Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Than Thân Trách Phận - Hoài Linh

           


Hoài Linh hát giọng Quảng Nam


Đăng bởi: doccosi
thân này, trách thân này,thân tui chớ sao lận đặng này,mình này ,trách mình này,số phận chớ sao hẽm hiu,chớ bởi thân tuj,tuj cực khổ tuj eo nghèo nên vợ tuj nó mới không ở nũa mà nó theo cái nẫu rùi,em ơi chớ bây giờ mà em ở kìa nơi đâu,chớ để cho anh,anh trong đứng nửa,trong ngồi,rầu canh kia chớ hồi nèo,wa phú lỡ en ấu chua chớ xuống Đại Lãnh uống nước mua chớ wa hòn chùa ăn mực gê nan,chớ bây giờ em ko ngó nữa,em ko ngàn đến chồng nghèo nó cực khổ mà gjang nan ,nó cơ hàn,hầu nào chớ e thất nghiệp e d9j làn thang,chớ a thấy e nũa,tội nghiệp,a dj mang a nuôi rầy,chớ hầu nào e bán nước đá,cái rầu a đi may,2 đứa mình này chung sống chứ ko biết ngày,rầu mai sau chứ hầu nào,e béc ốc rầu a hái rau ư,bây giờ e đỡ lại mẫu sầu cho ư hoa,chứ hầu nào trái chuối chìn cũng cén làm 3,chứ trái cam tươi cũng cén làm 4 nữa trái cá cũng cén lam 5,chứ bây giờ e lấy nẫu,chớ e ăn nèm e bỏ hoa,chớ hoa hju quạnh dì nam canh hoa 1 mình, a bây giờ khóe mắt sầu cứ rụng rinh,có giọt lợ giọt lợ than,như nươc trong bình nó tuôn ra,a bây giờ như con cuốc nó kêu tù wa chớ nó lẽ đâu nó lẽ ban wo7 chú cha ơ là buồn.....
*

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Đôi điều về chữ Nôm và giọng Quảng Nam (phần 1)


Giao Duyên xin chân thành cám ơn tác giả Nguyễn Cung Thông 
đã gởi tặng bài này

*

Đôi điều về chữ Nôm và giọng Quảng Nam (phần 1)

Nguyễn Cung Thông* (Melbourne, Úc), Vân Hạc** (Hà Nội, Việt Nam)


Vừa nghe lại các bài ca Mưa Chiều Kỷ Niệm, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Tình Bơ Vơ ... bằng giọng Quảng
(Nam), xem trang YouTube này [www.youtube.com] hay
http://www.youtube.com/watch?v=IM6dzrmTx8w  ... càng nghe càng thấy thấm thía, nhân đây cũng ghi lại vài nhận xét và các dữ kiện liên hệ.


1. Tại sao đọc là Nôm thay vì Nam 

Nhắc đến giọng Quảng (Nam) chúng tôi lại nghĩ đến (cách đọc) chữ Nôm 字喃 - tại sao lại đọc là Nôm từ Nam ra Bắc, từ Thừa Thiên đến Rạch Giá .... Đây cũng là giọng Quảng khi phát âm làm thành lồm, Nam thành Nôm ... Không những thế, thời vua Trần Nhân Tôn (khi chữ Nôm khởi sắc như qua Cư Trần Lạc Đạo phú ...) được Chế Mân nhượng cho Châu Ô và Châu Rí thuộc địa bàn Quảng Nam: cũng là khi người Việt định cư ở các khu này (trong tiến trình Nam Tiến). Do đó, cách đọc chữ Nôm (thay vì chữ Nam) là một dấu ấn thời-không-gian (time-space impression) của ngôn ngữ: thời gian là khi chữ Nôm khởi sắc và cho ra các tác phẩm giá trị (cần thiết cho văn học độc lập cũng như truyền thông ở biên giới phía Nam) hay là vào khoảng thế kỷ XII, XIII ; không gian là địa bàn tỉnh Quảng Nam nơi mà phương ngữ vẫn còn đọc Nam là Nôm.
               
Xem bản đồ Nam Tiến của dân tộc Việt   (trích từ trang [vi.wikipedia.org] )


Khi còn nhỏ, lớn lên trong một gia đình di cư từ Bắc vào Sài Gòn – chúng tôi nghe giọng Quảng (Nam) thấy rất lạ và thường nhái theo ... Nhưng sau này, học hỏi và tìm tòi thêm, mình mới nhận ra các giọng 'quê mùa ấy' lại bảo quản một số âm cổ (Việt) và có nhiều dữ kiện rất quý báu cho sự hiểu về quá trình hình thành tiếng Việt1 . Cũng đáng nhắc ở đây là Nồm (gió Nồm) chữ Nôm đều dùng chữ Nam 南 hay chữ Nam hợp với bộ vũ (tự điển Taberd)  𩄑  . Cái nơm (đơm2  bắt cá) chữ Nôm cũng dùng chữ Nam hợp với bộ trúc  䈒  . Nom (chăm nom, nom dõi) có một dạng ngạc cứng hóa (palatalised) là nhòm (ống nhòm, ống dòm) và một dạng chữ Nôm là  𥈶 ...v.v...

箔䈒   bạc nơm
筌䈒   thuyên nơm (Ngũ Thiên Tự - trang 80, 82, 90)
...
筌䈒   thuyên nơm (Tam Thiên Tự - trang 16)

Thả thả chăn chăn ít lại nom 𥈶   (Hồng Đức quốc âm thi tập)
Gã mục dè châm đã tới nom 𥈶   (Hồng Đức quốc âm thi tập)

Phần sau sẽ đi sâu hơn vào vốn từ Hán cổ cho thấy các dạng nơm/nôm và núm/nắm đã từng được các tài liệu Trung Quốc xưa ghi nhận.

2. Nơm/ nôm và nắm/núm

2.1 Nơm, có nơi ghi là nôm3 , là dụng cụ bắt cá từ phương Nam, Nơm còn có thể viết bằng bộ võng hợp với chữ Nam 罱 hiện diện trong vốn từ Hán cổ từ thời Ngọc Thiên 玉篇 (năm 543 SCN) đọc là nữ cảm thiết/nãi cảm thiết/nô cảm thiết hay *nơm/nam; cho đến thời Quảng Vận lại đọc là lỗ cảm thiết  魯敢切 (lãm, lẫn lộn n/l khi đọc *nam thành *lam) và trở thành cách đọc chuẩn!

Ngọc Thiên (543 SCN)

Quảng Vận  (1008)

Tập Vận (1037/1067)
  
Hình ảnh xưa đi ‘nơm’ ở Đông Kinh (Tonkin)  - trích từ chùm ảnh xưa về các nghề mưu sinh ở Đông Dương  http://www.indochine-souvenir.com/metiers/


 < Xách nơm qua đoạn nước sâu. - hiện nay ở Quảng Nam vẫn còn ‘đi nơm;

"Nghề" nơm không phân biệt già trẻ, nam nữ. - trích từ bài báo (22/8/2012)  
http://dulich.blognhanh.com/2012/08/nom-ca-mua-he.html hay bài báo (11/12/2012) viết về cả làng đi nơm cá ở Quảng Namhttp://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/24/24/219860/Default.aspx...v.v...

2.2 Nắm/núm/nuốm: cũng từ cách dùng chữ nam 南 để ký âm như trên mà ta có thể thấy cấu trúc chữ hiếm *nớm/nắm 揇 - hiện diện ít nhất vào thời Ngọc Thiên với các dữ kiện sau (xem hình chụp bên dưới)
  
奴感切 nô cảm thiết 搦也 nạch dã

Chữ 揇 đọc là *nớm/nắm nghĩa là nắm lấy (tiếng Việt còn dùng dạng cổ hơn là núm lấy) - một dạng ngạc cứng hóa là nhắm (Việt Bồ La/1651). Các dạng nắm núm nuốm - lúm (má lúm đồng tiền)  và nhóm (nhúm), tóm (túm) so với chòm (chùm, xóm - chòm còn là một đơn vị mường nhỏ), lờm (lùm) cho thấy khả năng nguồn gốc phương Nam (tiếng Việt cổ) của nắm/núm. Do đó chữ 揇 có thể là ký âm của *nớm (núm)/nắm của tiếng Việt nhập vào và làm vốn từ Hán (cổ) trở nên rất phong phú, cùng với chữ *nơm 罱

Ngọc Thiên  (543 SCN)
Quảng  Vận (1008)
Tập Vận (1037/1067) 

 …v.v…

Các dữ kiện trên khiến ta phải suy nghĩ lại về giai đoạn hình thành chữ Nôm4 (hay đóng góp của Quốc Âm vào vốn từ Hán): có thể trước đời Đường (618-907) phù hợp với đề nghị của Phạm Huy Hổ (chữ Nôm có từ thời Hùng Vương)  hay Văn Đa Cư Sĩ Nguyễn Văn San (chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp). Đây là một đề tài rất thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

*Nguyễn Cung Thông: Công Ty Cố Vấn Giáo Dục (Education Consultant)  - email address
**Vân Hạc: nhà văn, tác giả - email address vanhac.yenbai@gmail.com


3. Phụ chú và phê bình thêm

3.1 Phụ chú

Phần này không hoàn toàn theo cách ghi tài liệu (Bibliography) tham khảo APA hay MLA vì bao gồm các phê bình thêm về đề tài, tài liệu và tác giả để người đọc có thể tra cứu thêm chi tiết và chính xác.

1)  ngoài tương quan Nôm Nam như trên, một số biến âm (địa phương) đã thành chuẩn như con *hàm (chữ Nôm 𤞻 : bộ khuyển + chữ hàm 含) bây giờ ai cũng đọc là hùm (hồm - thời tự điển Việt Bồ La/1651). Tương tự ta có cách đọc hòm so với hàm 函 … Một chữ trong truyện Kiều mà chúng tôi rất thích đọc và tìm hiểu thêm là

Một vùng cỏ áy bóng tà (câu 97) - áy viết (chữ Nôm) là ái 愛 (từ Hán Việt là yêu, mến ...) - theo thiển ý nên đọc là úa (một đặc tính của giọng Quảng - quê chua/choa ...) .

Ăn chữ Nôm là 咹 với thanh phù là an 安, tuy nhiên còn có thể đọc là yên (so với giọng Quảng Nam en); yên (ngựa) 鞍 với cách đọc yên đã trở thành chuẩn (không nghe ai đọc là *an ngựa). Khuynh hướng chuyển nguyên âm về phía trước (a thành e, front vowel) là một đặc tính khác của giọng Quảng Nam mà yên là một dạng gần với âm en hơn so với âm an; các trường hợp tương tự  là từ Hán Việt yến (yên) 燕 én, yêu 腰 eo ...v.v...

Không nên xem các giọng địa phương như giọng Quảng Nam, Nghệ An ... là sai chính tả - như hàm ý của một bài báo mới đây của đài VOV trang này   http://vov.vn/Van-hoa/Ngo-ngang-nghe-Anh-Tuyet-hat-giong-Quang-Nam/225996.vov     ... Những giọng địa phương (quê mùa) nhiều khi còn mang 'nhiều chất Việt' hơn nơi nào hết! Xem thêm chi tiết về album mới ra của Ánh Tuyết http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130114/anh-tuyet-ra-mat-album-bang-giong-quang-nam.aspx

2) *nởm 䈒 tiếng Hán là 弱竹 nhược trúc (tre non) , không liên hệ gì đến nơm (dụng cụ bắt cá làm bằng tre) tiếng Việt; thành ra chữ Nôm nơm 䈒 có khả năng rất lớn là loại chữ tự tạo:

Ngọc Thiên 玉篇
Quảng Vận 廣韻 
Tập Vận 集韻

Chánh Tự Thông 正字通
3) nơm ghi là nôm như trong bài viết về các nông cụ Việt Nam vang bóng một thời - xem trang này http://www.phatgiaodaichung.com/Bai2011_04/NPTnongcuvn.pdf

4) cần phân biệt các giai đoạn hình thành chữ Nôm so với giai đoạn chữ Nôm cực thịnh (phản ánh qua các tác phẩm văn chương và thi phú).

3.2 Phê bình thêm

3.2.1  Từ năm 1932, học giả Phan Khôi (gốc Quảng Nam) đã đề nghị tương quan Nôm và nam cũng như (gió) Nồm - trích trang này http://lainguyenan.free.fr/pk1932/TenGio.html

‘TÊN GIÓ BỐN HƯỚNG

Gần đây tôi có được thơ một vị độc giả hỏi một điều hơi cắc cớ mà cũng có ý vị. Vậy sau khi trả lời bằng thơ riêng cho người hỏi, tôi đăng luôn cả cuộc vấn đáp lên báo, vì tưởng là không đến nỗi vô ích vậy.


Bức thơ hỏi như vầy:

« Bạc Liêu, le 8 Novembre 1932

Ông Phan Khôi,

Kính ông,

Từ ngày báo Phụ nữ tân văn thêm mục Hán văn độc tu, thì mỗi tuần tôi đều đọc kỹ. Nhờ vậy học thêm nhiều tiếng, phân biệt được nhiều nghĩa rõ ràng, nên tôi cảm bội vô cùng.

Bấy lâu nay chưa được nghe ai cắt nghĩa chuyện nầy, tuy là không ăn nhập vào những bài dạy của ông, nhưng nhờ ông là người đa văn quảng kiến, xin chỉ giùm câu chuyện sau đây, mà tôi đem hỏi ông, vì có thấy trong báo Phụ nữ số 175 ngày 3.11.1932, bốn chữ đông, tây, nam, bắc.

Tại sao gió hướng tây thổi đến, người ta lại gọi là gió nam? Còn gió hướng nam lại gọi là gió nồm?

Gió chướng bên phía đông thổi qua là tiếng đã thường nghe. Duy có hai tên gió nói trên đây không trùng với tên hướng, bởi vậy mỗi khi nghĩ đến mà cắt nghĩa không xuôi thì trí chẳng toại chút nào.

Muốn hiểu nghĩa cho cùng, vậy xin ông vui lòng giải giùm minh bạch, đặng giúp kiến văn cho người ít học...

Trần Văn Tìa

Conseiller provincial

Canton de Thạnh Hưng Bạc Liêu"


Bức thơ trả lời:

Saigon, le 11 Novembre 1932

Ông Trần Văn Tìa,

Tiếp được thơ ông hỏi tôi về mấy điều, vậy tôi xin trả lời cho ông như sau đây. Điều tôi nói đây chẳng do sách vở nào hết, chỉ đoán phỏng mà nói. Vậy xin ông coi như là một lời giảng giải chưa định, chớ khá tin trọn ở đó mà có khi sai chăng.

Ông hỏi tại sao gió hướng tây thổi đến lại gọi là gió nam, còn gió hướng nam lại gọi là gió nồm?

Xứ ta (nhứt là Trung kỳ) kêu bằng gió nam đó không phải là gió hướng tây như ông nói đâu, mà thật ra là gió tây nam. Từ tây nam sang cho nên nó đem hơi nóng sang, thành ra gió nam xứ ta thì nóng. Phía tây nam của xứ ta là một giải lục địa lớn (un grand continent), trong đó có mấy cái sa mạc (désert), cho nên gió đem khí nóng sang là phải; sách địa dư cũng nói gió lục địa là gió nóng. Tây nam mà tục ta lại quen kêu là gió nam, có lẽ là tại lúc đầu người mình không biện biệt phương hướng cho thật rõ, tưởng là gió chánh nam cho nên nói nam mà bỏ tây đi đó thôi.

Còn gió nồm là từ đông nam thổi sang chớ không phải chánh nam như ông nói. Đông nam của xứ ta là biển. Gió biển cho nên hễ nồm thì mát. Kêu bằng "nồm", có lẽ chữ "nồm" ấy do chữ "nam" mà ra. Gió nồm tức là gió nam vậy.

Chữ "nồm" do chữ "nam" ra, tôi lấy chứng cớ ở đây, có điều cái chứng cớ nầy hơi mong manh một chút:

"Tiếng Nam" hay là "chữ Nam", nghĩa là tiếng hoặc chữ của nước Nam, thì tục ta quen kêu bằng "tiếng nôm" hay "chữ nôm". Do chữ "nôm" ấy mà chuyển ra "nồm". Gió hướng nam thì gọi là "gió nồm".

Ai hiểu cái luật "chuyển âm" trong tiếng ta thì có thể tin cái thuyết ấy của tôi được một vài phần. Tiếng ta có nhiều tiếng chuyển như vậy. Như "miệng" (A) là cái miệng thì chuyển ra "miếng", nghĩa là vật gì vừa một miếng bỏ vô miệng. Lại như "mang" vật gì là verbe neutre, chuyển ra "máng" là verbe actif, nghĩa là bắt cái gì mang vật gì, như máng ách cho bò, máng áo trên móc, v.v... Còn nhiều chữ như vậy không kể hết.

Vậy thì "nam" chuyển ra "nôm", chuyển một lần nữa ra "nồm", cũng có lẽ lắm, mà đều nghĩa là cái gì thuộc về phương nam cả.

Gió "chướng" tức là gió đông, song tại sao lại kêu bằng "chướng"? Là vì mỗi khi gió ấy thổi tới (gió nầy từ Trung Bắc kỳ nhằm vào mùa mưa lụt), làm cho nước các sông bị cản lại, bị chướng tắc (nghĩa là ngăn lấp) lại, mà lâu rót ra biển (tục gọi là hàn cửa biển), nên gọi là gió chướng.

Lại gió bắc thì gọi là gió bấc, gió tây thì gọi là gió may, cũng có gọi là gió tây may. Bấc hẳn bởi chữ "bắc" mà ra. Còn tây sao gọi là may thì tôi chưa hiểu. Trong Truyện Kiều có câu "mưa vạy gió may" tức là gió tây.

Tôi nhớ như có người đã dùng chữ "gió vàng" để chỉ gió tây. Ấy là dịch chữ    (kim phong) ra. Theo thuyết ngũ hành, phương tây thuộc "kim", cho nên gọi  西  (tây phong) là    (kim phong). Chữ     (kim) nầy là métal chớ không phải or, thế mà người ta cũng nói bướng là "vàng" đi để cho đẹp lời.

Có mấy điều sau ông không hỏi, song tôi cũng nói luôn thể.

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 178 (24. 11. 1932)’  hết trích.

(A) lời chú thêm (Nguyễn Cung Thông): để ý miệng và miếng đều có một dạng chữ Nôm là mãnh 皿 , mãnh là âm Hán Việt (母梗切,音猛 mẫu ngạnh thiết, âm mãnh - Tập Vận) so với âm Hán cổ là *miêng (武永切 vũ vĩnh thiết - Đường Vận). Tiếng Mường (Bi) còn dùng đác mẽnh (nước miếng, đác là nác/nước, mẽnh là miệng) so với các ngôn ngữ khác như Nyah Kur (Chao Bon, liên hệ đến Môn) ta thấy cách dùng dáak páang(nước miếng, dáak là nước, páang là miệng); tiếng Khme có tức mót(nước miếng, tức là nước, mót là miệng); tiếng Chăm còn dùng ia pabah(nước miếng, ia là nước pabah là miệng) ...v.v... Các dữ kiện này cho ta cơ sỡ vững chắc để liên hệ miếng và miệng.

3.2.2  Một bài viết quan trọng và liên hệ trực tiếp đến đề tài bài viết này là"Một giả thuyết về từ nguyên của từ 'Nôm' " của Trần Xuân Ngọc Lan/TXNL đăng trong Tạp Chí Hán Nôm số 1 trang 95-98 (1988). Cho rằng Nôm là âm Nam không đủ thuyết phục, TXNL đề nghị (âm) Nôm có nguồn gốc từ đôm/dom (nghĩa là nói) gần như chung cho các ngôn ngữ Môn Khmer và Mã Lai đa đảo lục địa. Tương quan đôm-nôm có thể giải thích khi so sánh các tiếng Mường và Việt như đak-nác (nước)… Dựa vào giai đoạn xuất hiện của phụ âm mũi đầu lưỡi tắc n trong tiếng Việt (và dựa theo H. Maspéro/1912), TXNL đề nghị từ ‘Nôm’ phải xuất hiện từ giai đoạn Tiền Việt sang giai đoạn Việt Cổ hay vào thế kỷ X.

3.2.3  Vấn đề trở nên thú vị khi ta ngẫm nghĩ thêm về nguồn gốc giọng Quảng Nam. Trích từ Chương Dẫn Nhập của cuốn "Có 500 năm như thế"tác giả Hồ Trung Tú/HTT (Nhà Sách Phương Nam, 2011)

'... Nhiều người không hiểu cái giọng nói của người Quảng Nam nó xuất phát từ đâu trong khi tất cả các gia phả của các dòng họ đều ghi rõ rằng thủy tổ của họ là người Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương... vào đây. Giáo Sư Trần Quốc Vượng bảo: “Thì các cụ vào đây đâu có đem vợ con đi được nên lấy vợ Chàm rồi sinh con đẻ cái là cái chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt ấy đã truyền lại cho con cái mình cái giọng của người Chàm nói tiếng Việt. Cái giọng đó chính là giọng Quảng Nôm nhà cậu” ...' (hết trích). Tác giả HTT còn đề nghị là '... người Quảng Nam nói tiếng Việt bằng giọng Chăm ...'. Đây không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này nhưng cần được khai triển trong tương lai, để cho thấy những đóng góp không nhỏ của phương ngữ trong quá trình hình thành tiếng Việt.

3.2.4  Thêm vài chi tiết về âm Hán cổ của Nam 南 là nôm. Nam giọng Bắc Kinh (theo pinyin) bây giờ đọc là nán, so với nam4 (giọng Quảng Đông) hay nam2 hay lam2 (giọng Triều Châu).
  
Phục nguyên âm thượng cổ của chữ Nam 南 theo:

Karlgren: nu ̆m
Lí Phương Quế: nəm
Vương Lực: niuəm
Baxter: nom
Trịnh Trương Thượng Phương: nuum
Phan Ngộ Vân: noom

Âm cổ của nam 南 theo Axel Schuessler là *nôm (chúng tôi đã ghi gần đúng theo cách đọc tiếng Việt thay vì theo IPA) trang 396, trong cuốn "ABC Etymological Dictionary of Old Chinese" NXB University of Hawai'i Press (Honolulu, 2007). Học giả Lê Ngọc Trụ cũng liên hệ Nôm, Nồm đến Nam 南 - trang 356 trong cuốn "Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam" (NXB Thành Phố HCM, 1993). Học giả Paul Schneider cũng ghi Nôm là âm cổ của Nam trong cuốn Dictionnaire Historique Des Idéogrammes Vietnamiens / (licencié en droit Nice, France : Université de Nice-Sophia Antipolis, R.I.A.S.E.M.) - trang 553; Học giả Bernhard Karlgren trong cuốn "Grammata serica recensa" (số thứ tự là GSR 650a, 1957, Stockholm) cũng ghi quá trình biến âm của 南 là nôm > nậm > nán (theo pinyin, nán là âm Bắc Kinh hiện đại, để ý phụ âm cuối -m trở thành -n). Học giả E. G. Pulleyblank cũng ghi nhận dạng nôm là âm cổ của nam 南 trong cuốn "Lexicon of reconstructed pronunciation in Early Middle Chinese, Late MC and Early Mandarin" (1991, Vancouver B. C.) trang 221.

Đây là vài dữ kiện từ một từ điển trên mạng Trung Quốc về âm cổ của 南 - xem trang này [ytenx.org]

Lại một mạng tự điển Trung Quốc cũng cho thấy dạng âm cổ của Nam là nơm - trích lại từ trang này [tool.httpcn.com]

[ 上古音 ]:侵部泥母,n?m
[ 广 韵 ]:那含切,下平22覃,nán,咸開一平覃泥
[ 平水韵 ]:下平十三覃
[ 唐 音 ]:*nom
[ 国 语 ]:nán,nā
[ 粤 语 ]:naam4
[ 闽南语 ]:lam5 


Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Phở Hà Nội qua con mắt của phóng viên nước ngoài



(Nguồn: AFP)

Không ít người coi phở là món ăn đặc trưng nhất của người Việt Nam. Nhưng trong bài viết mới đây, phóng viên Cat Barton của AFP đã mô tả “món ăn này được bán ở những cửa hàng không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, những dòng người xếp hàng dài và trong môi trường tồi tàn nhất.” 

Phở, một món súp đơn giản với nước xương, gia vị, thảo mộc và sợi mỳ gạo, đã xuất hiện từ khoảng 100 năm trước tại miền Bắc Việt Nam và kể từ đó đã thu hút được sự chú ý của toàn cầu, được các đầu bếp nổi tiếng người Pháp và những sinh viên người Mỹ không dư dả tiền mặt ưa thích.

Nhưng tại Việt Nam, ăn phở gần như là một nghi lễ tôn giáo – như nhà văn Nguyễn Tuân từng nói – và những bát phở trông thật bình thường đó, mà ta có thể tìm được ở mọi góc phố tại Hà Nội, trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.

“Tôi đã ăn ở dây trong vòng hơn 20 năm,” Trần Văn Hưng cho AFP biết khi đang ngồi run rẩy trong cái lạnh buốt của mùa đông Hà Nội trong hàng người tại quán phở Thìn.

“Những người bán hàng ở đây luôn cục cằn với tôi. Tôi quen rồi. Tôi không quan tâm,” người đàn ông 39 tuổi nói, cho biết thêm anh đã ăn món phở từ khi danh tiếng của quán phở trên phố Lò Đúc này vẫn còn khiếm tốn.

Phở là một món ăn chính tại Việt Nam. Dù đó là một món ăn sáng truyền thống, thì phở vẫn được phục vụ tất cả mọi thời gian trong ngày và được cả người nghèo lẫn người giàu ưa thích, ăn ở cùng cửa hiệu, với giá khoảng 1 USD một bát.

“Phở rất thuần Việt, là món ăn độc đáo và đặc trưng của ẩm thực Việt Nam,” đầu bếp Phạm Ánh Tuyết nói.
Bánh phở phải được làm bằng tay, sợi được thái đều tăm tắp và không được để lâu quá 4 giờ, gừng phải được nướng, nước xương bò và các loại gia vị phải được ninh sủi bọt từ từ trong vòng ít nhất 8 tiếng trên bếp than, bà nói.


Hình ảnh như thế này có thể gặp ở bất kỳ phố phường nào ở Hà Nội (Nguồn: AFP)

“Mùi thơm của phở là một phần của vẻ đẹp của món ăn này,” bà Tuyết, người nổi tiếng với nghê thuật nấu nướng truyền thống, cho AFP biết.

“Không đất nước nào khác có thể làm được những món như phở - một trong những bí mật chính là nước xương phải trong và thơm,” bà cho nói với phóng viên tại cửa hàng bé nhỏ của mình, nằm ở tầng trên cùng của một ngôi nhà gỗ tại phố cổ Hà Nội.

Nguồn gốc của phở là từ Pháp hay từ Nam Định?

Nguồn gốc chính xác của phở không rõ ràng và vẫn còn đang gây tranh cãi lớn tại Việt Nam.

Nó được làm một cách truyền thống với thịt bò, nhưng gà cũng đã được sử dụng kể từ những năm 1940 khi sự đô hộ phát xít Nhật gây ra tình trạng khan hiếm thịt bò.

Thịt bò không phổ biến tại Việt Nam thời đó – bò thường được sử dụng như công cụ lao động – nhưng dưới ách đô hộ của thực dân Pháp với truyền thống ăn thịt bò, xương và những mẩu bạc nhạc được dùng để nấu xúp.

Một vài chuyên gia, như Didier Corlou, cựu bếp trưởng tại Metropole Hà Nội, người đã giới thiệu về phở với các thực khách sành ăn quốc tế trong hàng thập kỷ, lý luận rằng phở là “món ăn Việt với ảnh hưởng từ Pháp.”
“Cái tên ‘phở’ có thể bắt nguồn từ ‘pot au feu’ – một món ăn Pháp,” Corlou cho AFP biết, chỉ vảo sự tương đồng giữa các món ăn này, bao gồm hành nướng ở món ăn Pháp và hẹ nướng ở phở.

Một lý thuyết khác, Corlou nói, là phở đầu tiên được bán bởi những người hàng rong gánh một cái nồi và một cái bếp lò đất – “coffre-feu” trong tiếng Pháp – cái tên này đến từ cách tiếng kêu “feu?” “feu” khi món ăn này đã sẵn sàng.

Một số ý kiến khác cho rằng phở có nguồn gốc từ một người nấu ăn lành nghề tại Nam Định – từng là trung tâm dệt may lớn nhất Việt nam, nơi cả công nhân người Pháp và người Việt làm việc – và đầu bếp này đã nghĩ ra một món ăn có thể làm vừa lòng công nhân của cả hai quốc tịch.

Nhiều người Việt Nam mạnh mẽ phản đối bất cứ ảnh hưởng nào của Pháp trên các món ăn dân tộc của mình, lý luận rằng món ăn này ở thời tiền thực dân và mang vẻ độc đáo của miền Bắc Việt Nam.

Nhưng bất kể câu chuyện thực sự là như nào, “phở là một trong những món súp ngon nhất,” Corlou nói. “Đối với tôi ẩm thực Việt Nam là ngon nhất thế giới.”

Phở cá hồi hay gan ngỗng? 

Corlou nói rằng trong khi những nguyên liệu chính của phở vẫn được giữ nguyên, thì món ăn này đã biến đổi.

Tại ba nhà hàng của ông ở Hà Nội, lấy ví dụ, ông đưa ra món phở cá hồi hay phở gan ngỗng với giá 10 USD một bát – “bạn không thể đặt phở vào bảo tàng,” ông nói.

Trong thập kỷ cuối cùng, nhiều phiên bản của món ăn này – bao gồm phở cuốn được làm từ những bánh phở chưa được cắt – cũng đã xuất hiện.

Bởi người Việt Nam đã trở nên giàu hơn, những loại phở đắt tiền hơn – bao gồm phở bò Kobe với giá 40USD – cũng đã xuất hiện.


Phở vẫn đang biến đổi? (Nguồn: AFP)

Nhưng ngoài việc cho thêm nhiều thịt, không có nhiều cách bạn có thể làm để cái tiến món phở, Tracey Lister, một đầu bếp tại Hà Nội và là một chuyên gia ẩm thực, người nghĩ rằng Việt Nam xứng đáng có danh tiếng với món phở nổi tiếng của mình, cho biết.

“Đây là món ăn tuyệt vời, nổi tiếng, và tôi nghĩ rằng đây là món ăn chỉ của Việt Nam,” Lister, giám đốc trung tâm nấu ăn Hà Nội, cho biết.

“Phở thực sự đại diện cho ẩm thực Việt Nam. Đó là một món ăn đơn giản nhưng tinh tế. Đây là một món ăn rất thanh lịch, và rất cổ điển”./.

S.N (Vietnam+)
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Pho-Ha-Noi-qua-con-mat-cua-phong-vien-nuoc-ngoai/20131/180527.vnplus

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Truy Tìm Gốc Tích Đôi Câu Đối Thiền Tông


Thú chơi hoành phi câu đối với thư pháp chữ Hán trong mấy năm gần đây đã khởi phát ở nhiều nơi  nhất là ở một số tỉnh phía bắc. Một người từ Hà Nội mang về đôi câu đối thư pháp viết mực tàu trên giấy dó. Mấy dòng chữ tuy không sắc sảo nhưng nét bút bay lượn lạ kiểu lại có đóng cả mộc triện son bên dòng lạc khoản khiến người mua không rành chữ Hán cũng lấy làm vừa lòng…

Tờ thư pháp trang trọng lồng trong khung kính treo ở phòng khách: Dưới chữ “trúc” viết thật to là hai câu thơ đối ngẫu viết hàng dọc theo lối xưa, từ phải sang trái:

Trúc ảnh tảo giai trần bất động,
Nguyệt luân xuyên hải thuỷ vô ...

Ở dòng thứ nhì, chữ “xuyên” tuy viết thiếu nét nhưng vẫn nhìn ra được, riêng chữ cuối câu thì không thể đọc. Chữ này gồm 2 phần; phần bên trái nét bút khá táo bạo và rõ là chữ “thực” phần bên phải không biết là chữ gì. Mãi băn khoăn nhìn mặt chữ để cố nhớ xem có chữ gì vần bằng mà lại thuộc bộ thực” đặt vào cho khớp ý của câu thơ ... “nhiêu” ư ? “man” ư?...“tu” ư ?.... tất thảy đều không được. Thật khó quá!…. Bộ chữ bên trái viết khá rõ, phút chốc làm ta quên mất một ngữ quen thuộc: “thủy vô ngân” : nước phẳng lặng mà không vết gợn... nhưng rồi cuối cùng thì cũng nhớ ra : “Nguyệt luân xuyên hải thủy vô ngân” .


Bức thư pháp chữ Hán
với đề tài  « TRÚC »

“Ngân”  là vết nhăn, vết sẹo, thuộc bộ “nạch”   bị viết nhầm thành bộ“thực” ; mà lại vì viết sai, đặt bộ “thực” vào bên trái. Bộ chữ này vốn đã có chữ “cấn” ở trong lòng rồi nên khi viết phần bên phải, đúng là phải viết chữ “cấn” nhưng vì không thể lặp lại lần nữa, người viết đành phải thêm vào một chữ gì đó rất khó đoán.

Định được mặt chữ rồi, cặp thơ đối trở nên hay quá.


Trúc ảnh tảo giai trần bất động,
Nguyệt luân xuyên hải thuỷ vô ngân.

HAI CÂU THƠ VỐN ĐÃ ĐƯỢC PHIÊN
THÀNH ĐÔI CÂU ĐỐI THẬT HAY CHO NHÀ CHÙA

Đọc “Những ngôi chùa Nam bộ - Chùa Hội Khánh” của Trần Kiêm Đạt (1) mới biết là ở thế kỉ XVIII câu thơ trên đã được phiên thành hai câu đốitreo ở phòng khách chùa Hội Khánh, một ngôi chùa ở Bọng Bầu, Phú Cường, Thủ Dầu Một, được lập từ năm 1741 đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng nhị niên.
Câu đối như sau:


“Nhược thật, nhược hư, trúc ảnh tảo giai trần bất động,
Thị không, thị sắc, nguyệt xuyên hải để thuỷ vô ngân.”

Hai câu này đã được ông Nguyễn Quảng Tuân sưu tập và ghi lại trong“Những ngôi chùa danh tiếng” (2) và đã dẫn lời dịch của cụ Giản Chi: “Như thực như hư, bóng trúc quét thềm, bụi trần vẫn tạnh;

Là không là sắc, ánh trăng xoáy biển, sóng biển không nhồi”.

Rõ ràng người viết tặng đã thêm ý, thêm chữ vào thơ tạo nên cặp câu đối thật hay, làm tăng ý nghĩa, giá trị cho chùa. Người xưa quả là thâm thúy, lời ít ý nhiều, lấy việc nhãn tiền làm phương tiện giúp người đời hiểu đạo.

GỐC TÍCH CỦA HAI CÂU THƠ :
CÂU “NIÊM” MỞ ĐẦU CHO MỘT BÀI KỆ CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG.

Lục tìm thư tịch cũ thì hai câu thơ thư pháp trên cũng như câu đối ở chùa Hội Khánh đều xuất phát từ một bài kệ Thiền Tông trong Khóa hư lục. Đây là bộ sách cổ nhất còn lưu giữ được đến nay của Văn học viết nước ta.Khóa hư lục được viết trước khi lập chùa Hội Khánh đến 500 năm.Tác giả là vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh). Nhà vua đã viết sách này trong những năm từ 1258 đến 1277, là thời gian sau khi nhường ngôi cho con rồi vào núi tu hành. Tên cuốn sách nói lên nội dung của nó: "Khoá" là học tập theo một khuôn phép, giáo trình đã định; "Hư" là trống rỗng. "Lục" là ghi chép. "Khóa hư lục" là một tài liệu được ghi chép nhằm luyện cho tâm người đọc được rỗng lặng, trong sáng, phá được chấp, hiểu được chân lý.

Nguyên các vua đời nhà Trần vừa trọng Nho học vừa trọng cả Phật và Lão. Đời Trần Thái Tông vua cho mở cả khoa thi Tam giáo. Sách Khóa hư lụcđã thể hiện quan điểm tam giáo đồng nhất thể : “…Hỏi chi đại-ẩn, tiểu-ẩn, chẳng kể tại gia xuất gia. Không nề tăng tục, chỉ cốt biện tâm. Vốn không gái trai, chẳng nên trước tướng. Người chưa tường còn chia tam-giáo. Liễu được thấu đều ngộ nhất tâm…”(3). Mở rộng chủ trương này, đoạn 38; quyển Thượng chép:

Tăng hỏi Tư Hòa thượng (4) về đại ý Phật pháp, Hòa thượng đáp: "Giá gạo ở Lư Lăng ra sao"? .
Đến đây sách nêu câu niêm (đề dẫn) trước khi tụng bài kệ 4 câu.

Niêm:

Trúc ảnh tảo giai trần bất động,
Nguyệt luân xuyên hải thuỷ vô ngân”

Dịch thơ :

Bóng trúc quét thềm - không vẩn bụi,
Vầng trăng xuyên bể - nước lồng gương.
(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch)

Cố gò theo vần, câu thơ dịch quốc ngữ chưa thể làm rõ được hết ý thơ song đọc kĩ dòng thơ nguyên tác, suy gẫm ta thấy được chủ ý của hai câu thơ là nêu một thực tế cụ thể, vẽ nên một bức họa phong cảnh dùng làm đề dẫn “Bóng trúc quét qua thềm (mà) chẳng làm vẩn lên chút bụi nào – Vầng trăng xuyên xuống biển (nhưng) mặt biển vẫn phẳng phiu không mảy gợn”.

Tả để gợi: Bóng trúc, vẩn bụi trên thềm, vầng trăng, làn nước biển… đều rất sống động. Cảnh ngầm gợi một ý sâu xa về “sắc” và “không”. Bóng trúc lay động trên thềm…vầng trăng xuyên xuống nước là “sắc” - tưởng là hiện hữu đấy nhưng rồi chỉ là hư ảo, là “không”.

“Sắc tức thị không”…Ngộ được “sắc  không” thì tâm chẳng động. Tâm không động thì “không vẩn bụi” và “phẳng như nước lồng gương”. /.
CHÚ THÍCH:
(1) http://vn.360plus.yahoo.com/kienthuc-vanhoa.
(2) Nhà xb Trẻ ; 1990, tr 228 - Đào Nguyên; http://www.thuvienhoasen.org
(3) Khóa Hư Lục; quyển Thượng; văn Khuyên phát tâm Bồ-Đề.
(4) Tư Hòa-Thượng : Hòa thượng Thanh Nguyên Hành Tư (青原行思; 660-740) là môn đệ hàng đầu của Lục tổ Huệ Năng. Sư họ Lưu, quê ở Cát Châu, An Thành. Nhân nghe Lục tổ dạy chúng ở Tào Khê, sư đến học; sau được Lục tổ cho về trụ trì chùa Tĩnh-Cư ở núi Thanh-nguyên thuộc Cát-Châu, nên có tên là Thanh-Nguyên. Sau khi viên tịch sư được vua Đường Hiến Tông ban hiệu là Hoằng Tế Thiền sư.
(Tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY ngày 30/5/2010)

 


Nguyễn Cẩm Xuyên
Ngày đăng: 21.09.2012

Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19341

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam?


Phỏng Vấn Gs. Trần Văn Khê

Âm nhạc dân tộc Việt Nam đang bị đẩy vào bóng tối để nhừơng chỗ cho các loại nhạc trẻ hiện đại mang âm hưởng Tây phương. Vì sao dòng nhạc truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và chất chứa nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc, nay lại bị rơi vào quên lãng? Và làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam trong lòng thế hệ trẻ?

Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu trong loạt bài phỏng vấn với giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, một chuyên gia có rất nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam. Ông cũng là thành viên danh dự của Hội đồng Âm nhạc Quốc tế thuộc UNESCO.

Với vốn kiến thức sâu rộng và tấm lòng yêu âm nhạc dân tộc Việt Nam, sau hơn 50 năm định cư tại Pháp, Giáo sư Khê dự định sẽ trở về nước để truyền thụ sự am hiểu về âm nhạc và góp phần bảo tồn âm nhạc truyền thống.

Buổi nói chuyện hôm nay sẽ bàn về những giá trị độc đáo của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Trước tiên, giáo sư Trần Văn Khê cho biết đánh giá của mình về nền âm nhạc cổ truyền:

GS Trần Văn Khê: Âm nhạc dân tộc Việt Nam đối với tôi có một giá trị thật lớn về chủ quan và khách quan. Bởi vì âm nhạc Việt Nam có những cá tính mà có thể không tìm ra đưọc ở những nền âm nhạc khác.

Mặc dù ở trong Á Châu, cạnh các nước Đông Á và Đông Nam Á, nhưng âm nhạc dân tộc Việt Nam không thể bị lầm lẫn với âm nhạc của Trung Quốc hay của Triều Tiên, Nhật Bản, hay Thái Lan, mà nó có 1 cá tính. Vì thế đối với tôi âm nhạc dân tộc Việt Nam có giá trị về khoa học-nghệ thuật rất cao....

Trà Mi: Những nét cá tính mà giáo sư vừa đề cập là gì thưa giáo sư?

GS Trần Văn Khê: Thứ nhất là những nhạc cụ nhạc khí dùng tuy phần lớn là từ bên Trung Quốc mang sang, nhưng đã từ 6-7 trăm năm nay đã được thích nghi theo thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam. Cho nên đã biến thành nhạc cụ nhạc khí Việt Nam với các thủ pháp riêng biệt của Việt Nam.......

Trà Mi: Thưa, xin phép hỏi giáo sư âm nhạc dân tộc Việt Nam mình có những nhạc cụ nào được coi là độc đáo, đặc biệt đối với thế giới, và vì sao được đánh giá là đặc biệt. Xin giáo sư giới thiệu thêm. 

GS Trần Văn Khê: Nước Việt Nam có rất nhiều nhạc cụ đặc biệt mà trên thế giới không bao giờ có được, điển hình như Trống Đồng....

Ngoài ra có những cái đàn rất độc đáo như đàn bầu, mà đặc biệt nhất có lẽ là cây đàn đáy chuyên phụ hoạ cho ca trù...

Những nét đặc biệt của âm nhạc dân tộc không chỉ trong nhạc cụ, nhạc khí mà còn cả trong những thủ pháp dùng để đánh những nhạc khí đó....

Trà Mi: Vâng, thưa giáo sư nói rõ hơn về những nét đặc biệt trong thủ pháp như thế nào ạ?

GS Trần Văn Khê: Chẳng hạn cách đánh phách của ca trù là trên thế giới không bao giờ có ai có : một tiếng cao tiếng thấp, tiếng trong tiếng đục, tiếng tròn tiếng dẹp, tiếng dương tiếng âm.....

Trà Mi: Bàn về thang âm điệu thức thì âm nhạc Việt Nam có những bản sắc gì riêng biệt thưa giáo sư?

GS Trần Văn Khê: Những chữ nhạc không phải tĩnh và đóng như phương Tây, mà nó động mà mở.....

Tôi cho đó là ưu điểm trong tiếng nhạc của Việt Nam nghĩa là tiếng nhạc nó biến chuyển, nó hạp với nguyên tắc về triết học tức nguyên tắc dịch lý....

Trà Mi: Rất cảm ơn giáo sư đã cho biết những kiến thức khái quát về âm nhạc dân tộc và những nét đặc sắc trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Nguồn: vietcatholic

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Giải bí ẩn về "Nỏ thần Liên Châu"


Cập nhật lúc 11:47 17/01/2013 (GMT+7)

Để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu, tướng Cao Lỗ đã chế ra lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn, một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên, khiến địch khiếp sợ. 
Sáng 16/1, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Danh tướng Cao Lỗ thời dựng nước". PGS Lê Đình Sỹ, nguyên Viện phó Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu với hội nghị tham luận "Danh tướng Cao Lỗ với việc chế tạo, sử dụng vũ khí cung nỏ thời An Dương Vương".

PGS cho biết, theo sử cũ, nhân lúc nhà Tần suy yếu, Triệu Đà chiếm cứ ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận lập nước Nam Việt. Vào năm Tân Mão (210 TCN), khi Tần Thủy Hoàng mất, Triệu Đà phát binh xâm lược Âu Lạc. Quân xâm lược xuất phát từ Phiên Ngung (Quảng Châu) tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng và hành lang Đông Triều - Chí Linh. Hướng tiến công đúng theo dự đoán của tướng Cao Lỗ. Quân Triệu tràn ngập cả vùng lãnh thổ phía Bắc Cổ Loa, từ ven sông Cầu, vùng Tiên Sơn, núi Vũ Ninh (Bắc Ninh).

Tướng Cao Lỗ là người tổng chỉ huy toàn bộ quân đội Âu Lạc. Ông bố trí quân đội, trong đó có đội quân cung nỏ lợi hại ở những nơi hiểm yếu bảo vệ kinh thành Cổ Loa. Khai thác điểm yếu của giặc, quân dân Âu Lạc đã chủ động tiến công trên vùng đồi Tiên Du, khiến quân Triệu Đà khốn đốn.

 Lẫy nỏ thần. Ảnh tư liệu.

Cao Lỗ huấn luyện một vạn quân lính, lại làm được nỏ liễu, mỗi lần giương nỏ bắn ra được mười phát tên. Thứ vũ khí thần diệu này được sách Lĩnh Nam chích quái ghi: Sau khi giúp An Dương Vương xây Loa thành, rùa vàng từ biệt ra về. Trước khi chia tay, nhà vua cảm tạ nói "Nhờ ơn thần, thành đã xây xong. Nay nếu có giặc ngoài đến thì lấy gì mà chống?". Rùa vàng đã tháo chiếc vuốt của mình đưa cho nhà vua và nói "Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì không lo gì nữa". Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt làm lẫy.

"Chuyện rùa vàng cho vuốt tất nhiên là hư cấu, thần thoại hóa, nhưng chuyện nỏ thần thì lại có thật", PGS Sỹ nói và cho hay, khảo cổ học đã cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của "máy nỏ" thời Đông Sơn. Những chiếc lẫy nỏ Làng Vạc gồm bốn bộ phận đúc rời được liên kết lại bằng hai chốt hình trụ đã được phát hiện.

Lẫy nỏ là bộ phận quan trọng nhất của nỏ Liên Châu. Trong truyền thuyết, lẫy nỏ làm bằng móng rùa thần, nhưng theo các nhà nghiên cứu thì có thể rùa là con vật linh thiêng được cư dân Việt tôn thờ nên đã gắn sức mạnh của vị thần cho loại vũ khí "bảo bối" của mình nhằm làm tăng thêm sức mạnh thần kì của thứ vũ khí ấy.

Thực tế, lẫy có thể được chế bằng đồng, bằng sừng hoặc gỗ cứng, hình dáng của nó gần như móng rùa. Nó được cấu tạo với nhiều chi tiết lắp vào nhau nên chiếc nỏ còn được gọi là "liên cơ". Bình thường, dây nỏ được căng lên, cài lại, khi bắn thì dùng ngón tay kéo lùi nút lẫy để dây bật, đẩy tung những cánh tên lao như gió cuốn.

Theo người Cổ Loa kể, người ta đã đào được ở chân thành khu vực chợ Sa một ống đồng dài chừng nửa mét, hai đầu bịt kín, dọc thân trổ lỗ như cây sáo. Đây được đoán là bộ phận cài tên của chiếc nỏ bởi trước Cách mạng tháng Tám, ở Cổ Loa có tục rước nỏ thần, chiếc nỏ được làm bằng giấy, giữa thân nỏ để một cái ngáng bằng gỗ trên thân dùi nhiều lỗ, mỗi lỗ để một mũi tên. Cái ngáng tượng trưng bằng gỗ này có nét tương đồng với ống đồng đào được ở chợ Sa.

Để một lúc bật lẫy nỏ cho nhiều mũi tên cùng bay ra, có ý kiến cho rằng Cao Lỗ đã nghĩ cách làm rộng thân nỏ, xẻ chéo nhiều rãnh, đặt những mũi tên chụm lại để khi bật lẫy, mũi tên theo rãnh bay đi. "Những cứ liệu trên chưa đủ để người ta phục dựng được chính xác "nỏ thần" ngày xưa khiến cho giặc ngoại xâm khiếp vía, nhưng cũng đủ để khẳng định sự tồn tại thực sự của loại vũ khí đánh xa lợi hại do Cao Lỗ chế tạo", PGS Sỹ cho hay.

 Sơ đồ Cổ Loa. 

Bên cạnh phát hiện lẫy nỏ, hàng vạn mũi tên đồng cũng đã đào được ở Cầu Vực, sát chân thành ngoại Cổ Loa. Kho mũi tên đồng với hàng vạn chiếc, trọng lượng gần 110 kg. Đây là loại mũi tên ba cạnh, ba cánh đều nhau, có trụ thân, có chuôi, có họng tra cán và kích thước lớn, được chế tạo hoàn hảo, sắc nhọn. Mỗi mũi tên còn được cắm thêm chuôi bằng tre dài khoảng 1m, làm cân đối trọng lượng để tên bay xa và khả năng sát thương lớn.

Có chiếc lẫy nỏ được phát hiện gồm nhiều bộ phận như hộp cò, lẫy cò, hai chốt và thước ngắm. Gần đây, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng lịch sử Quân sự và Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á cùng với nghệ nhân ở Hòa Bình đã phục dựng thành công chiếc nỏ Cao Lỗ sáng chế, tuy chưa được hoàn hảo như nỏ thần ngày xưa.

"Điều quan trọng nhất để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu là Cao Lỗ đã biết kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn để một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên có sức xuyên tốt, vừa giết giặc vừa làm chúng khiếp sợ, đội ngũ rối loạn, tan rã. Đó là điều kỳ diệu bí mật của thứ binh khí thần diệu này", PGS Sỹ khẳng định.

Tham dự hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tóm lược, Cao Lỗ Vương là danh tướng đã giúp vua Thục Phán An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc, hiến kế dời đô xuống đồng bằng và giúp vua xây dựng thành Cổ Loa, chế nỏ liên châu một lần bắn ra nhiều mũi tên. Đây được xem là nỏ thần, thứ vũ khí thần dũng, vô địch để giữ nước với lời nói được truyền tụng "giữ được nỏ thần sẽ giữ được thiên hạ, mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ".

"Cao Lỗ có tầm nhìn xa, tỉnh táo và đầy cảnh giác, đầy bản lĩnh để can ngăn nhà vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù rằng vì điều đó mà bị vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, Tổ quốc lâm nguy, Người lại ra phò vua, cứu nước, tử tiết để lại danh thơm muôn thuở cho hậu thế", Chủ tịch nước nói và khẳng định, danh tướng Cao Lỗ là một vị tướng, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu giữ nước, được nhân dân sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.

Theo VNE
Nguồn: http://kienthuc.net.vn/di-san/201301/Giai-bi-an-ve-No-than-Lien-Chau-892005/