Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Hành Trình Tâm Linh: Những nơi Cư trú Thứ Năm: linh hồn tác hợp với Chúa


5. Những nơi Cư trú Thứ Năm: linh hồn tác hợp với Chúa

5.1. Những nơi Cư trú Thứ Năm là gì?

Việc tiến vào những nơi Cư trú Thứ Bốn được xem như một cú sốc đối với người trải nghiệm đời sống tâm linh. Họ thật sự đi từ một thế giới này sang một thế giới khác. Thế rồi, dần dần, sau khi – và ngay cả trong khi – gặp những thử thách mà chúng ta sẽ thấy ở phần sau nữa, linh hồn tiến vào trong sự hợp nhất thường xuyên hơn với Chúa ngay tại trung tâm con người mình. Chúa ngự đến trong linh hồn, lấy linh hồn làm nơi cư ngụ của Ngài. Chúa trở nên thân thiết với chúng ta hơn cả chúng ta thân thiết với chính mình. Ta cảm nhận về mình rõ hơn bất cứ lúc nào trước đó, con người của ta tự tỏ lộ một cách đích thực và giản dị mà chúng ta chưa hề biết tới. Ta trở nên đơn sơ, nhiều thương tích được chữa lành, ta tìm được con người thật của mình. Đôi khi ta có tâm tình ngược lại, ta thấy mình được đặt vào trong Trái Tim Chúa. Vả lại hai ấn tượng này hoàn toàn không có gì đối nghịch nhau cả.

Ta không phải khổ sở nhắc cho mình ý thức về sự hiện diện này của Chúa “trong bầu trời của linh hồn mình”, như thánh Élisabeth Chúa Ba Ngôi đã nói. Linh hồn như bị Chúa chinh phục. Toàn thể phần thượng đẳng càng lúc càng bị sự hiện diện này xâm chiếm. Dù ta không biết rõ Chúa ở đâu trong linh hồn và Chúa làm gì nơi ấy, nhưng ta phát hiện ra rằng linh hồn rộng lớn đến nỗi cả một phần của nó vuột khỏi tầm nhìn của ta, thế nhưng điều đó không quan trọng. Ta cứ để Chúa làm việc.
Đây không đề cập đến một hành động. Đây không phải là một hành vi của ý chí: ta là như vậy, có thế thôi. Phải nói đến một tình trạng chứ không phải là một hành động. Thật ra, tình trạng này là hoàn toàn thụ động. Tư tưởng hoạt động rất ít, đặc biệt là trong cầu nguyện. Thánh Teresa Avila nói về “linh hồn mà Chúa làm cho trở nên hoàn toàn khù khờ”. “Lý trí muốn tự vận dụng tối đa để hiểu một vài điều về cái mà linh hồn cảm thấy, và vì không đủ sức, nó khựng lại sửng sốt như tuồng nó bị triệt tiêu hoàn toàn, nó chẳng cựa quậy chân tay gì cả.”

Dĩ nhiên, trong khi cầu nguyện, ta có thể cố gắng để lý luận, để suy niệm Lời Chúa, v.v... Nhưng ta bị căng thẳng và chẳng đạt được điều gì tốt đẹp. Việc duy nhất có thể làm là chấp nhận ta bị mất đi các tư tưởng và tình cảm. Lúc khởi đầu, ta lo lắng bất an. Ta tự hỏi phải chăng mình đã bị trở thành khù khờ. Nhưng vì ta thấy rõ công trình của Chúa tỏ hiện trong cả cuộc đời của ta, rốt cùng thì ta nguôi đi và ở yên đó, với Chúa, trong sự hiện diện ngọt ngào và mạnh mẽ của Ngài. Bấy giờ ta nói đến việc nguyện ngắm, nghĩa là việc cầu nguyện, sự kết hợp hoặc sự đơn sơ. Cha sở họ Ars thường thấy một nông dân vào nhà thờ và cứ bất động nhìn đăm đăm lên Thánh Thể. Một ngày kia, cha hỏi ông ta về điều gì thường xảy ra như thế giữa Chúa và ông. Người nông dân trả lời một cách đơn sơ: “Ngài nhìn con và con nhìn Ngài”.

Bossuet đã mô tả việc cầu nguyện này một cách rất hay như sau;

MỘT MÔ TẢ VỀ VIỆC CẦU NGUYỆN ĐƠN SƠ

Phải tập cho quen nuôi dưỡng linh hồn mình bằng một cái nhìn đơn sơ và yêu mến hướng về Thiên Chúa và hướng về Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta; và để đạt kết quả đó, phải nhẹ nhàng tách linh hồn ra khỏi lý luận, diễn từ và những tình cảm đủ loại, để giữ linh hồn trong sự đơn sơ, tôn kính và chăm chút, và càng lúc càng tiến gần đến Chúa như thế, là nguyên lý đầu tiên và là cùng đích tối hậu của mình...

Jacques Bénigne Bossuet (1627-1704)

Niềm vui còn gia tăng hơn nữa so với nơi Cư trú trước kia, và niềm vui ấy được thiết lập một cách bền vững. Đó là một niềm vui rất đặc biệt, không thuộc về lãnh vực con người, thường hằng, êm dịu và sâu đậm.

5.2. Sự hiểu biết thế giới siêu nhiên

Lạ lùng thay, trong khi trí khôn làm việc rất ít, ta càng lúc càng trở nên tinh tế hơn về đức tin và về đời sống với Chúa. Đó chính là kết quả của ơn thông minh đang tỏ lộ một cách tự do. Thật ra, ta không tìm cách giữ lại cho mình điều mà ta hiểu được. Nhờ những thử thách thiêng liêng, thói kiêu căng về trí tuệ được giảm bớt. Giờ đây ý thức thiêng liêng rất thức tỉnh. Ta thấy trong linh hồn mình và trong linh hồn những người khác nhiều điều mà trước đây ta không thể nào ngờ được. Ta “cảm thấy’ rất rõ sự hiện diện của Chúa và đường hướng hoạt động của Ngài, nhất là nơi những người khác, ta thấy Ngài ở đâu và Ngài làm gì. Ta có khả năng giúp các linh hồn một cách đúng đắn và sâu xa hơn, trong việc phân biệt các điều giả bộ của con người, tác động có thể xảy ra của ma quỷ và các thúc giục của Chúa. Giờ đây ta biết rằng điều mình nghiệm thấy là thật, ta không còn nghi ngờ gì nữa. Ta vận động một cách tương đối thoải mái trong thế giới mới này, nhưng ta chưa hề tiếp tay với nó. Ta đã bắt đầu thăm viếng nó.

Sự đơn sơ của trí khôn này làm cho hành động trực tiếp của Chúa, nếu cần thiết, trở nên dễ dàng. Ngài cũng có thể nói những tiếng nói nội tâm, những gợi ý trực tiếp, những lời khôn ngoan. Lúc ấy ta biết rất rõ rằng những điều này là đúng đắn và ta không lầm hoặc hiếm khi lầm lẫn.

Một khía cạnh nữa của tình thân mật với Trời thường là một sự tiếp xúc với Đức Trinh nữ Maria, một vài vị thánh và các thiên thần. Lúc ấy ta có thể “cảm thấy” sự hiện diện và sự trợ giúp của các ngài, theo một cách thức khác với cách của Chúa, nhưng rất rõ nét. Đây là một móm quà của Chúa để ta tiến nhanh hơn.

Như trong nơi Cư trú vừa qua, ở đây ta có thể sợ rơi vào thuyết thiên cảm, vào ảo tưởng hoặc thuyết vô vi. Quả thật ta có thể tưởng rằng mình “đạt đạo” rồi. Chỉ có việc đồng hành thiêng liêng với một người giàu kinh nghiệm mới cho phép ta nhìn ra tình trạng thật sự của những nơi này. Chúng ta cũng lưu ý rằng đời sống thật sự với Chúa luôn đi kèm với những tiến bộ khả quan về lòng khiêm nhượng, đức ái, cảm thức phục vụ, tình yêu Hội thánh. Điều này, ngay cả một người đồng hành không có kinh nghiệm về các tình trạng thần bí cũng có thể nhận thấy được. Ta vẫn còn yếu đối và tội lỗi. Nếu ta viện cớ những đặc sủng và những cảm thức thần bí để khỏi sống đức ái thì đó là dấu chỉ rất xấu. Ảo tưởng và ma quỷ sẵn chờ ta rồi đó.

6. “Cần Ngài lớn lên còn tôi nhỏ đi”: việc tái giáo dục con người

1. Tại sao phải chịu đựng việc “tái giáo dục”?

Để Chúa có thể đến ở một cách sâu thẳm trong linh hồn thì linh hồn cần phải mềm mỏng. Thế mà thường thì linh hồn không như vậy. Vào giai đoạn sống nội tâm này, chắc chắn ta không còn muốn sống cuộc đời tội lỗi nữa, và ít nhất ta đã đoạn tuyệt với các tội trọng thường phạm. Vẫn còn kiêu ngạo, nhục dục, ích kỷ, v.v..., nhưng không do tự nguyện nữa. Ngay khi có thể là ta sửa ngay, ta không ngại cầu xin Chúa và những người khác tha thứ. Ta đã tiến khá xa trong lãnh vực này.

Tuy nhiên, vẫn còn các vết tích của tội nguyên tổ. Bản tính con người đã bị tội này làm cho thương tổn. Bản tính ấy từng giống như ở thế thẳng đứng, nhưng đã bị trở nên vặn vẹo. Phải uốn nó lại để nó có khả năng sống một cách tốt đẹp với Chúa. Ta thử tự mình làm việc này, nhưng khả năng chúng ta hành động trên chính mình thì hạn hẹp. Một phần lớn vô thức vuột khỏi chúng ta. Chính vì vậy mà Thiên Chúa, như một nhà giáo dục thiện nghệ và một người Cha yêu thương, hoàn tất nơi chúng ta công trình “sắp xếp lại đâu vào đó” này. Ngài chỉ làm việc này khi chúng ta có khả năng để chịu đựng nó, chính vì vậy mà các “đêm tối”, như chúng ta vẫn gọi, thường chỉ xảy ra vào các giai đoạn này của đời sống tâm linh. Điều này không có nghĩa là trước đó không có những thử thách và khó khăn, nhưng chúng không cùng một loại. Giờ đây, tình yêu Thiên Chúa đã mạnh mẽ trong con tim ta đến độ chúng ta có thể làm những việc gan dạ mà chúng ta đã không thể hoàn thành trước đó. Chúng ta sẵn sàng nhỏ đi để Chúa lớn lên trong ta, như lời thánh Gioan Tẩy giả đã nói về Chúa Giêsu (Ga 3,30).

Theo truyền thống, người ta phân biệt hai “đêm tối”: “đêm tối giác quan” và “đêm tối tâm linh”, đêm tối thứ hai thường xảy ra trễ hơn. Chúng rất khác với những thử thách trước kia trong ý nghĩa là chúng “thụ động”. Trong phần đầu của đời sống tâm linh, ta thường ở dưới chế độ chiến đấu thiêng liêng. Ta chiến đấu với chính mình, ta cố gắng chế ngự và giới hạn các khuynh hướng xấu của mình, và với ơn Chúa, ta dần dần đạt được kết quả. Nếu ta không đạt được, điều đó chứng tỏ rằng hoặc có một chứng bệnh tâm lý, hoặc ta không thật sự tiến tới trong đời sống với Chúa. Giờ đây, công trình của Chúa sắp xảy ra, một cách nào đó, mà không có chúng ta. Chúng ta sắp trở nên thụ động. Chúng ta chỉ có thể thuận theo thôi. Đó là một điểm đau đớn, vì thánh Tôma Aquinô nói một cách chính xác rằng chịu đựng thì đòi phải có nhiều can đảm hơn là hành động.Chúng ta bị truất khỏi quyền sở hữu cuộc thanh tẩy nội tâm của mình. Điều đó chẳng phải là vô sự đâu!

2. Đêm tối giác quan

Đừng hiểu thành ngữ “đêm tối giác quan” theo cách quá văn chương, vì đêm tối này vượt xa các giác quan, theo nghĩa chặt nhất. Đêm tối giác quan trước hết đụng tới vùng cảm giác. Nó cũng có thể đụng tới thân xác, và không phải là chẳng có tác dụng gì tới trí khôn. Mục đích của nó là sắp xếp lại toàn bộ lãnh vực cảm giác và hành động, để chúng ta khỏi bị liên tục tràn ngập bởi những ấn tượng và những dự phóng chủ quan của mình, và để cho Chúa hoạt động trong chúng ta mà không bị nhiễu.
Hãy lưu ý rằng việc thanh tẩy trong lãnh vực này là cần thiết và có ý nghĩa tốt lành. Cảm tính của con người là một sức mạnh kỳ diệu. Chỉ cần nhìn hiệu quả của nó trong lãnh vực tình yêu hoặc giận hờn như một thí dụ là rõ. Ta có thể hoàn toàn bị tràn ngập, bị chế ngự, bị lôi kéo, bị gợi hứng bởi ký ức về điều mà chúng ta đã sống và đang sống hiện nay. Đây là một nguồn hứng bất tận cho các người viết tiểu thuyết và các người làm phim. Không phải chỉ có thế mà cần sắp xếp lại cho có trật tự lớp lang thôi đâu.

Nhưng còn hơn thế nữa: sự hiện diện cảm nghiệm được của Chúa trong chúng ta là một sức mạnh còn kỳ diệu hơn nhiều. Một vài hiện tượng thiêng liêng bất thường tỏ rõ điều này. Thân xác, cảm tính, như được ơn Chúa nâng lên và chuyển tới những trạng thái lạ lùng. Ngay cả khi chúng ta không sống các hiện tượng này thì tất cả những ai được Thiên Chúa tác động bên trong đều thấy cảm tính của mình được đụng chạm một cách mạnh mẽ nhất và sâu xa nhất. Đó là  một điều không thể tránh được, vì con người chúng ta là một toàn thể thống nhất. Thiên Chúa không thể tác động một cách lâu dài nơi cái “tôi sâu xa” mà chẳng đụng chạm chi đến các vùng khác của hữu thể. Thế nên, nếu tôi đón nhận Thiên Chúa trước hết với cảm tính của tôi thì đó sẽ không còn là Ngài sống trong tôi nữa, mà là chính tôi sắp lợi dụng những cảm giác mà Ngài ban cho tôi, và những cảm giác này không phải là nhỏ đâu. Như vậy tôi sẽ khép kín lại nơi bản thân thay vì mở mình ra, và tôi sẽ sớm thực hành lối thần bí giả tạo bị tình cảm thống trị. Tôi sẽ thu lượm ơn Chúa về cho mình và chèn vào trong hệ thống hiện hữu của riêng tôi. Vậy thì cảm tính phải được thanh luyện ở tận nơi sâu thẳm, để có thể đón nhận sự hiện diện của Chúa với sự tinh tuyền của một tâm hồn trẻ thơ.

Một cách tổng quát, đêm tối giác quan xảy ra trong các hoàn cảnh bình thường của cuộc sống. Sơ đồ của nó như sau: cho tới lúc ấy, mọi việc nhìn chung đều thành đạt. Giờ đây, mọi cái bị xáo tung cả lên. Mỗi một người đều xây dựng đời mình trên một số yếu tố căn bản nào đó đối với mình: một công việc bảo đảm, một mối quan hệ chắc chắn với những người thân thương, một dự phóng cho cuộc đời theo hướng này hoặc hướng nọ, một sức khỏe đầy đủ, một mối tương quan mạnh mẽ với Chúa trong kinh nguyện. Như một ngôi nhà xây trên những cọc móng được nâng cao dần lên. Và giờ thì tất cả bị lấy mất hoặc ít nữa cũng bị đe dọa đến sự tồn tại.

Thí dụ: Một nữ Kitô hữu trẻ có một dự phóng cuộc đời rõ ràng mà Chúa giữ vị trí quan trọng trong đó. Cô đạt kết quả tốt trong học tập và đang chuẩn bị cho một công việc chuyên môn mà sau này sẽ hữu ích cho xã hội. Cô luôn mạnh khỏe và Chúa đã thực sự tỏ ra là Ngài yêu thương cô một cách cá biệt. Mọi sự đang tiến triển và ăn khớp với nhau. Ấy thế mà giờ đây trong một thời gian ngắn ngủi việc học hành của cô trở nên khó khăn và cô tự hỏi rằng, dù mình đã có nhiều cố gắng, liệu mình có đủ thông minh ngang tầm ấy hay không. Cô đột ngột bị đe dọa mất sức khỏe. Chúa hoàn toàn rút lui khi cô cầu nguyện, cô chẳng cảm nhận về Ngài chút nào nữa. Trong bối cảnh này thì dự phóng cuộc đời của cô sẽ ra sao? Sẽ bám víu vào đâu? Đi về đâu? Đâu là chìa khóa? Mọi sự trở nên hoàn toàn không rõ ràng. Biết làm gì đây?

Một giáo chức Kitô hữu được đánh giá cao trong công việc và đang dự định làm luận án. Anh thuộc về một cộng đoàn đang nâng đỡ anh, cho dù có một vài vấn đề ở giữa cộng đoàn. Anh đang mạnh khỏe. Thế nhưng đột nhiên anh gặp những khó khăn trầm trọng với người bảo trợ cho luận án của anh và bước thăng tiến ở Đại học của anh tỏ ra gảy đổ. Vậy mà đây chính là nơi mà anh đã đầu tư trong nhiều năm để phục vụ Chúa và tha nhân, và anh không màng đến chuyện gì khác. Đời sống tâm linh của anh bất chợt thăng tiến bởi một cuộc gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu, Ngài ban cho anh một sức mạnh thiêng liêng mới; nhưng cộng đoàn của anh, quá truyền thống, không hiểu sự tiến triển này và anh không còn có thể giữ mối tương quan với cộng đoàn này nữa. Sự căng thẳng bên trong và bên ngoài trở nên mạnh đến độ anh bắt đầu sợ rằng thể lý mình không chịu đựng nổi. Phải quyết định gì đây? Đâu là lối thoát?

Ta có thể nhân lên nhiều thí dụ nữa. Nét chung của những thí dụ này là ta bị “lệch chương trình”. Ta không còn làm chủ cuộc hiện hữu của mình nữa. Ta bị trúng đòn, trong khi ta đang ở trong một giai đoạn hạnh phúc và căn bản. Mọi chân trời dường như tối sầm lại. “Hệ thống đời sống” xem ra bị ảnh hưởng sâu xa. Ta đau khổ lắm. Đây rõ ràng không phải là một vết thương trở đau, mà là một điều khác hẳn, hết sức sâu xa và xáo trộn. Cũng thế, càng lúc ta càng hiểu ra rằng ta không tự mình thoát ra khỏi cảnh ngộ này được. Mọi toan tính để tiến lên, mọi dự phóng, đều ít nhiều thất bại. Đôi lúc ta nghĩ rằng cuộc đời sắp dừng lại, trong khi mới đây ta đang còn trên đà thẳng tiến. Nhưng như thế thì điều mà ta đã sống trong những thời kỳ trước đó có ý nghĩa gì? Đâu là sự nhân từ dịu dàng của Chúa mà ta vừa nhận biết cách đây không lâu?

Việc đọc các sách thiêng liêng mô tả hiện tượng này có thể giúp đỡ, nhưng không giải quyết được vấn đề. Việc duy nhất phải làm là hiểu rằng Chúa đã nắm quyền điều khiển các hoạt động. Ta đã phó mình cho Ngài, ta đã làm việc ấy trong ánh sáng. Bây giờ, ta bị tóm lấy. Một cách nào đó, đây là nhịp thứ nhì của hiến lễ, nhịp thụ động. Trao phó là một việc, việc này rất tốt đẹp và sinh ơn ích. Bị tóm lấy là một việc khác. Ấn tượng là hoàn toàn khác hẳn! Ta không quen với điều này và ta tự hỏi mình có thể chịu đựng cái chế độ lạ lùng này trong bao lâu.

May mắn thay, Thiên Chúa rất tinh tế và khéo léo: Ngài không thử thách chúng ta vượt quá sức lực của chúng ta. Ta đau khổ, nhưng ta không vỡ nát. Chúa vẫn gởi các trợ giúp cần thiết cho ta hằng ngày. Đôi khi ta có vừa đúng cái cần thiết để sống trong ngày. Nếu điều này quá gay go, thì Chúa gởi thêm dưỡng khí tới. Sau một thời gian, ta hết sức ngạc nhiên thấy rằng mình không bị chìm nghỉm đi. Ta hơi giống như Phêrô bước đi trên nước: có hơi điên khùng một chút, nhưng ta bước đi được.

Nói chung, những người chung quanh không hiểu và không giúp được gì nhiều. Họ viện đến những tiêu chuẩn phán đoán không thích đáng và đưa ra các đề nghị không thể thực hiện được. Nhưng Chúa gởi các thiên thần bản mệnh cần thiết. Đôi khi, đó là những người đi qua đời ta như những tia chớp. Đôi khi, đó là những người mà ta đã từng biết trước kia, nhưng vai trò của họ sắp thay đổi đối với ta, ít nữa là trong một giai đoạn. Về phần các người đồng hành thiêng liêng, thì cần phải có nhiều kinh nghiệm, có óc phán đoán, có đời sống cầu nguyện và điềm tĩnh. Cần phải gần gũi những linh hồn đang đau khổ mà không để nỗi hoang mang lo lắng của họ cuốn mình theo. Đó là một trường học về lòng can đảm và tín nhiệm cho mọi người.

Trong đêm đen ít ra vẫn còn lóe lên vài ánh sáng, ta tìm được một vài chỉ dẫn định hướng. Lối thoát duy nhất là chấp nhận để sự việc xảy ra với mình, là thuận tình, là phó thác. Thật ra phải làm gì? Rốt ráo mà nói thì chẳng làm gì cả. Cứ sống. Sống ngày này qua ngày khác, làm công việc của mình cách tốt nhất, trung thành cầu nguyện cách tốt nhất, dù chẳng cảm nhận được gì cả; yêu thương hết sức mình, tự chịu đựng sự dữ nhỏ mọn mà mình có thể chịu được. Đây không phải là thời khắc cuộc đời mà ta hoạt động hiệu quả nhất. Trái lại, ta trở nên khiêm nhượng. Ta tiến lên từng tí, hẳn là từng tí chút thôi.

Thực tế, Chúa đang khiến cho chúng ta sống trường học phó thác. Thế nhưng chúng ta không được lên chương trình để sống điều đó, chúng ta là những người thích hoạt động. Chấp nhận để người khác hành động nơi mình là một kỳ công. May mắn thay, Chúa Thánh Thần hiện diện trong tâm hồn ta cách rất mạnh mẽ, nếu không thì chúng ta sẽ lấy lại sự độc lập của mình và sẽ bỏ rơi con đường của Chúa. Bất hạnh thay, đôi khi đều này cũng xảy ra. Lúc ấy Chúa sẽ ngừng thử thách, người đó trở lại giai đoạn “bình thường”, nhưng sẽ không tiến nên được nữa trong đời sống tâm linh: việc này đòi hỏi phải sắp xếp lại một cách triệt để các giác quan.

Đêm tối giác quan kéo dài vài tháng hoặc và năm, tùy theo dự phóng của Chúa trên đương sự và khả năng chịu đựng của người ấy. Nó bắt đầu và chấm dứt từ từ, hoặc rất đột ngột. Nó mãnh liệt nhiều hoặc ít. Nó xảy ra trong chỉ một lần hoặc nhiều đợt. Trong bất cứ trường hợp nào thì cũng luôn có những vết châm gây đau để nhắc nhở.

Đêm tối giác quan là một phúc lành của Chúa trong cuộc đời của một người. Tất nhiên, sau khi nó qua đi thì ta mới nhận ra được. Sự đau khổ là tột cùng, nhưng xuyên qua đó, một cuộc sống mới bắt đầu. Thần Khí Thiên Chúa trở nên chủ của chúng ta. Mối thâm tình với Chúa thành rộng lớn hơn, vượt xa ngoài điều mà chúng ta cảm thấy được. Ta trở nên mềm mỏng và sẵn sàng thực thi điều mà Chúa muốn nơi ta. Điều này hơi giống như Chúa là một bàn tay và chúng ta là một chiếc bao tay. Chiếc bao tay thì thô cứng và không vừa với bàn tay. Chúa tập cho chiếc bao tay trở nên mềm dẻo. Nó đau đớn. Nhưng khi nó đã mềm rồi thì nó theo những cử động của bàn tay mà không gặp vấn đề và cũng chẳng bị căng thẳng gì. Khi ta đã vượt qua được tới đó, ta cám ơn Chúa với trọn con người mình và ta sẽ không muốn lấy bất cứ thứ gì để đổi lấy tình trạng này. Nhưng ta cũng rất cảm thông với những ai đang dấn bước vào tình trạng ấy, ta muốn phục vụ và giúp đỡ họ.

