Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Phát lộ chưa từng thấy tại Hoàng Thành Thăng Long


27/12/2012 15:31
“Đường nước bằng gạch “khổng lồ” chưa bao giờ thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt Nam kể cả khu vực Hoàng thành Thăng Long”, báo cáo sơ bộ của Viện bảo tồn di tích về các hố thăm dò khảo cổ học mới gần đây tại khu vực Hoàng Thành Thăng Long nhận định. 

Trong cuộc hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2012 sáng 26/12, Viện Khảo cổ học đã bất ngờ tiết lộ một dấu tích kiến trúc thời Lý đích thực ở khu vực bắc Đoan Mô. Đó là đường nước lớn xây hoàn toàn bằng gạch vuông, gạch bìa có hai hàng gỗ đóng sát hai bên phục vụ chống lún với các dấu hiệu kiến trúc thời Lý hứa hẹn một công trình kiến trúc rất hoành tráng chưa từng có tại Việt Nam. 
Đường cống thoát nước khổng lồ thời Lý - phát hiện mới tại Hoàng Thành Thăng Long.
Công trình này được phát lộ và có kích thước lớn chạy dọc suốt theo hướng Bắc – Nam, lại có nhánh chạy về phía Tây đổ nước vào đường nước lớn thời Lý phía dưới nên việc tìm cách khai quật để lý giải quy mô, chức năng của di tích gặp khá nhiều khó khăn.
Một số nhà khoa học đã đưa ra một số giả thiết về chức năng của di tích:
- Đường nước lớn có quan hệ chặt chẽ với móng sành (móng tường) nhằm phục vụ cho việc thoát nước của một khu vực quan trọng thuộc Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thời Lý.
- Dấu tích tâm linh có quan hệ chặt chẽ đến khoa học phong thủy của khu vực trung tâm Hoàng cung thời Lý.
- Một loại dấu tích có chức năng đặc biệt nào đó có quan hệ trực tiếp tới các vua Lý mà hiện nay chưa thể lý giải ngay được.
- Giả thiết cuối cùng cho rằng đây không phải đường nước vì kích thước lớn quá mà có thể là dấu tích móng nền kiến trúc lớn của khu vực trung tâm thời Lý.
Cống dài chạy suốt theo hướng Bắc – Nam trong Thành với quy mô rất lớn. 
Cho dù còn rất nhiều giả thiết được đưa ra để lý giải phát hiện khảo cổ bất ngờ này tại Hoàng Thành Thăng Long thì những dấu tích, hiện vật trong quá trình khai quật đã cho thấy đây là một công trình kiến trúc có giá trị lớn.
Miệng cống có một viên gạch hoa thời Trần rất đẹp mang phong cách nghệ thuật điển hình của thời Trần. Phía trên đường mòn sành thời Lý có dấu tích dải trang trí “hoa Chanh” thời Trần.
Tuy nhiên sau khi được các nhà khảo cổ học gấp rút chỉnh lý, định vị, toàn bộ phát lộ này sẽ được phủ giấy Mec Nhật Bản rồi lấp lại toàn bộ nhằm bảo vệ toàn vẹn di tích. Song hiện nay đã có rất nhiều nhà khoa học đưa ý kiến là không nên. GS Phan Huy Lê cho rằng: “Phải mở cửa cho người dân được chiêm ngưỡng vì di sản không phải của các nhà khoa học, nhà quản lý mà là của cộng đồng".
Tuy nhiên, do thời tiết mưa ẩm tại miền Bắc nên nhiều nhà khoa học cho rằng cần phải xử lý gấp rút công trình hoặc phải có kế hoạch bảo quản nền gạch trước khi bị rêu mốc xâm lấn và mất đi giá trị hiện vật.
Hình ảnh PV Vietnamnet ghi lại được tại khu vực khảo cổ mới phát hiện này tại Hoàng Thành Thăng Long


Phần khai quật khảo cổ rộng lớn nhưng vẫn chỉ là một điểm trong công trình kiến trúc này.


Các cọc gỗ được đóng ở hai bên thành cống.

Phần nền cống được ốp bằng gạch vuông, hai bên được xây bằng gạch bìa có cọc gỗ đóng chống lún.
Cửa cống thoát nước thời Trần

Miệng cống có một viên gạch hoa lót đáy cống thời Trần với hoa văn đặc trưng hết sức đẹp mắt



Một mảnh gốm hoa văn phát lộ trong quá trình khai quật.

Các tầng địa chất lộ nhiều di vật bằng sành, gốm.
Hoàng Nguyên
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/102850/phat-lo-chua-tung-thay-tai-hoang-thanh-thang-long.html

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Hang Belem - Hải Linh





Đã tải lên vào 17-07-2011
Hang Belem conducted by Hai Linh in 1988 in California, remixed by Xuan Thao

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

MỪNG CHÚA GIÁNG SINH



GIAO DUYÊN CHÂN THÀNH KÍNH CHÚC
QUÝ THÂN HỮU VÀ GIA QUYẾN
MỘT MÙA GIÁNG SINH 2012
VUI TƯƠI AN LÀNH
VÀ MỘT NĂM 2013 TRÀN ĐẦY HẠNH PHÚC
*

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Bài Hát Ru Đêm Thánh - Ngọc Phuợng





Đã xuất bản vào 26-11-2012

Bài Hát Ru Đêm Thánh - Ngọc Phuợng trình bày
Thơ Trầm Tĩnh Nguyện - Nhạc Phạm Trung
Xmas Concert của HelpKids2School organization - November 24, 

***

BÀI HÁT RU ĐÊM THÁNH

"Trên Con Thiên Chúa Mẹ hôn” 
Lm. Hoàng Diệp : Hội nhạc thiên quốc 


Giữa đêm trường cô quạnh, 
Gió rít lên, gió thổi lạnh từng cơn. 
Vẳng đâu đây tiếng hát nỉ non, 
Tiếng hát ngọt hoà tan trong hơi gió: 
Ngủ đi con, ơi Hài Nhi bé nhỏ. 
Ngủ đi con, rơm cỏ phủ thay mền. 
Ngủ đi con, mẹ sẽ thức thâu đêm 
Ru con ngủ triền miên bài cảm tạ. 
Ngủ đi con, món quà thiêng nhiệm lạ 
Đã từ trời sinh hạ chốn hoang sơ. 
Đêm dương gian giá lạnh có ơ hờ 
Thì đã sẵn lòng mẹ đây ấp ủ… 

Nhìn con yêu đang vùi say giấc ngủ, 
Gió bên ngoài, gió vần vũ từng cơn. 
Nhẹ trên vầng trán mẹ hôn.

*


Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Sống lại tranh làng Sình (Phú Mậu - Phú Vang - Thừa Thiên - Huế)




Được xuất bản vào 08-07-2012 bởi 
Tranh Sình chủ yếu là tranh phục vụ tín ngưỡng. Có thể phân làm ba loại: Tranh nhân vật chủ yếu là tranh tượng bà, vẽ một người phụ nữ xiêm y rực rỡ với hai nữ tì nhỏ hơn đứng hầu hai bên. Tượng bà còn chia thành ba loại: tượng đế, tượng chùa, và tượng ngang. Loại tranh này dán trên bàn thờ riêng thờ quanh năm.

Lại còn các loại tranh khác gọi là con ảnh, gồm hai loại: ảnh xiêm vẽ hình đàn ông đàn bà, và ảnh phền vẽ bé trai bé gái (phải chăng phền do chữ phồn thực của Ðông Hồ). Các loại nhân vật còn lại là tranh ông Ðiệu, ông Ðốc và Tờ bếp (có lẽ tranh vẽ Táo quân). Các loại tranh này sẽ đốt sau khi cúng xong.

Tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ để đốt cho người cõi âm: áo ông, áo bà, áo binh, tiền, cung tên, dụng cụ gia đình... thường là tranh cỡ nhỏ. Tranh súc vật (gia súc, ngoài ra còn có voi, cọp và tranh 12 con giáp) để đốt cho người chết.

Tranh làng Sình có thể sánh với các dòng tranh miền Bắc (như Ðông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống), một thời đã lưu hành khắp vùng Thuận - Quảng. Sình là tên nôm của làng Lại Ân, cách Huế chừng 7km về phía Ðông Bắc. Sách Ô châu cận lục ra đời hồi thế kỷ 16 đã nói đến Lại Ân như một địa danh trù phú.

Xóm Lại Ân canh gà xào xạc
Giục khách thương mua một bán mười...

Làng Sình nằm ven sông Hương, đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Ðàng Trong, còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh, một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề thành phố Huế. Ðây còn là một trung tâm văn hoá: chùa Sùng Hoá trong làng đã từng là một trong những chùa lớn nhất vùng Hóa Châu xưa. Không biết từ bao giờ, làng nghề in tranh dân gian phục vụ cho việc thờ cúng của người dân khắp vùng.

Những màu chủ yếu trên tranh làng Sình là các màu xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục. Mỗi màu này có thể trộn với hồ điệp hoặc tô riêng, khi tô riêng phải trộn thêm keo nấu bằng da trâu tươi.

Tranh Sình có kích thước tùy thuộc vào khổ giấy dó thông dụng. Giấy dó cổ truyền có khổ 25x70cm, được xén thành cỡ pha đôi (25x35), pha ba (25x23) hay pha tư (25x17). In tranh khổ lớn thì đặt bản khắc nằm ngửa dưới đất, dùng một chiếc phết là một mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét màu đen lên trên ván in. Sau đó phủ giấy lên trên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra. Với tranh nhỏ thì đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên.

Bản in đen chờ cho khô thì đem tô màu. Tuy màu tô không tỉa tót và vờn đậm nhạt như tranh Hàng Trống, nhưng mỗi màu đều có chỗ cố định trên tranh, tạo nên sự hòa sắc phù hợp với ý nghĩa từng tranh. Công việc "điểm nhãn" ở tranh cũng do thợ chính làm nhằm tăng thêm vẻ sinh động của tranh.

Những mảng màu lớn thì dùng một thứ bút riêng làm bằng tre gọi là thanh kẻ để tô màu. Những chi tiết nhỏ thì dùng bút lông đầu nhọn. Việc tô màu được làm theo dây chuyền, mỗi người phụ trách một hai màu, tô xong lại chuyển cho người khác. Những bàn tay tô màu như múa thoăn thoắt trên tờ tranh, có người kẹp hai, ba cây bút ở đầu ngón tay để tô cùng một lúc hai, ba mảng màu. Ðiểm nổi bật ở tranh làng Sình là đường nét và bố cục còn mang tính thô sơ chất phác một cách hồn nhiên. Nhưng nét độc đáo của nó là ở chỗ tô màu. Khi đó nghệ nhân mới được thả mình theo sự tưởng tượng tự nhiên. Cố họa sĩ Phạm Ðăng Trí, người họa sĩ tài hoa của đất thần kinh xưa, đã tìm thấy trong tranh Sình bảng màu "ngũ sắc Huế", hơi khác với bảng "ngũ sắc phương Ðông". Và nếu ta so sánh những gam màu sử dụng trên tranh thờ sẽ thấy nó gần gũi với tranh pháp lam trang trí trên các kiến trúc của kinh thành xưa. Ðó là sự hòa sắc giữa vàng với chàm, đỏ với bích ngọc, xanh với hỏa hoàng, phí thủy với hổ phách...

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Tiếng Hà Nội sẽ biến mất vì người giúp việc?


  • 14/12/2012 05:00


Một người Hà Nội với giọng nói chuẩn về âm điệu, âm lượng vừa đủ, phát âm tròn vành, rõ tiếng, thanh, ngọt mà trong, nghe như rót mật vào tai rất có thể sẽ biến mất hoàn toàn trong tương lai xa vì những người giúp việc đang được thuê về Hà Nội.

Đây là lo lắng của TS Lê Thị Bích Hồng Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương. 

Tiếng Hà Nội xưa nay còn đâu

Nếu ai đã từng biết đến Hà Nội, gắn bó với Hà Nội, yêu Hà Nội thì đều biết, ấn tượng trước hết về người Hà Nội đó là giọng nói. 

Người Hà Nội có giọng nói rất chuẩn về âm điệu, âm lượng thì vừa đủ, tròn vành, rõ tiếng, thanh, ngọt mà trong, nghe như rót mật vào tai và có dư vị rất riêng.

“Tôi có thể nhận ra người Hà Nội qua chất giọng quý ấy ở bất cứ đâu” - TS Hồng nói. “...Nhưng bây giờ, tìm nghe giọng Hà Nội chuẩn thật là khó”.

Theo TS Hồng, có thể giải thích rằng, không gian Thủ đô, nay đã mở rộng, người dân ở khắp các địa phương cũng đổ về Hà Nội làm ăn, sinh sống khiến nhân khẩu ở Hà Nội tăng thêm đáng kể. Do đó, sẽ dẫn đến sự pha trộn về giọng nói khiến giọng Hà Nội ít nhiều cũng đã thay đổi. 

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố đó thì TS Hồng còn bày tỏ sự lo ngại rằng, tiếng Hà Nội rất có thể sẽ biến mất hoàn toàn trong tương lai vì... những người giúp việc. 

Bởi vì hiện nay, vấn đề tìm lao động từ những vùng miền khác về Hà Nội để làm người giúp việc và chăm sóc con trẻ cho các gia đình ở Hà Nội đang trở nên rất phổ biến. Lẽ dĩ nhiên, người ta cũng sẽ hiểu, nhiều con trẻ tiếp xúc với người giúp việc có khi còn nhiều hơn cha mẹ của chúng.

Ảnh minh họa.

Do đó, những đứa trẻ, nhất là những trẻ đang ở trong giai đoạn tập nói sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi ngôn ngữ và giọng nói của người giúp việc. 

Văn hóa sống ở Hà Nội cũng đang thực sự có vấn đề

Bên cạnh mối lo ngại mất dần tiếng Hà Nội, thì văn hóa sống của người Hà Nội hiên nay cũng khiến cho nhiều người ái ngại. 

TS Lê Thị Bích Hồng trăn trở, Hà Nội xưa là thế mà nay “những điều trông thấy” cứ khiến tôi the thắt, buồn và không khỏi “đau lòng”... 

Theo TS Hồng, người Hà Nội bây giờ, tiết kiệm với nhau cả những cái gật đầu, cả những nụ cười và thay vào đó là lối nói xô bồ, tục tĩu huỵch toẹt, thiếu văn hóa, kiểu ăn nói “lệch chuẩn”... nhất là ở giới trẻ. Họ sẵn sàng la hét, quỳ mọp trước thần tượng, nhưng lại “kiệm lời” không biết nói “cảm ơn”, “xin lỗi”...

Một bộ phận nhà hàng mặc sức xả “bún mắng, cháo chửi” để phục vụ thượng đế. Lại có những chủ cửa hàng sẵn sàng chửi bới thậm tệ, thậm chí “đốt vía” nếu như khách vô tình “mở hàng” mà không mua. 

Trên phương tiện công cộng thì một số nhà xe thoải mái văng, ném những “phụ từ” tục tĩu với âm lượng rất lớn đập vào tai hành khách. 

Ngoài phố, dù chỉ một va chạm nhỏ, người ta cũng dễ dàng nổi khùng chửi bới, thậm chí dùng mũ bảo hiểm làm vũ khí để quật nhau không thương tiếc. 

Ở bến xe, bến tàu, chỉ vì tranh giành khách mà người ta không tiếc lời rủa xả nhau. Ngay cả người đáng tuổi con cũng túm ngực quát người đáng tuổi cha chú “thằng già, biến ngay cho nước trong ...”. 

Sống ở khu dân cư, người ta xả rác bừa bãi ở bất cứ nơi nào (trừ nhà mình), bất cứ thời điểm nào. Họ cho trẻ con “tè” “ị” ngay vỉa hè. Dắt chó”ghếch chân tè” phóng uế ở bất cứ đâu thấy tiện. Họ mặc nhiên rồ xe, rú ga ban đêm, đốt than tổ ong trong khu dân cư... mà không cần để ý đến sự khó chịu của những người xung quanh. 

Đã vậy, những nơi công cộng lại được người dân “sáng tạo” thành những tiện ích khác, cầu thang máy trở thành nơi dỗ trẻ ăn, công viên cây xanh trở thành nơi bán hàng, ghế đá công viên trở thành giường trời cho không ít cặp tình nhân “cháy túi”... và còn vô vàn những hành vi ứng xử thiếu văn hóa khác đang tồn tại ngay giữa Thủ đô. 

Đấy là còn chưa nói đến cách ứng xử “tệ bạc” của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội hiện nay.

Như chúng ta cũng đã biết, thời gian vừa qua, trong khi Hội An được một tạp chí du lịch Mỹ có tên Conde Nast Traveler bình chọn là 1 trong 10 thành phố du lịch hàng đầu Châu Á về văn hóa ứng xử thân thiện, thì Hà Nội, và Thành phố Hồ Chí Minh lại “được” tạp chí thương mại Business Week của Mỹ bầu chọn là 2 thành phố top đầu, trong số 55 thành phố có môi trường làm việc kém nhất trên thế giới. Bình chọn được đánh giá dựa trên tiêu chí về mức độ ôi nhiễm môi trường, nguy cơ bệnh tật...

