Để nhớ buổi đi dâng lễ cầu hồn cho Lm. Maria Đaminh Lê Đăng Ảnh
nhưng bị lộn ngày!
Tưởng rằng đã lỡ chuyến đò,
Nào ngờ vẫn tới được bờ nhân duyên.
Chuyến đò Trời, chuyến đò thiêng.
Các Trang
▼
Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012
Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012
Hội ngộ Liên Tôn - Sài Gòn 27.10.0212
Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn phát biểu khai mạc
buổi hội ngộ liên tôn với chủ đề "Cùng nhau vượt qua khổ đau"
tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn
sáng 27.01.2012
Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc,
trưởng ban mục vụ Đối thoại Liên tôn
của Tổng giáo phận Sài Gòn
Các vị hướng dẫn chương trình
Ca đoàn Quê Hương hợp xướng bài "Ave Maria",
thơ Hàn Mạc Tử, Hải Linh phổ nhạc.
Đại diện Hội đồng Tinh thần Baha'i chia sẻ về đề tài
"Sự đau đớn và sự buồn phiền"
Ca nguyện "Sự an ủi" do quý đạo hữu Baha'i trình bày
Anh Phêrô Đỗ Văn Viên, giáo xứ Bình Đông, chia sẻ
tâm sự của một người cha
Đại diện Hội thánh Cao Đài chia sẻ về đề tài
"Lo tu cứu vớt nạn đời"
Đạo tỷ Ca Thị Nguyệt, Hội thánh Cao Đài, ngâm thơ
"Ngoài vũ trụ" của Hàn Mạc Tử
Đại diện cộng đồng Islam chia sẻ về đề tài
"Xoa dịu người đau khổ"
Trường Suối Nhạc hoà tấu violon tác phẩm "Phó thác"
của nhạc sĩ Kiều Linh
Đại diện Phật giáo Hoà Hảo chia sẻ về đề tài
"Con đường ban vui và cứu khổ"
Bà Maria Mađalêna Nguyễn Thị Yến, giáo xứ Gia Định,
chia sẻ tâm tình của một người mẹ
Tín đồ Phật giáo Hoà Hảo diễn ngâm
bài sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo chủ
Giáo dân giáo xứ Phanxicô Xaviê trình diễn vũ khúc
"Thiên Chúa là Tình Yêu"
Chị Maria Vũ Thuỷ, nhà thơ khiếm thị,
chia sẻ về đề tài "Sống mầu nhiệm thập giá"
Phút cầu nguyện liên tôn trước khi bế mạc
***
*
Một vài hình ảnh tại nơi triển lãm
với chủ đề "Mở rộng con tim"
*
Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012
Đổi mới giáo dục hay để "chết lâm sàng"?
26/10/2012 06:00
Ý thức hệ cứng nhắc ấy là cái gì mà "đã kìm hãm" đất nước trong nền GD ngày càng tụt hậu so với thế giới?
Mới đây, hội thảo góp ý về giáo dục và đào tạo đã tập hợp nhiều nhà khoa học, nhiều GS và một số vị nguyên là "tư lệnh" ngành GD, một lần nữa thu hút sự quan tâm của tất cả những ai lâu nay đau đáu về nền GD nước nhà.
Đây không phải là lần đầu tiên có một hội thảo như thế. Biết bao hội nghị, hội thảo, rất nhiều đề xuất tâm huyết vì một nền GD nhân bản, tiên tiến, hiện đại, nhưng vẫn chỉ là "đá ném ao bèo". Vì sao?
Cái gì đã kìm hãm?
Phát biểu tại hội thảo, GS Hoàng Tụy, một lần nữa nhấn mạnh: Trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược được, nước nào không hội nhập được, không thích nghi được sẽ bị cô lập, sẽ bị bỏ rơi đằng sau đuôi, "chết lâm sàng" rồi từ từ bị đào thải nếu không sớm tỉnh ngộ.
Và rằng, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc phải có lựa chọn. Hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới. Hoặc là cương quyết thay đổi tư duy - thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn GD khai phóng phát triển?
"Ý thức hệ cứng nhắc" ấy là cái gì mà "đã kìm hãm" đất nước trong nền GD ngày càng tụt hậu so với thế giới?
Tại sao lại cứng nhắc? Tại sao cứ khư khư ôm cái cứng nhắc để GD tụt hậu kéo theo nhiều cái đứng phía sau thiên hạ? Ai sẽ phải trả lời câu hỏi này? Đã đến lúc cần chỉ rõ cái cứng nhắc ấy là gì? Ở đâu?
Hơn 20 năm đổi mới, nhiều lĩnh vực đã thay da đổi thịt. Giáo dục luôn luôn được coi là "quốc sách hàng đầu" vậy mà cứ ì ạch, phải chăng vì cái "gông" quá nặng, quá chặt đè xiết lên tư duy của chúng ta?
Có lẽ nhiều người nghĩ đổi mới kinh tế thì mọi thứ sẽ đổi mới theo trong đó có GD. Thực tế không phải vậy. Kinh tế tăng trưởng chỉ như một cú hích. Còn đến nay, GD sau những tìm tòi, thả nổi, lại trong trạng thái rơi...tự do!
Quốc sách hàng đầu nghĩa là được ưu tiên trước hết để phát triển. Nhưng hai thập niên vừa qua chúng ta hình như chỉ làm được bề nổi. Trường, lớp tăng, môn học tăng, chương trình nặng. Cao đẳng, đại học đủ mọi loại hình mọc ra như nấm sau mưa. Rồi liên kết, liên thông, đào tạo từ xa đến gần...
Sự phát triển GD không giống đâu. Vì thế, tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ càng lúc càng nhiều, nhưng chất lượng thì càng ngày càng đi xuống. Chỉ cần tham khảo các cuộc thi tuyển tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước và nhất là tại các tổ chức, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, thì đủ biết chất lượng GD thảm hại đến chừng nào.
Giáo dục luôn luôn được coi là "quốc sách hàng đầu" vậy mà cứ ì ạch. Ảnh minh họa
|
Cử nhân văn chương, ngôn ngữ, mà không viết nổi một biên bản cuộc họp bình thường. Cử nhân báo chí chưa viết nổi một bài báo đúng chuẩn. Cử nhân kinh tế không viết nổi một dự án ở cấp thấp nhất. Bác sĩ cầm bơm tiêm lóng ngóng...là chuyện ngày thường ở huyện. Còn kỹ năng mềm thì hầu như không có gì, ngu ngơ như kẻ chưa bao giờ được học.
Thạc sĩ, tiến sĩ cũng chẳng hơn bao nhiêu. Thế mới có chuyện một giảng viên, TS tại một trường đại học có tiếng giữa Thủ đô đã copy gần như 100% một tiểu luận của một sinh viên năm thứ hai làm báo cáo nghiên cứu khoa học cho mình ở cấp ĐH Quốc gia.
Tuy nhiên không thể phủ nhận có khoảng 10% sinh viên thực sự có tư chất để làm việc tốt (với tư cách là tập sự) sau khi ra trường. Cũng không thể phủ nhận có không ít giáo viên, giảng viên giỏi, tâm huyết với nghề, cống hiến đáng kể cho GD nước nhà trong những năm tháng được xem là trì trệ, ì ạch hiện nay.
Thủ khoa với thảm đỏ
Từ khoảng 10 năm trở lại đây, thảm đỏ với những sinh viên thủ khoa như một vinh danh, một sự tiếp tục truyền thống "chiêu hiền đãi sĩ", một sự phát huy "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Nhưng...thảm đỏ không hấp dẫn họ.
Rõ ràng, GD đang rất cần một cuộc đại phẫu. Cần một "khoán 10" như trong nông nghiệp. Mọi e ngại, chậm trễ sẽ là quá muộn.
|
Không ít, nếu không muốn nói là nhiều sinh viên giỏi xuất sắc khước từ việc ở lại trường làm giảng viên. Không ít thủ khoa thờ ơ với thảm đỏ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước.
Không ít thạc sĩ, tiến sĩ sau khi học ở nước ngoài (học bổng Chính phủ) không trở về, hoặc trở về lại không làm việc tại các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu của Nhà nước. Chất xám không chỉ đã chảy ra nước ngoài, mà chảy ngay... trong nước.
Không ít "chim họa mi" (những người đoạt giải Toán, Lí, Hóa...quốc tế) đã không còn "hót" được sau khi nhận vòng nguyệt quế.
Vì sao?
Làm gì để thoát "ý thức hệ cứng nhắc"?
Câu trả lời đã được các đại biểu tại hội thảo trả lời, và chỉ ra những việc cần làm ngay.
GS Chu Hảo nói "không ba sôi hai lạnh" nữa. Cần tiến hành cải cách triệt để. Nhất thiết phải thành lập UBQG độc lập với Bộ GD và ĐT.
GS Hoàng Xuân Sính: Phải thiết lập một mạng lưới trường, lớp hợp lí. Phải bỏ lối quản lí bằng mệnh lệnh.
Nguyên Phó CT nước Nguyễn Thị Bình: Phải làm sao phát huy tiềm năng của từng con người. Sửa đổi chính sách đối với nhà giáo. Cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Và nhiều ý kiến khác nữa...
Lâu nay, có lẽ ít nơi nào trên thế giới, GD được nói nhiều, được quan tâm nhiều như ở Việt Nam. Mỗi ngày có hàng chục bài báo được đăng tải về GD với những góc nhìn khác nhau, và đều cùng mục đích làm sao để GD nước nhà phát triển và hội nhập thế giới hiện đại.
Người người quan tâm, nhà nhà quan tâm, cả xã hội quan tâm bằng cả tinh thần và vật chất, bằng cả tâm huyết và tất cả những gì có thể. Vậy mà GD vẫn như một lô cốt bất khả kháng.
Phải chăng chúng ta đang thiếu rất nhiều thứ cho con tàu GD: Không có một thuyền trưởng đủ tầm? Không có một tổ lái dũng cảm, kinh nghiệm? Hoa tiêu mù mờ? Nhiên liệu không sạch? Đích cần đến chưa được xác định?
Cách ứng xử và tiếp thu sự góp ý có nhiều phần bảo thủ, quan liêu, ít chịu học hỏi. Hoặc học không đến nơi đến chốn. Hoặc cái tiên tiến không học lại học cái thiên hạ đã và đang "bỏ đi".
Rõ ràng, GD đang rất cần một cuộc đại phẫu. Cần một "khoán 10" như trong nông nghiệp. Mọi e ngại, chậm trễ sẽ là quá muộn.
Đinh Việt Bình
Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012
Không hề và không nên có hai chữ Tựa Đề
• Song Mai
2007/03/20, 18:18:01
Những người làm nghiên cứu và sáng tác nghiêm túc từ xưa đến nay không ai lẫn lộn nội dung hai chữ Tựa và Đề, không ai gộp làm một thành Tựa Đề để gọi tên một cuốn sách, một bài nghiên cứu... Chỉ cần nói và viết rất đơn giản: "... có tên..., mang tên..." hoặc "... dưới nhan đề..." khi giới thiệu một tác phẩm. Ví dụ:
- Cuốn sách có nhan đề Cỗ máy người
- Tập thơ Điên có nhan đề Đau thương
- hoặc “Báo Pháp La Dépêche (Tin nhanh) viết bài giới thiệu dưới nhan đề:Les aiguilles miracles qui font parler un muet (Những cây kim kì diệu làm cho một người câm nói được)”(1)
- v.v...
Cùng với nhan đề hay đầu đề còn có nhiều từ ngữ nữa như: tiêu đề, chủ đề, chuyên đề, phụ đề rồi đến đề tài, đề mục, đề tựa, đề tặng... mà mỗi từ dùng đều có nội dung cụ thể cả.
Còn Tựa, tức là bài tựa (序 言 – tự ngôn), lời tựa, lời đề tựa hay lời nói đầu là cái tiểu dẫn nhằm giới thiệu khái quát nội dung tác phẩm đã có tên cụ thể. Ví dụ:
- Gái quê in năm 1936 có Tựa của Phạm Văn Kí.
Rõ ràng, Gái quê là tên sách có tiểu dẫn ở đầu, không ai gọi cuốn sách có tựa đềGái quê.
Thế mà gần đây người ta đã viết, đã gọi một cách tràn lan, lẫn lộn, gộp hai chữ thành tựa đề chỉ để gọi lên một cái tên, trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn học nghệ thuật, trong những lễ nghi quan trọng nhất cho người cả nước và thế giới cùng nghe, khiến cho nhiều người thấy rất chối tai. Đáng nói là chính nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ Đặng Vương Hưng khi tự giới thiệu tác phẩm của mình trước công chúng trên kênh VTV3, rồi có nhà nghiên cứu, sáng tác, dịch thuật, đến giáo sư ngữ văn Hoàng Như Mai (bài đăng trên báo Văn nghệ) cũng dùng hai chữ tựa đề khi giới thiệu tác phẩm, thì trách sao được anh chị em trẻ làm công tác phát thanh, dẫn chương trình, cả các sinh viên ngữ văn... lại không bắt chước mà nói, mà viết theo.
Cách dùng hai chữ tựa đề như thế rõ ràng là một sự đổi mới không cần thiết nếu không muốn nói là sai lầm.
Song Mai
(1) Bài viết về GS. Nguyễn Tài Thu (Hàm Châu, báo Văn nghệ, số 4/2005).
Theo Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 8/2005, trang 48.
Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012
Từ vựng Công Giáo: Môi Côi? Môi Khôi? Văn Côi? Mân Côi? Mai Khôi? Mai Côi?
CN, 21/10/2012 - 19:59
WGPSG -- Một số từ ngữ tôn giáo đôi khi chưa được sử dụng đúng hoặc bị dùng sai âm. Vì vậy những gì tôi viết hoàn toàn dựa trên cơ sở ngữ pháp, chỉ mong muốn từ ngữ tôn giáo được sử dụng chính xác hơn, mà không có tính cách dạy đời, cũng không mang tính tranh luận.
Vấn đề căn bản là: Tiếng Hán Việt phải phát âm cách nào mới đúng? Căn cứ vào đâu?
Tiếng Hán Việt bắt nguồn từ chữ Hoa (chữ Hán), thì phải căn cứ theo chữ Hoa. Chữ Hoa đã có mấy ngàn năm nay, là lối chữ biểu ý, không có phiên âm, vậy làm sao phát âm? Thời xưa người Trung Quốc nhiều khi hiểu ý của chữ mà đọc âm chữ chưa đúng. Vì thế, vua Khang Hy, Triều Thanh, mới cho triệu tập tất cả các văn sĩ tài ba trong cả nước biên soạn một cuốn tự điển, ghi rõ cách phát âm của chữ Hoa, và được xuất bản vào năm 55 Triều Khang Hy (tức năm 1716) có tên là KHANG HY TỰ ĐIỂN. Từ đó, cách phát âm của chữ Hoa đều căn cứ vào Khang Hy Tự Điển.
Cách phiên âm của Khang Hy Tự Điển gọi là PHIÊN THIẾT. Xin lược dẫn:
Muốn ghi âm phải dùng hai chữ (tiếng) mà “nói lái” theo lối PHIÊN THIẾT. Lấy âm khởi đầu của chữ TRƯỚC với vận của chữ SAU, đọc nối liền lại; tiếng chữ trước địnhBỰC, có hai BỰC: thanh và trọc. (theo Tứ Thinh: bình, thương, khứ, nhập; thanh bình là dấu ngang, thanh thượng là dấu hỏi, thanh khứ là dấu sắc, thanh nhập là dấu sắc). TRỌC (trọc bình là dấu huyền, trọc thượng là dấu ngã, trọc khứ là dấunặng, trọc nhập là dấu nặng). Chữ sau dùng làm vận và định loại THINH của tiếng, nghĩa là tiếng đầu là THANH âm, thì tiếng đó phải là THANH THINH, tức là chữ ấy phải là âm có dấu ngang hoặc dấu hỏi, sắc, sắc; ngược lại là TRỌC THINH, mang dấu huyền hoặc dấu ngã, nặng, nặng.
Tháng 10 là tháng Môi Côi, chữ Hoa là 玫 瑰.
Phiên thiết chữ 玫 là 謨 mô 杯 bôi, chữ cùng âm là 枚 ( 枚 tiếng Hán Việt lại đọc MAI, không cùng âm với chữ 玫).
Chữ “mô” cho âm khởi đầu m + vận của chữ sau ôi thành môi. (chữ môi phải dấu ngang, vì chữ 謨 mô dấu ngang, thuộc bực thanh bình, nên THINH của chữ đó phải là dấu ngang). Riêng nếu trong âm Trung Quốc có chữ nào đồng âm với chữ đó, thì có ghi lấy âm của chữ đó. Như chữ 玫 cùng âm với chữ 枚 trong âm Trung Quốc, để tiện cho người tra cứu, vì đa số người Trung Quốc không biết rành cách phiên thiết. Do đó, chữ 玫 đọc MÔI thì đúng theo phiên thiết, còn đọc MAI là đúng theo âm tiếng Hán Việt của chữ 枚 (là chữ cùng âm trong tiếng Hán của chữ 玫).
Để dễ nhìn, xin xem phần trình bày dưới đây:
| |||||
| |||||
|
Cũng vậy, chữ 瑰 được phiên thiết là 公 CÔNG 回 HỒI, chữ cùng âm là 傀 ( 傀 Hán Việt đọc KHÔI).
Lấy âm khởi đầu c + vận của chữ sau ôi thành côi, dựa theo cách định THINH trên đây, ta sẽ hiểu tại sao công + hồi, không đọc cồi.
玫 瑰 môi côi là bông hồng (rosa).
Chữ 玫 (MÔI) có người đọc thành MÂN hay VĂN là vì nhầm lẫn chữ 玫 với chữ 玟. Hai chữ cùng là bộ ngọc, nhưng chữ 玫 bên phải đi với bộ 攵 phốc, còn chữ 玟 bên phải đi với bộ 文 (văn).
Phiên thiết chữ 玟 : 眉 mi 貧 bần, đọc MÂN.
hoặc 無 vô, 分 phân, chữ cùng âm là 文 ( 文 Hán Việt là VĂN), theo phiên thiết: vô + phân đọc VÂN. Nhưng dù MÂN, VÂN hay VĂN đều do nhầm lẫn với chữ cùng âm hoặc nhầm lẫn với mặt chữ tương tự nhau nên đọc sai chữ khi dịch thôi.
Do đó, chúng ta nên dựa trên phiên thiết của KHANG HY TỰ ĐIỂN đọc là MÔI CÔI mới đúng.
Trên đây chỉ là trích phần liên quan phiên thiết cho hai chữ 玫 瑰 Môi Côi.
Tôi muốn dựa trên cơ sở căn bản của KHANG HY TỰ ĐIỂN, trình bày về vấn đề đọc của tiếng Hán Việt thế nào mới đúng, để chúng ta có thể giải quyết mọi thắc mắc sau này.
Trích: Bài Giảng Chúa Nhật - Tháng 10/2005
Ghi chú:
- Hán Việt Tự Điển (Đào Duy Anh, 1957): Mai Côi
- Dictionnaire Vietnamien Chinois Français (Eugène Gouin des Missions Etrangères de Paris, 1957 Saigon): Môi (Mai) Côi.
- Hán Việt Tân Từ Điển (Nguyễn Quốc Hùng, 1975 Saigon): Mai Khôi (Côi).
- Từ Điển Hán Việt Hiện Đại (Nguyễn Kim Thản, 1994 Tp. HCM): Mai (Môi); Côi (Khôi).
- Dictionnaire Vietnamien Chinois Français (Eugène Gouin des Missions Etrangères de Paris, 1957 Saigon): Môi (Mai) Côi.
- Hán Việt Tân Từ Điển (Nguyễn Quốc Hùng, 1975 Saigon): Mai Khôi (Côi).
- Từ Điển Hán Việt Hiện Đại (Nguyễn Kim Thản, 1994 Tp. HCM): Mai (Môi); Côi (Khôi).
Lm.Stêphanô Huỳnh Trụ
Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012
Đóng góp của người Việt trong công cuộc sáng tạo chữ quốc ngữ
Đầu thế kỷ XVII với mục đích chinh phục lương dân theo đạo Ki tô, các giáo sĩ người Âu đến Đàng Trong đã nỗ lực học tiếng bản xứ để có thể trực tiếp rao giảng phúc âm mà không cần thông ngôn, từ đó họ đã sáng chế ra cách ghi âm tiếng nói của nước ta bằng mẫu tự La Tinh. Trong công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ, ngay từ lúc phôi thai, người Việt Nam đã có những đóng góp lớn lao vào cuộc cách mạng chữ viết này.
Bức thư của Pina viết năm 1623 gởi cho cha Khâm mạng Jeronimo Rodriguez Senior tại Macao , cho biết: “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm (Dinh Chiêm) chính là nơi tốt nhất. Đây là kinh đô của triều đình. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên (Nho sĩ). Gần họ, những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ.”
Những thanh niên Việt Nam giúp việc tại các nhà giảng rất cần thiết để giúp đỡ cho những giáo sĩ trẻ mới bắt đầu đến Đàng Trong,những người mà Pina sẽ chịu trách nhiệm đón tiếp và huấn luyện : “Với con những thanh niên này không cần thiết lắm vì con đã biết tiếng, nhưng với những người bắt đầu đến và cho tương lai thì có việc cho họ.” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, tr 43, 46)
Những người này đã luyện tập cho các giáo sĩ nói tiếng Việt và phiên dịch cho họ. Cha bề trên Manoel Fernandez đã phải nhờ một giáo dân người Việt tên là André tập cho ông đọc mỗi ngày hai lần và làm thông ngôn cho ông, và nếu không có André thì cha Fernandez cũng không thể ra khỏi nhà và không có ai để luyện nói cũng như dạy từng từ tiếng Việt cho cha. Cậu thanh niên André chính là người Pina đã giáo dục, đào tạo, sau đó ở lại làm thông ngôn cho cha Marques rồi lại làm thông ngôn cho cha Fernandez. Trong bức thư, Pina cũng khen ngợi một thanh niên giáo dân người Việt làm phiên dịch cho cha Buzomi ở Quy Nhơn tên là Augusto. Người này rất giỏi vì không những được học tiếng Bồ Đào Nha mà còn thông thạo chữ Hán và chữ Nôm. Ngoài ra cha Buzomi còn có hai hoặc ba ông sãi giúp cho cha mọi việc.
Francisco de Pina tuy tự mày mò học tiếng với nỗ lực của chính mình nên đã vận dụng ngôn ngữ thành thạo không cần có người thông ngôn nhưng đó chỉ là sử dụng tiếng Việt ở trình độ nói, còn khi nghiên cứu ngôn ngữ và văn học thì ông ước ao được làm việc với những người thầy giỏi. Chính ông đã nhận thấy : “…Nếu con cũng có tiền trả công cho thầy dạy con học ngôn ngữ và văn chương thì ngày nay con đã là người thợ đầy đủ phẩm chất. Chỉ vì lý do này con không biết văn chương. Và đây là chỗ trống rất đáng tiếc.” (Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lãnh vực Việt ngữ học, tr 47)
Khi ông tập hợp những truyện thuộc nhiều loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của các tác giả nhằm củng cố nghĩa của từ và các quy tắc ngữ pháp, ông phải nhờ ai đó đọc các từ để ông phiên âm.
Như vậy là không phải đợi đến khi chữ Quốc ngữ hình thành người Việt mới tham gia để cải tiến và hoàn thiện mà ngay buổi đầu họ đã có những đóng góp âm thầm mà vô cùng quan trọng để sáng tạo chữ Quốc ngữ chứ nó không phải là công trình riêng của các giáo sĩ người Âu.
Trong buổi bình minh của chữ Quốc ngữ, có hai nhóm người Việt đã hợp tác với cha Pina và các giáo sĩ phương tây để La Tinh hóa tiếng Việt :
Nhóm thứ nhất là các thanh niên giáo dân ở các nhà đạo, các nhà thờ Thiên chúa giáo. Đó là những học sinh trẻ ở giáo đoàn do các gia đình tình nguyện phó thác cho nhà đạo để được các giáo sĩ giáo dục và đào tạo trong một thời hạn nhất định và họ hoàn toàn tham gia vào đời sống tu viện về mọi mặt. Tôn giáo phải bảo đảm giáo dục miễn phí, kể cả tri thức của người thanh niên, ngược lại họ phải phục vụ không công cho giáo đoàn.
Những người trẻ này phải bắt đầu học tiếng Bồ Đào Nha để làm thông ngôn cho các giáo sĩ trong việc giảng đạo và trong các cuộc tranh cãi. Họ phải đọc và viết được tiếng Bồ để đạt được sự thông suốt và sự chắc chắn trong việc vận dụng trí tuệ mà người thông ngôn của giáo đoàn phải có.
Roland Jacques cho rằng : “ Biết đọc tiếng Bồ thì chỉ trong một thời gian tập luyện ngắn, người ta có thể dễ dàng đọc hiểu được các văn bản tiếng Việt đã phiên âm theo chữ cái La Tinh. Khi đã học văn tự Bồ Đào Nha các trò trẻ nhanh chóng đem lại sự đóng góp thực sự cho việc phiên âm theo chữ La Tinh những văn bản mới của kho tàng văn học Việt Nam . Họ cũng đóng góp vào công việc hệ thống hóa chính cách phiên âm dẫn đến chữ Quốc ngữ”. Năm 1618, Pina cùng với một thanh niên giáo dân người Việt có tên đạo là Phê rô lần đầu tiên dịch sang tiếng Việt kinh Lạy cha và các kinh căn bản khác trong Ky tô giáo, có thể xem là khởi đầu của việc ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh. Kiến thức uyên bác về chữ Hán của Phê rô đã giúp ích rất nhiều cho Pina trong công việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam . ( Theo Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam , tr 80)
Sự kiện này,Roland Jacques rút ra từ một bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo “ người ấy [ một nhân sĩ quen thân với đoàn truyền giáo] có một người con trai 16 tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết tiếng Hán rất đẹp,được dân chúng hâm mộ vô cùng…Anh tên thánh rửa tội là Phê rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười điều răn ra tiếng địa phương, (các kinh) mà Ki tô hữu đã thuộc lòng.Linh mục cũng viết ra các điều phải tin bằng tiếng địa phương ấy.”( Sđd, tr 83)
Đây là bản kinh Lạy cha được viết tay năm 1632, trích từ sách “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam của Roland Jacques”
Năm 1622, Pina đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự La Tinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam.Ông đã làm được một tuyển tập và bắt đầu viết một bản văn phạm.
Kết quả đó, linh mục Pina đã đạt được một cách vất vả,với sự trợ giúp của một số ít học sinh Việt Nam qui tụ chung quanh ông.( Sđd, tr 85)
Nhưng muốn cho công trình đạt kết quả tốt hơn thì các học sinh trẻ ngoài việc học tiếng Bồ cần thiết phải học chữ Nho và chữ Nôm. Pina đã giáo dục, đào tạo cho một giáo dân người Việt tên là André trở thành một thông ngôn, anh có thể giao tiếp bằng tiếng Bồ và ít nhất cũng biết khái quát các phần cơ bản của giáo lý Cơ Đốc. Có thể là anh cũng biết đọc hiểu chữ cái La Tinh, vì điều đầu tiên mà Pina yêu cầu ở những người trẻ là phải học chữ La Tinh. Tuy nhiên Pina không thể đào tạo cho anh một cách đầy đủ như ông mong muốn. Pina rất tiếc cho André, một người có khả năng và nhiệt tình mà không được cha bề trên Fernandez cho đến trường học chữ Nho. Và như thế thì năng lực của anh sẽ bị yếu kém đi không thể vững vàng như Augusto (thông ngôn của cha Buzomi ở Quy Nhơn) vừa giỏi tiếng Bồ Đào Nha vừa tinh thông chữ Hán, chữ Nôm.
Alexandre de Rhodes cũng được một cậu bé ở Thanh Chiêm giúp đỡ ông học tiếng Việt một cách đắc lực. Cậu bé này sau được đào luyện trở thành thầy giảng tên là Raphael Rhodes. Trong ba tuần lễ cậu đã dạy cho ông các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. “…Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực tế cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sững sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha….cậu rất mến thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi.” (Hành trình và truyền giáo, tr 56)
Nhóm thứ hai là các trí thức am hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa dân tộc, có khả năng đóng góp cho các giáo sĩ phương pháp phiên âm và các tư liệu nghiên cứu.
Trước hết là các thầy đồ. Đó là các Nho sĩ theo đạo Khổng, dạy chữ Nho theo phương pháp truyền thống. Pina ao ước được học chữ Nho với một thầy đồ để nắm chắc được các chữ tượng hình hầu có thể hiểu được toàn bộ khối văn học mà không cần trung gian. Nhưng rất tiếc là ông không thực hiện được.
Xung quanh các nhà truyền giáo còn có các đạo trưởng, các nhà sư, các quan lại nghỉ hưu, các sĩ tử nhất là khi họ đã cải tôn theo đạo Thiên Chúa. Pina mong muốn có thể sử dụng ảnh hưởng và tài năng của họ để phục vụ cho đạo Chúa. Ông cũng có thể sử dụng họ để hoàn chỉnh kiến thức ngôn ngữ của chính ông, nhất là về thuật ngữ tôn giáo và để cải thiện cách tiếp cận trong các tranh luận về tôn giáo, trong đó việc làm chủ ngôn ngữ một cách hoàn hảo là công cụ làm việc không thể thiếu được.
Trong thư, Pina nói đến các nhà sư là những người có trình độ học vấn cao, có thể đọc các văn bản và tài liệu tra cứu. Chính họ đã giúp cho Pina rất nhiều khi ông tập hợp các tư liệu văn học để soạn cuốn ngữ pháp. Ông phải nhờ các nhà Nho đọc và viết các từ ngữ để phiên các văn bản này ra chữ cái La Tinh.
Những người Việt cũng đã giúp rất nhiều cho A.d. Rhodes khi ông viết cuốn sách giáo lý “Phép giảng tám ngày”. Đọc tác phẩm này ta thấy ông sử dụng nhiều từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt như : lộn lạo, láo nháo, đơm (thêm), trời che đất chở, sống gửi thác về, dây bền khả buộc sừng trâu, ba năm bú mớm, chín tháng cưu mang, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.v.v..chứng tỏ đã có những người Việt hợp tác với ông để soạn sách vì nếu không có họ thì làm sao một người nước ngoài mới học tiếng mà có thể vận dụng ngôn ngữ ViệtNam một cách nhuần nhuyễn như thế.
Trong lời tựa của cuốn từ điển Việt - Bồ - La , A. d.Rhodes cũng nói đến sự đóng góp của những người Việt vào công trình này :
“Tuy nhiên trong công việc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô sinh (Đàng Trong) và Đông Kinh (Đàng Ngoài),…”
Về việc phiên dịch sách giáo lý sang chữ Nôm, các giáo sĩ cũng nhờ người Việt hợp tác “…Về hình thức sách dạy giáo lý được biên soạn bằng tiếng Đàng Trong, đó là tiếng nói thông dụng. Chắc chắn là nó đã được viết ra hoặc là trong khi biên soạn hoặc là sau này nhằm bảo tồn và phổ biến nó. Nó phải được biên soạn bắng sự cộng tác của các giáo sĩ, được sự giúp đỡ của những người phiên dịch mà các giáo sĩ sử dụng hoặc bởi một số trí thức đã quy theo đạo Thiên Chúa hay được các giáo sĩ kết bạn.”( Lettre du Père Gaspar Luis sur la Concincina.“Bulletin des Amis du Vieux Hue ”1931,N 3-4)
Philip phê Bỉnh cũng cho biết giáo sĩ Girolarmo Majorica đã cọng tác với một nhà sư rất giỏi chữ Hán và chữ Nôm (về sau quy đạo Thiên Chúa tên là Phanxicô) để phiên dịch sách giáo lý sang chữ Nôm.
Khi A.d. Rhodes hoạt động ở Đàng Ngoài thì bà Catarina, công chúa em chúa Trịnh Tráng đã soạn cuốn tiểu sử Chúa Giê Su bằng thơ Nôm.
Trong công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh, Pina và các đồng huynh đã tập hợp được các cộng tác viên người Việt có chất lượng cao để sáng tạo một thứ chữ viết mới - Chữ Quốc ngữ - rất tiện lợi cho chúng ta . Họ đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc cách mạng chữ viết này mà nếu “không có họ, mọi công trình ngôn ngữ học nghiêm túc không thể hoàn thành được” (R.L.Jacques)
Vậy là, từ đầu thế kỷ XVII, Francisco de Pina là người tiên phong sáng tạo ra cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh dẫn đến sự hình thành chữ Quốc ngữ trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của những người Việt ở Dinh Chiêm nói riêng và Quảng Nam nói chung. Rất tiếc là trong buổi đầu của công trình này, tên tuổi của những người Việt không được ghi lại một cách rõ ràng mà chỉ ghi bằng tên Thánh như André, Augusto hoặc nói chung như những học trò trẻ, các thầy đồ, nhà sư, đạo trưởng ...
Cho đến thế kỷ XVIII trở về sau, chúng ta mới được biết tên những người Việt Nam tham gia trong việc cải tiến và hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ như Philip phê Bỉnh, Hồ văn Nghi hợp tác với giám mục Pigneau de Béhaine ( Bá Đa Lộc) biên soạn Từ điển An Nam-La Tinh năm 1772, Phan văn Minh hợp tác với Giám mục Taberd biên soạn Từ điển An Nam-La Tinh in năm 1838…
Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012
Minh giải quyển một Lĩnh Nam Chích Quái
VĂN HIẾN, NỀN TẢNG CỦA MINH TRIẾT MINH GIẢI QUYỂN MỘT LĨNH NAM CHÍCH QUÁI
Phần Một : Sử và Huyền Sử
Chương I
Sử và huyền sử trong truyện Họ Hồng Bàng
Toàn bộ truyện Họ Hồng Bàng được chép thành văn trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái. Về tác giả và niên kỷ của cuốn sách nầy, các nhà nghiên cứu văn học đưa ra một số giả thuyết khác nhau. Một số chủ trương rằng đây là công trình của Kiều Phú và Vũ Quỳnh vào đời Hậu Lê, thế kỷ thứ 15; một số khác lại quan niệm đó là sáng tác của Trần Thế Pháp vào thời kỳ cuối của nhà Trần khoảng từ năm 1370 đến 1400 [1].
Căn cứ vào lời tựa của Vũ Quỳnh khi hiệu chính và sắp đặt lại cuốn sách nầy vào năm 1492, thì dường như các mẩu truyện đã được phổ biến từ thuở xa xưa trong dân gian:
"Lĩnh Nam có nhiều kỳ trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người..." [2]
Nhưng việc khởi đầu thành truyện trong dân gian và được truyền tụng đến mức độ nào và từ bao nhiêu đời trước đó thì không một dấu vết nào trong văn học giúp ta có được một chỉ dẫn rõ rệt. Dựa vào mấy câu nói cô đọng trong phần đầu của Bình Ngô Đại Cáo (1428) của Nguyễn Trãi:
"Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang" [3]
Nhiều tác giả căn cứ vào đó để đánh giá tính cách lâu đời của câu truyện Hồng Bàng, và từ yếu tố nầy người ta hiểu ngầm rằng câu chuyện có giá trị văn hiến! Nhưng, tiếp liền theo sau câu nói, Nguyễn Trãi nêu lên:
"Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc." [4]
Tại sao Nguyễn Trãi lại không nhắc đến thời vua Hùng ở đây ?
Phải chăng câu chuyện về đời Hùng và đặc biệt là những tên tuổi như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những mẩu truyện mới được sáng tác ra từ đời nhà Lê (rất lâu sau khi có Bình Ngô Đại Cáo) như nhận xét có vẻ mai mỉa của học giả Mạc Bảo Thần Nhượng Tống:
"Trong Khâm Định Việt Sử, người ta đã hạ hai cụ Kinh Dương và Lạc Long xuống! Còn tôi, tôi muốn cả vua Hùng, vua Thục trở về những am cỏ, lều tranh thuở trước...
Thế nhưng ta lại nên nhớ ông Liên (Ngô Sĩ Liên) là sứ thần đời Lê...và ở các nhà nho xưa, lòng trung ái cơ hồ như thiên tính...Huống chi vua của ông lại là Thánh Tông, một kẻ rất sùng nho, trọng đạo. Với vua ấy, ông có thể yêu tha thiết...Như trong lời tựa, ông đã muốn báo bổ nhà vua bằng việc viết sử. Báo bổ cách nào ? Ấy là cách nhận ngầm dân Mường là chính giống Việt Nam...Sao thế? Bởi vì Lê Lợi, Thái tổ nhà Lê, chính là một người Mường...Ấy là duyên cớ nhà viết sử của chúng ta đặt họ Hồng Bàng lên đầu Ngoại Kỷ" [5]
Nhận xét nầy trực tiếp phê bác về tính cách mơ hồ xét về sự kiện khách quan của lịch sử, khi sử gia Ngô Sĩ Liên có sáng kiến đưa những câu truyện huyền thoại vào sử; nhưng Nhượng Tống còn gián tiếp cho rằng câu truyện ấy (Hồng Bàng Thị) là một sáng tác mới được hình thành kết hợp các tư tưởng của nhà nho và một số các truyện tích của người dân Mường. [6]
Thực ra, nếu truy tìm lại cổ thư, chúng ta thấy nhận xét trên của Nhượng Tống không mấy chính xác. Trong cuốn Đại Việt Sử Lược (khuyết danh), thường được các nhà nghiên cứu cho rằng đã hoàn thành vào đời Trần (khoảng 1377 - 1388), tên Hùng Vương đã được nêu lên ở đầu sách:
"Đến đời Trang Vương nhà Chu (696 - 682 trước Công Nguyên - ND) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính trị dùng lối thắt gút.
Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương" [7].
Như thế cho đến nay qua các công trình nghiên cứu, chúng ta chỉ biết rằng câu truyện Họ Hồng Bàng có lẽ chỉ được sáng tác thành văn sớm nhất vào cuối đời Trần (cuối thế kỷ 14) dựa vào một số các mẩu chuyện đã được truyền miệng trong dân gian.
Nhưng điều đáng ghi nhớ là sự kiện sử gia Ngô Sĩ Liên đã đưa toàn bộ truyện Hồng Bàng Thị vào phần đầu cuốn Ngoại Kỷ của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Lời tựa của cuốn Ngoại Kỷ nầy được viết vào niên hiệu Hồng Đức năm thứ mười (1479), trong lúc lời tựa Liệt Truyện Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính lại ghi vào năm niên hiệu Hồng Đức thứ hai mươi ba (1492), nghĩa là mười ba năm sau. Như thế, Ngô Sĩ Liên có lẽ không dựa vào cuốn Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh hiệu chính để làm tài liệu kê cứu được, nhưng đã dựa vào một bản nào đó có trước. Và nhận xét của các nhà nghiên cứu văn học và sử học đời sau thường cho rằng Ngô Sĩ Liên dựa vào tài liệu của Vũ Quỳnh để biên soạn phần Ngoại Kỷ của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) có lẽ thiếu chính xác.[8]
Thế thì câu nói sau đây của Ngô Sĩ Liên nêu đích danh Vũ Quỳnh trong Phàm Lệ về việc sửa soạn ĐVSKTT phải được hiểu như thế nào ?
"Nay theo sách của Vũ Quỳnh trước thuật : Bản kỷ chép bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng, để tỏ ra rằng nhà vua đã thống nhất được cả nước" [9].
Sách của Vũ Quỳnh nói ở đây hẳn là cuốn "Đại Việt Thông Giám Thông Khảo" (ĐVTGTK). Ngoài việc xếp Bản kỷ khởi từ Đinh Tiên Hoàng (968), chứ không phải từ đời Ngô Quyền (939), có thể hiểu ngầm thêm là sách đó có nói đến Hồng Bàng Thị trong phần ngoại kỷ. Nhưng một khó khăn khác lại đặt ra: Bộ sử nầy của Vũ Quỳnh lại được soạn năm 1510 theo lệnh của vua Lê Tương Dực [10].
Như thế, vào năm 1479, khi Vũ Quỳnh vừa đúng 27 tuổi, sau khi đậu tiến sĩ mới được một năm (1478), đã có một cuốn sách nào đó của ông (không phải cuốn LNCQ do ông hiệu chính, cũng không phải cuốn ĐVTGTK) đã được phổ biến, mà nay không còn dấu vết; hoặc giả Vũ Quỳnh đã viết ra một trong hai cuốn nầy và chỉ phổ biến hạn chế trong giới quan trường.
Nếu sự kiện về ảnh hưởng giữa Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh hiệu chính và ĐVSKTT về họ Hồng Bàng còn có nhiều nghi vấn, thì hầu như các nội dung chính của câu truyện đều đã được ghi lại ở trong hai tác phẩm.
Và một số điểm đáng lưu ý hơn nữa liên quan đến truyện họ Hồng Bàng là : Từ khi Ngô Sĩ Liên đưa câu truyện nầy vào phần Ngoại Kỷ của bộ sử ĐVSKTT, trên bình diện văn học thành văn, mãi cho đến giữa thế kỷ 20, những người cầm bút thường chỉ lưu ý đến vấn đề yếu tố lịch sử của nội dung câu truyện. Ngay cả trong cuốn Việt Nam Văn Hoá Sử Cương của Đào Duy Anh, sau phần tóm lược câu truyện một vài dòng, tác giả chỉ ghi :
"Chuyện ấy tuy là hoang đường, song tất cũng có ý nghĩa... Nay ta hãy căn cứ vào sự nghiên cứu của các nhà sử học, nhất là các vị giáo sư ở trường Viễn Đông Bác Cổ, mà xét xem gốc tích của dân tộc ta là thế nào" .[11]
Ta thấy rõ ý nghĩa văn hoá được hàm ngụ ở đây dường như cũng là việc truy tìm dấu vết lịch sử mà thôi.
Dựa vào các tài liệu của các bộ môn khoa sử học, dân tộc học, khảo cổ v.v. giới cầm bút mải lo truy tìm những dấu vết lịch sử của họ Hồng Bàng, và đưa ra những kết luận tích cực hay tiêu cực khác nhau; có lúc bất đắc dĩ vì tôn trọng sử cũ mà phải nêu lên, nhưng là để cho rằng nó không có căn cứ :
"Tuy vậy, soạn giả cũng cứ theo sử cũ mà chép lại, rồi cũng phê bình một đôi câu để tỏ cho độc giả biết rằng những chuyện ấy không nên cho là xác thực" [12].
Hoặc đề nghị vất bỏ luôn cho xong :
"Trong Khâm Định Việt Sử, người ta đã hạ hai cụ Kinh Dương và Lạc Long xuống! Còn tôi, tôi muốn mời cả vua Hùng, vua Thục trở về những am cỏ, lều tranh thủa trước. Vì tôi chẳng có một chút lòng tin tưởng gì về các ngài hết!" [13]
Cũng trong mối bận tâm chứng minh về sự xác thực lịch sử của nội dung câu truyện, một số tác giả lại có một quan điểm trái ngược :
"Truyện họ Hồng Bàng gồm nhiều sự tích xâu chuỗi với nhau, giống như kết cấu chung của sử thi thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới. Đây là một trong những thần thoại cổ nhất của dân tộc ta: Nội dung của nó phản ánh trang sử đầu tiên của người Lạc Việt" [14]
hoặc
"bằng những phương pháp, khoa học hiện đại, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh: Thời đại Hùng Vương dựng nước là một hiện thực lịch sử [15].
Việc sử dụng huyền thoại để gạn lọc truy tìm dấu tích lịch sử là một trong những phương thế hữu ích của bộ môn sử học, như giáo sư Lê Hữu Mục nhận xét trong lời Dẫn Nhập bản dịch Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính :
"Ta không dám nói đó chỉ là những chuyện hoang đường, bởi vì truyện dù hoang đường đến đâu cũng chứa đựng một phần sự thực và truyện thực đến đâu cũng pha trộn đôi chút hoang đường" [16].
Nhưng trước hết đây là một câu truyện huyền thoại; và tính cách tượng trưng của một câu truyện huyền thoại thuộc ngôn ngữ thi ca lại được sáng tác, được tiếp nhận ở một chiều kích khác, không nằm trong mục đích ghi lại một sự kiện lịch sử khách quan.
Trước những công trình nghiên cứu sử học của Trường Viễn Đông Bác Cổ và của các nhà làm văn hoá Việt Nam tự đóng khung trong phương pháp khoa học lịch sử, học giả Lê Văn Siêu nhận xét rằng :
"...một phần quan trọng nhất, lý thú nhất của một nền văn minh - cái phần hồn để cho nền văn minh ấy có sự sống - đã bị khoa học bỏ qua, để chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn [17].
Phần hồn nầy, người bình dân thương gọi là "hồn dân tộc". Vũ Quỳnh và người dân Việt Nam đã cảm nhận như thế, khi một bên thì nêu lên rằng nó đã rõ ràng ở lòng người...làm giềng mối, cương thường cho cuộc sống; còn dân chúng thì đón nhận và lưu giữ trong ký ức như một gia sản văn hoá của tổ tiên.
Ta tự hỏi xem sách Sáng Thế của Do Thái giáo có phải chỉ là một bộ sách khoa học về lịch sử và chỉ có giá trị dựa vào các sự kiện lịch sử của môn học nầy hay không ? Làm sao ghi chép cho trung thực được một sự kiện từ thuở hồng hoang chưa có con người xuất hiện! Và những mẩu chuyện trong Iliade và Odyssée của Homère nên xếp vào phần nào trong bộ sử của Hy Lạp đây !
Với cái nhìn vượt lên tiền kiến hạn hẹp của khoa học lịch sử, sử gia Arnold Toynbee trong cuốn Study of History đã viết về giá trị tượng trưng trong huyền thoại như sau :
"Một ký hiệu (symbole) không đồng nhất với đối vật mà nó tượng trưng và không trùng hợp với nó. Nếu không phải thế, thì đây không phải là một tượng trưng của một sự vật mà là chính sự vật. Ta sẽ vấp phải sai lầm khi cho rằng một tượng trưng nhằm mô phỏng lại sự vật, trong lúc nó có mục đích không phải là sao y lại nhưng là soi dẫn. Truy tìm hiệu năng của một tượng trưng xem nó tồn tại hay phôi pha đi, không phải ở việc xem nó có sao y lại được đối vật nó hướng đến hay không. Hiệu năng của nó cần được xét xem ở việc nó có đủ sức soi dọi đối vật hay nó che mờ sự hiểu biết của ta. Tượng trưng hữu hiệu soi dẫn chúng ta, và những tượng trưng hữu hiệu là một phần thiết yếu của nhận thức chúng ta.
Nếu một tượng trưng phải tác động hữu hiệu như một phương tiện của sinh hoạt nhận thức - nghĩa là như một "mẫu mực" - thì nó phải cô đọng và đi sâu vào một điểm, ví như một đồ hình dẫn đường, chứ không phải như một tấm không ảnh chụp từ phi cơ U.2" [18]
Câu truyện họ Hồng Bàng nằm trong khuôn khổ văn chương tượng trưng nầy. Arnold Toynbee nhận định rằng tượng trưng của huyền thoại là mẫu mực soi dẫn đời sống, chứ không phải là mô phỏng lại thực tại lịch sử. Còn Vũ Quỳnh thì gọi đó là ánh sáng ghi trong lòng người để trong cuộc sống "thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục".
Như thế, có thể nói truyện Hồng Bàng là một phương cách biểu lộ của một ký ức linh động (các nhà nghiên cứu văn học gọi là Đại ký ức) của một cộng đồng, hoặc nói cách khác là một lối cảm nhận các yếu tố nền tảng, bất biến, gắn liền với bản tính con người, xây dựng nên cuộc sống cộng đồng, điều hành sinh hoạt xã hội và là mẫu mực đánh giá, phê phán hành vi con người và lịch sử của nó.
Đây là một bản hiến chương được diễn tả theo ngôn ngữ thi ca; mà ngôn ngữ thông dụng gọi là Văn hiến. Hiến cái mẫu mực, Văn là nét sáng đẹp xứng hợp với bản chất con người được thể hiện ra trong lịch sử, trong sinh hoạt. Về tương quan giữa văn hoá, văn hiến và huyền thoại, triết gia Georges Gusdorf gợi ý như sau :
"Một môi trường thiên nhiên muốn trở thành một cõi người ta (un séjour), thì dữ kiện hoang tạp của cảnh trí trước mắt phải được thay thế bằng một hình ảnh của thế giới "người", nghĩa là cần một sự xếp đặt thành tư tưởng. Một qui thức (mẫu mực) của kinh nghiệm sống đã được kết tạo, cho thấy một số yếu tố tinh thần ổn định trước bao khía cạnh và biến cố đa tạp của đời sống. Từ cuộc sống có mẫu mực nầy, những nhóm người đầu tiên đã có thể thành công trong nỗ lực đấu tranh sống còn. Các triết gia và những người hiểu biết, qua từng ngàn năm thanh lọc, đã dùng ngôn ngữ sắp xếp, sửa chữa để diễn tả cuộc sống đó một cách trừu tượng"[19].
Văn hiến là tổng hợp những yếu tố bền vững thuộc lãnh vực tinh thần, nghĩa là gắn liền với yếu tính của con người, được một cộng đồng con người cảm nhận tin tưởng để hướng dẫn, sắp xếp cuộc sống. Những yếu tố bền vững nầy thấm nhập vào sinh hoạt đa diện của con người như cách ăn mặc, nhà ở, tập tục, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, cách sắp xếp điều hành cuộc sống gia đình và xã hội...Nhưng, văn hoá không nằm trong "cái xác", hay nói cách khác là đóng khung vào một sự kiện nào, hay một hiện tượng xã hội nào nhất định. Văn hiến, nói theo từ ngữ của Lê Văn Siêu là "phần hồn", tức là các yếu tố tinh thần bền vững, tạo sự nhất quán của toàn bộ nếp sống con người và xã hội.
Học giả Đào Duy Anh đã có lý khi phê bác quan điểm thông thường "cho rằng văn hoá là chỉ những học thuật tư tưởng của loài người", và ông lại hiểu học thuật tư tưởng là các sách vở thánh hiền hay các triết thuyết được viết ra thành văn tự. Nói cách khác tác giả cuốn Việt Nam Văn Hoá Sử Cương đã giúp độc giả ý thức được sự khác biệt giữa nội dung của văn hoá và một trong những phương thức diễn đạt, mô phỏng nội dung nầy. Nhưng tiếp theo đó Đào Duy Anh lại định nghĩa : "Văn hoá tức là sinh hoạt" [20], và sinh hoạt ở đây được hiểu là sinh hoạt kinh tế mà thôi :
"Chính vì những điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy" [21].
Nếu nói rằng văn hoá là sự thực hiện các yếu tố tinh thần bền vững của văn hiến (hướng dẫn sinh hoạt con người), và nếu cho rằng con người văn hoá phải dựa trên sinh hoạt kinh tế, thì hẳn phải xác tín rằng văn hiến là lao động sản xuất và hưởng dụng của cải vật chất ! Một quan niệm về văn hiến như thế đã đi quá xa với tâm thức con người Việt Nam truyền thống vốn trọng tình, trọng nghĩa; và dù cưỡng ép đến đâu cũng khó lòng tìm thấy dấu vết văn hoá nào theo tiêu chuẩn nầy trong gia sản tinh thần của tổ tiên chúng ta qua câu truyện huyền thoại dựng nước : truyện Họ Hồng Bàng.
Nếu cảm thức của dân gian gắn chặt văn hiến và huyền thoại dựng nước trong câu chuyện Hồng Bàng, thì hẳn đây không phải là có sự đồng hoá cái gốc, cái nền, cái mẫu mực căn nguyên của cuộc sống với thực trạng lịch sử vào một thời kỳ ấu trĩ, hoang sơ của cộng đồng con người. Nhưng Ngô Sĩ Liên lại nhập nhằng trong việc đưa huyền thoại dựng nước vào thuở ban đầu của lịch sử: nhập nhằng vì còn ghi rằng đó là phần ngoại kỷ. Đây là phản ảnh của tình trạng tranh tối tranh sáng giữa hai quan niệm về sử. Nhìn từ quan niệm xem sử như là một bộ môn khoa học, ghi chép lại các sự kiện xảy ra của một xã hội, dựa trên hiểu biết khách quan về sự vật, Nhượng Tống nặng lời cho rằng việc làm nầy của Ngô Sĩ Liên chỉ góp nhặt một số nhận thức băm nhau.
"Xem các phàm lệ trên nầy ta thấy các nhà viết sử đầy những chủ quan. Cái đó gây ra tự Kinh Xuân Thu của thầy Khổng; Thầy đã muốn "ngụ ý khen chê, phân biệt hay dở" trong khi viết bộ sách băm nhau đó ! Các tín đồ của thầy về sau, các nhà chép sử theo lối biên niên đều là theo một sáo ấy cả. Ta đọc xem, cũng cho biết quan niệm lịch sử của các nhà nho" [22].
Nhưng nhìn từ sự nhất quán của tư tưởng nho học, mà ưu tư chính là đưa sinh hoạt con người đi đúng Đạo Nghĩa được ghi khắc bền vững trong Tâm mình, thì sử gia Ngô Sĩ Liên dường như lại bất cập. Ở phần "lời bàn" về Họ Hồng Bàng, sử gia nầy dùng uy thế của thần thoại nước Tàu để biện minh về "cái thực lịch sử" của phần Ngoại Kỷ được đưa vào bộ ĐVSKTT.
"Nhưng mà các bậc thánh hiền sinh ra, tất khác với người thường...Ấy là bởi trời xui khiến...Nuốt trứng chim én mà sinh ra tổ nhà Thương...Dẫm vết chân người khổng lồ mà gây nên tổ nhà Chu...Ấy đều là chép chuyện có thực thế!" [23]
Không những sử gia chúng ta không lý đến giá trị văn hoá đặc loại của huyền thoại, mà ý hướng viết sử của ông cũng chỉ ưu tiên tìm cái thực khách quan của lịch sử, chứ không phải để làm nổi bật cái thực của Đạo lý làm người. Mạnh Tử khi nêu lên lập luận "Nhân chi sơ tính bản thiện", thì chữ ‘sơ’ nầy không phải là thời gian lịch sử hoang sơ như J.J.Rousseau chủ trương. "Sơ" là căn nguyên văn hoá, đạo lý, ở chiều kích của "Tâm Duy Vi", cái gốc bền vững mà lịch sử che mờ. Và "Tâm Duy Vi" nầy cũng khác với "tâm duy nguy" mà Nhượng Tống dựa vào đó để đánh giá toàn bộ Xuân Thu là một lối khen chê chủ quan.
Nói tóm lại, có một quan niệm văn hiến chủ trương duy sử để hiểu và khai thác câu truyện Hồng Bàng manh nha từ việc Ngô Sĩ Liên đưa nó vào bộ sử ĐVSKTT, và một quan niệm văn hiến khác trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái đặc biệt được viết ra trong lời tựa của Vũ Quỳnh.
Và cũng có sự khác biệt về điều mà Lê Văn Siêu gọi là "hồn của một nền văn minh", một cảm thức có tính cách thi ca trong quảng đại quần chúng về giá trị "siêu lịch sử", sinh động và mới mẻ nơi câu truyện Hồng Bàng, so với các yếu tố khách quan về một thời sơ khai lập quốc của lịch sử mà Ngô Sĩ Liên và các sử gia, các chuyên gia của các bộ môn khoa học nhân văn sau nầy muốn truy cứu.
Tương quan giữa huyền thoại (đặc biệt là huyền thoại dựng nước), và văn hiến (tức là mẫu mực tinh thần điều hành cuộc sống cộng đồng), thường được cảm nhận là gắn bó với nhau, vì huyền thoại không phải là lối diễn tả thế giới vật thể, các sự kiện lịch sử xảy ra trước mắt, trong không gian thời gian nhất định, nhưng nó là một ký hiệu tượng trưng có tính cách thi ca, nâng con người lên một thực tại tinh thần, mở ra những chiều kích riêng của thế giới của "hữu thể linh ư vạn vật".
Georges Gusdorf nói đến thế giới được huyền thoại khai mở ra như sau:
"Huyền thoại chỉ một cảnh giới sinh hoạt có đặc điểm là các cấu trúc của nó luôn luôn vẫn hiệu lực, không phải trên bình diện lịch sử, (nếu có thể nói như thế), nhưng trong khuôn khổ hữu thể học. Do đó nói rằng các huyền thoại lưu giữ ký ức về các sự kiện xa xưa có thể phôi phai theo thời gian thì chưa đủ. Định vị huyền thoại trong thời gian là tách rời huyền thoại với tương quan của nó trong cuộc sống con người. Hubert và Mauss [24] đã nhận định rất chí lý : "Dường như các sự việc trong các thần thoại xảy ra bên ngoài thời gian, hoặc, nói cách khác, là trong khung cảnh toàn diện của thời gian". Đây phải là một thời gian siêu thời gian, có uy lực đối với toàn chuỗi thời gian lịch sử. Đây là thời gian của sự hiện diện toàn bích".
Như thế điểm chính để hiểu ý thức huyền thoại có thể được nêu lên thế nầy: huyền thoại là một cấu trúc có giá trị tư tưởng (hữu thể học) nhằm bảo tồn một thực tại. Những gì thiết yếu đã có đó rồi. Không phải là công trình sáng tác; chỉ cần tiếp nhận và phải tiếp nhận để sống. Huyền thoại cống hiến một chỉ dẫn có tính cách bó buộc (chiffre obligatoire) để điều hành cuộc sống. Van der Leeuw ghi rằng : "Một huyền thoại là một sự kiện phải được lặp lại" [25]. Còn M. Mircea Eliade lại đặc biệt nhấn mạnh đến điểm nầy và nêu lên nguyên lý của tư tưởng siêu hình học sơ khai như sau : "Một vật hoặc một hành vi chỉ được xem là thực khi nó bắt chước hoặc lặp lại một nguyên tượng (archétype). Nên thực tại chỉ xuất hiện khi có sự lặp lại hoặc tham dự vào nguyên tượng; những gì không có một mẫu mực nền tảng thì "không có ý nghĩa, nghĩa là thiếu chân thực" [26].
Lượm lặt những mảnh vụn lịch sử vào thời khai sinh của một cộng đồng, hay tổng hợp của nhiều nhóm người thành một cộng đồng, để kết dệt thành một câu truyện tượng trưng gợi lên niềm tin tưởng của mình vào những giá trị, những yếu tố nền tảng hướng dẫn cuộc sống trong bất cứ hoàn cảnh, thời đại nào, đó là bản chất và vai trò của huyền sử.
Trở về nguồn, tìm lại lý lịch của dân tộc, bảo tồn văn hiến, không phải chỉ là nỗ lực nghiên cứu những sự kiện xác thực thuộc về một lịch sử đã qua [27] (và công việc đó đã được thực hiện qua nhiều thế kỷ, đặc biệt từ một thế kỷ nay), nhưng trước hết và quan trọng hơn hết là truy tìm kho tàng ẩn kín (huyền = đen = ẩn kín), những yếu tố siêu thời gian ghi khắc trong Đại ký ức đã làm giềng mối cho cuộc sống dân tộc qua bao thế hệ, và vẫn đang linh hoạt nơi tâm thức của cộng đồng người Việt hôm nay.
Nguyễn Đăng Trúc
(Trích trong tác phầm "Văn hiến, nền tảng của minh triết minh giải quyển một Lĩnh Nam Chích Quái")
(Trích trong tác phầm "Văn hiến, nền tảng của minh triết minh giải quyển một Lĩnh Nam Chích Quái")