Các Trang

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Chùa Trăm Gian: Phá chùa ngàn tuổi xây mới lại toàn bộ


27/08/2012 14:53:57
 - Là di tích quốc gia với số tuổi ngót ngàn năm, thế nhưng việc chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) bị hủy hoại trong suốt một thời gian dài mà không một đơn vị quản lý nào hay biết? Giờ đây công trình ngàn năm tuổi đã bị đập bỏ để dựng thành công trình… một ngày tuổi
Gác khánh thâm nghiêm, cổ kính trước khi bị phá bỏ để xây mới lại vẫn còn vững chãi, thế nhưng không biết vì sao
Gác khánh thâm nghiêm, cổ kính trước khi bị phá bỏ để xây mới lại vẫn còn
vững chãi, thế nhưng không biết vì sao "nhà chùa" vẫn phá bỏ
(ảnh Báo Lao Động)
Tổn thất khó khắc phục
Chùa Trăm Gian, xây dựng từ thời Lý đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia ngót nửa thế kỷ. Vậy mà thời gian qua, ngôi chùa này liên tục bị trùng tu tôn tạo theo kiểu phá hoàn toàn để xây mới. Thế nhưng khi sự việc bị phát hiện thì tình trạng đã “lỡ” rồi, đành lặng lẽ... rút kinh nghiệm, bỏ qua?
Điển hình như trước đây nhà chùa đã trùng tu sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng ximăng, gạch ốp lát công nghiệp xanh đỏ tím vàng; xây mới các dãy hành lang đánh bóng cột kèo bằng vécni. 
Chưa hết, giờ đây nhà chùa lại tiếp tục phá bỏ toàn bộ nhà tổ và gác khánh ngàn tuổi để thay vào đó là những vật liệu xây dựng mới hoàn toàn. 
Giờ đây công trình ngàn năm tuổi đã bị đập bỏ để dựng thành công trình… một ngày tuổi (ảnh Báo Lao Động)
Giờ đây công trình ngàn năm tuổi đã bị đập bỏ để dựng thành công trình… 
một ngày tuổi (ảnh Báo Lao Động)
Theo lời một người dân tại địa phương, chùa Trăm Gian cổ kính với nền gạch cũ, đá tảng xanh chân cột, viền vỉa hè giờ đã bị những người đến xây dựng dùng búa tạ đập bỏ khênh ra trước cổng chùa xếp thành núi trắng lốp. Họ còn dựng một lán lớn, lợp tôn xanh, to bằng dăm cái gara ôtô ngay trong khuôn viên chùa để xẻ gỗ, chế tác các hạng mục mới…
Trước sự việc như thế, nhưng ông Vũ Văn Doãn, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương khi trả lời phóng viên Báo Lao Động, lại kể với giọng đầy thán phục: “Người ta sang tận Lào, áp tải gỗ lim to về phục vụ đại công trường”. 
Còn cụ Nguyễn Đức Tuệ, một cao niên trong xã Tiên Phương thì lại kể cho bao giới nghe với niềm tự hào. Ông khoe rằng năm nay mình "được tuổi", nên được tín nhiệm mời leo lên thượng lương, cất nóc cho chính tòa gác khánh này. Cụ còn trầm trồ khen: “Người ta xẻ một cây gỗ lim ra, vót nó thành 4 cái cột chùa khổng lồ y như chúng ta chẻ tre vót đũa ấy. To tiền lắm, riêng khu này chắc khoảng 3 tỉ đồng rồi nhé”?!
Nói về chất lượng của các công trình ở chùa Trăm Gian trước khi bị phá bỏ, cụ Đỗ Duy Vinh và cụ Nguyễn Đức Tuệ khi trả lời với báo giới đều cho rằng: Ngoài các cột lim bị “tiêu tâm”, rỗng ruột do thời gian, thì hầu hết hạng mục còn tốt. Các công trình như nhà tổ, gác khánh đều đứng vững, nếu cứ để nguyên thì còn lâu mới hỏng. Nhưng vì có điều kiện, nên “nhà chùa” thay mới cho nó đẹp, nó bền. 
Các hiệp thợ ngồi nhấp nhổm ngay trước các “tuyệt phẩm bị tàn sát”, các phù điêu, cấu kiện cổ vứt chỏng chơ. (ảnh Báo Lao Động)
Các hiệp thợ ngồi nhấp nhổm ngay trước các “tuyệt phẩm bị tàn sát”,
các phù điêu, cấu kiện cổ vứt chỏng chơ.
(ảnh Báo Lao Động)
Công trình rầm rộ nhưng không ai hay?
Khi sự việc đang diễn ra, ông Vũ Văn Doãn, Chủ tịch xã Tiên Phương lúc làm việc với báo giới lại cho rằng không biết bất cứ thông tin gì về việc chùa Trăm Gian đang được “trùng tu”?... “Muốn biết thì các đồng chí… hỏi nhà chùa”
Còn ông Tống Bá Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương, người phụ trách văn xã phát biểu với báo giới cũng cho rằng: “Nhà chùa có nói (ngoài lề) với chúng tôi là Sở VHTTDL Hà Nội là chủ đầu tư dự án kể trên (?)”.
Tất cả những thông tin như: Ai đang dỡ chùa, dự án nào?; số tiền đầu tư là bao nhiêu, do tổ chức cá nhân nào cấp…? Những người có trách nhiệm của xã Tiên Phương đều trả lời là “không biết”, hoặc “hình như là…”.
Không chỉ có xã mà ngay chính Trưởng phòng văn hóa huyện cũng không biết, Ban quản lý di tích của Hà Nội không biết, lãnh đạo Cục Di sản khi được báo giới hỏi cũng chỉ nói “sẽ kiểm tra”..
Cho đến khi sự việc được báo chí truyền thông, các cơ quan liên quan đi kiểm tra, đình chỉ thi công thì các công trình như nhà tổ, gác khánh tuyệt đẹp, cổ kính ngàn năm… của nhà chùa đã bị đập ra, xây mới hoàn toàn.
Dù công trình đã bị đình chỉ nhưng những gì của chùa cổ đã không còn nữa (ảnh Báo Lao Động - Nhà tổ và gác khánh được xây mới 100%.)
Dù công trình đã bị đình chỉ nhưng những gì của chùa cổ đã không còn nữa
(ảnh Báo Lao Động - Nhà tổ và gác khánh được xây mới 100%.)
Ngày 24/8, đoàn thanh tra đã về làm việc với nhà chùa và ngay lập tức, biên bản yêu cầu đình chỉ thi công “làm mới” chùa Trăm Gian được ký tại sân chùa. Tuy nhiên dù các cơ quan chức năng có làm gì bây giờ, cũng không thể cứu lại vẽ cổ kính mà ngôi chùa ngàn tuổi đã từng có.
Chùa Trăm Gian hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự thuộc địa bàn xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ngôi chùa cổ được lập từ đời Lý Cao Tông, năm 1185, trên quả đồi cao 50m, tứ bề được bao bọc bởi núi đá.
Đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng là di tích quốc gia từ hơn 40 năm qua. Chùa Trăm Gian, tính theo 4 cái cột là một gian, thì nó có tới 104 gian! Số tượng Phật ở đây lên tới 153 pho được làm bằng gỗ quý hiếm và đất nung.
Đặc biệt có tượng Tuyết Sơn bằng gỗ mun với nét điêu khắc của thế kỷ XVIII, pho tượng đô đốc Đặng Tiến Đông được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về trình độ nghệ thuật điêu khắc.
Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như: Đôi rồng đá được trạm trổ công phu án ngữ hai bên đầu dãy bậc thang đá trước cửa chùa có từ thời Nguyễn; Bộ tranh La Hán Thập Điện Diêm Vương; Bệ thờ bằng đất nung thời Trần; Khánh đồng đúc năm 1794...
Cách đây hơn 15 năm, một bà người Australia đã tài trợ cải tạo gác chuông nhưng với điều kiện, giữ nguyên được vẻ cố kính thì mới… cho tiền. Chính vì điều này nên chùa Trăm Gian hiện nay chỉ còn gác chuông là còn vẻ cổ kính
Ngoài gác chuông thì trong chùa hiện nay còn có mấy bức phù điêu “Thập điện diêm vương” bằng gỗ, cổ và tuyệt đẹp. Các bức phù điêu này còn giữ được là do trước đây bị kẻ trộm lấy mất, lưu lạc cả chục năm trời. Sau đó được Bộ Công an và Công an Hà Nội tìm lại được và trao trả cho nhà chùa nên không bị sơn sửa, trùng tu.
PV (tổng hợp)

***
*
29/8/2012 13:22

Tai họa lớn đối với Di sản Việt Nam

TS Lê Thị Minh Lý, Uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia, nguyên Cục phó Cục Di sản đã thốt lên như vậy khi được hỏi về vụ việc núp bóng trùng tu để phá dỡ ngôi chùa Trăm Gian ngàn tuổi gây chấn động dư luận những ngày qua.
Gác Khánh và Nhà Tổ cổ kính bị đập bỏ để dựng các công trình mới tinh thế này.

- Bà nhìn nhận sự việc thay mới chùa Trăm Gian gây chấn động dư luận và giới di sản những ngày qua như thế nào?

- Đó là một tai họa, một tổn thất lớn đối với Di sản Việt Nam, không phải do thiên nhiên mà do chính con người. Thật là đáng tiếc và xấu hổ với bạn bè quốc tế khi được hỏi về việc này. Bởi vì thật khó hiểu và khó giải thích khi Việt Nam đang được coi là quốc gia tích cực trong khu vực về việc có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ di sản văn hoá khá đầy đủ. Hơn nữa có sự phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương để bảo vệ di sản. Đây là bài học rất xấu.

Cái mất đi không chỉ là giá trị vật chất mà sâu xa hơn nữa là giá trị tinh thần là di sản văn hoá phi vật thể chứa đựng, tích tụ ngàn đời trong công trình kiến trúc ấy tạo thành không gian thiêng, không gian văn hoá của ngôi chùa di sản vô cùng nổi tiếng ấy. Liệu rằng bạn có cảm xúc không khi ngôi nhà bạn đã sống cả cuộc đời chất chứa bao nhiêu kỷ niệm từ thời ấu thơ nay đã thay bằng một tòa nhà mới. Khi trở về liệu bạn có nhìn thấy ký ức tuổi thơ, hình ảnh của gia đình mình với không gian khác và đồ vật khác?

- Đó là điều dư luận quốc tế chắc chắn sẽ không hiểu được, còn cá nhân bà, một người làm rất lâu trong ngành di sản có thấy sốc không khi vi phạm ở chùa Trăm Gian không phải là lần đầu tiên và lần này thì để xảy ra một lỗi trầm trọng như vậy?

- Chắc chắn rồi! Một người dân bình thường khi nghe tin này đã sốc chứ không nói gì đến những người làm nghề. Không chỉ có tôi, rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành và những người đang tâm huyết với di sản cũng rất sốc khi nghe thông tin này. Rõ ràng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và các cơ quan quản lý các cấp  phải có một sự đánh giá, coi đây là một bài học rất không tốt để từ đó ứng xử và tìm cách bảo vệ các di sản khác.

Nếu chỉ đánh giá để tìm cách cứu vãn chùa Trăm Gian mà lại không có đánh giá, không có liệu pháp cho những di sản khác thì có ngăn được những chuyện tương tự xảy ra hay không? Trong ngành di sản có thuật ngữ "phòng ngừa" (Preventive Conservation). Tức là phải tiên đoán được những hiểm họa có thể đến với di sản để có biện pháp bảo vệ. Tu bổ mà không có hiểu biết về di sản là một nguy cơ cần phải phòng ngừa. 

Trong thuật ngữ bảo quản có hai vế là phòng ngừa và trị liệu mà phòng ngừa hẳn nhiên là tốt hơn trị liệu (chữa bệnh) rồi. Điều đó ai cũng được học cả nhưng ứng dụng vào cuộc sống lại thuộc trách nhiệm của mỗi người, của mỗi công dân, của người làm di sản.

Chùa Trăm Gian ra đời từ khoảng năm 1185. Đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng là di tích quốc gia từ hơn 40 năm qua nay thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

- Vậy theo bà, những người phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này là cơ quan quản lý hay còn ai khác nữa?

- Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan trực tiếp quản lý di sản địa phương. Họ có trách nhiệm quản lý di sản và phải làm việc với cộng đồng để bảo vệ di sản đó. Di sản này là di tích quốc gia thuộc phường, xã quản lý đầu tiên. Nhà nước đã phân cấp rồi và họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc quản lý đối với di sản đó. Kế đến là trách nhiệm thuộc về cấp quận, huyện. Ở đây họ có cả một phòng văn hóa huyện cơ mà, có cả Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Vậy nhiệm vụ của họ là gì?. 

BQL di tích Hà Nội, Sở VHTTDL Hà Nội cũng phải có trách nhiệm. Và tất nhiên là cả cơ quan quản lý cấp nhà nước cũng phải có trách nhiệm. Tôi nghĩ chúng ta phải có một cuộc đánh giá xem di sản này vì sao lại bị như vậy, lỗ hổng quản lý là ở đâu, sự thiếu hụt về nhận thức khi nhận dạng giá trị di sản là ở chỗ nào. Phải khắc phục để còn bảo vệ các di sản khác.
 - Nhiều người đang bàn tới việc cần đánh giá xem cái gì có thể cứu vãn được thì phục hồi nhưng theo cá nhân tôi thì với những di sản cấp quốc gia có giá trị đặc biệt như chùa Trăm Gian thì cái gì đã phá đi rồi, đã thay mới rồi thì không thể vãn hồi được nữa. Cá nhân bà có nghĩ rằng chúng ta có thể "cứu" được một phần chùa Trăm Gian không?

- Tôi không tin nó sẽ được phục hồi nguyên trạng như những gì tôi vừa được nghe thấy trên tivi sáng nay bởi bất cứ cái gì đã dỡ ra rồi thì không thể trở lại nguyên trạng được nữa. Tháo dỡ để bảo tồn khác với tháo dỡ để bỏ đi, xây mới. Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Khi tháo dỡ để bảo tồn người ta phải tư liệu hoá, lập hồ sơ khoa học chi tiết. Người ta sẽ trân trọng từng cái cột, từng viên ngói, từng viên đá một. Người ta đánh số, phân loại, bảo quản và sắp xếp để còn lắp lại. Còn trong một xu thế phá bỏ nó đi để làm cái mới thì chắc chắn không có tư liệu hóa. Như thế thì làm sao phục hồi nguyên trạng được?

Tháo dỡ để bảo tồn khác với tháo dỡ để bỏ đi. 

- Vậy là tình hình đã thực sự vô vọng....?

- Tôi không hiểu họ sẽ đưa ra giải pháp như thế nào nhưng chắc chắn sẽ rất khó khăn khi phục hồi lại chùa Trăm Gian như cũ, chưa kể đến việc cộng đồng đó có tự giác tháo dỡ cái mới vừa dựng không. 
- Không biết những người làm di sản, các nhà văn hóa có định tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nào đó để tháo gỡ sự việc đau lòng này?

Đã nhiều nhà khoa học lên tiếng. Báo chí nên tiếp tục tham vấn họ vừa để tìm ra giải pháp vừa để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, của công luận trên các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang góp phần bảo vệ di sản. 

Mặt khác, các nhà khoa học cũng sẽ có trách nhiệm nói đến vấn đề này đối với các di sản khác trong những diễn đàn khác nhau. Dù rằng câu chuyện chùa Trăm gian là một sự việc đã rồi, dù rằng đôi khi ý kiến của nhà khoa học cũng còn đang được “nghiên cứu” song vẫn phải nói, phải thảo luận và phải phản biện.  

Chùa Trăm Gian gần ngàn năm tuổi là một di tích tuyệt đẹp nay thuộc Chương Mỹ, TP Hà Nội. Không hiểu vì lý do gì mà người ta đang tay phá dỡ công trình đặc biệt được xếp hạng là di tích quốc gia từ lâu này để làm mới. Điều đáng tiếc là suốt nhiều tháng thi công ầm ĩ vừa qua mà khi hỏi đến các cơ quan chức năng đều không hay biết ?!

Điều đáng nói là ngôi chùa cổ này đã "bị" trùng tu kiểu phá di tích nhiều lần. Tuy nhiên chưa lần nào chùa Trăm Gian bị làm hỏng nghiêm trọng như lần này. Khi hay tin và về thị sát công trình trái phép vào ngày 24/8, Bộ VHTTDL đã cấp tốc ký văn bản đình chỉ thi công khi sự việc đã rồi.

Sự việc bị phanh phui khiến dư luận và đặc biệt là các nhà văn hóa, những người làm trong lĩnh vực di sản bàng hoàng. Câu hỏi đặt ra lúc này là nhanh chóng xác định trách nhiệm thuộc về ai? xử lý thế nào? và làm sao để Chùa Trăm Gian bị tổn thất ít nhất.
Hạnh Phương
Ảnh: 
Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét