Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Hành trình tâm linh: Một vài thí dụ về ơn gọi


Một vài thí dụ về ơn gọi

Để thuyết phục chúng ta tốt hơn, tôi muốn đưa ra ở đây một vài thí dụ về các hành trình tâm linh vừa mới đây thôi. Dĩ nhiên là chúng ta có thể tìm thấy hằng chục thí dụ như thế.

Pierre-Bienvenu Noailles (1793-1861):
Trao ban lại cho thế giới ân sủng của Thánh Gia

Pierre-Bienvenu sinh vào thời Cách mạng Pháp, trong một gia đình làm nghề buôn bán ở Bordeaux đã bị chiến tranh hủy hoại. Dù đã được rửa tội nhưng ông không được hưởng nền giáo dục Kitô giáo, và ông chỉ được rước lễ lần đầu khi đã hai mươi tuổi. Việc này đã đánh dấu một cuộc hoán cải thật sự. Trước đó sứ mạng của ông đã được tỏ lộ trên bình diện thuần túy nhân bản: ông có nhân cách của người chỉ huy, và ngay cả là người sáng lập, với một đầu óc tổ chức được nhiều người khác trong các xí nghiệp của ông noi theo.

Đêm trước khi được rước lễ lần đầu, trong nhà thờ chính tòa Bordeaux, Pierre-Bienvenu đã nhận được ơn thần bí đầu tiên, như một loại tuôn đổ Thần Khí, đã đưa ông vào thẳng trong một thế giới khác: “Đó là đêm trước ngày ân phúc, trong khi dừng lại trước nhà nguyện Mont-Carmel ở Saint-André, ông đã nhận được từ Thiên Chúa một ơn đến độ ngay lập tức mọi ảo tưởng của thế gian tan biến đối với ông, hạnh phúc từ trời tràn ngập linh hồn ông đến nỗi ông tưởng chừng như mình đã thật sự rời khỏi mặt đất.” Ba năm sau, khi đến Paris để học luật, ông vào nhà thờ Saint-Sulpice và, trước tượng Mẹ Đồng Trinh ở cuối nhà thờ, ông nhận được ơn gọi làm linh mục. Tiếng gọi đó chấm dứt cuộc tranh luận mà dường như ông đã đặt ra cho bản thân về điểm này: “Đó là cú dứt điểm. Tôi đã nghe tiếng Mẹ, Ngài gọi tôi, chỉ cho tôi con đường, tôi đã hiểu mọi sự.” Từ ngày đó, ông biết Đức Trinh Nữ Maria là ai và, bằng kinh nghiệm của mình, ông đã hiểu được sự trải rộng bao la của tình yêu, của quyền năng, của sự quan tâm mà Mẹ dành cho chúng ta. Sau đó ông sẽ không ngừng làm chứng về điều này.

Thời gian ở chủng viện bao gồm một giai đoạn thanh luyện triệt để. Ông ngã bệnh và người ta tin rằng ông sắp chết. Nhưng đó cũng là thời gian mà, còn rất trẻ, ông đã nhận được sứ mạng của mình. Vào năm 1818, khi đang cầu nguyện trong nhà nguyện của các hội viên Xuân Bích ở  Lorette, tại Issy-les-Moulineaux, ông nhận được một cuộc “tiếp xúc” huyền nhiệm với Gia Đình Thánh của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Ông đã hiểu rằng các Ngài như thể một Tiểu Ba Ngôi trên trần thế, một sự phát sinh của tình yêu Ba Ngôi, lặp lại một điều gì đó về tình yêu của Tam Vị thần linh. Ông đã hiểu rằng ân sủng của đời sống Thánh Gia có thể được ban tặng lại thêm một lần nữa và một ngày kia nó sẽ được thể hiện bởi một công trình mà ông sẽ lập ra, nơi đó tinh thần yêu thương và gia đình sẽ được mang ra sống lại thêm một lần nữa.

Trở lại Bordeaux, ông mau chóng khám phá ra rằng kế hoạch của Thiên Chúa đang được thực hiện qua ông rất nhanh. Hiệp hội Thánh Gia khởi sự từ 1820. Ngày 3 tháng hai 1822, trong nhà nguyện của hiệp hội ở Bordeaux, Chúa Giêsu hiện ra trong Mình Thánh cho một số người và chúc lành cho họ. Việc chúc phúc lạ lùng này, là đối tượng của một cuộc điều tra theo giáo luật, còn nhấn mạnh hơn nữa sự hiện diện của Thiên Chúa trong công trình mới khai sinh. Cha Noailles thật sự là một người thực hành các ý muốn của Thiên Chúa.

Bốn mươi năm sau, khi Cha Noailles qua đời, hiệp hội có đến hàng chục ngàn thành viên. Đây là một trong các hội độc đáo nhất và canh tân nhất của mọi thời kỳ. Cha đã dựng nên nó với tài khéo, lòng kiên trì và một tình yêu của thánh nhân và thiên tài. Chắc chắn cha là một trong các tâm hồn vĩ đại của một thời kỳ gồm nhiều tâm hồn vĩ đại, và chắc hẳn là một trong những tâm hồn độc đáo nhất.

Trong trường hợp của Cha Noailles, ta khó định rõ ba giai đoạn của đời sống nội tâm, vì cha vốn rất kín đáo về điểm này. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ rằng cha được trao ban sứ mạng rất sớm và cha đã dành trọn đời mình để hoàn thành sứ mạng đó.


Pierre Goursat (1914-1991): xây dựng lại đền thờ của Chúa.

Hành trình của Pierre Goursat thì hoàn toàn khác. Chắc chắn ông là một trong những người sẽ góp phần canh tân Hội thánh ở Pháp – và ngay cả bên ngoài nước Pháp nữa – trong hậu bán thế kỷ XX.

Đó là một người dân Paris kiêu hãnh, mặc dù gia đình ông có gốc gác tỉnh lẻ. Cha ông đã bỏ rơi mẹ ông cùng với hai đứa con còn thơ ấu. Ông giữ lâu trong tim mình vết thương của một người cha vắng bóng. Ông đã được mẹ và bà ngoại, là hai phụ nữ Kitô giáo siêng năng làm việc và rất yêu mến Trái Tim Chúa Kitô, nuôi dạy. Khi ông mười hai tuổi, Bernard là đứa em trai mà ông rất ăn ý đã chết trong vòng vài giờ. Việc này đã xâu xé ông một cách khủng khiếp. Kế đó ông đã có một thời kỳ nghiên cứu thẩm mỹ và trí tuệ khiến ông lìa xa đức tin và trở nên kiêu căng. Thế nhưng, lúc mười chín tuổi, bị mắc bệnh lao, ông phải nghỉ học và đến một nhà điều dưỡng ở cao nguyên Assy, trong vùng Alpes. Người thiếu nữ mà ông yêu thương cũng mắc cùng chứng bệnh và đã chết. Pierre rơi vào ngõ cụt và nổi loạn, rồi một ngày kia ông có cảm giác là Bernard đang hiện diện và nói với ông: “Anh không còn nghĩ nhiều về em nữa, vì lòng tự kiêu đã tóm lấy anh rồi.” Ông quỳ xuống chân giường, cầu nguyện, hoán cải một cách triệt để. Pierre đã gặp Chúa. Ông đã tự nhủ rằng hôm đó mình đã nhận được như một sự tuôn đổ Thần Khí. Bấy giờ ông hiểu rằng mình được kêu gọi để cầu nguyện thờ lạy, sống độc thân và loan báo tin Mừng. Đó là vào năm 1933.

Trở lại Paris, Pierre đã loan báo Tin Mừng trong nhiều nơi khác nhau và dưới các hình thức rất đa dạng. Lúc xảy ra thế chiến thứ hai, trong khi người ta thúc đẩy ông hướng tới chức linh mục, một trong những bạn gái của ông khiến ông gặp hồng y Suhard, tổng giám mục Paris, vốn ôm ấp ý tưởng Phúc Âm hóa thế giới đang rời xa Kitô giáo và là một trong các nguồn mạch của Vatican II. Ngài đã ảnh hưởng nhiều đến Pierre.

Thời chiến tranh cũng đã là thời của ân sủng mới làm nền tảng cho Pierre. Vào một ngày năm 1994, ông bị một lính Đức theo dõi ngay trong nhà của ông và khi sắp bị phát hiện thì ông nghe một tiếng nói của Đức Trinh Nữ Maria trong tâm hồn ông: “Hãy yên lòng, con được cứu thoát.” Bởi phép lạ, ông đã không bị phát hiện. Sự hiện diện của Đức Maria đã tạo nên trong đời ông một dấu ấn mới của lòng tín thác, của sự dịu dàng và của sự gần gũi đầy hiệu nghiệm của Thiên Chúa.

Sau chiến tranh, Pierre tiếp tục cuộc đời thờ lạy, sống nghèo, cầu nguyện rất nhiều, với một tình trạng sức khỏe mong manh. Ông làm việc như một nhà phê bình điện ảnh và trình bày tư tưởng của Hội thánh ở đó. Ông về hưu năm 1970.

Vào thời điểm ấy, ảnh hưởng của đạo Công giáo trong thế giới điện ảnh đang xuống dốc. Người ta đang ở giữa cơn khủng hoảng của Hội thánh. Pierre muốn loan báo Tin Mừng, nhưng xã hội lại chạy trốn Thiên Chúa. Cuộc đời ông đã không thành công. Ngược lại, ông đã cầu nguyện và thờ lạy rất nhiều. Vào thời kỳ đó, ông đang ở đâu trong đời sống tâm linh của ông? Ở cấp độ nào? Làm sao biết được? Nhưng trong thinh lặng của việc thờ lạy, ông đã có nhiều thời giờ đặt nền móng cho những gì sẽ xảy ra sau đó mà chính ông cũng không ý thức được. Kinh nghiệm tràn trề của ông về Hội thánh và về con người cũng đã chuẩn bị bản thân ông. Ông đã có những nét phác thảo cho sứ mạng của mình kể từ khi ông được hoán cải. Nhưng chính sứ mạng của ông thì vẫn chưa được mở ra cho ông.

Sau đó phong trào Canh tân đoàn sủng đến Pháp (1972). Bấy giờ Pierre gặp được Chúa Thánh Thần như một ngôi vị. Việc này đã mang lại cho ông niềm vui và trao cho ông một hy vọng mới về tương lại của Hội thánh. Cùng với Martine Laffitte (nay là Martine Catta), ông gầy dựng ở Paris một trong các nhóm cầu nguyện đầu tiên của phong trào Canh tân. Từ năm người vào 1972, số thành viên của nhóm này đã lên đến năm trăm người vào 1973. Ông dần dần khai sinh Cộng đoàn Emmanuel. Sau những ngần ngại, cuối cùng Pierre gặp Marthe Robin và ông chấp nhận làm người phụ trách cộng đoàn. Ông đảm nhiệm công việc này cho đến khi bện tình trở nặng vào năm 1985.

Pierre trao ban tối đa con người mình trong một thời gian khoảng mười hai năm mà thôi. Nhưng ông thật sự có tài trong việc sáng lập, lắng nghe các tiếng gọi của Thần Khí, chuyên chăm đào tạo các thành viên tiên khởi của cộng đoàn, tránh hết các trở ngại này đến các trở ngại khác, mở rộng việc Phúc Âm hóa ra mọi hướng, cắm neo các môn sinh của mình trong kinh nguyện, đấu tranh để phong trào Canh tân không ra khỏi Hội thánh và để Hội thánh vui lòng đón nhận phong trào. Có lẽ tầm quan trọng của ông sẽ ngày càng tăng thêm theo thời gian. Chắc chắn ông sẽ được kể vào trong số các nhà sáng lập vĩ đại của thời ấy.

Tuy nhiên, làm sao vẽ lại con đường thần bí của ông? Thật khó nhận biết được, vì Pierre hoàn toàn không ý thức gì về điều này. Ông đã sống trong một sự nghèo khó nội tâm và ngoại giới. Đôi khi ông từng nói: “Chừng nào ta không hiểu được rằng ta đều là những người nghèo cả, thì chúng ta vẫn còn thiếu một điều gì đó thiết yếu.” Nhưng ông nhìn việc ấy một cách rất tích cực, vì ông đúng là người có tâm trí hết sức tích cực. Ông không thấy được linh hồn mình, con mắt nội tâm của ông bị che khuất, và ký ức của ông cũng thế. Ông vụng về khi tự diễn tả và không có những đặc sủng rõ ràng, trừ ra đặc sủng trong việc phân định. Ông không có sức khỏe và rất thường đi qua mà không ai nhận ra.

Nhưng nhờ vậy mà ông không còn tìm kiếm bản thân mình nữa, ông trở nên rất trong suốt với ơn Chúa, sẵn sàng với tha nhân, và dường như không giữ lại cho mình bất cứ sự gì. Trái lại, ta thấy rõ là ông luôn sống trước Thánh Thể và nhờ Thánh Thể. Chính từ đó mà Thiên Chúa tương thông với ông. Ông sống trong Chúa Thánh Thần, Đấng mà ông biết rõ. Càng lúc ông càng biết dâng hiến bản thân. Ông sáng lập huynh đoàn Thập giá vinh quang, một tổ chức cuối cùng trong lòng Emmanuel, gồm những người muốn hiến dâng các đau khổ của mình, nêu rõ chiều kích dâng hiến và kết hợp với Chúa Giêsu trên Thánh giá, nơi mà ông đã đạt tới. Tất cả cho Hội thánh mà ông sủng ái và cho phong trào Canh tân Kitô giáo mà ông trút cạn sức lực.


Chúng ta đang đứng trước một nhân vật quan trọng, chết trong danh tiếng thánh thiện dư đầy, nhưng hành trình của ông thì lại bí ẩn. Ngược lại, chúng ta biết rằng sứ mạng của ông được hé lộ dần dần: loan báo Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay, hoặc nói theo một cách khác, xây dựng lại đền thờ của Thiên Chúa. Chính trong quan điểm sống mới mẻ này mà mọi đoàn sủng và mọi ân huệ của Thiên Chúa đã được ban cho ông.

(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

Hành Trình Tâm Linh - Phần III: Để hiểu rõ hơn về đời sống tâm linh


PHẦN III

ĐỂ HIỂU RÕ HƠN VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH


Đời sống tâm linh không phải là một lộ trình mà mỗi người phải đi theo một lối đi bắt buộc. Nó được tô điểm bởi những yếu tố khác nhau.

Yếu tố đầu tiên là tiếng Chúa gọi tôi một cách cá vị, tiếng gọi này có thể ở ngay đầu hành trình hoặc muộn hơn sau đó, tiếng gọi có thể được cất lên thêm một lần nữa trong dòng đời, đặc biệt vào một lứa tuổi nào đó. Bấy giờ ta gọi đó là “tiếng gọi thứ nhì”.

Tiếng gọi này xảy ra trong lòng một tiếng gọi khác tổng quát hơn vốn, tùy theo tình hình, là một sự lồng ghép vào một dạng linh đạo đặc thù nào đó. Có nhiều gia đình thiêng liêng trong Hội thánh, và ta nên nói đôi điều về chúng.

Một điểm khác là mối tương quan mà chúng ta đang duy trì với điều làm cho chúng ta khó chịu và khiến chúng ta chậm bước, đặc biệt là các thương tích của chúng ta. Đây là một phạm trù mà ngày nay người ta đang khám phá lại, và điều này không phải là do ngẫu nhiên.

Sau hết, một điểm nữa là các hiện tượng ngoại thường vốn đôi khi xảy ra. Người ta nói rất đúng rằng đời sống tâm linh không giản lược vào các hiện tượng này. Vậy thì chúng có ích lợi gì?

Chính vì vậy, trong phần ba của sách này, tôi ước mong nói tới các yếu tố xen vào đời sống tâm linh ở một giai đoạn này hoặc một giai đoạn khác của nó, và theo phương pháp luận thì đặt ở đây sẽ không thích hợp cho bằng đặt ở chỗ khác. Quả thật, chúng có thể xảy ra hầu như bất cứ lúc nào và tác động nhiều hoặc ít tùy theo các giai đoạn.

Tôi sẽ khai triển năm điểm:

- sự đa dạng của các hành trình tâm linh và ơn gọi cá nhân;
- các linh đạo đặc thù;
- “tiếng gọi thứ nhì”;
- các thương tích;
- các sự kiện ngoại thường của đời sống tâm linh.


Chương 6: SỰ ĐA DẠNG CỦA CÁC HÀNH TRÌNH TÂM LINH VÀ ƠN GỌI CÁ NHÂN.

Điều mà chúng ta vừa viết ra trong các chương vừa rồi chỉ hữu ích cho chúng ta nếu ta hết sức cởi mở với tác động của Chúa Thánh Thần. Quả thật, Ngài không đề ra cho chúng ta những bài để học và những việc để làm, nhưng Ngài lưu tâm đến những con người cá vị. Thế nên, ngay cả khi có những điểm chuyển tiếp và những khuynh hướng lớn, người ta cũng rất khác nhau; các dự phóng của Thiên Chúa trên họ, và qua họ mà hướng đến thế giới, cũng luôn mang tính cách độc đáo.

Tôi vừa nói các từ: “dự phóng của Thiên Chúa”. Quả thật, đời sống tâm linh đi vào trong các kế hoạch của Thiên Chúa. Đâu là điều Chúa muốn trên người này hoặc người kia? Làm sao một điều gì đó của tình yêu Thiên Chúa tỏ lộ ra bên cạnh con người? Tất cả hành trình tâm linh đều nối kết với câu hỏi đầu tiên này.

6.1. Ơn gọi độc nhất của mỗi người

Mỗi người có một sứ mạng đặc thù.

Một người chỉ tiến tới cách tốt đẹp nếu người ấy biết mình là ai, mình có thể làm gì, và nhất là mình muốn làm gì. Nói cách khác, nếu người ấy nhận biết sứ mạng riêng của mình.

Quả thật, trong tim của mỗi người, trong cái “tôi thâm sâu”, ngay cả nơi những người chưa có đức tin, có một cái gì như ánh sáng nội tâm chiếu soi chúng ta về điều mà chúng ta là và điều mà chúng ta được kêu gọi thực hiện, “một huấn luyện viên hoặc một cảm thức bên trong, một lương tâm đưa ra cho chúng ta một nhận thức về tính cách độc đáo của chúng ta”, theo như Victor Frankl nói. Đó là một loại tiếng gọi nội tâm yêu cầu chúng ta, nếu chúng ta đáp lại, một sự dấn thân trọn vẹn. Sứ mạng này không phải là một ảo tưởng, cũng không phải là một cái gì chợt đến chợt đi: nó luôn có đó. “Sứ mạng có một điều gì đó thường trực. Nó không chủ yếu có thể thay đổi theo dòng đời, dù rằng nó có thể trở nên rõ ràng hơn, cụ thể hơn, mở rộng hơn, sinh ích lợi cho nhiều người hơn.”

Nếu chúng ta không đáp lại tiếng gọi ấy, chúng ta sẽ luôn có cảm giác đen tối là đã làm hỏng đời mình. Chắc chắn đây là nguồn cơn của biết bao đau khổ và lệch lạc. Ngược lại, nếu chúng ta khám phá ra sứ mệnh của mình – hoặc khi đang còn trẻ, hoặc vào thời khắc “khủng hoảng ở tuổi trung niên”, tôi sẽ trở lại vấn đề này sau – thì cuộc đời chúng ta sẽ mang lấy một ý nghĩa, một sức năng động. Chúng ta khuấy động thế giới, dù rất khiêm tốn thôi. Tôi biết những tấm gương của những người rất giản dị đã mô tả cho tôi cuộc đời của họ như một thành công và một niềm hoan lạc vì họ đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Ta có một gương mẫu điển hình với bà Mônica, mẹ của thánh Augustinô, mà nhà viết văn vĩ đại đã nhắc lại những lời cuối cùng của bà. Bà hài lòng ra đi vì bà đã chu toàn sứ mệnh của mình: giúp con mình hoán cải trở về. Nếu được phép, tôi xin kể ra trường hợp của cha tôi. Ông đã trao cho tôi một cái chớp mắt cuối cùng hết sức tinh nghịch và đằm thắm trước khi khởi hành chuyến đi trọng đại. Ông rất vui vì mình đã đạt, đời ông đã thành, và ông chết trong sự hài lòng về bản thân.

Chúng ta hãy lập lại rằng tiếng gọi này được sống một cách uyển chuyển và tự do. Trước khi xét xem nó xảy ra thế nào trong đời sống tâm linh, tôi muốn nói tận tường về hai thái độ rất có hại cho tất cả đời sống nội tâm.

Chớ rập khuôn.
Cũng đừng làm loài nhuyễn thể.

Cha Jean Laplace, thuộc dòng Tên, là một trong những vị đồng hành tâm linh nổi tiếng lúc bấy giờ, đã từng nêu ra rằng trước kia người ta thường làm những điều đáng trách khi đồng hành tâm linh. Người ta đã nhận ra rằng họ không chú tâm đủ về Chúa Thánh Thần, khi muốn ép các linh hồn trải qua đủ loại khuôn phép. Mối nguy này sẽ luôn tồn tại. Quả thật, chúng ta hoạt động từ những khuôn mẫu; điều này đúng cả trong xã hội dân sự lẫn trong Hội thánh, và không thể khác được. Một số khuôn mẫu này được Hội thánh đề nghị qua dung mạo của các vị thánh được tuyên phong hoặc các đoàn sủng của những phong trào trong Hội thánh mà Hội thánh nhìn nhận. Tất cả điều đó là rất thường tình. Khó khăn bắt đầu khi, đến một lúc, người ta hơi co rúm lại và người ta đóng băng mọi sự. Kể từ đó, người ta cầu khẩn bạn sống cho hợp với lý tưởng được phóng chiếu lên bạn. Tôi đã lưu ý rằng cơn cám dỗ này có tính cách phổ quát, nó đụng đến những người có cảm thức hoàn toàn khác nhau và những phong trào được gây dựng ở những thời điểm rất khác biệt.

Thế nhưng sự việc không thể như vậy. Đời sống tâm linh của mỗi người là độc nhất. Nó tiến, thoái, đôi khi lầm đường. Nó bị vô số điều mà chúng ta mang trong mình làm cho phức tạp: “Đối với chúng ta hôm nay, một sự phân định không lưu tâm đến tính phức tạp của các khát vọng đang làm việc trong mỗi người chúng ta thì thật đáng nghi ngờ.” Nói chung, cũng chẳng cần biết đích xác một người đang ở đâu trong đời sống tâm linh. Ta có thể đưa ra những chỉ dẫn để giúp họ băng qua các ngưỡng, nhưng nhất thiết đừng xác định người ta ở đây hay ở kia. Từ quan điểm này, mọi sự hướng dẫn đều có giới hạn của chúng. Tôi cũng chia sẻ ý kiến của José Fernadez de Retana Arostegui: “Đó là một sai lầm về mặt tâm lý và là một sự thiếu sót về lương tri khi nói với một linh hồn rằng linh hồn ấy đang ở trong nơi Cư trú nào, vì bao lâu linh hồn chưa đạt tới những nơi Cư trú Thứ Bảy, nghĩa là tới sự hợp nhất biến đổi, không ai có thể chắc chắn gì cả trong đời sống tâm linh. Và sự sai lầm này có thể trả giá rất đắt nơi các linh hồn không được khuyên bảo một cách đúng đắn này.”

GIỮ MÌNH KHIÊM NHƯỢNG VÀ CẨN TRỌNG

- Ai là người có thể xét đoán con người? Người ta đưa ra những phán xét bừa bãi ở khắp nơi. Kẻ mà chúng ta thất vọng thình lình hoán cải và trở nên tuyệt hảo. Kẻ mà chúng ta mong chờ nhiều đột nhiên té ngã và trở nên xấu xa. Ta có sợ cũng không bảo đảm được, mà có thương cũng chẳng bảo đảm được nốt.
Bất cứ một người nào đó là gì hôm nay, chính người ấy cũng không hay biết. Tuy nhiên hôm nay anh ta biết được một chút. Ngày mai anh ta sẽ ra sao, chính anh ta chẳng biết gì cả.

Thánh Augustinô (354-430)


Ngược lại, sẽ là nghiêm trọng khi chấp nhận bất cứ điều gì và vượt thoát mọi luật lệ thiêng liêng, mọi kế hoạch sống, mọi cân nhắc về tiếng gọi nội tâm, bằng cách tự nhủ rằng ta tự xây dựng đời mình lần hồi và chẳng cần tham khảo gì cả. Như vậy là ngây thơ, và ta sẽ không đi được xa trong đời sống nội tâm. Bấy giờ ta sẽ bị xáo trộn cơ cấu, chủ quan, cảm tính, như những loài nhuyễn thể. Cám dỗ này đã hiện hữu, đang hiện hữu và sẽ luôn hiện hữu. Chúa Thánh Thần không luôn luôn nói thẳng với từng người trong mỗi lúc, Ngài không sáng chế lại mọi sự một cách triệt để cho riêng tôi. Nếu tôi nghĩ như thế, tôi sẽ ra tệ hơn là tôi tưởng. Theo tôi, một cộng đoàn hoặc những người đồng hành tin vào điều đó sẽ gặp nguy hiểm.

Đâu là tiếng Chúa gọi tôi?

Để tiến tới, điều quan trọng đối với một linh hồn là biết được rằng ở tận sâu thẳm Chúa muốn gì nơi nó. Hẳn nhiên, đã có tiếng gọi cá biệt mà tôi vừa nói đến trên kia. Nhưng tiếng gọi này có thể phối hợp với một tiếng gọi khác vượt trên nó và từ một nơi xa hơn vọng đến. Nói cách khác, chúng ta có thể biết gì về ý muốn của Chúa trên sứ mạng, trên tiếng gọi sâu xa của chúng ta hay không? Tôi không chỉ nói đến ơn gọi trong thế giới, về chức linh mục hoặc đời tu. Thiên Chúa có thể tỏ cho chúng ta điều gì đó về cái nhìn độc nhất mà Ngài hướng đến chúng ta hay không? Ngài có muốn nói điều gì về cái tên bí mật mà Ngài ban cho chúng ta hay không? Nếu chúng ta biết điều gì đó, đời sống tâm linh trở nên thật đơn giản, và lúc ấy chúng ta vượt qua các ngưỡng một cách tự do hơn và quả quyết hơn. Chúng ta phải luôn tự vấn rằng: “Chúa muốn gì ở tôi, ngay nơi tôi đang sống?” Đó là câu hỏi nền tảng của tất cả đời sống tâm linh, trong khi thắc mắc về việc biết tôi đang ở đâu trên hành trình thì vô ích hoặc thứ yếu. Chúa đang yêu cầu tôi điều gì?

Ta có thể nói một cách khác. Nhân cách và các khía cạnh của sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu vô cùng phong phú. Thế nên mỗi phong trào tâm linh phản chiếu một khía cạnh của Chúa Giêsu, nhưng không phản chiếu hết tất cả các khía cạnh của Ngài. Cũng giống như một viên kim cương mà chúng ta sẽ phản chiếu một mặt của nó – hoặc nhiều mặt nếu ta muốn, nhưng không phản chiếu tất cả mọi mặt – Trong bối cảnh đó, mỗi một người chúng ta cũng phản chiếu một điều gì đó của Chúa Giêsu. Sự đa dạng mênh mông này chính là vẻ đẹp của đời sống với Chúa. Chúng ta có thể biết mình phản chiếu điều gì của Chúa Giêsu hay không? Đâu là loại sứ mạng mà Ngài tín thác cho chúng ta trong sự phụ thuộc vào sứ mạng của Ngài? Đâu là loại quan hệ mà chúng ta thiết lập với Ngài trong mối thâm tình của cái “tôi sâu xa” của chúng ta. Nếu chúng ta biết được điều này, và nếu chúng ta trung thành với nó, tôi tin rằng chúng ta sẽ tiến tới nhanh chóng.

(Còn tiếp)

Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Vào Vườn Thiêng: Đi vào


Đi ra gần cả cuộc đời.
Lang thang nhiều nẻo, chơi vơi lắm dòng.
Bây giờ đi ngược vào trong.

*