Các Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Trung Quốc: Gọi Chúa là 天主 hay 上帝? (Thiên Chúa hay Thượng Đế)

Nguyễn Trọng Đa2/21/2012

Trung Quốc: Gọi Chúa là 天主 hay 上帝? (Thiên Chúa hay Thượng Đế) 
Linh mục Frans De Ridder, Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria (CICM)


Làm sao để gọi Chúa trong tiếng Hoa? Đối với người Hoa Công giáo, đó là là 天主 (Thiên Chúa, Thiên Chủ, Tianzhu); đối với người Hoa Tin lành là 上帝 (Thượng Đế, Shangdi). Một bên là “Chúa trời”, một bên là "hoàng đế tối cao". Trong tiếng Hoa, để chỉ người Tin lành, người ta nói 基督教 (Cơ Đốc Giáo, Ji du jiao, ‘tôn giáo của Đức Kitô'); để chỉ người Công giáo, người ta nói 天主教 (Thiên Chúa Giao, Tian zhu jiao, ‘tôn giáo của Chúa trời'). Làm sao có các sự khác biệt này? Chúng có ý nghĩa gì? Trong bài dưới đây, linh mục Frans De Ridder, CICM, cung cấp cho chúng ta các chìa khóa để hiểu (1). 



Bản tiếng Pháp của hãng tin Eglises d’Asie (Các Giáo hội châu Á).



Tên gọi nói lên điều gì? Nhiều điều chứ! Hơn nhiều so với những gì hầu hết mọi người tưởng tượng. Tên có thể định hướng cách bền vững căn tính của một người và sứ mạng người ấy trong cuộc đời. Nhiều người Hoa bỏ ra rất nhiều giờ tham khảo các sách chuyên môn để tìm ra một tên “đúng” cho con mình. Nomen est omen (tên là điềm, là vận mạng). Tên là một dấu hiệu, nó sẽ trao một sứ điệp và một nhiệm vụ.



Thiên Chúa có tên không? Đó là một câu hỏi hay. Câu trả lời là không đơn giản đâu. Trong Cựu Ước, ông Môsê và những người đương thời của ông đã tranh luận vấn đề này. Thiên Chúa đã không nói tên của Ngài. Chúa chỉ nói: "Ta là Đấng Ta Là." Nó thậm chí có thể ngắn hơn, đó là: "Ta là".



Ta là! Tuy nhiên, tên này có thể truyền tải một thông điệp đáng kinh ngạc đối với nhiều người của thời đại hậu hiện đại của chúng ta: “Ta là có thực, ta hiện hữu!”. Bất chấp sự dửng dưng, sự nghi ngờ, các tiên tri sự dữ, sách vở và bài viết của chúng ta cho rằng "Thiên Chúa đã chết". .. Thiên Chúa vẫn thực sự tồn tại! Và thực tại này phải vang dội sâu sắc trong trái tim chúng ta. Một tên cũng có thể cho một dấu chỉ sai hoặc trở thành một sự bối rối. Một phụ nữ đạo đức ở Đài Loan đã đặt tên là con trai của bà: 圣光 (Thánh Quang, sheng guang, hoặc ‘ánh sáng thánh thiện'). Người con tốt lành này đã phải thốt lên: “Con không xứng với tên này đâu.”



Thiên Chúa có tên không? Chúa có đồng ý với tên người ta đặt cho Ngài trong dòng lịch sử nhân loại không? Chúng ta có nên đặt tên khác cho Ngài không? Hoặc chúng ta chỉ giữ sự thinh lặng đáng kính, chìm sâu vào sự kính trọng và kinh ngạc, trước sự hiện diện của Đấng Duy Nhất mà chúng ta không thể đặt tên. Gọi tên..., đặt tên cho một người nào có nghĩa là tôi có quyền trên người ấy, tôi trao cho người ấy một vận mạng... Tôi có người ấy dưới quyền tôi. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể đặt tên cho Thiên Chúa.



Ngoài ra, các mẫu tự C H Ú A có nghĩa gì?Khi Kitô giáo đến Trung Quốc, thách thức là rất lớn. Làm thế nào gọi tên Đấng Tối Cao, Thực Tại Tối Hậu này, nguồn gốc của những gì hiện hữu trong tiếng Hoa? Người ta có thể múc các chữ trong ngôn ngữ của họ. .. để diễn tả Đấng Vĩ Đại, Toàn Năng, Tối Cao. .. Một số các khái niệm này có nguồn gốc từ kinh nghiệm văn hóa Trung Hoa: một vị vua 王 (Vương, wang), vị hoàng đế 皇帝 (hoàng đế, huangdi). Tuy nhiên, người Hoa đã nhận ra rằng Thiên Chúa mà các nhà truyền giáo gọi là tốt lành và yêu thương phải là Đấng có quyền thế hơn các người đang cai trị họ. Đó là lý do tại sao họ đưa chữ "trời" 天 (Thiên, tian) đứng trước chữ "vua"王, để làm cho Chúa thành một một “vị vua trên trời” 天王 (Thiên Vương, Tianwang). 



Những người khác, trong truyền thống Tin Lành, đưa chữ "trên" 上 (Thượng, shang) đứng trước chữ "đế" 帝 (đế, di), làm cho "Chúa" thành 上帝 (Thượng Đế, Shangdi), một Hoàng Đế Tối Cao. Có lẽ tôi đang đi quá nhanh và tôi bỏ qua một khía cạnh. Trong truyền thống Công Giáo, chúng ta không gọi “Chúa” là vua trời. Chúa được gọi là Chúa trời 天主 (Thiên Chúa, Tianzhu). Một độc giả cẩn thận có thể cảm nhận được sự giống nhau và khác nhau giữa "vua" 王 (Vương, wang) và "chúa" 主 (Chúa, chủ, zhu).



Sự khác biệt là dấu nhỏ đặt trên chữ 王 (Vương, wang). Không nghi ngờ sự tài tính của tiếng Hoa là nhận thức rằng "Chúa" không phải là như bất cứ vua nào. .. Ngài là là một vị vua rất cao cả và duy nhất. Điều này giải thích sự hiện diện của dấu nhỏ trên chữ 王 (Vương, wang);chữ này trở thành chữ 主 (Chúa, chủ, zhu). Thật thú vị để nhận thấy rằng trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là Chúa (Seigneur). Và trong đạo Công giáo, chỉ có Chúa Giêsu được chúng ta gọi là Chúa chúng tôi.



Cũng nên dành thì giờ xem xét chữ "vương" 王.Chúng ta nhìn thấy ba dòng ngang: 三 (tam, san). Chúng có nghĩa là số 3! Ba là một hiện tượng văn tự nổi tiếng có hàng trăm sự kết hợp và vô số ý nghĩa. 



Ví dụ: 诸候 之 宝 三 (chư hầu chi bảo tam, zhu hou zhi bao san): Mạnh Tử đã nói: báu vật của một ông hoàng gồm ba thứ: thổ địa, nhân dân, chính sự. 三宝 (tam bảo, san bao): trong Phật giáo, có ba báu vật: Phật,Tăng và Pháp. Những gì là hoàn hảo phải được diễn tả nhờ sử dụng khái niệm ‘tam” 三.(Người ta có thể tự hỏi phải chăng người Hoa đã dạy cho các tu sĩ Dòng Tên luôn soạn bài giảng thành ba điểm!)三 不知 (tam bất tri, san bu zhi): ba lần không biết, không biết từ đầu tới cuối về một vấn đề bằng cách đi qua trung gian. Ở đây, ba đường ngang đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai. 三思 而后 行(tam tư nhi hậu hành, san si er hou xing): Hãy suy nghĩ ba lần trước khi hành động. Nhìn kỹ trước khi nhảy! 三人 成 虎 (tam nhân thành hổ, san ren cheng hu, ‘ba người thành con cọp’): Hãy lặp lại ba lần một lời nói dối và tất cả mọi người sẽ tin bạn. Một lời nói dối sẽ được xem là sự thật nếu nó được lặp đi lặp lại. 三人 行 必有 我 师 (tam nhân hành tất hữu ngã sư, san ren xing, bi you wo shi): Nếu có ba người qui tụ lại, ít nhất trong đó một người có thể là thầy của tôi. 三年有成 (tam niên hữu thành, san nian you cheng): Ba năm làm việc chăm chỉ ắt sẽ thành công.



Quay trở lại câu 三 不知 (tam bất tri, san bu zhi), có nghĩa là không biết từ đầu tới cuối về một vấn đề, tôi có trực giác rằng ba dòng ngang đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó cũng có thể có nghĩa là địa ngục, cuộc sống hiện tại và cuộc sống tương lai. Theo cách giải thích này, ai cai trị thì có quyền trên địa ngục, trái đất và trời cao. Đừng quên rằng trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng Chúa (sau khi phục sinh) "xuống ngục tổ tông" để công bố vương quyền của Ngài trên sự dữ và tội lỗi, kể cả sự chết.



Trực giác của tôi là rằng ba đường ngang ấy phải được kết nối, và trở thành một, để thực sự đứng đầu và nhận mọi quyền bính. Đó là lý do tại sao nó vẽ một đường thẳng đứng nối ba đường ngang: chúng ta có "vua" của chúng ta 王 (vương).Trực giác Kitô giáo của tôi là rằng chúng ta có thể xây dựng trên tượng hình này mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Bản dịch tiếng Hoa của Thiên Chúa Ba Ngôi là: 三位一体(tam vị nhất thể, san wei yi ti), ba ngôi 三位 (tam vị, san wei) trong chỉ một thân thể 一体 (nhấtthể, yi ti, một đơn vị hoặc sự hiệp nhất nên một).



Chắc chắn rằng các từ ngữ “vị” và "thể" đôi khi gây hiểu lầm trong các ngôn ngữ phương Tây. Ở đây, tôi tiếp cận vùng đất vốn không phải là của tôi, mà là của các nhà thần học chuyên nghiệp. Khi viết đề tài cách diễn dịch Công Giáo cho tên của Chúa, tôi càng xác tín hơn và thậm chí bị quyến rũ bởi ý nghĩa sâu sắc, mà các thế hệ người Hoa đã gán cho thánh danh của Chúa. 



Ý nghĩa phong phú này có lẽ là lý do tại sao các nhà truyền giáo Công giáo đã chọn 天主 (Thiên Chúa, Tianzhu), Chúa trời. Nó có nghĩa rằng Thiên Chúa, dù người ta chọn từ ngữ nào để gọi Ngài, là hiện hữu và Ngài nắm tình hình trong tay.Trong một bài sắp tới, tôi sẽ cung cấp cho các bạn kết quả của một số nghiên cứu về truyền thống Tin Lành của chữ 上帝 (Thượng Đế, Shangdi) hoặc hoàng đế tối cao.



Người ta có thể nói đúng rằng đối với người Hoa…, hoàng đế là "chúa" và rằng điều này là đúng trong thực tế ở Nhật cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng điều này đề tài của bài thứ ba!



(1) Người gốc Bỉ, linh mục Frans De Ridder là một nhà truyền giáo, thành viên của Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria (CICM). Là Giám tỉnh Dòng CICM ở Mông Cổ,Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Singapore, cha đang cư trú tại Đài Loan. Cha thường xuyên thăm Trung Quốc đại lục để mở các khoá huấn luyện và tĩnh tâm.



(Églises d’Asie, ngày 14-2-2012)



Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét