Các Trang

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Tiếng Việt Là Chủ Thể Làm Nên Ngôn Ngữ Trung Hoa


LẬT NGƯỢC LỊCH SỬ DẤU VẾT THƯ TỊCH: TIẾNG VIỆT LÀ CHỦ THỂ LÀM NÊN NGÔN NGỮ TRUNG HOA


Suốt thế kỷ XX, do thiếu tư liệu và do bị chi phối bởi quan niệm Hoa tâm (lấy Trung Hoa làm trung tâm) nên giới học thuật cho rằng tổ tiên dân tộc Việt là nhóm người thiểu số từ cao nguyên Thiên Sơn theo sông Dương Tử xuống vùng Hoa Nam, sau bị người Hán săn đuổi đã tràn vào đất Việt, tiêu diệt người bản địa, lập nhà nuớc Văn Lang. Lịch sử dân tộc Việt là một cuộc Nam tiến.

Do bị phương Bắc đô hộ suốt một thiên niên kỷ, người Việt chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Hoa, cả về huyết thống cả về văn hoá. Giới ngôn ngữ học lịch sử do chịu ảnh hưởng của viện sĩ Maspero (1912) cho ngôn ngữ Thái giữ vai trò chủ đạo trong thời tiền sử Ðông Á nên khi làm những nghiên cứu so sánh ngôn ngữ học đã đem chữ Hán được điển chế hàng ngàn năm đối chiếu với chữ Việt Latinh hóa mới chừng hơn trăm tuổi và thống kê được, trong tiếng Việt có đến 70% vay mượn từ tiếng Hán! Sở dĩ có sự lầm lẫn lớn này là do tiếng Việt không còn văn tự gốc, tức không còn chữ Hỏa tự hay chữ Khoa đẩu nên các nhà phục nguyên Hán ngữ chỉ theo những văn bản chữ Hán rồi mặc nhiên coi chữ của người Hán có trước, vì thế bất cứ tiếng Việt nào cũng có trong ngôn ngữ Hán đều bị coi là mượn từ tiếng Hán!

Theo quan niệm trên, nhiều nhà ngữ học quốc tế cũng như Việt Nam (Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim…) cho rằng, tiếng Việt mượn đến 70% từ tiếng Hán.

Những người không tán thành cùng lắm cũng chỉ có thể ấp úng nói rằng: tuy có mượn nhưng không mượn tới mức như vậy! Họ cố tìm những từ thuần Việt. Qua nhiều cuộc tranh luận chứng tỏ đó là những cố gắng vô vọng. Những người ít vốn cổ văn thường bị đánh gục bởi những học giả chữ nghĩa cùng mình, viện dẫn hàng núi sách Tây Tầu. Và cho đến nay, con em chúng ta vẫn bị nhồi nhét giáo điều đó!



Trong chuyên luận này chúng tôi muốn chứng minh sự thật ngược lại: tiếng Việt đã góp phần hùn lớn để tạo thành ngôn ngữ Trung Hoa.


I/ Lật ngược lịch sử


Đã tới lúc chúng ta phải từ bỏ điều ngộ nhận để viết lại lịch sử của mình. Đây là công việc khó khăn mà chúng tôi mạo muội đề xuất trong tiểu luận Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hoá(1) và được bàn kỹ hơn trong công trình sắp xuất bản Thử tìm lại cội nguồn người Việt.


Trong bài viết này, do yêu cầu của đối tượng nghiên cứu, chúng tôi chỉ xin nêu mấy nét chung nhất.


Những thành tựu mới nhất và đáng tin cậy của công nghệ gene xác nhận rằng, người hiện đại Homo sapiens từ Trung Đông đã theo con đường phương nam tới Việt Nam vào khoảng 60-70.000 năm trước. Nghỉ lại đây trong vòng 10.000 năm, hai đại chủng Australoid và Mongoloid hoà huyết tạo ra dân cư Đông Nam Á, là các chủng Indonesien, Melanesien, Vedoid, Negritoid. Khoảng 40.000 năm trước, người từ Đông Nam Á đi lên khai phá đất Trung Hoa(2). Cho đến thiên niên kỷ thứ IV TCN, người Đông Nam Á Bách Việt có nhân số khoảng 54% nhân loại, chiếm lĩnh toàn vùng duyên hải Đông Á và xây dựng nền văn minh lúa nước tiến bộ nhất thế giới.(3) Trong khi đó, một số nhóm Mongoloid từ Đông Nam Á theo con đường biệt lập, (không hoà huyết với Australoid) đi lên sống du mục ở vùng Tây Bắc Trung Quốc, tạo thành nhóm Mongoloid phương Bắc.

Khoảng 2600 năm TCN, những bộ lạc Mongoloid từ Tây Bắc Trung Quốc tràn qua Hoàng Hà xâm chiếm đất đai của người Bách Việt. Một bộ phận Bách Việt bị dồn xuống phía nam sông Dương Tử. Sau đó do bị lấn chiếm tiếp, đã trở lại Việt Nam và Đông Nam Á, lập nên nhà nước Văn Lang và các nước trong khu vực: Lào, Thái, Campuchea, Mianma, Mã Lai, Indonesia…

Như vậy lịch sử dân tộc Việt trải qua hai thời kỳ: thời kỳ Bắc tiến từ Việt Nam đi lên khai phá đất nước Trung Hoa và thời kỳ thứ hai hồi hương từ Trung Hoa trở lại Việt Nam.

Đấy là tiến trình lịch sử, còn tiến trình sinh học diễn biến như sau:

Người Bách Việt với các chủng Indonesien, Melanesien đi lên phía Bắc. Khi người thuộc chủng Mongoloid phương Bắc từ Tây Bắc tràn xuống, đã diễn ra cuộc hoà huyết với các chủng Bách Việt bản địa, tạo ra chủng mới là Mongoloid phương Nam. Sau khoảng 300 năm, phần lớn dân Bách Việt sống trên đất Trung Hoa tham gia vào cuộc hoà huyết này. Khi trở lại Việt Nam và Đông Nam Á, những người Bách Việt Mongoloid phương Nam mang theo nguồn gene mới, lai giống với người bản địa, khiến cho chủng Mongoloid phương Nam trở thành chủ thể trong cư dân Đông Nam Á.



Không có tài liệu làm căn cứ nhưng chúng tôi đoán rằng, khi cuộc xâm lược xảy ra, chỉ một bộ phận dân cư Bách Việt chạy khỏi nơi sinh sống. Đó là những quý tộc, tướng lĩnh, quân nhân từng đứng lên sống mái với quân xâm lược nên không thể ở lại; là lớp trí thức không chịu sống dưới ách đô hộ của ngoại tộc… Số người này có lẽ chỉ xấp xỉ 30% nhân số. Đại bộ phận người Bách Việt không có khả năng rời bỏ ruộng đồng nhà cửa với bầu đoàn thê tử nên ở lại, chịu sống cùng quân xâm lăng.

Tràn xuống phía nam Hoàng Hà, kẻ thắng trận là những bộ lạc thiểu số Mông Cổ với số dân ít, đời sống khó khăn, bắt gặp vùng đất mênh mông, kinh tế trù phú và số dân đông đúc nên không thể và không cần thực hiện chính sách diệt chủng hay nô lệ hoá kẻ thua trận. Người chủ mới đã thực thi chính sách chung sống khôn khéo: đảm bảo quyền lợi cao nhất cho mình đồng thời không bần cùng hoá kẻ bị trị tới mức phải nổi lên chống lại. Trên đại thể, người Hán bỏ phương thức du mục, chuyển sang làm quan cai trị, làm công nghiệp, thương nghiệp - những ngành nghề hợp với sở trường và sinh lãi cao. Họ để cho người Bách Việt làm nông nghiệp và đi lính(4). Chính vì vậy, cùng với người Hán, người Bách Việt được an cư lạc nghiệp đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng xã hội mới cả về kinh tế lẫn văn hoá. Nhờ thế, chỉ trong vòng 300 năm, từ Hoàng Đế qua Đế Cốc, Đế Chí, sang Đế Nghiêu (2356 TCN) đã là thời Hoàng Kim của xã hội Trung Hoa cổ.


Tới đây chúng tôi trình bày về sự đóng góp của người Bách Việt trong việc hình thành ngôn ngữ Trung Hoa.

Quy luật phổ quát của nhân loại là những bộ lạc du mục thường mạnh về vũ trang nhưng văn hoá kém phát triển. Trong khi đó dân nông nghiệp có nền văn hoá cao nhưng lại kém trong chiến trận. Là tộc người giữ vị trí lãnh đạo cộng đồng Bách Việt nông nghiệp về xã hội và ngôn ngữ, người Lạc Việt có vốn ngôn ngữ phong phú vượt trội so với người thiểu số Hán Mông Cổ(5). Ngôn ngữ học thế giới cho thấy, vào khoảng thiên niên kỷ IV TCN, ngôn ngữ Môn-Khmer của người Việt giữ vai trò lãnh đạo vùng Ðông Á cả về xã hội cả về ngôn ngữ. Trong khi đó, ngôn ngữ Hán Tạng (Sino-Tibétan) chỉ tồn tại trong số ít người sống ở vùng Thiểm Tây, Cam Túc. Sự vượt trội còn thể hiện ở chỗ số lượng từ vựng của người Lạc Việt nhiều, có khả năng biểu cảm cao đồng thời có nhiều từ thể hiện những khái niệm trừu tượng, đủ sức làm nên kinh Thi, kinh Dịch... 

Khi sống trong cộng đồng cư dân mới, người gốc Bách Việt – mà kẻ xâm lăng gọi là lê dân, tức dân có nước da đen – vẫn dùng tiếng nói và cách nói của mình. Cùng với thời gian, họ học thêm những từ mới của người láng giềng Hán tộc. Cũng như vậy, người Hán bổ sung từ ngữ của lê dân vào tiếng nói của mình. Dần dần toàn bộ từ vựng trở thành của chung. Điều này cũng giống như ngôn ngữ Việt hiện đại: sau năm 1975 trong giao tiếp cũng như viết lách có việc dùng trộn trạo tiếng Bắc lẫn tiếng Nam.


Từ vựng hoà đồng khá dễ dàng nhưng người gốc Hán và gốc Việt vẫn giữ cách nói hay ngữ pháp riêng của mình. Ngữ pháp là yếu tố khá bền vững của ngôn ngữ và làm nên sự phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác. Cách nói của người Hán có những nét khác biệt người Việt. Do sống dưới sự thống trị của người Hán nên người Việt phải tuân theo cách nói của kẻ cầm quyền. Quá trình này là lâu dài và được chi phối bởi quy luật: Các vùng đất trong một quốc gia thường học theo cách nói của trung tâm, của kinh đô. Người Hán thống trị tập trung ở các đô thị, ra mệnh lệnh, giấy tờ theo cách nói cách viết của mình. Lê dân, dù ngày thường nói và viết theo thói quen của người Việt nhưng khi lên thủ đô, khi viết những văn bản hành chính buộc phải theo cách nói cách viết của chính quyền. Rồi trường học được mở, học trò phải nói và viết theo “chuẩn”. Cứ như vậy dần dần cách nói cách viết của người Hán trở thành thống lĩnh. Ban đầu tiếng nói được ký tự bằng chữ Khoa đẩu của người Việt. Khi chế ra chữ vuông, tất cả từ vựng chuyển sang viết bằng chữ vuông: tiếng Việt biến thành tiếng Hán cả về từ vựng cả về ngữ pháp.

Ở trên là một phác hoạ lịch sử đồng thời là giả thuyết mang tính nguyên lý về quá trình hình thành của ngôn ngữ Trung Hoa hay quá trình hội nhập của tiếng Việt vào ngôn ngữ Hán. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là suy đoán mang tính tư biện. Vấn đề là phải chứng minh bằng chứng cứ thuyết phục.


II/ Dấu vết ngữ pháp Việt trong thư tịch cổ Trung Hoa.

Nếu tiếng Việt là bộ phận cấu thành ngôn ngữ Trung Hoa, thì theo luật biện chứng, tất phải có những vết tích của ngôn ngữ Việt trong thư tịch Trung Hoa.

Ngôn ngữ gồm hai bộ phận hợp thành là từ vựng và ngữ pháp. Từ vựng là sinh ngữ nên chịu biến đổi theo thời gian và sự giao lưu giữa các tộc người trong không gian. Vì vậy việc truy tìm nguồn gốc của một từ là không dễ dàng. Với ngôn ngữ nói chung đã vậy mà riêng trong quan hệ ngôn ngữ Hán - Việt lại càng phức tạp hơn. Đi theo hướng này, chúng ta gặp những từ như Thần Nông, Nữ Oa, Đế Minh, Đế Lai, Đế Du Võng, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế cốc, Đế Chí. Không thể chối cãi được đó là những tên Việt. Nhưng vì lý do nào những danh từ riêng đó tồn tại trong ngôn ngữ Trung Hoa là điều bí ẩn. Tham vọng tìm ra những từ thuần Việt thường vấp phải sức phản kháng rất lớn. Ít năm trước có tác giả cho rằng một số địa danh vùng đất Phú Thọ như Kẻ, Mơ… là những từ gốc Việt. Nhưng giả thuyết vừa ra đời liền bị phản bác. Người ta đưa ra những cuốn sách vĩ đại như Từ Hải, Khang Hy tự điển, Tứ khố toàn thư… để chứng minh rằng “kẻ” cũng là từ gốc Hán, là những từ “cái”, “giới”, “giái” của Hán ngữ được người Việt muợn. Khi nhập tịch Việt Nam, nó được Việt hoá thành “kẻ”. Tương tự như vậy, “mơ” cũng là con đẻ của “mai” tiếng Tàu! Một vài từ xem chừng có vẻ Việt nhất thì cũng “Trăm phần trăm Hán, đều Made in China!” Trong con mắt những học giả này, dân Việt chỉ là đám Hán lai, văn hoá Việt nghèo nàn, chỉ là sự học mót người Hán chưa đến đầu đến đũa! Bất cứ những gì cả Hán lẫn Việt cùng có thì chỉ là Việt học Hán! Đáng buồn là giới khoa bảng Việt chưa ai cãi nổi họ. Giáo sư Cao Xuân Hạo kể rằng: “Ông Vượng (Trần Quốc) nói với tôi: biết rõ Huệ Thiên nói bậy mà không có cách nào bác ông ta được!” Thật đáng thương cho tiếng Việt!

Không đủ tài trí để tìm những từ thuần Việt, chúng tôi đi theo hướng khác: tìm dấu vết ngữ pháp Việt trong Hán ngữ. Tới đây một câu hỏi nảy sinh: cái gì là đặc trưng nhất cho ngữ pháp tiếng Việt? Dựa vào luật “CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU” của nhà ngữ học người Pháp Léopold Cadiere với nội dung: “Trong một câu đơn, các từ ngữ nối tiếp nhau theo một trật tự như thế nào mà mỗi từ đi sau làm rõ ý nghĩa của từ đi trước hay của một trong những từ đi trước », giáo sư Cao Xuân Hạo đưa ra nhận định: «Nhìn chung, tiếng Việt rất nhất quán trong cách xử lý trật tự từ ngữ (chính trước, phụ sau, nhất là khi so với tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hán, trong đó không thể có một nhận định tổng quát nào về trật tự từ ngữ.) Trong tiếng Việt, những từ ngữ Hán-Việt làm thành một trường hợp lệ ngoại nổi bật đến mức người không có học bao nhiêu cũng biết đó là một trật tự “ngược”, nếu không kể những trường hợp lệ ngoại như những tổ hợp [vị từ tình thái+ ngữ vị từ] như các kết cấu mở đầu bằng bất hay vô vốn được xử lý như mọi tổ hợp [vị từ+ bổ ngữ] khác (chính trước phụ sau). Tuy vậy cũng không hiếm những kết cấu sai ngữ pháp Hán nhưng đã trở thành vốn văn học dân gian như cách nhại tiếng kêu của con đa đa (gà gô) là Bất thực cốc Chu gia (không thèm ăn lúa nhà Chu) được gán cho Bá Di và Thúc Tề (lẽ ra phải là Bất thực Chu gia cốc mới đúng ngữ pháp tiếng Hán).”(6)


Từ luật “chính trước phụ sau” nêu trên, soi vào những thư tịch Hán văn, ta dễ dàng bắt gặp cấu trúc ngữ pháp dạng Trung + danh từ như “trung tâm” (trong lòng), “trung đình” (trong sân): Trung tâm rạng rạng, Trung tâm dao dao, Trung cấu chi ngôn (kinh Thi); thứ nhị, thứ tam (kinh Thư); bệ thăng thiên, thần thọ (thần cây) ở Lục độ tập kinh. Trong những kết cấu trên, đúng là trật tự chính trước phụ sau được tuân thủ. Rõ ràng đó không phải là cấu trúc cú pháp Hán mà là cấu trúc cú pháp Việt. Nếu chỉ có một vài trường hợp trong một cuốn sách nào đó thì là chuyện ngẫu nhiên. Nhưng sự việc trở thành không bình thường khi phát hiện hàng loạt trường hợp tương tự trong nhiều thư tịch:


Kinh Thi(7):
- Túc túc thỏ ta, thi vu trung lâm (Thỏ ta: trong rừng)
- Hước lãng tiếu ngạo, trung tâm thị niệu (Chung phong: trong lòng áy náy)
- Hồ vi hồ trung lộ (Thức vi: trong sương)
- Trung tâm rạng rạng (Nhị tử thừa chu: trong lòng áy náy )
- Trung tâm hữu vi (Cốc phong: trong lòng băn khoăn)
- Di vu trung cốc (Cát đàm: trong hang)
- Trung tâm dao dao (thử ly: trong lòng nao nao)
- Tại bỉ trung hà (Bách châu: giữa dòng sông)
- Trung cấu chi ngôn (Tường hữu từ: lời nói trong buồng kín )
Những "hòn sạn" chữ nghĩa kia nói lên điều gì? Phải chăng là sự vô tình? Phải chăng là những người biên tập, san định, chú giải Thi vì "dốt" nên không thấy cái "sai" ấy? Mấy nghìn năm nay chưa ai giải thích điều này. Vì sao qua hàng nghìn năm phấn đấu xa đồng quỹ, thư đồng văn, qua biết bao lần nhuận sắc, chú giải, những đại nho Hán tộc không sửa chữa, không lượm đi những "hạt sạn"? Ðúng là chữ nghĩa thời kinh Thi chưa ổn định và có khác thời Hán thời Ðường. Nhưng thử hỏi, nguyên nhân của sự không ổn định ấy là gì? Theo thiển ý, ở chính trong lịch sử hình thành ngôn ngữ Trung Hoa. Ngôn ngữ thời kinh Thi nằm trên đường chuyển hóa từ cách nói của người Việt sang cách nói của người Hán.


Không chỉ ở Thi mà chúng tôi gặp trong Kinh Thư (8):
1. Thiên Vũ Cống câu 31: Hàm tắc tam nhưỡng, thành phú trung bang. (thuế ruộng chỉ lập thành ở trong nước - tại chính nước của thiên tử mà thôi)


2. Thiên Hồng Phạm câu 4: Sơ nhất viết ngũ hành. Thứ nhị viết: kính dụng ngũ sự. Thứ tam viết: nông dụng bát chính. Thứ tứ viết: hiệp dụng ngũ kỷ. Thứ ngũ viết: kiến dụng hoàng cực. Thứ lục viết: nghệ dụng tam đức. Thứ thất viết: minh dụng kê nghi. Thứ bát viết: niệm dung thứ trưng. Thứ cửu viết ướng dụng ngũ phúc.
(Trù thứ nhất gọi là ngũ hành. Trù thứ hai gọi là kinh dùng năm việc. Trù thứ ba là, trù thứ tư là…)
Đây là lần duy nhất trong kinh Thư có cấu trúc “thứ nhị, thứ tam” theo cách nói của người Việt. Ở các thiên sau được viết “nhất viết, nhị viết” theo cách nói của người Hán.


3. Thiên Tử Tài câu 6: hoàng thiên ký phó trung quốc dân, việt quyết cương thổ vu tiên vương. (vì rằng trời đã trao cho đấng tiên vương nhân dân bờ cõi đất đai trong nước)


4. Thiên Thiệu Cáo câu 14: Kỳ tự thời trung nghệ. Vương quyết hữu thành mệnh (Có thể ở giữa nước cai trị nhân dân . Như thế nhà vua sẽ trọn vẹn được mệnh trời, nay được tốt đẹp cả.)


5. Thiên Lạc Cáo câu 23 Viết: kỳ tự thời trung nghệ, vạn ban ham hưu (nhà vua ở trung tâm cả nước trị dân, muôn nước nhỏ đều được tốt đẹp)


6. Thiên Vô Dật câu 11
Văn Vương thụ mệnh duy trung thân, quyết hưởng quốc ngũ thập niên (Vua Văn Vương chịu mệnh làm vua chư hầu suốt đời, cả thảy 50 năm)


Kinh Dịch (9):


1/ Khổng tử có câu: “Thánh nhân dĩ thiên hạ vi nhất gia, dĩ trung quốc vi nhất nhân” (Thánh nhân xem người thiên hạ như người một nhà, xem người trong nước như người thân của mình.) Trang 64.
2/ Đắc thượng vu trung hàng (vào trong hàng ngũ có nghĩa theo đúng đạo.) Trang 216.
3/ Tượng viết, phiên phiên bất phú, giai thất thực dã, bất giới dĩ phú, trung tâm nguyện dã (trong lòng đã muốn sẵn vậy) Trang 221.
4/ Tượng viết, trung hành độc phục (đi giữa bầy ác mà một mình theo đạo thiện nhân.) Trang 376
5/ Tượng viết, trung hành độc phục, dĩ tòng đạo dã. Trang 377
6/ Lục nhị, vô duy tuỵ, tại trung quỵ, trinh cát (con dâu con gái không trách nhiệm, lo việc trong nhà, tốt.) Trang 539.
7/ Tương việt, kỳ tử hoạ chi, trung tâm nguyện dã (nghe tiếng gáy mà hoạ ngay tại trong lòng muốn vậy) trang 825
8/ Trung tâm nghi giả, kỳ từ chi (trong lòng nghi ngờ, lời nói không chắc chắn) Trang 929
Rất may mắn, trong cuộc truy tìm của mình, chúng tôi được sự trợ lực quý báu của học giả Lê Mạnh Thát: 
“Ngoài Kinh thi, Lễ ký cũng bốn lần xử dụng cụm “trung tâm”. Một lần ở thiên Biểu ký của Lễ ký chính nghĩa 54 tờ 12a3-4, dẫn đoạn ba của bài Thấp tang của Kinh thi: (Mao thi chính nghĩa 15/2 tờ 7a12). 
Tâm hồ ái hỉ 
Hà bất vị hỉ 
Trung tâm tạng chi 
Hà nhật vong chi. 
Ba lần kia ở thiên Lễ vận và thiên Biểu ký của Lễ ký chính nghĩa 22 tờ 10a7 và tờ 4a7 và tờ 5a1 “trung tâm vô vi”, “trung tâm thảm đát” và “trung tâm an nhân giả, thiên hạ nhất nhân nhi dĩ hỹ”. Trong cả ba lần này, Trịnh Huyền không có giải thích gì thêm, còn Khổng Dĩnh Đạt vẫn giữ nguyên khi viết lời sớ của mình. Tuy nhiên, không phải Lễ ký không biết đến lối viết tiêu chuẩn “tâm trung”. Cụ thể là thiên Nhạc ký của Lễ ký chính nghĩa tờ 9b10. “Tâm trung tư tu, bất hòa bất lạc”. Đặc biệt hơn nữa, khi giải thích chữ “trung” trong câu “lễ nhạc giao thố ư trung, phát hình ư ngoại” của thiên Văn vương thế tử của Lễ ký chính nghĩa 20 tờ 7b13-8a1, Trịnh Huyền đã viết: “Tâm, trung tâm giả”. Như thế rõ ràng đến thế kỷ thứ II sdl, qui định về vị trí của chữ "trung" đối với các danh từ và đại từ được tuân thủ. 
Thực vậy, kiểm soát toàn bộ văn liệu tiếng Trung Quốc từ thế kỷ thứ nhất sdl đến thời Khổng Dĩnh Đạt viết Mao thi chính nghĩa và Lễ ký chính nghĩa vào năm 638, ta thấy cụm “trung tâm” rất ít khi dùng tới. Trong ba thế kỷ từ thế kỷ thứ I -III ngoài Dương Hùng, ta chỉ gặp ba lần dùng cụm “trung tâm”. Một là trong lá thư của Phùng Diễn (k.1-65) do Lý Hiền dẫn trong truyện của Diễn ở Hậu Hán thư 58 hạ tờ 14a4-6 viết cho Tuyên Mạnh: “Cư thất chi nghĩa, nhân chi đại luận, tư hậu hòa chi tiết, lạc định kim thạch chi cố. Hựu tư thương tiền tào bất lương, tỷ hữu khử lương phụ chi danh, sự thành bất đắc bất nhiên, khởi trung tâm chi sở hảo tại!” Hai là trong tờ chiếu cải cách lịch của Hán Chương đế viết tháng 2 năm Nguyên Hòa thứ 2 (86) trong Hậu Hán thư 12 tờ 2a5, ta có câu “trung tâm nục yên”. Ba là ngày Đinh Hợi tháng giêng năm Cảnh Sơ thứ 3 (240) Minh đế Tào Duệ băng hà, Tề vương Tào Phương lên ngôi. Tháng 2, Tào Sảng nhằm giảm bớt quyền hành của Tư Mã Ý, đã sai em là Tào Hy viết biểu đề nghị phong Ý từ thái úy lên thái phó. Bài biểu này chép trong Ngụy thư, mà Bùi Tùng Chi cho dẫn trong Ngụy chí 9 tờ 13a12, trong đó có câu “trung tâm quí dịch”. 
Hà Yến và Đặng Dương cùng nhóm với Tào Sảng. Thế thuyết tân ngữ phần hạ của quyển trung tờ 30b11-13 chép việc Yến và Dương nhờ Quản Lạc xủ quẻ. Xủ xong, Lạc dặn phải cẩn thận. Yến lại dẫn 2 câu cuối của bài thơ Thấp tạng 
Trung tâm tạng chi 
Hà nhã vong chi 
để trả lời. Hai câu này, Tôn Tú cũng dùng đễ trả lời Phan Nhạc về mối hận với Thạch Sùng, như Thế thuyết tân ngữ phần hạ của quyển hạ tờ 38a8 đã ghi. 


Đến thế kỷ thứ IV, Thế thuyết tân ngữ phần thượng của quyển hạ tờ 9a2-7 chép Chi Tuần (352 - 404), sau khi người bạn đạo của mình là Pháp Kiên tịch, đã nói: “Tri kỷ đã mất, nói ra không ai thưởng thức, trong lòng dồn nén, ta cũng mất thôi”. Câu “trong lòng dồn nén” là dịch cụm “trung tâm uẩn kết”, mà sau khi viết truyện của Tuần trong Cao tăng truyện 4 ĐTK 2059 tờ 349c15-167, Huệ Hạo đã ghi lại và là một lời nhái câu “ngã tâm uẩn kết” của bài thơ Tố quan trong Mao thi chính nghĩa 7/2 tờ 4b6. 


Qua các thế kỷ V-VI không thấy dùng nữa. Đến đầu thế kỷ thứ VII, khi viết Biện chính luận 7 ĐTK 2110 tờ 541a20-22 vào năm 622, Pháp Lâm mới có dịp dùng “trung tâm” trong bài thơ Thanh sơn (Núi xanh) mà bốn câu cuối cùng đọc: 
Huyên phong bạch vân thượng 
Quải nguyệt thanh sơn hạ 
Trung tâm dục hữu ngôn 
Vị đắc vong ngôn giả. 


Như vậy cụm từ “trung tâm” từ thế kỷ thứ VI tdl, khi Khổng Tử san định kinh Thi, Thư và Lễ trở về trước, đang còn được sử dụng khá phổ biến. Nhưng từ thế kỷ thứ I sdl về sau cho đến thời Khương Tăng Hội, việc sử dụng nó cực kỳ hiếm hoi, như ta đã thấy. Trong khoảng 300 năm, nó chỉ được sử dụng ba lần, một trong lá thư của Phùng Diễn, một trong tờ chiếu viết năm 86 của Chương đế và một trong bài biểu năm 240 của Tào Sảng. Những lần do Hà Yến, Tôn Tú và Phan Nhạc dùng tới thì đều đọc lại hay nhái theo thơ của kinh Thi, nên không cần kể ra ở đây.”

Điều thú vị là hiện tượng cấu trúc ngữ pháp Việt tồn tại trong bản văn chữ Hán còn gặp trong 3 bản kinh Phật bằng chữ Hán tồn tại từ thế kỷ II, đó là Cựu tạp thí dụ kinh, Tạp thí dụ kinh và Lục độ tập kinh. Theo học giả Lê Mạnh Thát, đó là những bản kinh do thiền sư Mâu tử và Khương Tăng Hội dịch từ những bản kinh tiếng Việt sang chữ Hán. Quá trình này như sau: Khương Tăng Hội mà trong nhiều thư tịch Trung Hoa viết là người Hồi Hồi (Pakistan) thì chính là con một người lái buôn Tây Trúc. Người này sang Giao Châu làm ăn, lấy vợ người Việt, đẻ ra Khương Tăng Hội. Hội thông thạo tiếng Việt, theo đạo Bụt rồi học chữ Hán và dịch kinh Phật ra Hán ngữ. Ban đầu do chưa thành thạo chữ Hán nên ông đã chuyển nguyên xi một số cú pháp Việt từ bản tiếng Việt sang bản chữ Hán. Cũng theo Lê Mạnh Thát:

“Lục độ tập kinh hiện nay có cả thảy 91 truyện. Kiểm tra 91 truyện này ta thấy xuất hiện một hiện tượng ngôn ngữ khá bất bình thường, đó là những kết cấu ngôn ngữ học không theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc. Ngược lại, những cấu trúc được xây dựng theo ngữ pháp tiếng Việt:


1. Truyện 13 ĐTK 152 tờ 7c 13: “Vương cập phu nhân, tự nhiên hoàn tại bản quốc, trung cung chính điện thượng toạ, như tiền bất dị…”
2. Truyện 14 ĐTK 152 tờ 8c5: “…Nhĩ vương giả chi tử, sinh ư vi lạc, trưởng ư trung cung…” Tờ 9b27: “…lưỡng nhi đồ chi, trung tâm đảm cụ…”
3. Truyện 26 ĐTK 152 tờ 16b2: “… thủ thám tầm chi. tức hoạch đắc hĩ, trung tâm sảng nhiên, cầu dĩ an chi…”
4. Truyện 39 ĐTK 152 tờ 21b27: “…trung tâm hoan hỉ”
5. Truyện 41 ĐTK 152 tờ 22c12: “… Vương bôn nhập sơn, đổ kiến thần thọ.”
6. Truyện 43 ĐTK 152 tờ 24b21: “…trung tâm chúng uế…”
7. truyện 44 ĐTK 152 tờ 25ầ; “… trung tâm nục nhiên, đê thủ bất vân.”
8. Truyện 72 ĐTK 152 tờ 38b25: “ Thần sổ tôn linh vô thượng chính chân tuyệt diệu chi tượng lai trung đình, thiếp kim cung sự.”
9. Truyện 76 ĐTK 152 tờ 40a8: “Thần thiên thân lãnh, cửu tộc quyên chi, viễn trước ngoại dã. ĐTK 152 tờ 40b5: “Vị chúng huấn đạo trung tâm hoan hỉ.”
10. Truyện 83 ĐTK 152 tờ 44c1: “Ngô đẳng khước sát nhân súc, dĩ kỳ cốt nhục vi bệ thăng thiên.” ĐTK 152 tờ 45a19: “ Ngô đương dĩ kỳ huyết vi bệ thăng thiên.”
11. Truyện 85 ĐTK 152 tờ 47b26: “… trung tâm gia yên.”
Trong những trường hợp nêu trên, rõ ràng ngữ pháp tiếng Hán Trung Quốc đã không được tuân thủ. Muốn nói "trong lòng" mà nói "trung tâm" theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc là không thể chấp nhận. Như thế, những trường hợp "trung tâm" vừa dẫn phải được viết theo ngữ pháp tiếng Việt. Những trường hợp "thần thọ" để diễn tả ý niệm "thần cây" và "bệ thăng thiên" để diễn tả "bệ thăng thiên" cũng thế. Chúng đã được xây dựng theo ngữ pháp tiếng Việt. Những trường hợp ngôn ngữ khá bất bình thường này chỉ cho ta điều gì? Làm sao lý giải sự có mặt của những cấu trúc ấy?”(10)
Một câu hỏi thú vị.


Phải chăng việc làm của Khương Tăng Hội vô hình trung lặp lại quá trình chữ Việt chuyển hóa thành chữ Hán hơn ngàn năm trước?

Vết tích ngữ pháp Việt trong những thư tịch trên nói lên điều gì? Nó cho thấy, tới thế kỷ VI TCN, trong xã hội Trung Hoa còn tồn tại song song cả cách nói Việt lẫn cách nói Hán. Cách nói Việt không chỉ lưu hành trong tầng lớp bình dân sáng tác ca dao làm ra kinh Thi mà còn được trí thức quý tộc sử dụng. Trong bài viết trước (Việt mượn Hán hay Hán mượn Việt-talawas) chúng tôi có nói đại ý trong khi san định kinh Thi, Khổng tử có ý đồ ém đi những cấu trúc ngữ pháp Việt. Nay xét kỹ, thấy không phải vậy. Sự thực là Khổng tử không chỉ dùng nhiều cấu trúc Việt để viết kinh mà còn sử dụng ngay cả trong câu nói thường: “Thánh nhân dĩ thiên hạ vi nhất gia, dĩ trung quốc vi nhất nhân.” Hiện tượng này chứng tỏ, vào thời của ông, cả hai cách nói Hán Việt cùng tồn tại. Ta có thể ngờ rằng do mang trong mình gene Việt nên cách nói Việt đã sâu đậm trong máu huyết vì vậy khi viết, một cách vô thức Khổng tử dùng cách nói Việt?

Những điều trình bày ở trên là bằng chứng không thể bác bỏ về sự có mặt của tiếng Việt trong quá trình hình thành ngôn ngữ Trung Hoa. Ngay cái câu “Bất thực cốc Chu gia” biết đâu cũng là cách người Việt nhại tiếng kêu chim đa đa từ thời Xuân Thu vọng tới hôm nay?

Đến đây, tất nảy sinh câu hỏi: Nếu sự có mặt của tiếng Việt trong ngôn ngữ Hán là có thật thì về định lượng, đóng góp đó bao nhiêu? Nhà ngôn ngữ học lịch sử phải trả lời câu hỏi này. Chúng tôi chỉ có thể đoán rằng: Người Lạc Việt là nhân tố lãnh đạo cộng đồng Bách Việt về xã hội và ngôn ngữ thì tiếng Việt phải là phần chủ thể tạo thành ngôn ngữ của cộng đồng dân cư mới. Làm cuộc phiêu lưu ngược thời gian trở về 4600 năm trước, ta sẽ thấy nhóm người Mông Cổ da sáng lọt thỏm trong biển dân đen bản địa. Đám quan quân du mục với tiếng nói nghèo nàn thật vất vả khổ sở giữa rừng từ vựng quá đa dạng quá phong phú của dân nông nghiệp lúa nước. Kẻ xâm lăng phải học tiếng nói, văn hoá bản địa. Người bản địa cũng học văn hoá, tiếng nói của kẻ xâm lăng…Cùng với thời gian tất cả hoà trong một cộng đồng về máu huyết, văn hoá, tiếng nói. Cố nhiên, chủ thể ngôn ngữ của cộng đồng không ở nơi kẻ nắm quyền mà phải là của số đông có văn hoá cao. Quy luật tất yếu của lịch sử là thế. Kịch bản này được diễn lại vào thời nhà Thanh. Tộc Mãn thống trị Trung Hoa chỉ bảo lưu được bản sắc văn hoá duy nhất là cái đuôi sam. Sau vài trăm năm, triều Thanh đổ, đuôi sam bị cắt…tất cả đã trở thành Hán! Sau bốn ngàn năm trăm năm, với một đại Hán tộc có đến 1 tỷ người, khó ai hình dung nổi một cội nguồn máu huyết cũng như tiếng nói đã bắt đầu như vậy!


III/ Kết luận

Từ những phân tích ở trên, chúng ta có cơ sở khẳng định:


1/ Tổ tiên người Việt không phải từ cao nguyên Thiên Sơn xuống mà từ Trung Đông theo con đường phía nam đến Việt Nam khoảng 60 –70.000 năm trước. Từ đây hai đại chủng Mongoloid và Australoid hoà huyết để sinh ra những chủng người Đông Nam Á. Khoảng 40.000 năm trước, người Đông Nam Á đi lên khai phá vùng đất từ sông Dương Tử tới Hoàng Hà. Tại đây người Đông Nam Á Bách Việt xây dựng nền văn minh lúa nước phát triển. Khoảng 2600 năm TCN, người Hán Mông Cổ từ tây bắc tràn xuống, chiếm đất của người Bách Việt. Một bộ phận người Lạc Việt lui xuống phía nam sông Dương Tử và trở về Việt Nam xây dựng nhà nước Văn Lang. Những người trở về đem nguồn gene mới làm biến đổi di truyền của người Việt Indonesien, Melanesien tại chỗ đồng thời cũng du nhập những yếu tố văn hoá phương bắc trong đó có từ vựng Hán vào cộng đồng.


2/ Một bộ phận quan trọng người Việt ở lại sống chung với lực lượng chiếm đóng, góp vật chất cũng như văn hoá vật thể và phi vật thể xây dựng văn minh Trung Hoa. Trong đó tiếng Việt góp phần quan trọng hình thành ngôn ngữ Hán. Quá trình như sau: cùng với việc người Việt và người Hán hoà huyết tạo ra chủng Mongoloid phương Nam, tiếng Việt cũng hoà nhập cùng tiếng Hán trở thành ngôn ngữ của cộng đồng cư dân mới. Ban đầu từ vựng được ký âm bằng chữ Khoa đẩu của người Việt. Khi chế ra chữ vuông, tất cả từ vựng được ghi bằng chữ vuông. Chữ Việt hoàn toàn bị biến mất trong chữ Hán. Trong quá trình hoà nhập ngôn ngữ đó, cách nói, ngữ pháp tiếng Việt tồn tại khá lâu dài, để lại nhiều bằng chứng trong thư tịch.


3/ Từ thực tế như vậy, việc cho rằng tiếng Việt mượn đến 70% từ tiếng Hán là sai lầm về lịch sử và văn hoá cần bác bỏ. Việc dựa vào những bộ từ điển lớn của Trung Quốc để phân định chữ này gốc Hán hay gốc Việt là thiếu chuẩn mực về phương pháp luận. Nếu cần một phương pháp luận xác dịnh từ Hán hay Việt thì đó là xét theo nguồn gốc nông nghiệp hay du mục của nó. Tuy nhiên kết quả tìm được cũng chỉ tương đối. Hơn nữa, với lịch sử hình thành ngôn ngữ Trung Hoa và ngôn ngữ Việt như vừa trình bày, thiết tưởng việc truy tìm những từ thuần Việt không thật có ý nghĩa nữa. Điều có thể tin chắc: tiếng Việt là chủ thể làm nên ngôn ngữ Trung Hoa.


Sài Gòn 6-2006
HÀ VĂN THÙY

Tài liệu tham khảo:

Hà Văn Thuỳ. Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hoá. Talawas.org
J.Y. Chu & đồng nghiệp: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 số 95 tr. 11763-11768.
Vũ Hữu San. Vịnh Bắc Việt. Tái bản 2004. Tripod.com.
Kim Định. Việt lý tố nguyên. An Tiêm. Sài Gòn 1970
Joseph Needham & Edwin George Pulleyblank trong The Origins 1983 – Dẫn theo Cung Đình Thanh: Tiếng nói và chữ viết của người Việt cổ. Dactrung. Net.
Cadière R. P. Leopold (1877-1948). Souvenirs d’un vieil annamitisant, Indochine, Hanoi, No 143, 8 Juillet 1943. Theo Cao Xuân Hạo: Sự tích bốn chữ “CHÍNH TRƯỚC PHỤ SAU” trong Việt ngữ học (tài liệu riêng)
Kinh Thi. NXB thành phố Hồ Chí Minh 1990
Kinh Thư.Thẩm Quỳnh dịch. Trung tâm học liêu Bộ Giáo dục. Sái Gòn 1973
Kinh Dịch. Phan Bội Châu, NXB Văn hoá Thông tin 1996
Lê Mạnh Thát. Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam tập I. Quangduc.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét