Các Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

Hành Trình Tâm Linh - Phần II: Các giai đoạn của hành trình tâm linh


PHẦN II

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Đời sống tâm linh được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, cho nên bất ngờ là một trong những yếu tố quyết định của đời sống này.

Tuy nhiên, đã từ lâu, người ta nhận ra rằng vẫn có những điểm chuyển tiếp phải trải qua cũng như một số nét chung trong phần lớn các kinh nghiệm của đời sống tâm linh.

Người ta đã tổng hợp hành trình tâm linh xoay quanh 3 giai đoạn chính: giai đoạn của những người mới bắt đầu, giai đoạn của những người đang thăng tiến, giai đoạn của những người đang sống một cuộc sống hợp nhất với Thiên Chúa một cách trọn vẹn.

Bên trong 3 vùng này, người ta có thể xác định một số cấp độ khác nhau.

Những trình bày sau đây dựa trên tác phẩm “Lâu đài nội tâm” của thánh nữ Teresa Avila.

***

CHƯƠNG 3: NHỮNG BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA ĐỜI SỐNG TÂM LINH

- Trước tiên, cần nhắc lại rằng sự phân biệt giữa 3 giai đoạn không được hiểu một cách quá tách biệt cứng nhắc, vì trong một vài trường hợp đặc biệt, Thiên Chúa có thể nâng một linh hồn từ tình trạng tội lỗi lên trình trạng thánh thiện rất cao mà không phải trải qua những chuyển biến rõ rệt.

- Sự phân biệt ở đây là nhằm mô tả những khía cạnh nổi bật trong đời sống tâm linh vào giai đoạn này hay giai đoạn khác dưới những dạng thức mạnh mẽ và liên tục thôi.

- Cũng cần đề phòng đừng phán xét mình hay những người khác.

- Đức khiêm nhượng và lòng thanh khiết là những điều cần thiết để đón nhận điều mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

1. Những nơi Cư trú (Cư sở, Trú sở) Đầu tiên: trước cánh cửa của đời sống tâm linh.

Trong tác phẩm “Lâu đài nội tâm” hoặc “Những nơi Cư trú”, thánh nữ Teresa Avila so sánh linh hồn với một lâu đài kỳ diệu, là nhà của Vua muôn vua. Chúng ta được mời tiến dần vào lâu đài này.

1.1. Sự nguy hiểm của đời sống tội lỗi.

- Những nơi Cư trú Đầu tiên liên quan đến những người chưa thật sự bắt đầu đời sống tâm linh, chưa lựa chọn một cách ý thức để tiến lên phía Chúa. Trước hết là những người hoàn toàn xa rời đời sống tâm linh vì họ bị tội lỗi nhốt chặt trong tình trạng khước từ Thiên Chúa.

- Ở đầu tác phẩm “Lâu đài nội tâm”, thánh nữ Teresa Avila nói về những linh hồn cứ đi quanh quẩn ngoài lâu đài. Họ không cầu nguyện với Chúa một cách riêng tư, họ đầy tội lỗi. Họ chìm ngập trong thế gian, ngụp lặn trong khoái lạc, bị say đắm bởi hư danh và tự phụ. Họ bị “tê liệt” hoặc “xơ cứng”, họ như sống giữa đám nhiễu loạn.

- Thật ra, họ đang sống cho chính mình. Dù ý thức hay không, họ đã chọn hoặc là không tin vào Thiên Chúa, hoặc là sống như không có Chúa, hoặc là chỉ dành cho Chúa một chỗ thứ yếu trong cuộc sống thôi. Với họ, trung tâm thế giới là chính cái tôi của họ! Và có rất nhiều người chọn lối sống này.

- Các khái niệm trao ban, quảng đại, từ bỏ, hy sinh, cố gắng, tiến đến với Chúa và với tha nhân, tha thứ, đều như bị xóa bỏ hoặc bị tương đối hóa hoàn toàn.

- Tuy nhiên, vì được dựng nên cho Chúa, nên tôi có khả năng nội tâm rất lớn, và cái tôi của tôi không thể lấp đầy nó lâu dài được. Tôi sẽ sớm chán nản với chính mình và tìm cách lấp đầy đời mình bằng danh tiếng, tiền bạc, tính dục hoặc tìm quên trong rượu bia và ma túy v.v...

- Tôi có thể trượt dần từ những tội vụn vặt đến những tội do thói quen và cuối cùng là những tội nặng và thường xuyên.

- Thế mà, nếu tôi không đến với Chúa và tha nhân, thì không những tôi không chữa được thương tích của mình mà tôi còn đi đến chỗ hành động theo những thương tích ấy nữa. Tôi trở nên nguy hiểm. Ta có thể thấy rất rõ điều này trong lãnh vực bạo lực hoặc những biến thái tính dục: tôi làm lại những gì đã đụng chạm đến tôi. Cuối cùng, tôi bị nhốt chặt trong một vòng tròn quái ác, một “cấu trúc tội lỗi” riêng tư hoặc tập thể.

- Các thần dữ rất vui mừng và chúng trói chặt những người đang ở trong tình huống này.      

1.2. Đời sống hâm hẩm không nóng không lạnh.

- May thay, không phải tất cả mọi người đều ở trong tình trạng trên đây. Thế nhưng, có nhiều người, dù không hoàn toàn đoạn tuyệt với Thiên Chúa, cũng không thật sự chọn tiến về với Ngài.  Họ sống hâm hẩm, không nóng mà cũng chẳng lạnh. Theo cách nói của thánh Gioan thì họ bị xâu xé giữa các giá trị của “thế gian” và tiếng gọi của Thiên Chúa.

- Thế mà, nhờ bí tích Rửa tội, ta đã tiến vào đời sống tâm linh rồi. Bí tích này ban đức tin cho ta khị ta còn bé. Tiếp theo đó, ta phải phát triển ơn này nhờ sự giáo dục Kitô giáo, nhờ kinh nguyện và các bí tích. Rồi đến một ngày, dù sớm hay muộn, ta tự đặt ra cho mình câu hỏi về một lựa chọn căn bản: “Tôi sẽ xây dựng đời mình dựa trên điều gì?”

- Như vậy, dựa trên điều mà ta đã nhận được lúc còn nhỏ, ta có thể quyết định xem Chúa như hữu thể cốt yếu và hàng đầu của đời mình, và quyết định tiến bước về phía Ngài. Có nhiều tâm hồn lên đường theo cách này.

- Nhưng than ôi, không phải mọi người đều lựa chọn như thế, hoặc là vì họ thích ở lại trong lối sống tầm thường, hoặc là họ hoàn toàn không biết đời sống Kitô hữu là như thế nào cả.

- Quả thật có những Kitô hữu mà đời sống tâm linh rất tầm thường. Họ cầu nguyện rất ít hoặc hầu như không cầu nguyện gì hết. Họ nói rằng: “Tôi nào có giết người, nào có trộm cắp”. Họ tự bằng lòng với hành động thấp lè tè sát mặt đất. Họ không hiểu được những người muốn đi xa hơn và họ chỉ trích những người này. Có những cuộc đời không vắng bóng Thiên Chúa nhưng lại nặng nề, không mở ra những chân trời rộng lớn, không có những niềm vui dạt dào trong mối tương quan với Thiên Chúa. Người ta tin Chúa, nhưng họ trì trệ vì họ không hiểu rằng, ngay từ trần thế này, ngay từ bây giờ đây, Thiên Chúa hiện diện và Ngài đang sống trong cuộc đời họ. Họ luôn giữ khoảng cách. Tình trạng hâm hẩm này thật khủng khiếp, vì nó làm tổn thương nặng nề Trái Tim của Thiên Chúa và ngăn cản mọi sự triển nở về mặt thiêng liêng.

- Đối với những người không được rửa tội từ nhỏ hoặc không được giáo dục theo tinh thần Kitô giáo thì vấn đề càng khó khăn hơn, vì họ có ít khoảng cách với “thế gian” hơn và họ thường lập tức quy chiếu về hệ thống giá trị vốn có của mình hơn. Những người trở lại gặp Chúa thường nói rằng: “Người ta không bao giờ nói với tôi về Chúa” hoặc “Người ta không bao giờ nói cho chúng tôi biết Chúa thật sự là Đấng nào”. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của việc loan báo Tin Mừng, không phải để thuyết phục người khác, nhưng là để giới thiệu ánh sáng cho những ai có thể muốn đón nhận nó.

1.3. Các vùng hiện hữu và những nơi Cư trú Đầu tiên.

- Trong giai đoạn đầu tiên của đời sống tâm linh, luôn luôn có sự mất quân bình ít nhiều giữa các vùng khác nhau của con người chúng ta. Thông thường thì vùng thể xác phình ra quá đáng. Và điều này rất dễ nhận ra. Có khi vùng cảm tính trở nên thống trị, nó có thể cô lập thực tại và dẫn đến ảo tưởng. Cũng có khi vùng trí khôn nắm quyền làm chủ. Trường hợp này tinh tế hơn, nhưng lại hay xảy ra mà ta không ngờ tới. Toàn thể thế giới được lượng định theo những khả năng của trí khôn tôi, những khả năng mà tôi tự đánh giá rất cao và tuyệt đối hóa chúng.

- Đằng sau tất cả điều đó ẩn giấu những thiếu thốn sâu xa, những khát khao hiểu biết, khát khao tình yêu, các phản ứng đối với các thương tích. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn vì khi một vùng làm chủ thì nó không còn tương thông tốt với các vùng khác và không chuyển giao những thông tin mà các vùng khác cần. Lúc ấy các vùng này mất đi một phần khả năng của chúng. Và trên hết là cái “tôi sâu xa” bị gạt ra rìa. Tôi xoay mòng mòng quanh tôi mà không bao giờ trở nên chính tôi được, vì thật sự chỉ nhờ tiếp xúc với Thiên Chúa mà tôi tìm được bản thân và thực hiện được chính tôi.

- Như vậy, khi một điều gì đó của “bản ngã” hoặc cái “tôi sâu xa” bắt đầu hoạt động thì dần dần tất cả các vùng của con người sẽ được chạm đến và sẽ được đặt lại vào đúng chỗ của chúng.

1.4. Khởi sự bước về phía Chúa.

- Thiên Chúa vắng mặt chăng? Không. Ngay cả trong giai đoạn này của cuộc đời, Ngài vẫn hoạt động rất nhiều mà ta không ngờ tới. Trước tiên, Ngài che chở người ấy và thường giúp người ấy tránh được điều tệ hại nhất. Kế đó, Ngài thúc đẩy một cách bí nhiệm các tâm hồn để họ cầu nguyện cho những người tội lỗi và hiến dâng vì những người này.

- Một ngày nào đó, cuối cùng rồi ta cũng ý thức về tình trạng của mình và muốn thoát ra khỏi đó. Ta biết rằng Thiên Chúa ở đàng kia và Ngài chờ đợi ta. Bấy giờ, dù nhanh hay chậm, dù chóng vánh hay nặng nề, ta bắt đầu cất bước.

- Để tiến lên, điều quan trọng nhất là phải có lòng khát khao. Ta phải có ý chí muốn tiến lên, muốn đi về phía ánh sáng, muốn cử động.
- Ta bắt đầu nói với Chúa, nghĩa là bắt đầu cầu nguyện. Ta nghi ngờ không biết Chúa có nghe ta nói hay không. Ta dần dần có các bằng chứng về việc đối thoại này. Và thế là khả năng tương thông xuất hiện. Ta cũng bắt đầu nhận ra rằng cuộc sống của ta đang lộn xộn mất trật tự: ta nhận diện được một số trở ngại chính. Ta mong ước dẹp được những trở ngại đó và ta bắt đầu làm điều này. Ta khởi sự bước đi. Nếu ta vững bước trên con đường này thì mọi hy vọng đều có thể xảy ra.

LỜI CẦU NGUYỆN XIN ƠN CAN ĐẢM

“Ngay cả trong vực thẳm, con đã yêu Ngài da diết”

Ôi lạy Đấng Chân Lý! Ánh sáng của lòng con! Con để cho các vực sâu âm u nuốt chửng lấy con và mắt con mờ tối. Nhưng ngay cả khi ở tận đáy sâu của vực thẳm này, vâng, ngay từ đáy sâu này, con đã yêu Ngài da diết. Ngay chính khi con đang lầm lạc, con đã nhớ đến Ngài. Con đã nghe tiếng Ngài, đàng sau con, luôn kêu gọi con trở về, nhưng con không nghe rõ tiếng Ngài vì những đam mê khôn nguôi của con gây ồn ào náo động. Và giờ đây, khi con đang bơi lội hết hơi, con trở lại nơi các nguồn nước ban sự sống của Ngài. Chớ có ai gạt con ra khỏi đó! Con sẽ uống nơi các nguồn ấy và nhờ vậy mà con sẽ được sống.

Thánh Augustinô (354-430)

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét