BUỔI
GIAO THỜI ĐẾN LÚC VỀ HƯU,
TUỔI
GIÀ VÀ BỆNH TẬT
(Trích trong Văn
bản đã được chuẩn nhận bởi Đại hội Yaounde ngày 27-8-2002 với tiêu đề là Hướng
dẫn Đào tạo)
“Giữa các đề nghị của Đại hội La Strota, có một gợi ý rằng
‘Bức thư của Hội đồng Miền Pháp gởi cho các Anh Lớn Tuổi của Miền’ được lồng
vào thủ bản đào tạo của chúng ta, “Đường lối của chúng ta trong Nhà huynh đệ”
(xem Tường trình về Đại hội La Strota, trang 13).
Chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ hứng thú để có một cái nhìn
khác nữa về sáng kiến mà chúng ta đã đưa ra sau Đại hội Bangalore nơi đã có cuộc
bỏ phiếu liên quan đến đề mục này về việc chuyển sang thời hưu trí, tuổi già và
bệnh tật: gởi đến cho từng anh em tới tuổi về hưu một phần chèn vào về đề mục
này, như là một phụ lục và thuận theo lời đề nghị của Đại hội vừa rồi, ‘Bức thư
của Hội đồng Miền Pháp gởi cho các Anh Lớn Tuổi của Miền’. Thêm vào đó, chúng
tôi đã kèm vào một phụ lục khác nữa: những đoạn trích từ bức thư cuối cùng của
Ian Latham – thật ra đó là một cuốn băng thu âm vì anh đã không còn sức để viết
nữa. Chắc hẳn nhiều anh em còn nhớ cuốn băng này nhưng đọc lại phần chia sẻ
kinh nghiệm của Ian với rất nhiều sự thật, khiêm nhượng và đơn sơ, trong khi
chúng ta trải nghiệm càng lúc càng nhiều hơn những giới hạn của bản thân, giúp
cho chúng ta can đảm. Xin cám ơn Ian.
Tuổi về hưu
* Đối với chúng
ta, cũng như đối với rất nhiều người khác, thời khắc rời bỏ việc làm, ngay cả
khi chúng ta đã một cách nào đó chuẩn bị rồi, cũng là một điểm ngoặt quan trọng.
Lúc khởi đầu, chúng ta thường sung sướng vì được tự do khỏi các ràng buộc của
thời khóa biểu và sự mệt nhọc, nhưng, dần dần chúng ta bắt đầu cảm thấy trống rỗng
và có cảm giác bị thua cuộc. Giờ đây chúng ta “về hưu” rồi, chúng ta bị tước đi
sự nhìn nhận mà xã hội trao cho người đang lao động kiếm sống. Những mối quan hệ
với đồng nghiệp mà đôi khi chúng ta từng quen biết nhiều năm sẽ lỏng lẻo dần.
Những kích thích quen thuộc: một thời biểu đều đặn, những tình bạn hàng ngày,
việc cùng nhau tìm kiếm công bằng và tôn trọng, tình liên đới – tất cả đột
nhiên mất đi. Trên hết, chúng ta thường cảm thấy mình vẫn còn trẻ và đầy năng lực
và rốt cuộc chúng ta tự thấy mình còn nắm nhiều thời gian. Có một cám dỗ lao
mình vào các hoạt động vốn tạo cho chúng ta một sự thỏa mãn nào đó vì sự trống
rỗng này làm cho chúng ta sợ hãi và chúng ta tìm cách lấp đầy nó với một điều
gì đó.
* Chúng ta phải
biết cách để tự cho mình thời gian thương tiếc sự mất đi cuộc sống cân bằng mà
chúng ta đã có và tìm kiếm một sự cân bằng khác. Hoàn cảnh mới này là một cơ hội
được trao cho chúng ta để nhìn vào bản thân kỹ lưỡng hơn và cũng nhìn vào dự
phóng đã dẫn dắt chúng ta cho tới lúc này: đi theo Đức Giêsu Nagiaret. Hưu trí
là một khả năng giúp chúng ta sáng tạo một phương cách mới để sống đời Nagiaret
bằng cách nhấn mạnh đến những khía cạnh mà các ràng buộc của đời sống của một
người lao động đã có thể buộc chúng ta dẹp sang một bên. Hưu trí trao tặng cho
chúng ta một không gian mà chúng ta thường thiếu hụt để sống nội tâm, cầu nguyện,
lắng nghe, đối thoại, đọc, thấu hiểu thế giới v.v...
* Cuộc đời hoạt
động đã khiến cho chúng ta lưu giữ toàn bộ kinh nghiệm của con người mà chúng
ta thường đã không có thời giờ để suy tư phản tỉnh đến; nó cũng gợi lên những vấn
nạn về thế giới và về chính bản thân chúng ta; nó đã uốn nắn chúng ta mà chúng
ta không phải lúc nào cũng có khả năng nhìn cho sát những phản ứng và những
cách thức mà chúng ta thực hiện công việc. Hưu trí có thể là giai đoạn sống mà
cuối cùng chúng ta cũng có được thời gian để “tự chăm sóc lấy mình”.
Đây không phải
là sự tự ngắm nghía bản thân chỉ quy về nơi con người chúng ta mà quên đi thế
giới chung quanh; thậm chí nó còn hoàn toàn trái ngược: nó thách thức chúng ta
khám phá những nẻo đường mới để tiến vào một mối quan hệ đích thực hơn với
Chúa, với tha nhân và với chính mình. Sau khi dùng cả cuộc đời tiêu hao nhiều
năng lượng để thực hiện công việc, chúng ta có thể chấp nhận tiến vào nội tâm để
làm việc trên cuộc sống cảm xúc sâu xa vốn là nguồn mạch của sinh hoạt của
chúng ta không: các tâm tình thúc đẩy chúng ta là gì? Những động cơ sâu xa nhất
của chúng ta là gì? Cái gì ảnh hưởng đến chúng ta và khiến chúng ta phản ứng?
Đâu là những nguyên do thực sự khiến chúng ta hành động? Vào giai đoạn này của
cuộc đời, cũng như trong những giai đoạn khác, vấn đề là cày xới cánh đồng của
ta và chuẩn bị đất đai để Chúa Thánh Thần có thể, trong ta và với ta, thực hiện
việc giải phóng nội tâm. Cuộc sống bận rộn mà chúng ta đã dẫn dắt khi chúng ta
còn làm việc có thể để cánh đồng của những cảm xúc của chúng ta bị lãng quên và
đôi khi chúng ta che giấu những tình cảm đã bị thương tổn – đối với tha nhân hoặc
đối với bản thân. Không gian cởi mở khi về hưu có thể là thời gian “chữa lành”
những cảm xúc này; điều thách thức là mang tất cả mọi cảm tình của chúng ta trở
lại bầu khí yêu thương.
Thời giờ tự do,
suy tư phản tỉnh, cầu nguyện, chia sẻ với người lân cận hoặc với bạn bè (anh em
hoặc tha nhân) có thể giúp chúng ta trong công việc tạo bình an nội tâm đòi phải
kiên nhẫn này.
Cố gắng dùng
cách tốt nhất có thể thời gian mà chúng ta có sẵn là một điều bình thường khi về
hưu. Tùy theo tính khí và nhu cầu của từng người và khi điều kiện thể lý cho
phép, một số người sẽ đảm nhận công việc thiện nguyện dưới một hình thức này hoặc
một hình thức khác trong nhiều hình thức thiện nguyện. Những người khác sẽ đơn
giản đặt mình phục vụ cuộc sống hàng ngày nơi nhà huynh đệ của họ, để làm cho
nhà cửa thoải mái hơn đối với anh em và cởi mở hơn với cuộc sống của láng giềng;
những người khác nữa sẽ chấp nhận đặt mình phục vụ miền hoặc toàn thể nhà huynh
đệ.
Về việc lựa chọn
các hoạt động, thật là bình thường khi thảo luận với các anh em của nhà huynh đệ
hoặc của miền; họ có thể có khả năng tìm những công việc phù hợp với từng người
và hòa hợp với cuộc sống của nhà huynh đệ tại nơi đó; và họ có thể giúp cảnh
giác với những cám dỗ làm quá tải thời gian rảnh rỗi này (xem Hiến pháp và Quy
tắc: #85 và 86).
* Đôi khi cũng
thường cần tìm một nhịp sống và một sự quân bình mới riêng biệt cho thời gian
hưu trí này. Thật là bình thường khi tìm tòi, khi tiến hành bằng cách thử nghiệm
và sửa sai, khi thử những nẻo đường khác nhau sẽ khơi thông được ngõ cụt. Sẽ có
những “đau buồn” không thể tránh được trong tiến trình này.
* Những cuộc gặp
gỡ giữa những anh em hưu trí hoặc với những người đang sống cùng cảnh ngộ có thể
là một sự khích lệ và nâng đỡ tốt lành.
Tuổi già:
Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác,
trước sau gì Ta vẫn là Ta;
cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc,
Ta vẫn còn gánh vác các ngươi.
Như xưa nay ta vẫn từng đối xử:
Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát
(Is 46,4)
* Không có ngày
nhập vào cho một bước quan trọng khác trong đời mà ta gọi là tuổi già! Nó tự
lách vào từng chút một. Nhưng mỗi người, theo mỗi cách, đã trải nghiệm những giới
hạn thể lý, tâm lý hoặc tinh thần vốn là các đặc điểm của tuổi già; lãng tai,
kém trí nhớ, làm việc chậm hơn, mệt mỏi và, dần dần, cơ quan bắt đầu rệu rã; chẳng
có gì giống như “trước kia” và thế giới dường như đang trôi qua đi mà không đếm xỉa gì tới chúng ta (xem Gv
11,7-12,8). Dần dà chúng ta trở nên lệ thuộc hơn vào sự giúp đỡ của những người
khác.
* Tuồng như
thân xác chúng ta nhắc chúng ta nhớ tới sự có mặt của nó bằng giọng điệu gay gắt
hơn, với những nhu cầu mới mẻ. Đây là lúc chấp nhận một cách đơn sơ và tự tạo
cho mình một lối sống hợp vệ sinh hơn: ăn kiêng một cách cân bằng hơn, ngủ với
nhịp độ khác, có không gian riêng tư và cô tịch hơn, tự do hơn với cuộc sống
huynh đệ trong sự tôn trọng. Có nghĩa là chấp nhận rằng các anh em mà ta cùng
chung sống chi tiêu nhiều hơn một chút để làm cho cuộc đời chúng ta thoải mái
hơn hoặc để bố trí lại nhà cửa; có nghĩa là đừng sợ nói ra các nhu cầu của
chúng ta nếu những người chung quanh chúng ta không để ý đến chúng. Chúng ta
không muốn được phục vụ, chúng ta không muốn là một gánh nặng nhưng ở đây chúng
ta được mời gọi để bình an cho phép những người khác thực tập lòng tốt đới với
chúng ta!..
* Giống như hầu
hết mọi người, chúng ta thường muốn kết thúc những ngày tháng của chúng ta tại
nơi mà chúng ta đã sống, được những anh em và những ai gần gũi chúng ta quây quần
chung quanh. Sự cần thiết đón nhận việc chăm sóc đặc biệt hơn, sự thiếu hụt cơ
cấu để tiếp nhận người già trong các nước
mà chúng ta đang sống, hoặc việc các anh em ở gần chúng ta không thể chăm nom
chúng ta, thường sẽ buộc chúng ta rời khỏi môi trường mà chúng ta quen thuộc; một
số anh sẽ tới nhà huynh đệ khác thích hợp hơn với các nhu cầu của những anh lớn
tuổi, những anh khác sẽ tới nhà hưu dưỡng. Sự thay đổi này – và là lẽ thường –
thường được trải nghiệm như một thử thách; nó phải được chuẩn bị bằng một cuộc
đối thoại với các anh em để xem rằng, càng sớm càng tốt, có một sự hiện diện
huynh đệ gần gũi của các anh em hay không.
Sự khó khăn
càng lớn lao đối với những anh đã trải qua nhiều năm trong một đất nước mà họ
đã nhận làm quê hương và họ phải bằng lòng rời bỏ để trở về quê cha đất tổ với
cái giá phải trả là một sự nhổ rễ đau đớn vì không có cơ cấu nào thích ứng với
họ tại đất nước mà họ đã nhận là của mình.
* Trước tiên thời
gian tuổi già thường được nhìn như là thời gian thua thiệt và bị tước bỏ. Dường
như mối phúc nghèo khó đâm rễ nhiều trong thân xác trên mức độ thể lý cũng như
trên mức độ tâm lý và tinh thần. Như một anh đã phát biểu: “Tuổi già là một ân
sủng lớn lao của Chúa bởi vì nó lấy đi, từ từ, điều mà chúng ta sẽ không bao giờ
có can đảm để tách mình ra khỏi: sức khỏe, quyền lực, những năng lực, ký ức, hiệu
năng, khả năng, những tình bạn...”
Cần lòng can đảm
và đức tin lớn lao để đối đầu với thời gian trở nên nghèo khó như một cách thế
rất đích thực để sống ơn gọi Nagiaret; chính trong một con đường rất mới mà
chúng ta tự đặt mình vào ngang tầm của người nghèo, người bé mọn, người bị gạt
ra ngoài lề xã hội và làm cho chúng ta có khả năng sống liên đới với họ. Các
anh sống trong những nhà hưu dưỡng có thể có kinh nghiệm mạnh mẽ nhất về điều
này; là một người trong số nhiều người, là vẫn còn có thể yêu thương, quan tâm,
lắng nghe, tôn trọng. Trong sự liên đới đích thực này, vẫn còn có thể tìm được
niềm vui, sự nâng đỡ và tính hài hước, cho và nhận một sức sống không ngờ và một
sức năng động thiêng liêng.
Cuộc đời của
chúng ta tìm kiếm sự hợp nhất trong tình yêu này và điều này dần dà tỏ lộ ý
nghĩa qua năm tháng; nhưng sức năng động tăng trưởng này tự tỏ ra một cách khác
nhau vào từng giai đoạn. Tuổi già không còn là thời gian cho những kế hoạch hoặc
những hoạt động lớn lao; dù sao nó vẫn còn là thời gian cho sự chín muồi về mặt
nhân bản và thiêng liêng và sự đào sâu ý nghĩa cuộc đời.
Không nghi ngờ
gì nữa, đó là thời gian mà chúng ta được mời gọi để lớn lên trong sự phó thác,
trong sự buông xả, chấp nhận trắng tay; nó không kéo theo việc lập bản cân đối
giữa điều mà chúng ta đã thực hiện và đã thành công cũng như những thất bại và
yếu đuối của chúng ta. Vấn đề là nhìn vào Chúa Giêsu là Đấng chúng ta cố gắng
yêu mến từng ngày và phó thác bản thân trong sự tín thác: “Thầy biết rõ mọi điều,
Thầy biết rõ con yêu mến Thầy”. Bấy giờ chúng ta có thể nhìn đến bản thân, tha
nhân và thế giới quanh ta, với cặp mắt hòa giải và dịu dàng hơn, được soi sáng
bởi đức trông cậy. Đó là món quà của người lớn tuổi tặng cho những ai quanh họ.
“Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá ranh rờn (Tv
92,15).
* Quả thật đây
cũng là một thời kỳ khó khăn. Vì chúng ta đã từng có kinh nghiệm về sự yếu đuối
và mỏng giòn của mình, chúng ta có thể bị cám dỗ quay lại với bản thân, chỉ
trích, bi quan đối với cuộc sống và tình trạng của thế giới, nhìn “những thế hệ
trẻ” một cách tiêu cực. Đôi khi những thương tích ẩn sâu của quá khứ có thể trồi
lên hoặc những khó khăn mà chúng ta tưởng là đã vượt qua lại xuất hiện. Tất cả
những điều này có thể dẫn đến một sự chua xót nào đó: “Lợi lộc gì đâu khi con
người phải chịu đựng gian lao vất vả dưới ánh mặt trời?” (Gv 1,3).
Không nghi ngờ
gì nữa rằng, hơn hẳn những thời kỳ khác của cuộc đời, chúng ta trải nghiệm một
sự cô đơn lớn lao. Trong lúc thế giới và những người quanh ta tiếp tục dòng chảy
và những hoạt động, chúng ta cảm thấy rất đơn độc: những tâm điểm thích thú của
chúng ta không còn nằm trên cùng tầm mức như của những người quanh ta. Cuộc đời
đã diễn ra xong rồi, chúng ta không thể quay trở lại, chúng ta là những người
duy nhất có thể thu hoạch và trao tặng nó. Cô đơn cũng vì sự thích thú sâu xa
nhất của chúng ta và những năng lực thiêng liêng của chúng ta tập trung càng
nhiều hơn vào điều làm nên quả tim của đời ta, tình yêu, rất gần, chỉ còn vài
bước nữa thôi, hấp dẫn và đáng sợ.
* Cũng như ở mọi
giai đoạn khác của cuộc đời, sự nâng đỡ huynh đệ rất quan trọng khi anh tới tuổi
già:
+ Hơn bao giờ hết,
sự nâng đỡ này phải kiên nhẫn và tôn trọng vì nó chạm trán với những nhu cầu
trái ngược nhau vốn làm cho cuộc sống của một anh lớn trở nên phức tạp.
+ Nhu cầu được
tự chủ (tự mình, hết sức có thể, quyết định và hành động) và nhu cầu an toàn
(có một ai đó bên cạnh để trấn an và giúp anh quyết định).
+ Nhu cầu cần sự
dịu dàng và nỗi sợ bị đối xử với những cách diễn đạt tình cảm như với một đứa
trẻ.
+ Người đồng
hành với một anh lớn phải biết cách trao tặng cả sự hiện diện lẫn sự thận trọng;
sẵn sàng lắng nghe mà không áp đặt, chỉ khuyên nhủ khi người kia yêu cầu mà
thôi.
+ Chúng ta cũng
phải biết cách giúp đỡ trên tầm mức đời sống thiêng liêng. Đối với một số anh,
tuổi già là lúc bình an chờ đợi cuộc Hội ngộ, trong khi đối với những người
khác đó là thời khắc mà đức tin và đức cậy bị thử thách. Lúc ấy cần có sự hiện
diện để lắng nghe, khích lệ đối thoại và tỏ tình bằng hữu.
+ Kinh nghiệm của
một vài miền đã cho thấy rằng những cuộc gặp gỡ giữa các người lớn tuổi với
nhau (đôi khi được tổ chức chung với những Tiểu Muội cùng lứa tuổi) mang lại
nhiều ích lợi; chúng tạo điều kiện cho những người tham dự nêu lên những vấn nạn
giữa những người phải đối đầu với những khó khăn giống nhau, nêu ra những vấn đề
nào đó và động viên nhau.
* Khi một anh lớn
tuổi sống với những em trẻ hơn, đôi khi khó lấy quyết định, đặc biệt trong những
vấn nạn sắp có ảnh hưởng sâu xa tới cuộc đời của người anh lớn (vào nhà hưu dưỡng,
không lái xe nữa, không đi xa một mình nữa v.v...): các em trẻ không có quyền
hoặc thế lực để áp đặt một điều gì mà người anh lớn không nghĩ là cần thiết. Một
vài anh đã xin trước rằng một anh em từ một nhà huynh đệ khác, vốn biết rõ họ,
làm vai trò trung gian: họ đã thực hiện một loại hiệp ước tín nhiệm với anh ta
để anh có thể nói với họ, khi thời điềm đến, các quyết định để bắt đầu đối thoại
với những người khác. Như thế các anh được giải phóng khỏi vấn đề hệ trọng và
có thể sống bình an hơn.
Cũng là khôn
ngoan khi soạn trước điều mà tại một vài nước gọi là “chúc thư khi còn sống”, một
tài liệu chỉ rõ một hoặc hai người tín cẩn, là những anh em ở gần hoặc bạn bè
được anh em ở gần biết rõ, được trao trách nhiệm đưa ra những quyết định sinh tử
trong trường hợp bệnh tật trầm trọng khiến chúng ta mất ý thức và khả năng để
đưa ra quyết định. Việc này cất đi gánh nặng cho những người phải hành động
trong một tình cảnh như vậy. Đó cũng là một hành vi tuyệt vời khi tín thác và
trao phó đời ta trong tay anh em.
Ngay khi chúng
ta khởi đầu đời tu, phác thảo một tài liệu thuộc loại này là điều quan trọng;
nó là một trợ giúp quý báu để giải quyết các vấn nạn hành chánh trong trường hợp
qua đời. Thường xuyên xem lại nó và đặc biệt khi chúng ta đến tuổi già là một
điều tốt đẹp.
Bệnh tật
* Chúng ta có
thể mắc bệnh vào bất cứ lứa tuổi nào. Các tin báo rằng một người đã lâm bệnh nặng
hoặc đã phải chịu giải phẫu nguy hiểm luôn là một cú sốc. Cuộc sống hàng ngày
đôi khi thật bấp bênh; có những trị liệu rất nghiêm trọng đòi phải ngưng các
sinh hoạt và sự đau đớn có thể trở nên hầu như thường xuyên.
Chúng ta cần sự
nâng đỡ liên tục của anh em và bạn bè để động viên chúng ta vượt qua một cơn bệnh,
để sống cơn bệnh đó trong ánh sáng đức tin và tìm kiếm những phương cách để cầu
nguyện. Chữa lành thì giống như một cuộc hồi sinh: vượt qua một thử thách có thể
dẫn đến một sự bình an sung mãn và hoan lạc.
Có thể xảy ra
là chúng ta bị tàn phế trầm trọng buộc phải đón nhận một hoàn cảnh mới và tổ chức
lại cuộc sống. Điều đó đòi phải can đảm và, ngay cả trong trường hợp này, nhiều
tình bạn để có thể khám phá lại một niềm vui nào đó trong cuộc sống và một cách
thức để đón nhận hoàn cảnh một cách tích cực.
* Một cơn bệnh
nặng cũng có thể đẩy chúng ta đối mặt với cái chết của mình mà chúng ta nhận ra
có thể sắp đến rồi. Điều đó có thể dẫn chúng ta trải qua những giây phút khắc
khoải lo âu và cái cảm giác cô đơn càng trở nên lớn lao hơn. Vào lúc đó, chúng
ta cần mọi nguồn mạch của đức tin chúng ta để khám phá lại khuôn mặt của Chúa
Giêsu là Đấng đã hứa luôn ở cùng chúng ta và ở ngay bên cạnh chúng ta. Chúng ta
cũng cần những khuôn mặt bạn bè thân thuộc mà sự hiện diện của họ làm cho chúng
ta thấy bảo đảm và an tâm.
Chúng ta có thể
sợ phải ở bên cạnh một anh em đang lâm chung, sợ không biết phải phản ứng thế
nào hoặc phải nói gì. Bổn phận của bạn bè là cứ ở gần kề. Đó cũng là một việc
phục vụ to lớn của tình huynh đệ khi dám nói với anh ta về việc anh ta đang đến
gần cái chết và gặp gỡ Vị Chúa và Người Anh mà anh hằng yêu mến, vì thường thì
người bệnh mang nỗi thống khổ này trong tâm khảm mà không dám thố lộ ra. Như thế
chúng ta liên kết với anh ta trong nỗi cô đơn của anh, dù là ở một khoảng cách,
vì chỉ có một mình anh là người phải thực hiện hành trình vượt qua cuối cùng
này thôi.
Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,
sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. (Dc 8,7)
+++
PHỤ
LỤC:
1- Thư của hội đồng miền Pháp gởi những anh lớn tuổi.
Saint Jean de
Garguier, 9 tháng Năm, 2013
... thân mến,
Anh hẳn sẽ rất
ngạc nhiên khi nhận được một bức thư riêng được ký tên bởi người phụ trách miền
và tất cả hội đồng của vị này! “Có chuyện gì đây?” Từ cái hình ảnh đã tồn tại
suốt cuộc họp sau cùng của hội đồng
chúng ta, chúng tôi đã có ý định viết cho anh về các vấn nạn đang làm cho chúng
tôi bận tâm suy nghĩ.
Tại sao lại là
anh? Đó là bởi, vừa qua, trong các cuộc đàm luận đây đó, anh đã nói về tình trạng
sức khỏe, tuổi tác của mình, những vấn đề đã xuất hiện và anh đã dùng những
cách diễn tả thường nảy sinh trong những trường hợp thuộc dạng này: “Tôi thấy
như mình đang xuống dốc; Tôi phải nghĩ đến bước tiếp theo”. Hoặc có thể đó là một
trong số các anh em ở gần anh báo động với chúng tôi: “Tôi thấy rằng anh...
đang già đi; chúng ta phải nghĩ tới tương lai”.
Chúng tôi muốn
đưa ra đề nghị và chúng tôi muốn anh nghiêm túc xem xét; vào thời khắc rất đặc
biệt trong đời anh, khi anh trở nên ý thức về các giới hạn đang dần dà áp xuống,
chúng tôi thấy rằng có lẽ rất quan trọng việc anh chọn một người anh em mà anh
tin tưởng để làm “đối tác”, một ai đó mà anh có thể nói một cách thoải mái và
thẳng thắn về những vấn nạn tuổi tác đang nổi lên; đó cũng sẽ là một ai đó mà
anh trao cho quyền được chất vấn anh, được làm cho anh nhận thức về những điều
mà anh không để ý tới; một ai đó sẽ giúp anh đưa ra những quyết định mà tự mình
anh không có khả năng làm được; một ai đó có thể động viên anh đừng bỏ cuộc và
tận dụng mọi năng lực mà anh vẫn còn có được.
Trên tầm mức y
học, có thể là anh đã chỉ định một “người thân tín” có thể phụ giúp cho anh
trong trường hợp đau ốm, đi theo anh đến bác sỹ để trao đổi những quyết định về
y tế liên quan đến anh và có thể nhân danh anh mà đưa ra những quyết định trong
trường hợp anh không có khả năng tự mình nói ra. Vui lòng ủy thác đời anh trong
tay người khác là một dấu chỉ quan trọng của sự tín nhiệm. May quá đó là điều
tương tự như điều chúng tôi đang đề nghị; lập một loại hiệp ước tín nhiệm với một
người anh em, theo đó anh xin anh ta (và đồng thời, cho anh ta tự do) giúp anh
nói với anh ta, không kiêng cữ điều gì, về những vấn nạn liên quan đến vấn đề
tuổi tác. Thường thường, vì kín đáo, vì rụt rè hoặc để giữ gìn phẩm cách, chúng
ta tự gánh lấy đau buồn vì những giới hạn và các vấn nạn do tuổi tác gây ra ở tầm
mức thể lý và tâm lý cũng như ở tầm mức đức tin. Chúng ta thấy mình làm giảm nhẹ
và có nguy cơ triệt tiêu những giới hạn của bản thân để những người khác không
nhìn thấy chúng; qua việc làm này chúng ta để cho ý nghĩ rằng mình không còn
chút giá trị gì nữa luồn lách vào. “Người anh em thân tín” này có thể là người
mà tôi có thể cởi mở bản thân một cách hoàn toàn tự do và tôi mong anh ta giúp
tôi bắt đầu lại, duy trì sức sống và sự tỉnh táo. Và tôi có thể, trao trước cho
anh ta quyền tự do và sứ mạng để nói với tôi vào một ngày nào đó rằng: “Tôi
nghĩ rằng thời khắc để bước sang giai đoạn tiếp theo đã đến rồi”. Nếu anh đã có
một người anh em gần gũi mà anh có thể chia sẻ theo cách này với sự minh bạch
và tự do hoàn toàn, thì anh sẽ nghiệm được rằng thật là tự do và bảo đảm nếu
mình không đơn độc khi phải đối đầu với những quyết định làm cho mình đau đớn.
Chúng ta thường
nói với nhau, trên tầm mức khu vực hoặc miền, về thời khắc mà chúng ta bắt đầu
mất tự chủ và lúc chúng ta sẽ phải chấp nhận rời xa nhà huynh đệ và môi trường
vì chúng ta sẽ cần những sự chăm sóc mà một nhà huynh đệ không còn có thể cung ứng
được nữa hoặc vì chúng ta không còn có thể tự mình đối diện với những giới hạn
của chúng ta được nữa. Và chúng ta nói rằng, “khi đến thời”, chúng ta sẽ sẵn
sàng “nhảy tọt” vào một nhà hưu dưỡng.
Nhưng làm sao để xác định “khi đến thời”? Xu hướng tự nhiên của chúng ta là trì
hoãn quyết định này và đây là chuyện rất thường tình! Một mặt, chúng ta thường
sợ tình trạng vô danh không ai hay biết; và mặt khác, chúng ta có vẻ đã quá
rành về chuyện nhà hưu rồi; đó có thể là gì khác hơn là một nơi tàn tạ và kết
thúc?.. và chúng ta muốn giữ lòng trung tín với môi trường của mình cho đến tận
cùng. Bởi thế, tận nơi sâu thẳm, chúng ta hy vọng rằng “Chúa Nhân Từ sẽ cất
chúng ta đi trước khi việc đó xảy ra”, hoặc căn bệnh đó sẽ quyết định thay cho
chúng ta và chuyển chúng ta từ bệnh viện sang nhà hưu dù chúng ta có muốn hay
không.
Chúng tôi muốn
nói với anh một chút về nỗi sợ hãi liên quan đến viễn tượng đi vào nhà hưu này.
Chúng tôi muốn lập nền tảng cho mình dựa trên kinh nghiệm mà hiện nay chúng tôi
bắt đầu có do một nhóm khá nhiều anh em mà, một ngày nào đó, đã thực hiện bước
đi này. Bước đi này dĩ nhiên là khó khăn, không ai phủ nhận điều đó. Đôi khi phải
làm quen với ý tưởng thấy mình ở trong một “không gian được tổ chức”, với những
người mà chúng ta không chọn và họ chắc hẳn đã trải qua một cuộc đời rất khác với
chúng ta. Sau khi đã trải qua trọn cuộc đời ta “giữa lòng thế giới”, với mọi tiếp
xúc của đời sống hàng ngày và với những cơ cấu cộng đoàn rất mềm dẻo, tất cả
các tế bào của con người ta đều đồng loạt nổi loạn trước viễn cảnh thấy mình ở
trong một thế giới bé nhỏ tự khép kín, với những chân trời rất giới hạn, đơn sắc,
nơi mà “chỉ có toàn là người già thôi!” Tất cả các nỗi sợ đó là nhiều hơn mức
bình thường. Đây là lúc có thể nói về điều này trong sự tự do và tín nhiệm rằng,
nếu anh chưa sẵn sàng để làm như thế, thì hãy chọn một “người anh em thân tín”
đi. Hơn nữa, thường thì những người có mặt ngay chung quanh ta không trợ giúp
cho ta: “anh vẫn còn thời gian và, rốt cuộc, chúng tôi vẫn còn đây mà!” Ngay cả
họ cũng chưa thể làm quen với ý nghĩ là thấy chúng ta rời xa và đi vào trong thế
giới vốn vẫn còn khá mới mẻ đối với tất cả chúng ta.
Mới đây, nhân dịp
đi về miền Trung, chúng tôi đã có cơ hội gặp một số anh em đang ở trong nhà hưu
dưỡng, Paul Delpuech, Michel Philippe và nhóm các anh ở tại nhà Thánh Gioan
Thiên Chúa. Điều đánh động là, mặc dù đang bị các giới hạn về sức khỏe và sự yếu
nhược xâm chiếm, các anh vẫn tràn đầy sức sống và nhiệt tình. Chắc hẳn rằng việc
họ đang được chăm sóc về mặt y tế giải thoát họ khỏi khá nhiều lo âu; cũng giống
như việc ăn kiêng một cách cân bằng, khả năng giao tiếp với những người khác và
những sinh hoạt giúp họ vượt qua nỗi cô đơn. Dần dà, sự bình an được kiến tạo và,
chắc chắn, linh đạo của chúng ta là một sự trợ giúp. Thật là ấn tượng khi thấy
rằng, ngay cả khi bị giới hạn bởi bệnh tật – như một vài anh đang bị - mỗi người
đều vẫn còn tìm ra cách để sử dụng năng lực của mình; không một ai chịu đầu
hàng khi đối diện với các giới hạn của tuổi già! Và như một ít hương vị ta có
thể có khi tiếp xúc, vẫn còn cách để tiếp tục điều chính yếu của cuộc sống
chúng ta: một cuộc sống với những quan hệ và một cuộc sống đức tin và cầu nguyện
vốn nuôi dưỡng lẫn nhau bằng việc chia sẻ, trở thành rất thực, một sự nghèo khó
mà, lần này, chúng ta đã không chọn lựa và nó khiến chúng ta trở nên đồng thân
phận với mọi người khác.
Có thể anh đang
nghĩ rằng chúng tôi đang đưa ra một hình ảnh quá lý tưởng về cuộc sống trong một
nhà hưu dưỡng. Chỉ cần xin một ai đó trong số những người đang sống ở đó chia sẻ
kinh nghiệm của mình hoặc, tốt hơn, tới gặp anh ta ở nơi anh ta đang sống, “Hãy
đến mà xem!”
Chúng tôi có thể
nói thêm rằng kinh nghiệm có vài anh em trong cùng một nhà hưu, về mặt cơ bản,
tỏ ra là một giải pháp tốt (điều này sẽ không nhất thiết thích hợp với mọi người,
nhưng đó là một điều đáng để suy xét). Mỗi người có thể giữ sự độc lập của
mình, ở lại trong phòng mà không bị quấy rầy khi anh ta cảm thấy cần, gặp gỡ với
bất cứ ai ở trong nhà mà anh ta muốn; nhưng anh ta cũng cũng biết rằng mình có
thể tìm được những dịp để trao đổi với những anh em khác về những đề tài mà
chúng ta thích thú hơn cả và anh ta cũng biết rằng mình có thể tin vào lòng tốt
và tình bạn đang hiệp nhất chúng ta vì các năm dài chúng ta đã từng trải qua
trong Nhà huynh đệ. Và cũng là một thực tế - để mang ra suy xét – là sẽ dễ hơn
cho những anh em sống ở những nhà huynh đệ gần đó đến thăm những anh em sống
thành nhóm với nhau hơn là đi tới những chỗ ở tản mác.
Chúng tôi cũng
muốn kéo sự chú ý của anh tới điểm cuối cùng: tại nhiều nơi, đặc biệt là trong
những thành phố lớn, không dễ để tìm được một nhà hưu trong trường hợp khẩn cấp.
Chỗ nào cũng có những danh sách chờ dài dẵng. Thật khôn ngoan khi ghi danh trước.
Nói chi tiết như thế vì hầu hết các nhà hưu đều đề nghị một chương trình gặp gỡ,
thăm viếng, tiếp xúc vốn làm cho việc vào nhà hưu được “nhân bản hóa” và được
nguôi ngoai hơn. Khi một người đã yếu ớt hoặc đã bị trầm cảm bởi bệnh tật thì
thường khó vào nhà hưu hơn. Thường dễ vào một cơ cấu mà chúng ta đã biết vì những
anh em khác đã mở đường rồi.
Đây là điều mà
chúng tôi đã muốn chia sẻ với anh. Hãy luôn ghi nhớ, trước hết, lời mời gọi lựa
chọn “người anh em thân tín” này và cuối cùng hãy đưa cho anh ta xem bức thư
này để giúp anh ta có một ý tưởng rõ ràng hơn về sự giúp đỡ mà anh trông đợi từ
anh ta và con đường mà các anh có thể cùng nhau bước đi.
Chúng tôi muốn
bảo đảm với anh về sự hỗ trợ của anh cũng như lời cầu nguyện của chúng tôi để
anh có thể có khả năng sống thời kỳ tuổi già này trong bình an và tin tưởng.
Xin hãy chắc rằng, “khi chúng ta già, người khác sẽ nhanh chóng thắt lưng và
đưa chúng ta đến nơi chúng ta không muốn”, thế nhưng, ngay cả ở đó, Chúa Giêsu
vẫn gởi ta đi thi hành sứ vụ và nói với chúng ta: “Hãy theo Thầy”. Tiếng gọi
không chấm dứt khi tuổi già kéo đến. Hãy hỏi Abraham, Sara và các người khác
xem họ nghĩ gì về điều đó.
2- Những trích đoạn Thư tín của Ian Latham
(Thư tín số
665, tháng Hai 2007)
Tôi sắp sửa nhắc
lại một sự kiện đã xảy ra khá lâu trong quá khứ, có lẽ khoảng ba mươi năm rồi,
nó có một lối liên hệ với điều mà hiện nay tôi đang sống.
Lúc đang sống ở
Ấn Độ, tôi đến Pondicherry để gặp Giuseppe Marinoni lúc ấy đang sống một mình,
và tôi đã ngã bệnh như đã từng xảy ra cho tôi vài lần ở Ấn Độ. Giuseppe và những
người khác khuyên tôi xin giám mục, là người có phòng, cho tôi trú ngụ. Ngài tiếp
đón tôi rất nồng nhiệt, chỉ phòng cho tôi và chúng tôi cùng ăn chiều.
Sáng hôm sau,
tôi đứng trên hành lang với một linh mục cao niên người Tamil (sau này ngài nói
với tôi là ngài đã từng làm Tổng đại diện). Ngài là một người đầy kinh nghiệm
trong lúc tôi là một người trẻ kể như chưa có kiến thức gì. Sau khi bắt đầu trò
chuyện về những sự việc và những người chung quanh, vị linh mục già đột nhiên
nói với tôi, “Cha đang băn khoăn lo lắng, con có vui lòng giúp cha không? Cha
thấy mọi sức lực của cha đều mất hết, và cha chỉ còn đủ sức để ăn, ngủ, mặc áo
quần và chừng đó thôi là đã quá nhiều rồi và nó làm cha kiệt sức. Và rồi những
ý nghĩ của cha càng lúc càng lẫn lộn, cha không biết mình đang làm gì, cha
không còn có thể suy nghĩ cho rõ ràng được nữa và điều tệ hại nhất là mọi tình
cảm đạo đức, là điều mà trước kia cha có được mà không phải lo lắng gì, nếu ta
có thể nói như thế, nay có xu hướng giảm bớt và thường là biến mất hoàn toàn.
Nói thật là cha không còn biết cầu nguyện như thế nào nữa. Con có thể giúp cha,
khuyên cha, và dạy cha làm thế nào để cầu nguyện trở lại không?”
Tôi đã giật
mình sửng sốt: một người với kinh nghiệm như thế đang xin tôi, là một người còn
quá trẻ và ít kinh nghiệm, cho lời khuyên về một đề tài rất riêng tư và thân
tình là việc cầu nguyện! Tôi đã thán phục tính đơn sơ và khiêm nhượng của ngài,
và cho đến hôm nay tôi vẫn còn thán phục những đức tính ấy khi tôi đang sống
trong cùng cảnh ngộ như ngài.
Hôm nay tôi
đang sống chính kinh nghiệm đó, và tôi cần sự trợ giúp và nâng đỡ tương tự.
Thân xác tôi đang trở nên càng lúc càng yếu hơn. Tôi dễ trở nên giận dữ vì tôi
không có khả năng làm những việc đơn giản nhất, như mặc áo quần vào buổi sáng,
hoặc xắp xếp giấy tờ và ý nghĩ theo một trật tự nào đó. Thí dụ, để thâu cuốn
băng này, trước khi bắt đầu tôi đã phải tập dượt cả tá lần và rốt cuộc cũng chỉ
đạt được chút đỉnh giá trị thôi. Và điều tệ nhất là mối quan hệ của tôi với
Chúa hiện nay rất yếu, và thành thật mà nói, trong việc cầu nguyện tôi cảm thấy
mình như người mới bắt đầu; tôi không biết phải làm thế nào để cầu nguyện nữa.
Thật ra, kinh
nghiệm tuổi già của tôi liên kết với bệnh Parkinson. Khi tôi biết mình bị mắc bệnh,
mà trước đó không hề nghĩ đến nó bao giờ, tôi đã có cảm giác rõ ràng rằng
Michel Delobeau, người đã chết sau 10 năm bị bệnh, đã chuyển giao cho nó cho
tôi. Điều đó không làm tôi hoảng hốt, và lần hồi sau đó tôi đã học được cách
không coi Parkinson như một kẻ thù hủy hoại tôi, nhưng như một người bạn cùng
bước với tôi trên đường đời và thúc đẩy tôi, theo cách của nó, tiến lên và hoàn
thành chặng đường.
Cảm giác này đã
không rời tôi, mà còn ngược lại là đằng khác, và tôi đã rất ngạc nhiên khi người
y tá, là một chuyên viên về bệnh Parkinson, vốn đã theo dõi tôi trong Trung tâm
Sức khỏe Peckham, một ngày nọ đã nói với tôi cùng một điều như thế: tôi cần phải
xem căn bệnh này như một người bạn, và đối xử với nó như bạn bè. Tôi tin rằng
đó là một sự thật căn bản, và việc nhìn
Parkinson theo cách này thật sự là một sự trợ giúp lớn lao cho tôi.
Tôi phải sống
kinh nghiệm tuổi già với bệnh Parkinson trong niềm tin và làm mọi điều tôi có
thể làm về phần mình để giữ gìn niềm tin này: tin vào Chúa, tin vào anh em và
tin vào khả năng của bản thân để đương đầu với hoàn cảnh mới này.
Tôi đã tự nói với
mình rằng có thể không phải là một ý tưởng dở để lược sơ qua Hiến pháp của
chúng ta và xem trong đó đã nói gì về vấn đề tuổi tác. Quả thật, đối với tôi,
rõ ràng là tôi đã chạm tới chặng đời cuối cùng tiến về cuộc gặp gỡ tối hậu rồi.
Và quả thật tôi
đã thấy Hiến pháp rất xác đáng, đầu tiên qua lời khuyên rất đơn giản mà tôi tìm
thấy: đừng quên các Bí tích, hòa giải, xức dầu bệnh nhân, mà tôi chưa từng nghĩ
để xin cho mình, trong khi tôi đề nghị cho những người khác, và, dĩ nhiên, và
trên hết, bí tích Thánh Thể, sự hiện diện rất đặc biệt của Chúa Giêsu mà Anh
Charles rất yêu mến.
Nhưng sau đó,
và đây là điều mới mẻ đã đánh động tôi hơn cả vì tôi đã tự hỏi mình phải chuẩn
bị bản thân thế nào cho cuộc gặp gỡ cuối cùng này, Hiến pháp nói, “Ngài (Chúa)
sẽ tự Ngài chuẩn bị anh cho cuộc gặp gỡ này.”
Đó là một sự an
ủi lớn lao cho tôi, một nguồn can đảm, vì tôi thấy rất rõ rằng về phần mình tôi
chỉ có thể làm rất ít và sự trung tín của tôi là rất giới hạn. Chính Hiến pháp
cũng nói trong cùng ngữ cảnh đó rằng ta đừng dựa vào sự trung tín của bản thân
nhưng vào sự trung tín của Chúa là Đấng đã kêu gọi chúng ta và sẽ không rời bỏ
chúng ta.
Đối với tôi,
câu hỏi về lòng tin vào Chúa, về sự trông cậy nơi Ngài, chưa bao giờ là một việc
dễ dàng. Tôi tin rằng, hết sức tập trung vào mình và muốn làm chủ lấy mình càng
nhiều càng tốt, tôi đã luôn nghĩ rằng dĩ nhiên Chúa đang giúp tôi và thực hiện
phần quan trọng nhất, và thậm chí Ngài làm hầu hết mọi việc, nhưng đồng thời,
ít nhất, là phần của tôi xin Ngài đến và giúp tôi, và trong lối phân tích rốt
ráo như thế, mọi việc tùy thuộc vào tôi và vào sự trung tín của tôi chứ không
phải vào sự trung tín của Ngài đối với tôi.
Tôi nghĩ đây là
một điều đơn giản và sơ đẳng trong cuộc sống Kitô hữu, nhưng tôi đang học tập
nó một cách chậm chạp và chính kinh nghiệm bệnh Parkinson này buộc tôi, nếu tôi
có thể nói như thế, phải nhìn thấy sự thật sơ đẳng này.
Một sáng nọ,
khi thức dậy, tôi đã thấy mình có thể tạ ơn Chúa từ đáy sâu tâm hồn mình vì cuộc
đời tôi, vì Nhà huynh đệ, vì điều mà tôi đang sống cho đến bây giờ, và tôi làm
việc đó một cách thành thật, như tôi chưa hề có khả năng làm như thế bao giờ.
Và ít lâu sau
đó, tôi không còn nhớ chính xác là lúc nào, ân sủng tích cực này được kèm thêm
bởi một cảm giác mạnh mẽ rằng tôi không còn bị lôi kéo vào việc xét đoán những
người khác, như tôi vẫn thường làm; Tôi xin anh em thứ lỗi cho tôi và tôi ước
chi mình không phải nói rằng, cách riêng trong mối quan hệ với một vài người
trong các anh em, tôi nghĩ mình là người tốt hơn những người khác và rằng con
đường của tôi là con đường chân thật và duy nhất và tôi xét đoán những hoàn cảnh
và những thái độ của anh em. Đó là những điều mà ta chẳng thích nói ra chút
nào, đặc biệt nếu ta suy nghĩ về lời Chúa, “Đừng xét đoán” vốn luôn đánh động
tôi nhưng chưa hề mang lại nhiều hoa trái nơi tôi.
Đó là một ơn mà
tôi hằng cầu xin và bây giờ tôi đã được ban cho nhưng không. Và thậm chí còn
hơn thế nữa, tôi đã được ơn, như thánh Phaolô nói, nghĩ rằng những người khác tốt
lành hơn tôi. Tôi vẫn thường nghĩ rằng Phaolô đã mô tả bản thân như thế vì tính
khí bốc lửa và phóng đại của mình. Và đột nhiên tôi đã hiểu ra rằng điều ngài
nói là thật, thật một cách đơn sơ và tinh tuyền, và rằng tôi bị buộc phải chấp
nhận và công nhận nó.
Một điều khác đánh
động tôi trong Hiến pháp là nó nói rằng ta phải phó thác bản thân một cách đơn
sơ cho Chúa như một trẻ nhỏ, việc sống lời Kinh Phó Thác mà tôi đã từng đọc rất
dễ dàng, nhưng đã từng sống rất ít.
“Tôi sẵn sàng đối
với mọi sự, tôi chấp nhận mọi sự” có nghĩa là, rất đơn giản, cùng với Chúa
Giêsu phó thác bản thân cho Chúa Cha. Khi nghĩ lại về điều mà tôi đã sống và đã
có lần chia sẻ với các Tiểu Muội, tôi thấy dường như trong các Thánh vịnh có những
dấu hiệu minh chứng rằng Chúa Giêsu không chỉ đưa trẻ thơ ra như con đường để
thăng tiến về mặt thiêng liêng, và thậm chí trong ý nghĩa như là con đường duy
nhất cần thiết và đòi buộc, nhưng Ngài còn tự mình sống như một trẻ thơ và các
lời Ngài nói từ trên thập giá, “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay
Cha” là chứng cứ cho thấy rằng lúc bấy giờ, trong ý nghĩa sâu xa nhất, Ngài là
con thơ thật sự của Chúa Cha, người con duy nhất nên một với Cha và hoàn toàn
trao hiến cho Cha.
Trong cùng đoạn
đó, Hiến pháp của chúng ta thêm rằng ta trở nên trẻ thơ ngay cả qua các yếu đuối
và xáo trộn mà mình đang sống.
Tôi tin rằng để
là một trẻ thơ, cũng cần chấp nhận phó thác trong tay những người khác. Đó là một
phần của sự phó thác cho Chúa Cha, và đối với tôi sự phó thác này luôn sánh đôi
tiến bước với sự phó thác của Hài nhi Giêsu, và của tôi với Ngài, trong tay của
Đức Trinh nữ Maria và, cùng với Thánh Giuse.
Đồng thời, tôi
thấy rằng sự phó thác ấy, mà thực tại nền tảng là tôi được kêu gọi để sống
trong lúc này, cũng cần được kèm theo lòng can đảm để làm mọi việc mà tôi có khả
năng làm được để duy trì sức mạnh thể lý, khả năng tâm thần và trí tuệ của tôi,
và cũng để duy trì, về phần tôi, các ơn thiêng liêng mà tôi nhận được, cách
riêng là sự bình an này mà nếu không có nó thì mọi sự còn lại, nếu có thể nói
như thế, sẽ không còn nơi nương tựa trong tôi.
Có thể điều duy
nhất khá tổng quát, mà tôi lưu ý trong mối tương quan với Hiến pháp của chúng
ta và là điều nói với tôi cách rất mạnh mẽ, (nhưng tôi tin rằng điều này cũng
nói với tất cả anh em nữa, mỗi người tùy theo hoàn cảnh sống của mình), là điều
nói về nỗi đau cứu độ. Một ai đó đã cho tôi một bản văn của Đức Gioan Phaolô II
về cùng chủ đề này. Đó là một điều khó tin, nhưng kinh nghiệm sống mà mỗi người
đã tỏ ra cho chúng ta là thật.
Được sống với
Chúa Giêsu, đau khổ có thể có một giá trị cho tôi và cho tha nhân. Không sự gì
mất đi cả, và chính xác là qua kinh nghiệm đau khổ này mà Chúa đang thanh luyện
và uốn nắn tôi và tôi đang thật sự kết hợp với rất nhiều người đang đau khổ bởi
nhiều cách khác nhau. Có lẽ ta có thể đạt tới điểm sống một điều gì đó đã từng
luôn rất thân thiết với tôi, nhưng tôi chưa hề tìm cách để sống nó, và đó là trở
nên một người cứu thế cùng với Chúa Giêsu.
Như Thánh
Martin đã nói, “Con sẵn sàng chết, con cũng sẵn sàng sống, nếu Ngài muốn, lạy
Chúa”. Nếu ta sống, hoặc cố gắng sống, trong sự kết hợp với Chúa, thì sống và
chết đều giống nhau. Và đối với tôi, việc mở lòng ra với Chúa Giêsu luôn được
thực hiện ngang qua Đức Nữ Trinh là Đấng đã đón nhận Ngài trước tiên và là Đấng,
tôi tin tưởng và trông cậy trong mọi trường hợp, cũng đón nhận Ngài ở trong tôi,
đến độ mà Mẹ giúp Ngài để cho điều này phát sinh hoa trái của Thánh Thần của
Ngài ở trong tôi.
Giờ đây tôi xin
nói lời tạm biệt.
+++
- Trích trong thủ bản ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚNG TA TRONG NHÀ HUYNH ĐỆ của Các Tiểu Đệ Chúa Giêsu.