VĂN HIẾN, NỀN TẢNG CỦA MINH TRIẾT MINH GIẢI QUYỂN MỘT LĨNH NAM CHÍCH QUÁI
Phần Một : Sử và Huyền Sử
Chương I
Sử và huyền sử trong truyện Họ Hồng Bàng
Toàn bộ truyện Họ Hồng Bàng được chép thành văn trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái. Về tác giả và niên kỷ của cuốn sách nầy, các nhà nghiên cứu văn học đưa ra một số giả thuyết khác nhau. Một số chủ trương rằng đây là công trình của Kiều Phú và Vũ Quỳnh vào đời Hậu Lê, thế kỷ thứ 15; một số khác lại quan niệm đó là sáng tác của Trần Thế Pháp vào thời kỳ cuối của nhà Trần khoảng từ năm 1370 đến 1400 [1].
Căn cứ vào lời tựa của Vũ Quỳnh khi hiệu chính và sắp đặt lại cuốn sách nầy vào năm 1492, thì dường như các mẩu truyện đã được phổ biến từ thuở xa xưa trong dân gian:
"Lĩnh Nam có nhiều kỳ trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người..." [2]
Nhưng việc khởi đầu thành truyện trong dân gian và được truyền tụng đến mức độ nào và từ bao nhiêu đời trước đó thì không một dấu vết nào trong văn học giúp ta có được một chỉ dẫn rõ rệt. Dựa vào mấy câu nói cô đọng trong phần đầu của Bình Ngô Đại Cáo (1428) của Nguyễn Trãi:
"Duy ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang" [3]
Nhiều tác giả căn cứ vào đó để đánh giá tính cách lâu đời của câu truyện Hồng Bàng, và từ yếu tố nầy người ta hiểu ngầm rằng câu chuyện có giá trị văn hiến! Nhưng, tiếp liền theo sau câu nói, Nguyễn Trãi nêu lên:
"Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc." [4]
Tại sao Nguyễn Trãi lại không nhắc đến thời vua Hùng ở đây ?
Phải chăng câu chuyện về đời Hùng và đặc biệt là những tên tuổi như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những mẩu truyện mới được sáng tác ra từ đời nhà Lê (rất lâu sau khi có Bình Ngô Đại Cáo) như nhận xét có vẻ mai mỉa của học giả Mạc Bảo Thần Nhượng Tống:
"Trong Khâm Định Việt Sử, người ta đã hạ hai cụ Kinh Dương và Lạc Long xuống! Còn tôi, tôi muốn cả vua Hùng, vua Thục trở về những am cỏ, lều tranh thuở trước...
Thế nhưng ta lại nên nhớ ông Liên (Ngô Sĩ Liên) là sứ thần đời Lê...và ở các nhà nho xưa, lòng trung ái cơ hồ như thiên tính...Huống chi vua của ông lại là Thánh Tông, một kẻ rất sùng nho, trọng đạo. Với vua ấy, ông có thể yêu tha thiết...Như trong lời tựa, ông đã muốn báo bổ nhà vua bằng việc viết sử. Báo bổ cách nào ? Ấy là cách nhận ngầm dân Mường là chính giống Việt Nam...Sao thế? Bởi vì Lê Lợi, Thái tổ nhà Lê, chính là một người Mường...Ấy là duyên cớ nhà viết sử của chúng ta đặt họ Hồng Bàng lên đầu Ngoại Kỷ" [5]
Nhận xét nầy trực tiếp phê bác về tính cách mơ hồ xét về sự kiện khách quan của lịch sử, khi sử gia Ngô Sĩ Liên có sáng kiến đưa những câu truyện huyền thoại vào sử; nhưng Nhượng Tống còn gián tiếp cho rằng câu truyện ấy (Hồng Bàng Thị) là một sáng tác mới được hình thành kết hợp các tư tưởng của nhà nho và một số các truyện tích của người dân Mường. [6]
Thực ra, nếu truy tìm lại cổ thư, chúng ta thấy nhận xét trên của Nhượng Tống không mấy chính xác. Trong cuốn Đại Việt Sử Lược (khuyết danh), thường được các nhà nghiên cứu cho rằng đã hoàn thành vào đời Trần (khoảng 1377 - 1388), tên Hùng Vương đã được nêu lên ở đầu sách:
"Đến đời Trang Vương nhà Chu (696 - 682 trước Công Nguyên - ND) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính trị dùng lối thắt gút.
Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương" [7].
Như thế cho đến nay qua các công trình nghiên cứu, chúng ta chỉ biết rằng câu truyện Họ Hồng Bàng có lẽ chỉ được sáng tác thành văn sớm nhất vào cuối đời Trần (cuối thế kỷ 14) dựa vào một số các mẩu chuyện đã được truyền miệng trong dân gian.
Nhưng điều đáng ghi nhớ là sự kiện sử gia Ngô Sĩ Liên đã đưa toàn bộ truyện Hồng Bàng Thị vào phần đầu cuốn Ngoại Kỷ của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Lời tựa của cuốn Ngoại Kỷ nầy được viết vào niên hiệu Hồng Đức năm thứ mười (1479), trong lúc lời tựa Liệt Truyện Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính lại ghi vào năm niên hiệu Hồng Đức thứ hai mươi ba (1492), nghĩa là mười ba năm sau. Như thế, Ngô Sĩ Liên có lẽ không dựa vào cuốn Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh hiệu chính để làm tài liệu kê cứu được, nhưng đã dựa vào một bản nào đó có trước. Và nhận xét của các nhà nghiên cứu văn học và sử học đời sau thường cho rằng Ngô Sĩ Liên dựa vào tài liệu của Vũ Quỳnh để biên soạn phần Ngoại Kỷ của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) có lẽ thiếu chính xác.[8]
Thế thì câu nói sau đây của Ngô Sĩ Liên nêu đích danh Vũ Quỳnh trong Phàm Lệ về việc sửa soạn ĐVSKTT phải được hiểu như thế nào ?
"Nay theo sách của Vũ Quỳnh trước thuật : Bản kỷ chép bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng, để tỏ ra rằng nhà vua đã thống nhất được cả nước" [9].
Sách của Vũ Quỳnh nói ở đây hẳn là cuốn "Đại Việt Thông Giám Thông Khảo" (ĐVTGTK). Ngoài việc xếp Bản kỷ khởi từ Đinh Tiên Hoàng (968), chứ không phải từ đời Ngô Quyền (939), có thể hiểu ngầm thêm là sách đó có nói đến Hồng Bàng Thị trong phần ngoại kỷ. Nhưng một khó khăn khác lại đặt ra: Bộ sử nầy của Vũ Quỳnh lại được soạn năm 1510 theo lệnh của vua Lê Tương Dực [10].
Như thế, vào năm 1479, khi Vũ Quỳnh vừa đúng 27 tuổi, sau khi đậu tiến sĩ mới được một năm (1478), đã có một cuốn sách nào đó của ông (không phải cuốn LNCQ do ông hiệu chính, cũng không phải cuốn ĐVTGTK) đã được phổ biến, mà nay không còn dấu vết; hoặc giả Vũ Quỳnh đã viết ra một trong hai cuốn nầy và chỉ phổ biến hạn chế trong giới quan trường.
Nếu sự kiện về ảnh hưởng giữa Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh hiệu chính và ĐVSKTT về họ Hồng Bàng còn có nhiều nghi vấn, thì hầu như các nội dung chính của câu truyện đều đã được ghi lại ở trong hai tác phẩm.
Và một số điểm đáng lưu ý hơn nữa liên quan đến truyện họ Hồng Bàng là : Từ khi Ngô Sĩ Liên đưa câu truyện nầy vào phần Ngoại Kỷ của bộ sử ĐVSKTT, trên bình diện văn học thành văn, mãi cho đến giữa thế kỷ 20, những người cầm bút thường chỉ lưu ý đến vấn đề yếu tố lịch sử của nội dung câu truyện. Ngay cả trong cuốn Việt Nam Văn Hoá Sử Cương của Đào Duy Anh, sau phần tóm lược câu truyện một vài dòng, tác giả chỉ ghi :
"Chuyện ấy tuy là hoang đường, song tất cũng có ý nghĩa... Nay ta hãy căn cứ vào sự nghiên cứu của các nhà sử học, nhất là các vị giáo sư ở trường Viễn Đông Bác Cổ, mà xét xem gốc tích của dân tộc ta là thế nào" .[11]
Ta thấy rõ ý nghĩa văn hoá được hàm ngụ ở đây dường như cũng là việc truy tìm dấu vết lịch sử mà thôi.
Dựa vào các tài liệu của các bộ môn khoa sử học, dân tộc học, khảo cổ v.v. giới cầm bút mải lo truy tìm những dấu vết lịch sử của họ Hồng Bàng, và đưa ra những kết luận tích cực hay tiêu cực khác nhau; có lúc bất đắc dĩ vì tôn trọng sử cũ mà phải nêu lên, nhưng là để cho rằng nó không có căn cứ :
"Tuy vậy, soạn giả cũng cứ theo sử cũ mà chép lại, rồi cũng phê bình một đôi câu để tỏ cho độc giả biết rằng những chuyện ấy không nên cho là xác thực" [12].
Hoặc đề nghị vất bỏ luôn cho xong :
"Trong Khâm Định Việt Sử, người ta đã hạ hai cụ Kinh Dương và Lạc Long xuống! Còn tôi, tôi muốn mời cả vua Hùng, vua Thục trở về những am cỏ, lều tranh thủa trước. Vì tôi chẳng có một chút lòng tin tưởng gì về các ngài hết!" [13]
Cũng trong mối bận tâm chứng minh về sự xác thực lịch sử của nội dung câu truyện, một số tác giả lại có một quan điểm trái ngược :
"Truyện họ Hồng Bàng gồm nhiều sự tích xâu chuỗi với nhau, giống như kết cấu chung của sử thi thần thoại của nhiều dân tộc trên thế giới. Đây là một trong những thần thoại cổ nhất của dân tộc ta: Nội dung của nó phản ánh trang sử đầu tiên của người Lạc Việt" [14]
hoặc
"bằng những phương pháp, khoa học hiện đại, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh: Thời đại Hùng Vương dựng nước là một hiện thực lịch sử [15].
Việc sử dụng huyền thoại để gạn lọc truy tìm dấu tích lịch sử là một trong những phương thế hữu ích của bộ môn sử học, như giáo sư Lê Hữu Mục nhận xét trong lời Dẫn Nhập bản dịch Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính :
"Ta không dám nói đó chỉ là những chuyện hoang đường, bởi vì truyện dù hoang đường đến đâu cũng chứa đựng một phần sự thực và truyện thực đến đâu cũng pha trộn đôi chút hoang đường" [16].
Nhưng trước hết đây là một câu truyện huyền thoại; và tính cách tượng trưng của một câu truyện huyền thoại thuộc ngôn ngữ thi ca lại được sáng tác, được tiếp nhận ở một chiều kích khác, không nằm trong mục đích ghi lại một sự kiện lịch sử khách quan.
Trước những công trình nghiên cứu sử học của Trường Viễn Đông Bác Cổ và của các nhà làm văn hoá Việt Nam tự đóng khung trong phương pháp khoa học lịch sử, học giả Lê Văn Siêu nhận xét rằng :
"...một phần quan trọng nhất, lý thú nhất của một nền văn minh - cái phần hồn để cho nền văn minh ấy có sự sống - đã bị khoa học bỏ qua, để chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn [17].
Phần hồn nầy, người bình dân thương gọi là "hồn dân tộc". Vũ Quỳnh và người dân Việt Nam đã cảm nhận như thế, khi một bên thì nêu lên rằng nó đã rõ ràng ở lòng người...làm giềng mối, cương thường cho cuộc sống; còn dân chúng thì đón nhận và lưu giữ trong ký ức như một gia sản văn hoá của tổ tiên.
Ta tự hỏi xem sách Sáng Thế của Do Thái giáo có phải chỉ là một bộ sách khoa học về lịch sử và chỉ có giá trị dựa vào các sự kiện lịch sử của môn học nầy hay không ? Làm sao ghi chép cho trung thực được một sự kiện từ thuở hồng hoang chưa có con người xuất hiện! Và những mẩu chuyện trong Iliade và Odyssée của Homère nên xếp vào phần nào trong bộ sử của Hy Lạp đây !
Với cái nhìn vượt lên tiền kiến hạn hẹp của khoa học lịch sử, sử gia Arnold Toynbee trong cuốn Study of History đã viết về giá trị tượng trưng trong huyền thoại như sau :
"Một ký hiệu (symbole) không đồng nhất với đối vật mà nó tượng trưng và không trùng hợp với nó. Nếu không phải thế, thì đây không phải là một tượng trưng của một sự vật mà là chính sự vật. Ta sẽ vấp phải sai lầm khi cho rằng một tượng trưng nhằm mô phỏng lại sự vật, trong lúc nó có mục đích không phải là sao y lại nhưng là soi dẫn. Truy tìm hiệu năng của một tượng trưng xem nó tồn tại hay phôi pha đi, không phải ở việc xem nó có sao y lại được đối vật nó hướng đến hay không. Hiệu năng của nó cần được xét xem ở việc nó có đủ sức soi dọi đối vật hay nó che mờ sự hiểu biết của ta. Tượng trưng hữu hiệu soi dẫn chúng ta, và những tượng trưng hữu hiệu là một phần thiết yếu của nhận thức chúng ta.
Nếu một tượng trưng phải tác động hữu hiệu như một phương tiện của sinh hoạt nhận thức - nghĩa là như một "mẫu mực" - thì nó phải cô đọng và đi sâu vào một điểm, ví như một đồ hình dẫn đường, chứ không phải như một tấm không ảnh chụp từ phi cơ U.2" [18]
Câu truyện họ Hồng Bàng nằm trong khuôn khổ văn chương tượng trưng nầy. Arnold Toynbee nhận định rằng tượng trưng của huyền thoại là mẫu mực soi dẫn đời sống, chứ không phải là mô phỏng lại thực tại lịch sử. Còn Vũ Quỳnh thì gọi đó là ánh sáng ghi trong lòng người để trong cuộc sống "thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục".
Như thế, có thể nói truyện Hồng Bàng là một phương cách biểu lộ của một ký ức linh động (các nhà nghiên cứu văn học gọi là Đại ký ức) của một cộng đồng, hoặc nói cách khác là một lối cảm nhận các yếu tố nền tảng, bất biến, gắn liền với bản tính con người, xây dựng nên cuộc sống cộng đồng, điều hành sinh hoạt xã hội và là mẫu mực đánh giá, phê phán hành vi con người và lịch sử của nó.
Đây là một bản hiến chương được diễn tả theo ngôn ngữ thi ca; mà ngôn ngữ thông dụng gọi là Văn hiến. Hiến cái mẫu mực, Văn là nét sáng đẹp xứng hợp với bản chất con người được thể hiện ra trong lịch sử, trong sinh hoạt. Về tương quan giữa văn hoá, văn hiến và huyền thoại, triết gia Georges Gusdorf gợi ý như sau :
"Một môi trường thiên nhiên muốn trở thành một cõi người ta (un séjour), thì dữ kiện hoang tạp của cảnh trí trước mắt phải được thay thế bằng một hình ảnh của thế giới "người", nghĩa là cần một sự xếp đặt thành tư tưởng. Một qui thức (mẫu mực) của kinh nghiệm sống đã được kết tạo, cho thấy một số yếu tố tinh thần ổn định trước bao khía cạnh và biến cố đa tạp của đời sống. Từ cuộc sống có mẫu mực nầy, những nhóm người đầu tiên đã có thể thành công trong nỗ lực đấu tranh sống còn. Các triết gia và những người hiểu biết, qua từng ngàn năm thanh lọc, đã dùng ngôn ngữ sắp xếp, sửa chữa để diễn tả cuộc sống đó một cách trừu tượng"[19].
Văn hiến là tổng hợp những yếu tố bền vững thuộc lãnh vực tinh thần, nghĩa là gắn liền với yếu tính của con người, được một cộng đồng con người cảm nhận tin tưởng để hướng dẫn, sắp xếp cuộc sống. Những yếu tố bền vững nầy thấm nhập vào sinh hoạt đa diện của con người như cách ăn mặc, nhà ở, tập tục, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, cách sắp xếp điều hành cuộc sống gia đình và xã hội...Nhưng, văn hoá không nằm trong "cái xác", hay nói cách khác là đóng khung vào một sự kiện nào, hay một hiện tượng xã hội nào nhất định. Văn hiến, nói theo từ ngữ của Lê Văn Siêu là "phần hồn", tức là các yếu tố tinh thần bền vững, tạo sự nhất quán của toàn bộ nếp sống con người và xã hội.
Học giả Đào Duy Anh đã có lý khi phê bác quan điểm thông thường "cho rằng văn hoá là chỉ những học thuật tư tưởng của loài người", và ông lại hiểu học thuật tư tưởng là các sách vở thánh hiền hay các triết thuyết được viết ra thành văn tự. Nói cách khác tác giả cuốn Việt Nam Văn Hoá Sử Cương đã giúp độc giả ý thức được sự khác biệt giữa nội dung của văn hoá và một trong những phương thức diễn đạt, mô phỏng nội dung nầy. Nhưng tiếp theo đó Đào Duy Anh lại định nghĩa : "Văn hoá tức là sinh hoạt" [20], và sinh hoạt ở đây được hiểu là sinh hoạt kinh tế mà thôi :
"Chính vì những điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy" [21].
Nếu nói rằng văn hoá là sự thực hiện các yếu tố tinh thần bền vững của văn hiến (hướng dẫn sinh hoạt con người), và nếu cho rằng con người văn hoá phải dựa trên sinh hoạt kinh tế, thì hẳn phải xác tín rằng văn hiến là lao động sản xuất và hưởng dụng của cải vật chất ! Một quan niệm về văn hiến như thế đã đi quá xa với tâm thức con người Việt Nam truyền thống vốn trọng tình, trọng nghĩa; và dù cưỡng ép đến đâu cũng khó lòng tìm thấy dấu vết văn hoá nào theo tiêu chuẩn nầy trong gia sản tinh thần của tổ tiên chúng ta qua câu truyện huyền thoại dựng nước : truyện Họ Hồng Bàng.
Nếu cảm thức của dân gian gắn chặt văn hiến và huyền thoại dựng nước trong câu chuyện Hồng Bàng, thì hẳn đây không phải là có sự đồng hoá cái gốc, cái nền, cái mẫu mực căn nguyên của cuộc sống với thực trạng lịch sử vào một thời kỳ ấu trĩ, hoang sơ của cộng đồng con người. Nhưng Ngô Sĩ Liên lại nhập nhằng trong việc đưa huyền thoại dựng nước vào thuở ban đầu của lịch sử: nhập nhằng vì còn ghi rằng đó là phần ngoại kỷ. Đây là phản ảnh của tình trạng tranh tối tranh sáng giữa hai quan niệm về sử. Nhìn từ quan niệm xem sử như là một bộ môn khoa học, ghi chép lại các sự kiện xảy ra của một xã hội, dựa trên hiểu biết khách quan về sự vật, Nhượng Tống nặng lời cho rằng việc làm nầy của Ngô Sĩ Liên chỉ góp nhặt một số nhận thức băm nhau.
"Xem các phàm lệ trên nầy ta thấy các nhà viết sử đầy những chủ quan. Cái đó gây ra tự Kinh Xuân Thu của thầy Khổng; Thầy đã muốn "ngụ ý khen chê, phân biệt hay dở" trong khi viết bộ sách băm nhau đó ! Các tín đồ của thầy về sau, các nhà chép sử theo lối biên niên đều là theo một sáo ấy cả. Ta đọc xem, cũng cho biết quan niệm lịch sử của các nhà nho" [22].
Nhưng nhìn từ sự nhất quán của tư tưởng nho học, mà ưu tư chính là đưa sinh hoạt con người đi đúng Đạo Nghĩa được ghi khắc bền vững trong Tâm mình, thì sử gia Ngô Sĩ Liên dường như lại bất cập. Ở phần "lời bàn" về Họ Hồng Bàng, sử gia nầy dùng uy thế của thần thoại nước Tàu để biện minh về "cái thực lịch sử" của phần Ngoại Kỷ được đưa vào bộ ĐVSKTT.
"Nhưng mà các bậc thánh hiền sinh ra, tất khác với người thường...Ấy là bởi trời xui khiến...Nuốt trứng chim én mà sinh ra tổ nhà Thương...Dẫm vết chân người khổng lồ mà gây nên tổ nhà Chu...Ấy đều là chép chuyện có thực thế!" [23]
Không những sử gia chúng ta không lý đến giá trị văn hoá đặc loại của huyền thoại, mà ý hướng viết sử của ông cũng chỉ ưu tiên tìm cái thực khách quan của lịch sử, chứ không phải để làm nổi bật cái thực của Đạo lý làm người. Mạnh Tử khi nêu lên lập luận "Nhân chi sơ tính bản thiện", thì chữ ‘sơ’ nầy không phải là thời gian lịch sử hoang sơ như J.J.Rousseau chủ trương. "Sơ" là căn nguyên văn hoá, đạo lý, ở chiều kích của "Tâm Duy Vi", cái gốc bền vững mà lịch sử che mờ. Và "Tâm Duy Vi" nầy cũng khác với "tâm duy nguy" mà Nhượng Tống dựa vào đó để đánh giá toàn bộ Xuân Thu là một lối khen chê chủ quan.
Nói tóm lại, có một quan niệm văn hiến chủ trương duy sử để hiểu và khai thác câu truyện Hồng Bàng manh nha từ việc Ngô Sĩ Liên đưa nó vào bộ sử ĐVSKTT, và một quan niệm văn hiến khác trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái đặc biệt được viết ra trong lời tựa của Vũ Quỳnh.
Và cũng có sự khác biệt về điều mà Lê Văn Siêu gọi là "hồn của một nền văn minh", một cảm thức có tính cách thi ca trong quảng đại quần chúng về giá trị "siêu lịch sử", sinh động và mới mẻ nơi câu truyện Hồng Bàng, so với các yếu tố khách quan về một thời sơ khai lập quốc của lịch sử mà Ngô Sĩ Liên và các sử gia, các chuyên gia của các bộ môn khoa học nhân văn sau nầy muốn truy cứu.
Tương quan giữa huyền thoại (đặc biệt là huyền thoại dựng nước), và văn hiến (tức là mẫu mực tinh thần điều hành cuộc sống cộng đồng), thường được cảm nhận là gắn bó với nhau, vì huyền thoại không phải là lối diễn tả thế giới vật thể, các sự kiện lịch sử xảy ra trước mắt, trong không gian thời gian nhất định, nhưng nó là một ký hiệu tượng trưng có tính cách thi ca, nâng con người lên một thực tại tinh thần, mở ra những chiều kích riêng của thế giới của "hữu thể linh ư vạn vật".
Georges Gusdorf nói đến thế giới được huyền thoại khai mở ra như sau:
"Huyền thoại chỉ một cảnh giới sinh hoạt có đặc điểm là các cấu trúc của nó luôn luôn vẫn hiệu lực, không phải trên bình diện lịch sử, (nếu có thể nói như thế), nhưng trong khuôn khổ hữu thể học. Do đó nói rằng các huyền thoại lưu giữ ký ức về các sự kiện xa xưa có thể phôi phai theo thời gian thì chưa đủ. Định vị huyền thoại trong thời gian là tách rời huyền thoại với tương quan của nó trong cuộc sống con người. Hubert và Mauss [24] đã nhận định rất chí lý : "Dường như các sự việc trong các thần thoại xảy ra bên ngoài thời gian, hoặc, nói cách khác, là trong khung cảnh toàn diện của thời gian". Đây phải là một thời gian siêu thời gian, có uy lực đối với toàn chuỗi thời gian lịch sử. Đây là thời gian của sự hiện diện toàn bích".
Như thế điểm chính để hiểu ý thức huyền thoại có thể được nêu lên thế nầy: huyền thoại là một cấu trúc có giá trị tư tưởng (hữu thể học) nhằm bảo tồn một thực tại. Những gì thiết yếu đã có đó rồi. Không phải là công trình sáng tác; chỉ cần tiếp nhận và phải tiếp nhận để sống. Huyền thoại cống hiến một chỉ dẫn có tính cách bó buộc (chiffre obligatoire) để điều hành cuộc sống. Van der Leeuw ghi rằng : "Một huyền thoại là một sự kiện phải được lặp lại" [25]. Còn M. Mircea Eliade lại đặc biệt nhấn mạnh đến điểm nầy và nêu lên nguyên lý của tư tưởng siêu hình học sơ khai như sau : "Một vật hoặc một hành vi chỉ được xem là thực khi nó bắt chước hoặc lặp lại một nguyên tượng (archétype). Nên thực tại chỉ xuất hiện khi có sự lặp lại hoặc tham dự vào nguyên tượng; những gì không có một mẫu mực nền tảng thì "không có ý nghĩa, nghĩa là thiếu chân thực" [26].
Lượm lặt những mảnh vụn lịch sử vào thời khai sinh của một cộng đồng, hay tổng hợp của nhiều nhóm người thành một cộng đồng, để kết dệt thành một câu truyện tượng trưng gợi lên niềm tin tưởng của mình vào những giá trị, những yếu tố nền tảng hướng dẫn cuộc sống trong bất cứ hoàn cảnh, thời đại nào, đó là bản chất và vai trò của huyền sử.
Trở về nguồn, tìm lại lý lịch của dân tộc, bảo tồn văn hiến, không phải chỉ là nỗ lực nghiên cứu những sự kiện xác thực thuộc về một lịch sử đã qua [27] (và công việc đó đã được thực hiện qua nhiều thế kỷ, đặc biệt từ một thế kỷ nay), nhưng trước hết và quan trọng hơn hết là truy tìm kho tàng ẩn kín (huyền = đen = ẩn kín), những yếu tố siêu thời gian ghi khắc trong Đại ký ức đã làm giềng mối cho cuộc sống dân tộc qua bao thế hệ, và vẫn đang linh hoạt nơi tâm thức của cộng đồng người Việt hôm nay.
Nguyễn Đăng Trúc
(Trích trong tác phầm "Văn hiến, nền tảng của minh triết minh giải quyển một Lĩnh Nam Chích Quái")
(Trích trong tác phầm "Văn hiến, nền tảng của minh triết minh giải quyển một Lĩnh Nam Chích Quái")
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét