Marthe Robin (1902-1981): trong Trái
Tim Chúa Giêsu
Cho một lễ Hiện Xuống mới của tình yêu
Marthe Robin được rất nhiều người biết
đến. Đó là một nhân vật lớn, nhưng các bài viết về bà thường chỉ dừng lại ở những
khía cạnh ngoạn mục vốn không giải thích rõ về bà.
Marthe sinh ra trong một gia đình nông
dân, tại Chateauneuf-de-Galaura (Drôme), trong giáo phận Valence. Nông trại nằm
trong một thôn ấp hẻo lánh, trên một ngọn đồi. Là một đứa trẻ sinh động, thông
minh, vui vẻ, bà bắt đầu nhanh chóng lâm bệnh. Vào tuổi mười sáu, bà bị bệnh
viêm não. Cơn bệnh không ngừng phát triển và biến chuyển. Cơn bệnh càng tiến tới,
ghim chặt bà xuống giường và khiến bà đau đớn kinh khủng, thì bà càng thoái bộ.
Bà đã trải qua mười năm vật lộn với cơn đau da diết này và cố tìm một ý nghĩa
cho đời mình. Lúc ấy Marthe ít được những người chung quanh giúp đỡ. Bà sống
khá thất vọng, không tiền bạc, chẳng bạn bè, không lời khuyên nhủ, chẳng ai đỡ
nâng và an ủi. Đó là thời gian rất khắc nghiệt trong cô lập, buồn bã, thắc mắc.
Sau đó, bà đã nói rằng bà không mong ai phải trải qua điều mà bà đã từng trải
qua: “Tôi đã tranh luận với Chúa... Tôi không mong ước một ai trong các bạn phải
đấu tranh với Chúa.” Bà may mắn giữ được đức tin và, trong thinh lặng, Chúa chuẩn
bị bà.
Tình trạng đột nhiên biến chuyển nhân
một sứ vụ được rao giảng trong giáo xứ vào năm 1922. Bấy giờ bà nhận được như một
dạng tuôn đổ Thần Khí và tức khắc hiểu ra ơn gọi của mình. Một sự sống mới xâm
chiếm hồn xác bà. Mọi sự sáng tỏ và có ý nghĩa: sự nghèo khó của bà trở thành
nơi mà Thiên Chúa có thể hành động và ban ơn của Ngài. Bà nhận được từ Trái Tim
Chúa Giêsu trên thập giá ý nghĩa của cuộc đời bệnh tật của bà: hợp nhất với cuộc
đời của Đức Kitô, cuộc đời bà có thể trở nên sinh nhiều hoa trái cho Hội thánh
và cho thế giới: “Thánh Tâm Chúa Giêsu trên thập giá là nơi cư ngụ bất khả xâm
phạm mà tôi đã chọn trên mặt đất này.” Marthe đã chọn cuộc sống đồng hình đồng
dạng với cuộc sống của Chúa Giêsu bị đóng đinh: nên giống Ngài, yêu mến Ngài đến
độ giống như Ngài. Nói cách khác, khi nên một với Chúa Giêsu, bà thông hiệp với
với những đau khổ của Đức Kitô và Chúa Giêsu thông hiệp với những đau khổ của
chính bà. Đời sống tâm linh của bà không diễn ra bên cạnh cơn bệnh nữa, nhưng ở
ngay trong lòng cơn bệnh. Chúng ta có thể xác định nơi bà một sự đón nhận thực
sự cơn bệnh ngay giữa nỗi khổ đau: “Sau nhiều năm lo âu khắc khoải, sau nhiều
thử thách thể lý và đạo đức, tôi đã dám, tôi đã chọn Đức Kitô Giêsu.” Khi chấp
nhận đau khổ vì tình yêu, bà làm cho đời mình sinh nhiều hoa trái. Bấy giờ
Marthe hiểu rằng bà đã nhận được ơn gọi “hy tế”, nghĩa là hiến dâng trong sự
đau khổ của tình yêu. Ơn gọi này được tô điểm bằng sự tiếp xúc với Đức Trinh Nữ
Maria với một cách mạnh mẽ, dịu dàng và kiên trì làm bà trở nên một trong các
tâm hồn vĩ đại sùng kính Mẹ trong thời ấy. Bà sống trong tình thân thuộc với Đức
Maria đến độ bà gọi Mẹ là “má”. Ngay khi còn thơ bé, Marthe đã có tâm tình con
thảo với Thánh Nữ Đồng Trinh: Ngài sẽ luôn là mẹ và là nhà giáo của bà: “Chính
nhờ Mẹ Maria, với Mẹ Maria và trong Mẹ Maria mà tôi sẽ đến với Chúa Giêsu và sẽ
hoàn toàn thuộc về Chúa.” Bà biết rõ Mẹ đến độ bà tạo cảm hứng cho một số thần
học gia, cung cấp cho họ các nguồn mạch tư tưởng canh tân về Mẹ Maria.
Sau đó khởi sự một thời kỳ thăng tiến
và tìm tòi, giữa vô số khó khăn, nhân cách thiêng liêng của Marthe Robin bắt đầu
dần dà được xếp đặt đâu vào đó. Chúa Giêsu xâm chiếm tất cả mọi vùng của con
người bà một cách lần hồi, Ngài hiện diện không rời bà ngày đêm, cộng thêm với
hoạt động đầy xúc động của Đức Trinh Nữ Maria. Sự hợp nhất này được tỏ lộ vào
năm 1932 bằng việc in dấu thánh làm bà càng trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu
trên Thánh giá hơn nữa. Kể từ đó, bà sống lại cuộc Thương khó của Đức Kitô hằng
tuần. Trong cùng suốt thời kỳ này, bà bắt đầu khám phá ra Chúa Cha là ai. Bà trải
nghiệm tình yêu mạnh mẽ này và từ đó bà không ngừng làm chứng về tình yêu ấy
cho những người chung quanh. Chắc hẳn, với khoa Thánh mẫu học của bà, đó là một
trong các cống hiến lớn lao cho linh đạo và cho suy tư của thời ấy.
Năm 1933, Chúa còn vén lộ cho bà rõ
hơn về sứ mạng của bà trong Hội thánh: tạo lập một công trình mới “để Nước Chúa
rộng lan trong toàn Hội thánh và để phục hưng toàn thể thế giới bằng lời giảng
dạy sẽ được ban cho, tác động siêu nhiên và thần thiêng của lời giảng dạy này sẽ
trải rộng khắp hoàn vũ.” Nói cách khác, Marthe đã được kêu gọi để khai sinh, bởi
sự đau khổ được tiến dâng, một cộng đoàn sẽ cộng tác vào việc canh tân Hội
thánh và thế giới, điều mà sau đó được gọi là “một lễ Hiện xuống mới của tình
yêu”. Ít lâu sau, vào năm 1936, bà gặp Cha Georges Finet, vị linh mục sẽ giúp
bà thành lập Cộng đoàn Bác ái (Foyers de Charité). Đây thật là một cuộc phiêu
lưu mang tính nhân bản và tâm linh.
Đời sống nội tâm của bà tiếp tục biến
chuyển. Bà đã có một thời kỳ dài nghi ngờ và đấu tranh sau cuộc chiến, và đã phải
trải qua một cuộc xét lại bản thân triệt để. Vào năm 1948, mọi sự lắng dịu xuống.
Càng lúc bà càng lột bỏ mình hơn, nhưng cũng càng lúc càng sinh hoa trái nhiều
hơn. Khi Marthe Robin chết vào năm 1981, Cộng đoàn đã có mặt trên khắp thế giới.
Ảnh hưởng của Marthe Robin thật mênh
mông và quả thật ăn khớp với sứ mạng của bà. Bà đã tiếp đón hơn một trăm ngàn
người trong căn phòng nhỏ bé của bà, và đã làm đảo lộn cuộc đời của hàng ngàn
người trong số họ. Bà đã lập nên Cộng đoàn Bác ái, đã đổi mới hình ảnh của
Thiên Chúa như người Cha, đã khích lệ người ta hiểu biết sứ mạng làm mẹ của Mẹ
Maria trong thế giới thời ấy, đã giúp một số lớn các cộng đoàn mới, đã tạo lại
sự năng động cho việc Phúc âm hóa. Trong thế giới của chúng ta, nơi mà con người
không còn tìm thấy ý nghĩa của sự đau khổ nữa, Marthe đã trao cho sự đau khổ của
bà một ý nghĩa bằng cách thông dự vào mầu nhiệm của cái chết và sự sống lại của
Đấng Cứu Độ thế nhân. Ta sẽ không thể viết lịch sử tôn giáo của thời đại mình
mà không liên tục gặp gỡ bà.
Marie Chúa Ba Ngôi (1903-1980):
Hợp nhất với chức tư tế của Đức Kitô
Marie Chúa Ba Ngôi (Marie de la
Trinité) là một nhân vật bắt đầu được người ta biết đến đôi chút. Chắc hẳn đó
là một trong các nhà huyền nhiệm lớn người Pháp của thế kỷ XX. Chính bà đã lưu
ý rằng thánh Gioan Thánh giá, thánh Teresa Avila, thánh Teresa Lisieux hoặc Élisabeth
Chúa Ba Ngôi đã chẳng từng sống điều mà bản thân bà đã được ban cho, và việc
này chắc hẳn là chính xác. Đó đơn giản là một vấn đề của ơn gọi cá nhân trong kế
hoạch của Thiên Chúa.
Paule de Mulatier sinh ra trong một gia
đình kỹ nghệ gia công giáo ở Lyon. Ngay từ thời thơ ấu, bà đã cảm nhận được tiến
gọi tu trì. Vị đồng hành tâm linh thuyết phục bà vào dòng Cát Minh, nhưng bà cảm
thấy mình được gọi sống đời chiêm niệm, và bà đã nhắm đến một hội dòng mới: các
nữ tu Đa Minh miền nông thôn (les Dominicaines des campagnes), vừa mới được Mẹ
Saint-Jean thành lập trong vùng Jura. Bà đã giữ một vai trò rất quan trọng
trong hội dòng còn non trẻ này, nhưng cuối cùng bà lại bị trầm cảm rất nặng và
được chữa lành vào năm 1953. Bấy giờ bà lại nắm giữ những phận vụ quan trọng
trong cộng đoàn, rồi trở thành một nhà tâm lý trị liệu được đánh giá cao. Sau
khi đã làm trợ tá cho Mẹ sáng lập cho đến khi Mẹ chết, bà sống đời ẩn tu tại
Flavigny, vùng Bourgogne, trước khi qua đời vì bệnh ung thư năm 1980.
Marie Chúa Ba Ngôi đã nhận được trong
đời bà nhiều ân sủng cơ bản, rất rõ ràng, mà bà đã may mắn ghi chép lại. Chúng
quan trọng đối với chủ đích của chúng ta, vì chúng vẽ ra khúc quanh của một ơn
gọi thiêng liêng sâu thẳm.
Ơn đầu tiên xảy ra vào ngày 11 tháng
tám 1929. Bà đang tĩnh tâm với cộng đoàn của mình, một cuộc tĩnh tâm như là “một
dạng hấp hối. Đó là một sự sụp đổ toàn bộ, một sự mất mát không chỉ những
phương tiện mà tôi ước mong tìm được trong đời tu, nhưng cũng còn như một sự đánh
mất Thiên Chúa, khắc khoải, lo sợ, bị lột bỏ hết mọi sự, tôi đau khổ trong linh
hồn, trong mọi chốn thẳm sâu của linh hồn, tôi chưa hề cảm nhận như thế bao giờ.
Kế đó tôi đã hiểu rằng Thiên Chúa đã cho phép, đã muốn điều ấy như một sự chuẩn
bị, một sự thanh luyện”. Trong một thời gian khi đang thờ lạy, trong sự lột bỏ rất
mạnh mẽ, bà đã “như được chìm ngập trong Thiên Chúa”, trong chính bản thể Thiên
Chúa, trong thiên tính, như lời bà nói. Rồi bà đã nhận được “sự hiểu biết về phụ
tính thần linh, của Thiên Chúa và của Chúa Cha”, và sự hiểu biết về tình yêu của
Cha dành cho linh hồn con người: “... không phải trong tình yêu của linh hồn đối
với Thiên Chúa, nhưng trong tình yêu khôn ví khôn tả của Thiên Chúa đối với
linh hồn”. Ít lâu sau, ngay trong cùng buổi chiều ấy, bà đã nhận được một sự hiểu
biết đầy trìu mến của Chúa Con và của tình yêu khôn tả Chúa Cha dành cho Con của
Ngài, rồi bà đã nhận được sự hiểu biết về huyền nhiệm Cứu chuộc, về sự cứu độ
nhờ máu Đức Kitô: “Tôi đã thấy trọn vẹn lòng thương xót trong máu, tôi đã thấy
rằng mọi linh hồn, trong ý muốn của Chúa Cha, được thanh luyện, được rửa sạch,
được thánh hóa trong máu này nhờ Máu tuôn đổ một cách huyền nhiệm.” Nói cách
khác, chiều hôm đó bà đã gặp hai trong Ba Ngôi thần linh, mà từ đó bà luôn cảm
nhận hiện diện liên lỉ trong bà. Nhưng sứ mạng thiêng thiêng của bà vẫn chưa
sáng tỏ trọn vẹn.
Ngày 9 tháng giêng 1940, Chúa lại tỏ
hiện thêm một lần nữa với bà: “Tôi đã nhận biết lần đầu tiên Chúa Chúng Ta hiện
diện trong tôi với tất cả sự viên mãn của chức vụ tư tế của Ngài [...] Ngài tỏ
cho tôi [...] các chiều sâu thẳm của chức vụ ấy và đưa tôi ngụp lặn trong đó.
Đó là một điều thuộc về trật tự các ơn thuộc bản thể, tác động cách trực tiếp
và độc nhất đến trung tâm của linh hồn,
và lưu lại đó một dấu ấn không thể tẩy xóa sẽ thâm nhập vào vĩnh cửu.” Ngày 3
tháng giêng 1941, trong cùng một đường lối của chức tư tế cứu độ của Đức Kitô,
bà thấy mình được cứu rỗi nhờ Máu Chúa Giêsu: “Quá khứ của tôi như một vực thẳm,
và Bửu Huyết lấp đầy nó; Máu ấy lấp đầy tất cả, và vực thẳm biến mất, và Bửu
Huyết đã tràn trào phủ lấp mọi sự [...] Tôi đã nhìn với hết sức mình: vực thẳm
không còn là một vực thẳm đắng cay và tội lỗi nữa, nhưng tận nơi sâu thẳm và với
hết khả năng của mình, nó đã trở nên quý giá như Máu, quý giá nhờ Máu, và ngay
chính vì sự dữ này mà Chúa đã chọn vực thẳm ấy để đổ tràn Máu vào.” Sau ơn nhận
được lần thứ bốn, ngày 9 tháng giêng 1941, đến ngày thứ sáu tuần thánh, 12
tháng tư 1941, bà đã nhận được tiếng gọi tự hiến cho Vinh Quang của Chúa trong
chức tư tế của Ngài: “Bấy giờ tôi đã thấy một chuỗi huy hoàng, một khối hợp nhất
tráng lệ, một con dốc Vinh Quang, từ tận chân lên tới đỉnh, bởi chức tư tế của
Đức Kitô: và sự việc trở nên đơn giản.”
Nói cách khác, Marie Chúa Ba Ngôi đã
nhận được một ơn gọi ngay bên trong ơn gọi tu trì. Ơn gọi này, trong trường hợp
của bà, thuộc trật tự huyền nhiệm, và không có ai nghi ngờ về ơn gọi ấy cho đến
khi bà chết, ngoại trừ các vị đồng hành tâm linh của bà. Bà đã nhận được tiếng
gọi hợp nhất với chức tư tế của Đức Kitô. Dĩ nhiên, đó không phải là sự phong
chức linh mục, nhưng là sự hợp nhất trong hiến dâng và cầu nguyện. Ngài đã cho
bà hiểu được rằng thế giới tội lỗi biết chừng nào, nhưng Đức Kitô cũng dùng Máu
châu báu của Ngài để cứu vớt nó biết bao nhiêu, và điều ấy làm Trái Tim Chúa
Cha vui mừng biết bao. Bà đã có thể kết hợp vào chuyển động tình yêu của Đức Kitô
vốn đã định hướng và lấp đầy đời bà như từ bên trong.
*
Các thí dụ mà chúng ta vừa nêu ra liên
quan đến những người đã thành công trong đời mình và đã nhận được sứ vụ mà
Thiên Chúa chuẩn bị cho họ. Họ đã đi tới cùng sứ vụ này, hoặc bằng hoạt động
bên ngoài, hoặc đơn giản bằng kinh nguyện và đời sống huyền nhiệm.
Tuy nhiên, ta đừng tưởng rằng đó là những
sự việc ngoại lệ. Mỗi người trong chúng ta là đối tượng của một tiếng gọi tương
tự. Ta phải cầu xin Chúa tỏ lộ tiếng gọi ấy khi đến thời đến buổi, phải ước ao
nhận biết tiếng gọi đó, và sống trong tình yêu và ân huệ hằng ngày trong lúc chờ
đợi tiếng gọi ấy được vén mở.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét