Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

Chốn hẹn



Căn phòng nhỏ, chốn hẹn hò,
Nơi tôi tìm được bến bờ yêu đương.
Mỗi ngày thêm mỗi mến thương.
 

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo




II. THẦN BÍ VÀ HOÀN THIỆN KI-TÔ GIÁO

Hoàn thiện là tình trạng hay điều kiện hiện hữu đã hoàn tất hay đã chấm dứt mà không dư thừa hay thiếu bất cứ điều gì. Bản chất của sự hoàn thiện Ki-tô giáo hệ tại sự liên kết mật thiết với Thiên Chúa nhờ đức ái trọn hảo. Điều này có thể đạt được ngay trong cuộc sống đời này và được diễn tả qua cuộc hôn nhân huyền nhiệm hay sự kết hợp siêu biến.[62] Như thế, giữa thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo có mối quan hệ đặc biệt. Trạng thái thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo có thể chỉ là cách gọi tên khác nhau của cùng một thực tại là kết hợp với Thiên Chúa. Và cùng đích đời sống ki-tô hữu cũng là điểm tới mà đức ái hoàn hảo và thần bí hướng về.

1. Thần bí và hoàn thiện Ki-tô giáo

Đời sống thiêng liêng là một tiến trình tiệm tiến từ bình thường đến khổ chế; từ khổ chế đến thần bí, do mọi người được mời gọi nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện,[63] vì“ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh”.[64] Tuy nhiên, trên con đường hoàn thiện có sự khác biệt cả khách quan lẫn chủ quan.

Khách quan vì Thiên Chúa muốn cho mỗi người mỗi khác:“trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở.” (Ga 14,2). Chủ quan vì hoàn thiện Ki-tô giáo hệ lại tại ở đức ái, nên mức độ của đức ái là mức độ của hoàn thiện. Một người yêu mến Thiên Chúa và tha nhân được kể là người hoàn thiện theo nghĩa thực chất của từ này.

[65] Có điều, hoàn thiện Ki-tô giáo chỉ trọn vẹn trong đức ái viên mãn nhờ ân huệ Chúa Thánh Thần.[66] Một cách hiểu khác là hoàn thiện Ki-tô giáo nhất thiết đòi tình trạng thần bí.[67] Cho nên, vấn đề đặt ra là khi nào linh hồn đi vào trạng thái thần bí? Thần học thần bí có nhiều quan điểm khi trả lời câu hỏi này.

Theo cha Aumann linh hồn đi vào trạng thái thần bí khi đức ái phát triển tới điểm hoàn toàn từ bỏ mình để theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.[68] Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể đặt một linh hồn vào trạng thái thần bí ngay chính giai đoạn đầu của đời sống thiêng liêng. Vì thế, có người ở giai đoạn thanh tẩy mà vẫn có những hành vi thần bí. Trái lại, người đã bước vào trạng thái thần bí mà vẫn thực hành những việc ở giai đoạn thanh tẩy. Bởi vậy, trạng thái thần bí thì âm thầm trong giai đoạn khổ hạnh; chạy dài trong đời sống thiêng liêng và biểu hiện rõ nét trong giai đoạn kết hợp.

Theo cha Juan Arintero trạng thái thần bí khởi đầu ở giai đoạn cầu nguyện tình cảm.[69] Vì bằng trái tim người ta chiếm ngay được Chúa. Với thánh Têrêsa Avila thì con đường hoàn thiện đạt được trong cấp độ cầu nguyện hiệp nguyện, khi đó linh hồn sống trạng thái thần bí.[70] Còn theo thánh Gioan Thánh Giá khi linh hồn đạt đến kết hợp siêu biến, thì sự kết hợp này tạo nên sự hoàn thiện Ki-tô giáo trọn vẹn. Muốn kết hợp siêu biến, linh hồn phải trải qua thanh tẩy thụ động của đêm tối, để lòng mến Chúa được nên hoàn hảo.[71] Dù thế nào thì người ta cần nhớ rằng tác nhân chính trong đời sống tâm linh là Chúa Thánh Thần, Đấng không bao giờ bị giới hạn bởi các chỉ thị và kết luận của thần học.[72] Vì thế người muốn tiến bước trên đường trọn lành thì nhất thiết phải luôn sống theo sự hướng dẫn và đón nhận ân huệ Ngài ban.

Vậy có thể hiểu hoàn thiện Ki-tô giáo và thần bí gặp nhau khi linh hồn kết hợp siêu biến, hay ở tình trạng cầu nguyện hiệp nguyện. Và sự viên mãn ở đời này là trạng thái thần bí, khi con người kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, đó là đỉnh cao của hoàn thiện đức ái.

2. Vai trò của khổ hạnh và ân huệ Chúa Thánh Thần trong thần bí

Nhìn chung, các nhà thần học linh đạo quan niệm về đời sống tâm linh gồm hai chiều kích khổ hạnh và thần bí. Trong khi đó nhận thức về hoạt động của ân huệ Chúa Thánh Thần là một đặc điểm khác nhau căn bản giữa khổ hạnh và thần bí. Nếu khổ hạnh là cách thức thuần túy của con người sử dụng để thăng tiến thiêng liêng, nhờ sự soi dẫn của đức tin và đức mến, thì ân sủng lại là hoạt động của Thiên Chúa cách thụ động trên linh hồn ở tình trạng thần bí.

Quả vậy, được thôi thúc bởi lòng mến Chúa những người mới bước vào hành trình tâm linh thường vui thích thực hành khổ hạnh để chứng tỏ tình yêu với Ngài. Đây là đặc tính của tình trạng khổ hạnh, thời kỳ Thiên Chúa thường ban ơn an ủi thiêng liêng, mời gọi con người tiến đến kết hợp với Ngài. Đó cũng là hoạt động của ân huệ của Chúa Thánh Thần trong thời kỳ thanh luyện chủ động. Tuy nhiên, chính khi các ân huệ Chúa Thánh Thần đến thường xuyên và lặp đi lặp lại, đến lúc chế ngự việc thực hành các nhân đức phú bẩm theo cách thức của con người, thì linh hồn bắt đầu đi vào tình trạng thần bí,[73] thường được biểu hiện bằng tình trạng khô khan kéo dài. Thánh Gioan Thánh Giá gọi đó là đêm tối, nó bắt đầu thời kỳ thanh tẩy thụ động. Đêm này thanh luyện giác quan và tâm linh để kết hợp con người với Thiên Chúa.

Nhưng làm thế nào các ân huệ Chúa Thánh Thần tạo ra được kinh nghiệm thần bí, và tại sao lại ngưng ban những an ủi thiêng liêng trong lúc thanh tẩy thụ động? Vì ân huệ Chúa Thánh Thần cấu thành nên chính bản chất thần bí,[74] lại vì hoạt động của các ân huệ đó theo cách thức Thiên Chúa, trổi vượt hơn các nhân đức phú bẩm theo cách thức con người như tình trạng khổ hạnh. Hơn nữa, trong suốt thời gian thanh tẩy thụ động, các ân huệ Chúa Thánh Thần vận hành đúng mục đích: vừa thanh luyện linh hồn khỏi những ràng buộc, vừa lấy đi khỏi nó bất cứ cảm nghiệm vui sướng nào về Thiên Chúa, thậm chí còn mang đến cho linh hồn kinh nghiệm về sự khiếm diện và ruồng bỏ của Người,[75] đó chính là đau khổ nội tâm.

Theo thánh Gioan Thánh Giá, có đau khổ nội tâm vì Thiên Chúa siêu vượt hơn linh hồn và vì linh hồn hèn yếu nên đau khổ và tối tăm.[76] Cuộc thanh tẩy của đêm tối này dù là đau khổ đối với con người nhưng đó cũng là ân huệ Thiên Chúa ban, vì nhờ có thanh tẩy linh hồn mới có thể kết hợp với Ngài.

Như vậy, ân huệ Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu trên đường tiến tâm linh cả trong khổ hạnh và thần bí. Vì thế, để tiến bước trên đường hoàn thiện, người ta không thể bỏ qua khổ hạnh, lại phải khiêm nhường đón nhận ân huệ Chúa Thánh Thần, vì miệt mài tìm kiếm là vô ích nếu “từ nguồn” không ban.

