Kinh Dịch đã được phổ biến rộng rải và ngày nay ai ai cũng thừa nhận đó là một sản phẩm văn hóa của Hán tộc. Sự xác nhận với đầy rẩy chứng cớ trong sách vở khiến khó có ai có thể phủ nhận được. Công việc dẫn chứng để phủ nhận Kinh Dịch không phải của Hán tộc là một việc đội đá vá trời. Chúng tôi không có khả năng cũng như không dám làm công việc vĩ đại ấy mà chỉ nêu dưới đây một vài điểm tương đồng thân thuộc một cách kỳ lạ giữa sự tích Tiên Rồng của Việt tộc với Kinh Dịch của Hán tộc mà thôi.
Một quan niệm căn bản của Kinh Dịch là thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng và biểu tượng rất được phổ biến của Kinh Dịch là Thái cực đồ với hình vòng tròn được chia hai bằng một đường dạng chữ S phân vòng tròn ra làm hai phần đều nhau, nửa đen nửa trắng. Vòng tròn được gọi là vòng thái cực, hai phần trắng đen là hai yếu tố âm dương. Biểu tượng Thái cực đồ nói lên vũ trụ quan của Kinh Dịch là mọi sự vật trong thái cực tức vũ trụ đều do hai yếu tố âm dương chi phối và cấu thành.
Chúng ta ai cũng biết đến sự tích Tiên Rồng nói về nguồn gốc của dân Lạc Việt. Theo chuyện tích này thì dân Lạc Việt khởi nguồn từ sự kết hợp của hai giống Tiên và Rồng. Rồng Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Tiên Âu Cơ và do sự kết hợp này mà mẹ Tiên Âu Cơ đã sinh ra một bọc chứa một trăm trứng nở được một trăm người con trai. Cha Rồng, mẹ Tiên sống với nhau một thời gian thì cha Rồng nhớ nguồn cội của mình là Thủy cung nên chia con ra làm hai, 50 con theo cha xuống biển, 50 con ở lại với mẹ Tiên trên non. Trước khi chia tay cha Rồng hẹn mẹ Tiên mỗi năm gặp nhau ở cánh đồng Tương hoặc khi cần cứ gọi thì ta về ngay.
Sự tích Tiên Rồng mới nghe có vẻ huyền thoại khó tin nhưng nếu nghiên cứu tường tận ta sẽ tìm thấy rất nhiều ẩn ý mà tiền nhân muốn nhắn nhủ và lưu truyền lại cho hậu thế về nguồn gốc và triết lý của dân tộc Lạc Việt. Có thể cuộc hôn nhân của Tiên Âu Cơ và Rồng Lạc Long Quân cũng bình thường như các cuộc hôn nhân khác, nhưng có lẻ vì muốn câu chuyện được hấp dẫn cho dễ lưu truyền từ đời này sang đời khác mà tổ tiên ta đã huyền thoại hoá chuyện tình Âu Cơ và Lạc Long Quân chăng?
Tiên và Rồng là hai biểu tượng không có thật. Tiên là hình ảnh của con người đã thánh hóa, siêu thóat, tượng trưng cho sự thanh nhã, khoan ái, trường tồn. Rồng theo quan điểm phương đông là rắn thăng hoa biểu trưng cho oai dũng, cho sức mạnh, tính nhẫn nại và tài năng biến hóa vô cùng. Trong khi các chủng tộc khác thường chỉ có một vật tổ, chủng tộc Lạc Việt có hai vật tổ cùng lúc là Tiên và Rồng tức có đủ cả hai yếu tố âm và dương. Tiên là giống cái thuộc âm, Rồng là giống đực thuộc dương. Cuộc hôn nhân của Tiên và Rồng là sự kết hợp sinh động của nét thanh nhã hiền hòa với sức mạnh và tài năng thiên biến vạn hóa. Sự kết hợp đó đã tạo nên giồng giống Việt, một giống dân vừa xinh đẹp, dịu hiền, vừa hùng dũng, cương quyết, vừa tình vừa lý, vừa linh động vừa thường hằng, vừa vật thể vừa siêu phàm. Và đó chánh là ẩn ý mà tiền nhân muốn trao gởi lại cho hậu thế để biết tự hào về đặc tính của dân tộc Lạc Việt.
Trước tiên, một bọc trăm con tượng trưng cho hình ảnh một nhóm người sống quây quần thành một cộng đồng hay xã hội. Trăm trứng trong cùng một bọc cũng chuyên chở ý nghiã là dân Việt có chung một nguồn gốc và bọc nở ra trăm con là tổ tiên muốn nhắc nhở mọi người dân Việt phải nhớ tới nguồn gốc mà thương yêu đùm bộc nhau. Thêm vào đó, vì cùng sinh ra đồng thời, đồng lúc nên tất cả đều bình đẳng, đều là anh em, đồng thời cũng hàm ý là con người từ khởi thủy đã sống trong cộng đồng và đã có tinh thần xã hội rồi. Một cách tổng quát sự tích Tiên Rồng dạy cho mọi người dân Việt phải biết yêu thương đùm bọc nhau trong tình anh em ruột thịt, trong nghiã đồng bào. Chánh trong ý nghiã này mà tiếng Việt mới có chữ đồng bào để chỉ người dân trong cùng một nước.
Mặt khác chữ trăm trứng không chỉ có nghiã thuần 100 trong ý nghiã số học. Trăm ở đây còn có nghiã là nhiều như trong câu: ta còn trăm việc phải làm, hoặc cũng có nghiã là tất cả như trong các từ ngữ trăm họ, trăm hoa đua nở. Với ý nghiã này, tổ tiên Lạc Việt qua sự tích "bọc trăm trứng" đã dạy chúng ta là không chỉ giống giồng Tiên Rồng mà tất cả con người đều cùng một nguồn gốc sinh ra và tất cả các giống dân trên trái đất này đều bình đẳng và phải thân thương nhau trong tình ruột thịt.
Bọc trăm trứng cũng nói lên sự kết hợp âm dương. Cha là đực hay dương, mẹ là cái hay âm, cha mẹ tức âm dương kết hợp đã sinh ra bọc 100 con. Nếu xem bọc tượng trưng cho vũ trụ thì từ lâu ông cha ta đã có một quan niệm khá rõ ràng về vũ trụ. Trăm con được chia làm hai, 50 theo mẹ 50 theo cha, đó là tổ tiên với óc sáng tạo độc đáo đã cụ thể hóa hai ý niệm âm dương vốn trừu tượng không thể thấy bằng mắt sờ bằng tay được. Cái bọc chỉ toàn thể vũ trụ được cấu tạo bởi hai yếu tố âm dương cân bằng nhau. Hình ảnh mẹ Tiên tượng trưng cho âm và cha Rồng tượng trưng cho dương để nói lên nguyên lý âm dương kết hợp và vận hành trong vũ trụ. Hai yếu tố âm dương hiện diện trong mọi vật thể từ nhỏ nhất đến lớn nhứt, hai yếu tố này tuy khác nhau nhưng quyện xoắn lấy nhau, tương giao, tương hợp để tạo thành vũ trụ và muôn loài.
Như vậy ta thấy sự tích Tiên Rồng của giống Lạc Việt đã nói lên một cách dễ hiểu vàtrọn vẹn những điều trong Kinh Dịch diễn tả một cách trừu tượng là: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng (Hệ Từ XI). Cái bọc trong sự tích Tiên Rồng là cách nói dễ hiểu để chỉ vòng thái cực; bọc chia làm hai gồm 50 và 50 chính là ý niệm lưỡng nghi của Kinh Dịch. Nhưng tính chất độc đáo trong sự tích Tiên Rồng là cho con người và vạn vật đều do hai yếu tố âm dương kết hợp. Ý niệm này cũng tìm thấy trong Kinh Dịch qua câu: nhất âm nhất dương chi vị đạo (Hệ Từ V) tức Ðạo của trời đất và vũ trụ là phải có âm dương. Nhưng hai yếu tố âm dương trong Kinh Dịch hoàn toàn trừu tượng, thuộc phần suy luận của lý trí, trong khi đó hai yếu tố âm dương trong sự tích Tiên Rồng được diễn tả bằng hai con người sống động và hiện thực là mẹ Tiên Âu Cơ và cha Rồng Lạc Long.
Vấn đề chia con ra làm 50 theo Mẹ và 50 theo cha khiến nhiều người không chịu tìm hiểu tường tận đã vội kết luận rằng bản chất của dân Việt là chia rẻ. Thực ra, hành động Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con lên núi nói lên nguyên lý mẹ tức mẹ làm chủ trong văn hóa Lạc Việt. Dẫn con lên núi là ý niệm đi lên cao, đi đến chỗ triệt cùng, triệt để tức là tìm về với minh triết, đi đến chỗ phân cực triệt thượng. Cha Lạc Long dẫn 50 con xuống đáy biển là một sự việc đối nghịch lại với sự dẫn con lên núi nhưng có cùng một mục tiêu là tìm đến sự triệt để mà ở đây là triệt hạ. Triệt thượng thì lên đến cùng cực của siêu thực, triệt hạthì xuống thấp nhứt đến hiện tượng tức là việc làm ăn sinh sống hằng ngày. Khi đạt đến cùng cực thì mọi sự hội thông đúng như châm ngôn của Lý Thái Cực là: "nhất lý minh, vạn lý thông".
Hai hành động lên non, xuống biển nói lên sự phân cực để tiến hóa là một ý niệm hoàn toàn khoa học. Chia nhưng không chia, chỉ đi về hai phiá để làm nổi rõ sự cách biệt thôi. Sự chia tay này còn biểu thị cho cơ cấu của vạn vật trong trời đất đâu đâu cũng phải phân cực như vậy. Cha Rồng đã nói rõ là mỗi năm gẕp nhau ở cánh đồng Tương và khi gọi thì ta về đã nói rõ sự kết hợp giữa Tiên và Rồng dù kẻ lên núi, người xuống biển vẫn còn tồn tại, vẫn là một. Ðiều này cũng nói lên lưỡng nhất tính trong văn hóa của Việt tộc: hai mà một, một mà hai:
Tình đôi ta tuy hai mà một
Ðời chúng mình tuy một mà hai.
Dẫn con lên núi và xuống biển còn nói lên ý niệm núi vươn cao, biển nằm dài, hai hình ảnh ngang dọc chỉ ý niệm trời đất, đồng thời cũng cốt để diễn đạt quan niệm phân cực. Mẹ lên non đứng thẳng chỉ non nhân, cha xuống biển nằm ngang chỉ nước trí. Mẹ non nhân, Cha nước trí, nước non phối hợp hài hòa cho quốc gia vững mạnh, dân tộc trường tồn.
Sự tích Tiên Rồng cũng thể hiện rõ rệt quan niệm về Ðạo của Việt tộc. Ðạo bao gồm ba yếu tố là âm, dương và hóa tức âm dương hòa hợp tạo nên Ðạo. Bình thường người ta chỉ thấy có âm và dương: âm tán dương tụ. Muốn trở thành Ðạo âm dương phải kết tụ, giao hòa. Tán tụ là hai luật căn bản của vạn vật trong vũ trụ vì tán tụ là hai mối liên hệ ràng buộc vạn vật với nhau một cách mật thiết. Nói cách khác là vạn vật phải giao hòa để tạo thành nhất thể như Kinh Dịch có ghi nhận là vạn vật nhất thể. Ðể nói lên cùng một ý niệm sự tích Tiên Rồng chỉ cần dùng hình ảnh bọc mẹ trăm con rất đơn giản và dễ hiểu.
Trống đồng Ðông Sơn là những cổ vật không ai chối cải là di sản văn hóa của Việt tộc cũng đã ghi khắc lại trên mặt trống những tư tưởng về vũ trụ quan của sự tích Tiên Rồng. Mặt trống tròn chánh là cái bọc được nhắc đến trong sự tích Tiên Rồng tương đương với ý niệm vòng thái cực của Kinh Dịch. Mặt trống vẻ toàn các hình tượng người và vật có mang lông chim nói lên ý niệm Tiên và sự kiện 50 con theo Mẹ lên núi. Tang trống thì vẻ hình 6 thuyền rồng đi trên nước hàm ý 50 con theo Cha xuống biển. Mặt trống cũng được chia ra làm hai với một nửa có các hình tượng số chẳn như nóc nhà 2 chim, đoàn 6 người, chim 4 cặp, và một nửa có các hình tượng số lẻ như nóc nhà 1 chim, đoàn 7 người, chim 3 cặp. Sự phân chia này trùng hợp với điều trong Kinh Dịch gọi là Thái cực sinh lưỡng nghi. Vòng ngoài cùng của mặt trống với 36 con chim là tượng trưng cho 4 hoa hướng dương 9 cánh nói lên ý niệm lưỡng nghi sinh tứ tượng của Kinh Dịch.
Một ý niệm khác của Kinh Dịch là tam tài Thiên Ðịa Nhân cũng được diễn tả trên trống đồng Ðông sơn của Việt tộc. Ngay giữa mặt trống là hình mặt trời rõ nét, đó chánh là yếu tố Thiên. Kế đến là hai vòng vẻ hình người múa hát, tượng trưng cho yếu tố Nhân. Hai vòng ngoài cùng vẻ hình chim thú tượng trưng cho đất, chính là yếu tố Ðiạvậy. Tang trống cũng diễn tả ý niệm tam tài bằng ba phần: phần trên chỉ trời, phần thân chỉ người và phần chân trống chỉ đất.
Ngoài ra, nhìn vào mặt trống ta cũng thấy thấp thóang hình bóng của ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ. Như trên vừa nói hai vòng ngoài cùng của mặt trống có hình chim thú, kế đến là hai vòng hình người, trong cùng ở ngay giữa là vòng mặt trời biểu thị cho hành Thổ trung cung, cọng tất cả các vòng lại ta có con số 5 của ngũ hành với hành Thổ ở giữa và bốn hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa ở bốn phương đông, tây, nam, bắc.
Tóm lại, sự tích Tiên Rồng đã được thể hiện trên trống đồng Ðông Sơn. Và qua trống đồng Ðông Sơn ta thấy hình người và chim muông cùng hợp ca múa hát trong cảnh thái hòa hạnh phúc giữa trời, đất và người. Nếu minh triết là nghệ thuật tối cao sắp đặt cuộc sống sao cho mọi người đạt được hạnh phúc, thì triết lý của Việt tộc được gói ghém trong sự tích Tiên Rồng và biểu hiện qua trống đồng Ðông sơn đã nói lên được tánh cách ưu việt đó là hội nhập được hai thái cực cùng tột là có với không, chẳn với lẻ, vuông với tròn, âm với dương một cách trọn vẹn và hài hòa.
Những tánh cách ưu việt đó đem đối chiếu với Kinh Dịch nói chung và thái cực đồ nói riêng ta thấy có nhiều điều trùng hợp. Qua các điều dẫn chứng vừa trình bày, ta có thể ghi nhận là sự tích Tiên Rồng và Thái cực đồ của Kinh Dịch là hai ấn bản của cùng một tư tưởng triết học, Tiên Rồng của Việt tộc có tánh cách bình dân dễ hiểu, Kinh Dịch của Hán tộc có tánh cách bác học khó hiểu. Cả hai cùng nêu cao một vũ trụ quan lưỡng nhất tính và quan niệm âm dương vẫn được nền triết học thế giới thừa nhận là hai yếu tố đặc thù của nền triết học Ðông phương. Ðiều sau cùng tưởng cần ghi nhận là sự tích Tiên Rồng đã có từ hơn năm ngàn năm trong khi Kinh Dịch chỉ mới biết đến khoảng hai ngàn năm trăm năm mà thôi.
Nguyễn Minh Triết
Tài liệu tham khảo:
Kim Ðịnh -- Thái Bình Minh Triết, Thời Ðiểm xuất bản, 1997.
Ðào Văn Dương, et. al. -- Tinh Hoa Tư Tưởng Việt, Tủ Sách Việt Thường xuất bản, 1997.
Nam Thiên -- Kinh Việt, Hoa Tiên Rồng xuất bản, 1993.
Nguồn: http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=594&Itemid=99999999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét