Các Trang

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Tài tình nghệ thuật đóng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng

Giờ cập nhật: 11:09 05/04/2013 (GMT+7)
Các kết quả nghiên cứu trong vòng 25 năm, đặc biệt là từ năm 2009 đến nay đã đưa đến nhiều thông tin quý báu về di tích bãi cọc Bạch Đằng. 
Cùng với bãi cọc Yên Giang (TX Quảng Yên, Quảng Ninh), sự phát hiện thêm các bãi cọc mới ở cánh đồng Vạn Muối và cánh đồng Má Ngựa (xã Nam Hòa, Yên Hưng) cùng các dòng chảy cổ, cũng như địa hình, địa mạo chiến trường xưa đã cung cấp những bằng chứng có sức thuyết phục cao cho chiến lược và chiến thuật của danh tướng Trần Hưng Đạo. 

 Bãi cọc Bạch Đằng.

Tuy nhiên, các ý kiến về ý đồ chiến lược và diện mạo chiến trường vẫn mới chỉ là giả thiết. Nhân dịp kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng (ngày 8 tháng 3 ÂL năm 1288), hãy thử nhìn nhận lại chiến trường xưa, dựa trên việc phân tích các tư liệu khảo cổ học.


Nhận diện địa hình trận Bạch Đằng
Từ năm 1988, các cuộc khảo sát và nghiên cứu đã mang đến những hiểu biết cơ bản về địa hình, địa mạo và thủy văn vùng chiến trường Bạch Đằng. Đặc biệt, các kết quả khảo sát năm 2009 và khoan mẫu nghiên cứu địa chất năm 2011 của đoàn nghiên cứu quốc tế cũng nhận thấy khá rõ các đặc điểm địa mạo và sông ngòi ở khu vực Quảng Yên và đảo Hà Nam (huyện Yên Hưng). Kết hợp các tài liệu lịch sử, địa chất và khảo cổ học, cảnh quan vùng chiến trường xưa có thể thấy nó bao gồm một vùng rộng lớn từ núi U Bò đến ghềnh Cốc, dài chừng 5km, rộng chừng 2 - 4 km, tính từ bờ tây sông Bạch Đằng sang khu vực có các bãi cọc đồng Vạn Muối và đồng Má Ngựa ở đảo Hà Nam. Những dấu vết còn lại của sông Kênh trên các cánh đồng lúa hiện nay và dòng chảy cổ trong các hố đào và các mũi khoan chính là một phần của các dòng chảy đó. Như vậy, sông Bạch Đằng xưa là hết sức rộng lớn và hiểm trở. Khi nước triều lên, cảnh quan khu vực sóng nước mênh mông hùng vĩ xem kẽ các chỏm đá vôi cao vút đúng như Trương Hán Siêu - môn khách của Trần Hưng Đạo, mô tả trong "Bạch Đằng giang phú”: "Bát ngát sóng kình muôn dặm/ Thướt tha đuôi trĩ một màu/ Nước trời một sắc/ Phong cảnh ba thu”...

Những bãi cọc phát hiện được gần đây cho thấy Trần Hưng Đạo đã tận dụng tối đa địa hình tự nhiên này và tính toán để chặn được tất cả những lối thoát có thể theo các dòng chảy này, mà chốt chặn xa nhất hiện biết về phía nam là bãi cọc đồng Má Ngựa. 

Nghệ thuật đóng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng 

Việc khai quật và nghiên cứu các bãi cọc Bạch Đằng cho thấy: Ở di tích Yên Giang, hàng ngàn cọc đã được nhân dân phát hiện. Trong các hố khai quật, ít nhất 43 cọc đã được lấy lên. Nhiều cọc được bảo tồn trong hố trưng bày tại chỗ, một số cọc hiện nay còn nhìn thấy trong các hồ nuôi cá. Các nhà nghiên cứu nhận định bãi cọc đã xuất lộ có diện tích 115/120 x 20/25m (khoảng 3000 m2), chạy theo chiều đông bắc - tây nam. Phần lớn các cọc được cắm thẳng đứng vào lớp phù sa màu hồng, cách nhau chừng 1m. Khi nghiên cứu độ mớn nước của thuyền chiến Nguyên và quy luật thủy triều trên sông Bạch Đằng, các cọc ở khu vực khai quật được cho là để làm hẹp dòng sông và chặn thuyền quân Nguyên vào lúc nước triều cao nhất. Khi nước triều xuống thấp nhất, các cọc sâu hơn ở lòng sông có thể đã tham chiến, nhưng hiện nay đã mất hoặc chưa xác định được.

Việc khảo sát và khai quật khu di tích bãi cọc đồng Vạn Muối đã xác định phạm vi phân bố của các cọc hiện còn trong khu vực có chiều bắc - nam là hơn 150m và chiều đông - tây là hơn 40m (khoảng hơn 6000m2), phát triển về phía nam doi đất cao Đồng Cốc. Tuy nhiên, có thể nói rằng diện tích và số lượng cọc còn lại có khả năng lớn hơn nhiều, mà do mức nước sâu nên chúng ta khó có thể phát hiện hết bằng phương pháp khảo sát trên bề mặt. Sự phân bố của khu vực này có xu thế ăn lan ra phía nhánh sông Rút. Như vật, có khả năng nó được xây dựng nhằm thu hẹp dòng chảy này và tạo chướng ngại vật cho vùng bãi lầy trên đảo Hà Nam.

Kết quả khảo sát và khai quật di tích đồng Má Ngựa cộng với các dữ kiện hiện biết cho thấy bãi cọc còn lại có quy mô khoảng 70m theo chiều đông tây, 30m theo chiều bắc-nam (khoảng 2.100 m2). Kết quả khảo sát và khoan thăm dò cho thấy địa hình khu vực này gồm nhiều gò đá, là sự tiếp tục của ghềnh Cốc trên sông Bạch Đằng, xen lẫn với các dòng chảy lớn nhỏ.

Mặc dù các bãi cọc đều không còn nguyên vẹn, nhưng với các kết quả nghiên cứu mới nhất từ đồng Vạn Muối và đồng Má Ngựa, có thể thấy các bãi cọc được tổ chức rất khoa học và áp dụng nhiều kinh nghiệm trong nhân dân. Các cọc lớn (đường kính 20 - 30cm) thường được sử dụng ở khu vực có dòng chảy (lòng các sông nhánh nhỏ), cắm đứng vào lớp cát bùn đáy sông. Các cọc nhỏ hơn (phổ biến có đường kính 8 - 15cm) thường được đóng ven bờ, trong bãi triều, theo nhiều hướng khác nhau, nhưng thường là hướng ngược với dòng chảy. Các cọc ven bờ thường bố trí thành cụm, có hướng ngược nhau hoặc ken thêm cọc nhỏ dưới chân. Các cụm cọc được bố trí dích dắc (đồng Vạn Muối) hoặc tạo thành một dãy tường thành dày đặc (đồng Má Ngựa). 

Dấu tích một số mẩu gỗ nhỏ cho thấy có khả năng dây néo, chốt gỗ được sử dụng trong quá trình dộng lắc nơi nước sâu. Gỗ sử dụng gồm nhiều loại. Các cọc lớn đóng trong lòng sông có thể đã sử dụng gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu) như các nghiên cứu trước đây đã nhận định. Và cả 3 bãi cọc đã phát hiện đều cho thấy quy mô rất rộng lớn, có tính chất phòng thủ chiến lược cao, được bố trí ở những vị trí rất hiểm yếu, vừa có khả năng thu hẹp các dòng chảy, vừa phối hợp với các ghềnh đá tạo vật cản cho thuyền và gây khó khăn cho tác chiến trên bờ, trong trường hợp đổ bộ. Ngược lại, rõ ràng lối bố trí dích dắc và tạo thành rào cản ở một số vị trí có tác dụng hỗ trợ các thuyền nhỏ và quân bộ của Đại Việt.  

Với một trận địa được bố trí tài tình như vậy, nhà Trần đã tính toán rất chính xác để đón lõng được thuyền quân Nguyên. Chúng hoặc sẽ phải chen chúc vào khu vực giữa dòng sông đã bị thu hẹp và vướng các ghềnh đá hoặc bị đẩy vào những cái bẫy đã đặt ra.

Cho đến nay, ngoài các truyền thuyết và di tích hiện còn, nhiều dấu vết của trận chiến đã hé lộ từ những kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ học ở khu vực Yên Giang, trên đảo Hà Nam và trong phạm vi rộng hơn của chiến trường. Những dấu tích này chứng thực và làm rõ hơn những gì đã được ghi chép và còn lưu lại trong trí nhớ của nhân dân. 

PGS.TS Tống Trung Tín - TS Lê Thị Liên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét