Các Trang

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

Núi Tao Phùng


Tượng Chúa Giêsu trên đỉnh núi Tao Phùng, Vũng Tàu
23.07.2008

Đức Mẹ Bãi Dâu

Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu. 23.07.2008

Cap Saint Jacques - Vũng Tàu

Cap Saint Jacques (Cấp, Mũi Vũng Tàu) chụp từ núi Tao Phùng
23.07.2008

Trước kia vùng đất này là bãi lầy, nơi thuyền buôn nước ngoài thường vào trú đậu nên gọi là Vũng Tàu. Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha khi đi qua mũi đất này đã lấy tên Thánh Giắc đặt cho nó, do đó người Pháp gọi nơi này là Cap Saint Jacques (mũi đất mang tên Thánh Giắc), tiếng Việt là Cap Xanh Giắc. Người Việt theo đó gọi là Cấp (gốc tiếng Pháp: Cap) hoặc Ô Cấp (gốc tiếng Pháp: au Cap). Hiện nay mũi đất cực nam của Vũng Tàu có tên gọi là "mũi Nghinh Phong".

Vũng Tàu cũng từng có tên là Tam Thoàn hay Tam Thắng để ghi lại sự kiện thành lập ba làng đầu tiên ở đây: Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam. Chữ Tam Thắng là biến âm của Tam Thoàn, tức Ba Thuyền.

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoái Đức
thì "'Thuyền Úc', tục danh Vũng Tàu... phía bắc ôm cửa Tắc Khái, phía nam đỡ núi Thát Sơn để che cửa Cần Giờ. Mặt vụng trông về hướng tây, rộng lớn mông mênh để thu nạp các dòng nước sông đầm chảy về biển mà làm nơi êm đềm cho thuyền bè ẩn đậu." (Trích Wikipedia)


Thứ Hai, 28 tháng 7, 2008

Mật và Tiếng Cười


Con ong hút nhụy cành hoa,
Còn tôi chia sẻ thịt da của Người.
Con ong góp mật cho đời,
Còn tôi xin góp tiếng cười nhỏ nhoi.

Để Được Hạnh Phúc

(Mt 5,1-12)

Ai cũng mơ ước được sống một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc và ai cũng nỗ lực để xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng tại sao lại có lắm cuộc đời “bất hạnh”; mặc dù, khách quan mà nhận xét, những người ấy xem ra cũng đã thành đạt ít nhiều trong cuộc sống?

Để có thể giải gỡ được cái gút mắc nêu trên, trước hết phải xác định lại thật chính xác: “Như thế nào thì gọi là hạnh phúc ?” Trả lời cho câu hỏi này hẳn nhiên là có rất nhiều lời giải đáp. Tuy nhiên, đối với người Ki-tô hữu thì không có lời giải đáp nào chính xác cho bằng lời giải đáp của Chúa Giê-su qua tuyên ngôn “Tám mối Phúc Thật” mà thánh Mát-thêu đã ghi lại. Ai có thể đưa ra một định nghĩa xác thực về hạnh phúc cho bằng chính Đấng là Cội-Nguồn-Của-Hạnh-Phúc?

“Phúc cho ai nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khát khao công chính, biết xót thương, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, bị bách hại vì sống công chính.” Lời chúc phúc vạch ra tám con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực và đây là tám con đường hoàn toàn không bình thường một tí nào : chúng hoàn toàn đi ngược lại quan điểm thông thường của con người về hạnh phúc! Đây đúng là tám con dốc ngược dẫn đến cội nguồn hạnh phúc!

Tuy là tám con dốc, tuy đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng để leo dốc, nhưng chúng không phải là tám con dốc “vô cớ sự”, bởi vì chúng đã được bảo chứng bằng cuộc sống tại thế của Chúa Giê-su: tám con dốc ấy được trải dài từ hang đá Bê-lem đến đồi Gôn-gô-tha. Chúa Giê-su đã đi qua con đường dốc ngược dẫn đến hạnh phúc để đưa ra cho nhân loại một mẫu gương, một lời bảo đảm về niềm hạnh phúc đích thực mà những ai đi theo bước đường của Ngài sẽ được chung hưởng với Ngài: con đường tử Bê-lem ngang qua Gôn-gô-tha sẽ dẫn đến Nước Trời.

Hạnh phúc đích thực là như thế, cho nên những ai muốn đạt được hạnh phúc thì phải chấp nhận bước theo những con dốc mà Chúa Giê-su đã vạch ra và đã đi tiên phong. Những ai ước mơ hạnh phúc mà chọn lấy một đường nẻo khác là đã “lạc lối” ngay từ đầu, nên không lạ gì khi họ gặp phải “bất hạnh” ngay cả trên những thành công gọi là đáng kể của cuộc đời họ. Họ “bất hạnh” vì họ đã xây dựng một niềm hạnh phúc khác với niềm hạnh phúc đích đích thực mà Chúa Giê-su đã vạch ra cho con người.

Để được hạnh phúc, không thể có con đường nào khác hơn con đường “Tám mối Phúc Thật”. Tôi đã xác tín về điều này chưa? Tôi có luôn kiên vững đi trong đường lối này không?

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2008

Mắt Đá

Ảnh chụp tại khu trưng bày các tác phẩm điêu khắc
tại bờ nam sông Hương, Huế. 06.2008

Đá kia biết mở mắt nhìn,
Còn tôi sao vẫn cố tình làm ngơ.
Sớm, trưa, mưa, nắng... hững hờ!

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

Cuộc Gặp Gỡ Định Mệnh

(Mt 9, 9-13)

Trong cuộc sống, gặp gỡ nhau là việc thường tình. Tuy nhiên, có những cuộc gặp gỡ làm thay đổi vận mệnh của một đời người. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Lê-vi là một trong những trường hợp đó.

Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giê-su, những người làm nghề thu thuế bị dân chúng ghét bỏ và liệt vào hạng tội lỗi. Ông Lê-vi là một nhân viên thu thuế, và người ta nhìn ông với cặp mắt đầy ác cảm. Sự ác cảm này không phải là vô cớ, vì khi làm nghề thu thuế, hầu chắc ông khó tránh được những lần lem nhem tiền bạc, đút lót đầu này ăn chận đầu kia. Sống chung với những người thu thuế , làm sao ông có thể tránh được những thói hư tật xấu của họ? Ông cha ta có nói: "Gần mực thì đen", câu nói này chắc cũng không ngoa! Có tiền có quyền thì dễ có cơ hội giao du với những người xa hoa phóng đãng. Số bạn bè mang tiếng là "bọn thu thuế và quân tội lỗi" đến dự tiệc tại nhà ông hôm ấy có thể minh chứng phần nào cho điều này.

Tuy hành nghề thu thuế, tuy sống lăn lộn với giới bất lương tội lỗi, nhưng thâm tâm ông luôn cảm thấy bất an. Ông cảm thấy đời mình có cái gì đó không ổn, có cái gì đó cần phải bỏ đi, có cái gì đó cần phải sửa sang chỉnh đốn lại. Ban ngày ông ra bàn thu thuế loay hoay với tiền bạc, với những kẻ trên cúi dưới lòn. Nhưng đêm về, đối diện với chính mình, ông thấy buồn da diết: tiền bạc không mang lại cho ông niềm vui đích thật! Từng đêm rồi lại từng đêm, ông dằn vặt khổ sở vì những ý nghĩ tốt xấu cứ đấu tranh dai dẳng trong tâm hồn. Ông muốn tìm cho mình một lối thoát, thế nhưng cái thòng lọng của nghề nghiệp, của lợi nhuận vẫn cứ xiết chặt lấy ông.

Mấy hôm rồi, quanh bàn thuế, ông nghe người ta nói nhiều đến một Thầy Giê-su nào đó đã mang lại an vui cho nhiều người. Lê-vi nửa tin nửa ngờ: Thầy Giê-su là ai mà có thể làm được điều đó? Ông tò mò tìm hiểu và nghe được rất nhiều điều thú vị. Ông thầm ước mong mình có cơ hội gặp được vị Thầy có sức cảm hóa ấy, nhưng công việc bàn thuế và các mối giao lưu nghề nghiệp cứ chiếm hết giờ của ông!

Thế rồi hôm nay, một ngày định mệnh của đời ông: Thầy Giê-su đi ngang trạm thu thuế, thấy ông và gọi ông. Không chần chừ, ông đứng dậy đi theo Người, liều mất cả việc làm béo bở, liều chịu mọi hậu quả rắc rối có thể xảy đến sau này.

Lê-vi đã khởi sự tiến trình hoán cải. Ông đã cương quyết rời bỏ bóng tối để đi ra miền đất ánh sáng. Ông cương quyết làm lại cuộc đời. Cơ hội đã tới, ông phải bám lấy nó, không thể để cơ hội hiếm hoi này vuột khỏi tay ông. Ông đã quá ngán ngẩm những đêm dài trằn trọc. Phải cương quyết ra đi thôi. Ông về nhà tổ chức một bữa tiệc lớn, mời Thầy Giê-su, các môn đệ của Thầy và các thân bằng quyến thuộc của mình đến chung vui, để nói lên quyết định trọng đại của mình, để từ giả họ mà đi theo vị thầy mà ông tin là sẽ mang lại cho đời mình niềm hạnh phúc an vui đích thật.

Bữa tiệc vui này lại làm xốn xang những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ. Vốn tự xưng là công chính, những người này mới lẩm bẩm trách tại sao các môn đệ của Chúa Giê-su lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư này không muốn hoán cải và cũng không muốn thấy những người khác hoán cải! Chúa Giê-su điềm tĩnh trả lời: " Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn " .

***


Tiến trình hoán cải là con đường trở về được Thiên Chúa vạch ra cho tôi, là một tội nhân. Tiến trình này cho tôi thấy lòng thương xót bao la của Thiên Chúa biểu lộ qua Chúa Giê-su Ki-tô. Người không đến để luận tội tôi, nhưng để vạch cho tôi thấy tội lỗi của mình mà hoán cải, hầu được giải thoát khỏi vòng cương tỏa của tội lỗi và được sống an vui thanh thản. Qua các câu chuyện thuật lại trong các sách Tin mừng, tôi thấy Chúa Giê-su luôn tìm dịp đến với những người tội lỗi. Ngài lân la chuyện trò với họ. Ngài cùng ăn cùng uống với họ, để khơi dậy nơi họ niềm hy vọng vươn lên khỏi tình cảnh đáng thương của mình. Và khi kẻ tội lỗi đã có thiện chí hoán cải, Ngài luôn tạo cơ hội thuận tiện để giúp họ làm lại cuộc đời.

Tôi là một tội nhân trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh chị em. Vì là người có tội, tôi thường mang nhiều mặc cảm. Tôi muốn vươn lên, muốn thoát ra khỏi tình trạng đáng buồn của mình. Nhưng có lúc tôi không đủ can đảm, có lúc lại chẳng có ai chìa tay ra nâng đỡ tôi! Chúa Giê-su hiểu rõ tâm trạng này. Ngài là vị Lương Y từ ái sẵn sàng ra tay cứu chữa mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền. Ngài là vị Mục Tử nhân lành biết rõ từng con chiên của mình. Ngài sẵn sàng tạm rời chín mươi chín con chiên đã yên ổn trong đàn để đi tìm một con chiên lạc, và đưa nó trở về sum họp với đàn .

Lạy Chúa Giê-su, con là một tội nhân hư hỏng. Những tội lỗi mà con quen phạm cứ mãi dằn vặt trong tâm hồn con. Con rất muốn dứt bỏ những tội lỗi ấy. Nhưng rồi con cứ sa đi ngã lại mãi, khiến nhiều lúc con nản chí muốn buông xuôi. Xin Chúa giúp con đảm đứng dậy như ông Lê-vi, đi ra khỏi vùng đất tối tăm của sự chết, để theo Chúa tiến về miền đất ánh sáng của sự sống muôn đời./.

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2008

Hải Vân Quan


Hải Vân Quan: "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" (關雄一第下天),
xây thời Minh Mạng, trên đèo Hải Vân nối liền Huế-Đà Nẳng
Ảnh chụp năm 2000
Ảnh chụp 29.05.2008

Ngày xưa tôi đứng nơi đây
Trấn quan, trấn ải, trấn ngay quân thù.
Bây giờ tôi đứng trơ vơ!


Hầm Hải Vân, khánh thành 05.06.2005

Ảnh chụp 07.06.2008, hướng từ Huế vào Đà Nẳng

Đi đường hầm sẽ không lên đèo Hải Vân và sẽ không được ngắm Hải Vân Quan
Ảnh chụp 07.06.2008

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2008

Hành Trình Đến Cõi Tuyệt Đối

Từ “THẤY MÀ KHÔNG TIN” để đi đến “KHÔNG THẤY MÀ TIN”


“Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29b). Đây là lời chúc phúc của Chúa Giê-su gởi đến cho những ai tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa mà không cần đến những chứng cớ hiển nhiên, không cần Ngài phải xuất hiện tỏ tường hay phán bảo rõ rệt cho mình. Dĩ nhiên, không phải dễ đạt tới một đức tin kiên vững như thế mà không trải qua những bước đầu chuẩn bị cho đức tin ấy. “Thấy mà không tin” có thể kể là một trong những bước chuẩn bị đó.

“Phúc thay những người thấy mà không tin!”: chúng ta thử đảo ngược câu nói của Chúa Giê-su để tìm ra khía cạnh bổ sung cho đức tin của người Ki-tô hữu.

Chúng ta thấy gì ? – Chúng ta thấy rất nhiều thứ xảy ra trong đời sống của chính mình và của những người khác. Đại để chúng ta có thể xếp chúng vào ba thứ mà mãnh lực của chúng chi phối đời sống của chúng ta một cách rõ rệt: tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng. Ba thứ này lúc nào cũng lồ lộ ra trước mắt chúng ta và luôn thu hút nhãn quan thể xác cũng như linh hồn của mỗi một người chúng ta. Hoặc ít hoặc nhiếu; hoặc một, hai, hoặc cả ba; ai ai trong chúng ta cũng cảm thấy mình bị cuốn hút bởi hấp lực của chúng, và càng bị chúng hấp dẫn chúng ta càng “thấy” chúng rõ hơn. Chúng ta thấy, và nếu không đề cao cảnh giác thì chúng ta sẽ “tin” vào quyền lực của chúng; chúng ta sẽ phủ phục trước quyền lực của chúng và suy tôn chúng làm chủ tể, làm cùng đích của đời chúng ta !

“Thấy mà không tin” thật ra cũng không phải là một chuyện dễ; vì tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng có vẻ như đã đáp ứng, đã thoả mãn được những nhu cầu “bên ngoài” của những ai chú trọng đến đời sống “tai nghe mắt thấy”. Muốn “thấy mà không tin”, chúng ta phải tập cho mình có một cái nhìn xuyên thấu các dáng vẻ bên ngoài để gặp được cái cùng tận ở bên trong. Chúng ta phải tập thấy “khác” với những gì lồ lộ ra trước mắt, và một khi đã khám phá ra “bộ mặt thật” của chúng thì chúng ta sẽ không còn “tin” vào những gì đang phơi bày ra trước chúng ta nữa.

“Phúc thay những người không thấy mà tin!”: nhờ khám phá ra “bộ mặt thật” của tiền bạc, của sắc đẹp, của danh vọng mà chúng ta không còn bị loá mắt, không còn bị hấp lực của chúng cuốn hút một cách mãnh liệt như trước nữa: chúng ta thấy mọi thứ chỉ là tương đối và chẳng có thứ gì làm cho chúng ta thoả mãn một cách tuyệt đối được. Lòng chúng ta sẽ thấy trống vắng và dậy lên lên một nỗi khát khao cái “Tuyệt Đối”. Chúng ta sẽ bươn chải lên đường tìm kiếm Tuyệt Đối. Hành trình có thể đầy gian nan thử thách. Chúng ta có thể phải lần mò như người đi trong đêm tối. Tuy nhiên chúng ta sẽ không nghi nan, không nản chí, vì chúng ta tin tưởng rẳng cái “Tuyệt Đối” là một điều có thực dù chúng ta chưa hề thấy bao giờ. Chúng ta sẽ không đòi thấy cho được những gì tuyệt đối rồi mới tin vào cái “Tuyệt Đối”, vì chúng ta đã có kinh nghiệm về những thứ mà chúng ta đã thấy rõ ràng nhưng đã không tin. Và cuối hành trình, chúng ta sẽ khám phá ra cái “Tuyệt Đối” ấy chính là Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con tập nhìn mọi sự trong Chúa và thấy Chúa trong mọi sự để con có thể sống lời Chúa chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” ./.

Tình Gọi

Bến phà Cát Lái, Saigon, 2003

Qua sông có một chuyến đò,
Qua đời có buổi hẹn hò đầu tiên.
Mau lên kẻo hụt tình duyên
Lấy chi mà nối cho liền ái ân?
Lỡ đò thì đứng tần ngần,
Lỡ tình đành phải phân vân một đời.
Nhanh lên hỡi bạn tình ơi!

Muối Cho Đời

NGÔI LỜI
(Ga 1,1-3)

Ngài là vô thuỷ vô chung,
Ngài là không-trước đến cùng không-sau.
Nhờ Ngài muôn sự khởi đầu ./.


TÂM TRẠNG PHÊRÔ

Con thề sẽ chết theo Thầy.
Đi vài ba bước, con quay lại nhìn!
Cái gì níu kéo bàn chân?


HÃY THẢ LƯỚI BÊN PHẢI MẠN THUYỀN
(Ga 21,6)

Đâu là “bên phải mạn thuyền”
Để con thả lưới cho thuyền đầy khoang
Giữa lòng biển cả trần gian?


LADARÔ
(Ga 11,1-44)

Tôi đây chết đã bốn ngày,
Tình Yêu gọi dậy, tôi nay nói cười.
Nhanh chân trở lại với đời ./.


BÀ GOÁ XARÉPTA
(1V 17,7-16)

Vì tin hũ bột không vơi
Vò dầu chẳng cạn nên tôi sẵn sàng
Hễ còn thì cứ trao ban ./.


MUỐI CHO ĐỜI
(Mt 5,13)

Nước ốc thì nhạt đã đành,
Muối mà cũng nhạt, hỏi anh làm gì?
Làm gì? Đem ném phứt đi!


ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN
(Mt 5,15-16)

Cái đèn có đế thật cao,
Tôi rót dầu vào, nó sáng thật xa.
Sáng mình, sáng cả người ta ./.

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2008

Sống Trung Tín

MUỐN TRUNG TÍN SUỐT ĐỜI, PHẢI TẬP TRUNG TÍN NGAY TỪ HÀNH VI NHỎ NHẶT NHẤT

Tư tưởng chỉ huy hành động, nhưng ngược lại, hành động cũng gây ảnh hưởng trên tư tưởng. Một nhà tư tưởng đã phát biểu: “Hãy làm theo những gì bạn nghĩ, nếu không, bạn sẽ nghĩ theo những gì bạn làm.” Cho nên, cùng một lúc với việc chỉnh đốn tư tưởng, tôi cần phải chỉnh đốn việc làm cho hợp với các tư tưởng ấy. Cùng lúc với việc hiến dâng ngay từ ý nghĩ nhỏ nhặt nhất, tôi còn cần tập hiến dâng ngay từ hành vi nhỏ nhặt nhất. Tri hành hợp nhất sinh ra khoa học.

Trong “khoa học tu đức” cũng thế, cần phải suy nghĩ sao cho hợp ý Chúa và đồng thời cũng cần phải hành động sao cho hợp với các suy nghĩ ấy. “Tri thiên ý” và “hành thiên ý” tạo nên đời sống khoa học trong tu đức.

Thường thì tôi dễ lưu tâm đến những công việc lớn lao, những hành vi “có sức nặng” trên cuộc đời mình và cuộc đời người khác. Còn trong những công việc nhỏ nhặt, những hành vi “vô danh” thì thật khó mà lưu tâm đến. Và công việc càng nhỏ nhặt bao nhiêu, hành vi càng “vô danh tiểu tốt” bao nhiêu thì tôi lại càng dễ lơi lỏng, dễ khinh xuất bấy nhiêu.

“Ai trung tín trong việc nhỏ, cũng sẽ trung tín trong việc lớn” (Lc 16,10a). Chân lý này phải được tôi nhắc lại trong mỗi giây phút của cuộc đời. Sự trung tín của tôi vào giây phút quyết định cuối đời sẽ là kết quả của sự trung tín của tôi trong mọi hành vi dù nhỏ nhặt nhất suốt cuộc đời.

Lạy Chúa, xin giúp con can đảm và kiên nhẫn để tập trung tín ngay trong những việc nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hằng ngày ./.