Cập nhật lúc 06:30 09/04/2013 (GMT+7)
Kỳ bí "kho báu" của quân khăn vàng ở Việt Nam
(Kienthuc.net.vn) - Gần hai tháng nay, dân làng Khỏn Sình, Lạng Sơn thay nhau canh giữ miếu Thổ Công vì họ phát hiện có kẻ đã "bí mật đào trộm kho vàng" của làng.
Huyền thoại của Khỏn Sình
Miếu Thổ Công nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, đoạn qua làng Khỏn Sình, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn. Theo khẳng định của nhiều người dân địa phương thì ở miếu Thổ Công làng Khỏn Sình có "kho vàng" hoặc cổ vật quý. Vì thế mà từ hàng trăm năm nay dân làng Khỏn Sình canh giữ miếu rất nghiêm ngặt không cho ai xâm phạm.
Khi thấy chúng tôi đến miếu Thổ Công, nhiều người dân làng Khỏn Sình đã tập trung đến để phản ánh thông tin về ngôi miếu đã đi vào huyền thoại suốt mấy trăm năm nay.
Theo lời của các bậc cao niên trong làng thì miếu Thổ Công là của dòng họ Trần. Ngày xưa, mỗi dòng họ lớn trong làng đều lập miếu thờ thổ công để thờ cúng thần đất. Riêng ở làng Khỏn Sình có tới 4 cái miếu thổ công, trong đó, miếu của dòng họ Trần là linh thiêng nhất, to đẹp nhất.
Đến nay, người dân làng Khỏn Sình không ai nhớ miếu Thổ Công được xây dựng vào thời gian cụ thể nào. Những người già đã sống gần một thế kỷ nay ở làng Khỏn Sình bảo rằng, khi họ lớn lên đã thấy ngôi miếu. Hồi đó bên ngôi miếu đã có một cây si và một cây gạo cổ thụ 5 người ôm không xuể. Trải qua trăm năm, nhưng dường như cây si và cả cây gạo không lớn hơn trước là mấy.
Trước đây, miếu Thổ Công chỉ bé chưa bằng một gian nhà bếp, vào mỗi dịp lễ, tết hay ngày rằm người dòng họ Trần ra miếu Thổ Công nhang khói. Về sau, người dân thấy miếu linh thiêng nên dân làng ai nấy đều tôn sùng. Vào dịp lễ, tết người dân cả làng đến miếu Thổ Công cầu cúng, cầu mong bình an... và miếu này được tôn thành miếu thờ thần thổ địa của cả làng Khỏn Sình.
Cách đây mấy chục năm, miếu Thổ Công nằm chơ vơ bên bờ sông. Vào mùa mưa lũ, nước sông đánh sát vào tận gốc cây si, cây gạo. Thấy miếu Thổ Công xuống cấp, năm 1948 một ông quan địa phương tên là Vi Đô, tên cúng cơm là Phan Lạng xây dựng lại to hơn. Sau khi xây lại miếu, đất phù sa từ thượng nguồn trôi về và bồi tụ nơi miếu Thổ Công, tạo thành một bãi bồi có chiều rộng khoảng 100m dài khoảng 1km, đủ để bao bọc miếu Thổ Công khỏi các trận lũ lớn. Vì có dải đất này nên mấy chục năm nay, chưa có trận lũ nào nào vào được đến miếu Thổ Công.
Người dân làng Khỏn Sình tin rằng, dưới miếu Thổ Công có kho vàng. |
Miếu Thổ Công có đồng đen
Anh Trần Đức Nguyên người dân làng Khỏn Sình khoe rằng: Cách đây mấy chục năm, bố anh tên là Trần Văn Bắc đã hai lần nhặt được tượng đồng đen, một lần bố anh nhặt được ở đoạn trước cửa miếu Thổ Công tiếp giáp với sông Kỳ Cùng. Tượng đồng đen chỉ cao hơn chai bia, nặng trên 3kg.
Sau khi nhặt được tượng đồng đen, bố anh Nguyên đã dùng dao đẽo vào xem đó là gỗ hay là đồng. Sau khi đẽo tượng bố anh bảo đó là tượng đồng đen. Khi nghe tin ấy, gia đình anh hoảng hốt vì sợ cả gia đình sẽ gặp phải điều rủi vì người dân làng Khỏn Sình rất sợ nhặt được đồng đen, nếu nhặt được đồng đen thì đó là điều rủi cho cả gia đình, nó có thể ám cả nhà ốm đau, bệnh tật mà chết... Chính vì thế nên sau khi biết bức tượng nhặt được là đồng đen, bố anh đã đem ra bờ sông Kỳ Cùng vứt.
Một thời gian ngắn sau, ông Bắc đi ra sông Kỳ Cùng bắt cá tiếp tục mò được một tượng đồng đen khác, nhưng ông đã vứt luôn và không đem về nhà.
Khi chúng tôi đang trò chuyện cùng anh Nguyên thì ông Lục Quốc Khanh, người dân làng Khỏn Sình bước vào tiếp chuyện: "Ngày còn trẻ bố nó (ông Bắc bố của anh Nguyên - PV) với mấy thằng bạn ra sông Kỳ Cùng tắm, khi vớt được tượng đồng đen còn chơi trò "mò tượng", tức là ném tượng đồng đen xuống sông, sau đó cả lũ thi nhau mò, ai mò được trước thì người ấy thắng. Tôi cũng là người được chứng kiến chuyện đó. Về sau trò nghịch dại này của lũ trẻ bị các cụ trong làng cấm đoán vì sợ bọn trẻ sẽ rước họa cho cả gia đình, dòng họ...".
Theo lời của nhiều người dân địa phương kể lại, cách đây khoảng 20 năm (1990), đã có vài người lạ mặt đến miếu Thổ Công đào bới. Địa điểm đào nằm ngay dưới gốc cây si và cây gạo để tìm cổ vật. Không rõ những người lạ mặt đó có đào được thứ gì hay không, nhưng chỉ sau hai đêm đào bới, nhóm người lạ mặt lững thững bỏ đi. Kể từ đó đến nay, xung quanh miếu Thổ Công đã diễn ra một số đợt đào bới lẻ tẻ do dân làng tự tổ chức để tìm kiếm đồ cổ nhưng không được. Tuy vậy, người dân vẫn hàng ngày canh giữ miếu để “kho báu” không lọt vào tay của những cánh thợ chuyên đào bới, săn lùng đồ cổ.
Một cửa địa đạo khai quật cổ vật ngay trước cửa miếu Thổ Công. |
"Kho vàng" của quân khăn vàng?
Ngôi miếu Thổ Công nằm sâu trong ngõ 5 Đường Phai Vệ, TP Lạng Sơn. Miếu nằm trên một gò đất cao, bằng phẳng cách sông Kỳ Cùng khoảng 100m và ngay sát khu dân cư.
Khi chúng tôi đến miếu Thổ Công để tìm hiểu thông tin. Những người dân làng Khỏn Sình không ngần ngại kể về một kho báu của quân khăn vàng thời Thái Bình Thiên Quốc chạy loạn xuống phương Nam.
Sỡ dĩ người dân biết được thông tin này là do trong làng có một gia đình giữ được cuốn gia phả của dòng họ. Trong cuốn gia phả đó có nói đến các địa điểm ở các tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn và Quảng Ninh chôn giấu vàng. Tuy nhiên, khối lượng vàng, bạc được chôn giấu nhiều hay ít thì cuốn gia phả không nói đến. Hiện nay không ai biết cuốn gia phả quí giá này do ai sở hữu, có điều, trước đây đã có nhiều người nhìn thấy cuốn gia phả, vì thế càng khiến cho người dân củng cố niềm tin rằng quanh miếu Thổ Công có "kho vàng" và ra sức bảo vệ.
Ông Lục Quốc Khanh cho biết: "Mấy chục năm nay, xung quanh miếu Thổ Công thường xuất hiện những nhóm dò tìm cổ vật. Có cánh thì đem theo chiếc máy dò hiện đại đến dò từng thước đất, đoàn này đi rồi đoàn khác lại đến khiến dân làng Khỏn Sình giận giữ".
Mặc dù cho rằng thần thổ công của làng Khỏn Sình rất linh thiêng nên sẽ ngăn cản kẻ xấu đột nhập vào “kho báu”, nhưng dân làng vẫn rất cảnh giác. Mỗi khi có đoàn người lạ mặt nào vác máy lảng vảng đến gần miếu Thổ Công người dân liền tập trung đến để xua đuổi.
(còn tiếp)
Cập nhật lúc 06:35 11/04/2013 (GMT+7)
"Miếu Thổ Công không phải là di tích cấp tỉnh, cũng không phải là di tích cấp Quốc gia. Từ xưa tới nay, việc xây dựng, chăm sóc và bảo vệ miếu đều do dân làng Khỏn Sình đóng góp công sức để làm. Năm 1990 người dân đã góp tài sản, tiền bạc để xây lại miếu cao ráo, sạch đẹp như hiện nay".
Ông Lục Ninh Hóong (người trông giữ miếu Thổ Công làng Khỏn Sình)
|
(Kienthuc.net.vn) - Từ trước Tết đến nay, người dân Khỏn Sình chưa nguôi giận trước việc một công ty bí mật đào một hố sâu hơn 5m để đánh cắp kho báu của làng.
Đã có người đào được vàng
Ông Lục Minh Hóong, người trông coi miếu Thổ Công kể lại: "Khoảng năm 1952 - 1953 có một người bộ đội đào được một chum vàng trong lúc đào hầm trú ẩn ở bờ sông Kỳ Cùng, ngay trước miếu Thổ Công. Khi đào được, anh bộ đội này đã không đem theo người mà đem cả chum vàng chôn lại gần một bụi tre để đánh dấu cho dễ nhớ. Sau đó ít lâu, đơn vị của người bộ đội được điều động vào miền Nam đánh Mỹ. Trước lúc hi sinh, người bộ đội này đã viết một bức thư về cho gia đình, trong thư anh đã vẽ sơ đồ nơi anh chôn chum vàng, dấu hiệu nhận biết... Khi hòa bình lập lại, gia đình của người chiến binh này đã tìm đến miếu Thổ Công và đào được chum vàng mà anh bộ đội chôn giấu".
Ngoài ông Hóong, ông Khanh cũng là người đã chứng kiến sự việc gia đình người bộ đội đào được vàng cách đây mấy chục năm. Ông Khanh bảo: "Lúc đó chúng tôi thấy trong chum có những vật trang sức bằng vàng như vòng tay, dây chuyền vàng... Ngoài vàng ra còn có cả những đồng tiền bằng bạc được để trong chum. Khi đào được chum vàng, gia đình người bộ đội đó đã đem cả chum vàng về mà không biếu lại cho làng tí của cải nào".
Mặc dù đã có người đào được một chum vàng, nhưng người dân làng Khỏn Sình tin rằng, đó chỉ là phần rơi vãi của kho báu xung quanh miếu Thổ Công và dân làng không ngừng bảo vệ, tìm kiếm kho báu suốt mấy chục năm ròng.
Bãi đất trồng cây của Công ty Phương Trưởng. |
Đào miếu, đánh cắp kho báu?
Khi tiếp xúc với chúng tôi, những người dân làng Khỏn Sình bày tỏ sự giận giữ trước việc Công ty Cổ phần Phương Trưởng đã đào một cái hố sâu chừng 5m bán kính khoảng 2m vào chân miếu Thổ Công.
Anh Trần Đức Nguyên, người dân làng Khỏn Sình dẫn chúng tôi đến cái hố mà nhiều người cho rằng, đó chính là nơi chứa cổ vật quý. Hố nằm ở vị trí phía dưới so với miếu Thổ Công, cạnh một bụi tre rậm rạp. Cửa hố cao bằng vai người, ăn sâu xuống lòng đất, hướng về phía miếu Thổ Công.
Được sự chỉ dẫn của anh Nguyên, chúng tôi tìm đường chui xuống dưới. Một bên sườn hố được đào những bậc thang để lên xuống được dễ dàng. Ở vị trí cách mặt đất khoảng 1m có một nhánh hầm nhỏ hướng ra phía sông Kỳ Cùng, đi sâu xuống vài mét nữa tiếp tục có một nhánh hầm khác sâu gần 2m chạy dọc theo bờ rào miếu Thổ Công, phía đáy của hố là một phiến đá lớn.
Theo người dân làng Khỏn Sình thì năm ngoái, Công ty Phương Trưởng đã thuê đất của người dân ở khu vực bãi bồi ven sông Kỳ Cùng đoạn xung quanh miếu Thổ Công để trồng cây. Đến tháng 11/2012, công ty này bắt đầu đem máy móc và công nhân đến để đào hố trồng cây. Tuy nhiên, việc trồng cây chỉ là phụ, còn đào cổ vật mới là chính. Sau khi đào xong cổ vật người của Công ty Phương Trưởng cũng "bặt vô âm tín" để lại bãi đất với vài cây trồng dở.
Anh Nguyên kể lại: "Lúc Công ty Phương Trưởng đến trồng cây người dân không có phản ứng gì cả. Nhưng rồi một số hành động của công ty này khiến dân làng nghi ngờ. Đó là việc công ty đã làm một cái lán tạm nép vào bụi tre cạnh miếu Thổ Công. Miếu được che đậy cực kỳ kín đáo bằng lưới thép B40, cọc cốp pha và bảo vệ cẩn mật cả ngày lẫn đêm. Người của công ty này nói lán dùng để xơ dừa với thuốc để bón cây nên rất độc hại vì thế không cho bất kỳ ai vào".
Mâu thuẫn giữa dân làng Khỏn Sình với Công ty Phương Trưởng ngày càng gay gắt khi người dân thấy xuất hiện 3 nhà sư đến miếu Thổ Công để cúng bái. Việc này khiến người dân càng trở nên tức giận vì đi ngược lại với truyền thống của làng từ xưa tới nay, vì thế dân làng đã xua đuổi đám thầy sư và không cho tổ chức cúng bái ở miếu Thổ Công.
Hố khai quật do Công ty Cổ phần Phương Trưởng đào. |
Phát hiện ra thì đã quá muộn?
Khi phát hiện Công ty Phương Trưởng cho người đào hố cạnh miếu Thổ Công thì người dân quá bức xúc. Dân làng cho rằng họ đang đào bới để đánh cắp kho báu của làng. Để ngăn cản, dân làng Khỏn Sình đã phá lán trại của Công ty Phương Trưởng, ngăn chặn việc đào bới, bảo vệ kho báu dưới miếu Thổ Công. Thế nhưng thực tế thì không ai biết Công ty Phương Trưởng đã đào bởi ở miếu Thổ Công chính xác vào thời gian nào và đã đào được gì chưa?
Theo anh Trần Đức Nguyên thì có lẽ Công ty Phương Trưởng đã đào hố khai quật từ khi mới bắt đầu triển khai việc trồng cây ở bãi đất thuê của người dân nằm trước cửa miếu Thổ Công, sát bờ sông Kỳ Cùng. Ban đầu công ty này dựng lán nép vào bụi tre sát với bờ rào miếu Thổ Công nên người dân tưởng đó là lán trại để bảo vệ tài sản. Ngay cả những hộ dân ở cách lán chỉ khoảng 10m cũng bất ngờ trước việc đào hố khai quật của Công ty Phương Trưởng. Thế nhưng, những hành động kỳ quặc là công ty trồng cây mà lại làm việc vào cả ban đêm đã khiến người dân nghi ngờ.
Nhiều người đã liên tưởng đến những sự việc diễn ra trước đó, đó là việc Công ty Phương Trưởng đã đem một loại máy mà nhiều người cho rằng đó là máy dò cổ vật, dò vàng đến miếu Thổ Công dò tìm. Chính vì thế người dân mới quyết định xua đuổi Công ty Phương Trưởng khỏi miếu Thổ Công.
Khi chúng tôi có mặt tại hiện trường thì thấy miệng hố được đào rất trơn tru, gọn gàng đến nỗi không một rổ đất nào bị rơi vãi ra miệng hố. Anh Nguyên phỏng đoán: "Rất có thể người của Công ty Phương Trưởng đã đào đất chôn xuống những hố trồng cây và vùi đất phù sa lại để ngụy trang, hoặc có thể đất được đổ xuống sông Kỳ Cùng để xóa dấu vết cho đến khi khai quật xong. Điều này chứng tỏ Công ty Phương Trưởng đã lên kế hoạch và có sự chuẩn bị rất kỹ càng từ trước đó nên mới hành động bất ngờ qua mặt hàng trăm người làng Khỏn Sình, đến khi người dân phát hiện ra thì đã quá muộn".
"Sở Văn hóa đã có quyết định cho Công ty Cổ phần Phương Trưởng khai quật khảo cổ khẩn cấp vì nghi là có cổ vật quý. Tuy nhiên, khi Sở ra quyết định đồng ý khai quật thì phía Công ty Phương Trưởng đã khai quật xong theo kiểu "tiền trảm hậu tấu". Chính Sở cũng không biết Công ty Phương Trưởng đã đào được những cổ vật gì, số lượng bao nhiêu...".
Bà Ấu Thị Nga Sơn (Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch
tỉnh Lạng Sơn)
|
Lợi Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét