Bước vào Tam Nhật Thánh, chúng ta được mời gọi đi theo Chúa Giê-su đến phòng Tiệc Ly. Đây là bữa ăn cuối cùng, là lần sau hết Thầy trò được ngồi quây quần bên nhau. Nhìn những khuôn mặt thân yêu mà mình sắp phải chia tay, lòng Chúa Giê-su trào dâng thương mến. Ngài yêu thương họ quá, bởi vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài. Trong suốt ba năm bôn ba rao giảng, Ngài luôn là một chỗ dựa vững chắc cho họ. Họ rất nhiệt thành, nhưng họ cũng còn rất non dạ yếu lòng. Ngài đã phải giảng giải cho họ đủ điều, thế nhưng xem ra họ chưa tiếp thu được bao nhiêu. Họ chưa đủ sức để tự mình quyết định trong những tình cảnh khó khăn. Hầu như Ngài luôn phải can thiệp để giúp họ giải quyết các trường hợp khó xử. Như những môn sinh chưa đủ bản lãnh để xuống núi hành đạo, họ cần phải được nâng đỡ rất nhiều. Thế nhưng, giờ của Chúa Giê-su đã đến. Cái thời khắc quyết định để Ngài hoàn thành sứ mạng cứu thế đã gần kề. Đã đến lúc Ngài phải chia tay họ để trở về với Chúa Cha, Đấng đã sai phái Ngài xuống thế gian. Ngài sắp ra đi, nhưng tình yêu của Ngài dành cho họ thì không muốn ra đi. Tình yêu mãnh liệt này muốn ở lại với họ luôn mãi. Làm thế nào để có thể vừa về với Chúa Cha, đồng thời vừa ở lại với các môn đệ thân yêu? Đối với con người thì đây là hai ước vọng không thể đáp ứng cùng một lúc. Nhưng, như đã từng xảy ra trong biến cố Truyền Tin, đối với Thiên Chúa thì không sự gì là không thể làm được. Chúa Giê-su đã nghĩ ra một sáng kiến tuyệt vời để ở lại với các môn đệ mà Ngài yêu quý: con người sống nhờ có ăn có uống, con người cùng vui vẻ quây quần với nhau chung quanh bàn ăn. Vậy thì Ngài sẽ ở lại với họ trong một bàn ăn tương tự như buổi Tiệc Ly hôm nay. Họ sẽ chung mâm với nhau, lương thực nuôi sống tình yêu của họ sẽ là Thịt Máu của Ngài. Ngài sẽ luôn luôn có mặt với họ và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng sức sống thần linh mà Ngài đã lưu truyền sang cho họ. Bàn tiệc Thánh Thể được thành hình, và Chúa Giê-su muốn bàn tiệc này sẽ được tái diễn mọi ngày cho đến khi Ngài trở lại trong ngày sau hết. Như thế, Ngài sẽ không bao giờ xa cách các môn sinh của mình, các môn sinh mà Nhóm Mười Hai sẽ gầy dựng trong tương lai.
Tin mừng theo thánh Gio-an không thuật lại việc Chúa Giê-su lập phép Thánh Thể, thay vào đó, tác giả lại cho chúng ta tham dự vào việc Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Cả hai đều là những sáng kiến tuyệt vời của tình yêu. Khi nhập thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự hạ làm một con người. Giờ đây, trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su còn tự hạ để trở nên lương thực nuôi sống con người. Cũng vậy, khi quy tụ các môn đệ từ giới bình dân, Chúa Giê-su đã tự chọn vai trò lãnh đạo đám người quê mùa dân dã. Giờ đây, khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su còn từ bỏ vị thế của một bậc Thầy, nhận lấy thân phận của một kẻ nô lệ rửa chân cho các học trò của mình.
Các môn đệ sửng sốt trước việc làm quá bất ngờ của Thầy. Cũng như những lần khác, ông Phê-rô nhanh nhẩu phát biểu ý kiến. Ông không thể chấp nhận việc nầy. Ông không thể để Thầy cúi xuống rửa chân cho mình. Ai lại đi làm một việc ngược đời như thế bao giờ? Trò còn chưa rửa chân cho Thầy, mà Thầy lại đi rửa chân cho trò ư?
Lạy Chúa Giê-su, Thầy phục dịch trò quả là một chuyện ngược đời. Nhưng Chúa đã muốn làm chuyện ngược đời này để nêu gương phục vụ vì yêu. Muốn yêu thương cho đến tận cùng, phải chấp nhận hạ mình như thế. Khi yêu, phải quên mình đi để phục vụ cho lợi ích của kẻ mình yêu. Không làm được như thế thì chỉ là mới yêu nửa vời, yêu có chừng mực. Mà Chúa lại muốn các môn đệ của Chúa phải yêu tha nhân đến cùng như Chúa đã yêu .
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trở nên tấm bánh ly rượu để làm no lòng người khác. Chúa đã trở thành kẻ nô lệ để phục dịch người khác. Tất cả đã được Chúa thực hiện chỉ vì tình yêu. Chúa muốn con kéo dài bí tích Thánh Thể ra trong đời con bằng cách trở thành tấm bánh ly rượu nuôi dưỡng tha nhân. Chúa cũng muốn con tiếp tục công việc rửa chân mà Chúa đã làm bằng cách quên mình để phục vụ kẻ khác.
Lạy Chúa, xin giúp con quảng đại làm mọi sự vì yêu như Chúa đã yêu. Amen ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét