Những văn bản liên quan đến Giám mục Pierre Pigneaux de Béhaine (1741-1799) được vua Gia Long phong tước hiệu Thái tử Thái phó Bi-nhu Quận công lúc ngài qua đời do học giả Nguyễn Duy Chính dịch. VĂN BẢN I SẮC THƯ TRUY TẶNG BÁ ÐA LỘC
Sắc văn chúa Nguyễn phong cho Bá Đa Lộc tước hiệu Thái Tử Thái Phó Bi
Nhu Quận Công đề ngày 12 tháng Một, Cảnh Hưng 60 (tức năm 1799) [328 chữ]
Bản sắc[4] này chúng tôi trích từ sách Iconographie Historique de L’Indochine Franҫaise (1931) của Paul Boudet và André Masson (Paris: Les Éditions G. Van Oest) Planche XVII (hình số 27). Theo chú thích ở trang 23 của bộ sách này thì tờ sắc này hiện để tại Musée d’Origny-en-Thiérache (Pháp). [5]
晢人於知己固不遠千里而來,好會正相親,又何忍一朝而逝。
緬思舊德載賁新恩富浪沙國故,特差達命調制戰艚,水步援兵,鑒牧伯多祿上師西土,偉人南朝上客,總角日幸逢佳契志氣交孚。
雖往愬言諧于宗國,特以兵來援半途而事與心違。然同仇擬作于古人寧為義相過共會而謀乘釁發。
戊申返故邦之旆正望好音,庚戌浮東浦之舟,彌敦信約巽言時復,正養蒙之師道尤嚴。
晋接日常隆拯渙之奇謀屢出。道德中談笑義既契于盍簪。
風塵外經營精允孚于聯轡。終始之真心不二。平生之奇遇均歡。但期歷過年華,永為好也。
誰料塵埋玉樹,靜言思之,爰贈為太子太傅悲柔郡公,謚曰忠懿以彰碩德之幽馨以表嘉賓之偉績。
客星一殞,天堂之去難留,華袞榮褒,魏闕之情曷罄。繄!公靈爽沐我寵光。
Bậc triết nhân biết đến ta nên không hiềm nghìn dặm xa xôi đến đây gặp gỡ, giao thiệp mà thành thân thiết. Vậy mà nỡ lòng nào một sớm qua đời.
Nhớ đến đức cũ, ơn nay của nước Phú Lang Sa, đặc biệt giao cho nhiệm vụ điều chế tàu chiến, trông coi thuỷ bộ viện binh.
Giám mục Bá Ða Lộc thượng sư là vĩ nhân Tây thổ, cũng là khách quí của Nam triều, đủ biết gặp gỡ này là một giao tình đặc biệt.
Lúc buổi đầu mới lên, gặp người có đức tin nhau ngay từ thuở còn mờ mịt.
Nhằm lúc nước nhà lắm nạn, khi ta còn long đong như vua Thiếu [Khang] nhà Hạ lúc gian truân.
Thành ra hai bên phải chia cách, kẻ góc biển, người chân trời, ông phải làm việc trông nom con trẻ của nhà Hán.
Tuy việc giao thiệp với tông quốc [tức Pháp] đã xong, đặc biệt đưa binh sang cứu viện, nhưng nửa đường việc lại không thành. Tuy nhiên vì cùng chung mối thù nên theo gương cổ nhân, vì nghĩa mà cùng qua, chung nhau mưu tính việc dẹp loạn.
Năm Mậu Thân (1788) trở về nước cũng mong được tin lành. Năm Canh Tuất (1790) giữ lời theo thuyền quay lại Ðông Phố.
Lời lời nói ra, việc dạy trẻ đạo làm thầy thật uy nghiêm.
Ngày thường thời hăng hái, luôn luôn đưa được những mưu hay.
Khi đàm luận về đạo đức, chúng ta thật hợp với nhau,
Còn khi lo toan cơn gió bụi, luôn luôn chăm chăm một lòng.
Trước sau một lòng không đổi, quả là kỳ ngộ bình sinh mà hai bên đều đẹp dạ.
Cho nên qua bao nhiêu năm rồi, mãi mãi vẫn là bạn tốt,
Nay đã chôn vùi cây ngọc, chỉ còn biết yên lặng nhớ đến nhau.
Vậy nay tặng ông chức Thái Tử Thái Phó Bi Nhu Quận Công, tên thụy là Trung Ý.
Ðể thêm tỏa hương thơm, sáng đức lớn, phô ra vĩ tích của người khách lạ.
Ôi! Nếu ông khôn linh thì tắm gội sủng quang này.
Sao khách đã lặn rồi, lên chỗ thiên đường khó mà giữ được,
Áo gấm để khen, cửa Ngụy chút lòng đã cạn. Ôi, nếu ông có linh thiêng thì tắm gội ân sáng của ta.
Cảnh Hưng năm 60, ngày 12 tháng Một (11 AL).
VĂN BẢN II Văn bia dựng tại lăng mộ của Bá Đa Lộc tại Gia Định do Nguyễn Gia Cát phụng soạn mùa thu năm Canh Thân (1800) [230 chữ]
迨壯年來我國時,國内多故,師爲國之賓,措所學于所行相與周旋于顛沛流離之際。
二十餘年之間贊畫戎等忝鎮裁務諸其興建顯設,皆足以傳之後。我國駿駿乎有中興之勢師之力爲多焉。
己未從征歸仁府纔九月十一日以正終于施耐海門津次,夀五十有七。
其年冬孟,勅贈太子太傅郡公卜葬于嘉定府城之北。師故所築精舍也。
Thầy là người nước Đại Tây Dương, họ Bi Nhu, hiệu Bá Đa Lộc.
Khi còn trẻ thờ phụng đạo Thiên Chúa nhưng thánh hiền, sách vở Trung Quốc cũng đều quán thông.
Đến lúc tráng niên đến nước ta, trong nước lắm việc không hay, thầy là khách của nước, phô bày sở học và việc làm cả hai đều chu toàn trong lúc long đong vất vả.
Rồi lại được gửi gấm việc lớn là ra ngoài cầu viện binh. Qua lại nhiều nơi không lúc nào nhàn rỗi.
Trong khoảng hơn hai mươi năm tham mưu hoạch định việc binh nhung, sắp xếp việc công để kiến thiết việc khôi phục truyền cho người đi sau. Nước ta có được cái thế trung hưng trong đó công sức của thầy rất nhiều.
Năm Kỷ Mùi (1799) đi theo việc binh ở Qui Nhơn, đến tháng Chín (AL), ngày 11 thì qua đời ở quân doanh nơi cửa biển Thi Nại, thọ 57 tuổi.
Mạnh Đông (tháng Mười) cùng năm, ban sắc tặng cho thầy danh hiệu Thái Tử Thái Phó Quận Công, đem về chôn ở phía bắc phủ thành Gia Định. Ấy là cơ sở trước đây thầy đã dùng làm nơi giảng đạo.
Năm Canh Thân (1800), tháng Thu, ngày tốt lập bia.
Đốc học là Hoa Xuyên Hầu Nguyễn Gia Cát phụng soạn
Hữu tham tri bộ Binh là Định Thành Hầu Lê Tri Chỉ viết chữ
Đội trưởng đội thợ đá trong Nội Viện là Phan Văn Quận, Hoàng Bá Trường khắc bia
VĂN BẢN III BÀI VĂN CỦA CHÚA NGUYỄN ÁNH TẾ ÔNG BÁCH-ÐA-LỘC
[trích từ phần Văn Uyển, Nam Phong tạp chí, số 2 tháng 8 năm 1917 trang 116-7]
“Văn chương nôm cũ của nước ta không có mấy tí, mà cái mấy tí ấy cũng thường không giữ được đến ta. Thực đáng tiếc thay ! Vì trong lịch-sử nước Nam đã từng có may [mấy?] buổi văn nôm thịnh-hành, nhất là trong thời-kỳ gồm cuối nhà Lê đầu bản-triều [tức triều Nguyễn]. Mà văn nôm lúc bấy giờ đã hơi có tính-cách riêng: văn Lê-mạt thì thường có cái khí-vị chua cay, than thân oán đời, thực là văn thời suy; văn bản-triều thì biểu cái khí-tượng hùng-cường, thực là văn lúc vận nước đương thịnh.
Bản-báo nhặt được mấy bài văn-tế về đầu bản-triều. Sau này đăng một bài của Ðức Thế-tổ Cao hoàng-đế [tức vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh] tế ông Bách-đa-Lộc (évêque d’Adran), là người giáo-sư [tức giáo sĩ, không phải nghĩa ngày nay] Pháp đã giúp người trong buổi loạn-li tranh-chiến [chinh chiến]. Bản-báo còn muốn rộng cầu ở các bạn xem báo, ông nào tìm được bài thơ văn nôm của các cụ ta ngày xưa gửi lại cho thì lấy làm hân-hạnh lắm. Sự sưu-tập ấy thực có quan-hệ đến quốc-túy vậy.”
Hỡi ơi! Người nước khác mà dạ lòng chẳng khác, công non sông thẻ lụa đương cài; ân nghĩa tròn mà báo đáp chưa tròn, đường sống thác sớm chầy khó liệu.
Êm giấc hòe hồn đó thanh-thanh, nhớ ơn trước sầu đây đìu-địu. Thủa ta mới quyền trao nguyên-súy, bạn tóc răng vui nghĩa sơ-giao; ngày ngươi vừa làm khách viễn-phương, lòng vàng đá phỉ nguyền tương chiếu.
Nghĩ lúc lưng gầy bước ngặt, đình Nam-vang, bầu tân-lữ, phiêu-lưu cho khỏi bạo tàn; tưởng khi mặt ủ gan phiền, giời cố-quốc bến hậu-giang, tìm hỏi chẳng từ hiểm-yếu.
Cực đến nỗi cha con khôn giữ, gửi gia-nhi trao quốc-bảo, giời tây-dương muôn-hộc ai-hoài; may vừa đâu nhà nước mới về, đưa ấu-tử cầu lương-bằng, đất Ðông-phố một đoàn vĩnh-hiếu.
Công giáo-dưỡng mấy thu khẩn-khẩn, phúc ta nhiều gần sánh tam vương; nghiệp tổ-tôn nghìn thủa miên-miên, công gã giúp ngõ toàn cửu-miếu.
Ðạo tây-vực một niềm riêng giữ, chẳng cậy ai quốc-tử hoàng-tôn; nạn Nam-bang trăm chước mưu-lo, dựa hết sức mưu mầu chước diệu.
Nhà thái-học chia ngôi tây-tịch, trải tín-thành đòi buổi huân-đào; dặm cô-thành hộ giá đông-cung, thêm khảng-khái mấy lần thượng biểu.
Mưu tế-quốc kinh-luân dạ đỏ, từng hay liệu địch chia đồn; phép dùng binh thao-lược mắt tường, chi quản xông tên rạn pháo.
Chế hỏa-xa bầy trái-phá, rẹp lòng loạn-tặc thủa long-đong; đoàn thiết-tử tán hoa ngân, giúp vận nước nhà khi thiếu-thốn.
Ân nặng đó mười phần công-của, trước sau trọn nghĩa tiên-thi; nhẽ cùng ta nghìn thủa tôn-vinh, đây đó phỉ nguyền hậu báo.
Mấy thu trấn biên-thành Diên-khánh, tặc-đảng đồn mất vía kinh hồn; một trận hàng hiểm-địa Qui-nhơn, cố-nhân sớm phân bào chia áo.
Ôi! núi nhạc về thần, giời nam để dấu.
Giọt đồng-long ô-yết dễ đành, lệ lạp-trúc [chúc] sụt-sùi khôn ráo.
Giăng tối chợt ngờ nhan-sắc, mở dèm đãi khách gia-tân: mây chiều ngẫm tưởng phong-nghi, thiết ý mong người cố lão.
Chữ đạo đồng sinh-dưỡng, chế tâm-tang con chút đáp ân; câu vinh cập một tồn, tặng thái-phó ta đưa tình thảo.
Theo ý chúng nghi-lề ngoại-quốc, khi tống-chung đó, đã song sác [xong xác] cất hồn cầu; hết lòng thành lấy lễ trung-hoa, kỳ tử biệt đây, ngỏ tạm bầy tiên tế điếu.
Trước sống đã suy tình bằng-hữu, lòng trung lo sự nghiệp trung-hưng; nay thác rồi nhớ nghĩa quân-thần, linh còn giúp cơ-đồ tái-tạo.
VĂN BẢN IV BÀI VĂN CỦA ÔNG HOÀNG-TỬ CẢNH TẾ ÔNG BÁCH-ÐA-LỘC
[trích từ phần Văn Uyển, Nam Phong tạp chí, số 3 tháng 9 năm 1917 trang 179-80]
Hỡi ôi! mấy năm dư tri ngộ, tính chửa rồi trong cuộc chinh tru; năm mươi lẻ xuân-thu, sao nỡ rẽ ngoài vòng cực-lạc.
Lấy ai nhờ giúp dựng việc nhà, lấy ai cậy lo chung việc nước. Nhớ đức Thượng-sư xưa, suốt dải kiền-khôn, khỏi trên nhân-vật.
Học kinh thánh mảng theo đạo thánh, từ tây thiên chẳng đoái công danh; giữ tính giời mong hóa dân giời, qua đông thổ vui niềm nhân đức.
Trải năm lạnh thu sương nhiều thủa, đứng chơ [trơ] gắng tiết bách-tòng; rửa cốt phàm nước trí một bầu, đâu đó nghiêng lòng quì-hoắc.
Duyên giải-cấu liền vây cửa bắc, yến gia-tân từng ngâm ngượi “lộc minh”; vận trung-hưng chăm giúp triều nam, cơ liệu địch đã sẵn-sàng hổ-lược.
Tục người khác mà tấm lòng chẳng khác, chia vàng đã rõ bạn tương tri; thù nước riêng mà tấc dạ chẳng riêng, rèn đá quyết vá giời Việt-quốc.
Ngỡ thấy nhà Lưu vận ách, đất Hứa-xương rộng dãi [rãi], đã khó ngăn giặc quỉ Tào-man; từng than thế Hán thiếu binh, nơi Tân-giã [dã] hẹp-hòi, lại khôn dụng đồ chim Gia-Cát.
Cùng thuyền bá Việt, dìu dắt đưa lá ngọc cành vàng; kể nỗi gian-chuân [truân], nhục-nhằn trải non xanh bến bạc.
Ra Thổ-châu, vào Phú-quốc, giặc sau lưng theo đuổi, cùng nhau hầu khôn chước giải nguy; đồ khôi phục, liệu tá-binh, con dưới gối lìa trao, muôn việc đã đành lòng ký thác.
Vì người mưu hết sức, ngừng lệ phân tiệc khách đông nam; hiềm sự cả khác lòng, rắp mình ẩn góc giời tây-bắc.
Thức nháp lo toàn Triệu bích[7], mảng tai nghe yên đảng ngụy Lâm; hôm mai nuôi dưỡng Hán trừ[8]; rắp cánh nhẹ trông miền tử khuyết.
Một nhà tương khánh, ơn lão trượng siết [xiết] bao; thủa trước huân đào, điểm tiền-tinh sáng quắc.
Ra công giúp của, khi loạn li từng đỡ ngặt nước nhà; nối gót dỉ [rỉ] tai, việc triều chính đã in nhau gan mật.
Nhổ cơm trên cảm tình Cao Đế, trí cả đành giúp một cánh tay; nắm gạo từng làm núi Phục-Ba, thế giặc thấy rõ đôi con mắt.
Dải Duyên-khánh bốn bề sa-mạc, lòng bền giạ [dạ] gắng, giúp đông-cung khỏe sức chống thành; thu Qui-nhơn một lũy Bàn-đồ, thẻ vận màn che, khiến Tây-tặc cúi đầu quay bước.
Ra Bến-đá đưa nên bệnh quỉ, bệnh lại thêm dũ nhật dũ tăng[9]; về Kỳ-sơn cầu chuộc thuốc-tiên, thuốc khôn giúp tư nhân tư tật.[10]
Ôi! tôn-khách băng chừng, thiên-đường nhẹ bước! Sao khách Tử-lăng sớm xế, đoái nhìn lệ luống mông mênh; tòa nhà Quang-vũ đeo sầu, trạnh [chạnh] tưởng lòng càng thổn thức.
Chắp [chép] miệng ngẫm được thành Nhạc-bối, song thành kia dễ tạo, tuy rằng mừng chẳng lấy làm mừng; vỗ vế than chếch bạn tây song, tưởng bạn ấy khôn cầu, vậy nên tiếc không nguôi nỗi tiếc.
Ngày sáu khắc mảng lo chấp-chính, vậy càng ngày mắt Thuấn mày Nghiêu; đêm năm canh chợt nhớ cố-nhân, chẳng êm dựa gối loan nệm hạc.
Cám là cám một mai đại cử, ngõ dùng mưu giết giặc, ai hầu cùng ngồi chốn át-duy [ác duy][11]; thương là thương muôn dặm viễn phương, vì tính việc cho ta, chết chẳng được về nơi quê vực.
Mồ tha hương luống gửi, chập chùng gò đất bi-ai; tin cố lý chưa thông, bảng lảng phương giời phiêu-lạc.
Nào thủa nước Lang-sa thành Vọng-các, đường xa dặm thẳm, mấy thu giời ai được gặp nhau; bây giờ miền âm giới cõi dương gian, kẻ mất người còn, ba tấc đất mà không thấy mặt.
Trăm mình khó chuộc, gác tía đà mất đứng [đấng] trí năng; một giấc chẳng về, cung xanh lại không ai vũ dực.
Ðổi con trẻ cho mà dậy đó, lối cố nhân dấu hãy rành rành; rứt [dứt] nghĩa này chẳng gác về đâu, trông Thiên-giới gót đà phần-phật.
Phận tân-chủ xẻ chia hai ngả, bồi hồi xiết trạnh [chạnh] lòng đau; tả ân tình lạo-thảo một văn, điếu tế tạm dùng lễ bạc.
Công nặng đó của thêm nặng đó, ngàn vàng chưa dễ đền bồi; còn tưởng nhau chết cũng tưởng nhau, trăm thủa hãy còn ghi tạc.
VĂN BẢN V BÁ ÐA LỘC THEO SỬ TRIỀU NGUYỄN
Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Sơ Tập, quyển XXVIII chép về Bá Ða Lộc và những người ngoại quốc theo giúp Nguyễn Vương chưa đầy 3 trang [trang 7-9] (tổng cộng 531 chữ, riêng cho Bá Đa Lộc là 264 chữ, còn lại 267 chữ cho tất cả những người khác) như sau:
百多祿號監牧師,西洋富浪沙人也。初渡海客游嘉定眞臘閒,暗傳爺蘇教,人多從之。
庚子世祖高皇帝既正王位于嘉定,多祿上謁願為効用。帝納之。
壬寅西賊入冦,乘輿外幸,皇太后宮眷往眞臘。臘人謀叛,將有不測,多祿知之,率其徒設計保護慈駕及宮眷回三阜與帝會。
癸卯從幸海外諸島。多祿先往暹請援。甲辰秋帝以暹兵回嘉定及失利駕將復如暹,使人往眞奔召多祿護皇長子景如西求援。
在西四年,西人不能為之助。己酉既復嘉定乃護皇長子景還。
既至帝以有跋涉勞獨加優,遇授達命調制戰艚水步援兵,監牧上師。東宮亦以師禮待之。癸丑與范文仁輔東宮景守延慶城。
己未從征歸仁病卒於施耐軍次。贈太子太傅悲柔郡公,謚忠懿。歸葬嘉定給墓夫五十人。
其徒有名幔槐者,名多突者,名吧呢衣者,名烏離為者,卽名信,名黎文棱者皆富浪沙人也。名耶妬悲者,名麻怒衣者皆希波儒人也。
初多祿薦幔槐可用,歷授欽差該奇管中匡隊。壬寅西賊入寇嘉定,諸將禦之陣于七岐江。
賊船乘風衝陣。我兵皆退,卻幔槐獨乘西洋裹銅大船力戰。賊四面攻圍。幔槐自度不脫乃自樊而死,後追贈效義功臣,列祀嘉定顯忠祠。
耶妬悲,麻怒衣亦從多祿效用。癸卯命航海如呂宋求助兵,途遇西賊兵船為所殺。
多突,吧呢衣,黎文棱,烏離為四人者從多祿自西來嘉定願畱為臣僕皆授該隊。
多突賜名震,吧呢衣賜名勝均賜姓阮氏。歷從征伐管龍飛,鳳飛二大船,歷官至掌奇。明命初年以老請回國。許之。
Bá Ða Lộc là giám mục người nước Pháp ở Tây Dương, thoạt tiên vượt biển đến vùng Gia Ðịnh, Chân Lạp ngầm giảng đạo Thiên Chúa, có nhiều người đi theo.
Năm Canh Tý [1780], Thế Tổ Cao Hoàng Ðế [tức Nguyễn Ánh, sau là vua Gia Long] lên ngôi vương ở Gia Ðịnh, Bá Ða Lộc đến yết kiến tình nguyện theo dùng, vua bằng lòng thâu nạp.
Năm Nhâm Dần [1782], giặc Tây Sơn vào cướp, vua phải chạy ra ngoài, hoàng thái hậu và cung quyến lánh sang Chân Lạp [tức Cao Miên]. Người Chân Lạp mưu phản, có thể gây chuyện không hay, Bá Ða Lộc biết được nên cùng một số giáo đồ tìm cách bảo hộ thái hậu và cung quyến, đưa về Ba Giồng để tái hợp với nhà vua.
Năm Quí Mão [1783], Bá Ða Lộc theo vua chạy ra ngoài hải đảo, lại sang Xiêm [tức Thái Lan] trước để cầu viện. Mùa thu năm Giáp Thìn [1784], vua cùng quân Xiêm về Gia Ðịnh nhưng bất lợi nên lại chạy trở về Xiêm. Vua sai người đến Chantaboun triệu Bá Ða Lộc bảo hộ hoàng trưởng tử Cảnh đi Tây cầu viện.
Ở Pháp bốn năm nhưng người Tây không chịu giúp, đến năm Kỷ Dậu [1789] vua lấy lại được Gia Ðịnh nên Bá Ða Lộc lại bảo hộ hoàng tử Cảnh trở về.
Vì việc này, nhà vua thấy Bá Ða Lộc có công trèo non vượt biển nên càng ưu đãi, giao cho việc điều khiển tàu chiến và cai quản viện binh thuỷ bộ [tức người Tây phương đi theo Bá Ða Lộc trở về], chức giám mục thượng sư. Ðông cung [tức hoàng tử Cảnh] cũng lấy lễ đãi như bậc thầy. Năm Quí Sửu [1793], Bá Ða Lộc phụ với Phạm Văn Nhân giúp đông cung Cảnh giữ thành Diên Khánh.
Năm Kỷ Mùi [1799] theo quân đi đánh Qui Nhơn, bị bệnh mà mất nơi quân thứ tại Thi Nại được truy tặng Thái Tử Thái Phó Bi Nhu Quận Công, tên thuỵ Trung Ý. Thi hài được đem về chôn ở Gia Ðịnh, cấp cho năm mươi người lính giữ mộ.
Những người đi theo Bá Ða Lộc nổi tiếng hơn cả có Mạn Hoè, Ða Ðột, Ba Ni Y, Ô Li Vi [tức Tín], Lê Văn Lăng đều là người Pháp, còn Gia Ðố Bi, Ma Nộ Y là người Y Pha Nho.
Khi trước Bá Ða Lộc tiến cử Mạn Hoè là người dùng được, làm quan dần dần lên đến Khâm Sai Cai Cơ, coi đội trung khuông. Năm Nhâm Dần [1782], giặc Tây Sơn vào đánh Gia Ðịnh, các tướng bày trận chống giữ ở sông Ngã Bảy.
Thuyền giặc thuận gió xông tới, quân ta đều phải lùi, chỉ riêng Mạn Hoè một mình lái đại thuyền bọc đồng Tây dương hết sức chiến đấu. Quân giặc vây bốn bề, Mạn Hoè thấy không thể thoát được nên tự đốt mà chết. Về sau được truy tặng Hiệu Nghĩa công thần, được thờ trong Hiển Trung Từ tại Gia Ðịnh.
Gia Ðố Bi, Ma Nộ Y cũng theo Bá Ða Lộc để ra sức giúp. Năm Quí Mão [1783] được lệnh dùng thuyền vượt biển sang Lữ Tống [tức Luçon, Phi Luật Tân] xin giúp binh. Trên đường gặp binh thuyền của Tây Sơn nên bị giết.
Còn Ða Ðột, Ba Ni Y, Lê Văn Lăng, Ô Ly Vi bốn người từ Âu Châu theo Bá Ða Lộc sang Gia Ðịnh, tình nguyện ở lại làm bầy tôi đều được phong chức cai đội.
Ða Ðột được ban tên Chấn, Ba Ni Y được ban tên Thắng đều được ban họ Nguyễn, tòng chinh cai quản hai tàu lớn Long Phi, Phượng Phi, làm quan đến chưởng cơ. Năm đầu đời Minh Mạng lấy cớ già xin được về nước. Vua bằng lòng.
Lê Văn Lăng làm quan đến chức chưởng cơ, Ô Ly Vi làm quan đến hậu vệ vệ uý thuộc quân ban thần sách vệ uý hậu vệ.
VĂN BẢN VI Trong Sử Kỷ Đại Nam Việt Quấc Triều
2ème Ed., (Saigon, Imprimerie de la Mission, 1885) tr. 118-121
Không đề ai là tác giả nhưng theo lời văn thì có lẽ của những học trò hay đồng đạo của Pigneau de Béhaine ở Gia Định soạn thảo. Chúng ta cũng không biết văn bản được viết bằng chữ Nôm hay chữ quốc ngữ vì vào thời kỳ đó việc dùng văn bằng mẫu tự Latin đã khá phổ biến.
Cơ hội ấy ai không thảm thiết,
Tưởng đến lòng nên chua xót.
Nghe thổi dạ rất thảm thương.
Hằng cấp củm văn phòng bốn bạn,
Khéo dửng dưng danh lợi hai trường.
Lòng dốc lòng khí tục tinh tu,
Chẳng chuộng ve [xe?] vời ngựa rước,
Chí quyết chí siêu phàm nhập thánh,
Rèn bảy khắc tiết ngời gương rạng,
Chống ba thù ngút bạt giá tan.
Thương là thương hay thủ ngãi quyết xá sinh,
Khi đang thế hiểm gập ghình,
Cũng gượng gạo chơn trèo đèo tay chống gậy,
Cám là cám đã tận tâm kiệt lực,
Ở giữa chiến trường chật hẹp,
Chịu lao đao ngày dãi nắng tối dầm sương.
Bình chìm trâm gảy [gãy],
Chớ chi gắng gổ một hai năm ra đến trường an,
Việc Hội-thánh sửa sng rồi sẽ khuất,
Chẳng nữa lần hồi năm bảy tháng trở về Gia-định,
Cho chúng con thấy mật kẻ lòng thương,
Xưa có kẻ lui về phật kiểng,
Chiếc dép hãy di tông.[12]
Nay như Thầy thẳng tách thiên đàng,
Trăm minh ý khó chuộc cầu,
Muôn kiếp no nao đặng thấy.
Vui đạo thánh tạm lìa quê quán,
Nước Lang-sa từ áng công danh,
Sửa tước trời mong hóa sinh dân,
Cõi Nam-Việt gá duyên ngư thủy.
Khôn ngoan quá khỏi đấng phàm gian,
Thong dong ở ngoài vòng tục lụy.
Thành Diên Khánh ách hơn trần thới,
Thành Qui Nhơn hiểm quá hàm quan,
Mấy trận công thu trừ ốc,
Quyết ngoài trời thiên lý,
Những tưởng dược năng y kỳ bệnh,
Nên trở về Gia định, vâng tiếng tơ mà xướng khúc khởi hoàn.
Bằng hay nghiệm bất kiến kì quan,
Ðã ở lại kì sơn, chịu di chỉ cho an lòng sư đệ.
Thuở đi thì gần kề hai võng,
Ðàng phong sương xa tách vơi vơi;
Khi về thì phong cẩn một quan,
Thuyền li hận chở đầy phé phé.
Tòa khách tinh mây phủ mịt mù,
Dinh lữ thứ màn không vắng vẻ.
Xa xuôi cách dặm cố hương;
Quạnh quẽ gửi miền dị địa.
Nguyễn Duy Chính
sưu tầm và phiên dịch
07-2022
[1] M. Lelabousse, La mort et funérailles (9 octobre-16 décembre 1799). Tài liệu văn khố bộ Truyền Giáo Hải Ngoại, trích theo Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, tome III, tr. 374-382.
[2] Tiểu sử của Bá Đa Lộc do Quốc Sử Quán triều Nguyễn (được thành lập năm Minh Mạng 2, 1821) soạn. Theo như bài tựa bộ Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, sơ tập thì Liệt Truyện làm sau bộ Liệt Truyện tiền biên, tức là sau năm Tự Đức 5 (1852) theo thứ tự Hậu phi, Hoàng tử, Công chúa, rồi mới đến các bề tôi … và chỉ được khắc in sau tháng Mười năm Thành Thái thứ nhất (1889). Truyện Bá Đa Lộc nằm trong quyển XXVIII trang 1-3 (trong tổng số 33 quyển) sau truyện về Hà Hỉ Văn, Nguyễn Văn Tồn, Hà Công Thái và trước Vinh Ma Ly đều là những người ngoại quốc đầu quân giúp chúa Nguyễn. khoảng gần 3 trang [7-9] (tổng cộng 531 chữ, riêng cho Bá Đa Lộc là 264 chữ, còn lại 267 chữ cho tất cả những người khác).
[3] Trong hai bài thì bài sau trong Vua Gia Long của J.B. Dronet (Imprimerie de Narazeth, Hongkong 1913) trang 24-25 ghi là của Đông cung Cảnh e rằng không chính xác. Chúng tôi ghi lại để tồn nghi.
[4] Chiếu thư của bậc đế vương. Đây là sắc thư của chúa Nguyễn Phúc Ánh truy tặng Pigneau de Behaine sau khi ông qua đời.
[5] Sắc thư này còn thấy trong các bản dịch Trương Vĩnh Ký, Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (conférence faite au collège des interprètes) Saigon: Imprimerie coloniale, 1885 tr. 10-12; bản dịch của Michel Tinh, B. S. Et. Indo., 1905 trong La Geste Franҫaise en Indochine, tome I tr. 233-234; M. Lelabousse, Thừa sai giáo phận Nam Kỳ trong Nouvelle Lettres Édifiantes des Missions de la Chine et des Indes Orientales, Tome Huitième (Paris, 1823) tr. 202-206; và đặc biệt trong Sử Kỷ Ðại Nam Việt Quấc Triều của Imprimerie de la Mission (Saigon, 1885) tr. 126-128 có chép thêm một bản văn dịch theo thể cũ khá phóng khoáng, không hoàn toàn giống như bản chữ Hán.
[6] Văn bia này trước đây đặt tại mộ ông Pigneau de Béhaine tại Gia Định (gần phi trường Tân Sơn Nhất) nay không biết ở đâu. Bản dịch cũng được thấy ở nhiều tài liệu chẳng hạn (tiếng Việt) của Nhược-Ngu trong Tạp chí Văn Hoá Á Châu Saigon (số 3 tháng 6-1958) tr. 45-46; của J.B. Dronet trong Vua Gia Long (Hongkong, Imprimerie de Nazareth, 1913) trang 25-27; và bản dịch (tiếng Pháp) của Louis-Eugène Louvet trong Mgr d’Adran, Missionaire et Patriote (deuxième édition) (Paris-Lyon: Libraire Delhomme & Briguet, 1900) tr. 308-309; của Trương Vĩnh Tống trong La Geste Franҫaise en Indochine, tome I tr. 234-5 …
[8] Người kế nghiệp nhà Hán, chỉ Đông cung Cảnh
[9] Mỗi ngày một nặng thêm
[10] Người riêng, bệnh riêng, mỗi người một khác.
[11] Màn trướng bàn tính việc quân.