Các Trang

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm


Thứ Tư 6, Tháng Giêng 2010, do BTV ĐT
Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (Hoa Kỳ) ra đời vào cuối năm 1999. Từ đó tới nay, mục đích của Hội là làm tăng nhận biết di sản lớn lao về hệ thống chữ Nôm và phát triển các công cụ máy tính để truy nhập vào nó.

Hội được hình thành từ việc chuẩn bị bản thảo cuốn thơ Hồ Xuân Hương, Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương (Nhà xuất bản Copper Canyon Press, 2000), mà tôi đã dịch và biên tập. Spring Essence đã được in bằng ba loại chữ viết: theo phông Quốc ngữ mới do James Đỗ Bá Phước tạo ra, theo bản dịch tiếng Anh của tôi, và có điều chúng tôi tin là bản in Nôm đầu tiên khác với bản khắc gỗ trong phông true type do Ngô Thanh Nhàn tại Viện Toán học Courant tạo ra.

Thơ của Hồ Xuân Hương, bây giờ lần đầu tiên được xuất hiện bằng tiếng Anh qua bản dịch này, đã tạo ra một cảm giác gì đó ở Mĩ. Trong khi sự tuyệt diệu trong thơ của bà có lẽ đã không gây ra ngạc nhiên cho hầu hết độc giả Việt Nam, thì độc giả tiếng Anh lại chưa bao giờ gặp điều gì giống như hương vị của bà cả. Thêm vào đó, truyền thuyết về cuộc đời long đong của bà như một người vợ lẽ, những quan niệm văn hóa về duyên và nợ ba sinh, những ngụ ý tục tĩu trong việc dùng cả cách nói lái và từ nghĩa kép tưởng tượng, cũng như cấu trúc phức tạp của thể thơ Đường luật đã làm say mê độc giả Mĩ. Kể các lần xuất bản, cuốn sách này đã bán được 20.000 bản, một điều hoàn toàn bất thường cho bất kì cuốn sách thơ nào ở Mĩ, lại là bản dịch của một nhà thơ đã mất gần 200 năm nay. Thơ của Hồ Xuân Hương khởi đầu cho mối quan tâm tới chữNôm từ các độc giả đọc tiếng Anh, người chưa bao giờ được nghe nói về nó.

Vào tháng 11 năm 2000, một thời gian ngắn sau khi Spring Essence ra mắt. Tổng thống Clinton đã nhắc tới cuốn sách này trong bài phát biểu nhân buổi chiêu đãi nguyên thủ quốc gia ở Hà Nội. Biến cố này càng làm tăng tính tò mò về cuốn sách này ở mọi nơi, kể cả trong những người Việt Nam ở nước ngoài, ở Mĩ và ở châu Âu. Ngày 15/03/2001, tờ New york Times đã dành kín hai trang của phần Nghệ thuật sống cho cuốn sách này, kể cả một bức tranh giới thiệu bài thơ Tức cảnh của Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh, Quốc ngữ, và chữ Nôm. Chúng tôi nhận ra chúng tôi còn có nhiều hơn một cuốn sách: chúng tôi đã có một điển hình văn chương tuyệt vời có thể hấp dẫn sự quan tâm tới truyền thống 1000 năm của chữ Nôm và tất cả những gì đã được viết trong nó, phần lớn còn chưa được biết tới đối với phương Tây và thậm chí với nhiều người Việt đương đại. Hội Bảo tồn di sản Chữ Nôm do vậy đã được sinh ra như một tổ chức không vụ lợi, được giảm thuế, chuyên tập trung cho việc đẩy mạnh bảo tồn chữ Nôm.

Trong khi Hồ Xuân Hương và thơ của bà bằng chữ Nôm có thể đã là một sự khải lộ đối với tôi và nhiều người Mĩ khác, thì việc in chữ Nôm theo phông true type đã là mục đích của nhiều nhà ngôn ngữ, toán học, chuyên gia máy tính và các học giả ở Việt Nam và ở nước ngoài trong suốt thập kỉ qua. Cái Hội nhỏ bé của chúng tôi trở thành tiêu điểm cho những nỗ lực tình nguyện của họ. Điều tất yếu, chúng tôi đã tìm được sự giúp đỡ của các học giả tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm- Viện Nghiên cứu chính của Việt Nam về nghiên cứu các văn bản cổ.

Như tôi đã chỉ ra, việc làm chính của Hội là cung cấp công cụ máy tính cho việc truy nhập và trao đổi văn bản Nôm. Nếu di sản chữ Nôm của Việt Nam về văn học, y học, tuyên cáo của vua, các châu bản, lịch sử, âm nhạc, tôn giáo, kịch tuồng và các con số kiểm kê làng xã (đặc biệt từ thời Tây Sơn) mà còn tiếp tục tồn tại chỉ bằng chữ Nôm hay việc phiên chuyển sang Quốc ngữ có thiếu sót từ nhiều bản thảo hay bản in khắc gỗ, thì di sản đó chỉ còn truy nhập được cho quãng 100 học giả trên toàn thế giới, những người có thể làm việc với văn bản Nôm, một tình huống còn bị tồi tệ thêm bởi sự kiện nhiều văn bản Nôm bị phân tán rải rác ở nhiều thư viện quốc gia trên thế giới: thư viện quốc gia Pháp, thư viện Vatican, và những thư viện lớn ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc và Mĩ, chưa kể tới những tàng trữ của nhiều gia đình Việt Nam.

Chúng tôi ước lượng rằng phần lớn các văn bản Nôm ở các thư viện nước ngoài chưa bao giờ được nhận diện đúng.

Kế hoạch của chúng tôi để tạo ra việc truy nhập từ bàn phím máy tính vào chữ Nôm đã được nhiều chuyên gia Việt Nam ở Thụy Sĩ, Bỉ và Việt Nam tham gia, những người đã tình nguyện dành thời gian của mình cho việc số thức hoá tất cả các kí tự Nôm. Ở Hà Nội, chúng tôi đã tạo ra một văn phòng lấy tên là “Nôm Na” gồm bốn chuyên gia trẻ về máy tính và chữ Nôm, những người này đã khắc họa và tạo chữ dưới dạng điện tử, cho tới cuối mùa hè 2004, quãng 16.000 kí tựNôm (trong đó có hơn 6000 chữ thuần Nôm, tức là không có trong chữ Trung Quốc). Mục đích của chúng tôi là đưa những kí tự này, và hàng nghìn chữ khác còn đang ẩn kín, vào chuẩn Unicode và ISO, để cho chữ Nôm trở thành ngôn ngữ chữ thế giới.

Trước bước đầu tiên này, có hai bước nữa, cả hai đều là những bước chính: thứ nhất là vẽ tất cả chữ Nôm xuất hiện trong cuốn sách hơn 950 trang của Cha Anthony Trần Văn Kiệm Giúp đọcNôm và Hán Việt. Cuốn sách này đã được xuất bản trước đây nhưng các kí tự Nôm phải viết tay, đưa đi sao chụp và in ra như những bức ảnh. Mục đích của chúng tôi ở đây là đạt được hai điều. Thứ nhất chúng tôi muốn xuất bản lần xuất bản mới cho công trình đặc sắc của Cha Anthony bằng phông true type, điều chúng tôi tự hào đã đạt được. Thứ hai, vì chúng tôi đã nắm được phông này, chúng tôi làm cho chúng thành có sẵn dần cho công cụ tra cứu đặt tại website của chúng tôi http://nomfoundation.org, nơi mọi người có thể đi từ Quốc ngữ sang cách biểu diễn chữ Nôm tương đương hay thậm chí đi từ chữ Anh sang chữ Nôm, với các kí tự song song được trình bày trong chữ Trung Quốc và Kanji Nhật Bản. Cuối cùng, chúng tôi đưa tất cả những kí tự này vào kho chữ Nôm số thức chung.

Từ nền các kí tự chữ Nôm này, được mở rộng với sự giúp đỡ của những người khác như các nhóm công tác ở Việt Nam: Huesoft và Hanosoft, chúng tôi hi vọng xây dựng một kho chữ Nôm số thức, sẵn có cho các học giả và những người nghiên cứu quan tâm khác trên toàn thế giới.

Một vấn đề lớn tiếp cho Hội là nhận diện các tài sản văn bản Nôm trên toàn thế giới. Hiện tại, các thư viện quốc gia chính không thể nhận diện hay công bố các tài sản chữ Nôm của họ bởi vì họ không có độc giả chữ Nôm và không có danh mục chữ Nôm. Bên ngoài Việt Nam, phần lớn các văn bản Nôm đều bị nhận diện lầm là "Trung Quốc" hay "Hán Việt" cho dù độc giả Trung Quốc không thể đọc được chúng. Chúng trông đơn giản tựa như chữ Trung Quốc. Ai biết cái gì có thể đang nằm ở thư viện tòa thánh Vatican hay các bản lưu trữ thuộc địa Pháp ở Aix-en-Provence ? Việt Nam đã bị mất đi những kho báu nào ? Sau khi chúng tôi lập ra kho kí tự chữ Nôm, chúng tôi hi vọng tạo ra một nhóm các học giả, những người sẽ làm cuộc điều tra các thư viện trên thế giới để lập bảng tổng mục lục tư liệu Nôm. Văn phòng Nôm Na của chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ thư viện cho những thư viện này cũng như cho các học giả Nôm, mô tả văn bản của họ để cho họ có thể đăng thông báo thư mục thư viện trên toàn thế giới. Cuối cùng, chúng tôi sẽ bắt đầu biết các văn bản đó là gì, và chúng ở đâu. Tất nhiên đây là một dự án khổng lồ có thể phải kéo dài nhiều năm. Hi vọng rằng Việt Nam, cũng như một số quĩ lớn, có thể tài trợ cho tổ điều tra này.

Chúng tôi tin rằng để thấy được tương lai, người ta phải biết quá khứ văn hóa của mình, cả những khoảnh khắc lớn lao và những thất bại. Bao nhiêu người ngày nay đã từng thoáng nhìn vào tập thơ của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Nôm, Quốc âm thi tập. Bao nhiêu người biết tới những câu thơ sáng láng đọc xuôi ngược giống nhau của vua Thiệu Trị trong thơ Đường luật, vẫn còn được thấy trong những tấm khảm ngọc ở Huế. Hay đọc chỉ dụ của Hoàng đế Nguyễn Huệ khi phái tầu ra biển Đông ? Hay được thấy trong ca dao, cổ hàng thế kỉ, được viết bằng Nôm ? Những điều như vậy là mối quan tâm văn hóa lớn lao, và không chỉ ở Việt Nam. Chúng phải là những mục có thể truy nhập được trong thư viện thế giới về cuộc truy tìm của con người. Chúng có thể dường như cổ đại và xa xăm, khi đối diện với làn sóng dường như tràn ngập của văn hóa phổ biến phương Tây đang quét qua thế giới này, những ví dụ như vậy về quá khứ văn hóa của người ta có thể trở thành cái neo.

Từ niềm tin này vào tầm quan trọng duy nhất, toàn thế giới của quá khứ của Việt Nam đã được viết bằng chữ Nôm, Hội chúng tôi theo đuổi những dự án này và những dự án khác, kể cả việc trao đổi các học giả quốc tế, trợ giúp việc dạy chữ Nôm cho các sinh viên làm luận án tiến sĩ ở phương Tây, việc dạy chữ Nôm cho các trường phổ thông và đại học Việt Nam, một thư viện số hóa các văn bản Nôm tinh hoa, và việc in ấn tài liệu chữ Nôm.

Công việc hàng ngày với đồng nghiệp của tôi là giáo dục. Tôi nhớ lại bài thơ Cảnh thu của Hồ Xuân Hương, Cảnh thu, xin kết thúc bởi

“Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ.
Ơ hay, cảnh cũng ưa người nhỉ.

Ai thấy, ai mà chẳng ngẩn ngơ.”

(My backpack, breathing moonlight, sags with poems
Look, and love everyone.

Whoever sees this landscape is stunned.)

JOHN BALABAN, TCHN 2004
Nguồn:
http://htx.dongtak.net/spip.php?article3271

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét