đột nhập vào “kho báu”, nhưng dân làng vẫn rất cảnh giác. Mỗi khi có đoàn người lạ mặt nào vác máy lảng vảng đến gần miếu Thổ Công người dân liền tập trung  đến để xua đuổi.
(còn tiếp)
"Miếu Thổ Công không phải là di tích cấp tỉnh, cũng không phải là di tích cấp Quốc gia. Từ xưa tới nay, việc xây dựng, chăm sóc và bảo vệ miếu đều do dân làng Khỏn Sình đóng góp công sức để làm. Năm 1990 người dân đã góp tài sản, tiền bạc để xây lại miếu cao ráo, sạch đẹp như hiện nay".
Ông Lục Ninh Hóong (người trông giữ miếu Thổ Công làng Khỏn Sình) 

Cập nhật lúc 06:35 11/04/2013 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) - Từ trước Tết đến nay, người dân Khỏn Sình chưa nguôi giận trước việc một công ty bí mật đào một hố sâu hơn 5m để đánh cắp kho báu của làng. 
Đã có người đào được vàng

Ông Lục Minh Hóong, người trông coi miếu Thổ Công kể lại: "Khoảng năm 1952 - 1953 có một người bộ đội đào được một chum vàng trong lúc đào hầm trú ẩn ở bờ sông Kỳ Cùng, ngay trước miếu Thổ Công. Khi đào được, anh bộ đội này đã không đem theo người mà đem cả chum vàng chôn lại gần một bụi tre để đánh dấu cho dễ nhớ. Sau đó ít lâu, đơn vị của người bộ đội được điều động vào miền Nam đánh Mỹ. Trước lúc hi sinh, người bộ đội này đã viết một bức thư về cho gia đình, trong thư anh đã vẽ sơ đồ nơi anh chôn chum vàng, dấu hiệu nhận biết... Khi hòa bình lập lại, gia đình của người chiến binh này đã tìm đến miếu Thổ Công và đào được chum vàng mà anh bộ đội chôn giấu".
Ngoài ông Hóong, ông Khanh cũng là người đã chứng kiến sự việc gia đình người bộ đội đào được vàng cách đây mấy chục năm. Ông Khanh bảo: "Lúc đó chúng tôi thấy trong chum có những vật trang sức bằng vàng như vòng tay, dây chuyền vàng... Ngoài vàng ra còn có cả những đồng tiền bằng bạc được để trong chum. Khi đào được chum vàng, gia đình người bộ đội đó đã đem cả chum vàng về mà không biếu lại cho làng tí của cải nào".
Mặc dù đã có người đào được một chum vàng, nhưng người dân làng Khỏn Sình tin rằng, đó chỉ là phần rơi vãi của kho báu xung quanh miếu Thổ Công và dân làng không ngừng bảo vệ, tìm kiếm kho báu suốt mấy chục năm ròng.
Bãi đất trồng cây của Công ty Phương Trưởng. 

Đào miếu, đánh cắp kho báu?
Khi tiếp xúc với chúng tôi, những người dân làng Khỏn Sình bày tỏ sự giận giữ trước việc Công ty Cổ phần Phương Trưởng đã đào một cái hố sâu chừng 5m bán kính khoảng 2m vào chân miếu Thổ Công. 
Anh Trần Đức Nguyên, người dân làng Khỏn Sình dẫn chúng tôi đến cái hố mà nhiều người cho rằng, đó chính là nơi chứa cổ vật quý. Hố nằm ở vị trí phía dưới so với miếu Thổ Công, cạnh một bụi tre rậm rạp. Cửa hố cao bằng vai người, ăn sâu xuống lòng đất, hướng về phía miếu Thổ Công. 
Được sự chỉ dẫn của anh Nguyên, chúng tôi tìm đường chui xuống dưới. Một bên sườn hố được đào những bậc thang để lên xuống được dễ dàng. Ở vị trí cách mặt đất khoảng 1m có một nhánh hầm nhỏ hướng ra phía sông Kỳ Cùng, đi sâu xuống vài mét nữa tiếp tục có một nhánh hầm khác sâu gần 2m chạy dọc theo bờ rào miếu Thổ Công, phía đáy của hố là một phiến đá lớn.
Theo người dân làng Khỏn Sình thì năm ngoái, Công ty Phương Trưởng đã thuê đất của người dân ở khu vực bãi bồi ven sông Kỳ Cùng đoạn xung quanh miếu Thổ Công để trồng cây. Đến tháng 11/2012, công ty này bắt đầu đem máy móc và công nhân đến để đào hố trồng cây. Tuy nhiên, việc trồng cây chỉ là phụ, còn đào cổ vật mới là chính. Sau khi đào xong cổ vật người của Công ty Phương Trưởng cũng "bặt vô âm tín" để lại bãi đất với vài cây trồng dở.
Anh Nguyên kể lại: "Lúc Công ty Phương Trưởng đến trồng cây người dân không có phản ứng gì cả. Nhưng rồi một số hành động của công ty này khiến dân làng nghi ngờ. Đó là việc công ty đã làm một cái lán tạm nép vào bụi tre cạnh miếu Thổ Công. Miếu được che đậy cực kỳ kín đáo bằng lưới thép B40, cọc cốp pha và bảo vệ cẩn mật cả ngày lẫn đêm. Người của công ty này nói lán dùng để xơ dừa với thuốc để bón cây nên rất độc hại vì thế không cho bất kỳ ai vào".
Mâu thuẫn giữa dân làng Khỏn Sình với Công ty Phương Trưởng ngày càng gay gắt khi người dân thấy xuất hiện 3 nhà sư đến miếu Thổ Công để cúng bái. Việc này khiến người dân càng trở nên tức giận vì đi ngược lại với truyền thống của làng từ xưa tới nay, vì thế dân làng đã xua đuổi đám thầy sư và không cho tổ chức cúng bái ở miếu Thổ Công. 
Hố khai quật do Công ty Cổ phần Phương Trưởng đào. 

Phát hiện ra thì đã quá muộn?
Khi phát hiện Công ty Phương Trưởng cho người đào hố cạnh miếu Thổ Công thì người dân quá bức xúc. Dân làng cho rằng họ đang đào bới để đánh cắp kho báu của làng. Để ngăn cản, dân làng Khỏn Sình đã phá lán trại của Công ty Phương Trưởng, ngăn chặn việc đào bới, bảo vệ kho báu dưới miếu Thổ Công. Thế nhưng thực tế thì không ai biết Công ty Phương Trưởng đã đào bởi ở miếu Thổ Công chính xác vào thời gian nào và đã đào được gì chưa?
Theo anh Trần Đức Nguyên thì có lẽ Công ty Phương Trưởng đã đào hố khai quật từ khi mới bắt đầu triển khai việc trồng cây ở bãi đất thuê của người dân nằm trước cửa miếu Thổ Công, sát bờ sông Kỳ Cùng. Ban đầu công ty này dựng lán nép vào bụi tre sát với bờ rào miếu Thổ Công nên người dân tưởng đó là lán trại để bảo vệ tài sản. Ngay cả những hộ dân ở cách lán chỉ khoảng 10m cũng bất ngờ trước việc đào hố khai quật của Công ty Phương Trưởng. Thế nhưng, những hành động kỳ quặc là công ty trồng cây mà lại làm việc vào cả ban đêm đã khiến người dân nghi ngờ.
Nhiều người đã liên tưởng đến những sự việc diễn ra trước đó, đó là việc Công ty Phương Trưởng đã đem một loại máy mà nhiều người cho rằng đó là máy dò cổ vật, dò vàng đến miếu Thổ Công dò tìm. Chính vì thế người dân mới quyết định xua đuổi Công ty Phương Trưởng khỏi miếu Thổ Công.
Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường thì thấy miệng hố được đào rất trơn tru, gọn gàng đến nỗi không một rổ đất nào bị rơi vãi ra miệng hố. Anh Nguyên phỏng đoán: "Rất có thể người của Công ty Phương Trưởng đã đào đất chôn xuống những hố trồng cây và vùi đất phù sa lại để ngụy trang, hoặc có thể đất được đổ xuống sông Kỳ Cùng để xóa dấu vết cho đến khi khai quật xong. Điều này chứng tỏ Công ty Phương Trưởng đã lên kế hoạch và có sự chuẩn bị rất kỹ càng từ trước đó nên mới hành động bất ngờ qua mặt hàng trăm người làng Khỏn Sình, đến khi người dân phát hiện ra thì đã quá muộn".

 "Sở Văn hóa đã có quyết định cho Công ty Cổ phần Phương Trưởng
 khai quật khảo cổ khẩn cấp vì nghi là có cổ vật quý. Tuy nhiên,
 khi Sở ra quyết định đồng ý khai quật thì phía Công ty Phương Trưởng
 đã khai quật xong theo kiểu "tiền trảm hậu tấu". Chính Sở cũng
 không biết Công ty Phương Trưởng đã đào được những cổ vật gì,
 số lượng bao nhiêu...".
Bà Ấu Thị Nga Sơn (Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch 
tỉnh Lạng Sơn) 


Lợi Dương