Các Trang

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Khám phá lịch đoi của người Mường


Cập nhật lúc 11:01 11/01/2013 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) - Theo lời của những thầy mo ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thì đây là bộ lịch cổ xưa nhất của người Mường. Hiện nay, người Mường vẫn dùng song song 2 loại lịch là lịch tây và lịch thẻ tre.

Lịch đoi được làm từ 12 thẻ tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm, trên mỗi thẻ tre được khắc 30 khấc tượng trưng cho 30 ngày. 

Bộ lịch cổ xưa nhất của người Mường

Mới sáng sớm mà thầy mo Bùi Văn Ểu ở xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đã chếnh choáng hơi men, lảo đảo bước đi trong màn sương mù bàng bạc. Ông khoe: "Theo lịch đoi, hôm nay là ngày đẹp, đứa cháu tao nó đi lấy chồng. Tao đến nhà nó cúng, báo cáo với tổ tiên để vợ chồng nó sống hạnh phúc với nhau đến già như mấy dãy núi Mường bi, như trái núi Cột Cờ".

Gặp chúng tôi, ông trách yêu: "Sư chúng mày! Sao không báo trước cho tao để còn chuẩn bị, giờ còn phải đi cúng mấy cái đám cưới sao có nhiều thời gian mà cà kê với chúng mày. Mà kể chuyện về lịch đoi thì cả ngày không hết". Nói rồi ông cất giọng ca mấy câu trong bộ sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của người Mường và giải thích: "Lịch đoi có từ thuở đất còn bạc lạc, đá thì mới đẻ, con dân Mường Bi nhìn trăng đoán nắng, nhìn sao đoán gió, qua hàng trăm đời người mới làm ra được lịch đoi. Từ đó về sau, người Mường Bi đi cày đi cuốc, bắt tôm mò cá, dựng vợ gả chồng, ngày lành tháng tốt... cứ theo lịch đoi mà làm". 

Nói là cái thuở đất còn bạc lạc chắc chắn phải xa xưa lắm rồi! Người Mường Bi không ai còn nhớ nổi cái thuở đó cách ngày nay bao lâu... Chỉ có điều từ ngàn đời nay, người Mường bi vẫn cứ ca vang câu ca đẻ đất đẻ trời, trong đó có nói đến lịch đoi.

Sau khi cúng xong đám cưới, ông Ểu trở về nhà gặp chúng tôi và lấy trên ban thờ xuống một bộ lịch đoi trên 100 năm tuổi làm bằng cây tre già, thanh tre đen bóng như gỗ lim, rắn chắc như gỗ nghiến. Cầm trên tay 12 thẻ tre, mỗi thẻ dài 20cm, ông Ểu tự hào: "Đây là tinh hoa của đất Mường Bi" rồi giải thích cách mà thủy tổ người Mường Bi sáng tạo ra lịch đoi. 

Người Mường Bi cũng chia một năm ra thành 12 tháng. Hằng năm, các thầy mo có tài chiêm tinh thường lên ngọn núi Cột Cờ, hay ra khoảnh đất rộng, thoáng đãng... để nhìn sao đoi (sao tua rua). Tính từ đông sang tây, vào lúc trăng lên, nếu sao đoi vào trước mặt trăng thì năm tới sẽ nóng, hạn hán. Nếu sao đoi vào sau mặt trăng thì năm tới sẽ có nhiều mưa bão. Nếu sao đoi vào cùng với mặt trăng thì năm tới thời tiết ôn hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.


Lịch đoi thể hiện tài chiêm tinh, sự sáng tạo của người 
Việt cổ. 

Cách tính lạ

Dựa vào việc nhìn sao đoi, người Mường Bi có cách tính ngày tháng rất độc đáo. Trên mỗi thẻ tre được khắc 30 vạch, mỗi vạch tượng trưng cho một ngày. Tuy nhiên, trong số 30 gạch đó có vạch ngắn, vạch dài, vạch hình mũi tên, vạch có một hoặc hai dấu chấm ở trên...

Ông Ểu giải thích: "Trên lịch đoi, nếu thấy vạch nào hình chữ vê (V) thì gọi là ngày cá, vạch nào có một chấm ở trên thì gọi là ngày tiểu hao, hai chấm thì gọi là ngày hao, vạch hình mũi tên là ngày mưa bão. Số lượng và mật độ của các ngày này thay đổi theo từng tháng. Tháng nào thấy có nhiều vạch hình mũi tên thì tháng đó rất nhiều mưa bão, nếu gieo mạ, cấy lúa... vào những ngày mưa bão thì sẽ bị hư hỏng hết. Nếu vào ngày cá thì người dân đi đánh cá, mò cua bắt ốc sẽ được nhiều. Trong lịch đoi, tháng 1 là tháng có nhiều ngày cá nhất vì đó là thời điểm mùa cá đẻ. Nếu vào ngày hao thì người dân dù có buôn bán bốn phương, lắm của nhiều tiền thì cũng bị thua lỗ... Khi dựng vợ, gả chồng, người Mường Bi phải nhằm vào những ngày vạch ngắn, đó là ký hiệu của ngày bình thường có thể làm đủ mọi công việc mà không sợ bị thua lỗ, nhưng cũng không phát tài phát lộc được".

Bộ lịch đoi được gia đình ông Ểu lưu giữ đã hơn 
một trăm năm nay. 

Việc tính toán các ngày xấu, tốt trong tháng cũng được dựa trên việc quan sát sao đoi và trăng. Trong mỗi tháng được chia thành 4 tuần là tuần đoi, tuần cối, tuần cây, tuần lồm. Trong mỗi tuần, ngày nào sao đoi đứng ở phía trước mặt trăng là ngày nóng, đứng sau mặt trăng là ngày mưa, có ngày trăng lặn, ngày sao mờ... đó là những ngày xấu. Khi sao đoi đứng ở vị trí sát bên mặt trăng, ánh sao sáng rõ, nền trời trong thì đó là dấu hiệu của ngày tốt.

Ông Ểu  cho biết: "Đã là người Mường Bi thì nhà nào cũng theo lịch đoi. Hơn nửa đời làm thầy mo, tôi sử dụng lịch đoi như một thứ bảo bối để giúp dân làng biết được ngày lành tháng tốt để làm ăn, ma chay, cưới hỏi... Bên cạnh lịch đoi, người dân xứ Mường còn sử dụng lịch Tây, nhưng việc này chỉ để biết ngày tháng hành chính theo qui định của Nhà nước".

"Lịch đoi còn có tên gọi khác là lịch Mường, lịch đá. Đây là loại lịch của người Việt cổ, có lẽ xuất hiện từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 4.000 năm. Lịch đoi không chỉ có ở xứ Mường Bi mà có cả ở Mường Vang, Mường Thàng, Mường động. Tuy nhiên đến nay chỉ còn đất Mường Bi giữ được phong tục cổ xưa này vì ở Mường Bi còn duy trì được một lực lượng đông đảo các thầy mo, thầy cúng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Lịch đoi chậm hơn lịch âm khoảng 15 ngày. Chính vì thế mà hiện nay người Mường ăn tết hai lần, một lần Tết Nguyên đán theo lịch âm, và một lần ăn tết theo lịch đoi. Đợt ăn tết thứ hai sau đợt Tết Nguyên đán khoảng 15 ngày gọi là ăn tết lại, tết đoi. Lịch đoi có ý nghĩa rất quan trọng đối với văn hóa Việt, nó thể hiện tài chiêm tinh của người Việt cổ thông qua việc quan sát sao, trăng để đoán ngày lành tháng tốt, thời thế, vận mệnh. Lịch đoi cho con người chỗ dựa niềm tin tạo thành sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn, rủi ro".
TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí & Tuyên truyền)

Nguồn: http://kienthuc.net.vn/di-san/201301/Kham-pha-lich-doi-cua-nguoi-Muong-890719/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét