Linh đạo của Cộng đoàn Emmanuel
Gần
đây hơn, người ta đã thấy xuất hiện trong Hội thánh những hình thức linh đạo mới
lồng vào trong Truyền thống to lớn của Hội thánh. Cộng đoàn Emmanuel cho ta một
thí dụ về điều này.
Cộng
đoàn này bắt nguồn từ trào lưu Canh tân đoàn sủng Công giáo. Vào năm 1972,
phong trào Canh tân đoàn sủng, vốn được khai sinh tại Hoa Kỳ một vài năm trước,
du nhập vào nước Pháp. Một vài nhóm cầu nguyện nhỏ được thành lập. Như chúng ta
đã thấy, một trong các nhóm đầu tiên được khai sinh ở Paris với Pierre Goursat,
một nhà phê bình điện ảnh đã nghỉ hưu, và một nữ bác sỹ nội trú trẻ, Martine
Laffitte (nay gọi là Catta). Bắt đầu với năm người, một năm sau đó nhóm gồm tới
năm trăm người và đã phải giảm tốc. Khá nhanh sau đó, một số tham dự viên muốn
đi xa hơn. Chính vì thế mà Cộng đoàn Emmanuel đã được khai sinh. Cộng đoàn lan
truyền nhanh chóng và được Tòa Thánh chính thức công nhận vào năm 1998. Năm
2003, Cộng đoàn gồm khoảng từ sáu đến bảy ngàn thành viên, trong đó có một trăm
sáu mươi linh mục và nhiều chị em sống đời thánh hiến; cộng đoàn được phổ biến
trong sáu mươi lăm quốc gia. Đó là một trong những cộng đoàn canh tân đoàn sủng
được lồng sâu nhất vào Hội thánh. Nhiều sứ vụ của Hội thánh đã được ủy thác cho
nó, đặc biệt là các giáo xứ, và nó đã tự khai triển vô số hoạt động Phúc âm hóa
dưới những hình thức rất khác nhau.
Sự
tuôn đổ Thần Khí
Pierre
Goursat († 1991), vị sáng lập Cộng đoàn Emmanuel, đã năm mươi tám tuổi khi ông
gặp phong trào Canh tân đoàn sủng, và ông đã trải qua một hành trình tâm linh
dài theo phong trào này. Nhưng khi ông đón nhận lời cầu xin Chúa Thánh Thần đổi
mới nội tâm mình (sự “tuôn đổ Thần Khí”), ông đã trở một con người mới. Ông đã
“gặp” Chúa Thánh Thần như một ngôi vị.
Sau
ông, hàng trăm người đã trải qua kinh nghiệm này. Một ngày kia, hoặc đột ngột,
hoặc sau một thời gian dài chuẩn bị trong âm thầm, cuộc đời thay đổi. Thiên
Chúa trở nên gần gũi. Chúa Giêsu, từng ở xa, đột nhiên tiến lại gần ta. Bấy giờ
ta trao phó đời ta cho Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần trở thành chủ đời ta. Điều
đó xảy đến cho những người thuộc mọi lứa tuổi, mọi sắc tộc, mọi bậc sống, mọi
trình độ tâm linh và nhân bản:
- Sự tuôn đổ Thần Khí tương ứng
trước hết với một sự khai tâm của Thiên Chúa, qua đó Ngài ngự đến một cách đặc
biệt, để tỏ mình ra cho người ta như một ngôi vị sống động và gần gũi. Những
người được đổi mới bởi kinh nghiệm này khám phá ra hoặc khám phá lại ý nghĩa của
bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thêm sức mà mình đã nhận lãnh. Họ đáp lại bằng cách
hoán cải, thay đổi đời sống để có thể, một cách tiệm tiến, đặt Thiên Chúa vào
trung tâm của đời mình.
Kinh
nghiệm về sự tuôn đổ Thần Khí này tạo nên sắc thái đặc biệt cho linh đạo của
Emmanuel. Ý nghĩa cuộc đời trở nên tích cực. Ta tin vào tương lai của con người
và của nhân loại, bởi vì Thiên Chúa hiện diện ở đó. Ta bắt đầu tìm kiếm nơi mỗi
người điều có thể phát triển để phục vụ thiện ích. Ta lưu tâm đến những đoàn sủng
được Hội thánh trao ban, và ta thử, không chỉ đem chúng ra thực hành, nhưng còn
suy nghĩ để Phúc âm hóa thế giới này từ những đoàn sủng ấy. Hơn nữa, nếu ngày
nay Chúa Thánh Thần hoạt động, là vì Ngài có một dự phóng trên Hội thánh. Ngài
khát khao canh tân Hội thánh, làm cho Hội thánh sống động trở lại trong các quốc
gia Kitô giáo già cỗi, mở rộng Hội thánh trong các quốc gia khác. Từ đó nảy ra
một cái nhìn yêu mến và lạc quan về Hội thánh, rất khác xa với những bài diễn
văn theo thời trang, cũng từ đó nảy ra khát vọng yêu mến và phục vụ Hội thánh
dưới mọi hình thức mà mình có thể làm được. Như vậy, sự tuôn đổ Thần Khí là một
cuộc khởi hành: linh đạo Emmanuel thật không tĩnh tại chút nào.
Một hệ
quả khác của sự tuôn đổ này là việc ca tụng. Chúa Thánh Thần là thần khí vui
tươi hoan hỉ, Ngài là Đấng An Ủi. Hơn nữa: Ngài mở ra lời tụng ca giữa Ba Ngôi
Thiên Chúa. Cũng vậy, trong viễn tượng của Canh tân đoàn sủng, Cộng đoàn
Emmanuel là một cộng đoàn ca tụng, tạ ơn, tri ân triền miên, theo lời mời gọi của
Chúa để “luôn vui tươi [...] và không ngớt dâng lời tạ ơn Thiên Chúa” (1Tx
5,16-18). Việc ca tụng này mặc lấy cả ngàn hình thức, từ lời ca tụng vang dội của
các buổi phụng vụ long trọng hoặc của các cuộc hội họp để cầu nguyện cho đến lời
ca tụng trong từng gia đình. Nhưng nó không bị hạn chế chỉ trong việc thực hành
mà thôi: đó là một lối sống. Toàn cuộc hiện sinh như được nhìn qua một nhãn
quan ca tụng, nó trở thành một kinh nguyện liên lỉ mà mọi Kitô hữu đều được mời
gọi thực hiện.
Việc
ca tụng này không khiến cho các thành viên “tách ra” khỏi cộng đoàn. Trái lại,
nó nhập thể vào đời sống hằng ngày. Emmanuel, ấy chính là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta
trong các công việc khiêm tốn của cuộc đời, ấy chính là Thiên Chúa đã đến trong
xác thể của chúng ta. Cũng vậy, cuộc sống tâm linh chỉ đúng đắn và sinh động nếu
nó được nhập thể một cách cụ thể và, nếu ta nói một cách bạo miệng, thực dụng.
Ngay cả danh xưng mà Thiên Chúa ban cho cộng đoàn cũng mang ý nghĩa rõ ràng về
lời mời gọi nhập thể, về sự tỏ bày của Thiên Chúa đang hiện diện, ở giữa những
con người, hôm nay.
Thờ
lạy, Thương xót, Phúc âm hóa
Pierre
Goursat là một người luôn thờ lạy. Người ta đã có thể nói trong tang lễ của ông
rằng “Ông đã tiêu hao bản thân trong việc thờ lạy”. Ông từng trải qua nhiều giờ
mỗi ngày trước Mình Thánh Chúa, và ông muốn rằng các thành viên trong cộng đoàn
trước hết phải là những người thờ lạy, nghĩa là những người nam và nữ chiêm niệm
trước khi mãi mê hành động.
“Các thành viên của Cộng đoàn
Emmanuel dấn thân hết mức có thể vào việc thờ lạy dài giờ trong ngày (thờ lạy
bí tích Thánh Thể khi có thể được)” (Nội quy, số 15). Khi làm việc này, họ
chiêm ngắm Đức Kitô hiện diện trong Mình Thánh Chúa đang trao ban sự sống và
tình yêu của Ngài để cứu rỗi mọi người. Họ không chỉ thờ lạy cho riêng họ mà
thôi, nhưng cho hết thảy mọi người. Họ mở con tim mình ra với tình yêu vô tận của
Thiên Chúa hầu cho tình yêu xót thương này được đổ tràn xuống thế gian. Họ tự
hiến bản thân để đáp lại cơn khát tình yêu mà Đức Kitô đã tỏ ra trên Thánh giá
(Ga 19,28)
Thờ lạy
Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa, tham dự thánh lễ, mỗi ngày nếu có thể, không
chỉ là chu toàn những việc đạo đức, mà còn là đặt mình càng lúc càng sâu hơn
trong một thái độ thường kỳ, trong một tình trạng chiêm niệm và thờ lạy. Thờ lạy
dẫn đến việc xả kỷ chầm chậm, việc quên đi càng lúc càng nhiều những dự phóng
cá nhân và, ngược lại, để Chúa Giêsu đi vào trong linh hồn mình mỗi lúc một mạnh
hơn. Không có gì “vô ích” theo cái nhìn của con người hơn là việc thờ lạy. Ở
yên đó, chẳng làm gì, trong nhiều thời khắc, đôi khi tạo ra ấn tượng mất thời
giờ vốn có thể được sử dụng cách tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, đó chính là nguồn mạch
của cuộc sống. Không thờ lạy, hoạt động chỉ là ngắn ngủi và hời hợt.
Một
hiệu quả quan trọng của việc thờ lạy là sự “thông truyền” chính các tâm tình của
Trái Tim Chúa Giêsu. Một cách huyền nhiệm, dần dần, ta suy nghĩ như Ngài, ta cảm
nhận như Ngài. Và bấy giờ ta cảm thấy một tình thương xót bao la đối với thế giới,
đối với con người, đặc biệt đối với nỗi đau khổ của họ. Ta để cho những điều đó
chạm đến mình, ta dẹp hàng rào phòng thủ đi. Rất nhanh chóng, ta bị bao trùm bởi
nỗi đau khi thấy con người chết đói, một cách vật chất, nhưng còn chết đói hơn
nữa về mặt tâm linh. Đó là tiếng kêu la của thánh Đa Minh khi ngài cầu nguyện
trong đêm tối, tiếng kêu la mà Pierre Gousat vẫn thường lập lại: “Lạy Thiên
Chúa của con, xin thương xót! Những người tội lỗi sẽ ra sao?”
Lòng thương xót đích thực của Chúa Giêsu là việc cứu rỗi
con người đã được Chúa Cha tạo dựng. Trở thành môn đồ của Emmanuel, là để cho
mình bị thiêu đốt bởi khát vọng được cộng tác với Ngài để cứu rỗi mọi người.
Đó
chính là lòng thương xót, được cắm vào việc thờ lạy và làm phát sinh hành động.
Nó mặc lấy dáng vóc của một khát vọng Phúc âm hóa, một khát vọng nói về Chúa Giêsu,
một khát vọng không câm miệng khi đối mặt với sự nghèo khó lớn nhất, là sự vắng
bóng Thiên Chúa. Ta không có thể ngồi yên thụ động, chỉ đơn giản làm chứng về
việc thế giới mất đi ý nghĩa, ta không thể đào ngũ trước cơn đói của con người,
cơn đói về Thiên Chúa:
Lời mời gọi tân Phúc âm hóa của Đức thánh cha chỉ xác
nhận thêm ơn gọi của Cộng đoàn Emmanuel là tham gia vào việc hoàn tất sứ mạng của
Hội thánh trong thế giới hiện nay.
Như vậy,
Emmanuel là một cộng đoàn truyền giáo. Dưới mọi hình thức, trong gia đình,
trong công việc, trong các sứ vụ của Hội thánh hoặc các hoạt động riêng của cộng
đoàn, ta được mời gọi làm chứng cho Thiên Chúa, mọi bậc sống hỗn hợp (giáo dân,
linh mục, nam và nữ tận hiến), trong sự tinh tế nhẹ nhàng được Đức Maria ban
cho và với sự nâng đỡ bằng hiến lễ của các thành phần đang gặp đau khổ của cộng
đoàn.
Trái
Tim Chúa Giêsu
Một
cách huyền nhiệm, từ 1975, Cộng đoàn Emmanuel thấy mình được liên kết với địa
điểm Paray-le-Monial và với sứ điệp của Thánh Tâm Chúa Giêsu, vốn đã được mặc
khải cho thánh nữ Maria-Magarita từ 1673 đến 1675. Thoạt đầu, không có định mệnh
nào sắp đặt cho một cộng đoàn Canh tân đoàn sủng tiếp xúc với hình thức linh đạo
xem ra đã cũ xưa này. Thế nhưng sứ điệp của Trái Tim Chúa Giêsu đã có một ảnh
hưởng quyết định trên cộng đoàn Emmanuel. Đáp lại, cộng đoàn đã cộng tác đổi mới
việc loan báo và trình bày sứ điệp này.
Sứ điệp
của Paray trước hết được liên kết với nội tâm. Trái tim, đó chính là trung tâm
của con người, là nơi chốn của “cái tôi sâu xa”. Nói đến trái tim là nói đến một
tôn giáo của nơi “sâu thẳm”, của chốn tâm linh, hơn là nói đến một tôn giáo của
công việc. Đó cũng chính là nói đến một sự hợp nhất giữa Trái Tim Thiên Chúa,
nghĩa là nơi bí nhiệm của Ngài, và trái tim con người: nơi ấy chúng ta ở trong
một linh đạo hợp nhất. Tiếp đến, sứ điệp của Paray là một sứ điệp tình yêu:
“Xem kìa, Trái Tim này đã yêu thương con người đến độ không dành lại một điều
gì, đến độ tiêu hao chính mình để minh chứng tình yêu của mình cho họ.” Đó
chính là toàn bộ Tin mừng của thánh Gioan: Thiên Chúa là tình yêu, sáng tạo là
một công trình của tình yêu, và trong tình yêu sự Cứu chuộc đạt đến những đỉnh
cao không ngờ. Như vậy, Paray là một lời công bố tình yêu của Thiên Chúa cho
nhân loại.
Nhưng
trong sứ điệp của Trái tim Chúa Giêsu có một chiều kích mà Emmanuel đã càng
ngày càng khám phá ra thêm: đó là tình yêu không được yêu đáp lại. Quả thật, Đức
Kitô phàn nàn với thánh nữ Maria-Magarita về sự dững dưng thờ ơ của con người,
đặc biệt đối với sự hiện diện yêu thương của Ngài trong Thánh Thể. Và ở vườn Ghếtsêmani,
lúc Đức Kitô cần được giúp đỡ, thậm chí cần được các bạn hữu của mình an ủi, sự
dửng dưng này đã tới cao điểm. Cũng vậy, Cộng đoàn Emmanuel muốn an ủi Trái Tim
Đức Kitô. Các thành viên của cộng đoàn muốn cận kề bên Ngài như những người bạn
và những người anh em. Thật là sửng sốt khi nghĩ rằng Đức Kitô đã muốn cần con
người đến mức van nài tình bạn của họ. Và chính trong việc thờ lạy và rước
Thánh Thể mà tình bạn này có thể biểu lộ một cách ưu việt nhất. Như vậy, sứ điệp
của Paray mang tính thời sự hơn bao giờ hết, vì những tâm tình của Trái Tim
Chúa Giêsu không hề thay đổi và phải được giải thích cho mọi người thuộc mọi thời
đại.
*
Hãy
cùng nhau nhắc lại rằng: các thí dụ mà chúng ta vừa nêu ra chỉ nói được đôi
chút về sự phong phú của lịch sử thiêng liêng của Hội thánh và về các cơ hội mà
Hội thánh trao tặng cho con cái mình. Có nhiều linh đạo cùng hiện hữu. Không phải
vì một số linh đạo cổ xưa hơn mà chúng kém thời sự đi. Pierre Van der Meer từng
nói: “Luôn luôn sống động, Hội thánh tự biểu lộ dưới nhiều dáng vẻ. Nó sống động
trong kinh nguyện thầm lặng của các hội dòng chiêm niệm, nó sống động trong nỗi
khổ đau của người nghèo cũng như trong niềm vui trao ban, nó cũng rất sống động
trong vẻ tráng lệ của các ngôi đại thánh đường hoặc trong vẻ khiêm tốn của các
nguyện đường nhỏ bé.” Đó cũng thật là sự đa dạng của các hình thức linh đạo.
(Hết chương 7)