5.3. Tiến vào trong gia đình của Chúa:
Những nơi Cư trú thứ Sáu và thứ Bảy
5.3.1. Trao đổi con tim
Trong cuộc đời của một số vị thánh có
xảy ra một hiện tượng rất đẹp là sự trao đổi con tim. Chúa Kitô lấy trái tim của
vị thánh nam hoặc thánh nữ, và trao cho vị ấy chính Trái Tim của Ngài. Kể từ
lúc ấy, sự hợp nhất giữa Chúa và vị thánh được trọn vẹn và chính những tâm tình
của Trái Tim Chúa Giêsu đối với Cha Ngài, trong Chúa Thánh Thần, và đối với con
người, xâm chiếm con tim của vị thánh này.
Có một cái gì đó được trao ban, dưới
hình thức này hoặc hình thức khác, cho những ai mà Chúa kêu gọi trong con đường
tình yêu triệt để. Hôn nhân là một sự giao tiếp và là một sự hiệp thông phải được
hoàn tất giữa người này với người kia: “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một
thôi”, dường như cùng một con tim vẫn đập trong lồng ngực của cả hai hữu thể, với
một sự hợp nhất hoàn toàn về các ước muốn, cảm tình và suy nghĩ. Đối với tôi,
“hôn phối huyền nhiệm” dường như là ở cấp độ ấy: một sự hợp nhất của trái tim
Chúa Giêsu với từng người chúng ta, làm cho chúng ta đi vào trong chính Trái
Tim của sự sống gia đình Ba Ngôi. Cha Vallée đã từng nói: “Nguyện xin Chúa
Thánh Thần đem chúng ta đến với Ngôi Lời, nguyện xin Ngôi Lời dẫn dắt chúng ta
đến với Chúa Cha, và nguyện xin cho chúng ta được hoàn toàn nên Một, đích thực
như sự nên Một của Đức Kitô.”
Theo ý tôi, chính trong viễn cảnh này
mà ta phải hiểu các thành ngữ “đính hôn” hoặc “hôn phối” thiêng liêng. Chúng muốn
nói lên một điều gì đó của một đời sống gia đình đang được thiết lập dần dần,
trong một mối thâm tình khó tin và hết sức giản dị, vượt rất xa bất cứ hiện tượng
thần bí nào.
5.3.2. Sống với “Ba Ngôi”
Thật ra, trong các giai đoạn trước
đây, tôi dâng mình cho Chúa và Ngài nhận lấy tôi dần dần. Nhưng, nếu tôi thuộc
trọn về Chúa thì sự qua lại hỗ tương là có thật. Nếu Thiên Chúa là tất cả đối với
tôi, nếu tôi thuộc về Ngài, thì Ngài cũng thuộc về tôi. Bấy giờ Ngài đưa tôi
vào trong gia đình của Ngài. Và tôi nghĩ rằng có thể đó chính là nơi mà câu định
nghĩa hay nhất về việc chiêm ngắm được thể hiện: giờ đây, tôi là thành viên của
gia đình, tôi “vào” trong đời sống của Ba Ngôi và tôi biết rất rõ điều này. “Ba
Ngôi” thuộc về tôi cũng như tôi thuộc về các Ngài, các Ngài sống trong tôi,
nhưng tôi sống trong các Ngài, các Ngài sở hữu tôi, nhưng tôi cũng sở hữu các
Ngài, tôi phục vụ các Ngài, nhưng các Ngài yêu thương tôi đủ để ban cho tôi sự
phú quý của các Ngài. Chúng tôi ở trong một trạng thái thân thuộc. Sự tương
quan không còn chỉ là lòng tôn kính và tình yêu mến, nhưng tình yêu này còn trở
nên tử tế nữa. Ta hiểu sự thân tình của một số vị thánh đối với Chúa, như thánh
nữ Catarina Sienna từng nói “Con muốn!” với cả sức mạnh của mình khi ngài muốn
đạt được một điều gì quan trọng. Thiên Chúa không phật ý về điều đó, vì nó vẫn
xảy ra như trong vòng một gia đình. Điều đó giống như giờ đây tôi sống, một
cách hơi ý thức (dĩ nhiên là không tuyệt đối hoàn hảo), ngay trong những tương
quan của Ba Ngôi với nhau. Đó là toàn bộ lời giảng dạy của chân phước Êlisabet
Chúa Ba Ngôi. Ta có thể nghĩ rằng vậy quả là hết sức điên rồ, tuy nhiên sự thể
là như thế! Vả lại, điều ấy lại hợp lý về mặt thần học: chúng ta sẽ sống trên
Trời theo cách đó. Không phải lý thuyết này làm ta ngạc nhiên, mà việc nó đã khởi
sự ngay trên mặt đất này khiến ta ngỡ ngàng. Vì dĩ nhiên đây chỉ mới là một khởi
đầu nho nhỏ thôi. Chúng ta chỉ mới ở đầu một bước đường sẽ được hiển lộ ở bên
kia thế giới mà thôi.
Một vài ngày trước khi qua đời, chân
phước Êlisabet Chúa Ba Ngôi, một nữ tu dòng Camêlô ở Dijon, đã viết rằng: “Ở
trên kia, trong tổ ấm tình yêu, em sẽ tích cực nghĩ về các chị. Em sẽ cầu xin
cho các chị - và đó sẽ là dấu chỉ em đã được về thiên đàng – một ơn hợp nhất,
thân tình với Thầy. Em xin thổ lộ với các chị rằng đó là điều đã làm cho cuộc đời
em trở nên một một thiên đàng được ban trước: tin rằng một Đấng có tên là Tình
Yêu cư ngụ trong chúng ta mọi thời khắc ngày đêm và Ngài yêu cầu chúng ta chung
sống với Ngài.” Chân phước cũng nói: Chính Thầy của em giải thích cho em biết ước
vọng này, Thầy của em muốn cư ngụ trong em cùng với Chúa Cha và Thánh Thần tình
yêu của Ngài để, theo cách diễn tả của người môn đệ dấu yêu, em “chung sống” với
các Ngài. Thánh Phaolô nói: “Anh chị em không còn là khách lạ, mà là Người Nhà
của Thiên Chúa”. Em hiểu như thế này về Người Nhà của Thiên Chúa: đó là sống
trong cung lòng yên tĩnh của Ba Ngôi, trong chốn thẳm sâu của nội tâm em, trong
thành trì không thể bị cướp đoạt của sự hồi tâm thánh thiện mà thánh Gioan
Thánh Giá đã từng nói.”
Trong cùng một viễn tượng, chân phước
đã nhận được từ Chúa hồng ân để viết lên vào ngày 21 tháng mười hai 1904 lời
kinh tuyệt diệu này mà, đối với riêng chị, là một khảo luận thần học thiêng
liêng và là một trong những bản mô tả đẹp nhất về sự hợp nhất trong gia đình của
một linh hồn với Thiên Chúa của mình:
Ôi,
Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, con thờ lạy Chúa, xin Chúa giúp con quên hẳn mình đi, để
con được sống trong Chúa một cách yên hàn bền vững như thể linh hồn con đã ở
trong cõi đời đời.
Lạy
Chúa là Đấng không hề đổi thay, xin Chúa chớ để cho sự gì làm mất bình an trong
con hoặc làm con ra khỏi Chúa, song xin Chúa đưa con vào sâu mãi trong mầu nhiệm
vô biên của Chúa!
Xin
Chúa an định linh hồn con, làm cho nó trở nên Thiên đàng của Chúa, nên chốn yêu
đương để Chúa nghỉ ngơi. Và ở đó, ước gì con không bao giờ bỏ Chúa cô độc một
mình, trái lại con sẽ lấy đức tin mà đem tất cả tâm hồn con vào đó để thờ lạy
Chúa, để hiến toàn thân con cho Chúa.
Ôi
lạy Chúa Giêsu yêu mến, đã chịu đóng đinh vì yêu, con muốn nên bạn tình của
lòng Chúa, con muốn làm vinh hiển Chúa, con muốn yêu Chúa... yêu đến chết vì
yêu! Nhưng con yến hèn, xin Chúa mặc cho con chính Chúa, đồng hoá linh hồn con
với mọi chuyển động của linh hồn Chúa, che phủ con đi, chiếm đoạt con đi, thay
thế con bằng Chúa, để cho đời con thành một tia sáng của đời Chúa. Xin Chúa hãy
đến trong con như Đấng Phụng thờ, Đấng Sửa chữa và Đấng Cứu độ.
Ôi
lạy Ngôi Lời vĩnh cửu, là Lời hằng sống của Đức Chúa Cha, con muốn để cả đời sống
con để nghe lời Chúa, con muốn hết sức ngoan ngoãn để nghe lời Chúa, để được học
biết mọi sự bởi Chúa. Từ đây, trong mọi đêm tối, trong mọi trống rỗng, trong mọi
bất lực, con hằng nhìn thẳng vào Chúa và sống đưới ánh sáng huy hoàng của Chúa.
Hỡi mặt trời yêu mến, hãy mê hoặc con đi để con không còn có thể rời khỏi tia
sáng của Chúa.
Ôi
Lửa thiêu hoá ! Ôi Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự xuống lòng con để thực hiện
trong linh hồn con một cuộc nhập thể của Ngôi Lời. Hãy làm cho con trở nên một
thân xác của Chúa Giêsu, để Ngựời tiếp diễn ở đó mầu nhiệm của Người.
Lạy
Đức Chúa Cha, xin đoái nhìn đứa con hèn mọn của Cha, xin Cha chỉ nhìn xem trong
con chính Con Một yêu dấu của Cha là nguồn vui thoả của lòng Cha.
Lạy
Ba Ngôi Cực Thánh là Mọi Sự của con, là Hạnh Phúc của con, Chúa là sự Lặng Lẽ
Vô Cùng, là sự Mênh Mông vô hạn, con dìm mình vào lòng Chúa, con phó mình cho
Chúa như mồi ngon, xin Chúa hãy ẩn mình trong con để con được ẩn mình trong
Chúa mà chờ đợi ngày về chiêm ngưỡng những cao cả vô cùng của Chúa trong ánh
sáng huy hoàng của Chúa.
Dựa
theo nguồn: https://www.elisabeth-dijon.org/fr/t-z/vietnamien.html
5.4. Từ bỏ “con người cũ”
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến
việc “con người cũ” phải chết đi để mặc lấy con người mới. Con người mới là con
người sống trong Chúa Ba Ngôi. Nhưng làm sao để từ bỏ con người cũ để sống theo
một lối khác? Làm sao quay mình sang một hướng khác? Hoặc hơn nữa, làm sao để lặn
sâu xuống đáy hồn mình?
5.4.1. Các chướng ngại cản trở ơn Chúa
Ai được mời gọi sống với Chúa Ba Ngôi
cũng như chiêm ngưỡng Thiên Chúa ngay từ cõi thế trần này? Thưa: Mỗi người
trong chúng ta. Sự thánh thiện chính là đời sống với Chúa Ba Ngôi. Công đồng
Vatican II xác quyết với trọn vẹn năng quyền của mình rằng mỗi một Kitô hữu, nhờ
bí tích Thánh Tẩy, được mời gọi nên thánh. Tất cả những gì chúng ta vừa viết ra
không ngoài việc phát triển đời sống trong bí tích này. Hãy nhắc lại rằng sự
thánh thiện này, tôi nói rằng ngay cả sự chiêm ngưỡng này, thì vượt ra ngoài điều
mà ta cảm thấy và nhất là vượt ra ngoài điều mà ta diễn tả.
Tuy nhiên, rất nhiều người không bao
giờ đạt tới đời sống chiêm niệm này. Điều đó có thật ngay cả trong các đan viện,
dù đó là nơi người ta gia nhập để chuyên làm việc này mà thôi. Chính thánh
Gioan Thánh Giá đã khẳng định điều này. Ta có thể là một Kitô hữu tốt lành, một
tu sỹ chính cống và năng động, nhưng không đi xa hơn nữa. Tại sao? Joseph de
Guibert, là nhà thần học tầm cỡ thuộc dòng Tên, từng viết rằng: “Yêu mến Chúa,
tán tụng Ngài (bằng cách chu toàn các thực tập tán tụng cần thiết như: kinh
nguyện, thánh lễ, v.v... nhưng không nhắm trở nên lời tụng ca vinh quang Thiên
Chúa đích thật – ghi chú của B. Peyrous), lao nhọc, thậm chí chết đi được vì phụng
sự Chúa, biết bao nhiêu điều lôi cuốn các tâm hồn đạo đức; nhưng để mình hoàn
toàn chết đi một cách không kèn không trống trong chốn lặng thinh của linh hồn,
thoát ly khỏi bản thân, nhờ ơn Chúa mà tự buông bỏ đến cùng khỏi những gì không
phải là ý muốn tinh tuyền của Chúa, đó là lễ toàn thiêu kín đáo mà đa số linh hồn
thoái thác, là ngã rẽ của họ giữa cuộc sống sùng đạo và cuộc sống thánh thiện ở
cấp độ cao.” Đi xa hơn, đó là trọn vẹn ý nghĩa của đêm tối tinh thần.
5.4.2. Đêm tối tinh thần
Trong đêm tối giác quan, ta bị tước đoạt
khỏi các hoạt động, các năng lực, cảm giác của mình. Bấy giờ ta biết rằng hoạt
động chỉ tùy thuộc vào Chúa mà thôi. Ta như đứng trước các bức tường và Chúa
làm cho ta vượt qua. Ta biết rằng mình lệ thuộc vào Ngài trong toàn bộ lãnh vực
cảm giác và hoạt động. Với đêm tối tâm linh, ta đi xa hơn nhiều. Ta bỏ chính
mình. Ta sắp hiểu ra mình lệ thuộc vào Chúa trong hiện hữu của mình đến mức
nào. Ta luôn ít nhiều có khuynh hướng lấy mình làm nơi tham chiếu. Ở đây, cái gốc
rễ của cuộc đời sắp bị chạm tới. Một kỹ sư bạn của tôi, thích hài hước, từng
nói: “Trong những nơi Cư trú thứ Nhất, chúng ta ở trạng thái rắn; với đêm tối
giác quan, chúng ta chuyển sang trạng thái lỏng; nhưng với đêm tối tinh thần,
chúng ta ở trạng thái bốc hơi.”
Đêm tối tinh thần thường chạm đến ký ức,
là cách mà chúng ta tự đặt mình đối diện với quá khứ, đối diện với hiện tại và
tương lai của mình, là toàn bộ hệ thống ta dùng để tham khảo đối chiếu. Ví dụ
như ta có thể mất gần như hoàn toàn ký ức về điều mà Chúa đã làm cho ta, về điều
mà chúng ta đã nhân danh Chúa mà làm cho tha nhân. Tất cả những điều này có thể
biến mất như trong một lỗ đen. Trí khôn có thể bị chạm đến như vậy, ít nữa là
trí khôn thiêng liêng, và nói rõ hơn là ý thức về hoạt động của Thiên Chúa.
Pierre Goursat, vị sáng lập Cộng đoàn Emmanuel, qua đời đang lúc nổi tiếng là
thánh thiện, từng luôn tự nhủ rằng ông tuyệt đối không có khả năng nhìn thấy điều
mà Chúa có thể đã thực hiện nơi ông và ông đã mất đi phần chính yếu trong ký ức
về hoạt động của Chúa trong quá khứ của ông. Ông sống trong Chúa như trong hiện
tại, trong vòng tay Chúa, không thể bám vào sự gì khác ngoài Ngài ra.
Mục đích của việc này là để ta cảm nhận
sự bất lực triệt để của mình khi cố sống như là một Kitô hữu tốt lành mà không
có sự trợ giúp liên lỉ của Chúa Thánh Thần. Chính vì thế nên Chúa cho phép các
cám dỗ mà ta tưởng rằng mình đã vượt qua nay quay trở lại, và ngay cả các tội
đôi khi rất nặng cũng thế. Những thần dâm ô, kiêu ngạo, phạm thượng, có thể tấn
công linh hồn. Linh hồn có thể mất cảm thức về đức tin, đức cậy và đức mến.
Không còn có thể nương tựa vào Chúa vì ta không còn “cảm thấy” Ngài nữa, không
còn cảm thấy mình được Chúa che chở nữa, tin rằng bàn tay Chúa đã rời xa và
mình bị phơi ra trước bất cứ sự gì, tin rằng mình không còn tương lai nào nữa,
không còn tìm được sức lực để yêu thương, đó là những điều đụng chạm rất sâu
xa. Một người chỉ có khả năng đối đầu với những sự việc khó khăn nhất nếu người
ấy được nâng đỡ, và đặc biệt là nếu người ấy biết rằng Chúa ở với mình. Nhưng nếu
Chúa không còn ở đó nữa, nếu những người khác rời đi, nếu chúng ta không còn có
thể tin cậy vào chính bản thân nữa, thì chúng ta sẽ ra sao?
Ta cũng tự đặt ra những câu hỏi rất
nghiêm trọng về chính mình. Mối tương quan với bản thân bị chạm đến. Câu hỏi
không còn là: “Tôi sẽ xoay xở như thế nào?” hoặc “Tôi sẽ ra làm sao trong cuộc
đời?” nhưng là: “Tôi là ai?” Trong bối cảnh đó, ta có thể cảm thấy hết sức lạc
lõng. Ta tự đánh giá thấp bản thân mình! Ta từng nghĩ rằng mình đang trèo lên
núi cao của đời sống tâm linh, và nay ta có cảm giác mình như đang lao xuống vực
thẳm! Có gì ở dưới đáy vực? Điều đó thật khác xa, thật khủng khiếp hơn điều mà
ta đã từng sống từ trước đến nay. Chính cốt lõi của nhân cách ta cũng ít nhiều bị
đặt thành vấn đề. Ta đi tới “điểm zéro”.
Thử thách rất riêng tư đến độ không dễ
để tìm được sự giúp đỡ. Các lời khuyên không giúp ta được bao nhiêu. Lòng yêu
thương đơn sơ và tin tưởng của bạn bè, sự an ủi của một bàn tay chìa ra nâng đỡ,
thường là điều giúp ta trụ lại. Hơi giống như Chúa Giêsu ở Ghetsemani. Đôi khi
chúng ta cũng cần được an ủi, và những người đã làm tốt việc này không phải lúc
nào cũng biết họ đã làm ích cho chúng ta dường nào.
Rốt cùng, ta nhận ra rằng chỉ có “một
mình Chúa mà thôi”. Chúng ta có khả năng từ bỏ trí khôn, ý chí, trí nhớ, các dự
phóng của chúng ta, và qua đó, từ bỏ cái tôi ngổn ngang đầy ứ của mình. “Cái
tôi sâu xa” được thanh tẩy. Mọi sự thành đơn giản hơn. Chúa ở đó và Ngài yêu
thương tôi, tôi ở đó và tôi yêu mến Ngài. Chúng tôi Lòng bên lòng, như Chúa Giêsu
và thánh Gioan. Chúng tôi ở cùng nhau và tôi chiêm ngắm Ngài, còn gì hơn nữa?
Nguyện xin Ngài thực hiện nơi tôi điều Ngài muốn.
Vả lại, rốt cuộc ta nhận ra rằng Chúa
không vắng mặt, Ngài không bỏ đi, Ngài không thoái lui trước những vấn nạn của
chúng ta về chính bản thân của chúng ta và về nỗi khốn khổ của chúng ta. Còn
hơn thế nữa: chính ánh sáng của Chúa đang thiêu đốt chúng ta trong sâu thẳm con
người của chúng ta. Ánh sáng đó dẫn chúng ta đến với sự Khôn ngoan mới mà chúng
ta đã đề cập đến.
CÁC
ĐOẠN TRÍCH TỪ “BÀI CA CỦA LINH HỒN”
CỦA
THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ
V
Ôi
đêm ! Ngươi đã hướng dẫn ta !
Ôi
đêm ! Đáng yêu hơn rạng đông !
Ôi
đêm ! Ngươi đã phối hợp
Đức
Tình-Quân với tình-nương
Một
tình-nương đã được biến đổi nên Tình-Quân !
VI
Trên
lòng tôi đầy hoa,
Được
giữ vẹn cho một mình Chàng,
Chàng
lưu lại đó, say ngủ,
Và
tôi vuốt ve Chàng,
Và
quạt mát cho Chàng bằng quạt bá hương.
VIII
Tôi
ở yên và tự quên đi
Tôi
nghiêng mặt trên Tình-Quân
Tất
cả ngưng lại, và tôi buông mình,
Buông
bỏ cả sự chú ý của tôi
Giữa
những cánh huệ, và quên.
(Bản
dịch của Lm. Trăng Thập Tự)
5.4.3. Khoa học Thánh giá
Khi Chúa Giêsu chết trên Thánh giá,
Ngài không hành động, Ngài không giảng dạy, Ngài dâng hiến. Chưa bao giờ Ngài
vĩ đại hơn, chưa bao giờ hoạt động của Ngài sinh nhiều hoa trái hơn là trong hy
lễ này. Bản thân chúng ta không hề muốn đau khổ và đó là chuyện thường tình.
Tôi rất hồ nghi các lý thuyết và các tuyên bố mang tính cách thần bí giả hiệu về
sự đau khổ. Thế nhưng, quả thật , vì là con người, chúng ta đang đau khổ. Ta có
thể tự che đậy điều này, nhưng, trong thực tế, nhân loại đang đau khổ biết bao!
Và ngay cả nếu như chúng ta không mắc bệnh gì ghê gớm, thì một ngày kia, chúng
ta sẽ chết, và đó sẽ là một đau khổ lớn lao.
Chúa Giêsu rất tốt lành và tế nhị,
nhưng Ngài muốn làm cho chúng ta khám phá ra khoa học của Thánh giá. Khoa học này cốt ở việc biến các đau khổ ở đời
này thành các hành vi dâng hiến. Điều này chỉ có thể làm được nhờ sự kết hợp chặt
chẽ với Chúa Giêsu và nhờ mối tương quan với Chúa Cha là Đấng tỏ ra rằng Ngài
chấp thuận sự trao dâng của chúng ta. Nếu chúng ta kết hợp nên một với Chúa Giêsu,
chúng ta dễ gánh vác các đau khổ hơn, vì Thánh giá luôn được đo lường cho vừa
vai của chúng ta: “Ách của Thầy thì dễ vác và gánh của Thầy thì nhẹ nhàng”. Ngược
lại, mọi sự chúng ta sống trở nên sinh hoa trái phong phú.
Trong đời sống Kitô hữu, có nhiều loại
đau khổ. Một số loại có dính líu tới cấu trúc của con người chúng ta: chúng ta
đau khổ về những giới hạn và đối kháng của mình. Một số loại khác dính líu với
những đêm tối: chúng hơi giống như loại trước. Một số loại khác nữa dính líu tới
việc dâng hiến cho ơn cứu độ của thế giới. Nơi một số người – bệnh nhân, người
lớn tuổi, người hấp hối – đó có thể là tiếng gọi trực tiếp từ Thiên Chúa và
ngay cả, như trường hợp Marthe Robin (1902-1981), có dạng thức của một ơn gọi
thật sự. Đối với những dòng tu như dòng Sự Thương Khó của Chúa hoặc những dòng
theo linh đạo “hy tế” thì đó là một phần trong đoàn sủng của họ. Tuy nhiên mỗi
một Kitô hữu, tùy theo cách của mình, được kêu gọi để khám phá môn khoa học
Thánh giá này để cộng tác vào đó, trong sự hợp nhất với Chúa Giêsu, để cứu độ
thế giới.
6. Tình yêu và sự thinh lặng
Trong tình trạng kết hợp liên lỉ với
Chúa và sống tình gia đình với Ngài, con người hoàn toàn ở trong tình yêu và
cũng xa rời những ồn ào vô bổ của trần giới. Người ấy vẫn là công dân của hành
tinh, chu toàn các bổn phận khác nhau của mình nơi trần thế, và đôi khi còn làm
tốt hơn trước kia nữa, nhưng trong thâm tâm người ấy thì sự thinh lặng dịu êm
và sống động của chính Chúa vẫn ngự trị.
Việc này giả thiết phải có một sự cô tịch
trong tâm hồn. Xin nhắc lại một lần nữa, cô tịch không có nghĩa là xa lánh con
người nhưng là giữ một khoảng cách thích đáng với điều không có lợi cho kế hoạch
của Thiên Chúa. Một tác giả nổi tiếng về đời sống tâm linh đã từng viết: “Con
tim của chúng ta là một đền thờ còn lớn hơn đền thờ Giêrusalem. Chúng ta phải ở
một mình trong đền thờ đó với Thiên Chúa và Đức Nữ Đồng Trinh: vì Mẹ không làm
xao động sự cô tịch với Chúa, nhưng Mẹ bảo đảm cho sự cô tịch này. Ở đó phải ngự
trị một sự an tĩnh lớn lao; không có tiếng ồn ào, nhất là hoàn toàn không có lời
tranh luận nào [...] Các linh hồn buộc phải có một khả năng thinh lặng nội tâm
và ngoại giới nào đó để có thể hồi tâm và tìm lại được chính mình trong trái
tim của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. [...]
Ánh sáng chỉ xuyên qua những linh hồn bình an mà thôi: sự tĩnh lặng là điều kiện
hàng đầu để cho các nơi sâu thẳm của tinh thần trở nên trong suốt”; và Gioan
Fécam, một tu sỹ dòng Biển Đức, viết: “Đối với linh hồn bình an và thánh thiện,
Chúa tỏ cho thấy Ngài mà không có hình dáng, nghe Ngài mà không có âm thanh, nhận
thức Ngài mà không có chuyển động, đụng chạm Ngài mà không có thân xác."
*
Không cần phải là một giáo sỹ vĩ đại để
đoán ra rằng chúng ta đang ở nơi đây, trước – hoặc đúng hơn – trong một thế giới
mênh mông. Càng tiến lên, chúng ta càng cảm thấy mầu nhiệm của nó, càng nói,
chúng ta càng nhận ra rằng mình không đủ ngôn từ, càng trải nghiệm, chúng ta
càng thấy các kinh nghiệm chỉ nói được đôi điều về Chúa thôi. Càng tiến về phía
ánh sáng, chúng ta càng thấy một đêm tối mênh mông đàng sau một chút ánh sáng
ban ngày mà chúng ta nhận thức được.
Nhưng thực ra tất cả điều đó cũng chẳng
quan trọng gì. Thiên Chúa vượt ra khỏi mọi cách mô tả. Chúng ta sẽ không bao giờ
hiểu được trọn vẹn hành trình mà Ngài khiến chúng ta đi theo. Miễn là chúng ta
bằng lòng làm con cái Chúa, miễn là chúng ta yêu mến Ngài và chúng ta yêu
thương nhau, thì sự dốt nát của chúng ta nào có hệ trọng gì? Chúng ta biết vừa
đủ về hành trình đó để tiến bước. Người ta nói rằng thánh Gioan, vào cuối đời,
không còn biết làm gì khác hơn là yêu cầu các môn sinh của ngài hãy yêu thương.
Cuộc đời của ngài đã chẳng tập trung vào điều chính yếu đó sao?
(Hết Phần II)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét