Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Ẩn số thế đất xây đền Bà Triệu

Update time 19:03 29/04/2013 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) - Tại sao Miếu và Ðền Bà Triệu được xây dựng tại Hậu Lộc (Thanh Hóa)? Di tích dòng sông Âu có ý nghĩa gì với di tích lịch sử quốc gia này? 




Ðền và Miếu Bà Triệu - một địa danh lịch sử và văn hóa lớn quốc gia, nơi ghi dấu chiến công của Nữ anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Ðịa danh này thuộc thôn Phú Ðiền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây đã có những giai thoại về tên Triệu Ẩu, núi đá biết nói... Ngoài ra, nơi đây cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra với mong muốn được giải thích trên cơ sở khoa học như: Tại sao Miếu và Ðền Bà Triệu lại được xây dựng tại chính nơi đây? Di tích dòng sông Âu có ý nghĩa gì đối với di tích lịch sử quốc gia này? 

Nguồn cuội của tên Triệu Ẩu

Từ Hà Nội trên Quốc lộ 1A cách TP Thanh Hóa khoảng 18km chúng ta gặp Đền và Miếu Bà Triệu - một địa danh lịch sử và văn hóa lớn quốc gia; nơi ghi dấu chiến công của Nữ anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Địa danh này thuộc thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Miếu Bà Triệu nằm trên ngọn núi nhỏ và thấp có tên là Núi Tùng; còn Đền Bà Triệu nằm ở phía đối diện qua QL1A trên Núi Gai (Một ngọn núi trong dãy núi Bần thuộc huyện Hậu Lộc). 

Tiếp tục đi về hướng thành phố Thanh Hóa khoảng 1,5km, chúng ta sẽ qua ga Nghĩa Trang và một cống nhỏ bắc qua đường quốc lộ mang dấu tích của dòng sông Âu huyền thoại. Vậy Bà Triệu là ai? Tại sao Miếu và Đền Bà Triệu lại được xây dựng tại chính nơi này? Di tích dòng sông Âu có ý nghĩa gì đối với di tích lịch sử quốc gia này và hàng loạt các câu hỏi ập đến với những người đang đi tìm những bí mật của quá khứ lịch sử.

Tương truyền, Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 226) tại một xóm nhỏ bên núi Quan Yên, quận Cửu Chân nay là làng Quan Yên, xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Núi Quan Yên nằm sát Ngã Ba Bông, nơi sông Chu hợp lưu với sông Mã. Bà còn có tên là Triệu Ẩu, mà theo nhiều tác giả đó là do người Trung Quốc thời trước vì căm giận đặt cho, với nghĩa "Ẩu" là "mụ". Bà là em ruột Triệu Quốc Đạt, một chức quan nhỏ "huyện lệnh" khi nước ta còn nằm dưới sự đô hộ của quân xâm lược Đông Ngô (thuộc giai đoạn Tam Quốc chí trong lịch sử Trung Quốc). 
Cổng tam quan đền Bà Triệu. 

Vú dài ba thước, sinh lực dồi dào

Bà là người phụ nữ nông thôn có khuôn mặt đẹp, thân hình cao lớn, nở nang với đôi chân và đôi tay dài biểu hiện cho cái đẹp khoẻ mạnh, phóng khoáng, thông minh; mang sắc hương đồng nội của người phụ nữ Việt Nam. Sử sách thời xưa còn ghi Bà có vú dài ba thước để nhấn mạnh đến vẻ đẹp nữ tính theo quan niệm người xưa, chứa đựng một nguồn sinh lực dồi dào. Sinh ra trong gia đình có thế lực trong vùng, nên từ nhỏ bà đã được luyện tập tinh thông các môn võ nghệ, cách bài binh bố trận và sử dụng cung kiếm; nên không cam chịu sống theo số phận thông thường của người phụ nữ cùng trang lứa.

Không chịu được chính sách hà khắc của quan quân Đông Ngô và những hành động tàn ác của đạo quân xâm lược người Tầu, năm 248 Bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo nghĩa quân khởi nghĩa đánh chiếm quận lỵ quận Cửu Chân. Triệu Thị Trinh với câu nói nổi tiếng đã thuyết phục anh trai mình gác việc riêng để tham gia nghĩa quân: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta". 
Lúc đầu căn cứ của nghĩa quân là Núi Nưa thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Khi Triệu Quốc Đạt không may bị cảm mà qua đời, căn cứ nghĩa quân chuyển về núi Tùng thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc,  huyện Hậu Lộc ngày nay.

(Còn nữa)


***

(Kienthuc.net.vn) - Có hay chăng Bà Triệu đã chạy vào rừng sâu tới 3km để tuẫn tiết? Di tích dòng sông Âu có ý nghĩa gì với di tích lịch sử quốc gia này?
Và hàng loạt các câu hỏi ập đến với những người đang đi tìm những bí mật của quá khứ lịch sử.

Truyền thuyết núi đá biết nói

Truyền thuyết dân gian vùng Hậu Lộc có truyện núi đá biết nói. Theo đó vào một đêm thanh vắng, trên triền đá của núi Tùng ở làng Phú Điền cất lên một tiếng nói dõng dạc: Có Bà Triệu tướng/Vâng lệnh trời ta/Trị voi một ngà/Dựng cờ mở nước/Lệnh truyền sau trước/Theo gót Bà Vương.

Nghe theo lời thiêng liêng của Trời đất thông qua tiếng nói của thần núi; nhân dân khắp nơi rầm rập kéo về hội tụ dưới cờ của nghĩa quân tại đại bản doanh đóng tại núi Tùng. Tại đây, Bà đã cùng các chiến binh của mình xây dựng 7 đồn lũy làm căn cứ cho nghĩa quân. Từ căn cứ núi Tùng, nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Bà Triệu xuất quân tấn công và chiếm được nhiều lỵ sở của quân Ngô, làm cho quân giặc ngày đêm lo sợ. Nhân dân quận Cửu Chân và nhiều vùng khác nô nức kéo về căn cứ để tham gia đánh giặc cứu nước. 

Với sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân đã vững vàng chống trả lại lực lượng tinh nhuệ gồm 8.000 quân Đông Ngô do tướng Lục Dận chỉ huy trong nhiều tháng trên bờ sông, khiến cho quân Ngô khiếp sợ phải thốt lên rằng "vung giáo chống hổ dễ, giáp mặt vua Bà khó". Do Lục Dận là một tướng từng trải qua nhiều năm trận mạc, lại có nhiều thủ đoạn mua chuộc các thủ lĩnh người Việt bằng tiền bạc và chức tước. Do có kẻ nội gián phản bội, sau 6 tháng chống chọi với quân Ngô, Bà Triệu đã bị thương và tuẫn tiết trên Núi Tùng.
Lễ hội đền Bà Triệu. 

Sông cổ lý giải chiến trường xưa

Điều đáng nói là vùng núi nơi nghĩa quân chọn làm căn cứ hiện cách các dòng sông chính hiện nay - sông Lèn nơi gần nhất là 3km, vậy chiến trường trên bờ sông xảy ra ở đâu và nếu đã chạy vào rừng sâu tới 3km thì khó có thể giải thích động cơ tuẫn tiết của người anh hùng có khí phách như Bà Triệu. Phải chăng dòng sông nơi diễn ra các cuộc chiến anh dũng của nghĩa quân đấy chính là sông Âu, cách núi Tùng khoảng 1,5km theo đường chim bay?

Khảo sát theo dọc chảy còn lại hiện nay của sông Âu từ ga Nghĩa Trang về phía Tây đến xã Hoàng Khánh, huyện Hoàng Hóa và về phía Đông Nam đến thị trấn Duy Tinh thuộc huyện Hậu Lộc cho thấy có dấu vết dòng sông cổ rộng lớn với khoảng cách giữa hai bờ đê cổ, có nơi rộng đến gần 1km và vết tích các thềm sông. Mặc dù, hiện tại vị trí sông Âu có thể thông với sông Mã (xã Hoàng Khánh) đã bị chặn bởi đê sông Mã, cũng như dòng chảy trung bình của sông Âu chỉ còn biểu hiện trong một dòng chảy rất bé mà thuyền nan đi lại gặp nhiều khó khăn. 

Ngay cả tại thị trấn Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc; nơi trước đây hạm đội thuyền của Hải quân nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã từng neo đậu, dòng sông cũng rất nhỏ hẹp chỉ thuyền nan mới đi lọt. Các mâu thuẫn trên có thể loại bỏ, nếu thừa nhận dòng sông Âu là một nhánh hạ lưu lớn của hệ thống sông Mã - sông Chu vào thời kỳ Bà Triệu, chuyển nước từ hệ thống này tại Hoàng Khánh, Hoàng Hóa ra sông Lạch Trường qua thị trấn Duy Tinh. 

Dựa vào địa hình cảnh quan sông Âu như đã nói trên, có thể khẳng định chiến trường khốc liệt giữa nghĩa quân Bà Triệu và giặc Ngô là bờ sông Âu, nằm sát với ga Nghĩa Trang hiện nay. Khi thất trận, Bà Triệu chạy được đến Núi Tùng, cách bờ sông Âu gần 1,5km thì tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc Ngô. 

Và như vậy, căn cứ Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc của nghĩa quân Bà Triệu vào thời kỳ lịch sử đó rất đắc địa về mặt quân sự. Nó rất thuận lợi cho việc phòng thủ và tấn công của nghĩa quân theo đường thủy; về phía Tây theo dòng sông Mã và sông Chu; về phía Đông qua thị trấn Duy Tinh ra sông Lạch Trường, sông Trà Giang, ra biển; về phía Bắc ra sông Lèn và các chi lưu khác. Câu hỏi tại sao sông Âu mất vai trò là dòng chảy chủ đạo của hạ lưu hệ thống sông Mã - sông Chu, bị ngăn với sông Mã bằng đê tại Hoàng Khánh, dẫn đến hiện trạng cạn kiệt như ngày nay sẽ được đề cập trong bài viết khác. 

Hiểu được dòng sông Âu trong quá khứ, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về tầm vóc văn hóa lịch sử của người phụ nữ anh hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Triệu Thị Trinh không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đẹp, có khí phách kiên cường, mà còn là nhà quân sự có tầm vóc chiến lược được tôn vinh với danh hiệu "Nhụy kiều tướng quân". Các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây đã có nhiều sắc thượng phong cho người phụ nữ anh hùng Triệu Thị Trinh với những danh hiệu cao quý: Anh liệt, Hùng tài, Vĩ tích, Anh mẫn, Trinh nhất. Về sau vua Lý Nam Đế đã khen Bà là người trung dũng, sai lập miếu thờ và sắc phong "Bật chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân". 

PGS.TS Lưu Đức Hải

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Lễ Cưới Cổ Truyền Nam Bộ




Đã tải lên vào 04-11-2011

Trước đây (và cả bây giờ) người Việt gọi lễ cưới là là hôn lễ. Theo giải thích của Đào Duy Anh, chữ "hôn" nguyên nghĩa là chiều hôm, theo lễ tục xưa người ta làm lễ cưới vào buổi chiều tối
.
Dân gian coi cưới xin là một trong ba việc lớn của đời người (sự nghiệp, làm nhà và cưới vợ) khi nhấn mạnh trong câu ca dao: "tậu trâu cưới vợ làm nhà..."

Ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, hôn nhân của người Việt xưa có sáu lễ chính. Để tiến đến lễ cưới, hai gia đình phải thực hiện những lễ chính sau:

1.Lễ nạp thái: sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy.

2.Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái.

3.Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi.

4.Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn.

5.Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới. 

6.Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Kỳ bí ngôi mộ đá cổ hơn 200 năm giữa thành phố

Thứ Năm, 23/05/2013 - 13:46

(Dân trí) - Khu lăng mộ đá này là công trình cuối cùng từ thời Lê Trung Hưng được lưu giữ đến nay. Theo lịch sử ghi chép lại, đây là khu lăng mộ của một hoạn quan..

Lăng mộ của “hoạn quan”
Quần thể khu di tích lăng mộ đá tại phố Nam Sơn, phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1993. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật gắn với lịch sử có tính chất độc đáo. Tổng quan là một khu lăng mộ, trong đó có nhiều công trình nghệ thuật điêu khắc hoàn toàn bằng đá.

Theo những người cao niên tại đây kể lại, xưa kia trong làng có một người tên là Lê Trung Nghĩa, gia đình ông vốn nghèo khó đến nỗi phải trốn làng bỏ đi để không phải làm theo nhưng tục lệ của làng. Sau thời gian lưu lạc khỏi làng, ông đã đi lính cho triều đình được chọn làm quân cấm vệ và tình nguyện bị “hoạn” để phục vụ trong cung. Do có nhiều đóng góp cũng như lòng “trung quân ái quốc” nên ông được thăng chức cao lên đến Đô đốc Tổng trấn tước Quận Công và được gọi là Quận Mãn.
Ông Lê Đình Nhung, 68 tuổi là người con của dòng họ Lê Đình hiện đang trông coi khu lăng mộ kể: “Sử cũ ghi lại, vào năm 1786, vua Lê Chiêu Thống và chúa Trịnh Bồng đã xảy ra xung khắc với nhau. Vua Lê Chiêu Thống đã sai tướng Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An kéo quân ra hộ giá. Lúc này, Lê Trung Nghĩa đang làm trấn thủ tại Thanh Hóa được giao nhiệm vụ đem quân chặn đánh Nguyễn Hữu Chỉnh ở địa phận huyện Tĩnh Gia. Ông Lê Trung Nghĩa bại trận và bị giết chết”.
Kỳ bí ngôi mộ đá cổ hơn 200 năm giữa thành phố
Khu lăng mộ có nhiều kiến trúc độc đáo bằng đá hơn 200 năm 
tại phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa.
“Ông (Quận Mãn) khi còn sống, biết mình không con cháu thờ tự khi qua đời nên ông đã tự bỏ tiền mua ruộng đất của 9 làng quanh khu vực này cho nhân dân cày cấy. Khi ông còn sống dân làng biết ơn ông có công khai đất lập làng nên đã xin được lập một sinh từ cho ông. Khu sinh từ này rộng mấy ha nằm trên một khu đất cao ráo, ông đã thuê thợ đá làng Nhồi, huyện Đông Sơn lấy đá về xây dựng lên các khu thờ tự cùng với các pho tượng nhân, vật nguyên khối đặt xung quanh. Tới khi ông chết dân làng đem xác ông về đây chôn cất, thờ cúng nên được gọi là lăng mộ”, ông Nhung kể tiếp.
Công trình kiến trúc bằng đá cổ
Do chiến tranh tàn phá, đứng từ ngoài đường nhìn vào không ai có thể thấy rõ được đây là một khu lăng mộ đá với nhiều kiến trúc đá cổ. Con đường từ cổng chính vào khu lăng mộ bị cỏ dại mọc um tùm lấn cả lối đi. Toàn thể khu lăng mộ đá này đến nay chỉ còn rộng khoảng gần 500m2, nằm lọt vào giữa một bên là khu dãy nhà hành chính của phường An Hoạch, một bên là Trạm Y tế phường.
Đầu rồng thời Lê Trung Hưng được trạm bằng đá nguyên khối trong khu lăng mộ.
Đầu rồng thời Lê Trung Hưng được trạm bằng đá nguyên khối trong khu lăng mộ.

Đầu rồng thời Lê Trung Hưng được trạm bằng đá nguyên khối trong khu lăng mộ.
Bà Lê Thị Nguyệt cho biết: Bốn tấm bia đang bị nghiêng, 
lún cùng với chữ trên bia đá đang bị mờ đi rất nhiều.
Khu lăng mộ nằm trên diện tích đất rộng hơn 200m2 với tổng quan bao gồm nhiều kiến trúc bằng đá độc đáo khác nhau bao gồm: Từ bên ngoài cổng vào có 2 lính canh cổng, bên trái là một tượng “cụ rùa” chiều dài gần 1,5m, rộng 1m, cao hơn 50cm. Bên trái có 1 chiếc ngai vàng nhỏ bằng đá.
Lăng mộ chính nằm trên diện tích hơn 50m2, nơi đây xưa kia là ngôi đình có mái che nhưng đến nay chỉ còn lưu dấu lại các cột đá của ngôi đình. Từ ngoài vào có 2 con chó đá (con ngao) cao gần 1,5m đứng canh cổng. Ngay tại cửa thềm lên xuống chính điện, hai bên có đôi rồng chầu được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo.
Khu vực chính giữa của lăng mộ có một chiếc ngai vàng lớn bằng đá, kê trước ngai là một bàn đá nguyên khối dài gần 1m, rộng gần 0,5m. Hai bên là hai hàng tượng đá đứng chầu, trong đó mỗi bên 5 vị quan văn, 5 vị quan võ, một con ngựa đứng, đôi voi quỳ.
Khu vực hồ sen cũ vẫn còn nhưng diện tích đã bị thu hẹp lại. Khu đất nối giữa khu lăng mộ và hồ sen còn có 4 tấm bia đá, mỗi bên đặt 2 tấm bia. Mỗi tấm cao khoảng 2m, rộng 1,2m, dày 0,15m, trên bia có các chữ Hán cổ là các văn tự do ông Lê Quý Thuần (con trai của nhà bác học Lê Quý Đôn soạn thảo). Bốn tấm bia đá này ghi lại tiểu sử của Mãn Quận công, tên các làng cúng tế, địa giới, điện tích đất xưa kia của 9 làng và nơi đặt khu lăng mộ.
Cỏ dại mọc chen lẫn hai tấm bia cổ.
Cỏ dại mọc chen lẫn hai tấm bia cổ.

Một tượng voi quỳ bị gãy mất chiếc ngà.
Một tượng voi quỳ bị gãy mất chiếc ngà.
Tuy nhiên, hiện nay công trình kiến trúc bằng đá này đang xuống cấp nghiêm trọng. Các pho tượng đá do thời gian đã bị sứt mẻ…. “Cụ rùa” nằm ngay cổng đi vào của khu lăng mộ đã bị mất phần đầu nhô ra, đặc biệt là 4 tấm văn bia được đặt trên nền đất nên đang bị lún nghiêm trọng, không có mái che nên các văn tự trên đây đang bị mờ đi, xung quanh cỏ mọc um tùm.
Hàng năm, khu lăng mộ đá này có rất nhiều người dân địa phương cũng như khách thập phương về dâng lễ và tham quan. Có cả khách nước ngoài về tham quan công trình kiến trúc đá cổ này.
 
Thái Bá

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Khám phá kiến trúc “độc” của đàn tế cổ ở Huế


Update time 13:02 04/05/2013 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) - Đàn Nam Giao triều Nguyễn là đàn tế duy nhất còn hiện hữu ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế. 
Trong quần thể di tích Cố đô Huế có tất cả 5 đàn tế bao gồm: Đàn Nam Giao, Đàn Sơn Xuyên, Đàn Xã Tắc, Đàn Tiên Nông, Đàn Tịch Điền. Kiến trúc các đàn tế này khá độc đáo còn được ghi chép trong một số tài liệu cũ. 
Kiến trúc theo thuyết Tam tài của Đàn Nam Giao

Đàn Nam Giao triều Nguyễn là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm, thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đây làđàn tế duy nhất còn hiện hữu (dù không còn nguyên vẹn) ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế. Đàn Nam Giao đã được nhà Nguyễn khởi công xây dựng vào ngày 25/3/1806. Sau khi hoàn thành, vua Gia Long lần đầu tiên tổ chức lễ tế Giao tại đây vào ngày 27/3/1807.

 Đàn Nam Giao triều Nguyễn. Ảnh: Wikipedia.

Đàn Nam Giao triều Nguyễn là một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Giao đàn, Trai cung, Thần trù và Thần khố trong khuôn viên hình chữ nhật có diện tích đến 10ha. Trung tâm của khuôn viên đàn Nam Giao là Giao đàn, hướng về phía Nam, gồm 3 tầng: 

Tầng trên cùng là Viên đàn, xây hình tròn, tượng trưng cho Trời. Đàn có đường kính 40,5m, cao 2,8m; xung quanh xây lan can cao hơn 0,8m, dày 0,3m, quét sơn màu xanh. Mặt đàn lát gạch và đặt sẵn 28 viên đá tảng chân cột để mỗi khi tế sẽ dùng một tòa nhà che bằng vải màu xanh (được gọi là Thanh ốc) lên trên. Từ năm 1846 trở đi tòa nhà này được gọi là Hoàng khung vũ. Bốn mặt Viên đàn có thềm, thềm phía nam 15 bậc, ba mặt còn lại đều 9 bậc. Đây là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi chính trong lễ tế Nam Giao. 

 Một phần bề mặt Viên đàn. Ảnh: Wikipedia

Tầng giữa là Phương đàn hay còn gọi là Tùng đàn, xây hình vuông, tượng trưng cho Đất. Đàn có cạnh dài 83m, cao 1,1m; xung quanh xây lan can, cao 0.9m, dày 0,3m, quét sơn màu vàng. Khi tế Giao, người ta dựng một tòa nhà che vải vàng (gọi là Hoàng ốc). Bốn mặt Phương đàn có thềm, đều 5 bậc. Đàn này, dưới thời Nguyễn, là nơi tế thần Mặt Trời, Mặt Trăng, Tinh Tú, Mây, Mưa, Gió, Sấm, Năm và Tháng, Núi, Biển, Sông, Đầm Phá, các vị thần núi ở các sơn lăng các vua nhà Nguyễn, thần giữ lăng tẩm và phần mộ cùng tất cả các vị thần trong toàn quốc.

Tầng dưới cùng xây hình vuông, tượng trưng cho Người. Đàn có cạnh dài 165m, cao 0,84m; xung quanh xây lan can cao 0,93m, dày 0,3m và quét sơn màu đỏ. Mặt trước đàn có xây hai hàng đá tảng, mỗi hàng 6 tảng để cắm tàn. Góc Đông Nam đàn có xây một cái bệ gọi là lò "phần sài", là nơi đốt con sinh để tế. Ở góc Tây Bắc đào một cái lỗ để chôn lông và huyết của con sinh, gọi là huyệt "ế mao huyết". Bốn mặt đàn này có thềm, đều 4 bậc. 

Có thể thấy kiến trúc đàn Nam Giao triều Nguyễn tuân thủ chặt chẽ theo thuyết Tam tài cũng như quan niệm "Trời tròn Đất vuông". Đàn Nam Giao gồm ba tầng xây chồng lên nhau với các dạng thức và màu sắc khác biệt. Trời tròn biểu hiện bằng Viên đàn với lan can quét vôi màu xanh ("thiên thanh": trời xanh). Đất vuông biểu hiện bằng Phương đàn với lan can quét vôi màu vàng ("địa hoàng": đất vàng). Tầng dưới cùng cũng hình vuông, lan can quét vôi màu đỏ biểu hiện cho Người ("xích tử": con đỏ). 

Trời-Đất-Người (tức "Tam tài": Thiên-Địa-Nhân) được thể hiện trong mối quan hệ vừa có tính tách biệt tương đối, vừa thống nhất tuyệt đối. Đặc biệt, yếu tố Con Người được thể hiện rất rõ ràng và khá bình đẳng với tất cả Trời Đất và các vị thần linh. Nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải cho rằng "đây chính là đỉnh cao tư tưởng thái hòa của Việt Nam dưới thời Nguyễn".

Nét huy hoàng xưa của đàn Xã Tắc

Đàn Xã Tắc ở Huế được xây dựng thời Gia Long nằm tại phường Thuận Hòa, thành nội Huế. Năm 1806, nhà Vua đã hạ lệnh cho tất cả các dinh trấn trong cả nước gửi đất tinh sạch về để dựng đàn, tượng trưng cho đất đai của cả đất nước. Diện mạo của Đàn Xã Tắc, nằm lộ thiên quay mặt về hướng Bắc. Quy mô đàn tế tương đối lớn, gồm hai tầng:

 Đàn xã tắc trong ảnh xưa. Ảnh tư liệu

Tầng trên cao 1,6m, hình vuông mỗi cạnh dài 30m, được làm bằng gạch vồ dày 0,8m đất của đàn được thu từ mọi miền trong cả nước, gồm 12 lớp đất đá sỏi… mỗi lớp dày khoảng 15cm, quanh tầng có hệ thống lan can, trỗ 4 cửa thông ra 4 hướng với các bậc thang lên xuống tầng dưới.

 Đàn trong quá trình phục dựng. Ảnh: Internet.

Tầng dưới cao 1,23m, mỗi cạnh dài 74m, nền tầng nay được đầm từ 6 loại đất khác nhau theo chiều ngang, tầng này cũng có lan can cao khoảng 90cm và 4 tầng tam cấp ở 4 hướng như tầng trên.

Xung quanh đàn còn có bia “Thái Xã Chi Thần” và một hồ nước rộng là minh đường, có tường thấp và trổ 3 cửa ra 3 hướng Đông-Tây-Bắc.

 Một lễ tế được phục dựng lại. Ảnh: Internet.

Sau khi Vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945 cũng như bao công trình khác của triều đại, đàn Xã Tắc mất đi chức năng của mình, đàn bị sử dụng sai mục đích vốn có, bị người dân trưng dụng làm nhà ở. Sau năm 1975 thì đàn hoàn toàn biến mất và chỉ còn lại tấm bia “Thái Xã Chi Thần”.

Hiện nay, đàn đã được phục dựng trở lại và hàng năm đã tổ chức lễ tế Xã Tắc với quy mô lớn. 

Những đàn tế chỉ còn trong thư tịch cổ

Đàn Sơn Xuyên được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, là nơi cúng tế toàn bộ thần núi, thần sông của đất Thừa Thiên xưa. Đàn được xây dựng vào năm 1852, thời vua Tự Đức. Việc xây dựng đàn được triều Nguyễn giao Bộ Công trực tiếp phụ trách. Di tích này được dựng theo khuôn mẫu của đàn Xã Tắc.

 Toàn cảnh đàn Sơn Xuyên (ảnh phối cảnh) theo tư liệu cũ năm 1925.

Theo Quốc Sử Quán, kiến trúc của Đàn Sơn Xuyên rất giống với đàn Nam Giao và đàn Xã Tắc vì đàn Sơn Xuyên hiện nay vẫn còn giữ những cấu trúc cơ bản, nhất là tầng trên. Cả hai tầng của đàn Sơn Xuyên vốn đều được xây bó quanh bằng gạch vồ và đá núi, giữa đổ đất nện chặt. Tầng trên cao hơn 1m, mỗi cạnh rộng khoảng 22m; tầng dưới cao gần 0,5m, mỗi cạnh dài khoảng 45m. Kích thước tuy nhỏ hơn nhưng về tỉ lệ giữa các tầng đàn thì khá giống đàn Xã Tắc. Đàn Sơn Xuyên được xem là khuôn mẫu tốt để nghiên cứu phục hồi đàn Xã Tắc. 

Đàn Sơn Xuyên hiện nay nằm trong khuôn viên Trường tiểu học Phường Đúc (245 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế). Đàn hiện nay đang bị hủy hoại, nó chỉ còn lại một phần nhờ vào sự bảo vệ tự phát của thầy cô trường tiểu học Phường Đúc.

Ngoài ra, hai đàn tế Tiên Nông và Tịch Điền ở kinh thành Huế chỉ còn lại hình ảnh trong thư tịch cổ. Hai đàn tế cổ này hiện nay đã biến mất và chìm sâu vào lòng đất. Khả năng phục dựng lại các đàn tế cổ này là không thể, nó chỉ còn là hình ảnh dùng để làm tư liệu, vị trí chính xác của đàn hiện nay các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm ra.

Anh Tuấn

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Bí thư, Chủ tịch nhận lỗi đào bới di tích Mỹ Sơn


03/05/2013 09:26 GMT+7

    Bí thư huyện ủy Duy Xuyên Nguyễn Văn Khương và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Công Dũng cho biết tập thể Ban Thường vụ huyện ủy và UBND huyện đã nhận thấy khuyết điểm khi tiến hành đào bới để kè chắn tại suối cổ Khe Thẻ, khu di tích Mỹ Sơn khi chưa có chủ trương của UBND tỉnh và thỏa thuận của Bộ VH-TT-DL.
    Ngoài lãnh đạo huyện Duy Xuyên nhận khuyết điểm trong quá trình kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý dẫn đến việc đào bới kè chắn suối cổ Khe Thẻ tại di sản Thế giới Mỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hồ Xuân Tịnh trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với VietNamNet cũng đã thừa nhận trách nhiệm để xảy ra việc đào bới di tích khi chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
    "Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi đã nhận thấy trách nhiệm của mình khi để xảy ra việc đào bới tại suối cổ Khe Thẻ khu di sản Thế giới Mỹ Sơn và khu di tích Nước là huyện Nam Trà My. Ngay sau khi phát hiện chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu đình chỉ ngay việc thi công", Ông Hồ Xuân Tịnh nói.
    Mỹ Sơn, di tích,
    Để giải quyết hậu quả của việc đào bới 2 di tích cấp quốc gia này, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đình chỉ việc thi công và sau đó đã có 2 cuộc họp và làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh. UBND tỉnh Quảng Nam  cũng đã giao trách nhiệm cho Sở VH-TT-DL, UBND huyện Duy Xuyên phối hợp Cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL) hoàn chỉnh hồ sơ dự án bảo vệ, chống sạt lở hai bên bờ suối kết hợp quy hoạch chi tiết khu trung tâm Di sản Thế giới Mỹ Sơn.
    Cùng với đó phải lấy ý kiến tư vấn của các cơ quan chuyên ngành về thủy lợi, thủy văn, giao thông, địa chất… trình cấp có thẩm quyền thỏa thuận, phê duyệt trước ngày 10/5 để báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng.
    Tại cuộc họp, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Khương và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Công Dũng nhận khuyết điểm về việc cho làm kè suối tại khu di tích Mỹ Sơn khi chưa có chủ trương của UBND tỉnh và thỏa thuận của Bộ VH-TT-DL.
    Còn tại khu di tích Nước là, lãnh đạo huyện Nam Trà My cũng đã nhận khuyết điểm và đình chỉ thi công để hoàn thành các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
    Vào tháng 3/2013, UBND huyện Duy Xuyên đã cho phép đơn vị thi công tiến hành kè chắn suối cổ Khe Thẻ để bảo vệ khu tháp Mỹ Sơn với tổng kinh phí 2 tỉ đồng. Bên thi công đã tiến hành nạo vét một số đoạn suối bị bồi lấp, trồng cỏ hai bên suối và xây dựng cầu qua suối (dài 8m, khẩu độ 4,1m) cho khách bộ hành, xâm phạm nghiêm trọng khu di tích.
    Còn tại khu di tích Nước là, UBND huyện Nam Trà My đã cho phép đơn vị thi công đào bới mở đường xâm phạm vào khu di tích khi chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
    Vũ Trung

    Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

    Nguồn gốc và quốc hiệu nước Việt Nam


    Theo truyền thuyết thì Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông nhân đi tuần thú qua miền Ngũ Lĩnh lấy công chúa Vụ Tiên mà sinh ra Lộc Tục. Đế Minh phong cho người con trưởng là Lộc Nghi làm vua ở phương Bắc, còn Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương lấy Long nữ con gái Động Đình Quân sanh ra Sùng Lãm về sau nối ngôi cha xưng là Lạc Long Quân. Đế Lai là con Đế Nghi sang ở phương Bắc, nhân nhớ tới họ hàng nên cùng Âu Cơ xuống Nam, về sau lấy Lạc Long Quân đẻ ra cái bọc một trăm trứng, nở ra một trăm con trai, rồi phong người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương truyền 18 đời trị vì được 2621 năm. Đến năm 258 bị nhà Thục dứt. Nhà Thục đặt tên nước là Âu Lạc (257-208). Đời Tần (214) chiếm lấy Âu Lạc và chia ra 3 quận. Đời Hán Triệu Đà (208-111) khôi phục lại và đặt quốc hiệu là Nam Việt.

    Nhà Hán dứt họ Triệu đặt đô hộ trên Nam Việt lấy tên là Giao Chỉ 111-618,
    Nhà Đường 618-907 gọi là An Nam đô hộ phủ
    Nhà Đinh 968-980 gọi nước là Đại Cồ Việt
    Nhà Lý đổi ra Đại Việt
    Nhà Tống công nhận là An Nam quốc,
    Đời Gia Long đặt là Việt Nam
    Vua Minh Mạng đổi là Đại Nam
    Đến thời độc lập gọi là Việt Nam.

    Như thế từ ngày lập quốc tới nay nước ta có tất cả 11 danh hiệu, trong số đó có 5 danh hiệu ban đầu quan trọng hơn cả, bởi vì nó thuộc thời huyền sử nên biểu lộ sử mệnh của nước cũng như quyết định về hồn nước nhiều nhất, vì thế chúng ta chỉ cần tìm hiểu năm danh hiệu đó là:

    Xích Quỷ đời Kinh Dương Vương
    Văn Lang đời Hùng Vương, cả hai thuộc họ Hồng Bàng
    Âu Lạc đời Thục An Dương Vương
    Nam Việt đời Triệu Đà
    Giao Chỉ Bắc thuộc lần thứ nhất.

    Bây giờ chúng ta đi vào từng danh hiệu và trước hết hãy xét tới danh hiệu thời Hồng Bàng (chữ hán). Hồng là con chim lớn, còn Bàng là nhà lớn. Hai chữ này gợi lại cho ta nguồn gốc Viêm tộc ban đầu thờ vật tộ Tiên mà biểu hiệu là chim (1), là trời, với lịch, liên hệ đến thời gian. Hồng được ngờ là một giống hạc rất lớn trong miền sông Dương Tử. Chim được sách Sơn Hải Kinh kêu là “Đế Giang” (chữ hán) hầu chắc là chim Hồng, vì Hồng kép bởi hai chữ Giang và Điểu nên là Đế Giang, Đế Hồng (Danses 543, 544, 515). Các bà lớn Viêm Việt thuộc huyền sử được gọi là tiên nữ vì tiên biết bay cũng như nói người phương Nam được gọi là có cánh (Danses 339). Thí dụ: Tam Miêu là người có cánh chim, chắc là vì đó. Núi Tam Nguy nơi Tam Miêu bị đày cũng gọi là Vũ Sơn (chữ hán) nghĩa là núi lông chim nơi có loại chim chỉ có một đầu mà ba mình (Danses 243, 248) có màu xanh da trời, hình con tra trả. Cũng có sách gọi là Cưu (Danses 242). Và do đó khi múa bài Si Vưu thì phải mang lông chim (Danses 26). Nên nhớ Si Vưu vừa là tên riêng vừa là tên chung chỉ là cờ, và cũng chính là bài vũ của Tam Miêu. Sau này Điểu đi với Văn (2), ngược lại võ gắn liền với thú. Thú cũng như võ đi với Hoa tộc, vì thế Hiên Viên lấy hiệu là Hữu Hùng. Hùng là một loại gấu trắng, có lẽ vì đó các bà quan mặc áo thêu chim trĩ, còn áo các ông thêu rồng (H. Maspéro 210) vì rồng là một loài thú nhưng đã thăng hoá tức đã đồng hóa với chim nên cũng biết bay? Dầu sao thì mối liên hệ điểu thú đã có từ lâu đời, hầu chắc thuộc giai đoạn Tam Hoàng khi chưa có thú của Hoa tộc, nhưng đã có rồng của Viêm tộc, nghĩa là Tiên Rồng có trước lúc Hoa tộc tràn vào. Ngay thời Thiếu Hạo đã thấy có lệ dùng chim làm trang sức cho quan văn và thú cho quan võ (Cordier 72). Về chữ Bàng ta có thể nghĩ là lúc ấy còn nặng óc gia tộc nên nhấn mạnh đến nhà lớn, có thể là đại gia đình, đại gia tộc giai đoạn thị tộc mẫu hệ. Chữ Bàng có thể gợi ý đến chữ thất là chữ có thể ngờ rằng Viêm Việt dùng để chỉ cái nhà. Vì Viêm Việt đi vào nông nghiệp sớm nên làm nhà đàng hoàng nơi đàn bà to quyền, nên dưới chữ miêu thì đến chữ thất và chữ khư chỉ đồ dệt vải của Chức Nữ đặt trên chữ Thổ, vì thế con gái chưa chồng kêu là “thất nữ”, con giai kêu nữ là thất, nữ kêu nam là gia. Chữ Gia viết với bộ thỉ là con heo, người Tàu mấy tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Hà Nam, Mãn Châu biết nuôi heo rất sớn (Civ. 76) và nhà thường khoét vào đất đỏ trong đó đồng cư cả người lẫn heo. Bài “Chiết dương liễu ca” là một bài thơ biểu lộ được phong tình đất Bắc có câu:

    “Ngã thị Lỗ gia nhi
    Bất giải hán nhi ca”
    Chữ hán
    “Ta người trai đất Bắc
    Sao hiểu được Hán ca.”

    Ta nhận thấy chữ gia chì người trai phương Băc không hiểu được Hán ca. Vì sông Hán thuộc phương Nam. Lâu ngày thì chữ Gia bớt dần hơi heo để đi lên bậc khá tôn quý, đến nỗi đi kèm những chức bậc cào như thương gia, chính trị gia. Tất nhiên không thể lên cao bằng chữ thất, vì thất lên tới Thái thất, mà Thái thất là then chốt văn hóa vẫn nằm trong quyền chi phối của Viêm tộc coi trọng nhà như nước, nên đã gắn nhà vào nước để ra “nhà nước”, hoặc sau biểu tượng nước là Đế điểu kêu là Hồng, thì đến biểu tượng nhà là Bàng. Ngày nay ta nói nhà nước là nói lên ý tưởng của tiền nhân lúc ấy là Hồng Bàng thị vậy. Kêu là Hồng Bàng hay Thái thất cũng là một: cả hai danh từ đều chỉ nền văn hóa nối Nhà với Nước.

    Trên đây là những suy luận tuy có căn cứ trên một số dữ kiện nhưng không nên hiểu cách cố định mà cần uyển chuyển rất nhiều, thí dụ tuy điểu đi với Viêm tộc, còn thú đi với Hoa tộc là câu nói không nên đặt biên giới kín mít vì có thể vật tổ thú đi với giai đoạn săn hái, còn điểu với giai đoạn nông nghiệp. Thí dụ Thần Nông có đầu bò thì đầu bò có thể là ý nghĩa nông nghiệp. Nên nhờ Thần Nông cũng có họ Khương có lẽ vì bộ dương nên nói ThầnNông có đầu bò, mà cũng có thể là dấu vế thời còn săn hái? Rồi sau đến con cháu thì mới đi hẳn sang nông nghiệp với vật tổ là Tiên (Danses 259). Đó là vấn đề phiền toái, chỉ cần nhắc đến để có một ý niệm về hai loại điểu và thú, nhưng vì tính chất biến dịch tự thú sang điểu rất thường. Ông Cổn bị đày lên núi và hóa ra vũ tức loài có cánh chim nghĩa là đồng hóa theo Tam Miêu. Tam Miêu là loài có cánh nhưng không bay được (Danses 258). Rõ ràng vật tổ Tiên hay điểu.

    Ngoài biến dịch còn có phép giao thoa giữa thú và điểu tức giữa hai nền văn hóa kiểu “âm trung hữu dương căn” nên trở thành tế nhị. Thí dụ lẽ ra Phục Hy phải cầm quy để củ cho Nữ Oa vì quy là tròn đi với trời, với đực, đàn ông, còn củ là vuông đi với đất, cái, đàn bà. Thế mà đây Nữ Oa lại bồng quy mới chết người ta. Vô số học giả lầm vì thế. Vậy cần nhớ luôn là chúng ta đang ở trong bầu khí kinh Dịch có tính cách giao thoa thẩm thấu với các bờ cõi nhập nhằng trồi sụt liên miên.

    XÍCH QUỶ

    Tên nước đầu tiên của ta là Xích Quỷ, hai chữ này gợi ngay ra một tên quỷ đỏ, ít ra đỏ ở cái đít, nên hầu hết sách vở không dám bàn đến. Có người cho rằng đấy cũng là một vụ chài kiểu Si Vưu, và như vậy thì Xích trước kia là chữ Tử, còn Quỷ là chữ gì đó. Nhưng ta có thể giữ y nguyên danh hiệu miễn phải đặt vào đồng văn lúc đó.

    Theo quyển Văn Hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm thì chữ quỷ có nghĩa là lớn lao và hay đi với chủ (quỷ chủ, chữhán) để chỉ người có quyền thế lớn ở vùng Nam (Văn hiến 214). Miền Tứ Xuyên hay nói “đô quỷ chủ, chữ hán” để chỉ vị nguyên soái, cũng có khi nói “thiên quỷ chủ, chữ hán” có lẽ để chí ngườic ầm đầu một ngàn nhà (Văn hiến 278). Theo Kinh Dịch thì Bắc chỉ nước Nam chỉ lửa (quẻ li) hai hành này phải giao nhau mới làm nên “linh phối”. Theo ý đó Tư Mã Thiên (III.369) dùng câu ngạn ngữ “thuỷ dữ hỏa hợp vi tuý” nhân khi nói tới hai ngôi sao thuỷ tinh và hỏa tinh. Nơi khác (368) ông có nhắc đến một bức chạm Nữ Oa và Phục Hy trong đó bên cạnh Phục Hy có con chim đỏ (Chu tước?) còn bên cạnh Nữ Oa thì có huyền vũ (guerrier sombre xem thêm Danses 489) vì thế trong nền văn hóa cổ đại Việt Hoa thì Huyền là màu chỉ sự sống đi với nước, còn xích chỉ lửa (đỏ) hay quẻ li chỉ văn minh tinh thần. Khi nói đến phần linh thiêng con người thì dùng hai chữ nhơn quỷ (chữ hán) đối với thiên thần và địa chi (chữ hán) vì thế vua quay về hướng Nam. Cũng như trong mỗi nhà thì gia trưởng quay về hướng Nam (P.C 3697). Tất cả đều nói lên sự hướng vọng về văn minh. Khi gọi các nước văn minh là “chư hạ” thì cũng là ý đó, vì Hạ là mùa Hạ đi với phương Nam. Ý tưởng này phát xuất từ ngũ hành, Hà Đồ và Lạc Thư nên chắc phải có đã lâu đời lắm. Người ta còn tìm được dấu tích ở hai đời Aân và Chu có ba nước ở phương Bắc được xem là có văn hiến thì nước “Quỷ Phương” là một, hai nước kia là Côn Di và Huân Dục (Văn học sử Trung Quốc của Dịch Quận Tả 42).

    Như vậy khi đặt tên cho nước là Xích Quỷ thì tiên tổ ta có thể nhằm một trong ba hay tất cả ba ý tưởng sau đây. Một là nói lên ý tưởng về văn minh, trong đó chữ quỷ có nghĩa là quy hướng = “quỷ quy dã”. Liệt Tử đã dùng chữ này trong khi nói về lúc sau chết, thì thần và hình đều trở về chỗ chân thực sơ nguyên của mình. “Tinh thần li hình, các quy kỳ chân”, nên Xích Quỷ có nghĩa là đi về phía văn minh chỉ thị bằng mặt trời phương Nam (Nhật Nam). Ý thứ hai có thể xưng mình là chủ lớn ở phương Nam. Điều này thì có thệt khi nói về Viêm Việt, vẫn từ đầu đã làm chủ cả phương Nam lẫn phương Bắc. Rất có thể lúc ấy Hoa tộc đã tràn vào làm ung thối 6 tỉnh Hoàng Hà, nên Viêm Việt dùng danh hiệu Xích Quỷ để nói lên ý chí quyết giữ chủ quyền phương Nam. Ý thứ ba có thể là tiền nhân nói lên ý chí duy trì di sản thiêng liêng của Viêm tộc được ghi trong chữ Xích. Theo một truyền thuyết xa xưa còn ghi lại do Châu Diễn thì nước Tàu xưa kêu là “Xích Huyện Thần Châu, chữ hán” mà ông Needham dịch là “The Spiritual Continent of the Red Region” (Need II.233). Có lẽ đây là tên đặt cho Trung Hoa cổ đại đời Tam Hoàng để ghi nhớ việc khai sáng ra nền văn minh (lửa). Đến sau Hoa tộc tràn vào đổi tên mới, thì Viêm Việt cố duy trì lại bằng danh hiệu Xích Quỷ. Theo Trịnh Khang Thành thì Xích Đế có nghĩa ngang với văn tổ là trời, tức là lấy một phương Nam sáng láng nhất (Xích) để chỉ cái toàn thể là văn tổ. Đó là ba lý do phỏng định có lẽ không đúng về chi tiết nhưng nói lên được ý chí người xưa muốn làm chủ phương Nam cũng như duy trì di sản tinh thần của tiên tổ là hướng tới ánh sáng văn minh, tuy danh từ nghe lạ cho người nay nhưng cùng một ý như hai chữ Nam Việt sẽ nói tới. Trong đó Việt là siêu Việt là vươn tới, tương đương với quỷ. Còn Nam là phương của quẻ li, của lửa đỏ (Xích).

    (1) Một số người cho là danh hiệu này do Tàu gán cho ta để tỏ ý khinh bỉ. Nhưng thiết tưởng chữ quỷ có ý là chủ, và lúc đó chưa có nước Tàu, nên ta có thể giữ nguyên. Tuy nhiên đây cũng chỉ là tiểu tiết. Nếu tìm ra tài liệu đích đáng là do Tàu thì ta bỏ chẳng có sao. Vì chỉ là chuyện lịch sử.
    (2)      Hình như ban đầu có một giai đoạn Viêm tộc nhờ vật tổ chim rồi tự đó tiến lên vật tổ Tiên và Rồng. Điều chắc là về sau chim cũng như núi, và đàn bà vẫn đi đôi với tiên. Vì thế mà chim chiếm một vai trò quan trọg trong văn hóa Viêm Việt.
    (3)     Múa Văn thì cầm lông chim trĩ và ống sáo. Múa Vũ thì cầm cái thuẫn và cây búa. Kinh Thi bài giản hề 380 Bản dịch Tạ Quang Phát tr.189.

    Lm. Kim Định