LẠY CHA, CON PHÓ MÌNH CON CHO CHA

Lạy Cha,
con phó mình con cho Cha,
xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha,
Cha làmchi mặc lòng, con cũng cám ơn Cha.
Con sẵn sàng luôn luôn, con nhận lãnh tất cả.
Miễn ý Cha được làm trọn trong con,
trong tất cả loài Cha tạo dựng,
con chẳng ước muốn chi khác nữa.
Lạy Cha là Chúa Trời con,
con phó thác linh hồn con trong tay Cha,
con dâng hồn con cho Cha,
lạy Cha, với tất cả tình yêu của lòng con,
vì con mến Cha
và vì mến Cha, nên con thấy cần phải hiến thân con,
phó trót mình con trong tay Cha,
không do dự đắn đo song vô cùng tin cậy,
vì Cha là Cha của con.

Cha Charles de Foucauld (1858-1916)

(Bản dịch từ: http://www.charlesdefoucauld.org/fr/priere.php?id_trad=63)

3. Đức Maria và đêm tối

Nói chung, đêm tối giác quan sẽ qua nhanh hơn nhiều nếu chúng ta biết đặt mình vào tay Đức Maria trong lúc ấy. Thật ra, chúng ta không biết rõ mình phải đi về hướng nào, chúng ta không biết linh hồn mình đang ở đâu, và các nhà đồng hành giỏi nhất cũng có nhiều giới hạn. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người mẹ để chăm sóc cho những người con bất tài của Ngài. Tại sao chúng ta không phó mình vào tay Mẹ một cách đơn sơ và tinh tuyền, để Mẹ dẫn dắt đời sống nội tâm của ta?

Nếu chúng ta thực thi điều này, chúng ta không chỉ đơn giản cầu xin Mẹ giúp đỡ mà thôi. Theo ý tôi, ta phải đi xa hơn: phải nhất quyết phó mình hoàn toàn cho Mẹ và chấp nhận trao phó trong tay Mẹ quyền dẫn dắt đời ta. Phó trao và không bao giờ lấy lại nữa. Nếu chúng ta hướng mũi tàu về phía này thì sẽ không có gì chặn đứng chúng ta nữa.

Hãy đọc lời kinh sau đây của thánh Louis-Maria Gringion de Monfort

KINH DÂNG MÌNH CHO ĐỨC MẸ

Lạy Mẹ Maria, hôm nay,
trước sự hiện diện của Triều đình Thiên Quốc,
con xin chọn Mẹ làm Mẹ và Nữ Vuơng của mình.
Con hết lòng phó dâng cho Mẹ,
hồn xác con, những gì con có bên trong và bên ngoài,
những gì là giá trị trong hành động tốt lành của con
hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Con trao phó cho Mẹ bản thân con
và tất cả mọi sự thuộc về con
để Mẹ toàn quyền quyết định theo thánh ý Mẹ,
vì Vinh Quang Thiên Chúa,bây giờ và cho đến đời đời.

*

Trong tất cả những gì mà chúng ta vừa viết ra, thật ra chỉ có một điều quan trọng duy nhất: đó chính là tình yêu. Thế mà Thiên Chúa LÀ tình yêu. Không phải Ngài có tình yêu, mà NGÀI LÀ tình yêu. Cũng thế, sự hiện diện của Thiên Chúa trong linh hồn chẳng phải là một cái gì từ Ngài mà đến, giống như một chất lỏng có thể được truyền sang cho chúng ta: đó là chính Chúa ngự đến trong chúng ta và liên tục thông ban tình yêu của Ngài cho chúng ta. Sống cuộc sống trần gian này khởi đi từ tình yêu và trong tình yêu là một sự sắp xếp lại con người một cách không thể tưởng được. Sự hiện hữu của ta bị đảo lộn. Đừng ngại nói rằng lúc ấy nó trở thành thật sự tuyệt vời!

(còn tiếp)

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Hành Trình Tâm Linh - Chương 4: Sự tiến bộ trong đời sống tâm linh


CHƯƠNG 4: SỰ TIẾN BỘ TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH

Một trạng thái mới của tinh thần

- Trong các giai đoạn mà bây giờ chúng ta đề cập tới, chúng ta thật sự ở ngay giữa đời sống tâm linh, chúng ta tiến vào trong các nơi cư trú mật thiết của lâu đài, ở đó chúng ta thật sự biết được - dẫu rằng một cách tuần tự - chủ nhân của ngôi nhà. Ngài đã dẫn chúng ta vào trong mối thâm tình của Ngài. Để diễn tả đôi điều về mối thâm tình này, Kinh thánh đã nhờ tới ngôn ngữ của tình yêu như ta thấy trong sách Diễm ca.

- Trong phần mà bây giờ chúng ta đề cập đến, chúng ta phải cảnh giác với hiện tượng huyền bí giả tạo. Việc này thường xảy ra. Nó hệ tại ở việc ưu đãi quá đáng cho vùng cảm tính mà không nhận ra rằng mối quan hệ thiêng liêng với Chúa thì thuộc về trật tự của cái “tôi sâu xa”.

- Vả lại, vì Chúa biết rõ điều này, Ngài khiến những sự thanh luyện cần thiết xảy đến đúng lúc. Mọi việc ấy được trải qua bởi một tình yêu càng lúc càng sâu xa hơn.

- Trong giai đoạn này của đời sống tâm linh, chúng ta càng lúc càng chắc chắn hơn về tình yêu và hoạt động của Chúa, vì chúng ta trải nghiệm điều này.

- Chắc chắn, có những tăm tối mới xảy đến, nhưng chúng hoàn toàn khác với những tăm tối của tội lỗi, của nghi ngờ và của sự thiếu vắng lòng tin. Các khó khăn không ngăn cản niềm vui, và dần dần niềm vui sẽ thống trị.

- Chuyển động gần giống như sau: Thiên Chúa nắm quyền điều khiển các hoạt động. Để làm việc này, với sự đồng ý của chúng ta, Ngài đến ở tận nơi sâu thẳm linh hồn ta, nơi cái “tôi sâu xa” của ta. Dần dần, Chúa Thánh Thần càng trở nên chủ nhà hơn. Từ trung tâm này, Thiên Chúa sẽ lần lần “xâm chiếm” các vùng khác của con người. Ngài tiến hành từ trung tâm ra ngoại biên. Ngài “thần hóa” và, nói chính xác hơn, Ngài “Kitô hóa” toàn thể con người càng lúc càng nhiều hơn.

4. Những nơi Cư trú Thứ Bốn: cất cánh

4.1. Tuôn đổ Thần Khí

- Rồi một ngày kia, có một điều gì đó xảy ra trong đời sống tâm linh. Mối quan hệ với Chúa hoàn toàn thay đổi đến độ như một thế giới khác mở ra. Hơi giống như thể Trời chạm tới đất vậy.

- Thiên Chúa bày tỏ sự hiện diện của Ngài một cách mới mẻ và hiển nhiên. Ngài ở đây, trước mặt tôi, trong tôi, nơi tôi. Tôi không thấy Ngài bằng cặp mắt thể xác, nhưng sự hiện diện của Ngài rõ ràng đến độ tôi không thể nghi ngờ. Sự hiện diện này có một sức mạnh không thể tin được. Ta được thỏa mãn khôn tả, bùng nổ niềm vui, và như được nâng lên khỏi chính mình. Ta có cảm giác như đã đến bờ, đã tìm được sự sống thật.

- Việc đó không do suy luận hoặc do trí khôn mà ra. Nó vượt rất xa điều ấy. Các quan năng hoạt động thuộc về một trật tự khác, chúng nằm ở tâm điểm của linh hồn, chính giữa lòng cái “tôi sâu xa”. Cặp mắt linh hồn thức dậy. Tôi có khả năng nhìn thấy một vũ trụ mới, và tôi biết nó một cách chắc chắn.

- Thường thì xảy ra một cuộc gặp gỡ: tôi “gặp” Chúa Giêsu. Tôi biết Ngài là ai, Ngài thật sự trở nên “một ai đó” đối với tôi. Ngài không hiện ra với tôi, nhưng tôi không cần Ngài phải hiện ra: hiệu quả đối với tôi dường như giống nhau thôi.

- Tôi vượt qua giai đoạn đức tin dựa trên suy luận để tiến đến đức tin “nhìn thấy” (một cách tương đối), trải nghiệm, hưởng nếm. Từ ngữ “nhập thể” mang một ý nghĩa trọn vẹn đối với tôi. Thánh Thể mặc lấy một chiều kích hoàn toàn mới trong đời tôi và trở nên hết sức thu hút.

- Đôi khi, Chúa Giêsu hiện diện không rời ta cả ngày lẫn đêm. Thể xác ta ngủ, nhưng cặp mắt linh hồn luôn tỉnh thức. Khi ta thức dậy, và Chúa Giêsu ở đó rồi!

- Kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa Giêsu thường xảy ra trong giờ khắc hiện tại. Đôi khi – ít xảy ra hơn – là một cuộc gặp gỡ với Chúa Cha, Ngài mở lối cho ta tiến vào cuộc sống thiêng liêng đích thực. Đôi khi là Chúa Thánh Thần tỏ mình ra. Đôi khi chính Thiên Chúa tỏ bày sự hiện diện của Ngài mặc dù các Ngôi không tỏ mình một cách đặc thù như thế.

- Cuộc đời tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Nó sẽ không bao giờ giống như trước nữa. Tôi được hoàn toàn đổi mới tự trong sâu thẳm. Tôi vui hưởng một sự bình an chạm đến tận đáy con người tôi: tương tự như một cái hồ bình an được thiết lập trong nơi thâm sâu của linh hồn tôi mà không điều gì có thể khuấy động nó được.

- Sự sợ hãi có thể gắn liền với hỏa ngục hoặc với những nguy hiểm khi tiếp xúc với Chúa biến mất. Ta không còn sợ chết nữa, ta thật sự không còn sợ điều có thể xảy ra trong cuộc đời này nữa. Chắc chắn là hệ thần kinh và óc tưởng tượng vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục. Nhưng trong nơi sâu thẳm ta biết rằng Chúa là chủ và mọi sự xoay quanh thiện ích của những người yêu mến Thiên Chúa.

- Một hiệu quả nữa của việc gặp gỡ Chúa là lòng quảng đại mới mẻ. Việc trao hiến bản thân được đổi mới. Tôi sẵn sàng trao ban tất cả. Không có gì tỏ ra khó khăn đối với tôi, vì Chúa Giêsu ở cùng tôi và Ngài không ngừng trợ giúp tôi.

- Hiệu quả tức thời thứ ba của việc gặp Chúa là niềm vui. Đây không còn là niềm vui mang tính nhân loại, niềm vui mà đôi khi là kết quả của một sự cố gắng, nhưng chính là niềm vui của Chúa Giêsu tràn ngập tâm hồn và trọn vẹn con người. Ta có cảm tưởng như khám phá ra những chân trời mới của tình yêu, bỏ lại đàng sau mọi điều mà ta đã biết cho đến lúc này.

- Những người khác nhận thấy có một điều gì đó. Thế mà không ai có thể thật sự hiểu được điều ấy nếu họ không trải qua kinh nghiệm này. Bởi vậy những người chung quanh bị phiền nhiễu. Nếu ta có ý định giải thích, các phản ứng thường là nghi ngờ, đôi lúc là phủ nhận hoặc ghen tị. Đôi khi người ta tin rằng tôi bị bất bình thường, nhất là ban đầu, khi sự đảo lộn mạnh đến nỗi tôi có thể thay đổi từ ngữ và thái độ. Nếu tôi không được giúp đỡ, tôi có thể tự nghĩ là mình kỳ cục. Thế nhưng tôi không thể phủ nhận việc Chúa Giêsu đang ở đó, trong cuộc đời tôi, Ngài đang hiện diện và đang hoạt động. Nếu dự thi về đức hạnh, chắc chắn tôi không phải là người khá nhất. Tuy nhiên, điều đó đã xảy đến cho tôi.

- Kinh nghiệm này có thể xảy ra cho người đã bước theo Chúa trong một thời gian dài. Thánh Teresa Avila nói: “Chúng ta đừng nói về giờ khắc mà Chúa vui lòng ban cho điều ấy: đó chính là ý muốn của Ngài, thế thôi.”

- Tuy nhiên chúng ta hãy nói rằng nếu ta nhận được sự “tuôn đổ Thần Khí” mà không có cuộc sống Kitô hữu xứng hợp trước đó, thì cuộc sống này sẽ được sắp xếp đâu vào đó trong thời gian tiếp theo. Sẽ xảy ra như một sự phục hồi ở phần nền móng. Không một ai được miễn chuẩn về đức hạnh và nỗ lực, dẫu cho ngay lúc bắt đầu hành trình, người ấy tạo được một kinh nghiệm mạnh mẽ. Người ấy phải làm việc một cách nghiêm túc không nản chí, và đôi khi phải mất nhiều thời gian để củng cố điều mà mình đã nhận được ngày hôm đó. Đối với những người khác, là những người đã khổ công để đặt các nền móng cho đời sống Kitô hữu, việc gặp gỡ Chúa này không phải là kết quả bắt buộc của tiến trình, nhưng nó soi sáng một cách tuyệt vời các thời gian chuẩn bị trước đó.

4.2. Chuyển sang tình trạng thụ động

- Một trong những biểu hiện ngoạn mục nhất của sự gần gũi mới mẻ của Chúa là việc chuyển từ tình trạng hoạt động sang thụ động: Thiên Chúa nắm quyền điều khiển các hoạt động và tôi, tôi theo Ngài.

- Ta tiến vào một thế giới mới, là thế giới của Thiên Chúa, ở đó Ngài là chủ. Ngài sẽ càng lúc càng đòi hỏi ta đồng thuận với Ngài, từ bỏ bản thân, để Ngài hoạt động trong ta.

- Đối với những người chung quanh, nếu ta không cẩn mật với các trạng thái nội tâm này, ta có thể làm cho họ lo lắng.

- Ta chuyển từ sơ đồ quen thuộc: “Xem, xét, làm”, sang sơ đồ: “Cầu nguyện, phân định, vâng phục”. Tình trạng thụ động không phải là thoái thác, cũng chẳng phải là ảo tưởng. Trái lại, đó là đón nhận một sức mạnh và một ánh sáng làm cho hoạt động này có mãnh lực nhất. Đây chính là lúc Thiên Chúa dùng con người để thực hiện những điều trọng đại, vì lúc ấy công trình của Ngài có thể diễn ra theo ý Ngài muốn.

- Ta chuyển từ công trình làm cho Chúa sang công trình của Chúa. Lắng nghe tiếng Chúa, hướng đôi tai tâm hồn về Chúa trở nên thái độ hàng đầu trong hoạt động.

- Điều ấy mang lại rất nhiều ơn ích, nhưng không phải là việc dễ làm. Trong thế giới của chúng ta, chúng ta không được giáo dục để làm như vậy, và dù sao thì con người vốn có xu hướng không phù hợp với chiều hướng ấy. Đó là lý do khiến Chúa sắp dạy dỗ chúng ta qua những phương thế mà chúng ta sẽ thấy ở phần sau.

4.3. Sự đảo lộn trong đời sống cầu nguyện

- Đời sống cầu nguyện cũng không tránh khỏi sự xáo trộn chung, vì đây chính là nơi tiếp xúc ưu tiên với Thiên Chúa. Việc cầu nguyện trở nên dễ dàng hơn, như được Chúa ban cho; ta rút ra được niềm hạnh phúc lớn lao từ đời sống cầu nguyện, vì ta không cần cố gắng mà vẫn “cảm nghiệm” được Chúa ở gần bên và tỏ mình ra cho ta.

- Trong việc cầu nguyện, chiều kích thụ động trở nên cốt yếu. Trước đó, việc cầu nguyện được tổ chức, được cơ cấu. Ta biết mình muốn làm gì; đến cuối giờ cầu nguyện, ta có thể kiểm soát điều mà ta đã suy nghĩ. Bây giờ, không còn như thế nữa. Việc cầu nguyện không xuất phát từ chúng ta nữa mà được Chúa trực tiếp ban cho ta. Ta ngạc nhiên đến nỗi vào buổi đầu, đôi khi ta không dám gọi đó là cầu nguyện: “Chẳng xảy ra điều gì trong lúc tôi cầu nguyện cả.”

- Ta cảm thấy rất sung sướng trong những lúc cầu nguyện như thế, và chúng có khuynh hướng kéo dài thêm trong suốt cả ngày! Ta như không ngừng ở trước mặt Chúa, tiếp xúc với Ngài, nói chuyện với Ngài liên tục nhưng không lắm lời, và ta cũng nhanh chóng nghe lời Ngài nói với ta. Nhờ cầu nguyện mà, dù không cố gắng, ta lập được một sự bình an dịu ngọt, một trạng thái an tĩnh nội tâm. Thánh Teresa Avila gọi đó là “nguyện ngắm an tĩnh”.

- Lạ lùng thay, việc cầu nguyện đôi khi như xuyên qua bên kia tư tưởng. Ta thấy rõ là bây giờ chính đáy sâu linh hồn được chạm tới, chứ không còn chỉ là trí khôn hay trí tưởng tượng mà thôi đâu. Trong khi cầu nguyện, đôi khi tư tưởng vuột mất. Ta có thể lo ra chia trí, “ta nghĩ đến chuyện khác”. Ta rất ngạc nhiện về điều này. Bấy giờ ta bắt đầu có kinh nghiệm như mình đang ở trong hai thế giới khác nhau: thế giới nhân loại và thế giới thần linh. Trong trạng thái này, vì thiếu kinh nghiệm, ta tự đặt ra nhiều thắc mắc và ta có thể rất lo lắng về mình.

- Thế nhưng không có sự chia cắt đích thực ở trong con người, không có nguyên nhân nào gây ra điều đó; ta chỉ đơn giản khám phá một vùng mới trong con người của ta: cái “tôi sâu xa”.

- Thật ra, có thể có một cuộc chiến đấu thiêng liêng trong việc này. Để làm chậm bước của chúng ta tiến về phía Chúa, ma quỷ làm cho chúng ta lo lắng. Nếu chúng ta bình tâm, ma quỷ rút lui và việc chống lại hoạt động của nó càng làm chúng ta tiến nhanh hơn nữa.

- Trên đây tôi đã nói rằng việc cầu nguyện này dường như không lệ thuộc vào tư tưởng, nó vượt lên trên tư tưởng. Chính vì vậy mà đôi khi ta quay trở lại với những hình thức cầu nguyện rất đơn giản, thậm chí chúng có vẻ như một sự thụt lùi nữa. Chẳng hạn như ta thôi không suy niệm một cách có hệ thống, vì ta không còn khả năng để làm như thế nữa, và ta sẽ chỉ đơn giản là lần chuỗi hoặc đọc kinh mân côi thôi. Lời cầu nguyện này với Đức Maria có thể tỏ ra là “sơ khai”, ta không suy nghĩ về mọi điều ta đọc, nhưng ta biết rất rõ là con tim ta luôn tỉnh thức và lời kinh tuôn ra một cách nhẹ nhàng và liên tục.

- Tất cả việc này là do Chúa ban. Nếu ta cố ép mình, ta sẽ không đạt được kết quả tốt. Phải để cho Chúa hành động “không thô bạo và không ồn ào”. Ta cứ sắp xếp ý muốn, hướng cái nhìn nội tâm lên Chúa hết mức của ta, và đừng vật lộn với tư tưởng của mình làm gì.

4.4 Các ân ban của Chúa Thánh Thần và các đoàn sủng

- Khoa thần học thiêng liêng nói rằng, ở cấp độ sống nội tâm này, ta chuyển từ giai đoạn chủ động xây dựng nhân đức sang giai đoạn (tương đối) thụ động sống theo các ân ban của Chúa Thánh Thần.

- Các nhân đức luân lý là những nề nếp tâm lý mà chúng ta tạo ra cho mình qua các nỗ lực và việc lập đi lập lại, dù rằng Thiên Chúa đã hiện diện trong nỗ lực ấy rồi.

- Các ân ban của Chúa Thánh Thần là một món quà thuần túy của Thiên Chúa chứ không phải vì ta có công trạng gì xứng đáng, bởi vậy ta không cần cố gắng để đạt được chúng. Ta chỉ cần lưu tâm và sẵn sàng để đón nhận và sống các ân ban ấy mà thôi.

- Các ân ban này tỏ lộ như một cách thức hiện diện mới của Chúa trong linh hồn ta. Chúng được ban cho ở tầm mức của cái “tôi sâu xa” và từ đó lan tỏa ra  các vùng khác mà chúng dần dần chiếm ngự. Không phải là chúng ta chẳng phản kháng ít nhiều đâu.

- Các ân ban của Chúa Thánh Thần làm cho ta trở nên mềm mỏng một cách đặc biệt, và giúp ta mau mắn vâng theo các gợi hứng của Thiên Chúa.

- Theo truyền thống từ thời Cựu ước, có bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, ta đừng quá tách biệt chúng ra. Thật ra, các ân ban của Chúa Thánh Thần không chỉ là những quà tặng, nhưng là chính Thiên Chúa. Chúng được ban cho ta cùng với đức ái, với tình yêu.

- Các ân ban của Chúa Thánh Thần, cắm rễ trong bí tích rửa tội, được ban cho một cách sung mãn trong bí tích thêm sức. Nhưng sự đổ tràn Thần Khí làm cho các ân ban này hoạt động, khiến chúng phát sinh hiệu quả, ban cho chúng sức mạnh, tính cách hiện tại và sự hiển nhiên mới mẻ. Thánh Phaolô nói đến các hoa trái của Chúa Thánh Thần trong thư Galata 5,22-23.

- Sự hiện diện năng động của Chúa Thánh Thần trong linh hồn thường kèm theo sự hiện diện của những đoàn sủng. Thậm chí một số đoàn sủng có hình thức rất thiêng liêng. Đó là trường hợp của các đoàn sủng thường xảy ra trong Hội thánh tiên khởi, được thánh Phaolô nêu lên nhiều lần, và hiện nay ta vẫn thấy xảy ra trong phong trào Canh tân đoàn sủng.

- Tuy nhiên, chớ lẫn lộn các ân ban của Chúa Thánh Thần với các đoàn sủng. Các ân ban đi xa hơn và tiến sâu hơn các đoàn sủng. Một đời sống tâm linh chỉ xây dựng trên các đoàn sủng mà thôi thì có thể ngoạn mục nhưng lại thiếu gốc rễ sâu xa. Nếu một ngày kia các đoàn sủng này mất đi thì đời sống tâm linh sẽ còn lại gì?


- Điều thiết yếu là đức ái được tăng triển. Chính vì vậy mà chúng ta phải luôn đề phòng để khỏi phán xét đời sống nội tâm của những người khác. Một số người không có khả năng để diễn đạt bản thân. Nhưng tôi chắc chắn rằng có những cụ bà nhỏ nhắn mà sẽ không ai đề cập tới nhưng chúng ta sẽ thấy họ vượt trên chúng ta trong Nước Trời mai sau.

(còn tiếp)

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Hành Trình Tâm Linh - Những nơi Cư trú Thứ Ba: một trạng thái quân bình tương đối


3. Những nơi Cư trú Thứ Ba: một trạng thái quân bình tương đối

3.1. Những nơi Cư trú Thứ Ba là gì?

- Dần dần, ta vượt qua được các trở ngại đầu tiên trong cuộc sống với Chúa và đạt được một trạng thái ổn định hơn. Bây giờ ta đã chọn Chúa. Chúa là số một trong cuộc đời.

- Linh hồn đạt được tự chủ, cầu nguyện đều đặn, sắp xếp đời sống Kitô hữu theo nhiều phương cách khác nhau, thường tham gia vào một nhóm trong Hội thánh, không nằm bên lề xã hội, chủ động và trách nhiệm về cuộc đời mình.

- Ta là một người trưởng thành đã sắp xếp đời sống cho có trật tự lớp lang.

- Đời sống này dựa trên mối liên lạc đều đặn với Chúa trong kinh nguyện. Ta đọc sách, suy gẫm, chuyển cầu, nói chuyện với Chúa. Có khi, ta dùng một phương pháp nguyện ngắm, có khi ta tự đặt ra phương pháp của mình. Ta nhận ra tầm quan trọng của Lời Chúa và các bí tích.

- Vì đã ta tạo được nề nếp nên việc cầu nguyện trở nên dễ dàng hơn. Ta hăng hái dấn thân vào mối quan hệ bằng kinh nguyện này, và ta thấy hạnh phúc về việc này. Đôi khi ta cảm thấy thật sự sốt sắng. Như thế, kinh nguyện thấm sâu hơn trong ta.

- Cũng thế, ta biết tội lỗi là như thế nào. Lương tâm trở nên tinh tế hơn. Ta không muốn sống trong một cuộc sống cứ phạm tội đi phạm tội lại, và ta áp dụng những phương thế để khỏi sa vào tội lỗi nữa. Ma quỷ ít có tác động hơn. Ta có khả năng nhận dạng ít ra là những tấn công trực diện của nó.

- Ta không ngần ngại tự đào tạo để hiểu biết và phục vụ tốt hơn. Ta sắp đặt một hệ thống suy nghĩ tương tự như một loại thần học mặc nhiên. Ta nhận định cuộc sống căn cứ theo đức tin Kitô giáo. Ta giữ khoảng cách với “sự đúng đắn về mặt văn hóa” của thời đại.

- Ta cũng biết tầm quan trọng của Hội thánh và muốn phục vụ Chúa thông qua Hội thánh.

- Thánh Teresa Avila nói: “Chắn chắn đây là một tình trạng đáng mơ ước. Xem ra không có lý do gì để từ chối họ tiến vào những nơi Cư trú Cuối cùng, Chúa sẽ không từ chối họ điều gì nếu họ muốn; đó là một vị thế rất đẹp để đón nhận mọi ân sủng từ nơi Ngài.”

3.2. Các đặc sủng, đoàn sủng

- “Đặc sủng” là một ơn Chúa ban cho một người để phục vụ và xây dựng Hội thánh.

- Đặc sủng không phụ thuộc vào đức hạnh của người nhận lãnh. Nhưng nếu ta có thiện chí sống đặc sủng ấy, thì đặc sủng cũng xây dựng ta là người được ký thác ơn Chúa.

- Một vài đặc sủng có dạng “thần bí”. Các đặc sủng khác thì đơn sơ hơn và thường được ban cho từ những nơi Cư trú Thứ Hai và nhất là Thứ Ba.

- Khi quan sát một nhóm Kitô hữu, ta nhận ra nhiều dạng đặc sủng, cho dù các đặc sủng này không phải lúc nào cũng ngoạn mục. Việc xây dựng Hội thánh phải được thực hiện rất nhiều từ các đặc sủng được những vị có thẩm quyền nhận định và khuyến khích.

3.3. Các giới hạn của một tình trạng thiên về lý trí

- Cha Marie-Eugène Chúa Giêsu Hài Đồng đã gọi rất đúng tên của các nơi Cư trú Thứ Ba là “chiến thắng của hoạt động thiên về lý trí”. Đó là một tình trạng vừa mạnh lại vừa yếu.

- Mạnh vì ta cảm thấy tốt đẹp vững vàng. Giờ đây ta tin rằng mình biết được các khả năng và các giới hạn của bản thân. Ta đã chiến đấu nhiều để đi đến một kết quả, và ta nghĩ rằng mình đã đạt được. Vùng thể xác hầu như đã ở đúng chỗ, vùng tình cảm cũng thế, hay ít ra là ta tin như thế. Trí khôn biết vì sao ta sống và ta phải làm gì. Con người tôi được huy động trong một phạm vi rộng lớn, và nó đáp lại điều mà tôi mong chờ nơi nó trong lãnh vực đời sống tôn giáo và xã hội.

- Yếu vì đôi khi ta quá thiên về lý trí. Ở đây thường xảy ra tính kiêu ngạo từ ý nghĩ bám chặt vào những điều mình cho là chắc chắn và tưởng là mình biết được điều cốt yếu của cuộc đời. Ta có thể tưởng rằng mình “đạt đạo” và mau chóng xét đoán thế giới và tha nhân theo kiểu “suy bụng ta ra bụng người”.

- Ta giảm thiểu sức phản kháng đối với các thử thách, đặc biệt là đối với các khó khăn trong việc cầu nguyện. Nếu việc này trở nên khó khăn, nếu ta khó tập trung tư tưởng, ta bị cám dỗ giảm thiểu hoặc bỏ luôn thời gian đã dâng hiến cho việc cầu nguyện. Nếu ta chịu đựng các khó khăn như chúng vẫn thường luôn xảy ra, ta không có khả năng sống các khó khăn đó cùng với Chúa. Chúng ta bị bối rối. Trật tự bên ngoài có thể đánh lừa về phẩm chất của các đức hạnh và độ bén rễ của chúng, vốn chưa đạt tới nơi thâm sâu của linh hồn. Mối ràng buộc của ta với Chúa là có thật, nhưng mối ràng buộc của ta với chính mình còn thật hơn nữa.

- Vả lại, có nguyên những phần trong ta mà ta không biết và thậm chí là ta chạy trốn nữa. Ta sợ các điều khốn cùng của mình. Một vài điều sẽ nổi lên cùng với tuổi tác hoặc khi ta tiếp xúc với một vài hoàn cảnh nào đó. Có những vùng bệnh hoạn hoặc mong mang dễ vỡ nhưng được che dấu đi.

- Dụ ngôn người thanh niên giàu có (Mc 10,17-22) diễn tả khá rõ tình trạng này của các linh hồn. Ta vẫn còn ở lại sâu xa trong lãnh vực nhân bản. Ta thán phục các thánh, nhưng ta không tin rằng mình cũng được gọi nên thánh.

- Cần vượt qua lý lẽ trong tim và chấp nhận một chút điên rồ vốn hàm chứa một hình thức mới của việc nghèo đi để trở nên giàu sang một cách mới mẻ.

- Ta có thể tự nhủ rằng khi tiến về với Chúa như thế thì mình có nguy cơ mất hết. Ta mất đi một phần các điểm mốc mà xã hội ban tặng, ta từ bỏ cái lôgic của “thế gian”, và ta đặt mình vào tay của một nhân vật vô hình luôn đòi hỏi.

- Một lần nữa, chúng ta có thể làm được điều này vì Ngài  tốt lành và Ngài là Cha chúng ta. Chúng ta có thể làm được điều này vì chúng ta được tình yêu thúc đẩy. Ngài đã chẳng chứng tỏ điều đó cho chúng ta sao? Vậy thì chúng ta có thể liều mạng vì Chúa. Phần thưởng của chúng ta sẽ ngang tầm với sự liều mạng này.

CHÚNG TA ĐÃ LIỀU GÌ CHO CHÚA?

Chúng ta đã liều gì cho Chúa? Chúng ta đã dâng tặng Ngài điều gì khi tin vào lời Ngài hứa? Thánh Tông đồ đã nói rằng ngài và các anh em của ngài sẽ là những kẻ bất hạnh nhất nếu những người chết không sống lại. Một cách nào đó, chúng ta có thể áp dụng lời này cho chính mình không?

Hồng y John Henry Newman (1801-1890)

(còn tiếp)

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

Hành Trình Tâm Linh - Những nơi Cư trú Thứ Hai: chặng khởi đầu


2. Những nơi Cư trú Thứ Hai: chặng khởi đầu.

2.1. Một vài nét tổng quát.

- Những nơi Cư trú Thứ Hai nằm ở bên trong lâu đài một tí, ngay cả khi ta còn ở nơi các căn phòng vòng quanh bên ngoài.

- Những người ở nơi cư trú này bắt đầu sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, ta tiếp xúc đều đặn với Ngài nhờ kinh nguyện và các bí tích. Nhưng ta vẫn chưa hoàn toàn sắp đặt đời sống của mình với Chúa, ta vẫn còn mong manh dễ vỡ. Ta bị giằng xé giữa điều đang kéo ta vươn lên cao và nếp sống cũ cứ kéo trì ta xuống thấp.

- Nhưng rốt cuộc, Thiên Chúa hiện diện, ta nhận biết tầm quan trọng của Ngài, ta không muốn rời xa Ngài, tuy nhiên ta vẫn còn yếu đuối.

- Ta khổ tâm vì bị giằng xé bởi cuộc chiến với chính bản thân. Ta đang sống tương đối ổn định trong sự dữ. Nhưng Thiên Chúa bước vào trong đời ta và làm cho nó bị đảo lộn.

- Ma quỷ biết rất rõ là ta mỏng giòn yếu đuối và nó lợi dụng điểm yếu này. Nó mạnh mẽ gợi lên các cám dỗ nội tâm, nó bày ra cho ta các khoái lạc trước kia và xúi ta quay về nếp cũ. Nó cũng lợi dụng các bạn bè thân thuộc của ta, là những người không biết ta đang thay đổi và không cộng tác vào sự thăng tiến thiêng liêng của ta.

- Có một yếu tố khiến ta bối rối: ta đã tìm khoái lạc trong một phần đời của mình và việc này trở thành như một cấu trúc nội tâm, một nếp gấp tâm lý của ta. Và bây giờ ta bắt đầu nhận biết Thiên Chúa. Ta nghe nói rằng đời sống với Chúa thật tuyệt vời và có nhiều niềm vui lớn lao. Thế nhưng, trong giai đoạn thứ hai này, ta không hề gặp thấy những điều đó! Toàn thể con người ta như đang hướng về một hình thức khoái lạc mới, và ta có cảm tưởng như mình bị rơi vào khoảng không! Ta có thể nản lòng và tự nhủ hoặc là cuộc sống hạnh phúc với Chúa là giả tạo, hoặc là cuộc sống ấy không dành cho tôi. Hậu quả là ta có thể quay lại nếp sống cũ, mà thực chất là quay lại một khoảng trống mênh mông.

- May mắn thay, Thiên Chúa đang ở đó. Chúng ta không thiếu ơn Chúa, chúng ta không bị bỏ rơi với các vấn nạn và các giới hạn của ta. Chúa cũng gởi đến cho ta các bạn hữu và các nâng đỡ cần thiết. Thường thường, trong thời kỳ này, chúng ta không thấy rõ việc Ngài làm cũng như không thấy Ngài hiện diện nơi đâu. Ta vẫn chưa đủ tinh tế để nhận biết Ngài.

- Nếu ta vẫn tiếp tục chọn Chúa, ta dần dần tiến lên. Nếu ta có can đảm đi xa hơn thì ta sẽ không ở mãi trong những nơi Cư trú Thứ Hai này.

2.2. Xây dựng thế giới nội tâm.

- Sở dĩ Chúa để chúng ta trải qua những nơi Cư trú Thứ Hai này là vì phải xây dựng nhà của chúng ta trên đá. Đời sống với Chúa rất mãnh liệt mạnh mẽ, nó biến đổi chúng ta tận nơi sâu thẳm của ta. Nếu chúng ta không xây dựng đời sống này trên một thế giới nội tâm vững chắc, đời sống ấy sẽ không đứng vững, và chúng ta sẽ té ngã từ trên cao.

- Thế nên chúng ta phải chấp nhận sống khiêm nhượng và kiên nhẫn chờ đợi. Nói chung, cần vài năm để đặt đi đặt lại những nền tảng căn bản của đời sống với Chúa, bằng cách thực hành các bài tập mà Chúa dần dần tỏ ra cho chúng ta. Tâm lý của chúng ta sẽ từ từ tạo được các nếp tốt. Các nếp xấu dần dà cũng giảm bớt và biến mất.

- Việc đầu tiên cần làm là tiếp xúc với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Cần phải cầu nguyện một cách trung thành và đều đặn mọi ngày. Đôi khi, ta thấy mệt mỏi, ta có cảm tưởng như Thiên Chúa lặng câm. Cần phải kiên trì. Trong những lúc khô khan như thế, ý chí buộc phải lựa chọn: “Con muốn tiếp tục cầu nguyện, con vẫn cứ muốn chọn Ngài.” Nhờ những lựa chọn như thế mà ý chí càng lúc càng trở nên mạnh mẽ và chín chắn hơn.

- Việc thứ hai cần làm là xếp đặt lại toàn bộ cấu trúc nội tâm của chúng ta. Phải thay thế các thói quen xấu bằng các thói quen tốt. Theo truyền thống, đó là các nhân đức “đối thần”: đức tin, đức cậy và đức mến; và các nhân đức “chủ yếu”: khôn ngoan, công bằng, dũng lực và tiết độ.

- Các nhân đức đối thần không phải là kết quả do cố gắng của chúng ta mà do chính Chúa ban. Nhưng các  nhân đức ấy được xây dựng với sự ưng thuận và quyết định của chúng ta.

- Cũng cần đề phòng cám dỗ tưởng rằng mình nhanh chóng trở nên thánh thiện rồi.

- Mỗi người có thể lập cho mình danh sách các nhân đức cần luyện tập. Ta có thể chú tâm nhiều hơn đến nhân đức này hay nhân đức nọ, nhưng khi cố gắng để tập một nhân đức thì các nhân đức khác cũng dần dần được cải thiện. Việc giáo dục nội tâm này cần rất nhiều thời gian.

2.3. Cuộc chiến đấu thiêng liêng.

- Ta phải xác nhận rằng những nơi Cư trú Thứ Hai là một nơi nền tảng, và cũng là một nơi chiến đấu. Cần phải biết như thế và đừng sợ hãi vì đây là cuộc chiến của Thiên Chúa hơn là cuộc chiến của con người. Đừng sợ cố gắng cũng đừng ngại thương tích. Nếu ta chịu chỗi dậy và không nản lòng, ta luôn tiến xa hơn, dù cho đôi ta bị té ngã đi nữa.

- Khi chiến đấu thiêng liêng, ta dần dần học được cách làm chủ thế giới nội tâm của mình. Ta tự hỏi: “Tôi để cho cái gì lọt vào tâm hồn mình, đặc biệt là các hình ảnh, các tư tưởng, các gợi ý? Đâu là những tư tưởng mà tôi ôm ấp và hay suy đi nghĩ lại? Đâu là những hình ảnh mà tôi cứ diễn đi diễn lại trong đầu? Chúng có tốt cho tôi không?” Dần dà ta sẽ làm chủ được bản thân. Những vùng khác nhau của ta bắt đầu đứng vào đúng chỗ, bắt đầu phát triển hài hòa với nhau. Ký ức của những vùng này bắt đầu được thanh tẩy.

- Tôi bắt đầu làm chủ bản thân, bắt đầu biết mình đi đâu và làm thế nào để đi đến đó.

- Trong giai đoạn này ta không nên chiến đấu một mình. Cần cầu xin Chúa cho ta gặp được một nhóm Kitô hữu năng động để hỗ trợ ta.

2.4. Những nơi Cư trú Thứ Hai và ơn gọi.

- Theo ý kiến của tôi, trong giai đoạn này của đời sống tâm linh, người ta hoàn toàn có thể nhận được ơn Chúa kêu gọi: có thể là ơn gọi sống đời hôn nhân, ơn gọi sống thánh hiến hay làm linh mục hoặc một dạng hoạt động nào đó theo như Chúa muốn. Không có lý do gì khiến ta phải đợi đến khi mình hoàn hảo rồi mới nghe Chúa gọi và mới cất bước lên đường.

- Trong giai đoạn này, các cộng đoàn hoặc các nhóm trong Hội thánh mà chúng ta có thể tham gia tạo cơ hội để chúng ta được đào tạo, được cơ cấu, được nâng đỡ trong cuộc chiến thiêng liêng. Các tổ chức này có quy luật đời sống nhằm thiết lập một thời biểu lâu dài và giúp ta dễ trung tín, đồng thời cũng giúp ta không rơi vào chủ quan. Chúng là những nguồn trợ lực do Chúa quan phòng để giúp ta thăng tiến trong đời sống tâm linh.

(Còn tiếp)