10-07-2011 | 07:08
(Nguoiduatin.vn) - Việt Nam hiện có vài chục triệu người dùng internet và con số đó đang tăng lên không ngừng. Thời gian gần đây, sự lan tỏa của truyện chế, xuyên tạc, bóp méo lịch sử vô hình trung cũng trở thành thứ "độc dược" làm xấu đi nền văn hóa dân tộc, gây ô nhiễm ngôn ngữ tiếng Việt.
“Cải biến lịch sử”?
Theo cô Phạm Hồng Minh, giảng viên Khoa Ngữ văn trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình thì trào lưu truyện chế nở rộ khoảng 1 năm trở lại đây, khi phong trào nhạc chế dần lắng xuống. Đó là những tác phẩm được nhào nặn dựa trên những câu chuyện cổ tích, những áng văn chương bất hủ vốn là tinh hoa văn hóa của dân tộc như truyện Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Truyện Kiều... ở một khía cạnh nào đó, không thể phủ nhận rằng tác giả của chúng có tư duy khá sáng tạo. Từ ngữ sử dụng đa phần là khẩu ngữ hoặc tiếng lóng nên nhanh chóng được giới trẻ truyền tai nhau.
Truyện chế tràn lan trên internet
Tuy nhiên, theo quan điểm của cô Minh, trên thực tế, truyện chế đang ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Hơn thế nữa, nó còn làm xấu một nét văn hóa của dân tộc. Những nhân vật vốn đã ăn vào tiềm thức đẹp của người dân Việt, khi xuất hiện trên mạng, lại mang một diện mạo khác, các nhân vật này bị biến thành trò hề.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, yếu tố gia đình vẫn là quan trọng nhất tác động đến ngôn ngữ của giới trẻ. Bản thân gia đình phải có ý thức rèn con cái từ lời nói đến hành vi. Bố mẹ cũng phải nêu gương cho con cái. Bên cạnh đó, nhà trường phải chú ý rèn học sinh về ngôn ngữ, nói đúng, viết đúng chuẩn tiếng Việt, không được xuyên tạc tác phẩm văn học. Việc làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt cần phải bị lên án".Cô Minh dẫn chứng, trên nhiều diễn đàn, Thánh Gióng một trong "tứ bất tử" của dân tộc bị xuyên tạc thành một đứa trẻ ngày ngày dán mắt vào game online. Chiến tích của Gióng bị bêu xấu không thương tiếc: "Cậu bé vừa ra chiến trường thì mùi hôi nách đã bốc lên nồng nặc làm cho bọn giặc lảo đảo như bị say rượu". đúng là không thể tưởng tượng nổi!
|
Hay trong truyện chế Sơn Tinh - Thủy Tinh, hai nhân vật này bị biến thành sơn tặc và hải tặc. Công chúa Mỵ Nương được miêu tả là một người con gái vô cùng xinh đẹp nhìn rất "phê". "Da trắng như da con gái mịn màng như da trẻ con do nàng thường xuyên dùng Dove, mái tóc đen mượt thơm mùi Rejoy, thân hình rất chi là mũm mĩm do uống sữa cô gái Hà Lan hơi nhiều, hàm răng trắng bong, mỗi lần nàng cười là đến Jang Dong Gun tận Hàn Quốc xa xôi cũng va vào cột điện. Sở thích của nàng ta là thích đến vũ trường, cuối tuần cưỡi con Dylan vi vu, online chatting, thần tượng là David Beckham và Britney Spears chắc vì thế mà hay mặc áo hở rốn, nhảy tưng tưng. Do ham chơi nên năm 18 tuổi nàng mới tốt nghiệp lớp mẫu giáo lớn".
Cư dân mạng cũng khẳng định đẳng cấp khi chế cả Truyện Kiều remix. Mở đầu có đoạn: "Trăm năm trong cõi người ta /Nguyễn Du được gọi là cha Truyện Kiều/Đọc xong anh thấy đăm chiêu/Vì Du đã viết rất nhiều điều sai"...Trong truyện, các tuyến nhân vật bị đảo lộn, người tốt bị bôi nhọ, kẻ xấu được ngợi ca.
Những lời lẽ được sử dụng thì thô tục đến mức không thể chấp nhận được: "Đầu lòng hai ả tố nga/Thúy Kiều là chị hay cười ha ha/Thúy Vân bản tính thối tha/Luôn luôn đấu đá muốn là chị cơ/Thúy Kiều mệt mỏi bơ phờ/Nên đành nhẫn nhịn: Thôi ờ tao thua". Chàng thư sinh Kim Trọng cũng bị hạ bệ không thương tiếc: "Họ Kim xuất xứ từ Lào/Mắc bệnh từ bé đao đao đần đần/Tai lòi, mắt chột, thọt chân/Xứng danh Phế vật mười phân vẹn mười". Trái lại, tên buôn người Mã Giám Sinh, Sở Khanh được ban cho những mỹ từ đẹp nhất: "Chàng tên là Mã Giám Sinh/Xuất thân từ chốn võ lâm truyền kỳ/Thanh niên trai tráng đôi mươi/Nhiều tài lắm của là người đẹp trai".
Cô Minh lo ngại những tác phẩm văn chương bất hủ, từ lâu vốn là những viên ngọc quý làm giàu cho văn chương Việt, tâm hồn Việt, giờ đây được giới trẻ nhào nặn thành những tác phẩm bậy bạ sẽ gây hậu quả khôn lường. Hàng ngày tiếp xúc với những từ ngữ như thế, sử dụng những từ ngữ như thế thì giới trẻ- "tương lai của đất nước" sẽ đến đâu?
Kẻ thù gây ô nhiễm ngôn ngữ
Theo TS Mai Xuân Huy, phải có chế tài để xử lý ngôn ngữ mạng, báo mạng và diễn đàn. Không được phát tán văn bản nhái những tác phẩm văn học có bản quyền, đã thành danh hay được công nhận như di sản văn hóa - tinh thần của dân tộc. Phải xây dựng một hệ thống Luật ngôn ngữ. Hiện Viện Ngôn ngữ học đang tiến hành một Chương trình nghiên cứu về Chính sách ngôn ngữ nhằm đưa ra các luận cứ để xây dựng luật này, có thể trong một tương lai gần sẽ đi vào thực tiễn. Luật ngôn ngữ quy định việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ, không vi phạm thuần phong mỹ tục, không được sử dụng ngôn ngữ gây phản cảm, kích động bạo lực, chê bai, kì thị dân tộc.
|
Trước sự hoành hành của truyện chế xuyên tạc lịch sử, TS Mai Xuân Huy, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam bày tỏ: "Chế lại một bài thơ, một câu chuyện không đơn thuần là làm méo mó, sai lệch nội dung của tác phẩm. Xét một cách toàn diện, nó còn liên quan đến bản quyền tác giả. Dưới góc độ pháp lý, những tác phẩm như Truyện Kiều, thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi do các tác giả cụ thể sáng tác. Nếu xuyên tạc nội dung chắc chắn người chế đã phạm luật tác quyền.
Đó là chưa tính đến chuyện, việc xuyên tạc có thể gây ô nhiễm ngôn ngữ, làm xấu đi nét văn hóa đẹp đã thành tiềm thức của dân tộc. Đem Truyện kiều ra bêu xấu, khác gì bôi bẩn lên bức tranh đẹp đi vào tiềm thức của người Việt Nam từ ngàn xưa.
Theo TS Huy, trong xã hội hiện đại, thơ chế, truyện chế, nhạc chế cũng có thể coi như một loại hàng nhái độc hại, một thứ "độc dược". Nó không chỉ đơn thuần bóp méo câu chữ, nội dung mà vô hình trung làm xấu tác phẩm, thậm chí xúc phạm đến tác giả, nhân phẩm của các nhân vật, tâm hồn, tâm linh dân tộc. Giới trẻ có quyền vui chơi, giải trí, xả stress nhưng phải trong khuôn khổ, không thể bóp méo, đổ mực lên văn hóa. Những áng văn thơ cổ là văn minh, hồn dân tộc nên không được phép xuyên tạc.
"Ở khía cạnh giáo dục, văn hóa, khi các truyện chế kiểu này tràn ngập trên internet lâu ngày có thể sẽ khiến người ta, đặc biệt là giới trẻ không còn biết đến nguyên gốc của nó nữa. Các em nhỏ đọc được một tác phẩm nhái, chúng sẽ ngẫu nhiên tiếp nhận kiến thức đó. Sau này gặp tác phẩm chính thống chúng sẽ lập tức phản ứng và phủ nhận. Điều đó thực sự nguy hiểm", TS Huy nói.
TS Mai Xuân Huy cũng cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên trước tiên do việc giáo dục bị bỏ ngỏ. Nhà trường và gia đình cần phải giáo dục cho học sinh hiểu rõ việc nhái, chế hay là làm méo mó tác phẩm, nhân cách của nhân vật bất kỳ nào đó là xuyên tạc văn hóa, truyền thống của ông cha và không thể chấp nhận được. Gia đình và nhà trường phải thường xuyên chú ý và nhắc nhở các mầm non của mình và phải là những pháo đài trực diện để đối mặt và tiêu diệt tận gốc những mầm mống độc hại này.
Anh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét