Các Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Chữ Nôm Đang Biến Mất - 2


HỒN VIỆT LẠT PHAI
GiadinhNet - Với sự áp chế mạnh mẽ của chữ Hán trong triều đình phong kiến Việt Nam, chữ Nôm vẫn đi con đường rất thênh thang và lâu bền của mình trong văn hóa Việt, đơn giản là vì chỉ có nó mới đủ tính cách để ghi lại đời sống Việt.
Nếu chữ Nôm mất đi, nhiều điều đáng tự hào mang tên “gốc Việt” cũng sẽ mất theo.
Tại phố ông Đồ, Văn Miếu - Hà Nội, những người "cho chữ" Nôm còn lại rất ít.
Xin chữ để con… ăn nhiều 
Tết năm 2010, một bà mẹ trẻ dẫn đứa con nhỏ xíu, gày như chiếc kẹo ra Văn Miếu xin chữ, bày tỏ với ông đồ rằng chỉ mong sau cháu chịu ăn, chứ cháu lười ăn quá.
Ông đồ đầu tiên đề nghị chị lấy cho cháu chữ “Đỗ đạt”. “Nhưng cháu mới có 3 tuổi, cháu chưa nghĩ xa thế, ông cho cháu xin chữ gì để cháu ăn được nhiều”, bà mẹ trẻ khăng khăng ý định ban đầu. “Thì có hay ăn chóng nhớn mới đỗ đạt được chứ!”, ông đồ giải thích. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ quá buồn phiền vì sự gày yếu của cậu con trai, chả màng gì việc đỗ đạt, đành xin lỗi ông đồ sang chiếu khác. Ông đồ thứ hai đề nghị chị lấy chữ “Thực”, “Thực có nghĩa là ăn”, ông đồ giải thích.
“Nhưng cháu muốn thằng bé cũng hiểu được, có chữ gì mà nói cái mà bọn trẻ cũng hiểu được không ạ?”, bà mẹ trẻ hỏi; “Thì Thực có nghĩa là ăn, thế chả nhẽ lại cho chữ Ăn!”, ông đồ thứ hai cười lớn.
Tuy nhiên, bà mẹ trẻ cuối cùng cũng xin được chữ “Ăn” chỗ ông đồ thứ ba, chữ mà cậu bé 3 tuổi nhà chị mỗi lần nghe mẹ nhắc đến sẽ hiểu rằng ông đồ già ngoài Văn Miếu bảo rằng cậu phải chăm chỉ ăn mới được. Chữ “Thực” và chữ “Ăn” cùng là chữ vuông, cả hai đều mang đầy đủ ý nghĩa nhưng chẳng mấy người muốn cho chữ “Ăn” cả.
Thư pháp Nôm: Im lặng là vàng.
Quan trọng là mình còn muốn học hay không?
Đào Hồng Phúc, một thanh niên được biết đến như một ông đồ trẻ thường bày chiếu chữ tại vỉa hè Văn Miếu mỗi dịp Tết, người có biết chút ít chữ Nôm cho biết: “Tôi thì chẳng cho rằng chữ Nôm là khó đâu nhưng quan trọng là mình còn muốn học nó hay không”.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Trịnh Khắc Mạnh, khoảng năm 2001, Viện Hán Nôm có tổ chức khóa học 3 năm một lần, học chữ Nôm riêng, tuy nhiên, đến giờ lớp chữ Nôm đó không còn nữa.
Với 1.500 văn bản nôm ít ỏi còn lại (tại Viện Hán Nôm), cộng với việc thế hệ cũ đã lần lượt tuân theo lệnh của tuổi già ra đi, 20 năm nữa, tìm lại một người vừa thông thạo chữ Nôm, vừa đã được đích thân trải qua những thăng trầm của Nôm trong lịch sử sẽ là điều không thể nữa. 
Phố ông đồ mở ra mỗi năm tại Văn Miếu, giờ chỉ còn một người cho chữ Nôm. 20 năm nữa, có lẽ phố ông đồ sẽ vẫn còn nhưng người cho chữ Nôm thì không biết có còn không.
Giải thích về việc tại sao ít người cho chữ Nôm đến vậy, ngoài lí do người thông thạo nôm chẳng còn là bao, các chuyên gia cổ học cho rằng một phần là do khi cho chữ, người cho luôn có xu hướng cho chữ Hán, còn người xin chữ thì chẳng quen gì với việc xin những chữ có vẻ chân chất của Nôm, mà muốn gì đó nghe có vẻ to tát, khó hiểu của Hán.
“Nói chung mình ra xin chữ thì thường xin mấy chữ Tâm, Hiếu, Trung, Đăng Khoa... chứ cũng chẳng bao giờ xin mấy chữ kiểu như: Im lặng là vàng, ăn... nghe nó cứ thế nào! Không giống thư pháp cho lắm!”, một bạn trẻ xin chữ trong Văn Miếu dịp nghìn năm Thăng Long cho hay.
Mặc dù khi xin xong chữ Hán, người xin vẫn phải ngồi lại để nghe ông đồ giảng chữ Hán đó sang chữ Nôm nhưng cả hai đều như thể không mấy khi nghĩ rằng thay vì cho chữ Hán, tại sao không cho chữ Nôm để người Việt nào đọc cũng hiểu, không cần phải đi qua một cây cầu cao siêu chông chênh nào khác.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Trịnh Khắc Mạnh, khoảng năm 2001, Viện Hán Nôm có tổ chức khóa học 3 năm một lần, học chữ Nôm riêng, tuy nhiên, đến giờ lớp chữ Nôm đó không còn nữa.
Vậy còn lớp cổ học thì sao? Đáng tiếc là những người theo đuổi cổ học, nhất là Nôm học giờ chẳng còn bao nhiêu nữa, nói gì đến 20 năm sau. Lớp học Nôm và Viện trưởng Trịnh Khắc Mạnh đề cập đến từ những năm 2001 cũng chỉ có 5-7 người và giờ đây thì lớp học ấy cũng không còn nữa.
Văn tự chính thống chữ Hán trên các văn bia tại Văn Miếu.
Mất chữ Nôm là mất gốc Việt
Nôm học là một trong những chìa khóa cho Việt Nam học. Những lớp lang văn hóa theo thời gian đã bị lịch sử phủ một lớp bụi dày, nhiều điều xưa kia giản đơn nay đã trở nên bí ẩn và Nôm chắc chắn sẽ giúp rất nhiều trong công cuộc “vén màn” vất vả đó. Tuy nhiên, khi thế hệ cũ ra đi hết, người uyên bác về Nôm chẳng còn, việc giải mã chính chữ Nôm còn khó, nói gì đến dùng Nôm để giải mã văn hóa Việt cổ.
Hãy để vấn đề văn hóa sang một bên và đi vào một con chữ thật cụ thể. Từ Nôm “Lông vết” khi xưa có nghĩa là của cải: “Nhà nó chả có cái lông vết nào cả” hoặc “Thằng này chẳng có cái lông vết gì”. Từ Nôm này cho đến giờ không còn được dùng với nghĩa của cải nữa. “Lông vết” của quốc ngữ bây giờ đã khác rất nhiều.
Họa sỹ Phan Cẩm Thượng cho biết, ông Nguyễn Khắc Bảo ở Bắc Ninh đã tìm cách phiên âm gốc chữ Nôm trên các văn bản truyện Kiều cổ, cũng làm được nhiều việc đáng kể. Có nhiều trường hợp chữ Nôm xác định đúng ý nghĩa của câu hơn. Ví dụ câu Kiều: Khi tựa gối, khi ôm đầu/Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày. Nếu người đọc chữ Quốc ngữ đôi khi lầm tựa gối là tựa đầu gối chân, nhưng ông Bảo phát hiện đó là chữ chỉ cái gối xếp ngày xưa, tức là Thúc Sinh tựa cái gối xếp nghe Kiều gẩy đàn.
Vậy là nguyên lý của các nhà ngôn ngữ học, khi não không còn ghi nhận được tên gọi của sự vật thì sự vật ấy cũng sẽ biến mất, trở nên quá đúng trong trường hợp này.
Chúng ta sẽ mất đi những gì khi chữ Nôm thực sự chỉ còn tồn tại dưới dạng “đời sống thực vật” trong các Viện nghiên cứu và chìm nổi trong dân gian, thì một cá nhân khó lòng đánh giá hết. Chỉ biết rằng cái mà người Việt đã từng có, là rất nhiều văn hóa Việt, là hồn cốt Việt, là lịch sử Việt thì sẽ theo đó mà đi.
Họa sĩ Phan Cẩm Phượng
Tiếc lắm!
Có thể nói cho đến nay không ai dùng chữ Nôm để ghi chép nữa, ngay cả các nhà nghiên cứu Hán Nôm, hoặc chỉ chép lại các văn bản cũ làm tư liệu thôi. Khi chữ Quốc ngữ được dùng phổ biến, người Việt Nam chỉ mất ba tháng là đọc viết được, thay vì, phải học chữ Hán, rồi mới học được chữ Nôm, hàng chục năm mới dùng được. Chữ Quốc ngữ ra đời là một sự thay đổi lớn lao khiến tri thức được phổ biến nhanh và rộng hơn. 
Chữ Nôm có giá trị trong thời đại của nó, khi chưa có hình thức ghi âm tiếng Việt nào khác. Nhưng tiếc cũng không được, vì đó là hiện thực. Tuy nhiên, việc đào tạo một số người học Hán - Nôm cho nghiên cứu văn hóa dân tộc, luôn là cần thiết, nhất là không chỉ có chữ Nôm ghi tiếng Việt, mà còn có Nôm Tày, Nôm Dao. 
Vấn đề là ai học, ai dậy, học xong thì làm gì, thì hình như chưa ai đặt ra chương trình nào cả. Những người biết chữ Nôm và dùng chữ Nôm hiện tại chủ yếu là tự học mà thôi. Trước đây ông Cung Khắc Lược có mở một lớp học chữ Nôm Việt và Nôm Tày, nhưng hình như hiện tại đã thôi. Thật tiếc! 
- Họa sỹ Pham Cẩm Thượng
Thùy Ninh
Nguồn: http://giadinh.net.vn/20101125031826880p0c1003/chu-nom-dang-bien-mat-2-hon-viet-lat-phai.htm#

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét