07/03/2011 - 12:09 AM
Một người Mỹ mê thơ Việt
Năm 2000, vị tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam Bill Clinton đã mang theo trong hành trang của mình bài diễn văn, trong đó có những vần thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương do John Balaban dịch ra tiếng Anh, như là sứ giả của hai nền văn hóa.
Trong lúc dịch thơ Hồ Xuân Hương, John Balaban viết ra những dòng thơ lục bát bằng tiếng Việt:
Ở bên trời Mỹ vẫn mơ
Nguồn sông còn chảy tình lờ lai rai
Trăm năm tiếng khéo ngân dài
Trên sông cổ nguyệt nhớ hoài Xuân Hương.
Nhiều nhà thơ trong nước kinh ngạc làm sao một người nước ngoài lại viết được những dòng lục bát tinh tế đến vậy?
Sưu tầm dân ca Việt Nam
John Balaban, Giáo sư văn chương Trường ĐH North Carolina, là người sáng lập Quỹ Bảo tồn di sản chữ Nôm (Vietnamese Nôm Preservation Foundation, Mỹ), một kiểu ký tự của riêng Việt Nam mà ngay cả người trong nước cũng ít quan tâm. John Balaban cũng là tác giả của 11 tập thơ và văn xuôi, trong đó có bốn tập đã đoạt các giải Lamont của Viện Hàn lâm Thi sĩ Hoa Kỳ, giải Tuyển lựa Quốc gia về thơ... Ngoài làm thơ, viết ký và truyện, John còn là dịch giả, là cựu Chủ tịch Hiệp hội Các dịch giả văn chương Hoa Kỳ.
Con đường ông đến với thơ Việt Nam thật kỳ lạ. Ông kể trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông thuộc phong trào những người phản chiến và từ chối nhập ngũ. Đang là nghiên cứu sinh ĐH Harvard, John nghỉ ngang để tham gia một tổ chức thiện nguyện quốc tế có tên International Voluntary Services, sang Việt Nam chăm sóc trẻ em bị thương tật. Bàn chân làm công tác xã hội đã đưa ông đi qua nhiều làng quê Việt Nam. Trên mảnh đất bị đạn bom cày xới suốt ngày đêm ấy, tâm hồn ông như được yên ổn khi nghe những làn điệu dân ca cất lên bởi những người nông dân: “Tôi như bị hớp hồn bởi các bài dân ca đó”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhận bản dịch tiếng Anh cuốn Thơ Hồ Xuân Hương do nhà văn John Balaban (Mỹ) trao tặng tại Hội thảo quốc tế Việt Namtháng 12-2008. Ảnh: TL
Năm 1969, John về Mỹ và nghĩ sẽ hiếm có dịp trở lại Việt Nam. Nhưng xa Việt Nam rồi John mới thấy các làn điệu dân ca Việt gần gũi với ông hơn bao giờ hết. Thế là năm 1971, ông quyết định quay lại Việt Nam để… sưu tầm dân ca. Đó là một quyết định mà sau này trở thành định mệnh của đời ông, gắn kết phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của ông với một đất nước xa xôi ở phương Đông. Ông phải mất chín tháng để lặn lội vào các vùng quê Nam Bộ với chiếc máy ghi âm kè kè trên vai. Công việc cực kỳ nguy hiểm đối với một người Mỹ vì thời điểm đó chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt. Ông tìm gặp những cụ già biết hát dân ca để ghi lại những bài vè, thơ rơi, hát ru, điệu lý… Tổng cộng hơn 500 giờ ghi âm đã được ông thu thập.
Dịch ra tiếng Anh những gì thu thập được quả là điều không dễ. 32 năm sau, năm 2003, cuốn Ca dao Việt Nam: Tuyển tập song ngữ Thơ dân gian Việt Nam (Ca Dao Vietnam: Vietnamese Folk Poetry) mới ra mắt bạn đọc (NXB Copper Canyon Press, Mỹ). Trong những lần nói chuyện với độc giả, John giải thích đối với ông thời gian là vốn quý nhưng có một thứ quý hơn là văn chương. Mỗi tác phẩm tới khi chào đời phải đạt tới độ hoàn hảo có thể có. Và thái độ làm việc của ông nghiêm túc đến nỗi khi dịch xong cuốn sách, ông đã thông thạo thêm một ngôn ngữ mới là tiếng Việt.
“Phải lòng” Bà chúa thơ Nôm
Ông thú nhận đã “phải lòng” thơ Hồ Xuân Hương từ ngay lần đầu đọc một số bài thơ của bà. Ông nhận xét nữ sĩ này là con người tài hoa, cách sử dụng ngôn từ của bà như nghệ sĩ làm xiếc làm ông bái phục. Còn thái độ, quan điểm sống của Hồ Xuân Hương trong thơ đã thật sự làm ông thích thú và cảm động, nhất là khi nói về thân phận người phụ nữ với kiếp làm vợ lẽ. “Tầm nhìn của bà vượt ra khỏi thời đại bà đang sống” - John nói. Toàn bộ những bài thơ của Hồ Xuân Hương mà ông đã đọc ám ảnh ông không thôi.
Nhà thơ John Balaban. Ảnh: Tác giả chụp lại theo video clip do nhân vật cung cấp
Bốn mươi năm trước, khi tiếp cận với những dòng đầu tiên thơ Hồ Xuân Hương, John cảm nhận đã bắt trúng mạch ngầm thơ Việt Nam. Nhưng cái mà John muốn đó là đi tìm hoàn cảnh ra đời của các bài thơ, từ đó mới có thể đồng cảm với nữ sĩ tài hoa này. Nói cách khác, ông muốn nếm trải những cảm xúc vui buồn như Hồ Xuân Hương đã nếm trải trên 200 năm trước ông. “Tôi đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu lịch sử phong kiến và tìm đến bản gốc chữ Nôm thơ Hồ Xuân Hương. Khi bắt tay vào dịch thơ Hồ Xuân Hương tôi mới biết đây là một công việc vô cùng khó khăn” - ông thú nhận. Bởi ngôn ngữ thơ của Hồ Xuân Hương không phải là cái xác chữ bất động mà là cái hồn chữ luôn biến hóa. Tổng cộng ông phải mất mười năm để hoàn thành bản dịch gồm 48 bài thơ chọn lọc của Bà chúa thơ Nôm. Tập thơ được gửi tới NXB bằng ba thứ tiếng: Nôm, Việt và Anh. NXB lắc đầu vì không dại gì đầu tư vào một tác giả không ai biết đến, mà kỹ thuật in lại quá phức tạp. John lại vận dụng hết tài ăn nói của mình để thuyết phục NXB. Và ông đã đúng. Tập thơ Hương Mùa Xuân: Thơ Hồ Xuân Hương (Spring Essence - NXB Copper Canyon Press, 2000) đến nay đã được bán trên 20.000 bản. John còn tổ chức những buổi giới thiệu thơ, ngâm thơ Hồ Xuân Hương với tiếng đàn tranh ở các trường ĐH, ở Ban châu Á của Thư viện Quốc hội Mỹ. Thơ Hồ Xuân Hương đã trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học Mỹ, báo New York Times bình luận như thế. “Công chúng Mỹ đọc thơ Hồ Xuân Hương không chỉ thấy cái hay của một tác phẩm mà còn thấy được chiều sâu của văn hóa Việt Nam” - John nhận xét.
Bìa cuốn Ca dao Việt Nam được dịch ra tiếng Anh. Ảnh: www.johnbalaban.com
Cuộc rong chơi của John với thơ Việt Nam hiện vẫn chưa dứt. Ông đang bắt tay dịch Truyện Kiều. “Truyện Kiều được Nguyễn Du viết năm 1790. Tôi đã sưu tầm được sáu dị bản Truyện Kiều in từ năm 1886 đến 1902” - John cho biết. Với một giọng thơ tài hoa thiên phú và đặc biệt có nhiều điển tích trải dài theo câu chuyện, quả thật đây là một thử thách không nhỏ đối với người dịch. “Có lẽ tôi phải dành ra năm năm để dịch tác phẩm này”. John cẩn trọng như vậy vì hiểu rằng công việc ông đang làm không chỉ là giới thiệu một tập thơ, một tác giả thơ mà còn giới thiệu giá trị văn hóa Việt ra thế giới.
“Chữ Nôm là bạn đời của tôi”
Cùng với những người bạn Việt, ông lập ra Quỹ Bảo tồn di sản chữ Nôm, đặt ra giải thưởng Balaban trao hằng năm cho những tác giả có các hoạt động liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa Nôm. Trải qua mười thế kỷ, từ thế kỷ thứ mười đến đầu thế kỷ 20, nhiều tác phẩm Nôm hiện chưa được dịch ra Quốc ngữ. Nhiều điều bí ẩn của kho tàng văn hóa Việt chưa được biết đến và đang có nguy cơ mai một. Trong khi số người biết chữ Nôm hiện chỉ còn khoảng 80 người. “Số hóa chữ Nôm và đưa lên Internet. Qua đó, chữ Nôm có cơ hội hồi sinh với các thế hệ trẻ Việt Nam gắn bó với computer” - ông bày tỏ hy vọng và coi đó là việc cấp bách. Hiện ông đang thực hiện dự án số hóa chữ Nôm với nhiều việc phải làm: số hóa bộ từ điển Nôm-Quốc ngữ (vừa hoàn thành); số hóa khoảng 4.000 tài liệu Hán Nôm trong kho sách Thư viện Quốc gia Việt Nam.“Chữ Nôm sẽ còn là một người bạn đời của tôi, bên cạnh vợ” - John nói.
|
TỪ NGUYÊN THẠCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét