Tiếng Việt đang méo mó
13/04/2012 3:22
Tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng và vẻ đẹp riêng từ lời ăn tiếng nói đến văn viết của chính người Việt.
“Chóng mặt” với Tây hóa
Việc xen kẽ những từ ngữ nước ngoài không còn quá xa lạ trong những mẩu đối thoại hằng ngày của giới trẻ. Tuy chưa có một điều tra xã hội học hay thống kê đầy đủ nhưng các nhà ngôn ngữ học đều cho rằng hiện tượng này rất phổ biến.
Anh Ngọc Hưng, quê ở Đồng Tháp kể: “Tôi gọi điện đặt khách sạn ở Sài Gòn để tiện công tác. Cô lễ tân báo còn phòng và nói: “Anh nhớ “cần phơm” (confirm) cho em nha”. Anh Hưng không hiểu, nhưng sợ người ta bảo mình nhà quê nên thôi. Đến ngày công tác, anh đến khách sạn này thì cô lễ tân nói: “Em không thấy anh “cần phơm” nên cho thuê phòng mất rồi”. Lúc này anh Hưng thắc mắc: “cần phơm” là cần gì? Cô lễ tân đáp: “Dạ, là xác nhận chính thức lại cho em”.
Không những thế, trong giao tiếp, nhiều người đã làm tối nghĩa tiếng Việt khi trộn lẫn nửa Anh, nửa Việt. Thỉnh thoảng vẫn nghe các cô nhân viên văn phòng khen nhau: “Hôm nay trông chị “hép py” (happy) quá nha”, hay “Bữa nay nhìn “kiu” (cute) quá”. Trong khi tiếng Việt có thể nói “Hôm nay trông xinh thế”. Thậm chí có những cuộc đàm thoại mà người thạo tiếng Anh cũng phải đoán già đoán non: “Bên công ty đó “còm plen” (complain), mình đã “ex plen” (explain) cái giá “phích” (fix) rồi mà họ vẫn kêu “ex pen” (expensive). “Cần trắc” (contract) tiếp theo chắc hổng “sua” (sure) rồi”.
Đó còn chưa kể, không ít người còn Tây hóa lối hành văn của tiếng Việt, gây lủng củng, khó hiểu. Có cô bạn làm việc tại một công ty nước ngoài. Hôm về quê thăm nhà, nhờ em mình ra chợ mua đồ, cô dặn: “Em hãy chắc rằng các món chị ghi trong giấy được mua đầy đủ nhé”. Mẹ cô ở trong nhà nghe thế, càu nhàu: “Chỉ cần nói nhớ mua hết mấy thứ chị dặn là đủ rồi, con học ở đâu mà nói nghe sượng thế?”. Số là, cô bạn tôi vừa nói theo mẫu câu: “Make sure all the lights will be off” (Hãy chắc rằng tất cả đèn đều được tắt) để nhắc nhở đồng nghiệp tắt đèn trước khi về. Những câu trở nên phổ biến vẫn như “Rất vui được nghe điều đó” ảnh hưởng từ “I’m glad to be heard of that”, trong khi tiếng Việt chỉ cần nói “Nghe vậy mừng quá”.
Giáo sư Anh ngữ Tôn Thất Lan bức xúc: “Tôi thấy nhiều công ty để dòng chữ đọc rất ngượng ngạo: “Xin giữ cửa đóng lại”, ảnh hưởng từ câu “Keep the door closed”, trong khi tiếng Việt có câu rất hay: “Vui lòng đóng cửa”. Gần đây, nhiều câu giới thiệu theo kiểu phim Hàn Quốc: “Đây là trưởng phòng Tuấn”, trong khi tiếng Việt thường nói: “Đây là anh Tuấn, trưởng phòng”. Ngay cả trên các kênh truyền hình cũng có câu “Chương trình này được tài trợ bởi nhãn hàng X” cũng là một văn phong ngượng ngạo trong tiếng Việt. Về sau người ta dùng câu chủ động hay hơn: “Nhãn hàng X hân hạnh tài trợ chương trình này”.
Những câu tiếng Việt viết sai chính tả, ý tứ lủng củng, pha trộn từ nước ngoài xuất hiện khắp nơi |
Ngượng nghịu với văn viết lai căng
Dạo qua hầu hết các diễn đàn, mạng xã hội hiện nay, có rất nhiều bình luận, bài viết dùng ngôn từ lạ, lai căng khiến tiếng Việt mất đi sự trong sáng.
Trên công cụ yahoo chat, nhiều người tha hồ sáng tạo và còn cố tình viết sai chính tả cho dí dỏm, như: “chời” thay vì “trời”, “cái zị zậy ta” thay vì “cái gì vậy ta?”.
Trong văn viết của cộng đồng mạng, nhất là những trang mạng xã hội, rất nhiều người đã sử dụng tiếng Anh pha lẫn tiếng Việt. Chẳng hạn khi khen một bức ảnh cô gái nào đang đỏm dáng, bạn nữ thường phản hồi: Cute (xinh) thế, trong khi phái mày râu thường viết: Hot (bốc lửa) thế. Hoặc trong nội dung các cuộc bình luận, cư dân mạng thường viết: “Tui hổng care (quan tâm) chuyện này” hoặc: “Cái view (cảnh nhìn) này đẹp quá”.
Cũng có ý kiến cho rằng, những cách viết như vậy chỉ là tiện cho việc trao đổi thông tin, không mất thì giờ. Nhưng nếu tiếp diễn lâu dài, rất có thể nó sẽ trở thành thói quen không sửa được. Và tình trạng này đang xảy ra khá phổ biến ở các trường phổ thông.
Ông Nguyễn Hữu Phước, giáo viên dạy văn Trường THPT Cần Giuộc (Long An), cho biết: “Do thói quen viết tắt trong ghi chép bài, nên khi làm kiểm tra một tiết hoặc thi học kỳ, có rất nhiều em đã bê luôn các từ này vào bài văn của mình, ví dụ như: or (hoặc), if (nếu)…”. Thạc sĩ Đào Hồng Điện, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, trong bài tham luận tại hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”, diễn ra ở TP.HCM năm 2010, cho rằng chính thái độ tùy tiện của người sử dụng chữ viết là nguyên nhân khiến cho tiếng Việt dần mất đi tính trong sáng.
Giáo sư Anh ngữ Tôn Thất Lan cũng nhận định: “Bắt chước là một cách học tiếng Anh hiệu quả, nhưng ngoại hóa tiếng Việt như vậy chỉ cho thấy mình ra vẻ biết tiếng Anh, và văn nói nghèo nàn. Đây là thói quen không xấu, nhưng không nên vì đến một lúc nào đó bạn sẽ phải lóng ngóng và khó khăn lắm mới viết được một câu văn hoàn chỉnh, dần đánh mất văn phong của ngôn ngữ tiếng Việt trong tương lai, nhất là cho các thế hệ sau này”.
Theo thạc sĩ Trần Ngọc Thơ, Phó khoa Văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, đây là hiện tượng lai tạp, tiếp thu thiếu chọn lọc các yếu tố văn hóa phương Tây, mà điển hình là ngôn ngữ.
Ý kiến:
“Nguyên nhân chính do có nhiều chữ tiếng Việt phải diễn đạt dài dòng, trong khi tiếng Anh chỉ cần nói một chữ là đủ. Tuy nhiên, nhiều sinh viên khi phỏng vấn xin việc lại đệm thêm tiếng Anh cho có vẻ sành điệu là không nên vì cách nói này chỉ dùng trong giao tiếp thân mật và nội bộ”.
Thu Hằng (Trưởng phòng nhân sự một công ty Anh quốc)
“Đệm tiếng Anh trong câu tiếng Việt cũng có cái lợi là tạo cho người học có sự liên tưởng và nhớ từ vựng kỹ hơn. Đồng thời khi trong nhóm nói với nhau thường xuyên cũng tạo được sự thân mật, hiểu nhau. Vấn đề là làm chủ ngôn ngữ, nói gì, vào lúc nào là điều quan trọng trong văn hóa giao tiếp”.
Nguyễn Hoàng Hùng(Chủ nhiệm CLB Anh ngữ Nhà văn hóa Thanh niên, TP.HCM)
“Nước ta trên đường hội nhập cũng không tránh khỏi việc dùng hai ngôn ngữ trong cuộc sống. Tuy nhiên khi nào bạn nói tiếng Việt thì nên nói trọn vẹn, còn khi dùng tiếng Anh thì nói cho lưu loát. Việc nói xáo trộn hai ngôn ngữ có thể ảnh hưởng xấu đến văn viết của bạn, nhất là khi bạn học tiếng Anh chưa đến nơi đến chốn”.
Mỹ An(Tổng công ty du lịch Sài Gòn)
|
Hạ Mi - Minh Luân
Tiếng Việt đang méo mó: Thay đổi thói quen xấu
14/04/2012 3:46
Sách dành cho thiếu nhi cần tránh những sai sót cơ bản để trẻ em tiếp nhận tiếng Việt chuẩn xác - Ảnh: Lê Thanh |
Bê con và cún con
Những sai sót về chính tả, cách dùng từ... không hiếm trong nhiều cuốn sách, thậm chí của những nhà xuất bản lớn.
|
Trong bộ sách Cùng học điều hay của Nhà xuất bản Mỹ Thuật và Đông A năm 2010, tập truyện Gà con thích ăn sỏi có nhân vật tên là “Cún con”. Từ điển tiếng Việt trước đến nay luôn định nghĩa: “Cún: chó con” nên nếu viết “cún con” là sai. Tương tự, trong bộ sách Bé tô màu vào tranh, tập truyện Cái áo của thỏ con của Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2010 có nhân vật “Bê con”.
Trong khi đó, nghĩa của “bê” chính là “bò con”. Trong tập sách Cẩm nang học đường dành cho bé từ 3 tuổi trở lên do Công ty Thiên Long thực hiện, phát cho trẻ ở các trường mẫu giáo, có từ “chuột nhắc” (thay vì “chuột nhắt”)... Trẻ con mới tiếp xúc với ngôn ngữ cần phải được học một cách chuẩn xác, thế nhưng những cuốn sách dành cho thiếu nhi lại có những sai sót hết sức căn bản.
Đáng buồn hơn, những sai sót kiểu này trở nên phổ biến đến mức nhiều người không nghĩ đó là sai. Những cách nói như “ngày sinh nhật”, “đêm dạ hội”, “người giáo viên”, “thuốc tân dược”... xuất hiện khá nhiều trên các văn bản.
Du nhập nhưng phải chọn lọc
Một ngôn ngữ muốn tồn tại thì phải luôn vận động, phát triển. Muốn thế, ngôn ngữ đó không thể đóng kín mà phải tiếp xúc, giao thoa; quá trình này hẳn phải dẫn đến việc vay mượn. Không ai dám bảo đảm có ngôn ngữ nào trên thế giới tuyệt đối “thuần khiết”.
Tiếng Việt của chúng ta cũng trải qua những giai đoạn tiếp xúc với các ngôn ngữ khác như tiếng Hán, tiếng Pháp...; vay mượn, bổ sung để làm phong phú và giàu đẹp thêm ngôn ngữ. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy đây là một quá trình tiếp thu có chọn lọc và Việt hóa đến mức có thể.
Tiếng Việt lúc bấy giờ du nhập những từ ngữ chưa có trong vốn từ của mình. Chẳng hạn tiếng Việt hiện nay có hàng loạt từ nguồn gốc từ tiếng Pháp như: A xít (acide), bia (bière), ca cao (cacao), cà phê (café), kem (crème), cà rốt (carotte), sơ mi (chemise), bê tông (béton), lô cốt (blockhaus), tôn (tôle)...
Ngày nay, trong quá trình tiếp xúc với những ngôn ngữ đang là thế mạnh, chẳng hạn như tiếng Anh, chắc chắn tiếng Việt cũng cần phải bổ sung những từ ngữ mới, đặc biệt các thuật ngữ khoa học.
Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sử dụng vô tội vạ các từ nước ngoài mà tiếng Việt đã có sẵn những từ ngữ rất hay. Chẳng hạn, tại sao không dùng “tuổi hoa niên”, “tuổi hoa”, “tuổi ngọc”, “tuổi ô mai”... mà lại dùng “tuổi teen”? Tại sao phải dùng “passport” thay cho hộ chiếu hay “visa” cho thị thực?...
Một chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ đã từng đau đáu thốt lên rằng ngày nay nói sai tiếng nước ngoài còn có chút lo lắng chứ nói sai tiếng mẹ đẻ thì chẳng ai quan tâm. Học giả Phạm Quỳnh trong thời kỳ Pháp thuộc có một câu nói đầy ý nghĩa: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Nhiệm vụ của mỗi người Việt là yêu, giữ gìn, phát triển tiếng Việt nhưng đừng làm tiếng mẹ đẻ trở thành dị dạng.
Tây hóa là do chưa tôn trọng tiếng Việt
Vào năm 1957, khi tôi sang Anh, gặp một học trò cũ, cậu này sang học Anh ngữ tại London, ngỏ ý muốn ghi âm những bài dân ca do tôi biểu diễn. Cậu đề nghị với tôi như sau (nguyên văn): "Thưa thầy, em xin phép được record thầy hát những bài folksong. Nhưng em không có tape mới. Thầy chịu khó chờ đợi em wipe lại tape cũ rồi em sẽ record thầy". Tôi nói ngay với cậu rằng: "Con mới sang London học tiếng Anh chưa đầy 3 năm mà không nói được một câu tiếng Việt suôn sẻ. Tại sao con không nói “Em xin phép thầy ghi âm những bài dân ca do thầy biểu diễn. Nhưng em không có băng từ mới, thầy chịu khó chờ đợi em xóa băng cũ rồi em sẽ ghi âm thầy”. Tôi thấy việc Tây hóa ngôn ngữ Việt Nam là do giới trẻ hiện nay chưa biết cách tôn trọng tiếng Việt như là một nét văn hóa. Tôi đã sống gần 50 năm ở nước ngoài, dạy học 30 năm tại các trường ĐH ở Paris, trong hội đồng quốc tế âm nhạc, tôi chỉ giao tiếp bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Nhưng khi tôi nói tiếng Việt thì không hề bị tiếng ngoại quốc lấn át tiếng mẹ đẻ.
Lẽ tất nhiên trong môi trường mới, nhất là giữa giới trẻ có chen vào một vài tiếng cũng chẳng sao. Riêng đối với tôi, tôi vẫn thấy chướng mắt và chướng tai khi đọc hoặc nghe những tin nhắn của học trò: "Con xin chúc thầy of con (thầy của con) được sức khỏe ok"... Tôi thiết nghĩ khi chơi với nhau thì khác. Nhưng khi nói chuyện với người thân của mình hay viết ra thành văn bản thì nên tránh những lỗi lầm nho nhỏ đó để giữ cho câu nói còn được thuần tiếng Việt.
Theo tôi, muốn giữ cho tiếng Việt được thuần chất, thì thứ nhất, mỗi người Việt cần phải thương yêu tiếng mẹ đẻ của mình. Thứ nhì, những người có trách nhiệm trong giới truyền thông đại chúng, các bạn dẫn chương trình những buổi truyền thanh hay truyền hình, những người viết báo, viết sách nên cẩn thận vì thính giả và độc giả dễ bị ảnh hưởng, nếu các bạn pha trộn tiếng nước ngoài khi giới thiệu một chương trình hay một đề tài liên quan đến văn hóa Việt. Gia đình và nhà trường có bổn phận phải giúp cho các em sử dụng tiếng Việt một cách đúng nơi, đúng chỗ và đúng lúc.
GS-TS Trần Văn Khê
|
Ý kiến
Cấp thiết hình thành luật ngôn ngữ
Tôi cho rằng, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chúng ta cần có luật ngôn ngữ, nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra, quanh hoạt động giao tiếp ngôn ngữ trong xã hội VN. Như vậy chúng ta mới có cơ sở, căn cứ pháp lý, đủ sức bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt. Vị trí của luật này quan trọng ngang tầm với các luật khác, như luật Đất đai, luật Giáo dục...
GS-TS-Ngnd Bùi Khánh Thế (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM)
Thành lập cơ quan chỉnh đốn
Ở các nước tiên tiến trên thế giới đều tổ chức các cơ quan chỉnh đốn ngôn ngữ. Đối với tiếng Việt, để chỉnh đốn ngôn ngữ nhất thiết phải có một cơ quan thường trực có đủ năng lực và thẩm quyền chịu trách nhiệm nghiên cứu, ứng dụng và tổng hợp những nghiên cứu trong xã hội về việc sử dụng từ ngữ nói chung và từ ngữ nước ngoài trong tiếng Việt nói riêng; xây dựng luật ngôn ngữ và các văn bản dưới luật nhằm thể chế hóa các quy định sử dụng tiếng Việt nói chung và sử dụng từ nước ngoài nói riêng.
PGS-TS Trần Thanh Ái (ĐH Cần Thơ)
Người lớn phải làm gương
Với tình trạng sử dụng ngôn ngữ như hiện nay thì liệu 10 năm, 20 năm sau, tiếng Việt có còn giữ gìn được sự trong sáng? Tôi nhấn mạnh về việc làm gương của người lớn. Ở trường, giáo viên phải luôn nhắc nhở học sinh, ở nhà thì cha mẹ cần tuyên truyền con sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách trong sáng? Chúng ta cần phải nhanh chóng đề ra liệu pháp để bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt.
Triệu Thị Huệ (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Minh Luân (ghi)
|
Thùy Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét