Chương 7: CÁC LINH ĐẠO KHÁC NHAU
Tiếng Chúa gọi mỗi người thường kèm
theo một tiếng gọi khác: tiếng gọi để sống trong một gia đình thiêng liêng đặc
thù. Trong Hội thánh có khá nhiều “linh đạo” khác nhau. Sự việc không giống nhau
khi ta là một tu sỹ dòng Cát Minh hoặc dòng Biển Đức, hay đối với một giáo dân,
khi thuộc về các nhóm Mân Côi hoặc Canh tân Đoàn sủng. Tại sao vậy?
Tại sao có những linh đạo đặc thù?
Rất đơn giản. Mỗi một linh đạo diễn tả
một khía cạnh đặc thù của mầu nhiệm Thiên Chúa và giúp cho người ta sống linh đạo
ấy. Giống như nó biểu thị một mặt đặc thù của một viên kim cương vậy. Nhưng
không linh đạo nào là chính viên kim cương này cả. Hoặc thêm một thí dụ nữa, mỗi
một linh đạo giống như một cánh cửa đặc thù dẫn vào thế giới của Thiên Chúa. Mỗi
cửa đều khác nhau, nhưng mục đích thì giống nhau. Như vậy Hội thánh tựa như một
bó hoa xinh đẹp bởi sự đa dạng và tính duy nhất nền tảng của nó.
Mỗi linh đạo đặc thù tập trung vào những
yếu tố sống được xem như quan trọng nhất, vào những chủ đề huy động, động cơ, để
từ đó phát xuất ra tất cả những điều còn lại. Một số linh đạo đặt nền tảng trên
khát vọng về ơn cứu độ con người, một số khác về Thánh giá Chúa Kitô, số khác nữa
về lòng tín thác và Mẹ Maria, về sự cấp bách của việc đại kết, về hoạt động của
Chúa Thánh Thần, về việc dấn thân trong mầu nhiệm Hội thánh, v.v... Thông thường,
tất cả các yếu tố này phải có một liều lượng khác nhau nơi mọi linh đạo. Nhưng,
như trong các món cocktail, chính liều lượng là cái tạo ra sự khác biệt. Thí dụ:
Đức Maria sẽ có vai trò ưu tiên trong các linh đạo liên kết với thánh
Louis-Marie Grignion de Montfort hoặc chân phước Cha Chaminade, nhưng Mẹ sẽ có
một vai trò khác trong một linh đạo đại kết.
Những linh đạo khác nhau này thì quan
trọng đối với chúng ta. Quả thật, việc chúng ta thuộc về một gia đình hiểu và
nâng đỡ chúng ta là một điều rất tốt. Nhìn thấy những người khác sống cùng một
điều chúng ta đang sống, có cùng sở thích thiêng liêng như chúng ta, chúng ta
được khích lệ, chúng ta cảm thấy mình được hiểu và khuyên bảo tốt hơn. Cũng có
đôi khi, đang có một đường hướng thiêng liêng chủ đạo, chúng ta có thể đón nhận
một điều gì đó mạnh mẽ từ một hình thức thiêng liêng khác. Chắc hẳn, không nên
lẫn lộn các linh đạo, cũng đừng hành động một chiều theo lối “hoặc... hoặc...”.
Thường thường, Chúa tiến hành theo lối “và... và...”. Ngài khiến các yếu tố
khác nhau xuất hiện để đem chúng lại gần nhau và quy chúng về một mối nếu điều ấy
có ích cho dự phóng của Ngài.
Đây không phải là nơi bàn về tất cả
các linh đạo. Việc này cần cả một bài khảo luận lịch sử đầy đủ. Trái lại, như một
thí dụ, có thể nên nói về một hai linh đạo. Việc này giúp chúng ta xác định vị
trí và tìm kiếm linh đạo của mình, hoặc đúng hơn, giúp chúng ta cầu xin Chúa chỉ
dẫn hoặc xác định cho mình. Hãy lưu ý rằng không một linh đạo nào tự nó là tốt
hơn một linh đạo khác. Đối với người có bổn phận sống một linh đạo, thì mọi
linh đạo đã được Hội thánh chuẩn nhận đều dẫn đến sự thánh thiện. Điều cốt yếu
là biết được Chúa muốn tôi theo linh đạo nào. Các vụ đấu khẩu giữa các
linh đạo là chẳng thú vị gì. Đó là những chuyện trẻ con và đôi khi chúng còn
gây ra những hậu quả làm phương hại nặng nề đến sự hợp nhất của Hội thánh nữa.
Linh
đạo của Trường phái Pháp
Thí dụ đầu tiên mà tôi muốn đưa ra là
thí dụ của phong trào được gọi một cách không thích đáng là “Trường phái Pháp”,
xuất phát từ thế kỷ XVII. Quả thật, những nghiên cứu lịch sử về linh đạo chỉ ra
rằng nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đâu trong Hội thánh, đặc biệt qua các linh mục
và rất nhiều hội như hội Nhà Tiệc ly của thánh nữ Thérèse Couderc hoặc hội
Thánh gia của Cha Noailles. Cha sở họ Ars, trong số những cha khác, là người từng
thấm nhuần linh đạo này. Nhưng có nhiều giáo dân trước đây cũng đã được nó tác
động và hiện nay nó cũng đang tác động như thế, thường là một cách gián tiếp.
Nó thực sự là một phương thế sâu xa để sống với Chúa.
Trường phái Pháp bắt nguồn từ Pierre
de Bérulle (1575-1629), một trong những nhân vật tôn giáo thâm trầm nhất của lịch
sử nước Pháp, là vị sáng lập hội Giảng thuyết Pháp và là người giới thiệu dòng
Cát Minh Teresa vào nước này. Có những người làm thay đổi thế giới quanh họ.
Bérulle là một trong số những người đó. Bourgoing, là môn sinh của ngài, nói rằng:
“Người ta đã đánh giá ngài như một vị tuyên sấm , dường như thần khí của Chúa
đã nói qua miệng ngài.”
Sự vĩ đại của Thiên Chúa và sự nhỏ bé
của con người
Trong phần đầu của hành trình cá nhân,
Bérulle bị đánh động bởi sự kiện đơn giản rằng Chúa là Chúa và con người chẳng
là gì cả - hoặc đúng hơn con người tự mình chẳng là gì cả, nó chỉ là gì trong sự
tham chiếu với Chúa và lệ thuộc vào Ngài. Như vậy Bérulle có một cái nhìn hướng
rất thẳng lên Chúa, gợi lại một chút điều mà Chúa Giêsu từng nói với thánh nữ
Catarina Sienna: “Con ơi, con hãy biết rằng Ta là Đấng tự hữu, và con là kẻ chẳng
tự hữu.”. Gần chúng ta hơn, Maurice Clavel đã khám ra điều tương tự khi đọc
Bérulle và ghi lại điều này trong nhan đề của một cuốn sách: Chúa là Chúa, tôn danh Chúa!
Bérulle cũng yêu cầu con người làm một
cuộc cách mạng Copernic được tóm tắt trong lời nói đơn giản này: “Phải nhìn
Chúa trước tiên chứ đừng nhìn vào chính mình.” Quả thật, chúng ta đang tự xây dựng
cuộc đời cho chính mình trước hết. Nhưng chúng ta quên rằng mình chỉ là những
thụ tạo, rằng chúng ta không tự sáng tạo chính mình, rằng chúng ta chỉ tồn tại
qua mọi giây phút chỉ vì Chúa muốn thế, và rằng một ngày kia chúng ta sẽ trở về
với Chúa. Đời sống của chúng ta, chính là Chúa. Nhận biết điều này, chính là đảo
lộn trật tự của con người về các sự vật và trở về với “nhân đức tôn giáo”,
nghĩa là trở về với việc nhìn cuộc đời một cách đúng đắn, bằng cách đặt Chúa ở
khởi điểm và ở trung tâm mọi sự. Để làm điều đó, chúng ta phải có một con tim
nhận biết thực tế nền tảng này. Bourgoing từng nói: “Điều mà Cha rất khả kính của
chúng ta đã canh tân trong Hội thánh, cũng như phương tiện mà Chúa đã ban cho
ngài để thực hiện nó, chính là tinh thần tôn giáo, là việc phụng tự tối cao bằng
sự tôn thờ và lòng kính sợ.” Qua việc tôn thờ, ta phải nhận biết Chúa là Chúa tể
và là Đấng Sáng tạo vũ hoàn, kết hợp với lời ca tụng về mọi điều mà Ngài đã ban
cho chúng ta.
Như vậy trước hết con người là một kẻ
tôn thờ. Chúng ta hiện diện trên mặt đất này chỉ là để tôn thờ, không những qua
hành vi mà thôi, nhưng bởi chính bản chất, bởi tình trạng là người, với tất cả
con người chúng ta. Chúng ta tôn thờ Chúa nhân danh cuộc sáng tạo mà trong đó
chúng ta là các linh mục, nhân danh mọi người, và chúng ta liên lỉ cám ơn Chúa
về những sự tốt lành và về tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Đó chính là mục
đích thứ nhất của cuộc đời con người. Quả thật, tự mình, chúng ta chẳng là gì cả,
nhưng khi chúng ta bước vào trong ơn gọi đích thực của chúng ta, là ơn gọi tôn
thờ Thiên Chúa, chúng ta đạt tới một sự vĩ đại không thể sánh ví ngay trên trần
gian này.
Sứ mạng của Ngôi Lời nhập thể
Nhưng vấn đề là chúng ta thật sự không
có khả năng yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cho xứng hợp. Thiên Chúa thì vô cùng,
và chúng ta thì rất đỗi bé nhỏ và chẳng có khả năng! Nên Chúa Cha đã sai phái
Chúa Con xuống trần gian. Qua việc giáng trần và qua cái chết của Ngài, Ngài đã
tôn vinh Chúa Cha theo cách mà rõ ràng không một ai có thể làm được. Chúa Giêsu
cũng là Đấng tôn thờ đầu tiên. Từ đó mọi việc tôn thờ của chúng ta đều thông
qua Ngài. Chúng ta như được bao gồm trong Ngài với mọi kinh nguyện của chúng
ta:
“Từ
thuở đời đời, đã có một Thiên Chúa đáng tôn thờ vô cùng, nhưng vẫn chưa có một
người tôn thờ vô cùng [...] Ôi Giêsu, giờ đây Ngài là Đấng tôn thờ ấy, là con
người ấy, là tôi tớ vô cùng có quyền năng, có tư cách, có phẩm giá, để chu toàn
phận vụ đó và để dâng lên lời tôn vinh Thiên Chúa.”
“Chúa Giêsu đã được sai phái đến
thế gian để tôn vinh bản thể thần linh, và sự tôn vinh xứng đáng với Thiên Chúa
chỉ có thể được thực hiện bởi Thiên Chúa, vì mọi sự tôn vinh của các thụ tạo đều
thiển cận và có giới hạn nên không xứng đáng với Thiên Chúa và vô cùng cách xa
với sự tuyệt hảo của Ngài.”
Xuyên qua một ngôn ngữ khác với ngôn
ngữ của chúng ta, và chúng ta phải cẩn thận đừng đánh giá nó, ta hiểu rằng cuộc
đời của tất cả mọi người đều liên kết với cuộc đời của Chúa Giêsu. Bérulle đã
“gặp gỡ cá nhân” với Chúa Giêsu một cách cao siêu. Cha đã suy xét lại trọn cuộc
đời mình, trọn mối tương quan của ngài với Thiên Chúa, xuyên qua cuộc gặp gỡ
này. Chính vì thế mà Đức giáo hoàng Urbanô VIII đã có thể gọi cha là “vị tông đồ
của Ngôi Lời nhập thể”.
Cũng
thế, trọn cuộc đời của chúng ta phải là một sự hợp nhất, hoặc, nói theo từ ngữ
của Bérulle, một sự “kết chặt” với Chúa Giêsu. Chúng ta phải sống lại nơi bản
thân mọi điều mà Chúa Giêsu đã sống, phải trải qua trong linh hồn ta các giai
đoạn chính yếu của con đường Chúa đã đi, sống lại điều này nơi bản thân chúng
ta hết mức có thể. Cha viết:
Chúng
ta phải không ngừng hợp nhất đời ta với cuộc đời của Chúa, các việc lao tác của
ta với các việc lao tác của Ngài, và phải lấp đầy tư tưởng của ta bằng Ngài và
bằng cuộc sống thần linh của Ngài, bằng các việc lao tác của Ngài và bằng mọi
điều Ngài đã làm và đã gánh chịu, ở nội tâm cũng như ở ngoại giới, để chúng ta
không còn chút thời gian cũng chẳng còn tâm trí nào mà nghĩ đến chính mình cũng
như những khổ đau phiền muộn của chúng ta nữa.
Hy lễ của Đức Kitô và chức vụ tư tế
Chúa Giêsu đã biểu lộ tình yêu của
Ngài với Chúa Cha, đã “tôn vinh” Cha theo cách thức trang trọng nhất bằng hy lễ
của Ngài trên Thánh giá và bằng sự phục sinh của Ngài. Cho nên đỉnh cao của lời
tụng ca và sự tôn thờ là Mình Thánh Chúa. Nơi đó gồm tóm mọi sự cao trọng và mỹ
miều trên địa cầu:
Thiên
Chúa chỉ có thể được tôn kính cách xứng hợp bằng lễ vật thần linh này, vì trong
lễ vật ấy bao gồm mọi tôn giáo và mọi sự thờ phượng Thiên Chúa. Không có lời ca
tụng nào, sự kính trọng và tôn vinh nào mà chẳng được lễ vật ấy gồm tóm lấy,
cũng không có điều gì trong Hội thánh mà chẳng từ đó phát sinh.
Đó là để nói đến tầm quan trọng của
thánh lễ, là việc tưởng niệm cuộc Khổ nạn và sự phục sinh của Đức Kitô. Thánh
Gioan Eudes, vị tiền hô của Vatican II, giải thích rằng, bởi phép thánh tẩy, mỗi
Kitô hữu là một linh mục nhân danh hoàn vũ mà ca ngợi Thiên Chúa. Nhưng chức vụ
tư tế thừa tác của các linh mục thì hẳn nhiên là khác biệt, và thánh nhân đã hợp
nhất các vị này với Đức Kitô theo một kiểu chuyên biệt. Từ đó có một cái nhìn rất
đẹp và cũng rất đòi hỏi về linh mục và về thánh lễ, mà trọn cả một phần trong đó
vẫn còn giá trị một khi ta đã giải thích lại ngôn từ của nó.
Như vậy Trường phái Pháp là một hình
thức linh đạo ít được biết đến so với linh đạo Biển Đức, Đa Minh, Phan Sinh,
Cát Minh hoặc I Nhã chẳng hạn. Nhưng nó vẫn giữ nguyên hiệu lực. Hình thức tuy
cũ rồi, nhưng điều sâu xa chính yếu vẫn luôn mời gọi.
(Còn tiếp)