Các Trang

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Thằng Bờm và Đạo Việt


Kính dâng lên Thầy và Tổ Tiên với tất cả lòng thành…

Nhân đọc bài “Những Dấu Chỉ của Thi Ca Triết Việt ” của tác giả Đông Lan trên mạngwww.dunglac.net, tác giả bài này có đề cập đến bài ca đồng dao “Thằng Bờm” với sự diễn giải rất hay về ý nghĩa triết lý “An Vi” của triết gia Kim-Định, là một triết lý sống thực tế, nghĩa là sống Đạo vào Đời, với Đời và cho Đời, theo bí quyết KHÔNG vì Cưỡng Hành, hay Lợi Hành mà chỉ có An Hành. Vì An Hành là làm những gì mình thích và đáng làm với Tâm Thành Ý Chánh, mà không cần biết kết quả sẽ ra sao và cũng chẳng cần được khen thưởng hay mong được đền đáp gì cả, cho nên trong ý nghĩa đó, tôi xin phép tác giả bài này được đóng góp thêm vài tư tưởng về cái bài “Thằng Bờm” này.
Hễ là người Việt chính tông Tiên Rồng thì ai cũng đã thuộc nằm lòng từ lúc nhỏ, và cũng đã có lần ca hát nghêu ngao những câu của cái bài này, mà một lần nữa tôi xin được trích dẫn lại đây; vì nó không chỉ là bài ca với giá trị văn thơ hay, hoặc với âm vần và nhịp điệu tuyệt vời, mà là vì nó chứa cả một kho tàng nhân sinh quan và vũ trụ quan, và tôi đã ôm ấp nó để suy gẫm như một bài Kinh của cái ĐẠO mà Tổ Tiên đã CẢM, đã SỐNG, và đã để lại cho con cháu làm Gia Tài tinh thần cho Đời Sống trên cõi đời này. Nên mời bạn hãy trầm lặng để đọc lại những vần thơ đồng dao này với tôi:
“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông đòi (xin) đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông đòi đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông đòi đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông đòi đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông đòi đổi nắm xôi: Bờm cười.”
mời bạn đọc lại bài của tác giả Đông Lan : (http://www.dunglac.net/bai/donglac-thica_triet.htm
Ở đây tôi không đề cập đến nghĩa đen trong bài này vì tác giả Đông Lan đã đề cập và đã diễn nghĩa đầy đủ, nhưng tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn ý nghĩa triết qua những chữ mà tôi đã cố ý viết đậm hay gạch dưới.
Đó là “Thằng Bờm” với “Phú Ông” là HAI nhân vật chính trong bài, và cũng là ý nghĩa của một thằng (đứa) con nít, tức là đơn sơ và không tính toán, nên nghèo và đang đói, vì KHÔNG có gì hết, với một phú ông tức một người lớn, nghĩa là khôn khoan và biết tính toán, nên giàu và CÓ đủ thứ trên đời này. Đó cũng là ý nghĩa của Nguyên Lý Mẹ, là Lưỡng Nhất Tính, là Trời với Đất, là Âm với Dương, là Tiên với Rồng, là Hữu với Vô, là Tinh Thần với Vật Chất, là Tình với Lý, là Vợ với Chồng, là Nhà với Nước, v.v…
Nhưng nếu chỉ là “cái quạt mo” thì có gì đâu mà quý như thế !? Thưa là, quý lắm và mời bạn tìm hiểu với tôi, tại sao.
Điều quý thứ nhất là tại vì đó là CÁI, là ý nghĩa của TRỜI, của MẸ, là ý nghĩa TÌNH YÊU THƯƠNG vô biên của Trời Đất đã (cụ thể) HÓA, theo ý nghĩa Dịch, đã (nhập thể) làm NGƯỜI, để Con Người mới có thể hiện hữu, để có thể SỐNG, để mới có thể CẢM được CÁI TÌNH YÊU đó bằng Đại Ngã Tâm Linh với chiều kích vô biên.
Điều quý thứ hai của “cái quạt mo” là ý nghĩa chữ “quạt” tức là làm cho mát mẻ, sung sướng, dưới bầu trời nóng nực, không chỉ vì khí hậu thời tiết, mà là vì những bực bội, bất mãn, khó chịu, v.v… của con người tiểu ngã, đầy ham muốn, đòi hỏi mà không được thỏa mãn. Nên ý nghĩa làm cho được mát mẻ, sung sướng đó là ý nghĩa Hạnh Phúc của con người, nên muốn mát mẻ thì phải quạt để thay đổi KHÍ (gió), thay đổi tình trạng oi bức, nóng nực, khó chịu bằng cách quạt, nghĩa là phải HÒA với KHÍ (gió) để có CẢM giác (được) “mát”. Tương tự, con người muốn có Hạnh Phúc thì cần phải HÒA với “thiên địa vũ trụ vạn vật”, để biền đổi cái Tiểu Ngã (nóng nực) thành Đại Ngã Tâm Linh (quạt mo), để mới CẢM được cái mát, tức Hạnh Phúc ở đời.
Điều quý thứ ba của “cái quạt mo” là ý nghĩa chữ “mo” tức là một cái gì tự nhiên của cây cau, của thiên nhiên, của Trời ban cho, với thời gian (hoạt lực) và không gian (khí hậu) làm cho nó vừa khô, vừa cứng, vừa mềm (dai), vừa nhẹ… nhưng phải BIẾT làm cho nó thành cái QUẠT, để có thể quạt cho mát, và quạt thật lâu… nghĩa là được Hạnh Phúc thật. Đó là ý nghĩa của cái TÂM mà Trời Đất đã đặt để nơi mỗi con người để với thời gian, bằng Tri Thức, Nhận Thức, và Ý Thức con người phải BIẾT biến đổi nó thành Đại Ngã để với Tâm Linh sống Thiên Chức làm Người, đó là NHÂN Hoàng với THIÊN Hoàng và ĐỊA Hoàng.
Phú ông đòi (xin) đổi ba bò chín trâu
Đọc đến đây, bây giờ có lẽ bạn đã hiểu tại sao “phú ông đòi (xin) đổi ba bò chín trâu” để lấy “cái quạt mo”. Nhưng bạn có thắc mắc tại sao phú ông lại đòi đổi “ba bò chín trâu”, mà không là “ba bò sáu trâu”, hay “bốn bò tám trâu” ? Tôi đặt câu hỏi như vậy với bạn là để cho bạn thấy và hiểu rằng ca dao tục ngữ của Việt tộc mình ẩn chứa đầy tinh hoa của Triết và Đạo.
Vì ba (3) và chín (9) là hai con huyền số mà ý nghĩa của nó chứa đựng cả vũ trụ. Vì theo ý nghĩa của Kinh Dịch, số 3 là số sinh chỉ Trời, với (hình) TRÒN, tức là Thái Cực (Nhất Thể) với Lưỡng Nghi, tức tỷ lệ “tham thiên lưỡng địa” (3-2), tức quân bình động của Trời Đất với Lưỡng Nhất Tính, đó là nền tảng của mọi biến Dịch. Vì số 2 cũng là số sinh chỉ Đất, là Âm Dương, với ý nghĩa Thái Hòa; và số 3 cũng là ý nghĩa Nhân Chủ, với nền tảng Tam Tài, đó là nhân sinh quan, và cặp huyền số đó 3+2 thành số 5 (=3+2), chỉ con Người ở hành Thổ, là ý nghĩa Tâm Linh, là Đạo trời, mà cũng là nền tảng của cơ cấu Ngũ Hành, với Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ mà con người phải BIẾT dung thông để sống hạnh phúc.
Còn số 9, là số thành tức là 5+4, mà số 4 cũng là “tứ tượng” với bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, với bốn Hành được sắp theo bản Nguyệt Lệnh là Mộc ở phía Đông, Kim ở phía Tây, Hỏa ở phía Nam và Thuỷ ở phía Bắc, và với bốn góc biểu tượng (hình) VUÔNG chỉ Đất, với bốn (4) loại (đồ) vật là động vật như “trâu bò”, là sinh vật như “cá mè”, là thảo(mộc) vật như “gỗ lim”, và sản vật như “đồi mồi”, mà bạn đã thấy được kê khai trong bài đồng dao đó, nói lên ý nghĩa vũ trụ quan. Cho nên ý nghĩa số 9 ở đây, còn phải hiểu là con người ở trên (hay ở giữa) hành Thổ với số 5, là trái đất này, để hưởng “ngũ phúc” và “cửu lạc”, tức để sống Hạnh Phúc. Nên muốn sống hạnh phúc, con người phải BIẾT sống với Tâm Linh, phải BIẾT sống thật đạo nghệ cái Trung dung, nghĩa là sống với Hoàng Cực. “Hoàng là rộng lớn, bao la, đại đồng của chốn cùng cực tinh ròng của bản thể uyên nguyên của vũ trụ. Hoàng cực nơi mãi tận thẩm cung của lòng mình là Trung, mà cũng là dung thông với tất cả ngoại giới tiêu biểu như ngũ hành, bản thân như ngũ sự… Hoàng cực là đạo nôi ngoại, là âm dương hòa, hòa cùng cực nên trong lý thấy sự, trong sự thấy lý, trong thể thấy dụng, trong dụng thấy thể.” (trích sách “Yêu Mến An Vi” của Đông Lan, trang 303).
Mà rõ ràng là nếu bạn đếm lại số lần mà “phú ông đòi đổi” với thằng Bờm trong cái bài đồng dao đó thì bạn cũng sẽ thấy giống như tôi là có tổng cộng 5 lần “đòi đổi”. Điều này cũng không phải là tự nhiên đâu, nhưng theo tôi là hoàn toàn tiềm ý để ẩn giấu con số 5 với ý nghĩa con người tiểu ngã, với lòng tham vô đáy, để ham muốn tất cả: tiền tài, danh vọng, quyền lực, đủ thứ… cho mình, nên lúc nào cũng lo đua đòi, lo đòi đổi, đòi hỏi, đòi mua, v.v.… để CÓ, để được giàu, thì làm sao có thể BIẾT sống với Tâm Linh?!
Và trong bài đồng dao này cũng có tổng cộng 4 lần: “Bờm rằng: Bờm chẳng lấy…”, điều này một lần nữa nói lên cho bạn thấy con số 4 này cũng là ý nghĩa tiềm ẩn của trái đất với tài sản vật chất, với những gì hữu hình, hữu thuyết, hữu lý, hữu sự… hay còn gọi là DUY, như duy thần, duy lý, duy vật, v.v…, mà nếu Duy tức là còn dính bén, còn muốn lấy chứ chưa phải là “chẳng lấy”. Cho nên ý nghĩa “chẳng lấy” ở đây là KHÔNG (không thèm, không ham, không muốn, hay vì lợi hành), là TRỐNG (Rỗng), như cái mộ TRỐNG của Chúa Phục Sinh, với cái khăn liệm được xếp lại (tức là phải với ý muốn) để sang một bên, nói lên ý nghĩa KHÔNG còn bị quấn bởi thứ gì hết, KHÔNG bị dính bén, KHÔNG bị lệ thuộc, KHÔNG bị nô lệ bởi cái gì hết, để mới có thể SỐNG Thật cái ĐẠO TRỜI với Tâm Linh Đại Ngã. Đó là ý nghĩa sống lại, ý nghĩa lột xác, ý nghĩa giác ngộ, tức ý nghĩa Phục Sinh.
Phú ông đòi đổi nắm xôi: Bờm cười
Không gì hạnh phúc cho bằng Sống thực tế trên cõi đời này, đó là ý nghĩa của “nắm xôi” với “nụ cười” của thằng Bờm. Vì “xôi” thường là một món ăn lót lòng buổi sáng trước khi đi ra đồng làm ruộng, hay trước khi đi học, vì như chúng ta đều biết, ăn xôi còn chắt bụng hơn cả ăn cơm, vì được lâu đói. Và “xôi vò” hay “cơm vắt” là những hình thức để làm cho xôi hoặc cơm chắt đọng, để khi ăn được có lượng, tức có nhiều vào bụng, để cho lâu đói. Nên “nắm xôi” ở đây, không có nghĩa là chỉ thực tế suông, nhưng thực tế với nghĩa keo đọng, cứng chắc, nói lên ý nghĩa căn bản, chính yếu cho sự dinh dưỡng tinh thần của con người, đó là TÌNH trong TÂM, mà người mình hay nói là Tâm Tình, đó là đường dẫn đến Đạo, tức phải có Tâm mới có Đạo, mà tiếng việt mình còn thường nói là Tâm Đạo.
Với ý nghĩa thực tế đó như xôi trong bụng, là nền tảng vững chắc cho Hạnh Phúc con người, mà triết gia Kim-Định đã khôi phục nền Minh Triết Việt và đặt tên là triết lý An-Vi, trong tinh thần sống ĐẠO của Tổ Tiên, để làm đường dẫn đưa con người đến ĐẠO Trời, qua sự đề cao và nhấn mạnh ý nghĩa “Địa Đàng” của đời sống con người trên trái đất này, ngay hôm nay và bây giờ (hic et nunc). Còn chuyện “Thiên Đàng” là con người, có ai mà biết được, cho nên hơi sức đâu mà lo !? Vì ý nghĩa của đời sống này còn chưa biết và hiểu hết để mà sống thật, mà lo đi tìm ý nghĩa đời sau, thì cũng giống như mình đang đói bụng có người làm cho tô phở nóng, thơm, ngon mà không chịu ăn, lại ngồi đó mơ tưởng để chờ mai mốt được ăn tô bún bò Huế; có phải là sống trên trời, trên mây (như hiện nay hầu hết các tôn giáo đã và đang chủ trương, để đáp lại ước vọng đi tìm Hạnh Phúc của con người) không?!
Nhưng “nắm xôi” ở đây không chỉ có ý nghĩa phải sống thực tế, nhưng phải hiểu là kết quả của một sự giao kết (đòi đổi) tức mối tương quan giữa người với người, với thiên chức con người trong ý nghĩa Tận, Kỳ, Tính, cũng là sự tương giao, tương ý, tương đồng, tương hợp…của Con Người với Trời Đất, nghĩa là phải có sự gặp gỡ với nhau (ở nội tâm) để trao đổi ý kiến (tri thức), để có thể tìm hiểu nhau (suy tư để nhận thức và ý thức) mới có thể đồng ý, đồng lòng, để rồi đưa đến đồng TÌNH, chỉ khi con người CẢM được cái TÌNH bằng cái TÂM, để dẫn đến cái ĐẠO là TÌNH YÊU của Trời và Đất. Đó là ý nghĩa Hạnh Phúc qua nụ cười của “thằng Bờm” khi được “phú ông” HIỂU ý nó với nghĩa “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, và cũng là nghĩa được thỏa mãn thực sự nhu cầu của nó, mà cũng là nhu cấu thiết yếu của mỗi con người, đó là Ẩm Thực, Sắc Dục, và Thể Diện.
Thật vậy, con người chỉ có Hạnh Phúc khi được thỏa mãn thực sự ba nhu cầu căn bản đó. Hiện tại, một số dân ở những xứ Âu Tây, nhờ giàu có và với khoa học kỹ thuật đã thỏa mãn được hai trong ba nhu cầu đó là ăn uống, và ái ân. Họ đã dư ăn và quá uống đến độ phát phì và sanh bệnh, cũng như đã ái ân quá độ rồi đâm ra dâm đãng; nhưng họ đã không có hạnh phúc vì họ mới chỉ biết “diện” (fashion) bề ngoài mà chưa có “Thể”, tức bề trong. Trái lại, đa số dân Á Đông có lẽ đã có “thể diện” nhờ ảnh hưởng giáo dục, với “tiên học lễ, hậu học văn”, theo nền tảng Đạo Trời của Tổ Tiên, nhưng cũng không thể có hạnh phúc được vì còn nghèo đói quá không đủ ăn, thì lấy sức đâu mà ái với ân?!. Cho nên bây giờ là lúc văn minh phương Tây với văn hóa phương Đông gặp nhau, giống như là “phú ông” với “thằng Bờm”, và điều quan trọng đó chính là kết quả thực tiễn của mối tương giao hòa hợp giữa hai nền tảng của Đông và Tây, để làm sao cho mỗi người trên trái đất này đều có “nắm xôi” và “nụ cười”.
Quả thật, với tất cả những ý nghĩa đó mà hôm nay tôi đã được may mắn để chia sẻ với bạn, và có lẽ bạn cũng đã đồng ý với tôi, là không có một văn bản hay tác phẩm nào trên đời có thể so sánh được với bài ca đồng dao này của Việt tộc, như “thằng Bờm”, vì nó ẩn chứa và chuyên chở cả nền Minh Triết độc nhất vô nhị. Vì vậy, chúng ta là anh em “đồng bọc” với “thằng Bờm” của nhà mình, mỗi người chúng ta phải BIẾT làm sao cho cái “quạt mo” càng ngày càng thêm tốt, thêm đẹp, thêm quý, để mai mốt biết đâu không những đổi được “nắm xôi” mà là nguyên cả “nồi xôi” cho “đồng bào”, tức cho cả nhân loại.
Đó là ý nghĩa của Triết Lý An-Vi, là triết lý Mang Đạo vào Đời, Sống Đạo cho Đời, và Hành Đạo với Đời.
Paris, ngày 4 tháng 6 năm 2007.
(tức 19 tháng 4 năm Đinh Hợi)
Nguyễn Sơn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét