II. THẦN BÍ VÀ HOÀN THIỆN KI-TÔ GIÁO
Hoàn thiện là tình trạng hay điều kiện hiện hữu đã hoàn tất hay đã chấm dứt mà không dư thừa hay thiếu bất cứ điều gì. Bản chất của sự hoàn thiện Ki-tô giáo hệ tại sự liên kết mật thiết với Thiên Chúa nhờ đức ái trọn hảo. Điều này có thể đạt được ngay trong cuộc sống đời này và được diễn tả qua cuộc hôn nhân huyền nhiệm hay sự kết hợp siêu biến.
[62] Như thế, giữa thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo có mối quan hệ đặc biệt. Trạng thái thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo có thể chỉ là cách gọi tên khác nhau của cùng một thực tại là kết hợp với Thiên Chúa. Và cùng đích đời sống ki-tô hữu cũng là điểm tới mà đức ái hoàn hảo và thần bí hướng về.
1. Thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo
Đời sống thiêng liêng là một tiến trình tiệm tiến từ bình thường đến khổ chế; từ khổ chế đến thần bí, do mọi người được mời gọi nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện,
[63] vì“ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh”.
[64] Tuy nhiên, trên con đường hoàn thiện có sự khác biệt cả khách quan lẫn chủ quan.
Khách quan vì Thiên Chúa muốn cho mỗi người mỗi khác:“trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở.” (Ga 14,2). Chủ quan vì hoàn thiện Ki-tô giáo hệ lại tại ở đức ái, nên mức độ của đức ái là mức độ của hoàn thiện. Một người yêu mến Thiên Chúa và tha nhân được kể là người hoàn thiện theo nghĩa thực chất của từ này.
[65] Có điều, hoàn thiện Ki-tô giáo chỉ trọn vẹn trong đức ái viên mãn nhờ ân huệ Chúa Thánh Thần.
[66] Một cách hiểu khác là hoàn thiện Ki-tô giáo nhất thiết đòi tình trạng thần bí.
[67] Cho nên, vấn đề đặt ra là khi nào linh hồn đi vào trạng thái thần bí? Thần học thần bí có nhiều quan điểm khi trả lời câu hỏi này.
Theo cha Aumann linh hồn đi vào trạng thái thần bí khi đức ái phát triển tới điểm hoàn toàn từ bỏ mình để theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
[68] Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể đặt một linh hồn vào trạng thái thần bí ngay chính giai đoạn đầu của đời sống thiêng liêng. Vì thế, có người ở giai đoạn thanh tẩy mà vẫn có những hành vi thần bí. Trái lại, người đã bước vào trạng thái thần bí mà vẫn thực hành những việc ở giai đoạn thanh tẩy. Bởi vậy, trạng thái thần bí thì âm thầm trong giai đoạn khổ hạnh; chạy dài trong đời sống thiêng liêng và biểu hiện rõ nét trong giai đoạn kết hợp.
Theo cha Juan Arintero trạng thái thần bí khởi đầu ở giai đoạn cầu nguyện tình cảm.
[69] Vì bằng trái tim người ta chiếm ngay được Chúa. Với thánh Têrêsa Avila thì con đường hoàn thiện đạt được trong cấp độ cầu nguyện hiệp nguyện, khi đó linh hồn sống trạng thái thần bí.
[70] Còn theo thánh Gioan Thánh Giá khi linh hồn đạt đến kết hợp siêu biến, thì sự kết hợp này tạo nên sự hoàn thiện Ki-tô giáo trọn vẹn. Muốn kết hợp siêu biến, linh hồn phải trải qua thanh tẩy thụ động của đêm tối, để lòng mến Chúa được nên hoàn hảo.
[71] Dù thế nào thì người ta cần nhớ rằng tác nhân chính trong đời sống tâm linh là Chúa Thánh Thần, Đấng không bao giờ bị giới hạn bởi các chỉ thị và kết luận của thần học.
[72] Vì thế người muốn tiến bước trên đường trọn lành thì nhất thiết phải luôn sống theo sự hướng dẫn và đón nhận ân huệ Ngài ban.
Vậy có thể hiểu hoàn thiện Ki-tô giáo và thần bí gặp nhau khi linh hồn kết hợp siêu biến, hay ở tình trạng cầu nguyện hiệp nguyện. Và sự viên mãn ở đời này là trạng thái thần bí, khi con người kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, đó là đỉnh cao của hoàn thiện đức ái.
2. Vai trò của khổ hạnh và ân huệ Chúa Thánh Thần trong thần bí
Nhìn chung, các nhà thần học linh đạo quan niệm về đời sống tâm linh gồm hai chiều kích khổ hạnh và thần bí. Trong khi đó nhận thức về hoạt động của ân huệ Chúa Thánh Thần là một đặc điểm khác nhau căn bản giữa khổ hạnh và thần bí. Nếu khổ hạnh là cách thức thuần túy của con người sử dụng để thăng tiến thiêng liêng, nhờ sự soi dẫn của đức tin và đức mến, thì ân sủng lại là hoạt động của Thiên Chúa cách thụ động trên linh hồn ở tình trạng thần bí.
Quả vậy, được thôi thúc bởi lòng mến Chúa những người mới bước vào hành trình tâm linh thường vui thích thực hành khổ hạnh để chứng tỏ tình yêu với Ngài. Đây là đặc tính của tình trạng khổ hạnh, thời kỳ Thiên Chúa thường ban ơn an ủi thiêng liêng, mời gọi con người tiến đến kết hợp với Ngài. Đó cũng là hoạt động của ân huệ của Chúa Thánh Thần trong thời kỳ thanh luyện chủ động. Tuy nhiên, chính khi các ân huệ Chúa Thánh Thần đến thường xuyên và lặp đi lặp lại, đến lúc chế ngự việc thực hành các nhân đức phú bẩm theo cách thức của con người, thì linh hồn bắt đầu đi vào tình trạng thần bí,
[73] thường được biểu hiện bằng tình trạng khô khan kéo dài. Thánh Gioan Thánh Giá gọi đó là đêm tối, nó bắt đầu thời kỳ thanh tẩy thụ động. Đêm này thanh luyện giác quan và tâm linh để kết hợp con người với Thiên Chúa.
Nhưng làm thế nào các ân huệ Chúa Thánh Thần tạo ra được kinh nghiệm thần bí, và tại sao lại ngưng ban những an ủi thiêng liêng trong lúc thanh tẩy thụ động? Vì ân huệ Chúa Thánh Thần cấu thành nên chính bản chất thần bí,
[74] lại vì hoạt động của các ân huệ đó theo cách thức Thiên Chúa, trổi vượt hơn các nhân đức phú bẩm theo cách thức con người như tình trạng khổ hạnh. Hơn nữa, trong suốt thời gian thanh tẩy thụ động, các ân huệ Chúa Thánh Thần vận hành đúng mục đích: vừa thanh luyện linh hồn khỏi những ràng buộc, vừa lấy đi khỏi nó bất cứ cảm nghiệm vui sướng nào về Thiên Chúa, thậm chí còn mang đến cho linh hồn kinh nghiệm về sự khiếm diện và ruồng bỏ của Người,
[75] đó chính là đau khổ nội tâm.
Theo thánh Gioan Thánh Giá, có đau khổ nội tâm vì Thiên Chúa siêu vượt hơn linh hồn và vì linh hồn hèn yếu nên đau khổ và tối tăm.
[76] Cuộc thanh tẩy của đêm tối này dù là đau khổ đối với con người nhưng đó cũng là ân huệ Thiên Chúa ban, vì nhờ có thanh tẩy linh hồn mới có thể kết hợp với Ngài.
Như vậy, ân huệ Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu trên đường tiến tâm linh cả trong khổ hạnh và thần bí. Vì thế, để tiến bước trên đường hoàn thiện, người ta không thể bỏ qua khổ hạnh, lại phải khiêm nhường đón nhận ân huệ Chúa Thánh Thần, vì miệt mài tìm kiếm là vô ích nếu “từ nguồn” không ban.
3. Cùng đích của đời sống ki-tô hữu
Mục đích là điều trước tiên phải hướng tới trong ý định và là điều sau cùng đạt được trong thực hiện. Thần học đời sống tâm linh chỉ ra ba mục đích rõ ràng của đời sống ki-tô hữu, đúng hơn là chỉ có một mục đích tối hậu và hai mục đích gần hay phụ thuộc. Mục đích tối hậu là vinh quang Thiên Chúa, hai mục đích kia là sự thánh hóa và ơn cứu độ.
[77]
Vinh quang nội tại là Tình yêu thần linh Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm khôn tả và vẻ đẹp vô hạn của vinh quang Ngài. Vinh quang ấy hoàn hảo, không thiếu điều gì và cũng không thể thêm được gì.
[78] Sáng tạo là giai điệu ngoại tại phản chiếu vinh quang Thiên Chúa tuôn trào cho muôn loài. Là đỉnh cao của công trình sáng tạo, nên tự bản chất con người phản chiếu ánh vinh quang Thiên Chúa. Khi sa ngã phạm tội, nguyên tổ đã làm mất đi vẻ đẹp rạng ngời của ánh vinh quang ấy. Thiên Chúa đã phục hồi vẻ đẹp vinh quang cho con người bằng ơn cứu độ nhờ sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô. Vì thế, để đạt mục đích đời sống con người phải đón nhận ơn thánh hóa của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, bằng đời sống thánh thiện trong đức ái trọn hảo.
Thánh I-rê-nê đã nói :“Vinh quang Thiên Chúa là con người sống và sự sống của con người là chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa”.
[79] Tuy nhiên, con người chỉ phản ánh vinh quang Thiên Chúa khi kết hợp với Ngài, nghĩa là được ơn thánh hóa, được nên thánh, mà con người chỉ nên thánh khi đã đón nhận ơn cứu độ của Chúa Ki-tô, qua bí tích Thánh tẩy. Trong nghĩa này, các ki-tô hữu là người phản ánh vinh quang Thiên Chúa, có điều vinh quang ấy không phải là kho tàng được ban cho để giữ lấy mà là hạt giống ân sủng được gieo trồng để được lớn lên trong đời sống, điều mà họ phải trả lại cho Thiên Chúa vì đã lãnh nhận sự sống thần linh từ Ngài.
[80]
Khi sống đời thánh thiện, người ki-tô hữu được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Đó là đích điểm của cảm nghiệm thần bí. Tuy vậy, dù đã tiến xa trên đường trọn lành, và ngay cả hạnh phúc trọn vẹn trên Thiên đàng thì cũng chưa phải là mục đích tối hậu đời sống người ki-tô hữu, đó chỉ là những phương thế tuyệt hảo và có hiệu quả nhất đem lại vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa. Chứng nghiệm điều này, thánh Gioan Thánh Giá khi vẽ sơ đồ cuộc hành trình lên đỉnh hoàn thiện, trên mút cùng đó ngài viết:“nơi đây, trên đỉnh cao này chỉ có danh dự và vinh quang Thiên Chúa”.
[81]
Kết luận
Bản chất thần bí Ki-tô giáo, tức sự kết hợp con người với Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, là trọng tâm của mặc khải Thánh Kinh. Như thế Ki-tô giáo là đạo thần bí. Cũng từ bản chất của sự kết hợp này có hai nghĩa của từ thần bí được xác nhận: nghĩa rộng được hiểu là mọi ki-tô hữu nhờ bí tích Thánh Tẩy đều có ơn gọi đời sống thần bí; nghĩa hẹp là một số người được Thiên Chúa ban cho ơn đặc biệt họ cảm nghiệm được sự kết hợp thần linh với Ngài, dù những hiện tượng thần bí thì không thuộc về bản chất sự kết hợp này.
Hành trình thần bí cũng là hành trình đời sống tâm linh dù có nhiều cách gọi khác nhau nhưng đều trải qua ba giai đoạn: thanh tẩy, soi sáng và kết hợp, hoặc từ thông thường đến khổ hạnh; từ khổ hạnh đến thần bí. Kết hợp với Thiên Chúa nhờ đức ái trọn hảo là đích điểm của hoàn thiện Ki-tô giáo, cũng là sự viên mãn ở đời này do trạng thái thần bí mang lại. Tất cả nhắm đến mục đích tối hậu của đời sống người ki-tô hữu là vinh quang Thiên Chúa. Muốn được như vậy người ta phải đón nhận ơn cứu độ của Chúa Ki-tô và nên thánh.
(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.