3. Cùng đích của đời sống ki-tô hữu

Mục đích là điều trước tiên phải hướng tới trong ý định và là điều sau cùng đạt được trong thực hiện. Thần học đời sống tâm linh chỉ ra ba mục đích rõ ràng của đời sống ki-tô hữu, đúng hơn là chỉ có một mục đích tối hậu và hai mục đích gần hay phụ thuộc. Mục đích tối hậu là vinh quang Thiên Chúa, hai mục đích kia là sự thánh hóa và ơn cứu độ.[77]

Vinh quang nội tại là Tình yêu thần linh Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm khôn tả và vẻ đẹp vô hạn của vinh quang Ngài. Vinh quang ấy hoàn hảo, không thiếu điều gì và cũng không thể thêm được gì.[78] Sáng tạo là giai điệu ngoại tại phản chiếu vinh quang Thiên Chúa tuôn trào cho muôn loài. Là đỉnh cao của công trình sáng tạo, nên tự bản chất con người phản chiếu ánh vinh quang Thiên Chúa. Khi sa ngã phạm tội, nguyên tổ đã làm mất đi vẻ đẹp rạng ngời của ánh vinh quang ấy. Thiên Chúa đã phục hồi vẻ đẹp vinh quang cho con người bằng ơn cứu độ nhờ sự chết và phục sinh của Chúa Ki-tô. Vì thế, để đạt mục đích đời sống con người phải đón nhận ơn thánh hóa của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, bằng đời sống thánh thiện trong đức ái trọn hảo.

Thánh I-rê-nê đã nói :“Vinh quang Thiên Chúa là con người sống và sự sống của con người là chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa”.[79] Tuy nhiên, con người chỉ phản ánh vinh quang Thiên Chúa khi kết hợp với Ngài, nghĩa là được ơn thánh hóa, được nên thánh, mà con người chỉ nên thánh khi đã đón nhận ơn cứu độ của Chúa Ki-tô, qua bí tích Thánh tẩy. Trong nghĩa này, các ki-tô hữu là người phản ánh vinh quang Thiên Chúa, có điều vinh quang ấy không phải là kho tàng được ban cho để giữ lấy mà là hạt giống ân sủng được gieo trồng để được lớn lên trong đời sống, điều mà họ phải trả lại cho Thiên Chúa vì đã lãnh nhận sự sống thần linh từ Ngài.[80]

Khi sống đời thánh thiện, người ki-tô hữu được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Đó là đích điểm của cảm nghiệm thần bí. Tuy vậy, dù đã tiến xa trên đường trọn lành, và ngay cả hạnh phúc trọn vẹn trên Thiên đàng thì cũng chưa phải là mục đích tối hậu đời sống người ki-tô hữu, đó chỉ là những phương thế tuyệt hảo và có hiệu quả nhất đem lại vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa. Chứng nghiệm điều này, thánh Gioan Thánh Giá khi vẽ sơ đồ cuộc hành trình lên đỉnh hoàn thiện, trên mút cùng đó ngài viết:“nơi đây, trên đỉnh cao này chỉ có danh dự và vinh quang Thiên Chúa”.[81]

Kết luận

Bản chất thần bí Ki-tô giáo, tức sự kết hợp con người với Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô, là trọng tâm của mặc khải Thánh Kinh. Như thế Ki-tô giáo là đạo thần bí. Cũng từ bản chất của sự kết hợp này có hai nghĩa của từ thần bí được xác nhận: nghĩa rộng được hiểu là mọi ki-tô hữu nhờ bí tích Thánh Tẩy đều có ơn gọi đời sống thần bí; nghĩa hẹp là một số người được Thiên Chúa ban cho ơn đặc biệt họ cảm nghiệm được sự kết hợp thần linh với Ngài, dù những hiện tượng thần bí thì không thuộc về bản chất sự kết hợp này.

Hành trình thần bí cũng là hành trình đời sống tâm linh dù có nhiều cách gọi khác nhau nhưng đều trải qua ba giai đoạn: thanh tẩy, soi sáng và kết hợp, hoặc từ thông thường đến khổ hạnh; từ khổ hạnh đến thần bí. Kết hợp với Thiên Chúa nhờ đức ái trọn hảo là đích điểm của hoàn thiện Ki-tô giáo, cũng là sự viên mãn ở đời này do trạng thái thần bí mang lại. Tất cả nhắm đến mục đích tối hậu của đời sống người ki-tô hữu là vinh quang Thiên Chúa. Muốn được như vậy người ta phải đón nhận ơn cứu độ của Chúa Ki-tô và nên thánh.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Biển Yêu Thương


Ở bên ngoài Biển Yêu Thương
Có gì đáng để vấn vương kiếm tìm,
Có gì thỏa mãn con tim?

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo




II. HÀNH TRÌNH THẦN BÍ KI-TÔ GIÁO

Hành trình thần bí vốn huyền nhiệm và khó tả, trong quá trình tăng trưởng lại có quá nhiều sắc thái do hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mỗi tâm hồn mỗi khác. Truyền thống thần học tâm linh chia hành trình thần bí hay con đường hoàn thiện Ki-tô giáo thành ba giai đoạn. Dù tên gọi và cách thức tiếp cận khác nhau nhưng bản chất vẫn là sự kết hợp với Thiên Chúa. Hiện nay, chưa có phương pháp trình bày nào được coi là tối ưu. Ở đây, có thể ghi nhận ba quan điểm, cũng là ba phương pháp tiêu biểu là: hành trình ba giai đoạn của quan điểm cổ truyền; hành trình đức ái hoàn hảo theo thánh Tôma Aquinô và hành trình tòa lâu đài nội tâm của thánh Têrêsa Avila mà bài viết này tập chú nhiều ở Phần 2.

1. Quan điểm cổ truyền

Quan điểm cổ truyền chia hành trình thần bí thành ba giai đoạn là: thanh luyện, chiếu sáng và kết hợp, cũng được gọi là thanh đạo, minh đạo và hiệp đạo.[52] Trong mỗi giai đoạn này người ki-tô hữu nhận ra tình trạng, phương thế và mục đích để hướng đến.

1.1. Giai đoạn thanh luyện

Gọi là thanh luyện, vì giai đoạn này dành cho những người khởi đầu, họ muốn sống chân thành đời sống người ki-tô hữu. Tuy sống trong ân nghĩa với Chúa nhưng họ vẫn còn quyến luyến với các tội nhẹ. Mục đích thanh luyện là giúp họ thống hối các lỗi lầm trong quá khứ. Thực tập khổ hạnh để tránh cám dỗ và nguy cơ phạm tội. Những người ở giai đoạn này có thể đạt mục đích bằng hai phương thế: cầu nguyện để được ơn Chúa và khổ hạnh để lãnh nhận ơn Chúa.

1.2. Giai đoạn chiếu sáng

Giai đoạn này được gọi là chiếu sáng vì tập trung vào sống theo gương nhân đức của Chúa Giêsu là ánh sáng. Điều kiện để vào giai đoạn này là linh hồn[53] thường xuyên trong tình trạng ân sủng, gớm ghét tội nhẹ và mọi nguy cơ phạm tội, làm chủ các dục vọng, thâm tín các đạo lý đức tin. Nhắm mục đích nên giống Chúa Giêsu, linh hồn phải đặt Chúa làm trung tâm đời sống, để Chúa điều khiển mọi tư tưởng, tình cảm. Phương thế thực hiện là cầu nguyện, suy ngắm tâm tình hơn là suy lý. Linh hồn khát khao tìm hiểu, yêu mến Chúa Giêsu và thực hành các nhân đức theo gương Ngài.

1.3. Giai đoạn kết hợp

Sau khi đã trải qua hai giai đoạn thanh luyện và chiếu sáng, linh hồn tiến vào giai đoạn kết hợp. Người đã tiến vào bậc này được kết hợp với Chúa cách mật thiết và thường xuyên. Linh hồn tan biến trong Chúa, chỉ sống bởi Chúa và nhờ Chúa. Cuộc sống của họ được đức mến thôi thúc, họ quên mình, tập trung tất cả tư tưởng, tâm tình và hành động vào lòng mến Chúa. Hiệu quả đạt được của bậc này là : linh hồn thoát ly thụ tạo; lòng mến Chúa đã trở nên nhu cầu sống; đời sống cầu nguyện trở thành việc chiêm ngắm Chúa liên lỉ trong tình yêu và hằng tuân phục thánh ý Chúa.[54]

Nhiều tác giả tu đức cho rằng giai đoạn thanh luyện và chiếu sáng là thời kỳ khổ chế, khi đạt tới giai đoạn kết hợp là bắt đầu thời kỳ hiệp nhất thần bí.[55] Như thế, tiến trình kết hợp của con người với Thiên Chúa được hiểu cách khác là từ khổ chế đến thần bí.

2. Quan điểm của thánh Tôma Aquinô

Đức ái là mối dây liên kết điều thiện hảo,[56] cũng là ơn cao trọng và trổi vượt.[57] Thánh Tôma Aquinô đã mô tả hành trình kết hợp với Thiên Chúa theo sự tiến bộ của đức ái.

2.1. Đức ái khởi đầu

Đời sống thiêng liêng phát sinh nhờ hiệu quả của đức ái. Bởi thế, với người mới khởi đầu trên đường tâm linh, thánh Tôma cho rằng :“bổn phận đầu tiên và chính yếu của con người là tránh tội lỗi và chống lại các dục vọng nơi mình, vì nó thúc đẩy con người làm trái ngược với đức ái”.[58] Những thanh luyện và hãm mình tự nó không phải là cùng đích, nó chỉ là phương thế để gạt đi các trở ngại ngăn cản sự tăng trưởng đức ái.

2.2. Đức ái tiến bộ

Ở bậc này, theo thánh Tôma, linh hồn phải chủ tâm tiến bước trong đường lành. Đức ái gia tăng và thêm vững mạnh.[59] Để mặc lấy Đức Ki-tô và trở nên giống Người, cần có những phương thế tích cực, nhờ đó, ơn thánh và đức ái mới có thể tăng trưởng. Các phương thế ấy là các bí tích, các việc lành phúc đức và cầu nguyện.

2.3. Đức ái hoàn hảo

Bậc này tương đương với giai đoạn kết hợp hay hiệp đạo. Ở tình trạng này, linh hồn quan tâm đặc biệt để kết hợp với Chúa: “mong ước được ra đi để được ở với Đức Ki-tô”.[60] Thánh Tôma, trong mở đầu luận đề Đức ái của Tổng luận Thần học, đã xác định: Đức ái là tình bạn giữa Thiên Chúa và con người. Đức ái hoàn hảo kết hợp mật thiết ta với Thiên Chúa, bởi hành vi yêu mến làm cho ý chí thoát ra khỏi chính mình để đến cư ngụ nơi Thiên Chúa.[61]

Như vậy, với thánh Tôma hành trình kết hợp thần bí hệ tại ở việc gia tăng lòng mến Chúa. Yêu mến Chúa là mục đích tối hậu và hạnh phúc tuyệt đối của con người. Nhờ yêu Chúa, người ta sẽ yêu tha nhân và yêu chính mình vì được thông phần vào bản tính của Thiên Chúa.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Đời sống thần bí Kitô giáo




2. Bản chất và đặc trưng thần bí Ki-tô giáo

2.1. Bản chất thần bí Ki-tô giáo

Bản chất thần bí Ki-tô giáo là sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Ki-tô. Nét độc đáo thần bí Ki-tô giáo là nơi Đức Giêsu chính Thiên Chúa đến gặp con người và mời gọi họ kết hợp với Ngài.

Nơi Đức Giêsu Thiên Chúa đã làm người để ở với con người.[35] Đức Giêsu đã mở đường để người môn đệ có thể “ở lại” trong Ngài,[36] và chính Thiên Chúa đến cư ngụ nơi người ấy :“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Đó là sự kết hợp trong tình yêu. Sự kết hợp ấy ở đỉnh cao được diễn tả bằng cuộc kết hôn nhiệm lạ giữa Thiên Chúa và linh hồn. Tuy nhiên, để khỏi rơi vào ảo tưởng tình cảm, các nhà thần bí Ki-tô giáo không quên lưu ý rằng việc kết hợp với Thiên Chúa không phải là chuyện tình cảm, nhưng tiên vàn là kết hợp ý chí,[37] theo gương Đức Ki-tô, người đến để thi hành ý muốn của Cha.[38]

2.2. Đặc trưng thần bí Ki-tô giáo

Có nhiều khuynh hướng thần bí Ki-tô giáo giải thích bản chất sự kết hợp với Thiên Chúa, như thần bí ánh sáng và đêm tối, thần bí giao duyên, thần bí bản thể hay vắng lặng.[39] Có thể ghi nhận các đặc trưng của thần bí Ki-tô giáo như sau:

2.2.1. Mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giêsu Ki-tô và Hội Thánh

Thiên Chúa của Ki-tô giáo được mặc khải là Đấng Sáng Tạo, vừa siêu việt vừa nội tại trong vạn vật. Hơn nữa, Ngài còn được tỏ bày là “Thân Phụ Đức Giêsu” và là Cha của tất cả mọi người.[40]

Thiên Chúa muốn mọi người được nhận biết tình thương của Người và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đã dành cho những ai kết hợp với Ngài. Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa tỏ bày kế hoạch tình thương đó,[41] bởi chính Ngài là Đường dẫn nhân loại về với Cha.[42] Cho nên, chìa khóa của thực tại thần bí Ki- tô giáo không phải là con người đi tìm gặp Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa đến gặp con người và bày tỏ cho con người tình yêu hợp nhất với Ngài.

Chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa, thần bí Ki-tô giáo tránh chủ trương vô tri và nhân hình về Ngài, nên thâm tín: một đằng Thiên Chúa đã được tỏ bày nơi Đức Ki-tô, vì thế, kết hợp với Thiên Chúa bao hàm sự hợp nhất với Đức Ki-tô, cả nhân tính và thiên tính. Đàng khác, vì Thiên Chúa là Đấng siêu việt, con người được mời gọi kết hợp với Ngài, nhưng mãi mãi con người vẫn là thọ tạo không thể nào đồng hóa với Thiên Chúa. Bao lâu còn sống ở trần gian, con người vẫn khát khao tìm kiếm và kết hợp với Ngài trong đêm tối.[43]

Là bí tích cứu độ của Chúa Ki-tô, Hội Thánh đón nhận và chuyển thông hồng ân đó cho con người bằng Lời Chúa và các bí tích. Nhờ Hội Thánh, đời sống thần bí người ki-tô hữu được nuôi dưỡng qua việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.[44]

2.2.2. Kết hiệp thần bí với Thiên Chúa biểu hiện qua đức mến

Đức ái là điều răn cao trọng nhất được chính Chúa Giêsu dạy.[45] Đức ái trọn hảo có mẫu chung là“yêu như Thày đã yêu”(Ga, 13, 35). Kết hợp thần bí không dẫn đến hủy diệt cá nhân trong Thiên Chúa, nhưng biểu hiện qua lòng mến, là đỉnh cao của sự hoàn thiện ki-tô hữu. Lòng mến Chúa trào ra lòng mến tha nhân. Yêu mến Thiên Chúa bao gồm cả việc yêu mến những người thuộc về Chúa, nhất là những người bé nhỏ hiện thân của Chúa Ki-tô. Sự kết hợp thần bí cũng đi kèm theo một đời sống đạo hạnh. Người ta không thể dung hòa việc kết hợp với Thiên Chúa mà lại sống nếp sống vô luân, trác táng. Vì tự bản chất đời sống thần bí họa lại dung nhan thánh thiện của Đức Ki-tô.[46]

Tình yêu đòi hỏi người ta luôn thăng tiến. Hơn nữa, trong hành trình thiêng liêng ai không tiến tức là đang lùi.

3.3.3. Đời sống thần bí gắn chặt với đời sống ki-tô hữu

Đời sống người ki-tô hữu đã mang tính thần bí từ khởi đầu, bởi vì khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, người tín hữu được liên kết vào Đức Ki-tô, trở thành chi thể của Người[47]. Thánh Thần đã biến đổi họ thành nghĩa tử của Thiên Chúa, [48]được thông phần vào bản tính Thiên Chúa,[49] và thành đền thờ Chúa Thánh Thần.[50]Tuy nhiên, đó mới là ơn “nền tảng”,“mầm giống” của đời sống thần bí.[51] Mầm giống thần linh đã được ban cho người ki-tô hữu nhờ bí tích Thánh tẩy nhưng nó chưa được kiện toàn. Vì thế, trong suốt cuộc đời mình, người ki-tô hữu cần phải sống cách có ý thức hơn bản tính thần bí trong mình, và phát triển mầm giống thần linh đã được lãnh nhận ấy.

Ở đây một lần nữa cần phân biệt đời sống thần bí và cảm nghiệm thần bí. Tất cả các ki-tô hữu đều được mời gọi đón nhận và phát triển đời sống thần bí. Đây là tiến trình hoàn thành ơn gọi làm con Thiên Chúa. Cảm nghiệm thần bí là ơn được ban cho một số người, họ cảm nhận được sự kết hợp gần gũi với Chúa. Tất nhiên cảm nghiệm đó không nhất thiết kéo dài cả đời người.

Như thế, rõ ràng có hai nghĩa của thần bí người ta phải xác nhận: nghĩa rộng là ơn gọi của mọi ki-tô hữu do hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy; nghĩa hẹp là đặc ân được ban cho một số ít người có cảm nghiệm đặc biệt về sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng như những biểu hiện trong sự kết hợp với Ngài, để minh chứng cho hồng ân thần hóa dành cho mọi người, như trường hợp thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá mà đề tài này quan tâm.

(Còn tiếp)
- Trích trong tác phẩm "Đời sống thần bí Ki-tô giáo qua cảm nghiệm của thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá" của Phêrô Tạ Văn Tuân.