Các Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Phim The Letter


 Bộ phim "Lá thư", một phim tài liệu mới của Nicolas Brown "về sức mạnh của nhân loại trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng sinh thái" mà thế giới đang phải đối mặt đã được giới thiệu trong một cuộc họp báo tại Vatican hôm 4/10/2022.

Bộ phim "Lá thư" có thể được chiếu miễn phí trên YouTube Originals bắt đầu từ ngày 4/10/2022.

Nguồn cảm hứng cho tiêu đề của bộ phim tài liệu được lấy từ từ “encyclical”, được sử dụng cho một số thông điệp của giáo hoàng và nghĩa đen là "thư luân lưu". Tiêu đề đề cập đến thông điệp Laudato sì được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào năm 2015.

Đối thoại

Tại buổi giới thiệu bộ phim mới của nhà làm phim Nicolas Brown, Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện nói rằng bộ phim nêu bật khái niệm chính yếu về đối thoại. "Đối thoại là trọng tâm trong tầm nhìn của Đức Thánh Cha về hòa bình của nhân loại với Đấng Tạo Hóa, với tất cả thụ tạo và giữa con người chúng ta với nhau."

Hành động ngay lập tức

Đức Hồng y Czerny nói thêm, bộ phim "là một tiếng kêu rõ ràng cho mọi người ở khắp mọi nơi: chúng ta phải hành động cùng nhau, chúng ta phải làm điều đó ngay bây giờ." Bộ phim nhằm truyền tải những thông điệp trong Thông điệp Laudato sì của Đức Thánh Cha Phanxicô. Mặc dù thông điệp có "tác động rộng rãi trên phạm vi toàn cầu", kể từ khi được ban hành cách đây bảy năm, "cuộc khủng hoảng môi trường của ngôi nhà chung của chúng ta đã trở nên tồi tệ hơn."

Chính điều này đã thúc đẩy Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện cộng tác với đạo diễn Brown và đoàn làm phim của ông, cũng như Phong trào Laudato Sì và Bộ Truyền thông của Vatican sắp xếp cuộc đối thoại giữa Đức Thánh Cha và một số người đến từ những vùng ngoại biên, bao gồm một nhà lãnh đạo bản địa, một người tị nạn khí hậu, một nhà hoạt động trẻ và một nhóm các nhà khoa học.

Đức Hồng y Czerny nói rằng "những nhà lãnh đạo nổi bật này" có thể nói thay cho những tiếng nói của các vùng ngoại vi thường bị bỏ quên, trước tiên thông qua cuộc đối thoại của họ với Đức Thánh Cha, và sau đó bằng cách chia sẻ những câu chuyện của chính họ. Đức Hồng Y nói: “Bộ phim và những câu chuyện cá nhân cho thấy một cách mạnh mẽ rằng cuộc khủng hoảng sinh thái đã đến và đang xảy ra ngay bây giờ,” đồng thời cảnh báo về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang tiếp tục gia tăng.

Hồng Thủy - Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2022-10/vatican-phim-tai-lieu-la-thu-bien-doi-khi-hau.html

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Cuốn sách giúp Thánh Edith Stein trở lại đạo Công giáo


Thánh Edith Stein, một triết gia theo chủ nghĩa vô thần, đã đọc cuốn tự truyện của Thánh Têrêsa Avila và bắt đầu cuộc hành trình của mình đến với Giáo Hội Công Giáo.

Mặc dù được nuôi dưỡng theo đức tin của người Do Thái, nhưng sau này Thánh Edith Stein đã tách mình khỏi mọi tôn giáo thời còn trẻ. Tuy nhiên, thánh nữ vẫn theo đuổi chân lý, chủ yếu thông qua việc nghiên cứu triết học hiện đại.

Cuộc hành trình trí tuệ này đã đưa thánh nữ đến chỗ khám phá các tác phẩm Kitô giáo, chẳng hạn như Kinh Thánh Tân Ước và cuốn Linh Thao của Thánh Inhaxiô Loyola.

Tuy nhiên, đầu óc và con tim của thánh nữ lại bị cuốn hút bởi cuốn Tự truyện của Thánh Têrêxa Avila.

Trong tiểu sử về cuộc đời của Thánh Edith Stein, phụng vụ chư thánh của Vatican giải thích việc thánh nữ đã bị ấn tượng bởi cuốn sách này ra sao.

Vào mùa hè năm 1921, Thánh Edith Stein đã dành vài tuần ở Bergzabern (ở Palatinate) trong khu đất nông thôn của Hedwig Conrad-Martius, một môn sinh khác của triết gia Husserl. Hedwig đã cùng chồng chuyển sang đạo Tin lành. Vào một buổi tối, thánh nữ đã chọn lấy một cuốn Tự truyện của Thánh Têrêxa Avila và đọc cuốn sách này suốt đêm. “Khi tôi đọc xong cuốn sách này, tôi đã tự nhủ: Đây là chân lý.” Sau này, khi nhìn lại cuộc đời mình, thánh nữ đã viết rằng: “Niềm khao khát chân lý của tôi chỉ đơn giản là cầu nguyện.”

Theo Viện Nghiên cứu Cát Minh, cuốn sách của Thánh Têrêxa Avila về mặt chuyên môn không phải là một “tự truyện” nhưng khám phá nhiều vấn đề cơ bản của cuộc sống.

Mặc dù thường được gọi như vậy, nhưng cuốn sách của Thánh Têrêxa Avila không phải là một cuốn tự truyện; cũng không phải là một cuốn nhật ký riêng tư. Những gì thánh nữ giải quyết chủ yếu là những thực tại siêu nhiên (thấm nhập hoặc thần bí) về đời sống nội tâm. Tuy nhiên, thánh nữ đã sử dụng chất liệu thông qua cuốn tự truyện làm bối cảnh để luận bàn về sự tồn tại và giá trị của những ân huệ từ Thiên Chúa.

Có nhiều điều để Thánh Edith Stein học hỏi từ cuộc đời của Thánh Têrêsa, bao gồm cả những cuộc giằng co của vị thánh nữ này với cầu nguyện và đời sống nội tâm.

[Thánh Têrêxa Avila] bắt đầu bằng cách kể về việc bắt đầu nhận được ân sủng dồi dào của Thiên Chúa từ rất sớm như thế nào. Thánh nữ đã được dẫn dắt vào con đường cầu nguyện và thậm chí còn được đưa dẫn đến với một số kinh nghiệm ban đầu về cầu nguyện thần bí vào những năm đầu ở độ tuổi 20. Dẫu cho thánh nữ không ngừng thoái chí trước công trình của Thiên Chúa, thậm chí đến mức bỏ việc cầu nguyện và đời sống nội tâm, nhưng lòng thương xót của Người cuối cùng đã chiến thắng trạng thái đáng thương của chính thánh nữ. Cuối cùng, khi thánh nữ đã hoàn toàn quy phục trước ân sủng của Thiên Chúa, thì Người đã khởi sự công trình tuyệt diệu và trực tiếp hơn trong tâm hồn thánh nữ.

Vài tháng sau khi đọc cuốn sách này, vào ngày 01 tháng 01 năm 1922, Thánh Edith Stein đã được rửa tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo và cuối cùng đã trở thành một nữ tu Dòng Cát Minh với việc chọn tên dòng là Têrêsa để tôn vinh Thánh Têrêsa Avila. Sau khi bị bắt cùng với những người Do Thái đã được rửa tội khác ở Hà Lan, thánh nữ đã bị đưa đến trại Auschwitz, nơi ngài đã bị giết hại trong phòng hơi ngạt.

Thánh Edith Stein ngày nay được biết đến với cái tên Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh giá.

 Tác giả: Philip Kosloski 

Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

(giaophanvinhlong.net / Aleteia 09/8/2022)

Nguồn: https://giaohovinhloc.com/2022/08/11/cuon-sach-giup-thanh-edith-stein-tro-lai-dao-cong-giao/

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Thầy Marcel Văn, người em kết nghĩa của Chị Tiên-Sa Nhỏ

 


ÐÔI DÒNG TIỂU SỬ
THẦY MARCEL NGUYỄN TÂN VĂN
(1928-1959)
“Tôi không nhìn đâu xa
Cũng chẳng nhìn quanh quẩn…
Tôi chỉ ngắm nhìn người tôi yêu…
Chính lúc lòng tôi yêu mến
Tôi tìm thấy hạnh phúc vô tận…
Tình yêu không thể chết…”
Marcel Nguyễn Tân Văn
Thầy Marcel Văn tên thật là Gioakim Nguyễn Tân Văn, sinh ngày 15.3.1928 trong một gia đình Công giáo, tại làng Ngăm Giáo, một làng nhỏ thuộc tỉnh Bắc Ninh, nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng. Năm 17 tuổi, Thầy vào tu Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà Ấp, Hà Nội, theo bậc trợ sĩ và khấn lần đầu ngày 8.9.1946.
Sau khi khấn dòng, Thầy được Bề trên chỉ định về phục vụ tại Nhà Dòng Thái Hà Ấp và sau đó ở các tu viện trong miền Nam. Năm 1954, trong khi hàng triệu người ngoài Bắc di cư vào Nam, Thầy tình nguyện trở ra Bắc để ” ít nữa là có người yêu mến Chúa” tại đây. Thầy bị tố cáo và bắt vào ngày 7.5.1955, bị giam giữ trong nhiều nhà tù và chết ngày 10.07.1959 trong nhà lao Yên Bình, cách Hà Nội 150 cây số.
Suốt cuộc đời vắn vỏi của mình (31 năm), Thầy Marcel Văn đã phát triển tinh thần yêu thương, đùm bọc nhau trong gia đình một cách tốt đẹp và gương mẫu. Nhờ tinh thần đạo đức đó, Thầy Văn đã sớm biết sống thân mật với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Lúc sống chung với anh em trong Dòng, Thầy chóng vánh, vui vẻ và tuyệt đối vâng lời bề trên, ra sức phục vụ anh em lớn nhỏ và luôn hoà dịu với mọi người. Noi gương Nữ Thánh Tiến Sĩ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, trong lời cầu nguyện Thầy Marcel Văn đặc biệt lưu tâm đến các linh hồn đã từ bỏ ân sủng Chúa. Trong lao lý, Thầy đã hoàn toàn quên mình để chăm sóc anh em đồng cảnh, bệnh hoạn, khốn khổ.
Nhờ một tập hồ sơ với hơn 1000 trang giấy viết tay và 370 lá thư còn được lưu giữ, trong đó Thầy Marcel Văn ghi lại những đặc ân Chúa ban theo lời truyền dạy của cha linh hướng Dòng Chúa Cứu Thế người Canada Antoine Boucher, một linh mục người Pháp, cha Marie-Michel thuộc Dòng Camêlô vào năm 1990 đã viết cuốn “L’Amour Ne Peut Mourir” (Tình Yêu Không Thể Chết) nói về cuộc đời Thầy. Cuốn sách này sau đó đã được dịch ra các thứ tiếng khác trong đó có tiếng Việt, Anh, Tây ban nha, Ðức và Ý. Cuộc đời của Thầy Marcel Văn qua tác phẩm này đã đánh động nhiều người tại Châu Âu, cách riêng giới trẻ, trên con đường canh tân đời sống đức tin.
Án phong Chân Phước cho Thầy Marcel Văn đã được bắt đầu từ năm 1984 khi Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Văn Lãng, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, ủy thác công việc này cho Ðức Cha Valois ở Canada. Sau khi cha Antoine Boucher qua đời vào năm 1991, vì thiếu nhân sự lo cho việc này, Ðức Cha Valois đã yêu cầu chuyển án phong Chân phước của Thầy Marcel Văn qua Pháp vì nơi đây danh thơm thánh thiện của Thầy đã được lan rộng nhanh chóng do sự hưởng ứng tích cực của người Pháp sau khi đọc được tác phẩm “L’Amour Ne Peut Mourir” cũng như nhờ sự hăng say truyền bá tinh thần sống đạo của Thầy Văn bởi Hội “Les Amis de Van” tức Hội “Thân Hữu Thầy Văn” được thành lập vào năm 1991.
Năm 1994, Hội “Les Amis de Van” chính thức đứng ra đảm nhận việc đẩy mạnh án phong Chân phước cho Thầy Văn. Ngày 26.03.1997, bản án sơ khởi phong Chân phước cho Thầy như một vị Hiển Tu đầu tiên của Châu Á đã được khai mở một cách chính thức và trọng thể tại Giáo phận Belley-Ars, Pháp, tức giáo phận của Thánh Gioan Vianney. Vị Cáo Thỉnh Viên là Ðức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà bình Toà Thánh (nay là Chủ tịch của Ủy ban này), và vị Ðặc trách cuộc điều tra là Ðức Cha Guy Marie Bagnard, Giám mục Giáo phận Belley-Ars. Hiện công việc đang tiến triển tốt đẹp.
Lạy Chúa Giêsu Cứu Thế, Chúa đã ban ơn để Thầy Marcel Nguyễn Tân Văn sống một cuộc đời nhân đức, thì nay qua lời cầu bàu của Thầy xin Chúa hãy dùng quyền năng và sự tốt lành của Chúa giúp chúng con biết noi gương Thầy yêu Chúa và Mẹ Maria hết lòng. Xin Chúa ban cho chúng con những ân huệ qua lời cầu bàu của Thầy Marcel Văn hầu cho Chúa được vinh danh nơi vị tôi tớ Chúa và hầu cho Giáo Hội sớm nâng Thầy lên hàng Chân phước. Amen.
Nếu quý vị muốn đóng góp vào việc
đẩy mạnh Án phong Chân phước cho Thầy Marcel Văn:
Hãy làm cho người khác biết đến Thầy!
Hãy nhờ lời cầu bàu của Thầy!
Hãy tâm sự với Thầy những khó khăn gặp phải trong cuộc sống!