Đưa ra những dẫn chứng như vậy để thấy rằng, những trăn trở, những lo ngại về văn hóa, và lối sống đi xuống của người dân Hà Nội hiện nay là không phải không có cơ sở. 

“Đành rằng, Hà Nội ngày nay đã mở rộng, nhân khẩu đã tăng lên rất nhanh, cuộc sống hiện đại, nhịp sống hối hả hơn rất nhiều. Nhưng, nói gì thì nói, bởi Hà Nội ngày xưa cũng là nơi tụ hội của rất nhiều vùng khác nhau, thế mà tại sao họ vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa của mình” - TS Hồng đặt câu hỏi. 

Vũ Lụa
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/100928/tieng-ha-noi-se-bien-mat-vi-nguoi-giup-viec-.html

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Xem hiện vật từ di tích Chăm nghìn năm ở Đà Nẵng


12/12/2012 09:26
Sáng 11/12, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã công bố những phát hiện mới, độc đáo về di tích kiến trúc đền tháp Chăm có từ thế kỷ XIII tại khu vực Cấm Mít.
Đây là di tích kiến trúc đền tháp Chăm tại khu vực Cấm Mít (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), được Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp khai quật trên diện tích hơn 500m2 từ cuối tháng 9/2012 đến nay.
Tympan (lá nhĩ) khắc hình tượng chim thần Garuda nổi khối, một phát hiện mới, độc đáo về triến trúc văn hóa Chăm
Sau thời gian khai quật, các nhà nghiên cứu đã xác định được toàn bộ quy mô, mặt bằng và cấu trúc nền móng kiến trúc đền tháp Chăm tại khu vực như: hệ thống tường bao, tháp thờ chính, tháp cổng, nhà dài, hệ thống đường đi… và nhiều di vật có giá trị nghệ thuật, nghiên cứu.
Đặc biệt, tại đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 5 Tympan (lá nhĩ) khắc hình tượng chim thần Garuda nổi khối trong tư thế nhìn thẳng hay hộ trì có thể khối lớn với kích thước: rộng từ 1,38-1,66m, cao 1,27 – 1,42m, dày 0,56 – 0,62m.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khu đền tháp Chăm này có niên đại khoảng thế kỷ XIII-XIV, có nhiều điểm khác biệt với di tích Chăm khác được phát hiện trước đó.
Lá nhĩ là phát hiện độc đáo và đặc biệt nhất, được khắc hình tượng chim thần Garuda. Phát hiện này đã lấp khoảng trống nhận thức trước đây của giới nghiên cứu về hình tượng này.
Cũng theo giới chuyên môn, Cấm Mít là một di tích đền tháp Chăm khá đặc biệt, mang phong cách rất riêng, ẩn chứa trong nó nhiều thông tin…nên nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ.
Trước đó, tháng 8/2012, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội công bố kết quả khai quật khu đền tháp Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) với phát lộ hố thiêng độc đáo, lần đầu tiên phát hiện nằm ở trung tâm tháp Chăm.
Cổ vật được khai quật tại di chỉ đền tháp Chăm khu vực Cấm Mít có niên đại từ thế kỹ XIII-XIV.
Lá nhĩ khắc hình tượng chim thần Garuda nổi khối.
Những cổ vật lần đầu tiên được phát hiện phần nào lý giải về văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm xưa.
Theo VTC
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/100687/xem-hien-vat-tu-di-tich-cham-nghin-nam-o-da-nang.html

***

Phát lộ bí ẩn trong lòng đất tháp cổ Mỹ Sơn


4/12/2012 12:06

Như VietNamNet đã đưa tin, mới đây khi nước mưa chảy đã làmphát lộ bức tượng Linga bằng đá sa thạch tại di sản Mỹ Sơn, trên đầu bức tượng có chạm nổi hình tượng thần Siva- tên gọi là Mukhalinga. Đây là nét khác biệt so với các tượng Linga được phát hiện trước đó. Chính những khác biệt của bức tượng Linga này đã hé lộ thêm những cứ liệu về những bí ẩn trong lòng đất của tháp Chăm Mỹ Sơn…
các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật dưới lòng đất Mý Sơn 
đã phát lộ hàng nghìn hiện vật bằng đá sa thạch, gạch ngói…

Không phải đợi đến khi bức tượng Linga có khắc chạm nổi hình thần Siva trên đầu bức tượng được phát lộ tình cờ do mưa lũ, mà trước đó trong nhiều đợt khai quật khảo cổ tại khu thánh địa Mỹ Sơn của Viện Khảo cổ học kết hợp với Trung tâm bảo tồn di sản-di tích Quảng Nam đã phát lộ những bí ẩn dưới lòng đất của khu di tích Chăm Mỹ Sơn-Di sản Văn hoá Thế giới.

Theo các nhà khảo cổ học cho biết họ đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về những hiện vật vừa mới phát hiện, cũng như hàng nghìn hiện vật được phát hiện trước đó dưới lòng đất của khu tháp Chăm Mỹ Sơn đã cho thấy đã từng có một Mỹ Sơn cổ trong lòng đất, với nhiều lớp kiến trúc của nhiều triều đại khác nhau cùng tồn tại.…

Kết quả báo cáo trong các đợt khai quật khảo cổ học trong nhiều năm qua tại khu vực tháp cổ Mỹ Sơn cho biết tại 3 hố khai quật được ký hiệu: H1, H2, H3 ở khu vực phía đông nhóm tháp D, và một đoạn suối khe Thẻ, trên tổng diện tích 390 m2. Các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 445 hiện vật gồm nhiều chủng loại như các thành phần kiến trúc bằng đá, gạch, ngói….

Đáng quan tâm là vật liệu kiến trúc bằng đá được phát hiện trong đợt khai quật này gồm 235 hiện vật có nhiều kích thước khác nhau, được tạo dáng khá đa dạng, với nhiều hoa văn. 
Một kiến trúc bằng đá sa thạch được tìm thấy dưới lòng đất Mỹ Sơn

Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã phát hiện chức năng của từng hiện vật tìm thấy trong kiến trúc như một thanh đá dài 1,78 m, dày 0,42 m, rộng 0,43 m có hai lỗ mộng tròn, được xác định là mi cửa. Dấu vết cho thấy mi cửa này được sử dụng nhiều tạo vết mòn hình elip. 

Còn 6 thanh đá, trong đó thanh dài nhất 2,12 m, dày 0,22 m, rộng 0,24 m, được tạo dáng thẳng vuông sắc cạnh, hai đầu có mộng lồi gắn liên kết, được xác định là cột cửa. Đặc biệt có một cột cửa gồm 3 thanh đá ghép lại với nhau tạo nên hình bát giác dài 1,05 m, cạnh lớn 0,34 m, dày 0,18 m. 

Theo nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ học có thể là chiếc cột của kiến trúc có niên đại sớm. Nhiều hiện vật bằng đá với những hình trang trí gọn nhẹ, khoẻ, bề mặt có nhiều hoạ tiết hoa văn trang trí khác nhau.

Nhiều hiện vật bằng gạch được tìm thấy thường có màu đỏ nhạt, độ nung không cao, giữa có lõi màu xám nhạt, xương gạch pha bã thực vật, độ hút ẩm, hút nước cao. Kích thước gạch đo được 0,26m x 0,16 m x 0,05 m. Hoa văn được chạm khắc trên gạch thường thể hiện hoa dây uốn lượn, lá thực vật, nhưng chủ yếu được khắc thành các khối chìm, nổi tạo nên khối trang trí trong kiến trúc. 

Đáng chú ý là đã phát hiện 4 khối gạch được tìm thấy tại hố khai quật H2 được các nhà khảo cổ nhận định là được xây với kỹ thuật mài chập khối liên kết vững chắc, mạch xây liền khít không lộ chất kết dính. 

Khối liên kết bề mặt được khắc tạc trang trí với băng chạy dọc, thể hiện hoa văn dây xoắn uốn lượn hình sin với những hoạ tiết móc xoắn nối nhau. Hai bên tạc hai cột tiện tròn với những vòng bán khuyên chia thành nhiều đoạn nối nhau một cách hài hoà. Phong cách thể hiện lấy tính đăng đối làm chủ đạo, tạo nên nhịp điệu trong thành phần kiến trúc. 

Ngoài hiện vật kiến trúc bằng đá và gạch, còn phát hiện hàng nghìn mảnh ngói, với nhiều loại khác nhau như ngói âm, ngói dương, đầu ngói ống, mãnh ngói mũi hình lá…và hai hiện vật mảnh gốm gồm mãnh miệng và mảnh thân. Mãnh miệng có màu vàng sậm, miệng vê tròn, uốn cong thót lại, đường kính 0,11 m. 

Nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ có thể đây là mảnh miệng Kendi bị  vỡ. Mảnh thân gốm màu vàng sậm, để trơn không trang trí hoa văn, bên trong có dấu vết kỹ thuật chế tác bằng bàn xoay. 

Theo nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ tham gia khai quật cho biết, đây là những thành phần của các công trình kiến trúc đá được chế tác hoàn chỉnh, được xem là một bộ phận của kiến trúc tháp xây bằng đá bị sập đổ. 

Mặc dù chưa tìm được nền tháp, nhưng các nhà khảo cổ học đã đưa ra nhận định ban đầu có thể đây là khu đền tháp được xây dựng thế kỷ 9 và 13, đã bị sập đổ được phát hiện tại các vị trí có độ sâu từ 0,9 đến 2,3 m so với mặt nền các tháp hiện còn. Các hiện vật đã được lập hồ sơ khoa học, bảo vệ và trưng bày tại chỗ phục vụ cho nghiên cứu và tham quan.

Một giả thiết được các nhà khảo cổ đưa ra khá thú vị, đó là căn cứ những hiện vật tìm thấy tại hố khai quật H1 gồm các mảnh ngói, các kiến trúc bằng đá, bước đầu đã đưa ra nhận định đây là dấu vết kiến trúc của một công trình có lợp mái ngói. Loại hình ngói được tìm thấy trong lòng đất Mỹ Sơn thường được phát hiện tại vùng kinh đô cổ Trà Kiệu và thường có niên đại sớm khoảng thế kỷ thứ IX. 

Các kiến trúc vừa được phát hiện đều để lại dấu vết đổ nghiêng về phía lòng suối khe Thẻ. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự nghiêng, lún của các công trình kiến trúc hiện còn. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong nghiên cứu khảo sát địa tầng xung quanh tháp là một công việc cần thiết cho công tác bảo quản các công trình kiến trúc của di sản…-Giáo sư,Tiến sĩ Trần Trung Tín, Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam nhận định.

Còn Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Viện khảo cổ học Việt Nam thì đưa ra nhận định: “ Khi nghiên cứu các công trình kiến trúc tại Mỹ Sơn, nhiều nhà khoa học và khảo cổ học đã nhận thấy là trong mỗi nhóm các công trình kiến trúc được xây dựng có nhiều niên đại khác nhau còn tồn tại dưới lòng đất cũng như hiện hữu trên mặt đất. 

Nhiều kiến trúc được xây dựng trên cơ sở của kiến trúc cũ. Nhưng, các kiến trúc cổ có niên đại xây dựng từ khi nào vẫn đang còn là bí ẩn chưa được giải mã. Kết quả nhiều đợt  khai quật  trong lòng đất khu tháp Chăm Mỹ Sơn phần nào đã hé mở cho phép kết luận rằng đã từng có một Mỹ Sơn cổ trong lòng đất cội nguồn của các công trình kiến trúc còn hiện diện-Đó là nhận định chung của các nhà khảo cổ học cũng như các nhà khoa học chuyên ngành đã từng đến Mỹ Sơn nghiên cứu nhiều năm qua. 
Những hình ảnh được phát lộ dưới lòng đất Mỹ Sơn minh chứng cho sự tồn tại một Mỹ Sơn cổ trong lòng đất, với nhiều lớp kiến trúc của nhiều triều đại khác nhau cùng tồn tại.…
Một phiến đá hình trụ trên thân được khắc chạm nhiều chữ cổ nằm sâu dưới lòng đất được các nhà khảo cổ phát lộ dưới lòng đất khu đến tháp Mỹ Sơn

Nhiều phiến đá chạm khắc được phát lộ

Một hố khai quật dưới lòng đất Mỹ Sơn đầy gạch ngói vỡ vụn
Phiến đá hình trụ được xác định là trụ cửa đền thờ
Một phiến đá dài có lỗ mộng sâu được xác định là đà cửa đền thờ

Vũ Trung
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/99600/phat-lo-bi-an-trong-long-dat-thap-co-my-son.html