TT - Những phát hiện về di vật của Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) và phu nhân tại khu di tích lăng miếu núi Sam (An Giang) vừa được công bố ngày 29-9 tại hội nghị Những phát hiện mới về khảo cổ học lần 46.
Độc đáo nhất là khi khai quật hố chôn đồ tùy táng của bà Châu Thị Tế - phu nhân của Thoại Ngọc Hầu, giới khảo cổ thu được một đồng tiền Minh Đức Thông Bảo của triều Nguyễn Nhạc.
Đây là một phát hiện hết sức đặc biệt, vì quan niệm chính trị của nhà Nguyễn vẫn xem nhà Tây Sơn là “ngụy triều”, cho nên việc một vị đại thần của triều Nguyễn đã giữ gìn đồng tiền triều Nguyễn Nhạc, lại chôn cùng theo mộ của phu nhân là điều gợi mở nhiều hướng nghiên cứu cho giới sử học.
Theo TS Phạm Hữu Công - thành viên hội đồng giám định, đồng tiền triều Nguyễn Nhạc xuất hiện trong mộ của phu nhân Thoại Ngọc Hầu “có thể liên quan đến một bí mật lịch sử chưa từng được biết...
Làng quê An Hải (Quảng Nam, nay thuộc Q.Sơn Trà , Đà Nẵng - PV) nơi Thoại Ngọc Hầu sinh ra cũng chính là làng quê sinh ra Thiếu phó Trần Quang Diệu của Tây Sơn. Có lẽ Thoại Ngọc Hầu và bà Châu Thị Tế đã có một mối liên hệ nào đó với phong trào Tây Sơn, nên hai ông bà cố lưu giữ một kỷ niệm là đồng tiền nói trên (dù biết nó có thể gây tai họa) và khi bà Châu Thị Tế mất (năm 1826), ông đã chôn theo bà đồng tiền kỷ niệm này”.
TS Phạm Hữu Công cũng lưu ý một vấn đề quan trọng là hiện vật tùy táng của Thoại Ngọc Hầu được chôn bên ngoài huyệt mộ. Điều này cho thấy có thể có một kiểu chôn đồ tùy táng của thời Nguyễn. “Vì vậy khi khai quật mộ táng cổ, nhất là mộ táng thời Nguyễn, cần hết sức lưu ý vấn đề này, đặc biệt cần có sự thám sát lại đối với những ngôi mộ cổ thời Nguyễn đã khai quật trước đây”.
Công cuộc khai quật đã được tiến hành từ tháng 9-2010 với hai hố khai quật (một tại bên phải phần mộ bà Châu Thị Tế - cách huyệt mộ 40cm, và một hố bên phía trái phần mộ Thoại Ngọc Hầu - cách huyệt mộ 40cm), thu được tổng số 523 hiện vật, được sắp xếp thành nhiều nhóm đồ đồng, đồ gốm, đồ vàng bạc...
Đặc biệt có 33 mảnh trang sức trên chiếc mão quan chánh nhị phẩm là vật liệu quan trọng để phục dựng chiếc mão, góp phần vào việc nghiên cứu phẩm phục thời kỳ đầu triều Nguyễn - nội dung vẫn còn tranh cãi trong học giới do khác biệt ý kiến về hình dáng kiểu mẫu của phẩm phục.
LAM ĐIỀN
Nguồn: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/458128/Phat-hien-dong-tien-Nguyen-Nhac-trong-mo-phu-nhan-Thoai-Ngoc-Hau.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét