Cập nhật 09/11/2011 06:08:00 AM (GMT+7)
Công cuộc "chuẩn hóa" giọng Hà Nội với kế hoạch “luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu: l,n” đối ở 13 huyện đang được thực hiện kể từ năm 2010 đến nay. VietNamNet tới các trường ghi lại các câu chuyện Hà "Lội" sửa 'lói" ngọng.
Dạy học sinh phát âm đúng, viết đúng phụ âm “l,n” theo các giáo viên trường tiểu học là việc làm không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian, công sức, giáo viên phải đồng hành thường xuyên với các trò mới mong các em khá lên được. Trong ảnh: HS Trường Tiểu học Cổ Loa vui đùa trong giờ ra chơi. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa). |
Ở huyện Mê Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Thịnh A (xã Đại Thịnh) Phạm Thị An phân trần: Chỉ số ít các em HS phát âm đúng hai phụ âm đầu “l, n”. Tình trạng trên cũng đã có từ lâu. Trường Tiểu học Đại Thịnh A hiện có 431 học sinh.
Trong 862 học sinh của Trường Tiểu học Tiền Phong A, có khoảng 60% nói ngọng.
Ở Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh), tỉ lệ HS nói ngọng của trường chiếm trên dưới 40% trong tổng số HS toàn trường.
Thấp hơn một chút, con số của Trường Tiểu học Ngô Tất Tố (xã Mai Lâm, cùng huyện Đông Anh) đưa ra là hơn 30% học sinh.
"Điều này có nguyên nhân lớn từ việc HS sống trong vùng dân cư phần đông cũng phát âm như vậy” - Hiệu phó Trường Tiểu học Tiền Phong A Đặng Quang Hà chia sẻ: “Học sinh (HS) tại đây chủ yếu sai ở việc phát âm hai phụ âm “l,n”.
Có mấy nguyên nhân như việc trước đây có thể giáo viên chưa tập trung chú ý sửa cho HS mà phải lo đến chạy với tiết độ bài vở. Thêm nữa là do thời gian qua chưa có sự chỉ đạo quyết liệt từ trên nên ít nhiều giáo viên xao nhãng”.
HS dễ dàng “tái ngọng”
Trưa ngày 30/10, đứng trò chuyện với nhóm HS gồm cả tiểu học và THCS trên địa bà xã Mai Lâm cạnh ao cá trên lối vào cụm trường tiểu học và THCS của xã này thì hầu hết các em đều mắc lỗi nói ngọng.
Một HS lớp 7, Trường THCS Mai Lâm đang đứng trên xe đạp nhảy tót xuống bờ ao gần đó, tính xem có nhìn thấy con cá nào không:
“Bọn mày ơi, xem lày chỗ lước lày lông, lội được”.
Thấy mấy em nhỏ tiểu học đứng trên bờ, em này động viên:
“Tao lói mà không tin à? Đây lày”. Vừa nói cậu vừa xắn quần, lội xuống chỗ nước nông. (xin để nguyên những từ các em phát âm sai, đã gạch chân).
Hỏi các em có biết đang nói ngọng không, mấy cu cậu chỉ cười: “Cũng lúc biết, lúc không. Mà bọn em quen rồi”.
Không chỉ nói ngọng hai phụ âm “l-n”, Hiệu phó Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc cho biết thêm: “Các em còn ngọng vần “óc” – oóc” ví dụ “mái tóc” thành “mái tooc” “đi học” thành “đi hoọc”, “oong” thành “ong”, dấu ngã (~) đọc thành dấu sắc (´), vần “uyền” đọc thành “uền” ví dụ “cái thuyền” đọc thành “cái thuền”.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Lâm A (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) bổ sung thêm các lỗi phát âm do ảnh hưởng của địa phương của HS là âm “a”, đọc thành “e” ví dụ “tay” đọc thành “te”.
Có những vùng do thổ nhưỡng, thói quen lâu đời mà trở thành cả làng, cả vùng nói ngọng. Có nhiều kiểu nói ngọng như ngọng phần âm (“o” thành “oe” như xã Cát Quế, huyện Hoài Đức), thiếu thanh huyền (“nhà” thành “nha” như một số vùng thuộc huyện Thạch Thất).
Cô Phạm Thị Vân, giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc tâm sự:
“Khó nhất là khi sửa luyện nói cho các cháu. Hiện chỉ có hướng dẫn của phòng và Sở GD-ĐT về dạy kĩ thuật bật lưỡi cho HS. Chương trình cụ thể thì giáo viên phải sưu tầm các ví dụ từ sách vở và từ ngôn ngữ của địa phương để dạy các trò.
Trăn trở của cô Vân cũng là mong mỏi của lãnh đạo các trường tiểu học. Theo ông Hà: “Hiện tài liệu giảng dạy, chúng tôi cóp nhặt, sưu tầm mỗi nơi một ít. Nếu có bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể thì rất tốt”.
Hiện nay, một số trường tiểu học tại Đông Anh ngoài việc đưa dạy phát âm đúng vào tất cả các bộ môn; phân môn của bộ môn tiếng Việt (gồm có tập đọc, tập làm văn,…) thậm chí là môn năng khiếu. Và tùy từng khối lớp mà mỗi tuần trường dành riêng 1 tiết hoặc 2 tuần 1 tiết dạy cho các trò việc luyện đọc, viết đúng các phụ âm “l,n”.
Trong khi đó, ở huyện Mê Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Lâm A cho biết, hiện trường chỉ giữ việc lồng ghép dạy phát âm, viết đúng các phụ âm và chính tả vào các phân môn của bộ môn tiếng Việt. Trường Tiểu học Tiền Phong A mới đang tiến hành dạy chuyên đề mẫu cho HS khối lớp 2, 3. Trường sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Không khỏi băn khoăn, cô Vân bộc bạch: “Vai trò của gia đình rất quan trọng. Có thể trên lớp giáo viên sửa được nhưng khi về nhà, sống giữa gia đình mà từ ông bà, bố mẹ, người thân đều nói ngọng thì chuyện các cháu “tái ngọng” là điều dễ hiểu”.
Bài 2: Gặp hiệu trưởng "ngọng 100%
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét