Ngày đăng : 14:56 07/08/2013 (GMT+7)
Hết chìm trong biển lũ, lại bị mưa bom bão đạn cày xới, thế nhưng trên mảnh đất Phú Kinh đã và đang lưu giữ một báu vật có một không hai.
Bản Khoán ước cổ nhất này, là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử đã qua của dân tộc. Từng được coi là kim chỉ nam cho người dân Phú Kinh, biết sống với những lệ làng và duy trì, gìn giữ nó.
Bảo vật biết “tránh” mưa bom, bão đạn?!
Tương truyền, những người đầu tiên "cắm đất lập nhà" - tạo cơ sở cho sự ra đời của làng là dòng họ Trần. Tuy nhiên, nơi đây thời tiết vốn khắc nghiệt, thiên tai quanh năm nên buộc dòng họ Trần này phải rời đi, tìm nơi khác lập nghiệp. Sau đó, các dòng họ Lê, Nguyễn, Cái, Dương, Phạm, Hồ, Hoàng, Mai và hai họ Phan bắt đầu đến đây quy tụ, mở mang đồn điền, dựng xóm lập làng. Và để tưởng nhớ công lao của họ Trần, dân làng đã dựng miếu phụng thờ và suy tôn là họ khai căn của làng.
Các bậc cao niên diễn giải về nội dung bản khoán ước của Làng. |
Qua bao biến động của lịch sử, người dân Phú Kinh vẫn giữ được nét văn hoá làng xã rất đặc trưng của làng quê Việt. Đó là do sự đóng góp không nhỏ của bản Khoán ước - báu vật lịch sử, kim chỉ nam cho người dân Phú Kinh... Các bậc cao niên trong làng kể lại: Bản Khoán ước làng Phú Kinh do tập thể viên chức, hương lão của làng soạn thảo vào thượng tuần tháng 6 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng, và được khắc bằng chữ Hán trên một tấm gỗ lim dài 2,4m. Khoán ước Phú Kinh được cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa thông tin) công nhận là một trong 10 bảo vật quốc gia quý hiếm của tỉnh Quảng Trị.
Theo ông Lê Đình Huy (nguyên chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi làng Phú Kinh) cho biết: "Từ kháng chiến chống Pháp đến trước năm 1986, người làng đã thấy tấm gỗ lim khắc đầy chữ Hán - Nôm, nhưng không ai biết nó ghi chép gì. Tuy nhiên, như có một mối lương duyên đã được định trước thế nên bao thế hệ dân làng đều rỉ tai nhau để ra sức cất giữ nó". Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, bản Khoán ước được đặt ở vị trí trung tâm, trang trọng nhất của miếu khai căn. Trong chiến tranh, tất cả đình chùa miếu mạo trong làng gần như bị cày nát, mạng người giữ đã khó huống hồ một "tấm gỗ vô tri vô giác".
Mãi đến sau giải phóng, khi tìm về lại nơi "chôn rau cắt rốn", người dân Phú Kinh vô tình đào được "tấm gỗ khắc văn tự cổ" ẩn dưới lớp đất đá trên nền ngôi đình cũ. Chừng ấy năm giữa mưa bom bão đạn, mọi thứ đều vỡ vụn, duy chỉ có bản Khoán ước vẫn nằm đó "ung dung", thân hình loang lổ những vết đạn, nhưng từng chữ khắc trên Khoán ước vẫn không hề suy chuyển.
Trước điều kỳ lạ này, người dân Phú Kinh cho là tổ tiên muốn giữ lại bảo vật của làng nên càng quyết tâm bảo vệ bản Khoán ước cẩn thận hơn. Họ xây dựng lại miếu khai căn và để Khoán ước ở đây, vào mùa lũ, họ gác bản Khoán ước lên dàn đòn tay của miếu để tránh nước lũ cuốn đi mất. Dù cẩn thận là thế, nhưng một số năm nước lũ dâng cao quá, bản Khoán ước vẫn bị "dìm" trong biển lũ...
Bản khoán ước loang lổ vết đạn. |
Tâm nguyện của người trông coi “di sản” của tiền nhân
Đọc bản Khoán ước của làng Phú Kinh do các nhà nghiên cứu của Khoa Sử (Đại học Khoa học Huế) dịch thuật, những người dân trong làng không khỏi ngạc nhiên và tự hào: "Chúng tôi không dám tin, ở cái vùng lầy, nước độc như Phú Kinh, lại có những con người rất thông minh, học cao hiểu rộng đến như thế. Thật không thể coi thường quy định mà ở thời đó người ta vẫn coi là "lệ làng". Bởi nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay" - ông Huy chia sẻ. Nội dung bản Khoán ước bao gồm nhiều điều khoản, đề cập đến nhiều mặt đời sống của làng quê Phú Kinh thuở đó.
Sửng sốt những “quy định pháp luật” của người xưa
Bản Khoán ước đề cập đến hai nội dung quan trọng nhất, một là: Phân chia một phần ruộng đất công dưới hình thức "vĩnh nghiệp" nhằm mục đích khuyến nông và đảm bảo đời sống cho mọi người dân trong làng, đặc biệt là chú trọng đến các đối tượng "mẹ goá con côi" hay "già cả, tật nguyền". Qua đó tạo ra sự dân chủ đồng thời quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng, giữ gìn làng xóm. Hai là, quy định những điều khoản để giáo dục cộng đồng: Khuyên người dân không được buôn gian bán lận hay theo đòi những kẻ chuyên tụ tập cờ bạc, rượu chè say sưa, lãng quên việc học hỏi để nâng cao nghề nghiệp căn bản của mình và mang lại tiếng xấu cho làng. Trong mối quan hệ ứng xử xã hội phải luôn biết đoàn kết, thuận hoà, kính trên nhường dưới, biết giữ thân mình trong sạch, không làm những điều chỉ có lợi nhưng lại hại đến người.
Khoán ước làng Phú Kinh là một "báu vật" của làng, là sản phẩm tinh thần thể hiện đầy đủ nhất một thực tế là đời sống làng quê Phú Kinh lúc đó đã khá phát triển về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trong suốt thời gian biến động, thăng trầm của lịch sử, làng Phú Kinh vẫn nề nếp và duy trì được những phong tục tập quán vốn có, vừa theo đúng khuôn mẫu, tư tưởng của chỉnh thể đương thời đó là nhờ bản Khoán ước. Sự ra đời của bản Khoán ước như một bản "cương lĩnh" để dân làng theo đó "tu thân, tề gia".
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Yêm (75 tuổi), là người được dân làng Phú Kinh tín nhiệm giao trọng trách giữ bản Khoán ước. "Tôi giữ Khoán ước của làng kiêm miếu khai căn được 15 năm rồi, nhiệm vụ của tôi là lau chùi, quét dọn và ngày rằm, ba mươi, mồng một đến thắp hương".
Khi được hỏi về sự quan tâm của xã, huyện thì ông chia sẻ: "Khi nào có báo, đài hay tỉnh về thăm thì mới thấy họ xuống, còn lại thì nó vẫn nằm im ỉm ở đó thôi". Hơn 15 năm làm công việc thầm lặng, không lương bổng, trợ cấp, nhưng ông Yêm vẫn vui vẻ khi được hỏi về công việc này: "Đây là báu vật của làng, được dân làng tin tưởng, giao trách nhiệm này tôi cảm thấy tự hào lắm, đến khi nào không còn sức lực nữa thì tôi mới thôi công việc này".
Và không riêng gì ông Yêm, ý thức đối với việc giữ gìn bản Khoán ước tồn tại trong mỗi người dân Phú Kinh. Cách đây hơn 10 năm, Bảo tàng Quảng Trị đã từng xuống tận làng "thương lượng" với mục đích có cho được món báu vật này. Họ đưa ra "cái giá" là xây cho làng một trường mẫu giáo hai tầng - một cái giá vô cùng lớn trong thời điểm đó đối với một ngôi làng nghèo. Tuy nhiên, cuộc "thương lượng" đã không thành công. Dân làng Phú Kinh đã cùng nhau họp lại bàn bạc và đi tới quyết định: Nhất quyết phải giữ lại bản Khoán ước. Từ đó đến nay, dân làng dựng bản Khoán ước lên, nhưng chôn sâu dưới nền đất 20cm, để tránh bị bọn săn cổ vật trộm mất.
Kỳ công “giải mật” bản Khoán ước
Đến năm 1986, trong một đợt khảo sát điền dã của đoàn Khoa Sử,
đại học Tổng hợp Huế (nay là trường đại học Khoa học Huế), các
nhà nghiên cứu mới phát hiện và tiến hành dịch thuật bản Khoán ước.
Nhưng năm lần bảy lượt các nhà nghiên cứu về làng tiến hành dịch
đều không thành do bản Khoán ước phức hợp cả chữ Hán lẫn
chữ Nôm. Phải đến khi nhóm điền dã sao chụp nội dung văn tự
trên bản Khoán ước đưa vào Huế, để có thời gian nghiên cứu thêm
thì bí mật trên Khoán ước mới được hé lộ. Đúng như những gì người
dân Phú Kinh tiên đoán, nội dung bản Khoán ước gần như là một
cuốn "biên niên sử" của làng.
Theo Người Đưa Tin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét