Cập nhật lúc 13:30 07/01/2013 (GMT+7)
(Kienthuc.net.vn) - Theo chính sử từ xưa đến nay, người xây dựng Loa Thành và chế tạo nỏ thần là Thục Phán An Dương Vương. Tuy nhiên, theo cuốn cổ sử “Ngọc phả Hùng Vương” thì người xây dựng Loa Thành và chế tạo nỏ thần là Hùng Tuyền Vương.
Tòa soạn xin giới thiệu bài viết này của nhà nghiên cứu Phan Duy Kha như một kênh tham khảo để các nhà khảo cổ, sử học, văn hóa học, dân tộc học… cùng có thêm ý kiến để làm sáng tỏ vấn đề.
Cổ truyền Ngọc Phả về các đời Vua Hùng
Cổ truyền Ngọc Phả về các đời Vua Hùng
Ngọc phả Hùng Vương tên đầy đủ của nó là “Cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyện” . Nghĩa là: Ngọc phả cổ truyền về 18 đời vua Thánh triều Hùng nước Việt cổ. Ngọc phả gồm 21 tờ, 42 trang chữ Hán tổng cộng gần 10.000 chữ. Do Nguyễn Cố, Hàn lâm viện trực học sĩ phụng soạn năm Hồng Đức nguyên niên (1470), Hàn lâm thị độc Nguyễn Trọng trùng đính vào ngày tốt tháng 10 mùa đông Canh Tý, Hoằng Định nguyên niên (1600). Lễ phiên Lê Đình Hoan thừa sao. Bản sao lưu tại nhà quan lang phụ đạo con cháu Hùng Vương cha truyền con nối là dân tạo lệ xã Nghĩa Cương và là Giám thôn Trung Nghĩa. Bàn này hiện lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ.
Ngọc phả Hùng Vương từ xưa đến nay chưa ai dịch toàn bộ, mà chỉ dịch từng đoạn để sử dụng trong các bài viết. Gần đây, GS Ngô Đức Thọ, chuyên gia Hán Nôm mới dịch trọn vẹn.
GS Ngô Đức Thọ, người dịch trọn vẹn Ngọc Phả Hùng Vương. |
Chuyện tưởng chừng không phải bàn cãi
Xưa nay, sử sách của ta đều ghi rằng vua Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Đại Việt sử ký toàn thư và Lĩnh Nam chích quái đều ghi như thế. Đại Việt sử lược tuy không ghi cụ thể nhưng có câu: "Phán đắp thành ở Việt Thường, hiệu là An Dương Vương", thì người ta cũng hiểu, thành ở Việt Thường cũng là thành Cổ Loa. Những chi tiết như Rùa Vàng hiện lên bày cho vua cách xây thành, Rùa Vàng rút móng cho vua để chế tạo nỏ thần... đều được cho là xảy ra dưới thời vua An Dương Vương. Tuy nhiên, có một tài liệu không cho là như thế. Đó chính là Ngọc phả Hùng Vương.
Theo Ngọc phả Hùng Vương thì việc xây thành Cổ Loa, chuyện Rùa Vàng bày cho vua cách xây thành, Rùa Vàng rút móng tặng vua làm lẫy nỏ đều xảy ra dưới thời Hùng Vương thứ 18, Hùng Tuyền Vương (sử sách của ta thường chép là Hùng Duệ Vương). Sau khi vua Hùng nhường ngôi cho vua Thục thì cũng tặng vua Thục chiếc nỏ thần, có lẫy làm bằng móng rùa, một loại trang bị kỹ thuật hiện đại nhất, thứ vũ khí cực kỳ lợi hại thời bấy giờ.
Trang 19 trong cuốn cổ sử về Ngọc phả Hùng Vương. |
"Linh hoa kim trảo thần nỗ"
Sau đây là câu chuyện xảy ra dưới thời Hùng Tuyền Vương, ghi theo Ngọc phả:
"Hùng Tuyền Vương hưởng nước 115 năm rồi nhường ngôi cho rể là Sơn Tinh Tản Viên. Sơn Tinh cố từ không dám nhận. Tuyền Vương nói:
- Cơ đồ họ Hùng đã hết, khanh có thể lên thay.
Tản Viên còn do dự chưa quyết thì Thục Vương (là chúa phụ đạo nước Ai Lao, cũng là tông phái Hùng Vương) từ xa nghe tin Tuyền Vương nhường ngôi cho Tản Viên, bèn đem quân sang đánh Tuyền Vương để xâm chiếm nước Nam.
Vua binh hùng tướng mạnh, Thục Vương mấy lần bị đánh bại. Vương bảo với Thục Vương: "Ta có sức thần, Thục Vương không sợ sao?".
Từ đó Tuyền Vương bỏ bễ, không chăm sửa sang võ bị, chỉ đam mê tửu sắc làm vui. Đến khi quân Thục kéo đến tận nơi, vua vẫn say mềm chưa tỉnh. Quân lính trở giáo đầu hàng quân Thục.
Hùng Vương bèn đắp thành ở Việt Thường rộng nghìn trượng, khoanh tròn như hình con ốc, gọi là Loa Thành. Mới đầu thành đắp đến đâu đổ đến đấy. Bỗng thấy một con Rùa Vàng trên sông từ phía đông bơi đến, xưng là Giang Sứ. Hùng Vương lấy mâm vàng đặt rùa lên đấy rồi hỏi rùa vì cớ gì mà thành đắp cứ đổ mãi. Rùa Vàng đáp: "Đó là do quỷ hại. Phải trừ tinh khí của nó đi thì thành tự nhiên đắp xong" (1).
Thế rồi Tuyền Vương làm theo lời Rùa Vàng, trừ được tinh quỷ (chứ không phải tinh gà trắng như trong chuyện vua Thục sử sách vẫn ghi), quả nhiên, sau nửa tháng thì thành đắp xong. Rùa Vàng bèn từ tạ ra đi. Trước khi đi cũng rút một chiếc móng đưa cho Tuyền Vương để làm lẫy nỏ. "Tuyền Vương bèn sai bề tôi là Cao Lỗ chế nỏ thần, lấy chiếc vuốt thiêng làm máy, đặt tên là "Linh hoa kim trảo thần nỗ". Sau khi có nỏ thần, Hùng Tuyền Vương thu họp tàn quân, tuyển thêm dân binh, rồi sai người đưa thư cho Tản Viên, nói: "Thục Vương đem binh sang đánh, đã chiếm đô thành của ta, khanh mau đem quân đến cứu viện".
(còn nữa)
Chú thích: (1): Những đoạn để trong ngoặc là nguyên văn Ngọc phả Hùng Vương, bản dịch của GS Ngô Đức Thọ.
“Tôi không phải là người thích những chuyện giật gân gây sốc. Vì vậy, với thông tin này tôi đã phải gác lại, mặc dù tôi đã tiếp xúc với bản dịch Ngọc phả Hùng Vương hơn một năm trời nay. Ngay gần đây, khi viết bài giới thiệu về Ngọc phả Hùng Vương đăng trên Báo KH&ĐS tôi cũng đã gác lại chi tiết này. Và, ngay trước khi gửi bài để đăng, tôi còn đến gặp GS Ngô Đức Thọ, người dịch Ngọc phả để ông xác nhận cho rằng, ông không nhầm lẫn. Tại tư gia của GS Ngô Đức Thọ, ông cầm bản chữ Hán Ngọc phả Hùng Vương dịch trực tiếp, còn tôi thì cầm bản in vi tính để so sánh. Những chỗ cần sửa, ông cầm bút mực màu đỏ, chữa lên bản in của tôi rồi ký tên bên cạnh. Ông bảo: Tôi xác nhận với anh là chính tôi sửa những chữ này, thế là được chứ! Và thế là tôi an tâm. Khi công bố những thông tin này, tôi trích dẫn Ngọc phả Hùng Vương nhiều hơn, cốt để thực sự trung thành với văn bản, không phải qua lăng kính cảm nhận hay suy luận chủ quan của ngườiviết”.
Phan Duy Kha
Nguồn: http://kienthuc.net.vn/di-san/201301/Thuc-Phan-khong-phai-la-nguoi-xay-Loa-Thanh-890254/“Tôi không phải là người thích những chuyện giật gân gây sốc. Vì vậy, với thông tin này tôi đã phải gác lại, mặc dù tôi đã tiếp xúc với bản dịch Ngọc phả Hùng Vương hơn một năm trời nay. Ngay gần đây, khi viết bài giới thiệu về Ngọc phả Hùng Vương đăng trên Báo KH&ĐS tôi cũng đã gác lại chi tiết này. Và, ngay trước khi gửi bài để đăng, tôi còn đến gặp GS Ngô Đức Thọ, người dịch Ngọc phả để ông xác nhận cho rằng, ông không nhầm lẫn. Tại tư gia của GS Ngô Đức Thọ, ông cầm bản chữ Hán Ngọc phả Hùng Vương dịch trực tiếp, còn tôi thì cầm bản in vi tính để so sánh. Những chỗ cần sửa, ông cầm bút mực màu đỏ, chữa lên bản in của tôi rồi ký tên bên cạnh. Ông bảo: Tôi xác nhận với anh là chính tôi sửa những chữ này, thế là được chứ! Và thế là tôi an tâm. Khi công bố những thông tin này, tôi trích dẫn Ngọc phả Hùng Vương nhiều hơn, cốt để thực sự trung thành với văn bản, không phải qua lăng kính cảm nhận hay suy luận chủ quan của ngườiviết”.
Phan Duy Kha
TIN LIÊN QUAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét