Các Trang

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)



3.3. Sự khác biệt trong cảm nghiệm thần bí giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá

Mặc dù có sự kết hợp hoàn hảo trong đời sống, công việc và giáo thuyết giữa Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá. Tuy nhiên, trong cảm nghiệm thần bí nơi hai vị vẫn có những khác biệt. Những khác biệt ấy chứng tỏ Thiên Chúa hoàn toàn tự do ban ơn và con người cũng hoàn toàn tự do đón nhận, mỗi người mỗi cách.

Trước hết, thánh Têrêsa Avila dành vị trí quan trọng cho Đức Giêsu, cả khía cạnh nhân tính và thiên tính. Đức Giêsu trở nên người bạn thân tình để hàn huyên trò chuyện, và là trung gian dẫn đến Thiên Chúa.[166] Điều này có lẽ phát xuất từ bản chất nữ tính của ngài. Với bản chất này, người ta không ngạc nhiên khi ngài gọi Đức Giêsu là Bạn Tình, Người Chồng, Bạn Trăm Năm, Đức Lang Quân, Đức Vua của lòng em. Còn thánh Gioan Thánh Giá lại giải thích bản chất sự kết hợp thần bí bằng ngôn từ của tình yêu. Linh hồn mặc lấy tâm tình của Tình Nương trong sách Diễm Ca để giãi bày nỗi khát mong nhớ nhung, miệt mài tìm kiếm và chỉ thỏa mãn khi gặp Người Yêu Dấu. Và hợp nhất nên một trong cuộc kết hôn với Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, được biến đổi nên giống Thiên Chúa.[167]

Thứ đến, tuy cả hai vị đều lấy tình yêu làm mối dây kết hợp con người với Thiên Chúa nhưng nẻo đường trọn lành đối với thánh Têrêsa là đức khiêm nhường còn với thánh Gioan Thánh Giá là sự khó nghèo trần trụi của tâm linh.

Cuối cùng, nếu cảm nghiệm thần bí được thánh Têrêsa Avila ghi lại qua những lần xuất thần, ngất trí, thì ta lại ít tìm thấy hiện tượng thần bí ấy nơi thánh Gioan Thánh Giá. Thậm chí thánh nhân còn cảnh giác chúng ta bao lâu còn sống ở trần gian này, hãy tìm kiếm Thiên Chúa bằng “đêm tối đức tin”, chứ đừng nắm bắt Ngài qua những hiện tượng khả giác. Với thánh nhân cảm nghiệm thần bí không gì khác là sự bước đi trong đêm tối của thanh luyện. Đây có thể là sự khác biệt lớn nhất trong cảm nghiệm thần bí của hai vị thánh cải tổ dòng Cát- minh.

Kết luận

Bằng những cảm nghiệm của mình thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá đã trao lại cho Hội Thánh cách thức hợp nhất với Thiên Chúa. Kết hợp là một ân ban, con người chỉ cần khiêm nhường đón nhận. Thiên Chúa Ba Ngôi tự thông ban chính mình cho linh hồn trong tình trạng của những người dám tiến xa trên đường hoàn thiện. Cuộc thông ban này thường diễn ra trong cuộc kết hôn nhiệm lạ. Khi đó linh hồn nên một với Thiên Chúa, thuộc trọn vẹn về Ngài.

Nét đặc sắc thuộc về bản chất táo bạo của tình yêu hoàn hảo giữa Thiên Chúa và con người là sự ngang hàng. Để yêu con người Thiên Chúa đã đặt con người ngang hàng với mình. Lẽ dĩ nhiên con người phải trải qua cuộc thanh luyện được gọi là đêm tối giác quan và đêm tối tâm linh. Qua đêm tối này, Thiên Chúa thanh luyện con người để nó trở nên tinh tuyền xứng đáng nên một và nên giống Ngài trong tình yêu. Kết quả cuộc kết hợp là linh hồn được biến đổi thành chính Thiên Chúa. Dù ở trần gian số linh hồn được ơn trọng đại này thật ít ỏi, nhưng đây là bảo chứng chắc chắn hạnh phúc Thiên đàng mai sau.

Cảm nghiệm thần bí một lần nữa khẳng định cái nghịch lý của Tin Mừng: sự sống phát sinh từ sự chết. Trên con đường tu đức luôn diễn ra cái nghịch lý của một sự sống do sự chết mang đến. Đó là thử thách của đêm tối; là cái giá phải trả cho một công trình mài giũa rất tốt đẹp; là tiếng nổ lốp đốp mù mịt khói và khét lẹt của khúc gỗ, ứa rịn những dòng nhựa đen đủi để bắt đầu biến thành lửa; là nỗi đau ứa đọng không gì hàn gắn của trái tim bị trúng vết thương tình, khao khát tìm kiếm chữa lành; là cái chạm nhẹ mà đã nếm được cõi đời đời. Trong thử thách tiến xa nhất của đời thần bí, nó chiếu rõ cái khổ mà các linh hồn phải đón chịu vì tình yêu, đau đớn như một cuộc trở dạ mới đem lại sự khai hoa nở nhụy là sự sống, hợp nhất thần linh.[168]

Những cung bậc vi tế của bản giao hưởng kết hợp Thiên Chúa và linh hồn trong cảm nghiệm thần bí không chỉ minh chứng sự kết hợp hoàn hảo giữa hai vị thánh cải tổ Cát-minh, mà còn khẳng định giáo thuyết vô song các ngài để lại cho Hội Thánh về cầu nguyện, tu đức và kinh nghiệm thần hiệp. Đó là sản nghiệp cao quí của người biết buông mình theo sự hướng dẫn “khủng khiếp” của Thiên Chúa.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.


Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)



3. Hiệu quả cảm nghiệm thần bí là nhiệt tâm tông đồ

Việc tông đồ theo linh đạo Cát-minh được kín múc từ lòng nhiệt thành của vị Tổ phụ Êlia :“Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con”(1V 19,10). Nó cũng phát sinh từ trong chiêm niệm, vì chiêm niệm mà không bốc lửa nhiệt tình tông đồ sẽ có nguy cơ tìm kiếm chính mình.[161] Cảm nghiệm thần bí của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá minh chứng cho quan điểm này. Quả thật, có sự liên hệ sâu xa giữa cảm nghiệm thần bí và nhiệt tâm tông đồ. Vì khi đã được Thiên Chúa chiếm đoạt và tỏ bày yêu thương, điều làm linh hồn hạnh phúc là được cả ngàn kiếp sống để phụng sự Ngài. Nó cũng ước ao mọi sự ở trần gian đều thành miệng lưỡi để chúc tụng Chúa.[162]

3.1. Nơi thánh Têrêsa Avila

Trong việc cải tổ dòng, dường như mọi quyết định và sức mạnh thi hành, vị thánh Cả Cát-minh đều nhận từ Thiên Chúa trong chiêm niệm, thị kiến và xuất thần. Bởi chính Chúa là tác giả của công việc còn thánh nhân chỉ là người thực thi.

Quả thực, biết bao gian khổ được thánh Têrêsa kể trong Kí sự thành lập các Đan viện không chỉ cho thấy lòng nhiệt thành tông đồ của thánh nhân, mà còn chứng minh cách Thiên Chúa chinh phục một tâm hồn và làm cho nó nên khí cụ của Ngài. Trong vai trò của Mẹ Bề Trên, Têrêsa không những đã sống triệt để tinh thần Cát-minh về nguồn mà còn hướng dẫn các nữ tu khác như người mẹ gương mẫu cho các con. Ngoài ra, thánh nhân còn là mẹ thiêng liêng của những tâm hồn thánh thiện khác. Nhiều tâm hồn đã được thăng tiến cao trên đường trọn lành nhờ sự hướng dẫn thiêng liêng của mẹ. Trong đó nổi trội hơn cả là ông Francisco de Salcedo và bà quả phụ Guiomar de Ulloa.

Với lòng nhiệt tâm tông đồ, Têrêsa đồng cảm với Hội Thánh. Khi nghe nói đến hằng triệu linh hồn ở Ấn Độ đang hư mất vì thiếu linh mục. Ngài đã lánh vào một tu thất, khóc lóc thảm thiết vì cảm thấy bất lực không làm được gì cho những linh hồn bị lạc mất ấy. Ngài đau khổ vì lạc thuyết và ly giáo đang xẩy ra. Mặc dù trở thành nạn nhân của sự hiểu lầm về phía giáo quyền nơi Tòa Điều Tra, nhưng Têrêsa vẫn không ngừng thấy Hội Thánh, hiền thê của Đức Ki-tô xinh đẹp tinh tuyền. Vì thế, thánh nhân tìm mọi cách góp phần xây dựng Hội Thánh, bằng cầu nguyện và mối ưu tư truyền giáo.[163]

Tắt một lời, để đáp lại khát vọng mãnh liệt của Têrêsa muốn cứu giúp các linh hồn, Thiên Chúa đã cho ngài trải qua kinh nghiệm thần hiệp, trong đó Chúa hứa ban cho thánh nhân những điều lớn lao. Càng thêm kinh nghiệm về Thiên Chúa và Hội Thánh, tinh thần tông đồ của Têrêsa càng được đào sâu.

3.2. Nơi thánh Gioan Thánh Giá

Nhờ những giây phút đắm chìm bên Chúa, trong đêm tối thanh luyện và sự từ bỏ trần trụi của con tim, lòng nhiệt tâm tông đồ nơi thánh Gioan Thánh Giá được nhìn nhận trong việc cải tổ dòng kín, làm nhà đào tạo và thày dạy sống thần hiệp.

Là cộng tác viên xuất sắc nhất của mẹ Têrêsa trong công việc cải tổ dòng Cát-minh, cha Gioan nhiệt tâm dành trọn cuộc đời linh mục của mình cho các tu sỹ nam nữ của dòng. Ngài tận tụy phục vụ họ với sự dịu dàng, êm ái và tế nhị tuyệt vời.[164] Trong vai trò là cha Bề Trên và thầy dạy sống thần hiệp, ngài cương quyết và khôn ngoan hướng dẫn con cái mình hướng đến sự trọn lành. Với sự nhạy bén trước nỗi đau khổ của người khác, cha Gioan ân cần nâng đỡ ủi an họ, nói cho họ biết niềm vui được chịu đau khổ vì tình yêu. Ngài thấu hiểu các tâm hồn, quan tâm đến những gì Thiên Chúa thực hiện nơi họ. Người ta đến với Ngài để thú nhận là mình không còn sức chịu đựng đau khổ, nhưng khi rời ngài họ lại ao ước được đau khổ nhiều hơn cho Đức Ki-tô.[165]

Điều vĩ đại có sức lôi cuốn hơn cả nơi thánh Gioan Thánh Giá chính là một cuộc sống thánh thiện. Thánh nhân đã trao nó lại cho bất cứ ai gặp gỡ, cũng như đón nhận giáo huấn thần nhiệm của ngài. Đó là sức mạnh tông đồ lớn nhất thánh nhân để lại cho những tâm hồn khát khao sự trọn lành.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)



2. Tiến bước trong thần bí bằng thanh luyện

Trong hành trình Lên Đỉnh Cát-minh, Thánh Gioan Thánh Giá mô tả cuộc thanh tẩy chủ động của con người, còn Đêm Tối là công cuộc thanh luyện thụ động đến từ Thiên Chúa. Trong tác phẩm Đêm Tối,[135] cùng một bài thơ thần bí, được thánh Gioan Thánh Giá dùng để minh giải hai cuộc thanh luyện. Đêm tối giác quan thanh luyện phần cảm giác và đêm tối tâm linh tôi luyện linh hồn, để linh hồn trở nên tinh tuyền xứng đáng hợp nhất với Thiên Chúa. Theo thánh nhân, đêm giác quan là kinh nghiệm chung xẩy đến cho nhiều người, còn đêm tâm linh chỉ xẩy đến cho rất ít người.[136]

2.1. Đêm tối giác quan

Cuộc thanh tẩy giác quan liên quan đến các nết xấu chính yếu của con người. Dựa theo bảy mối tội đầu, thánh Gioan Thánh Giá mô tả các tật xấu tâm linh, khiến linh hồn không thể tiến xa trên con đường thánh thiện, nếu không được thanh tẩy.

Mối tội đầu tiên là sự kiêu ngạo tâm linh. Đôi khi một số tiến bộ bước đầu làm cho người ta kiêu ngạo cách thầm kín[137]. Thứ hai là tật hà tiện tâm linh.[138] Đây là sự ham mê của cải thiêng liêng. Thực ra, lòng sùng mộ đích thực phải xuất phát từ tâm hồn, người ra chỉ nhìn vào chân lý và bản chất sâu xa của thực tại. Thứ ba là tật mê tà dâm tâm linh.[139] Biểu hiện của bất toàn này nhiều khi xẩy ra vượt khỏi tầm kiểm soát của đương sự. Nó dấy lên nơi phần nhục cảm, phát sinh những rung động và hành vi ô uế. Vì bản tính con người yếu đuối và mỏng dòn, khiến chút biến chuyển cũng làm rối loạn, nên rất cần thanh luyện. Thứ tư là tật nóng giận.[140] Có thể do người ta cảm thấy hụt hẫng, dẫn đến cáu giận vì chuyện không đâu. Có người chưa thấy mình hoàn thiện lại cáu giận với chính bản thân. Nóng nẩy muốn nên thánh trong một ngày, họ chẳng khiêm nhường và cũng không nhẫn nại. Tật mê ăn tâm linh[141] là nết xấu thứ năm. Do bị quyến rũ bởi các hương vị và thích thú đạt được khi thực hành tâm linh, làm cho người ta cứ mải mê tìm kiếm hương vị đó hơn là sự tinh tuyền trong kết hợp với Thiên Chúa. Chính những mê thích này khiến cho người ta nhu nhược và ươn hèn khi bước vào con đường cam go của thập giá, cũng khó chấp nhận được cái xót xa của việc bỏ mình. Ghen tị và lười biếng tâm linh[142] là nết xấu thứ sáu và thứ bảy, cần được đêm dày thanh luyện. Người ghen tị cảm thấy khó chịu trước những điều tốt lành của người khác. Họ buồn khi thấy người khác tiến bộ hơn mình trên đường hoàn thiện. Điều này trái với đức ái trọn hảo.[143] Cũng thế, tật lười biếng tâm linh khiến người ta chán ngán những việc tâm linh vì chúng đi ngược với những thích thú khả giác. Cầu nguyện mà không có an ủi tâm linh là họ chán nản, bỏ cuộc, nghĩa là người ta muốn bước đi trên con đường tâm linh cách dễ dãi, họ khó chấp nhận gian khó của thập giá.

Những tật xấu này cần phải có sự khô khan thuần túy và bóng tối nội tâm của đêm dày thanh tẩy. Có ba dấu hiệu chứng tỏ sự khô khan thuần túy kéo dài ấy là cách Thiên Chúa thanh luyện linh hồn trong đêm tối giác quan.

Thứ nhất, linh hồn không thấy được thú vị và an ủi nào từ Thiên Chúa và các thụ tạo. Vì khi Thiên Chúa đưa linh hồn vào đêm tối này, Ngài dập tắt các mê thích khả giác khiến linh hồn không còn tìm được hương vị vui sướng nào. Điều ấy chứng tỏ sự khô khan vô vị này không phát sinh từ tội lỗi hay bất toàn của con người.[144] Thứ hai, linh hồn sẽ biết chắc mình đang trải qua cuộc thanh luyện này nếu trong khô khan mà linh hồn vẫn tưởng nhớ đến Thiên Chúa. Vì sự khô khan khác với tật nguội lạnh. Ở đây Thiên Chúa đang chuyển đổi các điều tốt linh hồn từ giác quan sang tâm linh. Dấu hiệu thứ ba, dù linh hồn có cố gắng hết sức cũng không sao cầu nguyện bằng suy niệm hay suy luận hoặc tưởng tượng được. Vì từ đây, Thiên Chúa bắt đầu thông truyền chính Ngài cho linh hồn không theo ngả giác quan mà bằng con đường thuần túy tâm linh. Điều mà các nhà tu đức gọi là từ suy niệm tới chiêm niệm. Ai được dẫn vào tình trạng này, thánh Gioan Thánh Giá khuyên họ hãy kiên trì nhẫn nại, đừng dằn vặt mình, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa.[145]

Cuộc thanh luyện khô khan tăm tối này đem lại cho linh hồn bao nhiêu lợi ích. Ơn trọng yếu là linh hồn hiểu chính mình và nỗi khốn cùng của mình.[146] Cũng nhờ biết sự cao cả của Thiên Chúa, linh hồn biết xử sự với Ngài cách lịch thiệp và trọng kính hơn. Từ những khô khan và trống vắng của đêm tối, linh hồn được thanh tẩy khỏi mọi thói xấu tâm linh như kể trên. Được rèn luyện cùng lúc toàn bộ các nhân đức, linh hồn trở nên tinh tuyền, trong trắng.

Cũng trong đêm thanh luyện này, vào những lúc bất ngờ nhất, Thiên Chúa thông ban cho linh hồn sự dịu ngọt tâm linh và một tình yêu rất tinh tuyền. Để cuối cùng, linh hồn đạt được tự do tâm linh, lãnh nhận được mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đồng thời, linh hồn được giải thoát cách kỳ diệu khỏi bàn tay của ma quỉ, thế gian và xác thịt.[147] Sự khô khan của đêm dày cũng dập tắt các dục vọng thân xác, giải thoát linh hồn khỏi sự trói buộc và khống chế của mê thích. Đó là niềm hạnh phúc mà đêm dày mang lại, khiến linh hồn reo lên “Ôi! vận may diễm phúc” vì giờ đây:“Mái nhà tôi thật yên hàn”.

Đêm tối giác quan chỉ để chuẩn bị cho đêm tối tâm linh, điều không phải dành cho mọi người.[148] Thời gian mà linh hồn phải thanh tẩy trong đêm giác quan kéo dài bao lâu thì hoàn toàn theo ý Thiên Chúa và mức độ bất toàn cần thanh tẩy của mỗi người, cũng như cấp độ hiệp nhất trong tình yêu với Ngài. Hơn nữa, sự thanh luyện không xẩy ra cùng một cách nơi mọi người.

2.2. Đêm tối linh hồn

Đêm tối tâm linh được hiểu là cuộc thanh luyện thụ động đúng nghĩa nhất mà Thiên Chúa dành cho những linh hồn Ngài muốn đưa họ tiến xa trên con đường hoàn thiện. Lẽ dĩ nhiên đây là những linh hồn đã trải qua cuộc thanh luyện của đêm giác quan. Đêm tâm linh được coi là tâm điểm của học thuyết Gioan Thánh Giá.[149] Bước theo thánh nhân trong đêm này, người ta sẽ được khám phá nét vĩ đại của cảm nghiệm thần bí, qua cách thức ngài mô tả những cặp đối lập.

Theo thánh Gioan Thánh Giá, cuộc thanh tẩy giác quan chỉ là cửa ngõ và bước đầu của ơn chiêm niệm để dẫn vào cuộc thanh tẩy tâm linh. Hơn nữa, vì những người đã qua cuộc thanh luyện giác quan vẫn còn những bất toàn cố hữu và mới nhiễm nên cần đêm thanh luyện tâm linh.[150]

Trong đêm tâm linh, cách thầm kín Thiên Chúa dạy dỗ và giáo hóa linh hồn về sự hoàn thiện của tình yêu. Đó là ơn chiêm niệm thần phú, tạo nên hai hiệu quả chính nơi linh hồn: vừa thanh tẩy vừa soi sáng, chuẩn bị cho sự hiệp nhất trong tình yêu đối với Thiên Chúa. Nhưng vì sao ân sủng thanh tẩy và soi sáng lại được linh hồn gọi là đêm tối tăm ? Theo thánh Gioan Thánh Giá, ơn thần linh này với linh hồn không chỉ tối tăm mà còn đớn đau và cực hình, vì hai lý do. Thứ nhất, đây là sự cao vời của ơn Khôn Ngoan thần linh, vượt quá khả năng của con người, nên là tối tăm với linh hồn. Thứ hai, vì sự thấp hèn và nhơ nhớp của con người, nên sự khôn ngoan ấy lại trở thành đau đớn, phiền muộn và cũng là tối tăm với linh hồn.[151]

Ơn chiêm niệm này được gọi là đêm, đó là thần học thần bí, là sự khôn ngoan bí mật và ẩn giấu của Thiên Chúa. Trong chiêm niệm, Thiên Chúa dạy bảo linh hồn cách lặng lẽ và thầm kín, chính linh hồn cũng chẳng biết bằng cách nào, vì chẳng có một chút động tịch của ngôn từ, chẳng có sự hỗ trợ của bất kỳ giác quan thể xác hoặc tâm linh nào, hoàn toàn tối tăm đối với khả giác tự nhiên. Thần học tâm linh gọi sự chiêm niệm này là “hiểu bằng cách không hiểu”[152]. Bằng cách thụ động linh hồn nhận lấy điều được ban cho. Có đêm tối là để Chúa đưa ta ra ánh sáng.

Đây là cách Thiên Chúa tỏ lòng thương xót với linh hồn để thanh tẩy nó. Ngài khiến các quan năng nội tại của linh hồn thành tối tăm, làm chúng trống rỗng hết mọi chuyện trần gian. Ngài chế ngự và dập tắt những nghiêng chiều khả giác và tâm linh. Ngài làm suy yếu những năng lực tự nhiên của linh hồn, khiến linh hồn chết đi với tất cả những gì không phải là Thiên Chúa. Linh hồn trở nên trần trụi, trút bỏ mọi y phục và đồ trang điểm trần gian, để được Thiên Chúa vận cho nó y phục mới, là ân sủng và tình yêu để sống vĩnh cửu. Vì nhờ cuộc thanh luyện này, trí hiểu con người trở nên thần linh nhờ hiệp nhất với Thượng Trí; lòng muốn được đổi mới và hiệp nhất với lòng muốn và tình yêu Thiên Chúa; cả kí ức, nghiêng chiều và mê thích được biến đổi theo ý Thiên Chúa cách thần kỳ.[153] Từ đây linh hồn thuộc về trời cao hơn là trần gian và chỉ còn Chúa là niềm vui tuyệt đỉnh của mình.

Làm thế nào linh hồn có thể vượt qua được đêm này? Theo thánh Têrêsa Avila, linh hồn phải khiêm nhường, tin cậy tuyệt đối lòng thương xót của Chúa, biết ngoan ngùy đón nhận điều Chúa ban và cả điều Ngài không ban, đón nhận sự thanh luyện như một ân ban từ tình yêu của Thiên Chúa.

3.3. Đau khổ và thần bí

Có mối liên hệ sâu xa giữa đau khổ và thần bí. Dường như đau khổ là điều kiện để được ơn cảm nghiệm thần bí. Lời mời gọi bỏ mình, vác thập giá theo Thày Giêsu cho thấy ai muốn nên một với Ngài trong tình yêu thì phải nên một với Ngài trong đau khổ. Những đau khổ trong cuộc đời của Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá chứng thực cho cảm nghiệm thần bí của các ngài.

Với thánh Gioan Thánh Giá, đau khổ là phương tiện giúp linh hồn tiến sâu hơn vào trong sự khôn ngoan đầy hoan lạc của Thiên Chúa. Đau khổ càng tinh tuyền thì sự hiểu biết càng thâm thúy và tinh ròng hơn.[154] Kinh nghiệm “tử nạn và phục sinh” trong biến cố đau thương của “cuộc chiến huynh đệ” giữa anh em Gốc và anh em Về Nguồn[155] không chỉ in dấu ấn trên cuộc đời, các tác phẩm mà còn làm nên kinh nghiệm thần hiệp của thánh nhân. Quả vậy, bị giam trong phòng chỉ dài ba mét, rộng hai mét, với một cái lỗ nhỏ xíu đủ để cho ánh sáng lọt vào. Ngài bị hoàn toàn cách li, căn phòng giam khắc nghiệt ấy chỉ có Chúa mới vào được.[156] Chính trong những giờ cô tịch, chiêm niệm và đau thương ấy, tất cả sự hiểu biết, kinh nghiệm của thánh nhân tập trung vào Thiên Chúa, Đấng trở nên tất cả cho đời ngài. Từ sự trần trụi của con tim, ngài đã kinh qua đêm tối giác quan và tâm linh, để hoàn toàn thụ động phó thác tuyệt đối định mệnh đời mình trong tay Thiên Chúa. Đối với thánh nhân, đau khổ ở tù là quà tặng của Thiên Chúa. Qua đau khổ, Thiên Chúa có thể thực hiện nơi người ta những điều kỳ diệu.

Từ kinh nghiệm bản thân, thánh Gioan Thánh Giá nêu bài học sống tình trạng đau khổ, chịu đựng nó trong kiên nhẫn với lòng tin.[157] Linh hồn nào thật sự khát khao sự khôn ngoan của Thiên Chúa, phải đón nhận đau khổ, bước vào sự thẳm sâu của thập giá.

Nếu đau khổ đến với thánh Gioan Thánh Giá bởi tù đày, bị anh em coi như kẻ phản loạn, thì nó lại đến với thánh Têrêsa qua bệnh tật. Trong Tiểu sử Tự thuật, thánh nữ đã ghi lại những cơn đau dữ dội đến độ ngất đi và cứ bất tỉnh như thế gần bốn ngày. Một tình trạng mà chỉ có Chúa mới biết thánh nhân đau đớn thế nào:

Trong tình trạng ấy người ta tưởng tôi đã chết. Họ đã đọc đi đọc lại kinh Tin Kính bên tai tôi, đốt nến để rơi sáp trên mí mắt tôi. Trong tu viện Nhập Thể các nữ tu đã đào huyệt chôn xác tôi, ở các tu viện nam cùng dòng đã cử hành lễ cầu cho kẻ qua đời. Nhưng Chúa cho tôi hồi sinh từ cõi chết.[158]

Bệnh tật đã làm cho cuộc đời Têrêsa thành dạng hết sức đặc biệt của sự trọn lành, trong đó, đau khổ trở thành chìa khóa của sự vĩ đại; bệnh tật thành chìa khóa sự thánh thiện. Những cơn đau xé nát da thịt, đã không cho thánh nhân hưởng thụ cuộc sống trần tục mà hướng tư tưởng ngài vào niềm hoan lạc vĩnh cửu. Ý chí bị mất đi trong cơn bất tỉnh, trở nên sẵn sàng cho ý muốn siêu việt của Thiên Chúa hướng dẫn.[159] Cơn bất tỉnh bốn ngày đã “thanh tẩy” thể xác, làm cho giác quan nhậy cảm, dễ tiếp thu những kinh nghiêm siêu giác quan trong những lần xuất thần, ngất trí. Chính từ những đau khổ hằng ngày mà nữ tu Têrêsa Giêsu đã trở thành vị thánh của những cơn xuất thần.[160]

Như vậy, đau khổ có giá trị thanh luyện ý chí và con tim, để biến đổi cái tự nhiên của con người thành siêu nhiên trong sự kết hợp với Chúa. Có đau thương thập giá mới có niềm hoan lạc phục sinh. Vì thế, không có con đường nên thánh cho ai chối bỏ đau khổ.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo (Phần 2)



1.2. Thiên Chúa hiện diện và ẩn khuất

Cảm nghiệm thần bí cũng cho thấy một Thiên Chúa hiện diện và ẩn khuất. Ngài vừa siêu việt vừa nội tại, vừa gần gũi vừa xa cách. Ngài vượt xa thụ tạo ngàn trùng, nhưng lại gần gũi thân thương ở giữa con người. Ngài đáng yêu như vị Hôn Phu nhưng cũng khó kiếm tìm như gió nhẹ. Nên để tìm kiếm Chúa, có lúc người ta cần phải vươn lên cao, có khi phải xuống tận đáy hồn mình, hàn huyên tâm sự với Đấng hiện diện trong sâu thẳm cõi lòng.

Trong Khúc linh ca, ngay khúc ca đầu, thánh Gioan Thánh Giá đã nói về một Thiên Chúa ẩn mình: Người ẩn nơi nao, hỡi Người Yêu Dấu. Nói như thế, linh hồn bày tỏ nỗi khát khao Người Yêu Dấu là Ngôi Lời Thiên Chúa biểu lộ yếu tính thần linh của Ngài, để nó đi tìm. Theo Tin mừng Gioan, Ngôi Lời vốn là Thiên Chúa, hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18), tức yếu tính Ngài là Thiên Chúa. Yếu tính đó xa lạ với mắt phàm và ẩn khuất đối với trí hiểu loài người.[118] Tiên tri Isaia cũng tuyên bố như thế khi thưa với Chúa:“Lạy Thiên Chúa của Ít-ra-en, lạy Đấng Cứu Độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45,15). Cho nên, đối với con người Thiên Chúa luôn luôn ẩn khuất, tìm kiếm Ngài như tìm Đấng ẩn mặt. Hệ luận là dù con người có cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa cách mạnh mẽ, cũng không vì thế mà cho rằng mình đã chiếm hữu được Chúa, đã được thấy Ngài cách tỏ tường.

Với linh hồn, dù được ban cho một vài tia sáng về sự tuyệt hảo của Thiên Chúa, thì vẻ đẹp Sự Thiện Tối Cao ấy vẫn ẩn khuất với nó. Bởi nơi linh hồn Thiên Chúa hiện diện bằng ba cách.[119] Thứ nhất, hiện diện theo yếu tính. Bằng cách này, Thiên Chúa hiện diện trong mọi người, ở mọi nơi và trong muôn vật. Ngài ban cho muôn loài sự sống và hữu thể. Thiếu sự hiện diện này, muôn loài sẽ thành hư không. Cách thứ hai, hiện diện bằng ân sủng, nhờ đó Thiên Chúa cư ngụ nơi linh hồn cách thích thú và hài lòng. Có khi linh hồn cảm nhận được cũng có khi không. Ai phạm tội trầm trọng sẽ mất sự hiện diện này. Cách hiện diện thứ ba là do lòng Chúa ưu ái. Nơi những linh hồn thánh thiện, Thiên Chúa hiện diện và ban cho cảm thức tâm linh khiến nó thích thú, hoan lạc và vui thỏa.

Tuy nhiên, các cách hiện diện này đều mang tính ẩn khuất, bởi ở đó Thiên Chúa vẫn chẳng tỏ mình như yếu tính, cũng do thân phận yếu hèn ở đời này không cho phép người ta có được điều đó. Vì thế đến Khúc ca 1 ,linh hồn đã cầu xin:“Hãy tỏ cho thấy Người đang hiện diện”. Về điều này, cảm nghiệm của Môsê trên núi Xinai sẽ giúp người ta hiểu rằng ở trước nhan Thiên Chúa, Môsê đã thoáng thấy biểu hiện quá cao vời và thẳm sâu của vẻ đẹp thần tính còn ẩn khuất của Ngài. Khao khát chiêm ngắm mạnh mẽ không thể chịu nổi, Môsê đã “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài” (Xh 33,18). Nghĩa là ông xin cho đạt được tình yêu trọn vẹn của vinh quang Chúa. Và Thiên Chúa đã trả lời ông:“Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33,20). Cách khác, Thiên Chúa muốn bảo ông: hỡi Môsê, ngươi đã xin Ta một điều thật khó khăn. Vì vẻ đẹp của Ta quá cao vời, và niềm hoan lạc được nhìn thấy ta quá lớn đến nỗi linh hồn ngươi không thể nào chịu nổi điều ấy trong kiếp sống của ngươi.[120] Cho nên, cảm nghiệm của linh hồn trước vẻ đẹp, tình yêu và bản thể Chúa, ở đời này dù thế nào vẫn là mầu nhiệm ẩn giấu. Đến nỗi chỉ một cái nhìn âu yếm của Chúa đã khiến linh hồn suy nhược, ốm vì yêu. Cảm biết được điều này, câu thơ tiếp theo linh hồn đã thốt lên:“Để cái nhìn và vẻ đẹp của Ngài giết chết em đi”. Vì chỉ qua cái chết con người mới được chiêm ngắm Chúa cách tuyệt đối và vĩnh viễn.

Thánh Têrêsa cũng cho thấy nỗi cực hình khốn khổ khi có được chút khoảnh khắc để ở với Chúa thì Ngài lại ẩn mình đi. Yêu Chúa với tình yêu mãnh liệt, chân thành như tình bạn, thánh nhân dí dỏm thưa với Ngài:“Lạy Chúa, con tin rằng, nếu con có thể ẩn mình khuất mặt Chúa như Chúa đã ẩn mình khuất mắt con, thì tình Chúa yêu con sẽ không thể chịu nổi đâu. Xin Chúa hãy xét coi, đối xử như thế với kẻ yêu mến Ngài nhiều như vậy thì thật là bất công”.[121]

Vậy nên, sống ở trần gian ta có cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa cách sống động qua thiên nhiên, con người, nơi Hội Thánh và trong các bí tích; dù Ngài vẫn đến với ta gần gũi thân thương như người Cha Hiền, người Thày, người Bạn, người Tình, thì sự hiện diện ấy cũng không trọn vẹn bản thể Ngài. Thiên Chúa vẫn như xa cách ngàn trùng, vẫn mãi ẩn khuất đối với con người. Chính vì thế, còn sống là còn thời gian tìm Chúa, tìm kiếm liên lỉ bằng đức tin và tình yêu.

Ở đây cần lưu ý cách kiếm tìm, kẻo miệt mài tìm mà không gặp, như nhà thần bí bản thể Eckhart cảnh giác:“Bất cứ ai tìm kiếm Thiên Chúa thông qua ‘những nẻo đường’ thì chỉ tìm thấy ‘những nẻo đường’ và đang đánh mất Thiên Chúa, Đấng ẩn núp trong nẻo đường. Nhưng ai tìm kiếm Thiên Chúa vượt ngoài những nẻo đường, thì sẽ tìm thấy Ngài như Ngài ở trong chính mình, và người đó sẽ sống với Người Con vì Người Con là sự sống”.[122] Vì với Đấng chịu đóng đinh, Vị Thiên Chúa ẩn giấu nay tỏ lộ cho nhân loại chiêm ngắm.

1.3. Thiên Chúa tự do – con người tự do

Trong cảm nghiệm thần bí, Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá nói về một Thiên Chúa tự do, con người tự do là trở thành nô lệ, nô lệ tình yêu. Đó là đặc tính của tình yêu hoàn hảo “Tình yêu hoàn hảo không muốn lấy không muốn nhận thứ gì làm của riêng mình nhưng chỉ muốn quy tất cả cho Người Yêu Dấu”.[123] Tình yêu chân thật biểu lộ bằng hành động điên rồ.

Quả thật, sự điên rồ của thập giá[124] mà thánh Phaolô ca ngợi đã chẳng diễn tả một tình yêu như điên dại của Đấng Chịu Đâm Thâu đó sao. Thánh Têrêsa Avila thì khẳng định :

Người ta sống đời sống thiêng liêng thực sự khi trở thành nô lệ của Thiên Chúa và được Chúa đóng dấu hiệu tức là dấu thánh giá của Người. Dấu ấy là bảo chứng rằng ta đã trao phó tự do của mình cho Người. Bây giờ Người có thể bán họ, như bán nô lệ cho cả thế giới như chính Người đã bị bán.[125]

Con người là nô lệ của Thiên Chúa, điều này dễ hiểu: là thụ tạo khi nhận ra tình yêu vô biên của Đấng Tạo Thành, tâm tình yêu mến và khiêm nhường thúc đẩy ta khao khát được phục vụ Thiên Chúa như một nô lệ yêu mến, phục tùng Chủ, dù sự thật chúng ta là con Thiên Chúa.[126] Đó cũng là tâm tình của Đức Maria trong ngày Truyền tin, khi Mẹ đón nhận thánh ý Chúa :“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.[127] Trong dòng cảm thức ấy, thánh Phaolô cũng tự hào nhận mình là tôi tớ của Đức Ki-tô,[128] và là tù nhân của Ngài:“Tôi, Phaolô, người tù của Đức Ki-tô Giêsu.” (Ep 3,1). Tuy nhiên, điều thánh Têrêsa cảm nhận khá bất ngờ: bởi chính Người (Thiên Chúa) cũng đã bị bán như một nô lệ. Phải chăng đây thực là sự tự do của Thiên Chúa?

Khi viết điều ấy, chắc hẳn thánh Têrêsa nghĩ đến đoạn Thánh Kinh Chúa Giêsu bị Giuđa bán với giá 30 đồng bạc.[129] Cần phải đẩy xa vấn đề, bởi sự thật không chỉ có thế. Chính sự điên dại của tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Chúa Giêsu trong mầu nhiệm tự hủy (kenosis) mới thật là bất ngờ:

Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2,6-8).

Chúa đã mặc lấy thân nô lệ, vẫn chưa hết, còn chết vì ta. Làm sao ta hiểu được sự tự do thâm sâu này! Lặng theo kinh nghiệm thần bí mà thánh Gioan Thánh Giá mô tả, người ta có thể cảm nhận phần nào. Trong“Những ca khúc giữa linh hồn và Người Yêu Dấu” thứ 31, ngài viết:

Người đã nhìn chỉ một sợi tóc ấy 
Bay trên cổ em
Người đã nhìn nó nơi cổ em 
Và Người đã bị bắt tù ở lại đó
Và Người đã bị thương vì chỉ một liếc mắt em.[130]

Bị cầm tù là mất tự do, có điều ai có thể cầm tù được Thiên Chúa. Người ta nói rằng chỉ một sợi chỉ nhỏ cũng cầm buộc được con chim phượng hoàng, khiến nó không thể bay cao, bay xa. Còn ở đây thì: “Tình yêu là mối dây liên kết điều thiện hảo” (Cl 3,14). Sự thiện hảo là nên một với Thiên Chúa. Đó phải là một tình yêu mãnh liệt, tạo ra từ sức mạnh của các nhân đức, sau khi đã trải qua muôn ngàn thanh luyện gian khổ, khiến nó trở nên thanh khiết tinh tuyền. Thiên Chúa yêu mến tình yêu mãnh liệt ấy nơi linh hồn, nên Ngài “ngắm” nó. Sợi tóc tượng trưng sức mạnh của tình yêu thuần khiết, đã làm cho linh hồn nên một với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bị cầm tù vì sợi tóc tình yêu ấy.

Tình yêu mà Chúa Cha vô biên, vô lượng thiết đãi và tôn vinh linh hồn hèn mọn và say đắm này chân thực đến nỗi chính Ngài lụy phục linh hồn để suy tôn nó, như thể Ngài là đầy tớ và linh hồn là chủ nhân của Ngài. Chúa ân cần thết đãi linh hồn như thể Ngài là nô lệ của linh hồn còn linh hồn là Chúa của Ngài.[131] Tình yêu trung thành trong thử thách có sức mạnh đến nỗi có thể cầm tù được chính Thiên Chúa, Đấng cả vũ trụ không chứa nổi. Khi minh giải khúc ca này, thánh nhân đã reo lên:“Ôi thật đáng mọi khâm phục và mừng vui biết bao khi một vị Thiên Chúa mà lại bị cầm tù nơi một sợi tóc!”.[132] Tình yêu của tôi tớ trung thành không những được Thiên Chúa yêu thương mà còn được chính Ngài phục vụ : “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12, 36). Đúng là có sự chuyển đổi vị trí bởi tình yêu làm nên muôn điều kỳ diệu, vì đặc tính của tình yêu chân thực không giữ lại gì cho mình mà làm tất cả cho người mình yêu. Điều này diễn tả nơi hình ảnh Thày Giêsu cúi xuống rửa chân cho các học trò của mình.[133]

Khi chiêm ngắm Đấng “không còn gì” trên thập giá, Gioan Thánh Giá tuyên bố:“một trái tim trần trụi là trái tim tự do và mạnh mẽ”.[134] Tự do trao hiến của Thiên Chúa gặp tự do từ bỏ trọn vẹn đến trần trụi để thuộc về Ngài của con người. Muốn tự do hãy trở thành nô lệ, nô lệ tình yêu.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.